Phút giây nhìn lại

Lộ trình dài trên con đường vô tận của những kẻ phiêu bạt vào sanh ra tử
Phút giây nhìn lại

Lộ trình dài trên con đường vô tận của những kẻ phiêu bạt vào sanh ra tử, xuống lên trong sáu nẻo luân hồi, đi mãi đến lúc mòn chân mỏi gối, nếm đủ mùi vị khổ đau, có khi là thân người, thân trời, có khi làm thú... Ngẫm nghĩ thật vô cùng kinh hãi và chán ngán. Người xưa nói:

           Vừa xuất thai lại nhập thai,
           Thánh nhân trông thấy động bi ai,
           Huyễn thân xét lại toàn nhơ khổ,
           Dứt vọng trở về tánh bản lai.

Khi ngài Huyền Trang đến Ấn Độ du học và thỉnh kinh (năm 635), lúc chiêm bái các thánh tích vô cùng xúc động, có cảm thán bài thơ:

Khi Phật ra đời con trầm luân, 
Nay được thân người Phật diệt độ,
Nghĩ lại thân này nhiều nghiệp chướng,
Chẳng thấy Như Lai kim sắc thân.

Hôm nay, với chút nhân duyên lành đã gieo trồng, chúng con được nép mình dưới ánh từ quang của chư Phật, sống trong ngôi Đại già-lam Thường Chiếu, gần gũi bậc Chân sư, nghe hiểu chánh pháp, ứng dụng vào đời sống hàng ngày, đầy đủ lòng tin, con đường khổ đau từ đây cắt đứt, thật quý giá còn gì hơn!

Trải qua thời gian dài tu học, nghĩ lại dường như chỉ mới đây thôi mà đã trải qua vài ba mươi năm rồi. Ngày nào đó Sư ông vẫn còn mạnh khỏe, mỗi tuần Người lên lớp giảng dạy Phật pháp cho chư tăng suốt hai buổi: Nào là học luận Trung Quán, luận Thập Nhị Môn, kinh Lăng-già, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng-nghiêm, Thiền Sư Trung Hoa, Thiền Sư Việt Nam... Sư phụ thì giảng kinh Viên Giác, Bát-nhã Trực Giải, Nguồn Thiền... thật là hào hứng, khí thế. Lúc đó tinh thần tu học của thiền sinh rất mạnh mẽ, ý chí cao tột.

Ba việc rất cần thiết trong đời sống của thiền sinh là Tu, Học và Lao động gắn liền với mỗi người không thể thiếu được. Hòa thượng Sư ông cho ví dụ: Tu như hơi thở, học như uống nước, lao động như ăn cơm... Bởi con đường thiền rất thiết thực, ứng dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày chứ không tìm đâu xa. Vì thế, tổ Huệ Năng nói:

Phật pháp tại nơi thế gian,
Không lìa thế gian mà giác,
Bỏ thế gian tìm đạo Bồ-đề,
Cũng giống như tìm sừng thỏ.

Ở đây, đời sống thiền tăng rất đơn giản, nghiêm nhặt tuân thủ nội quy theo tinh thần Thiểu dục tri túc, hoặc Bá Trượng thanh quy: "Một ngày không làm, một ngày không ăn" (Nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực).

Vào ngày cuối tháng, lễ thỉnh nguyện được diễn ra, lời văng vẳng của thầy Tri sự đọc lại nội quy rất hùng hồn:"Sống chung trong thiền viện, thiền sinh tự nguyện đồng lao cộng khổ với nhau, hầu bảo đảm lý tưởng giác ngộ giải thoát của chính mình; quyết thực hiện cho kỳ được lý tưởng ấy, thiền sinh phải tuân hành đúng nội quy của Thiền viện" (nội quy cũ)...

Sau buổi lễ thỉnh nguyện, lời dặn dò dạy bảo của Hòa thượng Sư ông, tất cả thiền sinh ai nấy có cảm nhận thư thái nhẹ nhàng và quyết tâm tu học. Nhưng rồi cuộc đời không phải lúc nào cũng như mong muốn mà lại có những khúc quanh. Trải qua nhiều năm giảng dạy, Sư ông tuyên bố nhập thất dài hạn, lúc đó đại chúng bùi ngùi xúc động rồi mỗi người cứ theo duyên của mình, hoặc ở lại tu học, hoặc ra đi làm Phật sự nơi khác... Năm ấy là năm Nhâm Thân (1992).

Tỉnh Việt tiểu tăng (lúc đó khoảng 13-14 tuổi) có cảm tác bài thơ đầu năm:

Hân hoan chào đón tưng bừng,
Mai vàng trước ngõ ai từng ngắm chưa?
Lắng nghe tiếng pháo giao thừa,
Nỗi lòng rộn rã với mùa xuân vui.
Ai vui xuân, với nụ cười,
Riêng con lòng vẫn ngậm ngùi vấn vương,
Xuân này lắm nỗi buồn thương,
Sư ông nhập thất năm trường cách xa.
Còn đâu những buổi chiều tà,
Áo vàng gậy trúc đậm đà tình thương,
Còn đâu những buổi tinh sương,
Dáng người yêu kính trên đường đi qua.
Còn đâu những buổi thiết tha,
Xuân ơi! Có biết lòng ta ngậm ngùi!

Thật tình nói, thời gian ấy quý hơn vàng ngọc, mỗi người đều tranh thủ việc tu học của mình, tuân thủ nội quy tuyệt đối, thời khóa công phu không bỏ, siêng năng học hành và hoàn thành các công tác trong chúng. Sư ông và Sư phụ tận tâm dạy bảo, từ thân giáo, khẩu giáo và ý giáo để giúp các thiền sinh có đời sống phạm hạnh và mau trưởng thành hơn.

Trong thời gian nhập thất, Sư ông phát minh những điều mới lạ, khi ra thất chỉ dạy cho chư tăng và tiếp tục mở bày phương tiện tiếp độ tăng chúng, xây dựng thiền viện ở các nơi. Từ đó mạch nguồn Thiền tông đã lan tỏa rộng khắp. Các thiền viện trong và ngoài nước đều có quy củ, thời khóa tu học đã được đưa vào nề nếp. Chủ trương của Ngài là Khôi phục Thiền tông Việt Nam, nhất là Thiền tông nhà Trần, với yếu chỉ thiền là Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc (Soi lại chính mình là phận sự gốc, không phải do tìm cầu bên ngoài mà được - Tuệ Trung Thượng sĩ).

Ngoài ra, chủ trương của Sư ông là học kinh giáo để sáng tỏ lý thiền. Tu thiền để thấy rõ lý kinh, gọi là Thiền giáo song hành hoặc Thiền giáo đồng hành. Thiền tăng khi tọa thiền hoặc ứng dụng pháp Biết vọng không theo, chủ ý dừng vọng hiển chân, như mây tan trăng hiện, hoặc nương theo hơi thở ra vào để dừng tâm vọng niệm, (tùy theo căn cơ của thiền sinh mà ứng dụng hoán chuyển), từ đó thể tánh chân thật hiện bày. Nếu người căn cơ lanh lợi thì có thể sống với chân tâm hiện tiền. Cụ thể như, mắt thấy sắc biết có chân tâm, tai nghe tiếng biết có chân tâm, mũi ngửi mùi, thân chạm xúc... biết có chân tâm, vì thế kinh Lăng-nghiêm nói:Chính sáu căn là gốc luân hồi, cũng chính sáu căn là cội nguồn giải thoát." Nhà thiền thì nói: "Căn trần không dính nhau là giải thoát."

Biển trần thế dẫu nhiều lối rẽ,
Thẳng một đường chư Phật ta đi, 
Non xanh nước biếc ngại gì,
Sáu căn thanh tịnh cách ly sáu trần.

                                    (Na-tiên Tỳ-kheo)

Bởi việc tu hành của thiền giả là khi đối duyên xúc cảnh tâm không duyên theo bên ngoài là được, cho nên ngài Pháp Loa dạy: Trong hai bốn giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không dấy động; tâm không loạn động nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì cảnh phân biệt mà chạy ra, thức không vì pháp trần mà dính mắc, ra vào không giao thiệp gọi là ngăn dừng. Kinh A-hàm, đức Phật dạy các Tỳ-kheo hàng phục tâm bằng pháp niệm thân.

Phật dạy: Tỳ kheo tu tập niệm thân, đi biết mình đang đi, đứng biết mình đang đứng, ngồi biết ngồi… Nghĩa là Tỳ-kheo làm việc gì phải biết rõ điều đó cho cụ thể. Khi toạ thiền hơi thở đang ra biết hơi thở ra, hơi thở vào biết hơi thở đang vào, hơi thở dài biết hơi thở dài, hơi thở ngắn biết hơi thở ngắn. Khi quán sát: Nội tâm có tham, sân, si biết rõ rằng nội tâm ta có tham, sân, si; nội tâm ta không có tham, sân, si, thì biết rõ ràng rằng nội tâm ta không có tham, sân, si. Biết chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy. Đó là Tỳ-kheo dùng chánh trí tu tập niệm thân. Nói tóm lại, phải ứng dụng Thiền vào bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi trong cuộc sống, luôn luôn tỉnh giác không để mê lầm đối với các pháp. Ngài Huyền Giác nói: Không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm.

Có lần Sư ông vào Đông đường I thấy dép để ngổn ngang, ngài dạy: “Thấy mấy chú để dép là Sư ông biết mấy chú không có niệm thân rồi.” Đây là lời dạy thật đơn giản mà rất đạo vị, sâu xa và hiệu quả.

Trải qua thời gian dài làm Phật sự, tuổi tác, thân thể Sư ông giờ đây cũng hao mòn, thân Ngài thị hiện có bệnh, chỉ nhìn thấy Ngài im lặng thỉnh thoảng mỉm cười. Mỗi lần vào thăm và hỏi: Sư ông có khỏe không? Sư ông còn nhớ con không? Chỉ nhận được ký hiệu gật đầu và mỉm cười. Có lần Sư ông chỉ dạy cho đại chúng bằng bài kệ của đức Phật Ca-diếp:

Các điều ác chớ làm,
Vâng làm các việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Đó là lời chư Phật dạy.

Đây gọi là thông kệ Phật, bởi vì tất cả chư Phật ra đời đều dạy như thế, rồi Sư ông giảng rộng cho đại chúng hiểu ý nghĩa của bài kệ.

Nhớ lại đức Thế Tôn lúc sắp sửa Niết-bàn, ngài vẫn ân cần dạy chúng rất thân thiết: "Này các Tỳ-kheo, sau khi ta diệt độ, các ông hãy tôn trọng quý kính Ba-la-đề-mộc-xoa (giới luật), như người đi trong đêm tối mà gặp ánh sáng; như người nghèo khổ gặp được của báu. Phải biết rằng: Giới luật chính là Thầy của các ông." Rồi, ngài dạy tiếp: "Này các Tỳ-kheo, đối với giáo pháp Tứ diệu đế có điều gì nghi ngờ hãy hỏi mau, không được ôm lòng hoài nghi mà chẳng cầu giải quyết..."

Đây là những lời dạy rất thống thiết của bậc Đạo sư được ghi lại trong kinh Di Giáo.

Trong nhà thiền có rất nhiều thủ thuật mà các thiền sư thường chỉ dạy cho đồ chúng, lời chỉ dạy rất đơn giản mà hiệu quả. Xưa kia trên hội Linh Sơn, đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên nhìn xem đại chúng, nhưng tất cả mọi người im lặng không hiểu đức Phật muốn dạy điều gì, chỉ có tôn giả Ma-ha Ca-diếp lãnh hội yếu chỉ Thiền rồi mỉm cười. Đức Phật bảo: "Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, ngoài giáo lý truyền riêng, nay phó chúc lại cho Ma-ha Ca-diếp (Liên Đăng Hội Yếu). Tổ Đạt-ma từ Ấn-Độ sang Trung Hoa dõng dạc tuyên bố: "Không lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật." Tổ Bá Trượng chỉ dạy cho ngài Vô Ngôn Thông: "Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu" (Đất tâm nếu rỗng không thì mặt trời trí tuệ tự chiếu soi). Tổ Lâm Tế nói: "Phật pháp nơi Hoàng Bá không nhiều", hoặc nói vô "vị chân nhân nơi mỗi người". Ngài Đức Sơn nói: "Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người, chỉ cốt nhằm nhổ đinh tháo chốt mà thôi." Kinh Duy-ma nói: "Có quốc độ khai diễn Phật pháp bằng lời, có quốc độ khai diễn Phật pháp bằng ánh mắt lay động, có những quốc độ khai diễn Phật pháp bằng mùi hương chiên đàn, có những quốc độ khai diễn Phật pháp bằng cử động tay chân, có những quốc độ khai diễn Phật pháp chỉ cần im lặng..."

Nếu ai có duyên đọc kinh Pháp Bảo Đàn sẽ thấy rõ chỗ này. Mở đầu pháp hội, Tổ đăng tòa dạy chúng: "Này thiện tri thức! Bồ-đề tự tánh xưa nay thanh tịnh, chỉ dùng tâm này thẳng đó thành Phật."

(Bồ đề tự tánh bổn lai thanh tịnh,
Đản dụng thử tâm trực liễu thành Phật)

Tổ chỉ dạy cho tất cả mọi người tự tâm thanh tịnh sẵn có, chỉ cần sống được với nó là thành Phật.... Thơ rằng:

Bồ đề tự tánh bổn lai,
Dụng tâm trực liễu xưa nay hiện tiền,
Nếu dùng tâm vọng phan duyên,
Trầm luân muôn kiếp não phiền tử sanh.

Ngoài ra chư Phật tổ để lại vô vàn điều bất hủ được ghi lại trong kinh, sử. Như kinh Viên Giác nói: "Biết các pháp huyễn hóa thì lìa, lìa huyễn là giác, không có phương tiện, thứ lớp.” Ngũ tổ Nhẫn nói với đại chúng: "Không thấy bổn tâm học đạo vô ích, nếu thấy bổn tâm tức là Thiên nhân sư, Phật.” Tổ Huệ Năng nói: “Diệu lý chư Phật không quan hệ với văn tự.”

Tổ Điều Ngự Giác Hoàng đăng tòa khai thị: “Đức Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở cõi đời, 49 năm chuyển động đôi môi mà không nói một lời (Kinh Văn-thù-sư-lợi), nay ta lên này tòa biết nói gì đây.” Giây lâu, ngài ngâm:

Tiếng quyên từng chặp vầng trăng sáng,
Đâu phải tầm thường qua một xuân.

Ngẫm nhớ lại, biết bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc của thiền sinh sống trong thiền viện, và cũng biết bao kỷ niệm của Thầy, Tổ ân cần dạy bảo, có thể nói không bút mực nào diễn tả cho hết được.

Nhưng đối với người hiểu đạo lý thì lấy việc tu hành làm chính, buông bỏ tất cả những điều bất như ý, hòa mình sống chung tập thể, để được trau giồi giới đức, từ đó đạo tâm mỗi ngày được tăng trưởng, ngõ hầu đền đáp bốn trọng ân trong muôn một. Được như vậy mới xứng đáng và đem lại sự kỳ vọng của thầy tổ.

Để khép lại bài này tôi xin mượn lời văn cảnh tỉnh của thiền sư Đại Giác, tự sách tấn mình:

Kính khuyên các bậc cao sĩ học pháp chốn tùng lâm, mỗi người nên tự xét trong tâm não của mình. Kiểm điểm cho thật chu đáo mọi lẽ thật hư. Lúc còn mạnh khỏe gắng sức tu hành, lấy ngộ làm chừng mực. Gần gũi bạn lành, mở rộng thấy nghe. Cần được mài giũa thì đạo nghiệp dễ thành. Quả thực như thế, ngày tiêu muôn lượng vàng ròng, ở trong lâu đài ngọc báu cũng chẳng phải việc ngoài. Nếu không như vậy lẫn lộn trong hàng tăng, mạng mạch Phật pháp do đâu thành đạt.

Chỉ tâm này vững, lo gì chẳng đạt. Đạo chẳng phải do bên ngoài mà được, hãy xoay lại chính mình mà tìm. Thầm xét cho thật tinh tường, để đạt đến chỗ tột uyên áo.

Ôi! Thời gian không hẹn, mạng người khó bảo tồn. Nguồn tâm nếu đục, đường trước lại mờ, cơn bệnh chợt đến vô phương chống đỡ. Khi ấy lo lắng ăn năn thì đã chậm mất.

Hận mình sớm chẳng lo tu, đến sông không thuyền, Phật pháp mai một, nhân ngã thạnh hành, chưa lúc nào bằng lúc này, mỗi người chúng ta cố gắng nỗ lực!!!

Tác giả bài viết: Thích Tỉnh Thường

Nguồn tin: Thường Chiếu