Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

THIỀN SƯ CẢNH SẦM

Đăng lúc: Thứ năm - 14/06/2012 08:15 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
THIỀN SƯ CẢNH SẦM

THIỀN SƯ CẢNH SẦM

(Trường Sa)

Sau khi đắc pháp nơi Nam Tuyền, Sư đến Lộc Uyển an trụ. Về sau, Sư không ở một chỗ nhất định, chỉ tùy duyên tùy cảnh giáo hóa độ sanh. Vì thế, người đương thời gọi Sư là Hòa thượng Trường Sa.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Nếu ta một bề nêu cao tông giáo thì trong pháp đường này cỏ mọc cao một trượng. Vì sự bất đắc dĩ, ta bảo các ngươi rằng: Tột mười phương thế giới là mắt của Sa-môn, tột mười phương thế giới là thân của Sa-môn, tột mười phương thế giới là ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới ở trong ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới không có người nào là chẳng phải chính mình. Ta thường nói với các ngươi: Chư Phật trong đời cùng chúng sanh khắp pháp giới là ánh sáng Ma-ha Bát-nhã. Khi ánh sáng này chưa phát, cả thảy các ngươi đến nương nơi đâu? Khi ánh sáng này chưa phát, còn không có tăm dạng Phật và chúng sanh, thì chỗ nào có núi sông thế giới?

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là mắt Sa-môn?

Sư đáp:

- Dài dài ra chẳng đặng, thành Phật thành Tổ ra chẳng đặng, sáu đạo luân hồi ra chẳng đặng.

- Chẳng biết ra cái gì chẳng đặng?

- Ngày thấy mặt trời, đêm thấy sao.

- Con không hội.

- Núi Diệu Cao sắc xanh lại xanh.

*

Sư sai một vị Tăng đến hỏi bạn đồng sư là Hòa thượng Hiệp rằng:

- Hòa thượng sau khi thấy Nam Tuyền rồi thế nào?

Hòa thượng Hiệp lặng thinh.

Tăng hỏi:- Hòa thượng trước khi chưa thấy Nam Tuyền thì sao?

Hòa thượng Hiệp đáp:- Không thể lại riêng có.

Vị Tăng về thuật lại Sư nghe, Sư làm một bài kệ chỉ bày:

            Bách trượng can đầu bất động nhân

            Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân

            Bách trượng can đầu tu tấn bộ

            Thập phương thế giới thị toàn thân.

Dịch:

            Trăm trượng đầu sào vẫn đứng yên

            Tuy là được nhập chẳng phải hiền

            Ðầu sào trăm trượng cần vượt khỏi

            Mười phương thế giới thảy thân mình.

*

Có quan khách đến yết kiến, Sư gọi:- Thượng thơ!

Quan khách:- Dạ!

- Chẳng phải bổn mạng thượng thơ.

- Không thể rời người đối đáp hiện nay lại có chủ nhân thứ hai.

- Gọi thượng thơ là chí tôn được chăng?

- Thế là khi chẳng đối, đâu không phải là chủ nhân của đệ tử?

- Chẳng những khi đối và khi không đối, mà từ vô thủy kiếp đến giờ cái ấy là cội gốc của sanh tử.

Sư làm bài kệ:

            Học đạo chi nhân bất thức chân

            Chi vị tùng lai nhận thức thần

            Vô thủy kiếp lai sanh tử bản

            Si nhân hoán tác bản lai nhân.

Dịch:

            Học đạo mà không hiểu lẽ chân

            Bởi tại lâu rồi nhận thức thần

            Gốc nguồn sanh tử vô thủy kiếp

            Người ngu lại gọi chủ nhân ông.

*

Tăng Hạo Nguyệt hỏi:

- Những vị thiện tri thức trong thiên hạ chứng được ba đức Niết-bàn chưa?

Sư đáp:

- Ðó là Ðại đức hỏi trên quả Niết-bàn hay trong nhân Niết-bàn?

- Trên quả Niết-bàn.          

- Những thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng.       

- Vì sao chưa chứng?

- Vì công chưa bằng chư thánh.   

- Công chưa bằng chư thánh sao làm thiện tri thức.

- Thấy rõ Phật tánh cũng được gọi là thiện tri thức.

- Chẳng biết công bằng chừng nào mới được chứng Niết-bàn?

Sư có bài kệ:

            Ma-ha Bát-nhã chiếu

            Giải thoát thậm thâm pháp

            Pháp thân tịch diệt thể

            Tam nhất lý viên thường.

            Dục thức công tề xứ

            Thử danh thường tịch quang.

Dịch:

            Trí tuệ lớn rộng soi

            Pháp giải thoát sâu xa

            Thể pháp thân vắng lặng

            Ba một lý thường tròn.

            Muốn biết chỗ công bằng

            Ðây gọi thường tịch quang.

- Trên quả ba đức Niết-bàn đã nhờ chỉ dạy, thế nào là trong nhân Niết-bàn?

- Ðại đức ấy.

- Trong kinh nói ý huyễn là có chăng?

- Ðại đức nói gì?

- Thế là ý huyễn tại không chăng?

- Ðại đức nói gì?

- Thế là ý huyễn tại chẳng có chẳng không chăng?

- Ðại đức nói gì?

- Con ba phen nhận định chẳng hợp ý huyễn, chưa biết Hòa thượng thế nào để rõ được ý huyễn trong kinh?

- Ðại đức tin tất cả pháp không thể nghĩ bàn chăng?

- Lời thành thật của Phật đâu dám không tin.

- Ðại đức nói tin, trong hai thứ tin là thứ tin nào?

- Theo con hiểu, trong hai thứ tin là tin duyên (tín duyên).

- Y giáo môn nào được sanh tin duyên?

- Theo kinh Hoa Nghiêm nói: "Bồ-tát lớn lấy trí tuệ không chướng không ngại tin tất cả cảnh giới thế gian là cảnh giới Như Lai." Lại, kinh Hoa Nghiêm nói: "Chư Phật Thế Tôn thảy biết thế pháp và Phật pháp tánh không sai khác, quyết định không hai." Cũng kinh Hoa Nghiêm nói: "Phật pháp thế gian pháp, nếu thấy chỗ chân thật của nó, tất cả không sai khác."

- Ðại đức nêu chỗ tin duyên trong giáo môn rất có bằng cứ. Nghe Lão tăng vì Ðại đức nói rõ ý huyễn trong kinh:

            Nhược nhân kiến huyễn bản lai chân

            Thị tắc danh vi kiến Phật nhân

            Viên thông pháp pháp vô sanh diệt

            Vô diệt vô sanh thị Phật thân.

Dịch:

            Nếu người thấy huyễn xưa nay chân

            Thế ấy tức là thấy Phật nhân (người)

            Suốt tròn các pháp không sanh diệt

            Không diệt không sanh ấy Phật thân.

*

Có vị Tăng hỏi:- Hòa thượng nối tiếp người nào?

Sư đáp:- Tôi không có người được nối tiếp.

- Lại có tham học không?

- Tôi tự tham học.

- Ý Hòa thượng thế nào?

Sư có bài kệ:

            Hư không vấn vạn tượng

            Vạn tượng đáp hư không

            Thùy nhân thân đắc văn

            Mộc xoa quán giác đồng.

Dịch:

            Hư không hỏi vạn tượng

            Vạn tượng đáp hư không

            Người nào gần được nghe

            Trẻ con đầu hai chỏm

*

Có vị Tăng hỏi:- "Sắc tức là không, không tức là sắc", lý này thế nào?

Sư có bài kệ:

            Ngại xứ phi tường bích

            Thông xứ vật hư không

            Nhược nhân như thị giải

            Tâm sắc bản lai đồng

 

            Phật tánh đường đường hiển hiện

            Trụ tánh hữu tình nan kiến

            Nhược ngộ chúng sanh vô ngã

            Ngã diện hà thù Phật diện.                       

Dịch:

            Chỗ ngại chẳng tường vách

            Chỗ thông đâu hư không

            Nếu người tìm hiểu như thế

            Tâm sắc xưa nay đồng

           

            Phật tánh hiển hiện rõ ràng

            Trụ tánh hữu tình khó thấy

            Nếu ngộ chúng sanh vô ngã

            Mặt ta mặt Phật khác gì.

               

 Sư có bài kệ khuyến học:

            Vạn trượng can đầu vị đắc hưu

            Ðường đường hữu lộ thiểu nhân du

            Thiền sư nguyện đạt Nam Tuyền khứ

            Mãn mục thanh sơn vạn vạn thu.

Dịch:

            Muôn trượng đầu sào chẳng được dừng

            Sờ sờ đường cái ít người đi

            Thiền sư muốn đạt Nam Tuyền lộ

            Ðầy mắt núi xanh muôn muôn thu.

 

Vì Sư không có nơi trụ nhất định nên không biết tịch lúc nào và nơi nào.

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 30
  • Hôm nay: 3532
  • Tháng hiện tại: 237548
  • Tổng lượt truy cập: 59677565

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile