Thiền Tông Bản Hạnh - Phần IV

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần IV
Thiền Tông Bản Hạnh - 3.4 TRẦN THỦ ĐỘ ÉP VUA TRỞ VỀ CUNG

3.4 TRẦN THỦ ĐỘ ÉP VUA TRỞ VỀ CUNG

Thì vừa thiên hạ tìm đòi,

Trần công Thái tể thương ôi những là.

Lệnh rao khắp hết gần xa,

Tìm đòi dấu ngựa khắp hòa đông tây.

Sang khó già trẻ thuở nây,

Cùng tìm Hoàng Đế đêm ngày tân toan.

Tìm lên đến Yên Tử san,

Thấy Vua tụng kinh, thiên ban lòng sầu.

Lão thần quỳ lạy trước sau:

“Vua đi tu đạo tôi hầu làm sao?”

Triều đình tả hữu cùng vào,

Trần ngôn thống thiết thấp cao mọi lòng.

“Chúng tôi phù rập quốc trung,

Thiên hạ phú quý, tây đông an nhàn.

Bằng nay Vua để nhà quan,

Hòa đi tu đạo, dân gian cực sầu.

Nguyền Vua nạp ngôn tôi tâu,

Xá về trị nước, sau già sẽ hay.

Lòng Vua chẳng toan về rày,

Thiên hạ cùng thác ở đây chẳng về.”

Vua thấy thiên hạ sầu bi,

Lòng lo thảm thiết, một khi trình thầy:

“Thiên hạ rước Trẫm về rày,

Lòng muốn tu đạo nguyện thầy dạy sao?”

Dòng dòng nước mắt nhuốm trào,

Một là tiếc đạo, hai là thương dân. Thuở ấy Thiền sư Trúc Lâm,

Thấy Vua thốt vậy, bội phần khá thương.

Trí khôn tâu động Thánh Hoàng:

“Được lòng thiên hạ mới lường rằng bay.

Phù vi nhân quân giả,

Dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm,

Dĩ thiên hạ chi dục vi dục.

Kim thiên hạ dục nghinh,

Nguyện Bệ Hạ qui chi.

Nhiên nội điển chi cứu,

Vô vong tu Tâm luyện Tính nhĩ.”

Nầy đoạn thầy phó chúc Vua:

“Dù về trị nước đế đô kinh thành.

Ngày thì xem việc triều đình,

Đêm thì hằng nhớ tụng kinh tọa thiền.

Phật pháp là đại nhân duyên,

Con cả nối nghiệp thay quyền lại đi.”

Triều đình kính chúc tung hô,

Kiệu dù tàn tán rước Vua ngự về.

Thiên hạ mừng thay bốn bề.

Vua lại xem trị, nước thì điện an.

* * *

Thì vừa thiên hạ tìm đòi,

Trần công Thái tể thương ôi những là.

Lệnh rao khắp hết gần xa,

Tìm đòi dấu ngựa khắp hòa đông tây.

Sang khó già trẻ thuở nây,

Cùng tìm Hoàng Đế đêm ngày tân toan.

Khi hay tin nhà vua đã bỏ cung điện trốn đi, ông Trần Thủ Độ lo lắng thương xót, nên nói: “Trần công Thái tể thương ôi những là”, ông rất là thất vọng.

“Lệnh rao khắp hết gần xa”, cho nên ra lệnh truyền khắp xa gần.

“Tìm đòi dấu ngựa khắp hòa đông tây”. “Tìm đòi dấu ngựa” là tìm kiếm theo dấu ngựa. “Khắp hòa đông tây” là khắp nơi đông tây nam bắc.

“Sang khó già trẻ thuở nây”. Sang là người giàu, khó là người nghèo. Những người giàu nghèo, già trẻ lúc nầy.

“Cùng tìm Hoàng Đế đêm ngày tân toan”. Tân là cay, toan là chua. Tất cảmọi người cùng nhau đi tìm nhà vua suốt đêm ngày, tìm cùng khắp thật là chua cay.

Tìm lên đến Yên Tử san, 

Thấy vua tụng kinh, thiên ban lòng sầu.

Lão thần quỳ lạy trước sau:

“Vua đi tu đạo tôi hầu làm sao?”

“Tìm lên đến Yên Tử san, Thấy vua tụng kinh, thiên ban lòng sầu”. Bản nầy là tụng kinh, bản 1932 là tụng niệm. “Thiên ban lòng sầu”, nghĩa là cả trăm người đều buồn. Các người tìm đến núi Yên Tử, vào chùa thấy nhà vua đang tụng kinh tất cả đều buồn.

“Lão thần quỳ lạy trước sau: Vua đi tu đạo tôi hầu làm sao?” Ông Trần Thủ Độ quỳ xuống lạy thưa: Vua đi tu, bây giờ tôi phải làm sao?

Triều đình tả hữu cùng vào,

Trần ngôn thống thiết thấp cao mọi lòng:

“Chúng tôi phù rập quốc trung,

Thiên hạ phú quý, tây đông an nhàn.

Bằng nay Vua để nhà quan,

Hòa đi tu đạo, dân gian cực sầu.”

Lúc bấy giờ ông Trần Thủ Độ thống thiết thưa với nhà vua:

“Chúng tôi phù rập quốc trung”. Bản 1932 là phù lập, lập là không đúng , bản nầy là phù rập, rập là tất cả đều một lòng, phù rập tức là hết lòng phò vua, quốc trung là trong nước. Nghĩa là chúng tôi ở trong nước đều hết lòng phò vua.

“Thiên hạ phú quí tây đông an nhàn”. Mọi người đều được giàu sang phú quí, đông tây đều được thảnh thơi an nhàn.

“Bằng nay vua để nhà quan”. Ngày nay vua trốn đi tu, bỏ ngôi báu lại cho các quan.

“Hòa đi tu đạo dân gian cực sầu”. Nghe vua đi tu, dân gian rất buồn khổ. 

Đoạn nầy là lời than: Tất cả đều đồng tâm phò vua, dân chúng trong nước đều được bình an no ấm. Nay vua bỏ ngai vàng đi tu, thì dân gian rất buồn khổ.

“Nguyền Vua nạp ngôn tôi tâu,

Xá về trị nước, sau già sẽ hay.

Lòng Vua chẳng toan về rày,

Thiên hạ cùng thác ở đây chẳng về.”

Những lời nầy đặt nhà vua trong thế bất khả kháng. Ông Trần Thủ Độ thưa:

Xin nhà vua nhận lời tôi tâu, bây giờ Ngài trở về trị nước. “Xá về” là bỏ đi, đừng có đi tu. Sau nầy khi già lớn tuổi Ngài sẽ đi tu, còn bây giờ đang khoẻ, đang làm được việc nước mà Ngài đi tu thì rất uổng không thể được, đến già sẽ hay. “Lòng vua chẳng toan về rày”. Nếu vua không ưng trở về, thì:

“Thiên hạ cùng thác ở đây chẳng về”. Tất cả quần thần đều chết tại đây, không về. Ở hoàn cảnh nầy, vua phải xử trí như thế nào? Vua đi tu yên thân mình, nhưng thiên hạ đồng đến thưa: Nếu nhà vua không về, chúng tôi cùng chết tại đây.

Vì từ bi, làm sao Ngài đành lòng thấy cảnh như vậy. Thế nên nhà vua nói:

Vua thấy thiên hạ sầu bi,

Lòng lo thảm thiết, một khi trình thầy:

“Thiên hạ rước Trẫm về rày,

Lòng muốn tu đạo nguyện thầy dạy sao?”

Dòng dòng nước mắt nhuốm trào,

Một là tiếc đạo, hai là thương dân.

Vua ở trong hoàn cảnh rất khó xử:

“Vua thấy thiên hạ sầu bi,

Lòng lo thảm thiết, một khi trình thầy:”

Thấy thiên hạ buồn thảm quá, lòng nhà vua cũng lo buồn thảm thiết, nên

mới trình lại với Thiền sư Viên Chứng:

“Thiên hạ rước Trẫm về rày,

Lòng muốn tu đạo nguyện thầy dạy sao?”

Nay thiên hạ lên rước Trẫm về, nhưng Trẫm rất muốn tu, thầy dạy phải làm sao? Vua tỏ lòng như vậy rồi nước mắt tuôn trào:

“Dòng dòng nước mắt nhuốm trào,

Một là tiếc đạo, hai là thương dân”.

Tại sao Ngài buồn rơi nước mắt? Vì Ngài thấy đạo muốn tu, song lòng thương dân không nỡ, nên Ngài ở trong thế rất là khó xử.

Đến phần Thiền sư Trúc Lâm trả lời:

Thuở ấy Thiền sư Trúc Lâm,

Thấy vua thốt vậy, bội phần khá thương.

Trí khôn tâu động Thánh Hoàng:

“Được lòng thiên hạ mới lường rằng bay.”

Bản nầy là chữ “bay”, có thể chữ “hay” là đúng hơn, “Được lòng thiên hạ mới lường rằng hay".

Ngài Viên Chứng nghe vua nói thật là đáng thương, mới thưa rằng (đây là nguyên văn chữ Hán):

“Phù vi nhân quân giả,

Dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm, Dĩ thiên hạ chi dục vi dục.

Kim thiên hạ dục nghinh,

Nguyện Bệ Hạ qui chi.

Nhiên nội điển chi cứu,

Vô vong tu Tâm luyện Tính nhĩ.”

Ý đoạn nầy nói:

“Phù vi nhân quân giả, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm, dĩ thiên hạ chi dục vi dục”. Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy tâm thiên hạ làm tâm mình, lấy sự mong muốn của thiên hạ làm sự mong muốn của mình.

“Kim thiên hạ dục nghinh, nguyện Bệ hạ qui chi.” Nay thiên hạ muốn đón Ngài về, xin Bệ hạ hãy trở về.

“Nhiên nội điển chi cứu, vô vong tu Tâm luyện Tính nhĩ”. Nhưng về phần nội điển, tức là kinh điển, Ngài phải nghiên cứu, không có quên tu tâm luyện tính vậy.

Đoạn nầy là trích nguyên văn chữ Hán trong lời tựa bài Thiền Tông Chỉ Nam của Ngài Trần Thái Tông. Những lời nầy nói rất rõ, người sau ai ai cũng quí trọng. Một vị Thiền sư khuyên vua: Phàm làm vua, phải lấy tâm thiên hạ làm tâm mình, lấy chỗ mong muốn của thiên hạ làm chỗ mong muốn của mình. Tức là mình làm vua là vì đúng theo sự mong muốn của muôn dân, chớ không phải làm theo lòng riêng tư cá nhân của mình. Lời dạy rất là thống thiết. Bây giờ thần dân muốn rước Bệ hạ về thì Bệ hạ phải về, không có cách nào khác hơn. Tuy nhiên xin nhắc Ngài khi về phải xem kinh điển và khéo tu tâm luyện tính đừng có quên. Đó là lời nhắc của ngài Viên Chứng.

Như vậy chúng ta thấy người xưa không có cái nhìn thiển cận, khi nghe nói vua muốn tu thì khuyên vua trở về lo việc nước, không giữ vua ở lại chùa tu cho mình được nổi danh. Thế nên khi vua xin đi tu, nhưng còn đang lo việc nước, thì phải khuyên vua làm cho tròn bổn phận đối với muôn dân, đừng bỏ ngôi bỏ nước.

Còn đi tu là chuyện riêng của mình, khi rảnh thì tu hoặc khi thanh tĩnh yên lặng thì xem lại kinh điển và tu tâm luyện tính.

Sau đây Thiền sư Chân Nguyên diễn tả thêm cho rõ ràng:

Nầy đoạn thầy phó chúc Vua:

“Dù về trị nước đế đô kinh thành,

Ngày thì xem việc triều đình,

Đêm thì hằng nhớ tụng kinh tọa thiền.

Phật pháp là đại nhân duyên,

Con cả nối nghiệp thay quyền lại đi.”

Ngài Viên Chứng dặn dò nhà vua: Dù về trị nước ở chốn đế đô kinh thành, nhưng ban ngày thì vua xem việc triều chính, còn ban đêm nhớ tụng kinh tọa thiền. “Phật pháp là đại nhân duyên, Con cả nối nghiệp thay quyền lại đi.”

Gặp được Phật pháp là người có nhân duyên lớn, không phải là thường. Vì thế sau nầy khi Bệ hạ có con lớn rồi, hãy trao ngôi lại cho con để đi tu. Đó là lời dặn theo lối nhìn rộng rãi của ngài Chân Nguyên.

Triều đình kính chúc tung hô,

Kiệu dù tàn tán rước Vua ngự về.

Thiên hạ mừng thay bốn bề,

Vua lại xem trị, nước thì điện an.

Nghe Thiền sư Viên Chứng khuyên vua trở về theo lòng dân, nên mọi người đều hoan nghênh. Lúc đó nào kiệu nào dù, nào tàn nào tán che đầy khắp để đón rước vua trở về triều, ai nấy đều mừng rỡ hân hoan. Khi vua trở về coi việc nước thì nước được bình an thịnh trị.

Qua đoạn nầy chúng ta thấy điểm đặc biệt của nhà vua cũng như của vị Thiền sư. Điểm đặc biệt của vua Trần Thái Tông là trong lòng Ngài ôm ấp hai việc: 

Một là mộ đạo tha thiết, hai là thương dân chí tình, mộ đạo thương dân, bên nào cũng nặng. Cho nên trốn được thì trốn đi tu, nhưng nghe dân sẵn sàng đón mình về, liều chết đón mình về, thì Ngài không nỡ bỏ, vì thế mà bị giằng co giữa đạo và đời, không thể nào dứt khoát được. Hoàn cảnh của Ngài đi tu rồi phải trở về là vì lòng dân mong muốn, nên Ngài phải trở về.

Còn hiện nay chúng ta đi tu, lâu lâu muốn trở về là tại sao? Thật thà mà nói, nhiều người tu một thời gian, bất thần nhớ cha nhớ mẹ, cha mẹ không gọi về cũng lên xin thầy cho con về thăm. Lòng cha mẹ chưa muốn mà mình muốn. Cha mẹ muốn con tu cho đến ngày đạt đạo nhưng nhớ cha mẹ lại xách gói chạy về! Đó là vì sự quyết tâm của mình chưa tha thiết chưa vững mạnh như người xưa. Một ông vua thương dân thương nước lại còn quí kính đạo đức, như thế không phải là một vị vua hiền hay sao?

Đến điểm đặc biệt của vị thầy, của một Thiền sư. Sư hỏi: Nhà vua đi đâu?

Thưa: Con lên núi tu để cầu thành Phật. Sư liền chỉ rõ: Phật ở ngay nơi tâm mình, ở ngay lòng mình, chớ không phải Phật ở núi. Muốn thấy Phật ở tâm mình ở lòng mình, làm sao thấy? Qua sáu căn, những cử động của sáu căn, đó là hiện tướng Phật, chỉ đừng có niệm thứ hai. Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý duyên theo pháp, nhưng đừng có niệm thứ hai. Thấy người là người, thấy cái nhà là cái nhà, thấy cây gậy là cây gậy, là cái thấy của ai? Đó là cái thấy của Thiền sư. Vậy là có niệm thứ hai không? Nếu thấy người, lại nói đẹp xấu, là có niệm thứ hai, thấy cây gậy cũng đẹp xấu, thấy cái nhà cũng đẹp xấu, là có niệm thứ hai. Có niệm thứ hai thì mất Phật rồi, đó là phàm chớ không còn Phật nữa.

Nếu thấy nghe ngửi nếm v.v... chỉ một niệm đầu không có niệm thứ hai thì Phật hiện tiền, nếu có niệm thứ hai, tức là chúng sanh. Thử hỏi tất cả chúng ta khi thấy nghe ngửi nếm có đến niệm thứ mấy? Thấy người thì khởi niệm người nầy đẹp người kia xấu, người đẹp dễ thương người xấu dễ ghét, là đến niệm thứ mấy rồi? Đó là phàm tục, không phải Phật, cũng là tâm nhưng là tâm phàm tục. Nếu chỉ có một niệm đầu không có niệm thứ hai, đó là tâm Phật, rất là rõ ràng, không có giấu giếm, không có che đậy chút nào. Như thế chúng ta nên tìm Phật ở đâu? Ngay nơi mình, chớ không ở đâu xa cả. Đó là lời nói chí thiết để chúng ta biết người thấy đạo rồi thì nói điều gì cũng không ngoài cái thấy của mình. Đứng về mặt chỉ thẳng đây gọi là thiền trực chỉ, trực chỉ nhân tâm là như vậy, Thiền sư đã chỉ thẳng cho nhà vua rồi.

Đây nói đến cách xử sự, nếu là một ông vua thì phải như thế nào? Là vua thì phải lấy tâm của người dân làm tâm của mình, lấy cái mong muốn của người dân làm cái mong muốn của mình. Nếu là thầy tu thì phải như thế nào? Là thầy tu thì phải lấy tâm mong muốn của Phật tử làm tâm của mình. Phật tử cúng dường cho Tăng Ni có cơm ăn áo mặc là muốn Tăng Ni tu, thì mình phải rán tu. Nếu không muốn thì Phật tử đâu có cúng dường. Thế nên khi Phật tử ủng hộ, thì chúng ta phải rán tu. Cho nên có thể nói: “Phàm Tăng Ni giả, dĩ Phật tử chi tâm vi tâm, dĩ Phật tử chi dục vi dục”. Như vậy mới đúng ý muốn của Phật tử lo cho Tăng Ni có cơm ăn áo mặc để tu. Nếu Tăng Ni không lo tu hành, lại làm những chuyện vô ích không đâu là trái với sở nguyện của Phật tử, trái với sở nguyện của chúng sanh. Vì vậy người tu là phải làm theo sở nguyện của Phật tử, tức là họ muốn mình tu thì mình phải tu. Khi nào không ai ngó ngàng tới, không ai ủng hộ người tu nữa, thì trở về còn khả dĩ. Còn bây giờ Phật tử ủng hộ đầy đủ cơm no áo ấm mà chúng ta nghĩ đến việc lui bước là trái với sở nguyện của Phật tử, tức là trái với tâm ý của chúng sanh, thật là không tốt. Đây là lời chúng tôi nhắc nhở quí vị trên đường tu phải thấy cho thật kỹ bổn phận của mình.

3.5 VUA TU THIỀN TẠI GIA

Trị vì được mười ba xuân,

Chốc mòng đạo Bụt, lại toan sự lòng.

Nhớ lời thầy dạy chẳng vong,

Mời chư Thiền Đức Lão Tăng vào chầu.

Thăm hỏi kinh giáo trước sau,

Kim Cương thường tụng lẽ mầu tinh thông.

Liễu đạt tám chữ làm xong,

Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm.

Vua ngồi tức lự trầm ngâm,

Hoát nhiên đại ngộ mới thâm vào lòng.

Ngỏ được Bát Nhã Tâm Tông,

Vạn Pháp diệu dùng, tự tính hiển dương.

Bản lai diện mục chân thường,

Viên dung Pháp giới đường đường tịch quang.

Khi thì ngồi ngự ngai vàng, Khi thì tọa định thiền sàng bóng cây.

Lòng Thiền nghiêm cẩn ai hay,

Quả Bồ Đề chín, đến ngày thu công.

Thiên hạ Nam Bắc Tây Đông,

Thấy Vua đắc đạo cong lòng vui thay!

Sang khó già trẻ thuở nay,

Cùng đi học đạo số rầy đề đa.

Đắc đạo bằng cát sông Hà,

Nhờ ơn Hoàng Đế quốc gia phát lòng.

Dù ai tính đã bạo hung,

Lại hồi chánh thiện, ra lòng đi tu.

Vạn dân Kích nhưỡng Khang cù,

Nhà nhà thờ Bụt Nam Mô Di Đà.

Này đoạn Lão Tăng thầy già,

Ở Yên Tử già, tìm xuống thành đô.

Vua mừng tặng phong Quốc sư,

Trọng Tăng kính Phật phụng thờ nghiêm trang.

Phán ở Thắng Đức điện đường,

Sửa kinh soạn lục để truyền hậu lai.

Thiên Phong là thầy nước người,

Trí tuệ cao tài, kinh lịch chư bang.

Tiếng đồn Việt quốc Đế Vương,

Có Vua tu Đạo, người thường xảy qua.

Xưng rằng: “Lâm Tế tông xưa,

Pháp phái diễn thừa, vân thủy A Nam.

Hội thiện tri thức lại tham,

Ích minh tôn chỉ càng thâm lòng Thiền.

Sư trưởng là đại nhân duyên,

Thiện hữu trợ giáo hộ quyền Nam Mô.

Thái Tông mở Phật trường đồ,

Quỳnh Lâm, Tư Phúc cùng chùa Hoa Yên.

Trai Tăng ngũ bách dư viên,

Thế phát thụ giáo thiên thiên vàn vàn.

Thành thị cho đến lâm san,

Tùy căn tu chứng, thanh nhàn yên cư.

* * *

Đoạn này rất quan trọng. Trị vì được mười ba xuân,

Chốc mòng đạo Bụt, lại toan sự Lòng.

Nhớ lời thầy dạy chẳng vong,

Mời chư Thiền Đức Lão Tăng vào chầu.

“Trị vì được mười ba xuân”. Ngài trở về làm vua được mười ba xuân tức là mười ba năm.

“Chốc mòng đạo Bụt lại toan sự lòng”. Chốc mòng là nhớ đến, chốc mòng đạo Bụt là nhớ đến đạo Phật. Lại toan sự lòng là khi về làm vua, vì có giặc giã bận rộn nên Ngài quên. Nay nhớ đến đạo Phật, trong lòng Ngài lại lo lắng.

“Nhớ lời thầy dạy chẳng vong”. Nhớ lời thầy Viên Chứng dạy, Ngài chẳng dám quên.

“Mời chư Thiền Đức Lão Tăng vào chầu”. Khi ấy Ngài mời các vị Thiền Đức, các bậc Lão Tăng đến để thưa hỏi đạo lý.

Thăm hỏi kinh giáo trước sau, 

Kim Cương thường tụng lẽ mầu tinh thông.

Liễu đạt tám chữ làm xong,

Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm.

Khi thưa hỏi đạo lý rồi, Ngài chuyên trì tụng kinh Kim Cương. Một hôm cầm quyển kinh Kim Cương, đọc đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài để kinh xuống trầm ngâm giây lâu, cho nên nói:

Vua ngồi tức lự trầm ngâm,

Hoát nhiên đại ngộ mới thâm vào lòng.

Ngỏ được Bát Nhã Tâm Tông,

Vạn Pháp diệu dùng, tự tính hiển dương.

Bản lai diện mục chân thường,

Viên dung Pháp giới đường đường tịch quang.

“Vua ngồi tức lự trầm ngâm”. Vua ngồi trầm ngâm, đọc đi đọc lại câu

“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

“Hoát nhiên đại ngộ mới thâm vào lòng”. Khi ấy bỗng nhiên đại ngộ được ý nghĩa câu kinh “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nên trong lòng được thấu suốt.

“Ngỏ được Bát Nhã Tâm Tông”. Chữ ngỏ là hiểu. Hiểu được tâm tông Bát Nhã.

“Vạn Pháp diệu dùng, tự tính hiển dương”. Muôn pháp đều là diệu dụng, tánh mình hiển bày ra không còn giấu giếm nữa.

Như vậy là vua Trần Thái Tông đang ở ngôi trị vì, chỉ trì kinh Kim Cương, đến khi nghiền ngẫm câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài hoát nhiên đại ngộ. Sau khi ngộ Ngài có viết quyển “Thiền Tông Chỉ Nam”. Khi Thiền sư Viên Chứng đến thăm, vua trình quyển sách, Thiền sư xem qua liền nói: Đây là thấu suốt được Tâm tông. Thế nên điểm đặc biệt của tinh thần Thiền tông đời Trần là đang làm vua mà tu vẫn ngộ đạo, chớ không phải là người bần hàn hay người ở trong non trong núi tu mới ngộ đạo. Còn chúng ta hiện nay là Tăng Ni ở trong thiền viện yên tĩnh mà không ngộ đạo, nghĩ có buồn không? Làm vua tu ngộ đạo là một khích lệ cho tất cả người cư sĩ thời nay. Các cư sĩ khi đến chùa cứ than:

Chúng con bận quá không có thì giờ tu. Bận việc gì? Sáng lo đi làm, hoặc đi chợ nấu ăn, rồi tiếp khách, đến chiều làm vài việc lặt vặt, rồi tối đi ngủ. Chỉ có bao nhiêu việc đó mà tu không được, thật là quá dở. Nếu vì bận, tu không được thì vua Trần Thái Tông bận bao nhiêu việc nước ắt không ngộ đạo. Nhưng vua tu ngộ đạo thì chúng ta không còn lý do gì đổ lỗi bận quá tu không được. Chỉ vì chúng ta tu còn dở, còn yếu, chưa có thiết tha, chớ không phải vì bận rộn! Thật vậy nếu thiết tha tu thì dù ở nhà hay ở chợ tu cũng ngộ đạo. Ở đây chúng ta thấy điểm kỳ đặc của người xưa, khi quyết tâm tu thì ngộ đạo. Ngộ được Tâm tông rồi mới thấy cái

diệu dụng của muôn pháp, mới hiển bày được tự tánh của mình.

“Bản lai diện mục chân thường”. Bản lai diện mục của mình là cái chân thật thường còn, không phải chúng ta chỉ có tướng của thân sanh diệt vô thường, của tâm lăng xăng dao động. Thân sanh diệt, tâm dao động không phải là cái thật của mình, mà cái thật của mình là cái bản lai diện mục, chưa từng sanh chưa từng diệt, chân thật, thường còn. Cái đó ở đâu?

“Viên dung Pháp giới đường đường tịch quang”. “Viên dung pháp giới”, tức là trùm khắp pháp giới, “đường đường tịch quang” là rõ ràng trong sáng lặng lẽ. Thế thì ngay nơi chúng ta sẵn có cái bản lai diện mục thường còn không giới hạn, bao dung cả pháp giới và luôn luôn thường giác.

Khi thì ngồi ngự ngai vàng,

Khi thì tọa định thiền sàng bóng cây.

Lòng Thiền nghiêm cẩn ai hay,

Quả Bồ Đề chín, đến ngày thu công.

Thiên hạ Nam Bắc Tây Đông,

Thấy vua đắc đạo cong lòng vui thay!

Là một ông vua có khi ngồi trên ngai vàng để lo việc nước, có khi rảnh rỗi ra vườn ngự uyển ngồi thiền dưới cội cây. Như thế thì ở trên ngai vàng, hay ở ngoài vườn ngự uyển, tùy duyên mà ứng dụng.

“Lòng Thiền nghiêm cẩn ai hay,

Quả Bồ Đề chín, đến ngày thu công”.

Ở trong mọi hoàn cảnh mà tâm thiền của Ngài rất là cẩn mật, không ai hay biết. Đến khi quả Bồ đề chín, Ngài thu nhặt được công phu kết quả của mình.

“Thiên hạ Nam Bắc Tây Đông, Thấy Vua đắc đạo cong lòng vui thay.” “Cong lòng” là trong lòng, vì ngày xưa đọc như vậy. Tất cả thiên hạ đông tây nam bắc nghe nhà vua ngộ đạo, trong lòng ai cũng vui mừng sung sướng.

Sang khó già trẻ thuở nay,

Cùng đi học đạo số rầy đề đa.

Đắc đạo bằng cát sông Hà,

Nhờ ơn Hoàng Đế quốc gia phát lòng.

Khi ấy những người già trẻ nghèo giàu, nghe vua tu hành đắc đạo, ai nấy

đều rủ nhau đi tu rất nhiều.

“Đắc đạo bằng cát sông Hà,

Nhờ ơn Hoàng Đế quốc gia phát lòng”.

Số người sau nầy ngộ đạo nhiều như cát sông Hồng Hà. Tại sao được ngộ đạo? Nhờ ơn nhà vua đi tu cho nên mọi người phát tâm cùng đi tu. Vua đi tu đắc đạo, thì tất cả người cư sĩ giàu nghèo gì cũng có thể tu được. Thế nên ngày nay chúng tôi chủ trương khôi phục Thiền Tông đời Trần. Biết đâu mai kia chúng ta sẽ:

“Cùng đi học đạo số rày đề đa”, số người cư sĩ sẽ rủ nhau đi tu đạo rất là nhiều.

Dù ai tánh đã bạo hung,

Lại hồi chánh thiện, ra lòng đi tu.

Vạn dân Kích nhưỡng Khang cù,

Nhà nhà thờ Bụt Nam Mô Di Đà.

Nghe nhà vua đi tu, tất cả người dân trong nước dù là những kẻ tánh tình hung bạo cũng cải thiện, cũng lần hồi tu tập.

“Vạn dân Kích nhưỡng Khang cù”. Kích nhưỡng là tên một bài ca đời vua Nghiêu, Khang cù là tên một bài ca dao đời vua Thuấn, ý nói muôn dân đều được hát ca vui vẻ trong cảnh thái bình.

“Nhà nhà thờ Bụt Nam Mô Di Đà”. Nhà nhà đều thờ Phật, và niệm Nam Mô Di Đà. Đây là cách nhìn của ngài Chân Nguyên vì tác phẩm nầy là của Ngài.

Ngài thuật lại đời tu của các vua Thiền sư đời Trần. Các vua Trần tu Thiền ngộ đạo, ngài Chân Nguyên cũng tu Thiền ngộ đạo, nhưng Ngài ở vào thế kỷ XVII, cách đời Trần đến bốn thế kỷ, nên vì hoàn cảnh Ngài hướng nhiều về Tịnh độ.

Ngài có viết những quyển như Yếu Nghĩa Tịnh Độ, Đường Lối Tu Tịnh Độ và lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa. Tại sao? Vì có hai lý do:

Lý do thứ nhất là thời nhà Trần là thời chuyên tu Thiền, lấy sự tu Thiền làm gốc. Các Thiền sư nhà Trần lại là những vị lãnh đạo đất nước, cho nên dân chúng đua nhau tu Thiền, nếu có niệm Phật cũng niệm theo lối Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. Sau đời Trần đến đời Hồ, rồi nhà Minh qua cai trị. Sau đó là đời Hậu Lê, các vua chúa thời đó trọng Nho khinh Phật, cho nên Phật giáo không được giới trí thức ngưỡng mộ nữa, trái lại Phật giáo đi thẳng vào quần chúng bình dân ở miền quê. Tuy các Thiền sư vẫn ngộ đạo từ Thiền, những người lãnh đạo Phật giáo là Thiền sư, nhưng đa số quần chúng theo đạo Phật không hiểu được lý Thiền, cho nên các Ngài mới dạy Tịnh Độ. Vì thế vào thời cuối Lê, Tịnh Độ bắt đầu phát đạt.

Lý do thứ hai, cuối đời Lê là thời kỳ Nam Bắc phân tranh, đất nước Việt Nam bị chia đôi, lấy sông Gianh làm ranh giới, Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra, 

Đàng Trong từ sông Gianh trở vào. Đất nước bị chia đôi, lại thêm giặc giã liên miên cho nên lòng người thời đó yếu đi, không còn đức tự tin vững mạnh. Vì thế quí Ngài thấy dạy niệm Phật dễ hơn, có một nguồn an ủi trông cậy từ bên ngoài thì

thích hợp hơn. Do đó thời nầy bắt đầu hướng người Phật tử vào phương pháp tu Tịnh độ. Cho nên vào thế kỷ XVII, ngài Chân Nguyên là một Thiền sư mà nói câu:

“Nhà nhà thờ Bụt, Nam Mô Di Đà”, là tu niệm Phật Di Đà, tức là tu Tịnh độ. Vì thế chúng ta phải thấy rõ ý nghĩa của đoạn nầy.

Này đoạn Lão Tăng thầy già,

Ở Yên Tử già, tìm xuống thành đô.

Vua mừng tặng phong Quốc sư,

Trọng Tăng kính Phật phụng thờ nghiêm trang.

Phán ở Thắng Đức điện đường,

Sửa kinh soạn lục để truyền hậu lai.

Ở Yên Tử già là ở chùa núi Yên Tử, già là già lam, là chùa. Đây nói đến đoạn vị thầy lớn tuổi ở chùa núi Yên Tử tìm xuống thành đô, tức là chỉ Thiền sư Viên Chứng. Lúc trước nhà vua có lên núi Yên Tử xin tu, nên khi gặp lại Thiền sư, vua rất mừng, phong tặng Ngài hiệu Quốc sư, nên lúc bấy giờ gọi ngài là Quốc sư Viên Chứng. Với lòng trọng Tăng kính Phật, vua thờ phụng Ngài rất là trang nghiêm. Ở điện Thắng Đức, vua yêu cầu Quốc sư “sửa kinh soạn lục để truyền hậu lai” tức là sửa những bản dịch kinh, soạn lại những bài lục để truyền bá sau nầy.

Thiên Phong là thầy nước người,

Trí tuệ cao tài, kinh lịch chư bang.

Tiếng đồn Việt quốc Đế Vương,

Có Vua tu Đạo, người thường xảy qua.

Đây nói đến Thiền sư Thiên Phong ở Trung Hoa, nước người là chỉ nước Trung Hoa. Ngài là một Thiền sư trí tuệ tài cao, đi các nơi để truyền bá Thiền Tông. Nghe đồn ở Việt Nam có ông vua tu ngộ đạo nên Ngài tìm đến để hiểu biết và hướng dẫn thêm.

“Có vua tu Đạo, người thường xảy qua”. Bản nầy là “người thường xảy qua”, chữ xảy qua nghĩa là chợt đến. Bản 1932 là “người thường tinh thông” là chỉ cho nhà vua tinh thông . Chữ xảy qua thích hợp hơn. Ý câu nầy nói Thiền sư Thiên Phong nghe đồn vua nhà Trần hiểu đạo cho nên Ngài mới qua đến Việt Nam.

Xưng rằng: “Lâm Tế tông xưa, Pháp phái diễn thừa, vân thủy A Nam. Hội thiện tri thức lại tham, Ích minh tôn chỉ càng thâm lòng thiền.

Sư trưởng là đại nhân duyên, Thiện hữu trợ giáo hộ quyền Nam Mô”.

Ngài Thiên Phong tự xưng là Ngài kế thừa tông Lâm Tế và theo pháp phái của tông Lâm Tế. Ngài vân du sang Việt Nam, họp những bậc thiện tri thức lại để cùng tham thiền. Tham thiền là tham vấn thưa hỏi về thiền.

“Ích minh tôn chỉ càng thâm lòng Thiền”, ích là càng , minh là sáng, tức là làm sáng thêm tông chỉ và làm sâu thêm lòng tu thiền và hiểu thiền.

“Sư trưởng là đại nhân duyên”. Người tu thiền cũng như tất cả người tu Phật, gặp được bậc thiện tri thức, bậc Sư trưởng xứng đáng hàng thầy để hướng dẫn là một nhân duyên lớn.

“Thiện hữu trợ giáo hộ quyền Nam Mô”. Còn bạn bè huynh đệ là người giúp đỡ cho mình tu hành, cho nên nói là “hộ quyền Nam Mô”.

Thái Tông mở Phật trường đồ, Quỳnh Lâm, Tư Phúc cùng chùa Hoa Yên.

Trai Tăng ngũ bách dư viên,

Thế phát thụ giáo thiên thiên vàn vàn.

Thành thị cho đến lâm san,

Tùy căn tu chứng, thanh nhàn yên cư.

Ngài Trần Thái Tông “mở Phật trường đồ” tức là mở trường dạy Phật pháp cho đồ chúng. Trường đó mở tại chùa Quỳnh Lâm, chùa Tư Phúc và chùa Hoa Yên. Ba chùa nầy là nơi để chư tăng đến tu học.

Ngài cúng dường “trai Tăng ngũ bách dư viên” là cúng dường hơn năm trăm vị tăng chúng.

“Thế phát thụ giáo thiên thiên vàn vàn”. Những người xuất gia tu thiền

“thiên thiên vàn vàn” là nhiều đến ngàn muôn người.

“Thành thị cho đến lâm san”. Từ thành thị cho đến nơi rừng núi.

“Tùy căn tu chứng, thanh nhàn yên cư”. Tùy theo căn cơ mà có sự tu chứng được yên ổn tu hành. Đoạn nầy kể lại thời ngài Trần Thái Tông mở mang Phật pháp.

Mục lục
Phần : I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IX XI - XII

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ