Đạo sĩ lõa thể JAMBUKA

Đạo sĩ lõa thể JAMBUKA

Tháng tháng với ngọn cỏ...

Phật dạy như thế tại Trúc Lâm liên quan đến đạo sĩ lõa thể Jambuka.

Chuyện quá khứ  VỊ TĂNG GANH TỴ

Xa xưa, thời Phật Ca-diếp, một cư sĩ tại làng nọ cất thất cho một Trưởng lão tu và cung cấp tứ vật dụng suốt thời gian này, Trưởng lão đều đặn đến thọ thực tại nhà cư sĩ. Bấy giờ có một Tỳ-kheo đã dứt hết dục lậu, đi khất thực dừng trước nhà cư sĩ. Anh ta vui mừng mời vào, và cung kính dâng Ngài thức ăn hảo hạng và một chiếc y rộng :

- Thưa Tôn giả, xin Ngài nhuộm y này và đắp làm hạ y.

Rồi nói thêm:

- Tóc Ngài mọc dài, con sẽ đi tìm thợ cắt tóc cho Ngài, lúc trở về sẽ mua cho Ngài một cái giường.

Vị khách tăng trước thấy cư sĩ niềm nở đón tiếp vị mới đến, lòng bất mãn, ganh ghét. Không chịu nổi sự ưu ái của cư sĩ đối với vị mới, buổi chiều, ông lại ngay chỗ Trưởng lão nằm trên giường mới, nhiếc móc và lăng mạ bốn điều:

- Này khách huynh! Huynh nên ăn phân hơn là phần cơm trong nhà cư sĩ này. Huynh nên nhổ tóc mình với cái lược bằng cây thốt nốt hơn là để thợ cạo do cư sĩ mời về. Huynh đừng mặc quần áo thì tốt hơn là đắp hạ y do cư sĩ cúng. Huynh nằm dưới đất tốt hơn là nằm trên giường của cư sĩ cúng.

Trưởng lão không để ý đến lời lăng mạ, thầm mong người bạn ngu si này không bị tổn hại, và Ngài dậy sáng sớm đi nơi khác tùy thích.

Vị tăng đến trước cũng dậy sáng sớm, dọn dẹp thất như thường lệ rồi đi khất thực. Nghĩ rằng Trưởng lão vẫn còn ngủ, ông đánh thức bằng cách gõ chuông bằng móng tay, rồi đi vào làng.

Cư sĩ chuẩn bị xong thức ăn, đợi hai vị tăng đến. Chỉ thấy vị trước, anh ta hỏi:

- Thưa Tôn giả, Trưởng lão mới đến đâu rồi?

Vị tăng cũng ngạc nhiên hỏi lại:

- Đạo hữu hỏi chi lạ? Trưởng lão đến nhà anh hôm qua đó, ngay khi về thất đã vào phòng trong nằm ngủ. Dù tôi dậy rất sớm, ông ta cũng chẳng nghe tiếng chổi quét, tiếng súc rửa bình nước uống và tiếng gõ chuông của tôi.

Cư sĩ không thể tin một vị Trưởng lão khả kính, thái độ trang nghiêm lại có thể ngủ đến giờ này, nghĩ rằng chắc vị tăng trước thấy mình quan tâm đến vị Trưởng lão nên đã nói gì với Ngài rồi. Cư sĩ, rất khôn khéo, vẫn một mực cung kính phục vụ vị tăng, dâng thức ăn. Xong bữa anh cẩn thận rửa bát rồi đựng đầy thức ăn ngon với nước súp thượng vị, nhờ vị tăng chuyển cúng dường giùm Trưởng lão nếu có gặp Ngài. Vị tăng nhận bình bát nghĩ rằng Trưởng lão dùng thức ăn ngon như thế sẽ thích ở đây luôn, nên dọc đường ông ta ném bỏ thức ăn hết. Ông ta cũng đến chỗ ngủ của Trưởng lão nhưng không thấy Ngài.

Vì phạm hành động xấu, định lực tu tập suốt hai mươi ngàn năm dài mất hiệu quả bảo vệ, nên ông mạng chung bị đọa xuống ngục A-tỳ, chịu đau khổ cùng cực trong thời kỳ giữa hai đức Phật. Vào thời Phật hiện tại, ông tái sanh tại Vương Xá trong một gia đình thức ăn thức uống sung túc.

Chuyện hiện tại   ĐẠO SĨ LÕA THỂ JAMBUKA

Từ khi biết cậu bé không chịu nằm giường, không ăn thức ăn mà chỉ ăn phân của mình, cha mẹ cậu nghĩ rằng chắc còn nhỏ quá nên không biết gì. Nhưng lớn lên, cậu cũng không chịu mặc quần áo, nằm dưới đất và ăn phân của mình. Cha mẹ biết cậu không quen sống trong nhà, có lẽ hợp với các đạo sĩ lõa thể Ājīvakas, nên mang cậu đến xin họ thu nhận vào giáo đoàn. Họ đồng ý, đặt cậu xuống một cái hố lút sâu tận cổ, kê ván qua xương đòn gánh của cậu rồi ngồi trên đó nhổ tóc cậu với lược thốt nốt.

Hôm sau, theo lời mời của cha mẹ cậu, các đạo sĩ Ājīvakas vào làng, bảo cậu đi theo, nhưng cậu từ chối. Năm lần bảy lượt thúc giục, cậu vẫn từ chối. Các đạo sĩ gởi thức ăn về, cậu cũng từ chối không ăn. Ngày qua ngày, cậu vẫn không nghe lời họ. Một hôm, khi các đạo sĩ vào làng, hai đạo sĩ trong nhóm giả vờ đi theo rồi quay lại núp rình và bắt gặp cậu xuống hố xí lượm phân nặn từng cục bốc ăn. Các đạo sĩ nghe kể lại kinh quá bảo nhau:

- Trời đất! Việc làm của hắn quả là sỉ nhục! Nếu đệ tử của Sa-môn Cồ-đàm biết được, sẽ đồn xấu là các đạo sĩ Ājīvakas tu tập bằng cách ăn phân. Người này không thể ở với chúng ta được.

Rồi họ đuổi Jambuka khỏi giáo đoàn. Ban đêm cậu đến hố xí công cộng, chỗ lõm của một tảng đá phẳng, ăn phân. Dân chúng đến đi cầu thấy cậu đứng lò cò trên tảng đá, co một chân đặt trên đầu gối, mở miệng rộng, mặt xoay về hướng gió, ngạc nhiên hỏi. Cậu đáp:

- Ta là người hớp gió, không ăn gì hết.

- Nhưng sao Ngài lại đứng một chân?

- Ta nghiêm trì khổ hạnh, nếu đứng hai chân mặt đất sẽ rúng động. Ta đứng một chân co một chân đặt trên đầu gối cả đời, không bao giờ nằm.

Hầu như ai cũng tin lời cậu. Dân hai nước Aṅga và Magadha rất cảm động và thán phục, họ mang vô số thức ăn đến cho cậu, nhưng cậu không muốn nhận bất cứ thứ gì, và bảo họ:

- Ta chỉ ăn gió, không ăn món gì khác. Nếu không, khổ hạnh của ta sẽ chấm dứt.

Dân làng một mực khẩn khoản cậu nhận, nhiều lần từ chối không được, cậu phải để vào đầu lưỡi một chút ngọn cỏ Kusa chấm với mật, bơ, mật mía, rồi đuổi họ đi:

- Rồi đó, các ngươi hãy đi đi! Các ngươi đã được hạnh phúc và cứu độ theo đúng nguyện vọng.

Cứ thế Jambuka sống năm mươi lăm năm, lõa thể, ăn phân, nhổ tóc và nằm dưới đất.

Phật quan sát thế gian thấy Jambuka đủ duyên lành chứng A-la-hán cùng các thần thông, tám mươi tư ngàn chúng sanh sẽ được Pháp nhãn thanh tịnh và số đông khác sẽ được cứu độ. Do đó hôm sau Phật vào Vương Xá khất thực và chiều đến thăm Jambuka. Các vị trời biết được, dùng thần lực làm mưa xuống rửa sạch nơi Jambuka đang ở. Tất cả năm trận mưa khác nhau rơi trên tảng đá ấy.

Đến nơi Phật gây một tiếng động nhẹ và gọi:

- Jambuka!

Đạo sĩ cứ nghĩ một tên xấu ác nào gọi mình nên hỏi lại cộc lốc:

- Ai đó?

Phật đáp:

- Một Tỳ-kheo.

- Ngài muốn gì, Đại Sa-môn?

- Cho ta ở lại đây chỉ một đêm.

- Đây không chỗ nào ở được, Đại Sa-môn!

- Jambuka, đừng nói thế. Cho ta ở chỉ một đêm thôi! Sa-môn tìm đoàn thể Sa-môn, người tìm đoàn thể người, thú vật tìm đoàn thể thú vật.

- Nhưng Ngài là một Sa-môn?

- Vậy thì bình đựng nước, muỗng gỗ, pháp cụ của Ngài đâu?

- Mọi thứ này ta đều thường dùng, nhưng vì cồng kềnh khó đem theo từ chỗ này đến chỗ nọ, nên ta sẽ lấy tại đây và đem theo khi rời nơi đây.

Jambuka bực dọc, hỏi gằn lại:

- Vậy khi rời đây, Ngài định đem theo à?

- Đừng lo, Jambuka! Hãy chỉ cho ta chỗ nào ở được.

Jambuka vẫn một mực:

- Dạ không chỗ nào ở được, Đại Sa-môn!

Thấy một hang núi rất gần, Phật hướng về đó hỏi:

- Có ai ở trong đó không?

- Thưa không, Đại Sa-môn.

- Vậy ta ở đó.

- Dạ hợp với Ngài, Đại Sa-môn.

Và Phật soạn tòa nằm trong hang núi và nằm nghỉ. Canh một Tứ Thiên Vương đến hầu hạ Phật, chiếu ánh sáng rực rỡ tứ phía. Jambuka trông thấy ngạc nhiên không hiểu ánh sáng gì. Canh hai vua trời Đế Thích phục vụ Thế Tôn. Jambuka thắc mắc không biết là ai. Canh ba và canh cuối là đại Phạm thiên, với một ngón tay chiếu sáng một Cakkavāla, hai ngón tay chiếu sáng hai Cakkavāla, và mười ngón tay chiếu sáng toàn thể khu rừng. Jambuka không biết là ai.

Sáng sớm hôm sau, cậu đến gặp Phật, chào thân thiện, cung kính đứng một bên và hỏi về những vị đã trông thấy khi đêm. Được biết đó là những vị trời đến hầu hạ Phật, và Phật là bậc tối thượng hơn họ, Jambuka bèn thốt lên:

- Ngài là một bậc tuyệt diệu, Đại Sa-môn! Tôi ở đây suốt năm mươi lăm năm mà không một ai đến hầu hạ tôi, thời gian này tôi sống nhờ gió, đứng ròng rã mà không ai đến phục vụ mình.

Thế Tôn bảo:
- Jambuka, ngươi đã liên tiếp lừa dối đám đông ngu ngốc ở thế gian này, và bây giờ cố lừa dối ta. Trong năm mươi lăm năm, thật sự có phải ngươi ăn phân, lõa thể, ngủ dưới đất và nhổ tóc với lược thốt nốt không? Nhưng ngươi đã gạt gẫm thế gian bảo rằng hớp gió, đứng một chân, không ngồi, không nằm. Bây giờ lại đang láo khoét với ta. Đó là vì tư kiến thấp hèn, sai lầm mà ngươi đã chấp chặt trong tiền kiếp, khiến mấy chục năm ngươi đã ăn phân, nằm dưới đất, lõa thể, nhổ tóc với cây lược thốt nốt. Chính đến bây giờ ngươi cũng còn chấp vào tư kiến thấp hèn và sai lầm.

- Nhưng, Đại Sa-môn, tôi đã làm gì trong tiền kiếp?

Trong khi Thế Tôn kể lại chuyện xấu ác kiếp trước, Jambuka rất xúc động và lòng cảm thấy khiêm hạ, sợ hãi tội lỗi to tát, cậu phủ phục trên đất. Thế Tôn ném một lá y để cho cậu khoác vào mình. Cậu chào Thế Tôn và kính cẩn ngồi một bên. Kể xong chuyện tiền kiếp, Phật thuyết pháp, và cuối bài pháp cậu chứng A-la-hán cùng với thần thông. Cậu rời chỗ ngồi, đảnh lễ Thế Tôn và xin được nhận vào Tăng đoàn.

Trước đây do nhục mạ một Trưởng lão đã chứng A-la-hán với bốn điều, Jambuka bị đọa địa ngục A-tỳ, đau khổ cùng tột, cho đến khi đại địa nâng cao một dặm ba phần tư. Nhưng quả báo của hành vi xấu ác chưa hết nên phải sống tủi nhục suốt năm mươi lăm năm. Bây giờ quả báo ác chấm dứt thì phước báo do công phu thiền định suốt hai mươi ngàn năm phục hồi, do đó Phật đã dang tay về phía Jambuka nói:

- Hãy đến,Tỳ-kheo! Hãy sống đời phạm hạnh!

Ngay đó tánh tướng một cư sĩ biến mất, ông đường đường là một Trưởng lão sáu mươi tuổi, đầy đủ tám món cần dùng.
Ngày đó dân chúng hai nước Aṅga và Magadha đến cúng dường Trưởng lão Jambuka nhiều phẩm vật. Thấy Thế Tôn họ so sánh với Jambuka, và thắc mắc không biết ai lớn hơn. Phật đoán biết ý nghĩ của họ liền bảo Jambuka giải nghi giùm. Trưởng lão thưa:

- Bạch Thế Tôn! Đây là việc con cần làm nhất.

Lập tức ông nhập Tứ thiền rồi xuất. Bay trên không cao bằng một cây thốt nốt, ông la lên:

- Bạch Thế Tôn, đấng Vô Thượng là Đạo sư của con, con là đệ tử của Ngài.

Rồi ông xuống đất đảnh lễ Thế Tôn, xong lại bay lên cao bằng hai cây thốt nốt, bằng ba cây, cho đến bảy cây thốt nốt, xác nhận mình là đệ tử của Thế Tôn rồi đáp xuống.

Đám đông thấy thế hết sức ca ngợi thần lực của chư Phật. Thế Tôn bảo họ rằng:

- Hàng chục năm ẩn sĩ này đã sống ở đây, để trên đầu lưỡi mút ngọn cỏ Kusa với thức ăn do các người mang đến, bảo rằng mình đã làm tròn bổn phận một ẩn sĩ khổ hạnh. Nhưng dù cho bây giờ ông kiêng ăn để tỏ lòng ăn năn hối hận, công phu khổ hạnh này không bằng một phần mười sáu ý tưởng đáng khen đã thúc đẩy ông ăn kiêng.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

                        (70) Tháng tháng với ngọn cỏ,
                                Người ngu có ăn uống,
                                Không bằng phần mười sáu,
                                Người hiểu pháp hữu vi.


 

Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu