Chính nơi đây, vẫn con đê nhỏ quanh co theo cánh đồng làng, những mái lá nhấp nhô và khói lam lan tỏa, nơi tôi đã sống đầy kỷ niệm ấu thơ. Vẫn cây lá um tùm. Ờ không! Nó đã cao lớn hơn nhiều và che mát cả con đê.
Nó
Thoáng thấy đâu đây - trong nỗi nhớ - dáng ai gầy gầy gánh hàng cá mỗi chiều tan chợ về. Ở cuối đê, kìa cây cầu ván ủ rũ nằm vắt mình qua con kênh nhỏ. Nước vẫn xanh dòng trôi êm ả, xua từng đám lục bình trôi về đâu… ai biết! Một căn nhà lá nhỏ xíu đã hiện ra sau mấy rặng lau, có vẻ hiu quạnh quá! Có lẽ, nó đã bị lãng quên từ lâu lắm. Đó từng là tổ ấm của một gia đình, tuy nghèo mà hạnh phúc. Nếu như… sóng gió cuộc đời không nổi dậy, phủ lên màu tang tóc, đau thương. Phía sau căn nhà, có ba nấm mộ cỏ đã lên xanh đầy. Cùng một lỗi lầm đến suốt đời vẫn khó được thứ tha …

Ở cái tuổi mười lăm, mười sáu, chị nó như già dặn hơn các bạn đồng trang lứa rất nhiều. Mà cũng phải thôi! Chừng ấy tuổi đầu đã phải bươn chải mưu sinh, lo toan sau trước. Còn chăm sóc, nuôi nấng một đứa em chỉ mới có mấy tháng tuổi. Nghe kể lại rằng: Hồi nó còn trong bụng mẹ, căn nhà nhỏ này luôn rộn rã tiếng cười. Cha nó đi làm thuê cho người ta, còn mẹ nó thì có nghề may vá. Cuộc sống chỉ vừa đủ cơm ăn ngày ba bữa đạm bạc và lo cho chị nó đi học. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi cả nhà đón tin sắp có thêm một thành viên mới là nó chào đời. Đêm trăng thanh, cả nhà hay ngồi bên nhau, trên bộ bàn ghế bằng tre do cha nó làm, để ở giữa sân. Vừa hóng mát vừa kể chuyện nhau nghe và ăn củ ấu củ khoai, cho xua đi những mệt nhọc của ngày dài vất vả. Chị nó ngồi cạnh mẹ để tay được xoa cái bụng tròn tròn của mẹ. Rồi chị nó thỏ thẻ: “Bé Út ngoan đừng đạp mẹ đau, đừng có làm mẹ mệt. Hai mới thương Út nhiều. Mai mốt Út ra đây, có gì ngon cũng nhường cho Út, rồi ẵm Út đi chơi nữa. Út lớn một chút Hai dẫn Út đi học”. Nhiều lắm!

Ai cũng trông đợi ngày nó chào đời với bao niềm thương yêu, hy vọng. Những tưởng cuộc sống như thế là hạnh phúc bền lâu. Nào ngờ vô thường tấn tốc và sự lạnh lùng của tử thần đã đột ngột cướp đi mạng sống cha nó, trong một tai nạn lao động thương tâm. Mẹ nó ngất xỉu và khóc không biết bao nhiêu lần, khi trông thấy xác cha nó được người ta đưa về nhà và khi lo hậu sự. Nỗi đau đớn xé lòng như thế cần phải có một thời gian để chấp nhận và cân bằng. Nhưng mẹ nó cố gượng dậy thật mau. Có lẽ, chỉ đơn giản vì bà là mẹ. Dù đêm nào bà cũng khóc rất nhiều bên di ảnh chồng, vì thương nhớ vì đau xót. Đôi vai gầy của người mẹ trẻ lại ngày thêm trĩu nặng nhưng bà không cho phép mình được mệt mỏi. Rồi ngày sinh cũng đến, mẹ nó phải “vượt cạn” khi đã lao lực quá độ thời kỳ thai nghén. Phần vì không người thân kề cận chăm sóc, sức sống của bà đã vắt cạn. Bà đành bỏ lại hai đứa con thơ một tuần sau đó. Thế là vừa chào đời nó đã nhận lãnh số phận là trẻ mồ côi. Còn chị nó trong một thời gian ngắn phải chịu đựng những hai lần mất mát lớn lao. Tuổi ấu thơ từ nay xin khép lại, bởi đâu còn hình bóng bến bình yên…

Những khổ đau, bất hạnh cũng là chất liệu để làm nên cuộc sống. Nhưng có đôi khi chúng quá lạnh lùng độc ác, quá khắc nghiệt bạo tàn. Chúng trở lại bóp nghẹt cuộc sống, đẩy con người rơi vào tận cùng của tuyệt vọng, không lối thoát. Chỉ muốn buông xuôi tất cả. Chợt, có một nhận thức vì tình yêu thương và trách nhiệm đã làm nên sức mạnh khiến họ vùng dậy, vụt thoát khỏi những cảm giác đáng sợ ở hiện tại. Họ tự động viên mình rằng: “Sau đêm tối sẽ là ánh bình minh”. Để rồi thấy khổ đau, bất hạnh không phải là điều bất thường nữa. Mà rất có thể đó là cách tự nhiên nhất khiến con người được tôi luyện, biết cách chấp nhận, đối diện và phục hồi, cân bằng những mất mát. Đó là việc vô cùng khó khăn. Nhưng, họ sẽ làm được.
 

 
Chị hai nó bây giờ đang học lớp 9, cố gồng gượng lắm mới học hết năm đó. Rồi chị nó cũng phải bỏ học, đành dở dang bao mơ ước ở tương lai. Dù học rất giỏi, năm nào chị nó cũng được học bổng và khen thưởng học sinh giỏi nhất khối. Nhưng biết làm sao hơn. Lần cuối cùng chị nó mang bộ đồ đi học ra giặt, rồi xếp lại, kỹ lưỡng cho vào bao nilon. Chị nó buồn, đỏ hoe cả mắt, tay cứ vuốt ve mãi bộ đồ. Có luyến tiếc, tủi thân mấy cũng phải giật dậy trở về với thực tại. Chị nó thấy mình còn có một trách nhiệm là phải nuôi dạy lo cho đứa Út ăn học tới nơi tới chốn thay cho cha mẹ.

Cũng may, có bà Tư nhà bên cạnh thương cho cảnh mồ côi của hai chị em, lại không còn ai bà con thân thích. Từ cái hồi mẹ nó mới mất, bà thường sang ẵm nó về chăm. Giờ thì cũng vậy, để chị nó yên tâm mà đi bán cá ngoài chợ. Bà Tư rất phúc hậu, thương người, lại ăn chay niệm Phật. Tuổi đã ngoài 70 nhưng bà còn khỏe mạnh, tinh tường lắm. Chòm xóm ai cũng quý kính bà. Bà thường bảo những khi chị nó nói lời ơn nghĩa với bà:

- “Bà sống có một mình, con cái đi làm xa hết rồi nên buồn lắm. Giờ có con Ti hủ hỷ bà thấy vui hơn. Mày đừng có ngại, nó dễ ợt mà. Tại nhà bà nghèo nên chỉ giúp bay được có vậy thôi. Thương cho hai chị em bay, thiệt số nó khổ quá!”

Tình cảm người dân quê nghèo là thế, chân thành mà chất phác. Bà nói không giúp được nhiều chứ bà lo cho hai chị em nó nhiều thứ lắm. Có cái gì ngon bà đều mang sang cho, nào trái cây bà trồng, nào bánh bà làm, còn thỉnh thoảng mua cái quần cái áo cho nó. Bà dạy dỗ chị nó những nhân nghĩa, phải trái ở đời… Thẳm sâu trong lòng hai chị em, bà Tư là người thân yêu duy nhất còn lại trên đời.

Hoàn cảnh chị em nó thuộc diện mồ côi nghèo, gặp nhiều khó khăn nên chính quyền địa phương có hỗ trợ mỗi tháng một ít tiền cũng chẳng thấm là bao. Chị nó phải lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và cật lực làm việc lắm mới đủ sống. Nhưng lúc nào chị nó cũng dành cho nó những gì tốt đẹp nhất.

Rồi nó đi học, con số chi tiêu cũng mỗi ngày theo nó mà lớn dần. Chỉ bán cá thôi thì không thể đủ. Chị nó phải “chạy show”: 3h sáng đã dậy ra vựa mua cá, rồi về nấu nhanh nồi cơm sáng để nó ăn mà đi học. Xong chị nó chở thau cá ra chợ ngồi bán đến hơn 10h thì về lại lo cơm nước, giặt giũ…1h lại ra chợ. Nếu sáng nào bán đắt phải ghé vựa mua cá thêm. Chiều 5h ăn vội mấy chén cơm ở nhà, tắm rửa xong lại ra quán cháo đầu đường lớn rửa tô, phụ bán cho Dì Hai. Kết thúc công việc của một ngày cũng phải hơn 11h đêm. Lúc đó, nó đã say giấc nồng. Và việc đầu tiên khi chị nó về nhà là ghé sang giường nó đắp mền, sửa gối, hôn nhẹ mấy cái lên khuôn mặt bầu bĩnh của nó. Bà Tư sáng dẫn nó đến trường, trưa lại ra đón. Trường học cũng gần đó thôi nhưng tại bà thương quá nên muốn đưa đón nó mỗi ngày. Chẳng khi nào chị Hai bắt nó phải phụ giúp công việc. Chị chỉ thích nhìn nó líu lo tung tăng ngoài bờ đê hay ngồi học bài chăm chỉ. Nó học cũng giỏi và ngoan nữa. Giữa bữa cơm chiều, nó chợt nói:

-  “Hai cực quá! Hay Hai đừng có ra quán cháo Dì Hai làm nữa. Ở nhà dạy Ti học đi. Cũng lâu lắm rồi Ti hổng được nghe Hai kể chuyện trước khi ngủ như hồi đó. Còn buổi chiều Hai cho Ti ra bán cá phụ Hai với”.

-  “Hai cũng muốn ở nhà buổi tối cho khỏe nhưng phải đi làm mới có đủ tiền sống Ti à. Ti có bà kể chuyện suốt ngày rồi còn đòi Hai nữa. Ráng mà lo học đi cô nương, để cha mẹ được hãnh diện, rồi còn thực hiện hoài bão vào Đại học của Hai nữa. Phân công nhiệm vụ rõ ràng rồi đó, làm mà không xong thì Hai cho ăn đòn nứt đít nghe chưa?”- Vừa nói, vừa bịu má nó, thương lắm!

Sau này, nó mới nghe bà Tư kể, chị nó không muốn cho nó ra chợ phụ bán vì sợ nó vướng vào nghiệp sát sinh. Dần quen rồi lớn lên nó sẽ hành những nghề như thế thì tội lỗi lắm. “Thiệt tình con cũng không muốn làm nghề này đâu, bà ơi!”. Chị nhận thức được việc bán cá sát sinh không phải là một thiện nghiệp. Xong, chẳng thể xoay chuyển dòng đời theo ý muốn. Bởi ngày mẹ chị mất, chủ vựa cá này có lòng thương đã cho chị mượn một số tiền để an táng mẹ. Sau, ông còn tạo điều kiện cho chị lấy cá về bán rồi mới trả vốn. Phần vì ơn nghĩa phần vì không còn biết làm nghề   gì khác để kiếm sống, giữa cái miền đất quê nghèo lại không đồng vốn, đất đai. Cứ thế nghiệp đời cuốn trôi và tiếp diễn…

Phải gọi là cực kỳ khó, khi đã trót gieo nhân bất thiện mà muốn chuyển hóa nghiệp báo hiện tại. Nếu nhìn vào trùng trùng duyên khởi, có lẽ ta đã bước ra từ những ác nghiệp, mê lầm nên hôm nay dù thấy rõ đường lành nhưng… ta hoàn toàn không có quyền lựa chọn và quyết định…
 

 
Mưa nắng giãi dầu cũng không làm chị phai màu hương sắc. Chị là người con gái có nét đẹp dịu dàng như cánh hoa đồng nội. Mái tóc đen huyền, suôn dài xõa ngang lưng cũng đủ khiến bao trai làng ngây ngất. Đã vậy chị còn giỏi giang, siêng năng lại ngoan hiền. Nhiều người thương chị lắm. Chị biết chớ, nhưng chị không để mắt đến một ai. À không! Nói đúng hơn là chị không dám để mắt hay không cho phép mình được nghĩ đến hạnh phúc riêng tư. Vì chị kén chọn? Không! Hay tại trái tim chị không hề biết rung động? Cũng không! Vì thứ nhất, chị luôn mang nặng một trách nhiệm là phải nuôi nó ăn học thành tài. Thứ hai, chị biết phận mình nghèo không dám mơ mộng cao. Chị cũng là một con người mà, làm sao trái tim kia không biết rung động? Năm chị 24 tuổi, có anh bạn học cùng lớp ngày trước, giờ đã là kỹ sư làm việc ở tỉnh. Tình cờ gặp lại, trò chuyện đôi câu rồi tạm biệt. Thế mà một tuần sau anh tìm đến tận nhà, rồi đến được đến hoài. Anh là người lịch sự, từ tốn lại tốt bụng và cũng khá điển trai. Cứ thế, tình yêu đến với cả hai từ lúc nào không ai biết. Chị có thổ lộ với bà là chị có nhớ, có trông anh ấy. Bà nói: “Đó là tình yêu đấy cháu gái của bà!” Tình cảm của anh là chân thành. Nhưng gia đình anh khá giả, anh lại là người có địa vị trong xã hội nên sẽ có nhiều vấn đề xảy ra. Anh đã thưa với gia đình mình để xin cưới chị nhưng họ không đồng ý. Thấy anh khổ chị không muốn dây dưa và nên biết phận mình. “Ai mà thèm cưới một đứa bán cá chợ trời, không tương lai, nghề nghiệp như mình về làm dâu chứ. Có lắm người môn đăng hộ đối với họ mà…!”. Chị đành chia tay dứt khoát với anh dù trong lòng đau như cắt. Rồi thời gian làm phai mờ tất cả. Nghe đâu anh đã có gia đình. Còn chị tuy không đau, không buồn nữa nhưng chắc suốt đời sẽ không thể nào quên mối tình đầu dang dở này.

Giữa bao bộn bề, dâu bể của cuộc đời, chị nó vẫn còn tìm thấy cho mình một nơi bình yên nhất cho tinh thần là cõi tâm linh. Một ngôi chùa nhỏ cách đó khoảng 1km, cứ mỗi khi quán cháo được nghỉ hay thỉnh thoảng ngày Rằm, chị nó hay chở nó cùng đến chùa tụng kinh, lạy Phật. Lúc đó nó cũng đã lên 10. Chị nó thích ngồi im lặng và quán niệm hơi thở bên tôn tượng Ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, theo lời dạy của Sư Bà trụ trì. Rõ là bao muộn phiền, đau khổ của kiếp người không may đều được thanh lọc, trả lại tâm hồn sự nhẹ nhàng, bình yên quá đỗi. Sư Bà thương hai chị em nó lắm, nên thường ngồi cả giờ nói chuyện, như để khuyên bảo và động viên bằng những lời Phật dạy. Lần nào thì chỉ có chị nó ngồi lâu với Sư Bà, còn nó trả lời được mấy câu đã chạy nhanh ra sân chơi với bọn trẻ xóm chùa và hai chú Tiểu cũng gần tuổi nó. Nó chỉ thích lên chùa vì được ăn bánh kẹo, xôi chè và như thế. Trẻ con mà! Bắt nó ngồi yên thiệt khó. Sư Bà đã lắng nghe và thấu hiểu bao nỗi niềm tâm sự về cuộc đời của chị. Sư Bà nói số chị sẽ còn khổ, lại thêm đoản mệnh. Hiểu tâm ý chị cũng rất thích được sống đời giản dị, thanh thoát chốn thiền môn, không dễ bị trói buộc và phiền não bởi tiếng kệ lời kinh thường ngày nhắc nhở. Nên Sư Bà có ý khuyên chị em nó hãy về chùa ở mà tu tập mong chuyển nghiệp, nếu có đủ duyên thì cũng nên xuất gia. Chị nó nghe xong, mắt sáng bừng lên, vui sướng, muốn gật đầu ngay để được ở lại. Nhưng, khi nhìn sang nó đang mải mê chơi lò cò thì chựng lại và buồn lắm. Sư Bà cảm thông nên vỗ nhẹ lên vai: “Thôi tùy duyên đi con. Miễn là trong tâm con luôn có Phật”. Sư bà cho hai xâu chuỗi đeo tay bằng đá, nhắc nhở phải thường nhớ niệm Phật dù trong khổ đau hay hạnh phúc. Từ đó, xâu chuỗi luôn gắn kết trên tay hai chị em như món linh vật không thể tách rời.

Trên đường về nhà, rất lâu chị nó không nói gì. Còn nó cứ líu lo ca hát. Bỗng chị nó hỏi:

-  “Hai muốn về chùa Sư Bà ở quá. Ti có đi với Hai hông?”

-  “Ở luôn trong chùa hả Hai?

-  “Ừ!”

-  “Chùa có bánh kẹo, được chơi với mấy đứa. Ti cũng thích lắm!”

 Nghe nói vậy chị nó mừng muốn khóc. Nhưng…

- “Mà thôi Hai ơi! Ti không chịu ở chùa luôn đâu. Ti thích ở nhà hơn”.

… Chị nó hiểu, đó có lẽ lại là một ước vọng xa vời…
 

 
Năm nó học lớp 9 thì bà Tư qua đời. Người thân yêu duy nhất cũng bỏ mặc hai chị em nó mà đi. Khi ấy miệng bà vẫn mỉm cười, gương mặt tươi như chỉ vừa thiếp ngủ. Bà ra đi thật nhẹ nhàng. Bà đã quy y Tam Bảo với Sư Bà từ mười mấy năm trước. Sau lễ, Sư bà có nói là bà Tư đã được về cõi Phật an lành. Nghe như thế nhưng hai chị em nó vẫn không kiềm được nước mắt thương tiếc. Chị nó đã từng trải qua nỗi đau này, sự dồn dập còn kinh khủng hơn. Nên giờ, nén được tiếng nấc nhưng nước mắt cứ trào ra không tài nào ngăn được. Còn với nó, đây là lần đầu tiên trong đời, nó cảm nhận được thế nào là nỗi đau đớn khi mất mát một người thân yêu. Nó ôm chặt chị nó mà khóc ngất. Nó nhớ cái tên “Ti” ở nhà thường gọi cũng là bà đặt cho nó. Nó không quên bà đã trả lời câu hỏi “Tại sao” về cái tên bà gọi:

- “Tại hồi đó mày bé Tí Ti thì bà gọi tên Ti. Không thích “Ti” thì bà gọi “Tí” cho giống con trai luôn!”

- “ Không Ti thích tên Ti hơn. Tí giống chuột lắm!”

Rồi bà ôm nó vào lòng cả hai cùng cười. Giây phút đó sao mà ấm áp, bình yên hơn bao giờ hết. Hôm nay nó muốn được bà ôm như trước, nó thèm nghe bà kể chuyện Bác Ba Phi, nó thích ăn bánh Bò, bánh Chuối bà làm… nhưng không thể nữa rồi. “Bà ơi! Bà đừng bỏ con! Con cần có bà bà ơi!...”

Có những mất mát khiến ta nhận ra rằng ta đã từng có tất cả. Nhưng, ta không hề hay biết. Để rồi ân hận vô cùng khi nhìn lại: Ta đã sống quá vô tâm, hững hờ với cuộc đời. Ta thấy trân trọng… hối tiếc… trong muộn màng mà thôi…
 

 
Nhanh thật! Giờ nó đã bước vào Phổ Thông, ở quê không có trường nên nó phải lên tỉnh học. Chị nó cố gắng làm nhiều hơn nữa để có đủ tiền cho nó ăn học. Thời buổi khó khăn, chị đã nghĩ đến chuyện sẽ lên thành phố tìm việc làm. Vì nghe đâu ở đó người ta đi làm lương cao lắm. Nhưng chị còn lưỡng lự vì có bao giờ chị đi đâu xa ngoài tỉnh. Mà trên ấy lại là chốn phồn hoa, có lắm điều khiến cho chị phải lo sợ. Rồi thì chị cũng mím chặt môi quyết định ra đi. Kể từ ngày hôm đó có ai biết được đã có bao biến cố, đổi thay xảy đến với chị và với nó...

Chị nó lên thành phố không bao lâu thì nó cũng chuyển lên ở trọ gần trường cho tiện. Từ thuở chào đời đến bây giờ, nó chỉ quen với cánh đồng, con đê với những trò lò cò, ô quan… chứ có biết gì hơn đâu. Nhớ cái ngày đầu khi nó vừa đặt chân lên tỉnh, mắt cứ xoe tròn nhìn đâu cũng thấy lạ. Sao mà mọi thứ nơi đây khác hẳn, nó thích thú và hiếu kỳ. Chẳng mấy chốc nó hòa nhập rồi…“hòa tan”. Nó ngày một ra dáng thiếu nữ, nhưng cái nét đẹp ấy không mộc mạc, dịu dàng như chị. Ở trường nó nổi bật vì bè bạn gọi nó là hoa khôi. Cũng chính vì như thế nó đã đổi thay đến không ngờ. Bằng số tiền hàng tháng đều đặng chị gửi về, nó hết đánh quần đánh áo, rồi đua đòi theo thời mốt. Nó không muốn người ta cười nó là “hai lúa”. Nó muốn “lột xác” để vứt bỏ quá khứ nghèo nàn. Nó thấy cuộc sống đích thực phải là thế này mới đúng. Nếu ai đó hỏi: “Chị mày lên Sài Gòn bây giờ làm gì?”. Chắc chắn rằng nó không trả lời được hay nói càn một việc gì đó cho rồi. Hồi đầu còn thư đi thư về thường xuyên. Nhưng mỗi ngày một thưa dần, thưa dần và nguội lạnh. Là đứa hời hợt, vô tâm hay vong ân phụ bạc, nó không cần quan tâm đến chị nó đã sống thế nào, làm việc ra sao ở cái miền đất khách. Nó có hề nghĩ tưởng phong ba cuộc đời đã bao lần vùi dập chị nó đâu? Mà chị đã phải cắn răng chịu đựng suốt một thời gian qua. Nó chẳng cần biết. Miễn là tiền vẫn được gửi về đều đặn. Thế là đủ.

Thoắt cái đã hơn hai năm, chợt một tối nó trở về sau cuộc vui tàn với chúng bạn, nó thấy có ai đó ngồi bệt trước cửa nhà trọ, chắc là đang ngủ. Nó định gọi dậy, bảo đi nơi khác thì người ấy buông nón ngẩng nhìn. Nó phải khựng lại ít lâu mới nhận ra:

- “Ơ..! Hai phải hông? Sao... sao Hai về đây?”

Chị mỉm cười nặng nề: “Hai nhớ Ti quá nên về thăm…”

Chưa kịp nói hết thì nó đưa tay ra dấu ngắt lời: “Suỵt! Hai đừng có gọi Ti này Ti nọ. Tụi bạn mà nghe được nó cười cho chết. Gọi tên Kỳ Anh đi.”

Rồi nó ngoe nguẩy bỏ vào nhà, chẳng thèm hỏi han, cũng không xách đồ phụ chị. Chị tần ngần, không thể hiểu nổi những điều vừa thấy nghe. Vì trên đường về, chị náo nức mong gặp nó biết chừng nào. Bởi đã ngần ấy xa cách và biến cố. Chị nghĩ bụng: “Nó sẽ chạy lại mà ôm chầm lấy chị, khóc òa lên mừng rỡ cho mà coi.”  Nhưng… giờ thì chỉ có chị ứa nước mắt xót xa, lo sợ… Trên tay nó chị thấy đã không còn mang xâu chuỗi Sư Bà cho nữa. Thay vào đó là sắp vòng đủ kiểu rằn ri. Chị vẫn cố bào chữa rằng “Tại nó đi học về mệt, con nít mà! Chắc không có chuyện gì đâu”.

Tưởng là tối nay chị em có cơ hội được chuyện trò. Nhưng không, nó lại chuẩn bị đi.

- “Ti đi đâu giờ này nữa?”

- “Đi chơi!”

- “Hai đi lâu quá mới về, Ti ở nhà với Hai đi. Chị em mình có nhiều chuyện nói nhau nghe mà!”

- “Thì mai nói!”

- “Mai Hai về nhà thăm mộ ba mẹ rồi về Sài Gòn luôn. Ti đừng đi nghe!”

- “Ti!Ti!Ti! đã nói là đừng có gọi cái tên đó nữa mà!”.

Nó vừa quát vừa bỏ đi. “Ti! đứng lại”- chị gọi.

Nó dừng bước nhưng quay sang với vẻ mặt ngang tàng: “Sao, gì nữa đây?”

         - “Hai không thể ngờ thời gian qua Ti thay đổi nhiều đến vậy. Còn nhớ cái tên “Ti” là do ai đặt cho không? Sao nỡ vứt bỏ đi?”

         - “ Hồi nhỏ khác giờ khác. Cái tên đó bà chỉ gọi cho vui thôi, chứ tui đâu có thích!”
         - “Chị em mình đều là trẻ mồ côi nếu không có bà thì đã chết từ lâu. Muốn làm người thì đừng quên câu nhân nghĩa. Cái tên đó là tình thương duy nhất bà còn để lại. Sao…”

Nói đến đó chị lên cơn ho dữ dội. Trông chị gầy guộc, xanh xao quá. Nhưng từ khi nào trái tim nó đã hóa đá. Nó bỏ chạy giữa lúc như thế, theo tiếng gọi đầy ma lực của cuộc vui bè bạn.

Chị ăn một gói mì rồi ngồi trước cửa phòng chờ nó. Chờ đến nữa đêm vẫn chưa thấy nó về, ngoài trời lại còn mưa to. Chị thấy ớn lạnh nhưng dạ bồn chồn không yên phải đi ra ngõ thôi. Bước chân run lên theo từng cơn ho thổn thức. Thấy nó về đến chị đưa cho nó cây dù, đã không thương lại còn hất chị ra:

-“Làm như người ta là con nít, ra đây đứng ngóng nữa chớ!”

 Về đến phòng nó liền đi ngủ, hình như nó không muốn nói chuyện với chị. Đêm đó chị không sao ngủ được. Trước khi về đây chị đã định bụng với thời gian hiếm hoi này chị sẽ tâm sự thật nhiều và nhắn nhủ bao yêu thương cho nó. Chị hiểu rõ rất có thể chị sẽ không còn có cơ hội để được gặp nó thêm lần nữa. Sáng mai chị sẽ về thăm mộ ba mẹ rồi quay lại Sài Gòn và đi theo… số mệnh.

Trứng ram tiêu hồi nhỏ nó rất thích ăn chung với cơm trắng. Cũng không biết giờ nó còn thích không nhưng chị vẫn làm để đó cho nó, rồi lặng lẽ ra đi khi trời còn tinh sương. Về đến nhà, tảo mộ thắp hương xong, chị muốn ngồi lặng im bên mộ ba mẹ, mà sao nước mắt cứ trào ra. Đến trưa, chị không quên ghé qua thăm mộ bà Tư rồi mới đón xe về Sài Gòn. Chân bước lên xe hãy còn lưu luyến lắm. Chị cố nhìn một lượt và hít một hơi thật sâu cho tất cả hình ảnh, không khí quê hương căng đầy tim phổi. Để ghi nhớ và khắc thật sâu.

Xe vừa lăn bánh chị thảng thốt xin Bác tài dừng lại. Chạy nhanh xuống, vội tìm sau trước, phóng tầm nhìn xa vô vọng. Chị thất thểu quay trở lên xe. Chỉ là ảo giác do sự mong đợi, nhớ nhung quá đỗi. Chị nghe rõ tiếng nó gọi: “Hai ơ..ơ…ơi! Hai!”. Nhưng, nó đã không đến.

Thế nhân đã lắm điều đau khổ. Xin con người đừng chồng chất lên nhau thêm nhiều khổ đau nữa! Chỉ vì sự ích kỷ, u mê ta trở thành kẻ ác độc, khốn cùng. Nỡ dẫm đạp làm thương tổn những trái tim thân yêu, phải rỉ máu, héo tàn và chết lịm. Mà ta vẫn vô tình, ta vẫn thản nhiên.
 


Độ gần hai tháng sau, người ta báo một tin mà dù nó đã là đứa ngỗ nghịch, bất nhân nhưng nó không hề muốn đón nhận điều này ở trong đời. “Chị mày chết rồi! người ta đưa xác về nhà mày luôn đó!”. Vừa nghe xong nó bàng hoàng không đứng vững. Nó chẳng biết phải làm gì, đầu óc nó rối tung. Nó thấy hoảng sợ, bơ vơ giữa cái đất trời cao rộng này. Trái tim nó bắt đầu biết nhói đau...

Tuần thất đầu, có một người từ Sài Gòn về thắp hương cho chị nó. “Chị là bạn đồng nghiệp của Thùy Hương - chị Hai em”. Chị ấy kể: “Chị em là một người chị cao cả tuyệt vời nhưng lại bạc  mệnh xấu số. Ngày đầu Hương lên Sài Gòn chưa biết đi đâu để tìm việc thì bị người ta cướp hành lý. Nó chỉ vỏn vẹn là một túi xách bằng lục bình đan đựng ít áo quần, tiền bạc, giấy tờ và một tấm hình đứa em gái nhỏ. Hương nó chỉ còn biết khóc. Trời đã tối, bụng cồn cào người mệt lã, thất thỉu đi đến chiếc ghế đá nọ, Hương ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Chợt, có người phụ nữ sang trọng đến bên nhẹ nhàng gọi dậy. Thì ra Hương nằm trước cổng ngôi biệt thự của bà. Biết ngay là ở quê mới lên, hỏi thêm sự tình bà càng thấy thương nên bảo vào nhà bà nghỉ một đêm, sáng mai tính tiếp. Bà đã cho Hương được ăn no và quần áo thay, một chỗ ngủ ấm. Sáng sớm sau, bà đã thấy Hương dậy quét sạch cả sân rộng từ hồi nào, còn cắt tỉa đẹp cho mấy chậu kiểng. Bà thấy cô bé này hiền lành và siêng năng nên bảo ở lại giúp việc nhà cho bà. Từ đó, để đền ơn bà cứu giúp, Hương nó càng cố gắng làm, nên việc nhà sau trước bà đều rất tin tưởng, hài lòng. Thấy bà buồn Hương hay kể chuyện bà nghe, là những câu chuyện Hương từng được nghe Sư Bà kể ở quê. Bà là người phụ nữ xinh đẹp, giàu có và thành đạt. Nhưng bà đang sống không có hạnh phúc. Hai con bà đã đi du học còn chồng bà thì lâu lâu mới về nhà. Một mình bà gặm nhấm nỗi cô đơn giữa cái không gian thênh thang, tiện nghi đó. Bà cần người chia sẻ và quan tâm. Từ ngày có Hương về ở cùng, bà được cười cũng nhiều hơn. Bởi cũng nhờ cô bé này mà bà tìm được niềm vui thú tịnh lạc nơi chùa, nơi Pháp Phật. Hương bày cho bà phóng sanh, cúng dường… Thay vì ngày trước mỗi khi buồn chán bà chỉ biết tìm đến bè bạn, tiệc tùng, vui chơi, mua sắm. Những thứ đó cũng không giúp bà hết khổ được vui thực sự.”

 Khổ đau từ bao giờ đã trở thành bản trường ca bất tận, mà không ai không một lần hòa giọng ngân nga và tận hưởng. Con người luôn than thở với nhau và ngay cả với ông Trời rằng:“Con đang đau khổ!”. Vì cuộc sống sẽ có nhiều điều hợp với ý ta nhưng trái với ý người. Hoặc thỏa mãn cho người thì đi ngược lại lòng ta. Bởi thế Phật gọi đây là cõi“Bất như ý”. Và khổ đau còn tùy thuộc vào từng nhận thức của mỗi người. Như sự cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật, có người đứng cả giờ để chiêm ngưỡng. Nhưng cũng có người chỉ lướt nhìn và bỏ đi.

“Vào nhà bà làm đã năm tháng mà chỉ nhì thấy ông chủ hai lần ở xa xa. Rồi có một ngày, ông chủ về mở tiệc đãi bạn bè. Hương phải trực chiến đến hơn 2h sáng tiệc mới tàn và dọn dẹp xong. Về phòng Hương tắt đèn, mệt quá ngã lăn ra định ngủ một giấc thì ông chủ từ đâu xuất hiện và giở trò khốn nạn, cướp mất đời con gái của Hương.

Tuy rơi vào đau đớn, nhục nhã nhưng Hương vẫn còn nghĩ cho người khác. “Nếu bà chủ biết chuyện này chắc bà sẽ chết chứ sống không nổi. Mình đã nợ bà quá nhiều ơn nghĩa, sao có thể…” Nên Hương đành câm nín mà tìm cách xin bà nghỉ việc. Bà càng níu giữ, mến tiếc chừng nào thì Hương càng đau khổ chừng đó. Thấy Hương kiên quyết quá nên bà cho phép cùng với một số tiền bằng đến vài tháng lương. Bà ôm lấy Hương mà nhắn nhủ: “Bà vẫn mong con sẽ quay trở lại.”

“Quay trở lại?” Không, sẽ không bao giờ Hương quay lại cái nơi ám ảnh đó, mặc dù Hương rất thương bà. Hôm đó, Hương được khóc thật nhiều sau mấy ngày kiềm nén. Còn bà chủ thì làm sao hiểu cho hết những giọt nước mắt đó.

Một thời gian ngắn sau, Hương xin vào làm ở một công ty may. Để tìm quên những ký ức đáng sợ, Hương ra sức làm việc tăng ca đêm ngày. Mới vừa lên được Tổ trưởng thì một ngày Hương ngất xỉu. Bác sĩ đưa kết quả xét nghiệm, Hương choáng váng: “Dương tính với HIV”. Hương chết sững nhưng điều đầu tiên Hương nghĩ ngay đến là làm sao lo được cho em gái mình đến tốt nghiệp Đại học.

Ngay ngày xuất viện, Hương liền xin vào làm lại, không cần nghỉ ngơi thêm. Mọi thứ chi tiêu càng cắt giảm, để vào sổ tiết kiệm. Tết cũng không dám về hay đi chơi đâu còn lãnh đồ gia công về làm. Kiếm được thêm đồng nào hay đồng đó. Hương trở thành kẻ tham công tiếc việc, tất cả cũng chỉ để lo cho em thôi em có biết điều đó không?”. Lúc này, nó đã khóc thật nhiều và không thể nói nên lời gì. “Hương chẳng thiết quan tâm đến sức khỏe, ăn uống thì đạm bạc, không cho phép mình được nghỉ ngơi nhiều. Mới có một năm mà sức khỏe Hương xuống thấy rõ.

Có một khuya, trời rất lạnh, Hương đang trên đường về phòng trọ. Khi ngang qua căn nhà hoang Hương nghe có tiếng ai khóc thảm thiết. Đến gần thấy có cô gái định rạch mạch máu tự tử. Hương hốt hoảng ngăn lại, tước lấy con dao rồi ôm chầm cô gái đó. Hương hết lời khuyên bảo cô gái ấy đừng làm chuyện dại dột, cho dù gặp bất cứ chuyện gì. “Không có gì là không có cách thay đổi, giải quyết nếu mình cố gắng…”. Cô gái đau đớn, lồng lên :
- “Tôi bị HIV thì làm sao thay đổi hay giải quyết chứ…”, rồi khóc nức nở, “nhưng tôi còn một mẹ già và hai thằng em nhỏ ở quê… Tôi chết rồi họ sẽ ra sao...?”

Quá đồng cảm, Hương xiết chặt cô gái vào lòng. Hương nói:

- “Chị cũng là người có HIV nhưng chị đâu chịu buông xuôi. Giờ không sống cho bản thân nữa, mà sống vì trách nhiệm. Phải cố gạt qua tất cả để sống và làm việc. Hãy nghĩ đến những người thân của mình, họ cần mình biết chừng nào, đó là động lực của chị, em à!”. 
Cô gái chùng lại, kể về mình từng là nạn nhân của vụ lừa đảo, trá hình một xưởng thêu để làm nơi “buôn phấn bán hương”. Cô gái trốn thoát sau một thời gian bị vùi dập, định làm lại cuộc đời thì... đã không thể nữa.

Cô gái ấy chính là chị. Từ ngày đó bọn chị trở thành bạn thân của nhau. Chị sang ở cùng và làm việc chung với Hương. Làm việc quá sức Hương nó bị nhiễm lao, chị không cho nó làm tăng ca nữa. Đợi khi bị ngất hai lần nữa nó mới chịu thôi làm khuya. Mấy hôm trước ngày ra đi, Hương nó có nhờ chị giúp nó một việc. Là chuyển đến em quyển sổ tiết kiệm, một xâu chuỗi tay của Hương và lá thư ngắn: 

“Hai xin lỗi Ti nhiều lắm! Vì ngày Hai về thăm đã có nhiều lời lớn tiếng la mắng Ti. Là Hai không tốt. Càng tệ hơn là giờ Hai đã không trọn lời hứa chăm sóc, lo lắng cho Ti. Nhưng Hai đã dành dụm được một sổ tiết kiệm, chắc là sẽ đủ để Ti bước vào Đại học. Hai rất mong được thấy ngày Ti mặc áo cử nhân nhưng không thể nữa rồi. Hai xin lỗi Ti nhiều, nhiều lắm! Hãy cố gắng sống tốt và đừng đánh mất chính mình. Hai cầu nguyện chư Phật, Bồ Tát gia hộ cho đứa em gái bé bỏng, đáng thương của con được khỏe mạnh, vững chãi bước vào đời khi không có con bên cạnh.

                                                                                    Gửi Ti thương của Hai”

Nó ghì chặt bàn thờ chị mà gào khóc, ân hận. Tay đấm vào ngực, nó tức và giận cho bản thân không xứng đáng với tình yêu thương, hy sinh quá đỗi của chị. Nó thấy không thể tha thứ cho tội lỗi này. Những tháng ngày đua đòi, hưởng thụ nó có ngờ đã phải đổi chác từ những khổ nhục, chịu đựng của chị nó. Có lẽ, nếu như ngày đó nó không ngăn chị về chùa Sư Bà ở thì giờ đã không ra thế này. Nếu không vì lo cho nó chị đã không phải bôn ba xứ người để bị vùi dập cho đến chết. Phải chi… ngày chị về thăm, nó không ngang tàng, mất dạy. Phải chi nó đừng vô tâm lãng quên chị suốt thời gian qua…

Thấm thoát mà đã sáu năm trôi qua kể từ khi chị mất. Nhưng câu chuyện ngày ấy trong tôi vẫn không thể phôi phai. Là một người con gái của Thế Tôn, tôi nhìn đời và mọi việc có phần khác hơn. Nhưng dù biết tất cả đều là duyên và nghiệp. Mà tôi lại không thể nào bỏ lỗi được cho nó. Vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm thì tôi xin thầy xuất gia. Pháp danh tôi là Tuệ Hương. Tôi không ngạc nhiên khi được thầy đặt cho như thế. Bởi cũng nhờ cuộc đời chị mà tôi biết tỉnh thức, vượt qua những đam mê, sai lầm. Điều tôi quan tâm nhất bây giờ là giới trẻ. Giữa thời đại có lắm điều cám dỗ, làm suy đồi nền đạo đức con người. Thì giới trẻ luôn là đối tượng dễ tấn công và đánh gục nhất. Bằng hết khả năng hạn hẹp có được, tôi đã và đang góp phần chuyển tải nhận thức về trách nhiệm và tình yêu thương cho các bạn. Chỉ mong sao thế gian này sẽ ít đi những giọt nước mắt muộn màng, để cuộc sống càng đẹp thêm ý nghĩa. Đó là điều duy nhất tôi có thể làm cho chị được vui cười. Vơi đi phần nào nỗi ân hận, day dứt trong tôi. Bởi không ai khác tôi chính là nó.

 

Nguồn tin: Chùa Hoằng Pháp