Phẩm Cấu Uế: 10 - Trưởng Giả Ram

(252) Dễ thay thấy lỗi người, Lỗi mình thấy mới khó, Lỗi người ta phanh tìm, Như sàng trấu trong gạo, Còn lỗi mình che đậy, Như kẻ gian giấu bài.

Dễ thay thấy lỗi người ...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở Jàtiyàvana gần thành Bạt-đề (Bhaddiya), liên quan đến Trưởng giả Ram.

Bối cảnh:

10A. Thế Tôn Thăm Trưởng Giả Ram

Thuở nọ, khi đức Phật du hành qua xứ Anguttaras, Ngài nhận thấy những người trong gia đình Trưởng giả Ram đều có duyên chứng quả Tu-đà-hoàn. Ông trưởng giả vợ ông là Candapadumà, con trai là Trưởng giả Dhananjiya, con dâu Sumanà Devì, cháu nội Visàkhà, tớ gái Punna. Nhận thấy như thế, Ngài đi đến thành Bhaddiya, ngụ tại rừng Jàtiyà (Jàtiyàvana). Trưởng giả Ram nghe Phật đến bèn đi thăm. Nhưng tại sao ông có tên là Ram?

Ngoài đề:

10B. Trưởng Giả Ram Và Những Con Cừu Bằng Vàng.

Ðằng sau nhà ông, trong khoảng sân rộng tám mẫu, có những con cừu bằng vàng to bằng con voi, ngựa hoặc trâu nước. Chúng phi tới phi lui, cày đất tứ tung, thụi lưng vào nhau. Khi Trưởng giả Ram cần bơ, dầu, mật ong, hay mật mía, hoặc thức ăn, hoặc ông cần y phục, hoặc vàng bạc, ông chỉ cần đặt một trái banh bằng chỉ ngũ sắc vào miệng mấy con cừu, từ miệng chúng sẽ tuôn ra đủ tất cả các thứ cần dùng cho mọi người trên khắp cõi Diêm-phù-đề, dù chỉ lấy ở một con thôi. Ðó là lý do ông được gọi là Ram (Cừu). Nhưng ông đã làm gì trong quá khứ?

Chuyện quá khứ:

10C. Bằng Cách Nào Trưởng Giả Ram Có Ðược Cừu Bằng Vàng?

Vào thời Phật Tỳ-bà-thi, ông là cháu của một người tên Avaroja, ông cũng tên Avaroja. Người cậu dự định xây cất hương thất cho Phật, Avaroja cháu đến gặp Avaroja cậu, đề nghị:

- Thưa cậu, chúng ta hợp tác để xây cất hương thất.

- Ta không muốn chia sẻ công việc cho ai cả.

Người cậu trả lời như thế. Cháu nghĩ thầm: "Ngay khi hương thất xây xong, sẽ có một chuồng voi tại đây". Chàng đặt thợ rừng cưa gỗ, dựng cột, cất một trại voi với tất cả rui mè, kèo, đòn tay, cửa cái, cửa sổ, sàn nhà, nóc đều cẩn đầy vàng bạc, châu báu. Như thế, đối diện với hương thất của Như Lai là một chuồng voi dành cho Ngài, trang hoàng bằng thất bảo. Trên nóc chuồng có một cái tháp bằng vàng ròng, đỉnh tháp bằng san hô. Chính giữa lều chàng đặt một cây lọng bằng ngọc, che trên tòa ngồi. Tòa ấy có bốn chân bằng vàng ròng, dưới bốn chân ghế có bốn con cừu bằng vàng đỡ chân, hai cừu vàng kê chân. Sáu cừu vàng vây quanh lọng. Mặt ghế trải thảm bằng chỉ vàng, chỉ bạc, lưng ghế bằng gỗ chiên đàn.

Khi hoàn thành lều voi, chàng mở tiệc ăn mừng, chàng thỉnh Phật và sáu trăm tám mươi ngàn vị Tỳ-kheo cúng dường tám tháng. Ngày cuối cùng, chàng cúng dâng mỗi vị Tỳ-kheo ba y, và chỉ một y cho mỗi vị Sa-di cũng đã đáng giá trăm ngàn đồng vàng. Sau khi làm những công đức như thế trong thời Phật Tỳ-bà-thi, Avaroja cháu đã tái sinh cõi trời, cõi người. Và kiếp này nổi tiếng là Trưởng giả giàu có của thành Ba-la-nại.

Chuyện quá khứ

10D. Vì Sao Trưởng Giả Ram Và Gia Quyến Ðược Phép Màu?

Một ngày kia, Trưởng giả Ram đến hoàng cung chầu vua, gặp thầy Tư tế của hoàng gia, ông hỏi:

- Thưa thầy, thầy có xem thiên văn không?

- Ðược chứ, ông cần gì?

- Xin cho biết vận mệnh của xứ này.

- Sẽ có thiên tai.

- Chừng nào xảy ra?

- Ba năm nữa sẽ có nạn đói.

Trưởng giả nghe nói thế, bèn về nhà ra lệnh trồng thật nhiều lúa, đem hết tài sản mua lúa, xây cất một ngàn hai trăm năm mươi vựa đựng thóc lúa, đổ đầy tràn, còn đổ thêm vào lu hũ chôn dưới đất, còn bao nhiêu ông cho trộn với đất sét, xây thành bức tường.

Thời gian sau, nạn đói xảy ra, ông đem số lúa dự trữ ra ăn. Khi ăn cạn hết lương thực, ông gọi thân quyến đến và bảo:

- Các người hãy đi vào núi mà kiếm thức ăn. Khi nạn đói qua hãy trở về. Nếu không muốn về cứ ở lại nơi nào mình thích.

Tất cả thân bằng quyến thuộc ra đi, chỉ còn lại vợ Trưởng giả, con trai, con dâu, và người giúp việc Punna ở lại với ông, cả thảy năm người. Sau khi ăn hết lúa chôn dưới đất, họ cạy bức tường, ngầm từng mảng vào nước, lượm lúa ra ăn. Nạn đói hoành hành rộng lớn và tường lúa cũng hết. Chỉ còn lại một lít lúa cuối cùng, bà Trưởng giả sợ trộm vét, bèn bỏ vào trong bình, đậy nắp lại chôn dưới đất.

Khi ông Trưởng giả ở cung vua về, hỏi vợ:

- Này bà, tôi đói bụng, còn gì để ăn không?

- Còn một ít lúa chôn dưới đất.

- Hãy đào lên và nấu ăn.

- Nếu tôi nấu cháo thì ăn được hai bữa, nếu nấu cơm thì chỉ một bữa thôi. Làm theo cách nào?

- Bây giờ chúng ta chẳng còn gì, chỉ ăn bữa cơm rồi chờ chết, thôi nấu cơm đi.

Bà vợ nấu cơm, chia làm năm phần, và đặt phần của ông Trưởng giả trước mắt ông.

Lúc ấy trên núi Kiền-đà (Grandhamàdana) có một vị Phật Bích Chi nhập định, Ngài không bao giờ bị đói, nhưng nếu Ngài ra khỏi định, chẳng bao lâu Ngài sẽ đói vì bao tử hoạt động trở lại. Lúc ấy Ngài quan sát xem nơi nào có thể khất thực. (Chúng sanh nào dâng cơm cho Ngài sau khi xuất đại định sẽ được phước báo làm tổng tư lệnh hoặc cấp ngang hàng).

Ðức Phật Bích Chi chỉ dùng thiên nhãn quan sát thế giới, Ngài thấy rằng một trận đói khủng khiếp đã xảy ra trên cõi Diềm-phù-đề, và tại nhà Trưởng giả nọ chỉ còn năm người với một lít gạo. Liệu họ có đủ thành tín để cúng cho Ngài? Nhận thấy họ rất mực thành tín, Ngài bèn đắp y, mang bát đến trước cửa nhà Trưởng giả.

Khi ông Trưởng giả nhìn thấy Phật, lòng ông tràn đầy niềm vui: "Vì quá khứ ta không hề cúng dâng nên giờ này mới chịu nạn đói kinh khủng, phần cơm này chỉ giúp ta sống một ngày, nếu cúng dường Phật ta sẽ thoát vòng sanh tử trong nhiều kiếp".

Nghĩ thế, ông mời Phật vào nhà, đảnh lễ năm vóc sát đất, thỉnh Ngài ngồi, đem nước rửa chân, kê chân Ngài bằng chiếc nệm vàng, và sớt cơm vào bát Phật. Khi ông sớt được phân nửa, đức Bích Chi dùng tay che miệng bát, tỏ ý không nhận thêm. Ông Trưởng giả bạch Phật:

- Bạch Ngài, chúng con năm người chung một lít gạo, phần cơm này là một trong năm phần được chia. Con không muốn sớt làm hai, con muốn cúng dường Ngài tất cả, con không mong cầu Ngài ban phước lành cho con hiện đời.

Nói xong ông trút hết cơm vào bát Phật và phát lời nguyện:

- Bạch Ngài, mong rằng nơi nào con tái sinh, con xin sẽ không bao giờ chịu đói như hiện tại. Con sẽ có đủ thức ăn cho mọi người trên khắp cõi Diêm-phù-đề. Con không phải làm lụng cực nhọc để sống. con sẽ có một ngàn hai trăm năm chục vựa lúa, sau khi quét dọn sạch sẽ, con gội đầu và ngồi trước cửa kho, đúng lúc đó thóc lúa sẽ rơi đầy kho lẫm. Nơi nào con tái sinh, vợ con là người vợ này, con trai, con dâu và đầy tớ chính là những người này.

Vợ Trưởng giả nghĩ: "Ta sẽ không ăn khi chồng ta chịu đói". Và bà cũng dâng cúng phần cơm của mình cho Phật, với lời nguyện:

- Nơi nào con tái sinh, con không chịu nạn đói lần thứ hai. Con có quyền năng dùng một bát cơm cho tất cả người trên cõi Diêm-phù-đề, cho bao nhiêu tùy ý mà bát cơm vẫn đầy. Nguyện những người này sẽ là chồng con, con trai, con dâu, và là người giúp việc của con trong kiếp sau.

Con trai ông Trưởng giả cũng cúng phần cơm của mình với lời nguyện:

- Con xin không bao giờ bị đói như thế này. Con sẽ có quyền năng chỉ với một túi tiền độ một ngàn đồng mà bố thí cho tất cả những người ở cõi Diêm-phù-đề, cho bao nhiều tùy ý, túi tiền vẫn đầy. Cha, mẹ, vợ, người giúp việc chính là những người này.

Con dâu cũng cúng phần cơm của mình cho Phật với lời nguyện:

- Con xin không bao giờ bị nạn đói. Con sẽ có một cái giỏ đựng thóc giống cung cấp cho mọi người không hết. Nơi nào con tái sinh, những người này là cha chồng, mẹ chồng, chồng và người giúp việc.

Người giúp việc Punna cũng cúng phần cơm của mình cho Phật Bích Chi với lời nguyện:

- Con sẽ không bao giờ bị đói. Khi con cày đất, ba luống cày bên mặt, ba luống cày bên trái và một đường cày giữa, cả bảy đường cày đều rộng vài sải tay.

Mặc dù ông ta có thể ước nguyện làm tổng tư lệnh, nhưng vì tình cảm liên hệ với gia chủ, ông cũng nguyện: "Những người này là ông chủ, bà chủ".

Khi mỗi người phát nguyện, Phật Bích Chi đều nói:

- Sẽ được vậy?

Và Ngài nói lời cảm tạ bằng những bài kệ theo cung cách một vị Bích Chi Phật, rồi nghĩ thầm: "Bổn phận của Ta là làm thỏa nguyện vọng của những chúng sanh này". Ngài thầm bảo: "Hãy để những người này nhìn theo thấy Ta cho đến tận núi Kiền-đà". Ngài bay lên hư không và họ đứng nhìn theo. Ðến nơi, Ngài chia cơm trong bát cho năm trăm vị Bịch Chi Phật, do thần lực của Ngài cơm đầy đủ cho tất cả. Năm người vẫn đứng và thấy rõ.

Lúc ấy trời đã quá trưa, vợ ông Trưởng giả rửa sạch nồi cơm, đậy nắp lại và cất đi. Ông Trưởng giả đói meo, nằm dài ra ngủ. Ðến chiều, ông thức dậy gọi vợ:

- Này bà, tôi đói quá, bà xem còn sót miếng cơm cháy nào trong nồi không?

Bà nhớ kỹ rằng mình đã rửa sạch nồi cất đi, chắc chắn không còn một hột cơm cháy nào, nhưng thay vì nói: "Không còn gì hết", bà vẫn nói:

- Tôi sẽ xem thử coi.

Bà đi đến nơi cất nồi, giở nắp ra, và ngay lúc đó, nồi cơm đầy nhóc, thơm ngào ngạt, hơn thế nữa, cơm tràn tận miệng nồi đội cả nắp lên.

Chứng kiến việc lạ lùng này, toàn thân bà rung động vui mừng, bà gọi chồng:

- Này, ông dậy đi, tôi đã rửa sạch nồi cất đi, mà bây giờ cơm lại đầy nồi, thơm nghi ngút. Ðây là quả phước của việc thiện, quả phước của việc cúng dường. Dậy mà ăn, ông ạ.

Bà đem cơm cho chồng và con trai. Khi họ ăn xong, bà cùng ăn với con dâu, và sau đó cho người giúp việc Punna. Dù bới bao nhiêu, nồi cơm cũng không giảm, cứ xúc ra một vá thì vá cơm khác hiện ra. Vào ngày ấy, tất cả vửa lúa kho lẫm trong nhà ông đều đầy thóc. Ông Trưởng Giả rao khắp thành phố: "Lúa thóc hiện đầy đủ trong nhà ông Trưởng giả, tất cả những ai muốn dùng cứ đến lấy".

Mọi người đổ xô đến lấy lúa, và tất cả dân chúng cõi Diêm-phù đều được lúa thóc.

Ông Trưởng giả sau khi chết, tái sanh vào cõi trời, cõi người, vào thời Phật hiện tại, sanh trong gia đình giàu có ở Bhaddiya. Vợ ông khi xưa cũng là vợ hiện tại, cả con trai, con dâu, người giúp việc Punna. Do phước báo kể trên, những con cừu vàng lại hiện ra trong sân nhà ông.

10E. Trưởng Giả Ram Và Gia Quyến Thực Hiện Phép Màu

Một ngày nọ, Trưởng giả Ram muốn thử lại quyền lực của mình. Ông cho quét sạch một ngàn hai trăm năm mươi kho lúa, gội đầu, và ngồi ở cửa mỗi kho nhìn vào, lập tức các kho lẫm đều đầy lúa. Ông bảo vợ, con dâu và người giúp việc hãy thử quyền lực của mình.

Bà vợ trang điểm lộng lẫy, ngồi ở cổng nhà, cầm một muỗng vàng rao lên:

- Ai cần cơm cứ đến.

Bà sớt đầy cơm vào những bình và chậu đưa đến, tất cả ai đến xin đều được cho. Suốt ngày giỏ cơm của bà không vơi.

(Vào thời chư Phật quá khứ, cũng trong dịp này, bà dâng cơm cho chúng Tăng, với tay mặt cầm muỗng, tay trái xách giỏ cơm. Vì thế, nơi lòng bàn tay trái của bà có dấu hoa sen, lòng bàn tay mặt có dấu mặt trăng tròn. Khi bà dâng nước cho chư Tăng, đi tới, đi lui, thì dấu hoa sen và dấu mặt trăng lại hiện ở bàn chân. Vì thế bà có tên là Candapadumà (Liên Nguyệt).

Người con trai mang túi tiền chừng một ngàn đồng vàng, bố thí cho tất cả mọi người, và bao giờ trong túi cũng còn đủ một ngàn đồng vàng. Con dâu cũng trang điểm lộng lẫy, cung cấp thóc giống cho tất cả mọi người, túi thóc vẫn không vơi.

Người giúp việc cũng trang điểm hết mình, bắt ách vàng, cày vàng lên mình con bò, choàng dây vàng lên mình nó và dẫn ra ruộng. Mỗi nhát cày là bảy đường cày, ba đường bên trái, và một đường cày ở giữa.

Như thế, tất cả dân chúng trên cõi Diêm-phù đều nhân thức ăn, thóc giống, vàng bạc thỏa thích từ nhà Trưởng giả.

Kết Thúc Của Truyện:

10F. Trưởng Giả Ram Ðến Gặp Phật

Khi Trưởng giả đầy quyền lực nghe tin đức Bổn sư đến thành, ông đi đến thăm Phật. Trên đường đi ông gặp một nhóm ngoại đạo ngăn cản:

- Này Trưởng giả, ông đi đâu? Ông tin có Thần Ngã mà lại đến thăm Cồ-đàm, người không tin điều này.

Mặc dù họ cố gắng thuyết phục, ông vẫn không màng đến lời họ. Ông đi đến chỗ Phật, đảnh lễ và kính cẩn ngồi một bên. Phật thuyết pháp, nghe xong ông chứng quả Dự lưu. Ông thuật lại lời chống đối, phỉ báng của ngoại đạo cho Phật nghe. Phật dạy:

- Này Trưởng giả, những người ấy không thấy lỗi của mình dù là lỗi lớn, còn người khác không lỗi, họ cũng cố gắng kẻ vạch, như quạt thóc tìm trấu.

Ngài nói Pháp Cú:

                 (252) Dễ thay thấy lỗi người,
                            Lỗi mình thấy mới khó,
                            Lỗi người ta phanh tìm,
                            Như sàng trấu trong gạo,
                            Còn lỗi mình che đậy,
                            Như kẻ gian giấu bài.


 

Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu