Uyển Lăng Lục - Đoạn 2

ĐOẠN 2
CHÁNH VĂN:  
Hỏi: Phật độ chúng sanh chăng?    
Đáp: Thật không chúng sanh Như Lai độ, ngã còn không thể có, phi ngã làm sao có? Phật cùng chúng sanh đều không thể có.
Hỏi: Hiện có ba mươi hai tướng và độ chúng sanh, làm sao nói không?   
Đáp: Phàm có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng phi tướng là thấy Như Lai. Phật cùng chúng sanh đều do ông khởi vọng kiến, chỉ vì không biết bản tâm, dối khởi thấy biết, vừa khởi thấy Phật liền bị Phật chướng, vừa khởi thấy chúng sanh liền bị chúng sanh chướng, khởi thấy phàm, thánh, tịnh, uế… thì cái thấy thành những chướng ấy. Vì chướng tâm ông trọn thành luân hồi, ví như con khỉ chân này buông, chân kia nắm, không khi nào dứt. Nhất đẳng là học, cần phải không học, không phàm không thánh, không sạch không nhơ, không nhỏ không lớn, vô lậu vô vi. Như thế trong một tâm, phương tiện khuyên trang nghiêm. Dù ông học được ba thừa mười hai phần giáo, tất cả cái thấy biết thảy nên dẹp bỏ, nên nói “dẹp bỏ sở hữu, chỉ để một giường nghỉ bệnh mà nằm”.
Chỉ là không khởi các kiến chấp, không một pháp có thể được, không bị pháp chướng, vượt khỏi tam giới và cảnh vức phàm thánh mới được gọi là Phật xuất thế. Nên nói “đảnh lễ như hư không chẳng chỗ nương, vượt hơn ngoại đạo, tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi, pháp cũng vô vi”. Muôn pháp trọn do tâm biến nên nói: “tâm ta không, nên các pháp không, ngàn phẩm muôn loại thảy đều đồng. Tột không pháp giới mười phương đồng một tâm thể”. Tâm vốn không khác, pháp cũng không khác. Chỉ vì ông thấy biết chẳng đồng nên có sai biệt. Ví như chư thiên đồng bát ăn bằng bảy báu, mà tùy phước đức mỗi vị, cơm có màu sắc khác. Mười phương chư Phật thật không có một chút pháp khá được gọi là A Nậu Bồ Đề. Chỉ là một tâm, thật không có tướng khác, cũng không ánh sáng, không có hơn thua. Vì không hơn nên không tướng Phật. Vì không thua nên không tướng chúng sanh.
GIẢNG: 
Hỏi: Phật độ chúng sanh chăng? Câu này nghe rất thường. Nếu hỏi chúng ta thì mình đáp thế nào? Phật thành Phật rồi bốn mươi chín năm đi giáo hóa khắp nơi, để lại ba tạng kinh điển, độ vô lượng chúng sanh. Nhưng ở đây ngài không trả lời như vậy.
Đáp: Thật không chúng sanh Như Lai độ, ngã còn không thể có, phi ngã làm sao có? Thật không chúng sanh Như Lai độ, tại sao? Vì Như Lai là Phật, Phật không thấy có mình thật là ngã. Ngã còn không thấy huống là phi ngã tức chúng sanh làm sao có. Như vậy chư Phật làm tất cả mà không thấy có gì để làm. Vì Phật không thấy có ngã, không thấy có ngã thì không thấy chúng sanh. Như vậy Ngài độ hay không độ? Dường như là không độ, không độ mà không phải không độ. Tại sao? Vì không ngã, không chúng sanh, không thọ giả thì lấy gì mà độ, nhưng Ngài chỉ cho mọi người biết cái không ngã, không nhân đó, nên gọi là độ.
Phật cùng chúng sanh đều không thể có. Đứng trên chân lý, trên lẽ thật thì Phật và chúng sanh đều không thật có.
Phàm có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng phi tướng là thấy Như Lai. Ở đây dẫn kinh Kim Cang “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng, phi tướng tức kiến Như Lai”. Chư Phật phá được ngã chấp về thân, ngã chấp về tâm cho nên các Ngài không còn ngã. Nếu nói Ngài độ chúng sanh thì còn thấy mình là người hay độ, chúng sanh là kẻ bị độ nên còn ngã còn nhân. Phật không còn ngã nhân thì Ngài nói độ hay không độ? Độ tất cả mà không độ người nào hết. Cho nên nói: “thật không chúng sanh Như Lai độ. Tại sao? Ngã còn không thể có, phi ngã làm sao có”. Ngã là mình, mình đã không thật thì người làm sao thật mà nói độ. “Phàm có tướng đều hư vọng, nếu thấy các tướng phi tướng là thấy Như Lai”, thấy tất cả tướng đều không thật, đó là thấy được Phật.

Phật cùng chúng sanh đều do ông khởi vọng kiến, chỉ vì không biết bản tâm, đối khởi thấy biết, vừa khởi thấy Phật liền bị Phật chướng, vừa khởi thấy chúng sanh liền bị chúng sanh chướng, khởi thấy phàm, thánh, tịnh, uế… thì các cái thấy thành những chướng ấy. Vì chướng tâm ông trọn thành luân hồi, ví như con khỉ chân này buông, chân kia nắm, không khi nào dứt. Nhất đẳng là học, cần phải không học, không phàm không thánh, không sạch không nhơ, không nhỏ không lớn, vô lậu vô vi. Như thế trong một tâm, phương tiện khuyên trang nghiêm. Dù ông học được ba thừa mười hai phần giáo, tất cả cái thấy biết thảy nên dẹp bỏ, nên nói “dẹp bỏ sở hữu, chỉ để một giường nghỉ bệnh mà nằm”.
Đoạn này nói tất cả chấp đều là vọng kiến, đã là vọng kiến thì không bao giờ thấy được tâm Phật. Không thấy tâm Phật làm sao gọi là Phật. Vì vậy phải chừa bỏ tất cả vọng kiến. Nếu chấp có Phật thật liền bị chướng về Phật, nếu chấp chúng sanh liền bị chướng về chúng sanh, cho tới khởi cái chấp nào cũng bị chướng hết, vì tất cả các pháp đều hư dối không thật. Càng bị chướng chúng ta càng chìm sâu trong luân hồi, như con khỉ buông chân này nắm chân kia không bao giờ dừng.
Nhất đẳng là học, cần phải không học, câu này ý gì? Thường thường trong nhà Thiền hay nói bậc nhất đẳng là bậc thông minh, học giỏi, là cấp trên hết. Nhưng nhà Phật dạy không học. Không học tại sao nghe kinh, nghe kinh là có học. Ở đây học mà không học. Học cái gì? Học buông. Học buông sao gọi là học. Ngoài đời học là đem vô, thu thập nhiều thi cử mới đậu. Người tu không như thế, ở thiền viện không có thi cử, chỉ xem người nào phiền não còn nhiều hay ít thôi. Ai phiền não ít thì cho làm Phật sự, ai còn nhiều thì thôi. Ở đây cho đi làm Phật sự không do bằng cấp, học vị cao, mà chỉ là buông giỏi. Người nào buông giỏi thì cho làm Phật sự, người buông không giỏi thì chưa cho làm. Vậy thôi.
Chúng ta tu là buông bỏ tất cả niệm sanh diệt, những phân biệt phải quấy hơn thua. Nếu ai chưa chịu buông mấy thứ đó, thì dù học giỏi tới đâu cũng chưa phải người giỏi. Cho nên ở đây nói: Nhất đẳng là học, cần phải không học, không phàm không thánh, không sạch không nhơ, không nhỏ không lớn, vô lậu vô vi, tức là chỗ chân thật không có tất cả đối đãi.
Như thế trong một tâm, phương tiện khuyên trang nghiêm. Tức là tâm chân thật phương tiện nói trang nghiêm.
Dù ông học được ba thừa mười hai phần giáo, tất cả cái thấy biết thảy nên dẹp bỏ, nên nói “dẹp bỏ sở hữu, chỉ để một giường nghỉ bệnh mà nằm”. Dẹp hết tất cả sự nghiệp của cải, chỉ để một giường nghỉ bệnh ở giữa nhà thôi. Đó là để chỉ cho tất cả kiến thức lượm lặt được bên ngoài phải buông hết, chỉ an trú chỗ chân thật.
Chỉ là không khởi các kiến chấp, không một pháp có thể được, không bị pháp chướng, vượt khỏi tam giới và cảnh vức phàm thánh mới được gọi là Phật xuất thế. Chừng nào thấy Phật xuất thế? Chừng nào không khởi tất cả kiến chấp, không một pháp thật, không cảnh giới nào thật mới ra khỏi tam giới, ra khỏi các cảnh phàm thánh. Tới chỗ ấy mới gọi là Phật ra đời.
Nên nói “đảnh lễ như hư không chẳng chỗ nương, vượt hơn ngoại đạo, tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi, pháp cũng vô vi”. Ngài dẫn kinh nói đảnh lễ như hư không chẳng chỗ nương, vượt hơn ngoại đạo, tức là Phật pháp thân không có tướng mạo nên nói như hư không. Pháp thân chân thật đó không có ngoại đạo nào đuổi theo kịp, so sánh được.
“Tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi, pháp cũng vô vi”, tâm không dấy một niệm nào thì tất cả pháp cũng như, nên tâm như thì pháp như, tâm vô vi thì pháp vô vi. Tất cả pháp từ tâm sanh, là chỗ đó. Tâm sanh diệt thì pháp cũng sanh diệt. Cho nên nói tâm sanh thì pháp sanh, tâm diệt thì pháp diệt.
Muôn pháp trọn do tâm biến nên nói: “tâm ta không, nên các pháp không, ngàn phẩm muôn loại thảy đều đồng. Tột không pháp giới mười phương đồng một tâm thể”. Nói “Tâm ta không, nên các pháp không”, chắc nhiều người nghi. Tâm không thì chùa chiền cây cối có không chăng? Không sao được, người ta lạy Phật, người ta viếng chùa, cảnh vật rõ ràng mà nói không! Vậy tâm không, pháp cũng không là không với ai? Tâm không thì pháp cũng không với mình, chớ không phải không với tất cả người khác. Tâm rỗng không nên không thấy mình thật, cảnh thật, nhưng người khác tâm có thì thấy chùa thật cảnh thật, đâu thấy không như mình. Cho nên tâm mình không thì pháp không với mình, còn tâm người khác chưa không thì pháp cũng chưa không với họ. Đừng nghĩ mình thấy không rồi ai cũng thấy không hết. Không phải vậy, hai chỗ khác nhau.
Cũng thế, chúng ta tu nghe ai nói lời nặng nhẹ, mình coi thường bỏ qua, nhưng người chưa tu bị kẻ khác nói nặng nhẹ thì họ không bỏ qua được. Như vậy người tu không chấp hơn thua phải quấy, lời nói nặng nhẹ với mình cũng không chấp. Người chưa biết tu còn cố chấp, tiếng nói nặng nhẹ hơn thua đối với họ là nguyên vẹn đầy đủ. Vì vậy hễ còn chấp là còn có, khi nào xả hết chấp thì mới không. Không với người hết chấp, chớ đừng nói không với tất cả. Vì vậy nói rằng “tâm đã chẳng khác, pháp cũng chẳng khác, tâm đã vô vi pháp cũng vô vi”, tâm như là pháp như.
Muôn pháp trọn do tâm biến nên nói: “tâm ta không, nên các pháp không, ngàn phẩm muôn loại thảy đều đồng. Tột không pháp giới mười phương đồng một tâm thể”. Tức là tâm không còn dính dáng, không còn chấp nê thì tất cả muôn thứ cũng đều không dính dáng, cho tới cả mười phương thế giới chỉ thấy có một tâm thể thôi.
Tâm vốn không khác, pháp cũng không khác. Chỉ vì ông thấy biết chẳng đồng nên có sai biệt. Ví như chư thiên đồng bát ăn bằng bảy báu, mà tùy phước đức mỗi vị, cơm có màu sắc khác. Trong kinh thường kể, chư thiên cũng đều một bát báu, khi tới giờ ăn, vị phước nhiều thì thức ăn ngon, vị phước ít thức ăn dở. Đó là do công đức riêng tư, chớ không cố định.
Mười phương chư Phật thật không có một chút pháp khác được gọi là A Nậu Bồ Đề. Chỉ là một tâm, thật không có tướng khác, cũng không ánh sáng, không có hơn thua. Vì không hơn nên không tướng Phật. Vì không thua nên không tướng chúng sanh. Tất cả chúng sanh, tất cả chư Phật đều đồng một tâm thể. Đồng tâm thể như nhau, chớ không phải một. Như lẳng hoa trên bàn chúng ta đều thấy như nhau nhưng nếu khởi niệm so sánh thì khác nhau. Khi nhìn bình đẳng ai cũng thấy như nhau, nhưng khởi niệm so sánh hoa hồng này đẹp hay xấu rồi đánh giá nó, người khác cũng so sánh đánh giá, nên thành khác nhau. Chỉ cái nhìn ban đầu mọi người đều đồng giống nhau. Cái giống nhau đó chỉ cho tâm thể sẵn của mình, còn khởi phân biệt so sánh rồi khen chê là sai biệt.
Chúng ta nhìn muôn sự muôn vật giữa thế gian này, rõ ràng ai ai cũng có cái thấy như nhau, nhưng vừa khởi niệm thứ hai thì thấy khác nhau. Thấy sai biệt thuộc về tâm sanh diệt. Còn cái thấy thứ nhất bình đẳng thuộc về tâm không sanh diệt. Càng tu chúng ta càng thấy ví dụ của Phật trong kinh Lăng Nghiêm hay đáo để. Ngài đưa tay lên hỏi Tôn giả A Nan thấy hay không? A Nan thưa thấy. Hỏi thấy cái gì? Đáp thấy bàn tay của Phật đưa lên. Phật để tay xuống hỏi có thấy không? Đáp không. Hỏi tại sao không thấy? Đáp vì tay Phật không đưa lên nữa. Lúc đó Phật quở A Nan “Ông quả là người quên mình theo vật”. Tay Phật đưa lên là có tay, tay Phật để xuống là không có tay. Còn cái thấy, thấy có tay, thấy không tay là cái thấy của mình. Nếu thấy tay nói có, không thấy tay nói không là lệ thuộc cảnh.
Tất cả chúng ta có lệ thuộc cảnh không? Cảnh có mình nói có, cảnh không mình nói không. Ta không nhớ mình có cái thường thấy thường nghe, Phật muốn chỉ dạy chính cái đó. Mọi người đang có cái thường thấy, thường nghe, thường biết rõ ràng lại không nhận nó mà nhận cảnh. Mắt chạy theo sắc, tai chạy theo âm thanh, mũi chạy theo mùi… suốt ngày cứ chạy như vậy. Bước vô bếp liền nghe mùi nấu cái gì thơm quá. Đi ra ngoài nghe sầm sì, ai nói lén mình đó, cứ tìm kiếm bên ngoài mà quên thực hữu của mình. Mình đi đâu nó cũng có, lúc nào nó cũng hiện tiền, không chịu nhớ cứ nhớ bên ngoài thôi. Cho nên sám hối sáu căn là phải. Chừng nào đừng chạy theo sáu trần mới biết mình hiện tiền, còn dính sáu trần là quên mất mình.
Quên mất mình không phải nó không hiện tiền, như chuyện ngài A Nan vậy. Cái thấy là mình còn cái tay là cảnh, cái tay không nhưng cái thấy vẫn có, vậy mà lại nói không cho nên Phật mới quở quên mình theo vật. Phật đã chỉ tường tận chúng ta có cái hiện tiền nhưng luôn luôn quên. Nếu nhớ mình hiện tiền có khen cảnh đẹp cảnh xấu không? Chúng ta luôn ở trong cái chân thật mà lại quên, tìm hư dối rồi tranh đua hơn thua, phải quấy suốt năm suốt tháng không dừng. Cuối cùng than sao tôi tu không tiến, tu hoài không thấy tỉnh giác, càng tu lâu trong chúng càng thấy phiền não, đông chừng nào phiền não lắm chừng ấy.
Bởi quên mình theo cảnh bên ngoài, nên suốt đời chúng ta chỉ quanh quẩn trong luân hồi, không ra khỏi. Vì chạy theo bên ngoài là chạy theo sanh diệt, sanh diệt thì đi trong luân hồi lục đạo, không làm sao giải thoát. Muốn giải thoát đừng dính với lục trần, không dính với lục trần là đang sống với tâm chân thật. Ở đây ngài Hoàng Bá chỉ cái chân thật không chút dấu diếm, chúng ta khéo nhận thì nó sẽ đầy đủ ngay nơi mình.
Mười phương chư Phật thật không có một chút pháp khá được gọi là A Nậu Bồ Đề. Thật ra chư Phật không được cái giác ngộ. Tại sao? Vì tánh giác đã sẵn, không do đâu mà được. 
Chỉ là một tâm, thật không có tướng khác, cũng không ánh sáng, không có hơn thua. Vì không hơn nên không tướng Phật. Vì không thua nên không tướng chúng sanh. Không có hơn thua cao thấp nên không có tướng Phật, tướng chúng sanh sai khác.

CHÁNH VĂN:  
Hỏi:  Tâm đã không tướng, đâu được hoàn toàn không ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp hóa độ chúng sanh?
Đáp: Ba mươi hai tướng thuộc về tướng, phàm có tướng đều hư vọng. Tám mươi vẻ đẹp thuộc về sắc, nếu do sắc thấy ta ấy là hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.
GIẢNG: 
Học nhân hỏi tâm đã là không tướng, nhưng đâu thể hoàn toàn không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Đức Phật Thích Ca để giáo hoá chúng sanh. Ngài bảo ba mươi hai tướng tốt thuộc về tướng. Trong kinh Kim Cang dạy “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, nghĩa là phàm những gì có tướng đều hư vọng. Ba mươi hai tướng là tướng hư dối không phải thật. Tám mươi vẻ đẹp thuộc về sắc, sắc là hình dáng đẹp huyễn tạm. Kinh Kim Cang dạy “nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, nghĩa là nếu do sắc thấy ta, do âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy ba mươi tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật đều là tướng tạm bợ, giả dối trên thân vô thường hư hoại, không phải chân thật.
Ở đây nói về Phật thật của chính mình. Phật này không căn cứ trên ba mươi hai tướng tốt, không căn cứ trên tám mươi vẻ đẹp, vì tướng tốt vẻ đẹp đều vô thường, biến hoại, không chân thật, cho nên không phải Như Lai. Như Lai ở đây chỉ cho Pháp thân.

CHÁNH VĂN: 
Hỏi: Phật tánh cùng chúng sanh tánh đồng hay khác?
Đáp:  Tánh không đồng khác. Nếu nhằm giáo ba thừa nói có Phật tánh, chúng sanh tánh, nên có nhân quả ba thừa, tức có đồng khác. Nếu nhằm Phật thừa và Tổ sư truyền nhau, không nói việc như thế, chỉ có một tâm, không đồng không khác, không nhân không quả. Nên nói “chỉ đạo nhất thừa này, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói”. 
GIẢNG: 
Hỏi Phật tánh và chúng sanh tánh là đồng hay khác? Thường thường chúng ta nghĩ rằng tánh Phật là tánh giác, còn chúng sanh chưa tu thì tánh mê. Như vậy có hai tánh giác và mê khác nhau. Nhưng ở đây nói trong chỗ cứu cánh tánh Phật, tánh chúng sanh không khác. Tại sao? Vì Phật có sẵn tánh sáng và Ngài nhớ sống với tánh sáng đó, cho nên hoàn toàn giác. Chúng sanh cũng có sẵn tánh sáng nhưng quên đi nên gọi là mê. Như vậy mê và giác là do biết trở về hay không trở về thôi, chớ không phải tánh Phật và tánh chúng sanh khác nhau. Nói rõ hơn là khác trên cái giác cái mê, chớ không phải khác trên tánh. Nên nhớ tánh giác của Phật và tánh giác của chúng sanh không hai.
Nếu căn cứ trên giáo lý ba thừa, nói có Phật tánh, chúng sanh tánh, có nhân quả ba thừa tức có đồng khác. Đứng về Phật tánh không khác, nhưng căn cứ giáo lý ba thừa mà nói tức là Thanh văn, Duyên-giác, Bồ-tát thì có ba tánh: chủng tánh Thanh văn, chủng tánh Duyên-giác, chủng tánh Bồ-tát nên thấy như có khác. Khác đó là gì? Là trên phương tiện. Phương tiện thì thấy có chủng tánh Thanh văn, chủng tánh Duyên-giác, chủng tánh Bồ-tát.
Như có người tu lúc nào cũng thao thức mong thấy đạo, sau đó giáo hóa cứu độ chúng sanh, không nghĩ gì khác hơn. Có người tu cũng thao thức mong cho mình giải thoát sanh tử vì cuộc đời khổ quá, nhưng không nghĩ tới ai hết, chỉ nghĩ mình phải giải thoát sanh tử thôi. Hai người đó chủng tánh khác nhau chăng? Mới nhìn, chúng ta thấy người mong mình giác để độ tất cả chúng sanh là chủng tánh Bồ-tát. Người chỉ mong mình ra khỏi sanh tử thôi, đó là chủng tánh Thanh văn. Vậy chủng tánh ấy là sẵn hay do huân tập? Trong đời này ta thấy dường như sẵn, nhưng thực tình đã huân tập nhiều đời rồi. Người nhìn đời bằng cặp mắt bi quan, mong tu giải thoát sanh tử cho riêng mình, đó là huân tập theo cái nhìn bi quan.
Người nhìn cuộc đời nhiều điều đau khổ, chúng sanh mê muội trong ấy mà không tự thấy, nên mong tu giác ngộ để chỉ đường chỉ lối cho mọi người cùng giác ngộ, hết đau khổ như mình, đó là chủng tánh Bồ-tát. Nói chủng tánh ba thừa chẳng qua là sự huân tập của đời trước thôi, còn chủng tánh sẵn thì Phật và chúng sanh không khác. Nên biết chủng tánh ba thừa là chủng tánh do huân tập nhiều đời mà có, không phải chủng tánh sẵn. Còn chỉ thẳng tức tâm là Phật thì tánh Phật đó là tánh sẵn của tất cả chúng sanh.
Nên nói “Nếu nhằm Phật thừa và Tổ sư truyền nhau, không nói việc như thế, chỉ có một tâm, không đồng không khác, không nhân không quả”. Nhân quả là pháp căn bản của đạo Phật, mà ở đây nói không nhân không quả là bỏ pháp căn bản sao? Chỗ này người học Phật phải nắm cho vững, thấy cho tường tận. Nhân quả là căn cứ trên pháp sanh diệt mà nói, còn trong sanh diệt thì còn nhân còn quả. Từ nhân sanh ra quả là diễn biến vòng sanh diệt, đâu phải đứng một chỗ. Như chúng ta gieo hạt lúa xuống ruộng, nó lên cây lúa, rồi lần lần trổ bông kết quả, cho tới lúa chín. Từ hạt lúa lên cây lúa phải qua một vòng biến chuyển, cây lúa ra bông lúa lại chuyển biến, bông lúa thành hạt lúa chín cũng chuyển biến, rồi lấy hạt lúa vừa mới thu hoạch gieo trở lại nữa, tức là tiếp tục những vòng chuyển biến. Nhà Phật gọi đó là biến chuyển lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Cho nên trong vòng luân hồi nhân quả là lẽ thực, là chân lý. Nếu thoát ra vòng luân hồi thì không còn nhân quả nữa. Hiểu cho tường tận như vậy mới không có lỗi.
Chỉ đạo nhất thừa này, không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói. Đoạn này dẫn trong kinh Pháp Hoa. Phật nói chỉ có một Phật thừa hay Nhất thừa, không nói hai nói ba. Nếu nói hai nói ba là Phật phương tiện nói, không phải chỗ cứu cánh. Như vậy nói Tam thừa, Nhị thừa v.v… là phương tiện, chỉ một Phật thừa mới cứu cánh. Kinh Pháp Hoa chỉ thẳng một Phật thừa, chư Tổ truyền nhau cũng truyền một tâm chân thật. Tâm chân thật là chỉ cho tâm Phật hay tánh Phật, không có hai thứ.

CHÁNH VĂN:
Hỏi:  Bồ-tát thân vô biên, tại sao không thấy đảnh tướng của Như Lai?
Đáp:  Thật không thể thấy. Vì cớ sao? Vì Bồ-tát thân vô biên chính là Như Lai, chẳng lẽ lại thấy… Chỉ dạy ông không khởi chấp thấy Phật thì không rơi bên Phật, không khởi chấp thấy chúng sanh thì không rơi bên chúng sanh, không khởi chấp thấy có thì không rơi bên có, không khởi chấp thấy không thì không rơi bên không, không khởi chấp thấy phàm thì không rơi bên phàm, không khởi chấp thấy thánh thì không rơi bên thánh. Nếu không các kiến chấp tức là thân vô biên.
GIẢNG:
Hỏi Bồ-tát thân vô biên, vì sao không thấy đảnh tướng của Phật? Nói thân vô biên là chỉ cho Phật, chớ có thân nào khác. Bồ-tát thân vô biên là một tên khác để chỉ cho Phật. Phật làm sao thấy đảnh tướng của Phật. Vì Phật là Phật rồi nên không còn thấy có Phật, có chúng sanh. Thấy có Phật, có chúng sanh là còn chấp hai bên, chưa phải chân lý. Chúng ta hiện giờ chấp bao nhiêu bên? Vạn ức bên, chớ chẳng phải chỉ hai bên. Nào là chấp phải chấp quấy, chấp có chấp không, chấp giả chấp thật, chấp tốt chấp xấu… đủ thứ chấp.
Con người luôn luôn lấy hai bên làm thật, để đo để khẳng định mọi việc. Thí dụ hỏi việc này có không? Nếu đáp có là đúng ý mình thì ta chấp nhận cái có, nếu nói không là đúng ý mình thì ta chấp nhận cái không. Như vậy bắt phải nhận một trong hai hoặc là có hoặc là không. Hỏi việc đó phải hay quấy? Nếu người nói phải đúng ý mình thì vui, nếu người nói sai ý mình thì nổi sân lên. Từ chấp hai bên mà phát sanh không biết bao nhiêu phiền não, mọi cuộc tranh hơn tranh thua để rồi khổ đau với nhau đều do chấp hai bên mà ra. Nếu ngày nào mình không còn chấp hai bên thì ngày đó cười hoài, không có chuyện gì để nói nữa.
Bây giờ chúng ta thử nói chuyện không dính hai bên xem. Đó là điều người thường không thể hiểu nổi. Vì người ta đã quen tập cái nhìn phân biệt hai bên, ai là người thân, ai là kẻ thù, ai phải, ai quấy, ai xấu, ai tốt, luôn luôn phân biệt. Khi cầm một vật đưa lên thì hỏi “Cái này tốt hay xấu?”, chớ không bao giờ đưa lên cho người ta thấy. Nếu trả lời tốt đúng ý mình thì bằng lòng, vui. Nếu mình nghĩ tốt mà ai nói xấu thì buồn. Mọi người cả thế gian này đều sống trong cái tạm bợ bên ngoài. Bám vào đó, phân biệt chia chẻ rồi khen chê thương ghét, từ đó sanh khổ đau.
Nếu ai sống được tâm không kẹt, không dính hai bên là giải thoát. Người nào từ sáng tới chiều không dính hai bên, người đó có phiền não không? Chắc không, vì buồn phiền là tại thích được khen, ghét bị chê. Có khen có chê thì có người ưa mình có kẻ ghét mình. Vậy mà đa số chúng ta chỉ sống trong khen chê. Do đó cả ngày gây bao nhiêu bất mãn cho nhau. Cái gì mình làm ít khi nào mình nói xấu, cái gì người khác làm ít khi nào mình khen tốt. Thí dụ người thợ mộc dựng cái nhà và hài lòng rồi, nhưng ai tới chê thì tự nhiên phiền não trong lòng. Cho nên biết phân biệt khen chê là gốc của phiền não, vậy mà chúng ta lại quen tật khen chê. Vì thế tuy đã tu, cạo đầu cho sạch hết mấy sợi tóc phiền não, nhưng còn khen chê là còn phiền não. Người tu mà phân biệt khen chê nhiều chừng nào thì khổ nhiều chừng ấy, tu rất chậm tiến. 
Cho nên ở đây nói không khởi chấp thấy chúng sanh thì không rơi bên chúng sanh, không khởi chấp thấy có thì không rơi bên có, không khởi chấp thấy không thì không rơi bên không, không khởi chấp thấy phàm thì không rơi bên phàm, không khởi chấp thấy thánh thì không rơi bên thánh. Nếu không các kiến chấp tức là thân vô biên. Thân vô biên là thân ai? Là thân Phật. Chỉ không tất cả kiến chấp thì thân Phật hiện tiền. Như vậy làm Phật khó hay dễ? Đừng kiến chấp gì hết, không chấp có không, không chấp giỏi dở, tất cả đều không chấp. Thấy là thấy, nghe là nghe mà không chấp, đó là thân Phật hiện tiền.
Khi thân Phật hiện tiền gọi là trí hay ngu? Nhiều người cho rằng không phân biệt phải quấy là ngu. Nhưng thực ra đó mới thật là người không dính kẹt. Chúng ta thử sống một ngày đừng khởi khen chê, hay dở, tốt xấu… thử coi ra sao? Ngày đó có nhọc không, có đổ mồ hôi sót con mắt không? Chỉ không chấp, nhẹ nhàng thôi. Tu một ngày như vậy là hay lắm. Nếu chúng ta ráng ngồi thiền trọn ngày rất đau chân. Bây giờ vẫn đi tới đi lui, cũng làm công kia việc nọ mà không chấp gì hết. Ngày đó là một ngày Phật, là ngày tu chính chắn nhất.
Nhiều người cho rằng tu thì phải công phu thật nhiều, vận dụng sức thật nhiều, mà không ngờ buông xả mọi kiến chấp là tu. Nếu xả bỏ mọi kiến chấp thì trong tâm có gì phiền não? Ngược lại nếu tu nhiều mà không khéo sẽ có tới hai thứ phiền não. Thí dụ người ta ngồi thiền hai giờ, mình ngồi bốn giờ nhưng không tỉnh giác, sẽ có hai thứ phiền não. Thứ nhất, mọi người thấy mình ngồi giỏi hơn họ mà không ai thèm nói gì hết là trong lòng buồn rồi đó. Thứ hai, mình ngồi bốn giờ nên thấy ai ngồi một giờ xả thì chê. Đó là hai thứ bệnh.
Cho nên tu nhiều mà chấp nhiều thì càng bệnh. Ta ngồi đó là việc của ta, đừng nhìn người khác rồi khởi khen chê. Như vậy mới là tu thật. Còn tu để hãnh diện mong người ta khen, họ không khen thì buồn, đó là tu trong đối đãi hơn thua, chưa phải tu thật. Cho nên phải cẩn thận.

CHÁNH VĂN:  
Nếu có chỗ kiến chấp tức là ngoại đạo. Ngoại đạo ưa các kiến chấp. Bồ-tát đối các kiến chấp không động.
GIẢNG: 
Quí vị nhớ kiến chấp là ngoại đạo. Tại sao? Vì họ hay nghiêng lệch một bên, hoặc chấp có hoặc chấp không, hoặc chấp phàm, hoặc chấp thánh v.v… đủ thứ chấp. Tóm lại chấp chặt một bên là ngoại đạo. Người tu Phật không cho dính bên nào hết. Cho nên nói “Bồ-tát đối các kiến chấp không động”.
CHÁNH VĂN:  
Như Lai tức nghĩa “như” của các pháp. Nên nói “Di Lặc cũng như, các thánh hiền cũng như. Như tức không sanh, như tức không diệt, như tức không thấy, như tức không nghe”.
GIẢNG:  
Chữ “như” đây là “như như”. Như Lai là chỉ cho Đức Phật, Ngài không có dấy động, không có kẹt mắc, đối với các pháp không dính không mắc, tất cả đều như như cho nên gọi là Như Lai. Ở đây dẫn trong kinh: “Di Lặc cũng như, các thánh hiền cũng như, như tức không sanh, như tức không diệt, như tức không thấy, như tức không nghe”. Có người hiểu lầm như tức không thấy, như tức không nghe là mù tối hay điếc rồi. “Như” thấy mà không thấy, “như” nghe mà không nghe. Tại sao? Thấy tất cả mà không dính gì hết thì thấy như không thấy, nghe tất cả mà không dính gì hết thì nghe như không nghe. Tâm được “như” thì cả ngày đi đứng nằm ngồi đều sống trong cảnh giới Phật. Ngược lại cứ lăng xăng lộn xộn, phân biệt hay dở, tốt xấu, hơn thua cả ngày thì sống với chúng sanh.

CHÁNH VĂN:  
Đảnh của Như Lai tức là cái thấy tròn, cũng không cái thấy tròn nên không rơi bên thấy tròn. Do đó thân Phật vô vi không rơi vào các số, tạm lấy hư không làm dụ, tròn đồng thái hư không thiếu không dư, rảnh rang vô sự, chớ gắng biện cảnh ấy, biện đến bèn thành thức.
GIẢNG: 
Chúng ta thường nghe nói tướng trên đảnh của Phật là tướng tròn nhưng ở đây nói không phải tướng tròn, vì thể của Phật là thể giác, trùm khắp không thiếu sót chỗ nào, nên nói tròn đồng thái hư. Thái hư bao lớn thì tánh giác cũng như vậy.
Thân Phật vô vi không rơi vào các số, chữ vô vi ở đây khác với chữ vô vi của Lão Tử. Lão Tử nói vô vi là không làm, còn nhà Phật nói vô vi là đối với hữu vi. Trên thế gian này, những gì có đủ ba tướng sanh, trụ, diệt hoặc bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt đều gọi là hữu vi. Còn cái không có ba hoặc bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt thì gọi là vô vi. Vô vi là không sanh, không sanh nên không trụ, không diệt. Pháp thân Phật không sanh nên không diệt, vì vậy nói giải thoát sanh tử.
Chúng ta tu ai cũng mong giải thoát sanh tử, nhưng giải thoát bằng cách nào? Nhiều người hiểu lầm giải thoát sanh tử là sống hoài, lên cảnh bồng lai làm tiên sống thật lâu là giải thoát sanh tử. Hiểu như vậy mới đúng với chân lý Phật dạy. Ở đây chỉ thẳng tức tâm là Phật. Tức tâm là chỉ cho Phật pháp thân, chớ không phải Phật báo thân hóa thân. Phật pháp thân không sanh không diệt, chúng ta nhận ra Phật không sanh không diệt ngay đời này thì liền được vô sanh.
Chúng ta buông hết tất cả kiến chấp thì được như, như tức là Phật. Từ sáng đến chiều tâm mình luôn như thì sao, giải thoát sanh tử chưa? Khó nói. Bởi vì thân tứ đại sẽ tử, làm sao nói giải thoát sanh tử được. Như Phật giác ngộ viên mãn rồi nhưng đến tám mươi tuổi Ngài cũng tịch, đâu thể nói thân này giải thoát sanh tử. Giải thoát sanh tử là pháp thân bất sanh bất diệt, vì nó không còn sanh lần thứ hai, thứ ba nữa nên gọi là giải thoát sanh tử. Đa số người lại mê chấp thân tứ đại, muốn nó còn hoài, nhiều khi thân bệnh nặng hoặc xấu xí mà cũng thương nó như thường. Nó bệnh cũng thương, nó xấu cũng thương, không bao giờ ghét nó. Do đó mất thân này liền kiếm thân khác, bỏ không được. Cứ thế sanh đi tử lại vô số kiếp, khổ đau không biết bao nhiêu. Vậy mà ai cũng thích lăn hoài trong ấy.
Muốn thoát khỏi sanh tử thì đừng dính, đừng chấp tất cả pháp hiện tại ở thế gian, sống trở lại với tâm thanh tịnh của mình. Nếu còn hay phân biệt là sống với thức sanh diệt, mà thức sanh diệt thì phải chuốc nghiệp sanh diệt.

CHÁNH VĂN:  
Nên nói “viên thành chìm biển thức, trôi lăn tợ bồng bay”.
GIẢNG: 
Tánh viên thành thật vốn sẵn có, nó chính là Pháp thân. Tuy sẵn có nhưng nó bị thức phủ che nên nói chìm biển thức. Chúng ta sống theo thức nên trôi lăn như cỏ bồng, khi bông nở gặp gió thổi bay tán loạn. Đoạn này muốn nói chúng ta có sẵn tánh viên thành thật, nhưng vì mình chạy theo sóng thức, tạo nghiệp sanh tử liên tục không dừng, giống như cỏ bồng bay.
Viên thành là nói theo Duy thức, nói theo pháp tánh là Pháp thân. Như nước biển, tánh nó là lặng hay động? Nếu nó tánh động thì khi ta lấy nước để vào chỗ yên nó vẫn động, như con cá bỏ lên bờ nó vẫn giẩy. Tánh nước không động mà tùy duyên, nếu biển gặp gió mạnh thì nó dậy sóng. Khi thấy sóng chúng ta cho rằng tánh nước là động, chớ sự thực tánh nước không động. Đang là một lượn sóng nổi cao vút, nếu mình dùng phương tiện hứng nước từ lượn sóng đó đổ vô một cái hồ yên lặng không có gió, lượn sóng đó còn ầm ầm nữa không? Không. Bản chất nước là yên, nhưng do duyên gió làm động.
Cũng vậy, Phật tánh hay viên thành thật tánh vốn yên, nhưng do tâm dấy phân biệt. Đó là dòng sóng thức nổi dậy, nổi dậy là động, động rồi tạo nghiệp sanh tử, cứ thế động liên tục. Bây giờ muốn ra khỏi sanh tử, ra khỏi là một lối nói thôi, chớ có ra đâu, nói đúng hơn là muốn dòng sanh diệt dừng thì đừng duyên sóng thức thổi, sóng lặn tức là dòng sanh diệt hết.
Như vậy chúng ta tu không phải chuyện huyền hoặc, tưởng tượng mà thực tế vô cùng. Mỗi người đều có cái thể trong lặng sáng suốt sẵn, nhưng vì sóng thức phân biệt nhạy quá, cứ nghĩ cái này, nghĩ cái kia, liên miên cả ngày không dừng. Vì vậy không thấy được tâm trong lặng. Bây giờ muốn dừng dòng sanh tử trước phải dừng sóng thức. Muốn dừng sóng thức phải dừng bớt đối duyên xúc cảnh, đừng chạy theo, đừng phân biệt. Nếu đối duyên xúc cảnh không chạy theo, không phân biệt thì tự nhiên thức lặng, tánh giác hiện tiền.
Vậy tu là lóng lặng dòng sóng thức của mình. Dòng sóng thức lặng thì tâm thanh tịnh hiện tiền. Tâm thanh tịnh hiện tiền là tâm bất sanh bất diệt. Chạy theo dòng sóng thức là sanh diệt, sanh diệt là luân hồi. Dừng được dòng sóng thức thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì hết sanh tử. Như vậy tu là chuyện thực tế trong khả năng của mình hay quá khả năng của mình? Mình có quyền nghĩ thì mình cũng có quyền dừng cái nghĩ đó. Ai bắt buộc, ai ra lệnh mình phải nghĩ? Có ai bắt buộc, ai ra lệnh đâu. Tự mình muốn nghĩ thì nghĩ, vì thói quen hay nghĩ, nghĩ riết thành nghiệp, dừng không được thôi.
Nhà thiền sợ chúng ta đi đông đi tây, thấy này thấy kia rồi chạy theo nghĩ, nên bắt ngồi yên ngó xuống cho bớt nghĩ, chớ có gì đâu. Thức lặng xuống rồi là dòng tâm thức dừng, tâm thanh tịnh hiện, có chuyện gì lạ đâu. Không có gì gọi là mầu nhiệm, là phép lạ hết, mà đó là chuyện thực tế ngay nơi mình. Nên tu thiền là việc thực tế, cụ thể ngay chúng ta, không phải chuyện xa lạ bên ngoài. Chúng ta có sẵn quyền trong tay. Ngồi lại không nghĩ gì hết thì khoẻ, nhưng có người ngồi không nghĩ lại gục. Hết gục lại nghĩ, cứ vậy thay phiên. Hôn trầm đã tán loạn, tán loạn đã hôn trầm. Hai thứ bệnh ấy đổi qua đổi lại hoài, không dừng được ở chính giữa. Tu như vậy rất phí thời giờ, trọn không có lợi ích chi.
Chúng ta nên nhớ giờ ngồi tu là giờ vàng ngọc chớ không phải thường. Ngồi để buông xả tất cả dòng sóng thức đang chạy theo ngoại cảnh. Vừa nhớ liền buông, vừa thấy liền buông. Gở liên tục như vậy, một ngày mình gở được hai giờ, bốn giờ, sáu giờ thì đỡ quá rồi. Ngồi phải gỡ chớ không phải ngồi gục, gục thì đâu có thấy nó dấy lên mà gỡ. Thành ra ngồi thiền tối kỵ hai việc: thứ nhất là gục, thứ hai là loạn tưởng. Cho nên phải làm sao ngồi tỉnh, thấy rõ ràng từng niệm dấy lên mình buông, từng niệm dấy lên mình buông, đó là gỡ bớt tập khí nhiều đời, những thói quen ta đã tạo. Buông trong lúc không đối duyên xúc cảnh có hiệu quả rồi, khi đối duyên xúc cảnh mình dễ buông. Nếu trong lúc ngồi tránh duyên như vậy mà buông không được, khi ra ngoài gặp cảnh duyên làm sao buông được.
Cho nên tu thiền mượn phương pháp ngồi để tăng sức mạnh mà buông. Buông quen rồi thuần, khi đối duyên xúc cảnh mình cũng như như. Lúc đó khỏi ngồi thiền. Người nào từ sáng tới chiều không dấy một niệm khen chê phải quấy, người đó khỏi ngồi thiền, cứ đi chơi. Người nào còn xoay qua xoay lại, kể chuyện anh kia chị nọ lung tung, người đó phải ngồi thiền. Người ta bốn giờ mình phải sáu giờ hay tám giờ.
Tu là sức mạnh do chúng ta huân tập. Hồi xưa mình huân tập thói quen phân biệt, bây giờ ngồi lại huân tập thói quen gỡ bỏ cho nó lặng bớt từ từ, chừng nào thuần thục thì khỏi gỡ nữa, tha hồ đi chơi cả ngày như Lục Tổ. Lục Tổ có chịu ngồi thiền không? Thấy thầy đệ tử ngồi thiền bên hành lang chùa, ngài lại nắm lỗ tai thổi cái phù. Tại sao? Ngài bảo “Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm, Ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp”. Ngài đi đứng như như rồi thì ngồi thiền làm gì. Vì vậy thấy ông đệ tử ưa thích ngồi thiền ngài quở. Chúng ta bây giờ chưa được như như nên phải ngồi, ngồi nhiều là khác.


Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ