Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Vị “cuồng Thánh” nổi danh của Thiền tông Nhật Bản

Đăng lúc: Thứ tư - 11/01/2012 09:21 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Vị “cuồng Thánh” nổi danh của Thiền tông Nhật Bản

Vị “cuồng Thánh” nổi danh của Thiền tông Nhật Bản

Trong lịch sử hàng ngàn năm của Thiền tông Nhật Bản, Ikkyu Sojun (còn gọi là Nhất Hưu Tông Huyền) là một cái tên không thể không nhắc tới. Vẫn được xếp vào như là một thiền sư của dòng thiền Lâm Tế, hệ phái Đại Đức tự, tuy nhiên, với phong thái thoát tục, không câu nệ cổ pháp, Ikkyu Sojun đả phá tất cả những nghi lễ, tục lệ giáo điều và tẻ nhạt của các thiền viện lớn mà ông cho rằng nó đang trên đường tàn lụi.

Vị “cuồng Thánh” nổi danh của Thiền tông Nhật Bản

Dù những câu chuyện về thiền sư Ikkyu Sojun còn lưu truyền cho tới ngày nay thật có, hư cấu có, song có một điều chắc chắn rằng, không phải ngẫu nhiên người đời lại đặt cho Ikkyu Sojun cái biệt danh “Cuồng Thánh”…

1. Ikkyu Sojun sinh vào một ngày đầu năm 1394. Tương truyền, cậu là con trai của vị Hoàng đế trẻ Go-Komastsu (1377 - 1433), tuy nhiên, mẹ của Ikkyu vốn là một thị nữ trong cung đã bị hoàng thất hắt hủi vì nguồn gốc thấp hèn từ khi mang thai cậu dù bà rất được Hoàng đế yêu thích. Cũng vì lý do này, ngay từ khi sinh ra, Ikkyu Sojun đã được ghi tên vào sổ bộ thường dân chứ không phải là một hoàng tử như những người con khác của Nhật hoàng. Tuy nhiên, có lẽ đây lại là cơ duyên giúp nước Nhật có được một thiền sư vĩ đại.

 
d
Ikkyu Sojun
 

Năm lên 5 tuổi, Ikkyu Sojun được mẹ gửi tới chùa Ankoku, một thiền viện ở Tokyo. Đây là một sự lựa chọn sáng suốt vì một khi ở thiền viện, Ikkyu Sojun không chỉ nhận được một sự giáo dục tốt mà còn giúp cậu bé tránh được sự truy sát của các thế lực trong triều đình nhằm diệt trừ những đối thủ có thể tranh giành ngôi báu với mình. Tại ngôi chùa Ankoku, Ikkyu Sojun được học tất cả các kinh điển Phật giáo cũng như các sách kinh điển khác của Trung Hoa và Nhật Bản. Là một cậu bé thông minh và sáng dạ, tuy nhiên, ngay từ bé, Ikkyu Sojun đã tỏ ra là một cậu nhóc cực kỳ bướng bỉnh và đôi khi quá quắt.

Không lâu sau khi vào chùa, sư trụ trì ra lệnh cho Ikkyu Sojun đi tắt những cây nến trên bàn thờ trước khi vào đi ngủ. Khi Ikkyu Sojun trở lại để thưa rằng công việc đã xong, sư trụ trì hỏi: “Con tắt nến bằng cách nào?”. Ikkyu Sojun đáp: “Con thổi tắt”. Sư trụ trì lập tức quát: “Đừng có bao giờ làm như thế. Điện phật là chốn linh thiêng, còn hơi thở của chúng sinh thì nhơ bẩn. Phải tắt nến bằng cách phất tay hoặc dùng quạt”. Ikkyu Sojun cúi đầu đi ra. Sáng ngày hôm sau, khi sư trụ trì bước vào chính điện để làm lễ sáng thì ông thấy Ikkyu Sojun đang tụng kinh nhưng lại ngồi quay lưng về phía bàn thờ Phật.

Sư trụ trì giận dữ la lớn: “Con làm gì vậy, thằng nhỏ ngốc nghếch kia?”. Ikkyu Sojun bình tĩnh đáp: “Thầy dạy con là hơi thở chúng sinh thì nhơ bẩn và đừng hướng thẳng về phía tôn tượng của các Phật. Làm sao con tụng kinh mà không thở được?”. “Cái này thì khác” - ông thầy chưng hửng nói, đồng thời ra lệnh cho Ikkyu Sojun quay mặt về bàn thờ và tiếp tục tụng kinh.

Tiếng tăm chú tiểu Ikkyu Sojun thông minh xuất chúng tới tai tướng quân Yoshimitsu (1358 - 1408) và ông cho triệu Ikkyu Sojun tới lâu đài để gặp mặt. Khi Ikkyu Sojun bước vào, tướng quân mỉm cười nói: “Ta nghe nói chú tiểu này thông minh lắm. Chú nghĩ chú có thể bắt được cọp không?”. Ikkyu Sojun ngay lập tức tự tin trả lời: “Thưa tướng quân, tôi tin là tôi có thể”. Tướng quân Yoshimitsu cười đắc ý rồi đưa cho Ikkyu Sojun một sợi dây thừng và nói: “Đây là sợi dây. Bắt lấy con cọp đó đi”.

Vừa nói, Yoshimitsu vừa đưa tay chỉ về phía bức tranh vẽ hình con cọp rất lớn treo trong phòng. Biết mình đã mắc bẫy nhưng Ikkyu Sojun vẫn không chịu thua. Không do dự, Ikkyu Sojun bước tới gần bức tranh, sửa soạn sợi dây rồi hô lớn: “Bây giờ, thưa tướng quân, xin ngài hãy xua cọp ra đi”. Tướng quân Yoshimitsu lúc này mới thừa nhận chú tiểu chùa Ankoku quả thực thông minh xuất chúng như lời đồn đại.

Mười năm sau khi tu ở chùa Ankoku, bất mãn với cuộc sống phàm tục và lòng tham của những vị sư lớn trong chùa, năm 1410, chú tiểu Ikkyu Sojun mới 16 tuổi đã quyết định rời bỏ chùa Ankoku để tìm một nơi tu hành xứng đáng hơn.

 Ít lâu sau đó, Ikkyu Sojun tìm tới theo học một vị tăng già kỳ dị sống một mình trong túp lều xiêu vẹo trên một ngọn đồi ở ngoại ô Kyoto tên là Keno (Khiêm Ông). Khi còn trẻ, Keno cũng là một vị sư rất khí khái và ngang bướng khi ông từ chối không chịu nhận giấy chứng nhận giác ngộ từ vị chủ một thiền viện tiếng tăm lúc bấy giờ.

Vào thời đó, các giấy chứng nhận này thường được mua hay xin xỏ và nó chỉ được dùng vào một mục đích duy nhất là kiếm một vị trí nào đó trong một ngôi chùa lớn. Vì vậy, việc Keno từ chối nhận ấn chứng đã khiến ông bị loại ra khỏi hệ thống các thiền viện lúc bấy giờ. Tuy nhiên, chính điều đó lại khiến cho Ikkyu Sojun thấy cảm phục Keno hơn. Và đó là lý do Ikkyu Sojun quyết tâm theo học vị sư già cô độc này.

2. Bốn năm sau đó, vào năm 1414, thiền sư Keno viên tịch. Sau khi làm lễ an táng cho thầy, Ikkyu Sojun lang thang khắp Kyoto với tâm trạng buồn chán và thậm chí có lúc có ý định tự sát. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, Ikkyu Sojun đã tìm được vị chân sư của mình, ông quyết định tới xin học với thiền sư Keso (1352 - 1428) ở chùa Đại Đức (Daitoku).

Nhưng, khi Ikkyu Sojun tới chùa, nhà sư trẻ đã bị thiền sư Keso từ chối. Ikkyu Sojun kiên trì đứng ở cổng đợi trong vòng 5 ngày kế tiếp. Trong suốt 5 ngày đó, những người gác cổng liên tiếp hắt nước bẩn và dùng chổi đánh đuổi Ikkyu Sojun, song ông nhất định không chịu rời đi. Cuối cùng, thiền sư Keso cũng đã cảm phục lòng kiên trì và nhiệt thành của Ikkyu Sojun và nhận ông làm đệ tử.

Ikkyu Sojun lưu lại đây chín năm và kiên nhẫn chịu đựng phương pháp tu tập rốt ráo và khắc khổ của Keso. Một hôm, khi tham công án thứ 15 của tập “Vô môn quan” với tên là “Động Sơn tam đốn”, Ikkyu Sojun đã ngộ nhập. Không bao lâu sau, trong khi toạ thiền trên một chiếc thuyền, Ikkyu Sojun nghe thấy một con quạ kêu to, bỗng nhiên ngộ đạo. Ikkyu Sojun tới kể với Keso về sự chứng ngộ của mình, vị thầy nghiêm khắc chế giễu: “Ngươi có thể là một A La Hán nhưng ngươi vẫn chưa phải là một tông sư”. Ikkyu Sojun nghe thấy vậy đã thờ ơ trả lời: “Làm A La Hán cũng được với con. Ai cần làm một tông sư?”. Lúc này, Keso mới hài lòng, cười nói: “Ngươi giờ mới thật là một bậc tông sư”.

Theo thông lệ, Keso cũng trao cho Ikkyu Sojun một giấy chứng nhận giác ngộ. Tuy nhiên, tương truyền rằng khi Keso đưa mảnh giấy này cho Ikkyu Sojun, ông đã ném nó xuống đất và nhảy lên trên để phản đối.

Sau đó, Keso đã sai một trong các nữ đệ tử hàng đầu của mình cất giữ hy vọng rằng một ngày nào đó Ikkyu Sojun sẽ dịu lại và đón nhận nó. Sau này khi nghe tin tấm giấy chứng nhận vẫn còn, Ikkyu Sojun đã yêu cầu mang nó tới và xé văn bằng này ra làm nhiều mảnh. Tiếp đó, khi phát hiện ra rằng các đệ tử của mình đã cố gắng gắn các mảnh văn bằng đó lại thì Ikkyu Sojun đã lấy tấm giấy và bỏ vào lò, đốt thành tro.

Hành động không chịu nhân giấy ấn chứng của Ikkyu Sojun là một hành động chống lại tục lệ lâu đời của Thiền tông Nhật.
 
 

Ikkyu Sojun tin rằng, kinh nghiệm giác ngộ của ai thì chỉ có người ấy biết và không ai có thẩm quyền quyết định được cái thật hoặc giả của kinh nghiệm giác ngộ của mình. Bản thân Ikkyu Sojun trong suốt cuộc đời giáo hóa của mình cũng không ấn chứng cho bất cứ người đệ tử nào. Mặc dù không chịu nhận giấy chứng nhận, song Ikkyu Sojun vẫn ở lại chùa Đại Đức của Keso cho tới khi vị thiền sư này qua đời năm 1428.

Sau khi Keso qua đời, Ikkyu Sojun rời khỏi chùa Đại Đức vì những mâu thuẫn với người đệ tử Yoso của Keso giờ đây đã trở thành trụ trì chùa Đại Đức. Có người nói rằng, Ikkyu Sojun đã ra đi 2 năm trước khi Keso qua đời và điều này buộc Keso phải lựa chọn Yoso làm người truyền pháp của mình. Sau khi Ikkyu Sojun rời khỏi chùa Đại Đức, ông du ngoạn khắp nơi, truyền bá Thiền tông theo cách của riêng mình. Trong suốt thời gian này, có rất nhiều câu chuyện thú vị về việc tùy cơ hoằng hóa và nhạo đời của ông được lưu truyền.

Chuyện kể rằng, một lần nọ, Ikkyu Sojun tới khất thực tại một nhà giàu có với quần áo rách rưới, nhơ bẩn và chỉ nhận được từ vị chủ nhân này có nửa xu. Hôm sau, sư thay y phục thật sang trọng, mặc áo cà sa tía và lại đến khất thực tại nhà giàu có nọ. Trái ngược hẳn với thái độ hôm trước, lần này, Ikkyu Sojun được chủ nhân mời vào nhà và dùng cơm với gia đình.

Ngay khi bước vào trong, Ikkyu Sojun cởi chiếc áo tía ra, đặt nó vào chỗ ngồi mà chủ nhân dành cho mình rồi nói: “Bữa ăn thịnh soạn ngày hôm này không phải dành cho ta mà là cho chiếc áo cà sa tía này”. Cả nhà người hào phú lúc này mới ngớ người, xấu hổ không biết nói gì đành phải cúi đầu tạ lỗi với Ikkyu Sojun.

Tính cách chân thành nhưng tự do phóng túng, không câu nệ vào những tục lệ, nghi lễ cứng nhắc, đó chính là lý do khiến thiền sư Ikkyu Sojun ngày càng được những người mộ đạo yêu quý và tôn sùng.

Tới năm 1456, Ikkyu Sojun nhận lời trụ trì chùa Myoshin nhưng chỉ sống ở một chiếc am nhỏ gần đó. Cũng bắt đầu từ đây, Ikkyu Sojun bắt đầu được các vị tăng dần chấp nhận và tôn kính, ngay cả những người trước đây từng chỉ trích thậm tệ thái độ phóng túng của ông. Vào những năm cuối đời, Ikkyu Sojun được cử làm trụ trì chùa Đại Đức, nơi ông được chứng ngộ. Tuy nhiên, không bao lâu sau, vào năm 1481, thiền sư Ikkyu Sojun viên tịch. Năm đó, ông 87 tuổi.

Tác giả bài viết: Bằng Hư
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 50
  • Hôm nay: 6128
  • Tháng hiện tại: 1719712
  • Tổng lượt truy cập: 59372645

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile