THIỀN SƯ THIỆN HỘI

THIỀN SƯ THIỆN HỘI

THIỀN SƯ THIỆN HỘI

 Giáp Sơn - (741-817)

Sư họ Liêu, quê ở Hiện Đình, Quảng Châu. Lức chín tuổi, Sư xuất gia tại núi Long Nha, Lễ Châu. Sau, Sư đến Giang Lăng tập học kinh luận chuyên luyện tam học và gắng sức tham thiền. Sư trụ trì tại Kinh Khẩu (Lễ Châu), một hôm nhân Đạo Ngô (Viên Trí) đi đến, rồi mách Sư đến tham vấn Hoa Đình Thuyền Tử, do đó được ngộ đạo. Sư trốn ẩn nơi vắng vẻ, mà học giả vẫn tấp nập tìm đến.

*

Đời Đường niên hiệu Hàm Thông thứ 11 (870), toàn chúng thỉnh Sư đến trụ tại Giáp Sơn, nơi đây liền biến thành Thiền viện.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Từ có Tổ đến đây, người ta lầm hội, nối  nhau đến nay đều lấy lời Phật, Tổ làm mô phạm dạy người. Như thế, trở thành kẻ cuồng người vô trí rồi. Kia chỉ bày tỏ cho các ngươi: ?Không pháp vốn là đạo, đạo không một pháp; không Phật có thể thành, không Đạo có thể đắc, không Pháp có thể xả.? Cho nên nói: ?trước mắt không pháp, ý tại trước mắt (mục tiền vô pháp, ý tại mục tiền)?. Kia chẳng phải là pháp trước mắt. Nếu nhằm bên Phật, Tổ mà học, người này chưa có mắt sáng, đều thuộc về pháp có chỗ nương không được tự tại, vẫn là thức tánh sanh tử mênh mang không có phần tự do.

Ngàn muôn dặm tìm thiện tri thức, cốt có cái thấy chân chánh hằng thoát khỏi hư dối, định lấy cái sanh tử trước mắt xem là thật có hay là thật không? Nếu có người định được lẽ này, hứa nhận ông sẽ giải thoát.

Người thượng căn ngay lời nói liền rõ đạo; kẻ căn khí bậc trung, bậc hạ chạy lăng xăng như sóng bủa. Sao chẳng nhằm trong sanh tử mà an định? Sẽ nhận lấy chỗ nào? Lại nghi Phật nghi Tổ thế cái sanh tử cho ông được sao? Người có trí sẽ cười ông. Nghe kệ đây:

Lão trì sanh tử pháp                       Nhọc gìn pháp sanh tử

Duy hướng Phật biên cầu.             Chỉ nhằm bên Phật cầu

Mục tiền mê chánh lý                    Trước mắt lầm lý chánh

Bác hỏa mích phù âu.                     Trong lửa bọt có đâu.

Có vị Tăng hỏi:

- Từ trước lập ý Tổ và ý kinh, vì sao độ này Hòa thượng nói không?

Sư đáp:- Ba năm chẳng ăn cơm, trước mắt không người đói.

- Đã không người đói, tại sao con chẳng ngộ?

- Chỉ vì ngộ mê đuổi Xà-lê. Sư nói tụng:

Minh minh vô ngộ pháp                  Rõ ràng không pháp ngộ

Ngộ pháp khước mê nhân               Pháp ngộ đuổi người mê.

Trường tho lưỡng cước thùy          Duỗi thẳng hai chân ngủ

Vô ngụy diệc vô chân.                     Không ngụy cũng không chân.

*

Sư có nuôi một đạo nhỏ theo làm thị giả đã lâu; sau khi Sư dừng trụ bèn khiến đi hành khước. Ông dạo đi khắp các Thiền hội mà không có chỗ dụng tâm, nghe thầy hợp chúng dạy đạo nổi danh vang dậy. Ông bèn trở về hầu hạ, thưa:

- Hòa thượng có việc kỳ đặc như thế, tại sao trước chẳng chỉ dạy cho con?

Sư bảo:

- Ngươi nấu cơm thì ta nhóm lửa, ngươi bưng dọn thì ta giở chén, có chỗ nào mà ta cô phụ ngươi?

Ông đạo nhân đây ngộ nhập.

*

Có Đại đức đến hởi:

- Về ý kinh thì con chẳng nghi, chỉ việc trong Thiền môn là thế nào?

Sư đáp:- Lão tăng cũng chỉ biết biến sống thành chín.

- Thế nào là lý thật tế?

- Cây trên đá không rễ, núi ngậm mây chẳng động.

- Thế nào là sư tử ra khỏi hang?

- Hư không chẳng hình bóng, dưới chân mây đồng nội dậy.

*

Trong hội của Sư có một vị Tăng đi đến Thạch Sương, vào cửa liền nói: ?Chẳng xét.? (bất thẩm) Thạch Sương bảo: ?Chẳng cần Xà-lê.? Ông liền nói: ?Thế ấy thì trân trọng.? Ông lại đi đến Nham Đầu, cũng nói: ?Chẳng xét.? Nham Đầu bèn ?hư! hư!? Ông nói: ?Thế ấy thì trân trọng.? Ông vừa bước trở ra, Nham Đầu bảo: ?Tuy là hậu sanh cũng khá sắp xếp.?

Ông về tường thuật cho Sư.

Hôm sau, Sư lên tòa bèn gọi:

- Vị Tăng hôm qua từ Thạch Sương, Nham Đầu về ra xem! Vị Tăng bước ra thuật lại toàn chúng nghe. Tăng thuật xong, Sư bảo:

- Đại chúng lại hội chăng? Nếu không người nói, Lão tăng chẳng tiếc hai sợi lông mày để nói ra; Thạch Sương tuy có đao sát nhân mà không có kiếm hoạt nhân (người sống). Nham Đầu có đao sát nhân cũng có kiếm hoạt nhân.

*

Tăng hỏi:- Thế nào là cảnh Giáp Sơn?

Sư đáp:- Vượn bồng con về ngọn núi xanh.

Chim ngậm hoa rơi trước đỉnh biếc.

*

Đời Đường niên hiệu Trung Hòa năm đầu (881) ngày mùng bảy tháng mười một, Sư gọi Chủ sự bảo:

- Nay chất huyễn của ta khi hết liền đi, các ông khéo gìn giữ như ngày ta còn, chớ giống như người đời sinh ra buồn thảm.

Ngay đêm ấy, Sư an nhiên mà tịch, thọ bảy mươi bảy tuổi. Vua phong là Truyền Minh Đại sư, tháp hiệu Vĩnh Tế.

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ