Chuyện về hai vị sơ tổ của thiền Trúc Lâm Yên Tử

Chuyện về hai vị sơ tổ của thiền Trúc Lâm Yên Tử
Lâu nay, khi nhắc tới thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, người ta chỉ nói tới Trần Thái Tông. Thực tế, Trần Thái Tông là tổ thứ ba. Hai người sáng lập ra dòng thiền này là Hiện Quang và Đạo Viên. Hiện Quang – vị thiền sự khai sinh chùa Hoa Yên

Chuyện về hai vị sơ tổ của thiền Trúc Lâm Yên Tử

Thiền sư Hiện Quang, tên tục là Lê Thuần, sinh trưởng ở kinh đô Thăng Long. Năm 11 tuổi, Lê Thuần được thiền sư Thường Chiếu ở chùa Lục Tổ thuộc đất Ninh Bình ngày nay nhận nuôi dạy làm đệ tử. Thiền sư Thường Chiếu đặt pháp danh cho Lê Thuần là Hiện Quang. Năm 1203 tức năm Quý Hợi, thiền sư Thường Chiếu viên tịch. Lúc này, sư Hiện Quang đã 21 tuổi. Tuy nhiên, sư Hiện Quang vẫn chưa thọ tỳ kheo giới và cũng chưa hiểu gì về yếu chỉ của Thiền tông.

Tự nhận thấy sức học của mình về thiền còn nhiều yếu kém, sư Hiện Quang tự than rằng: “Ta cũng như đứa con của đại phú gia. Khi cha mẹ còn sống thì không biết nhà đầy châu báu, khi cha mẹ chết thì trở nên bần cùng nghèo khổ”. Không than thở suông, sư Hiện Quang quyết chí đi tìm thầy để trau dồi thêm kiến thức. Khi đến chùa Thánh Quả, nghe lời giảng dạy của thiền sư Trí Không, sư Hiện Quang bỗng thấy tâm trí mình được khai sáng. Do vậy, sư Hiện Quang đã bái sư Trí Không làm thầy của mình.

Tu học với thiền sư Trí Không được một thời gian thì sư Hiện Quang bị người đời đàm tiếu làm chuyện trái với đạo nhà sư. Sư Hiện Quang vốn là người có dáng mạo thanh tú, giọng nói nhẹ nhàng. Vậy nên khi Hoa Dương công chúa hay lui tới cúng dường, sư Hiện Quang đã bị người đời nói ra nói vào những điều không hay. Bị đàm tiếu, Hiện Quang nghĩ: “Phàm cùng thế tục tới lui, ắt chẳng khỏi bị hủy nhục. Lẽ nào ta cũng phải chịu như thế?... Sao không mau tỉnh ngộ, lấy nhẫn nhục làm giáp trụ, lấy tinh tấn làm giáo mác, thì lấy gì để đánh ma quân, phá phiền não để cầu đạt tới Vô thượng bồ đề?”.

Nghĩ là làm, sư Hiện Quang liền bỏ lên núi Uyên Trừng, Nghệ An.Ở đây, sư Hiện Quang theo học và thọ giới tỳ kheo với thiền sư Pháp Giới. Một hôm, có một người hầu mang gạo của chủ lên cúng chùa, không may lỡ tay làm đổ xuống đất. Vô cùng lo sợ bị trách phạt, người hầu vội vàng hốt gạo lẫn với đất. Hiện Quang vô tình chứng kiến cảnh tượng này, đau lòng mà tự than: “Ta sống không làm lợi ích gì cho ai, luống nhọc người cung đốn, đến phải như thế”.

Cũng từ đó, thiền sư Hiện Quang bắt đầu không ăn cơm nữa. Ông chỉ ăn rau củ. Theo những ghi chép của sử sách để lại thì sư Hiện Quang đã sống hơn mười năm chỉ với các loại rau củ.

Khi đã có tuổi, thiền sư Hiện Quang vào sâu trong núi Yên Tử, Quảng Ninh kết cỏ, làm am tranh mà ở. Và ở đây, sư Hiện Quang được cho là vị khai sơn chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Nghe đức vọng của thiền sư, vua Lý Huệ Tông đã vài lần cho sứ giả đưa lễ vật đến mời về kinh, nhưng lần nào sư cũng lánh mặt, quyết không xuống núi, chỉ nhờ người ra nhắn gửi với vua rằng: “Bần đạo sinh trên đất của vua, ăn lộc của vua, ở trong núi thờ Phật đã lâu năm mà công đức chưa thành tựu, tự lấy làm hổ thẹn.

Thiền viện Trúc Lâm
Thiền viện Trúc Lâm

Nay, nếu bảo về yết kiến vua thì chẳng có ích gì cho việc trị an, lại còn bị chúng sinh bài bán. Huống chi ngày nay, Phật pháp đang hưng thịnh, những bậc thầy mẫu mực trong bản đạo đã có đủ nơi điện các. Vậy xin bệ hạ đoái lượng cho kẻ mặc chiếc cà sa thô lạnh này được nương thân trong chốn núi rừng hành đạo, khỏi phải đến chốn kinh đô”.

Chuyện kể rằng, khi thiền sư Hiện Quang ở trên núi, có một thầy tăng đến thăm chùa đã hỏi: “Từ khi đến núi này, hòa thượng làm những việc gì?”. Thiền sư Hiện Quang đáp:

“Ná dĩ Hứa Do đức
Hà tri thế kỷ xuân
Vô vi cư khoáng dã
Tiêu đạo tự tại nhân.”
Dịch thơ có nghĩa là:
“Theo Hứa Do vào để truyền ngôi tu đức
Nào hay đã mấy xuân?
Vô vi trong cõi rộng
Tiêu dao một tấm thân.”

Như vậy đủ thấy tấm lòng của thiền sư Hiện Quang dành cho đức đạo.
Thiền sư Hiện Quang viên tịch vào mùa xuân năm Tân Tỵ niên hiệu Kiến Gia thứ 11 tức năm 1221, đời vua Lý Chiêu Hoàng. Trước khi viên tịch, thiền sư Hiện Quang đã ngồi nghiêm trang trên một tảng đá lớn mà đọc bài kệ:

“Huyền pháp giai thị huyễn
Huyễn tu giai thị huyễn
Nhị huyễn giai bất tức
Tức thị trừ chư huyễn.”
Dịch nghĩa là:
“Huyễn pháp đều là huyễn
Huyễn tu đều là huyễn
Hai huyễn đều xa lìa
Tức là trừ các huyễn”

Đọc xong bài kệ, thiền sư viên tịch trong sự thanh thản, lặng lẽ. Đệ tử của Hiện Quang thiền sư là Đạo Viên làm lễ táng cho ông trong hang núi Yên Tử.

Và người học trò thiền sư Đạo Viên

Đạo Viên là đệ tử của Hiện Quang. Cho đến nay, thân thế và hành trạng của thiền sư Đạo Viên được rất ít sách vở ghi chép. Bởi vậy, người đời đều không biết được Đạo Viên sinh, mất năm nào. Ngay cả tên thật của ông cũng chưa thấy trong sử sách này ghi chép lại. Người ta chỉ biết rằng, Đạo Viên là Quốc sư triều Trần và là thiền sư thuộc thế hệ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Sau khi thiền sư Hiện Quang mất, chính Đạo Viên đã làm lễ táng cho thiền sư Hiện Quang trên núi Yên Tử. Sau đó, ông nối tiếp đạo của thầy mình. Tuy nhiên, trong các cuốn sách như “Thánh đăng lục”, “Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều thiền tông bản hạnh” hay “Đại Nam thiền uyển kế đăng lục” (còn gọi là “Thiền uyển kế đăng lục”) đều nói đệ tử của thiền sư Hiện Quang có tên là Viên Chứng. Sau khi tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã thống nhất với nhau rằng: Có nhiều khả năng, Đạo Viên và Viên Chứng chỉ là một người. Một điều khác biệt nữa là sách “Đại Việt sử ký toàn thư “đã gọi Đạo Viên (hay Viên Chứng) là “Phù Vân, bạn cũ của vua (Trần Thái Tông)”.

Tuy nhiên, theo các nhà lịch sử thì rất có thể sách đã có sự nhầm lẫn. Do Phù Vân là hiệu của thiền sư Tĩnh Lự. Đây là thiền sư thuộc thế hệ thứ 10 của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hơn nữa, tuổi của vua Trần Thái Tông kém thiền sư Đạo Viên khoảng gần 20 năm. Do đó, Tĩnh Lữ và Trần Thái Tông chỉ có thể là “thầy trò” chứ không thể là “bạn cũ”.

Sau lần gặp gỡ tại núi Yên Tử vào năm 1236 (hoặc năm 1237) thì hơn 10 năm sau, vào năm 1248, thiền sư Đạo Viên có xuống kinh đô Thăng Long, trú tại chùa Thắng Nghiêm (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội). Cuộc du hành xuống kinh đô Thăng Long lần này của Đạo Viên là theo lời mời của vua Trần Thái Tông nhằm duyệt lại các bộ kinh và lục trước khi đem khắc gỗ để ấn hành.

Trong cuộc gặp gỡ này, vua Trần Thái Tông cũng trình cho thiền sư Đạo Viên một tác phẩm vừa mới viết có tên là “Thiền tông chỉ nam”. Tác phẩm này được thiền sư Đạo Viên khen ngợi hết lời. Thiền sư còn khuyên nên khắc bản để in luôn trong dịp ấy. Vốn tôn kính thiền sư Đạo Viên nên lời khen đó của thiền sư đã khiến cho Trần Thái Tông rất vui. Để tỏ lòng kính trọng sự uyên bác và đạo hạnh của thiền sư Đạo Viên, vua Trần Thái Tông quyết định tôn ông làm Quốc sư, và gọi là Trúc Lâm Đại sa môn.

Cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy tác phẩm hay bài kệ nào của thiền sư Đạo Viên. Do đó, chúng ta vẫn chưa thể biết tôn chỉ hành đạo của thiền sư Đạo Viên. Tuy nhiên, qua lời đối đáp với vua Trần Thái Tông, thì có thể đoán biết được phần nào tôn chỉ ấy. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại thì sau khi bị thái sư Trần Thủ Độ ép lấy vợ của anh ruột là Trần Liễu, vua Trần Thái Tông “trong lòng áy náy, ba đêm, ra khỏi kinh thành đến chỗ quốc sư Phù Vân trên núi Yên Tử rồi ở lại đó”. Chứng kiến điều đó, thiền sư Đạo Viên mới hỏi nhà vua muốn tìm gì mà lên núi. Trần Thái Tông đáp rằng mình chỉ muốn cầu thành Phật, chứ không muốn tìm gì khác.

Thiền sư Đạo Viên đã nói rằng: “...Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm ta lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được chân lý ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không phải đi tìm cực nhọc ở bên ngoài”.

Sau này, khi Trần Thủ Độ dẫn các quan lên núi Yên Tử cố mời nhà vua trở lại kinh đô, thiền sư Đạo Viên lại khuyên vua Trần Thái Tông rằng: “...Phàm đã làm vua, thì không còn có thể theo ý thích của riêng mình được nữa, phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, phải lấy lòng dân làm lòng của mình. Nay dân đã muốn vua về, thì vua không về làm sao được?... Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên”.

Rõ ràng, qua đó có thể thấy được ảnh hưởng của thiền sư Đạo Viên trong sự tu học của vua Trần Thái Tông. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy được những đóng góp về phương diện văn hóa trong việc san định, ấn hành kinh lục. Ngoài ra, công lao của thiền sư Đạo Viên với thiền phái Trúc Lâm Yên tử còn là việc đã cống hiến cho đời thêm một vị đệ tử xuất sắc. Đó chính là Ðại Ðăng quốc sư - người được xem là đã ảnh hưởng nhiều tới tư tưởng thiền phái Trúc Lâm sau này.

Tác giả bài viết: Bằng Hư

Nguồn tin: phunutoday.vn