Thường Chiếu - 1990
Hôm nay nhân ngày rằm tháng giêng tức là ngày lễ Thượng ngươn, Phật tử tụ hội về đây lễ Phật nghe pháp. Chúng tôi sẽ giải thích cho quí Phật tử biết được ý nghĩa tu hành. Đề tài giảng hôm nay
Bản ngã là gốc của khổ đau, là bất công.
Tất cả chúng ta dù lớn, dù nhỏ có mặt trên trần gian này, ai cũng thấy bản ngã của mình là quan trọng, cho là cái rún của vũ trụ, nên muốn mọi người đều quí trọng, đều hướng về mình, còn mình lại coi thường mọi người. Đó là một bệnh hết sức lớn. Bởi vậy trong nhà Phật luôn luôn phá chấp ngã. Nếu còn chấp ngã nặng thì chẳng những đối với chân lý, với lẽ thật mình không thấy, không biết mà đối với mọi người chung quanh ta đặt ra nhiều điều bất công, sai lầm khiến cho người, vật sẽ khổ đau vì mình.
Chấp ngã được thể hiện qua nhiều trường hợp. Trước hết là trường hợp đối với thiên nhiên. Con người luôn thấy thiên nhiên lệ thuộc hay hướng về mình. Tôi nhớ cách đây hơn mười năm ở Tu viện Chân Không, một hôm trời mưa mịt mù, chú Thị giả đem cơm lên, tôi hỏi:
- Đố chú mưa để làm gì?
Chú thưa:
- Thưa Thầy mưa để người ta làm ruộng.
Tôi cười nói:
- Ngoài biển có ai làm ruộng đâu mà sao cứ mưa?
Chú bí trả lời không được. Qua câu chuyện nhỏ xíu nhưng rất gần với chúng ta. Con người thường nghĩ trời mưa để mình làm ruộng, trời nắng để mình phơi lúa, tất cả mọi thứ đều để cho mình hết. Vì vậy khi làm ruộng gặp hạn liền kêu trời. Ngược lại khi phơi lúa gặp mưa, mình cũng nổi giận kêu trời nữa, bởi vì ông trời không theo ý mình. Từ chấp ngã nhiều người cuồng dại nói bậy nói càn, cho là trời bất công, trời thế này, thế nọ, vì không chiều theo công ăn việc làm của mình, không chiều theo ý muốn của mình. Được như ý thì chúng ta vui, trái ý thì chúng ta tức giận. Nhiều người ở quê, khi đang phơi lúa bỗng có một cơn mưa ập tới, họ tức quá cự lộn với ông trời. Chúng ta là cái gì mà bắt trời đất vì chúng ta. Thử tưởng tượng cái ngã mình chừng bao lớn? To vô kể. Cho nên bắt cả trời đất thiên nhiên đều phải hướng về mình, muốn cái gì trời đất cũng phải chiều theo mình. Bởi ngã quá to nên không thấy được lẽ thật, đó là tôi nói về thiên nhiên.
Bây giờ nói tới mọi vật. Bởi quen chấp ngã nên con vật nào chúng ta nuôi, cũng đều bắt nó phải làm bổn phận cho mình. Ví dụ có người nuôi chó, hỏi nuôi chó để làm gì? Để giữ nhà. Có người nuôi gà trống, hỏi nuôi gà trống để làm gì? Để nó báo thức. Nói nuôi chó để giữ nhà, nhưng sự thật con chó có ký hợp đồng với mình là mình nuôi nó, lớn lên nó sẽ giữ nhà cho mình đâu. Nó không biết gì hết. Cho ăn thì nó cứ ăn, lớn lên nó có thói quen thấy người lạ là sủa, chớ không nghĩ giữ nhà cho ai hết. Chúng ta nói con chó giữ nhà cho mình, nhưng thưa quí vị, nhà mình thì mình giữ, chớ con chó đâu có bổn phận đó? Vậy mà đêm nào ăn trộm vô lấy đồ, con chó ngủ quên không sủa, sáng ra mình vác cây đập nó. Của mình, mình không chịu giữ, tại sao không đập mình, lại đập con chó. Có vô lý không?
Ở nhà quê không có đồng hồ báo thức, tới bốn năm giờ sáng, mấy con gà không chịu gáy cũng muốn đập nó. Bữa nay tại nó không gáy nên mình ngủ quên. Tại sao mình có quyền ngủ quên, mà con gà không có quyền ngủ quên. Khi đó nên giận mình hay giận con gà? Con người quả thật bất công, chỉ thấy cái ngã của mình là trên hết. Vì bản ngã che khuất nên không có nhận định nào đúng lẽ thật. Đó là nói những con vật chúng ta nuôi.
Bây giờ tới những con vật không do mình nuôi, như cá, tôm, gà, vịt… Những con đó khi bắt để ăn thịt, người ta bảo nó là vật dưỡng nhân, trời sanh ra cho mình ăn. Song thật ra nó có đồng ý nuôi mình không? Điều đó chắc không có. Ví dụ con cá khi bị bắt làm thịt, nó có giãy giụa không? Giãy giụa nhưng không thoát nổi tay mình nên nó phải chịu chết. Tất cả con vật ấy không phải dành cho loài người ăn, vì sao mình ăn nó? Chẳng qua vì nhu cầu, đòi hỏi nên mình làm như vậy, chớ có ai sanh nó ra cho loài người ăn đâu.
Nếu đặt ngược lại với câu “vật dưỡng nhân” là “nhân dưỡng vật” chúng ta chịu không? Không ai chịu. Như con muỗi nhỏ xíu, nó chích mình hút một chút máu để sống, nó cũng nghĩ là “nhân dưỡng vật” được không? Con người đối xử với nó thế nào? Đập một cái nát thây. Nếu “nhân dưỡng vật” thì lẽ ra con người để nó hút máu, chớ tại sao đập nó? Nếu không có chuyện “nhân dưỡng vật”, thì cũng không thể có chuyện “vật dưỡng nhân”. Chỉ vì loài vật nhỏ quá, cự không nổi con người, nên phải đành chịu chết dưới tay con người. Nếu ta vào rừng gặp cọp, xuống biển gặp cá mập, lúc đó chúng nghĩ làm sao? Gặp mồi thì chụp ăn, chớ không nghĩ gì hết. Rõ ràng mạnh được yếu thua, không loài nào chấp nhận dưỡng loài nào cả.
Nếu những loài vật nhỏ hơn con người cãi được, nó sẽ kiện mình ra tới toà án quốc tế, phải không? Vì bất công quá mà, có bao giờ nó chấp nhận sanh ra cho mình ăn đâu. Con người tự đặt chuyện như vậy để ăn thịt chúng sanh. Ăn một cách ngon lành, không chút hối hận. Khi đói mình bắt một con vật khác để ăn, phải hiểu rõ đây là do sức mạnh ta đàn áp nó, chớ không phải nó sẵn sàng nuôi mình. Nghĩ như vậy, nếu thấy không cần thiết, chúng ta không làm việc ấy, hoặc chính khi ăn, mình cũng có tâm thương, quí tiếc sanh mạng của các con vật ấy. Như vậy ý nghĩa “vật dưỡng nhân” không phải là chân lý, không phải là lẽ thật, do con người cưỡng đặt ra mà thôi. Vì bản ngã mà mình đặt ra những điều vô lý. Đó là nói bản ngã đối với thiên nhiên và các con vật.
Kế đến là đối với con người. Vì bản ngã của con người quá to, nên người nào được thế lực sẽ đặt ra nhiều điều kiện bất công đối với những người khác. Như hồi xưa ở Ấn Độ trước thời Phật ra đời, giai cấp Bà-la-môn đặt ra luật Manou. Theo luật này dòng Bà-la-môn tức tu sĩ là trên hết. Kế đến dòng thứ hai là Sát-đế-lợi, tức giai cấp võ sĩ, làm vua làm quan. Dòng thứ ba là Phệ-xá tức giai cấp công nông, làm ruộng, làm thợ thuyền. Cuối cùng là dòng Thủ-đà-la, giai cấp hạ tiện, tức dân nô lệ thấp kém nhất trong xã hội. Giai cấp này đi tới đâu phải rung chuông để cho các giai cấp trên tránh, vì họ sợ nhìn phải dòng Thủ-đà-la sẽ nhớp nhúa tới mắt họ.
Như vậy luật này do ai đặt ra? Có phải do những người khôn ngoan, có thế lực tự đặt ra để họ thụ hưởng không? Họ bắt những giai cấp khác nuôi dưỡng, cung kính, thờ phụng mình. Vì cái gì mà bày ra như vậy? - Vì bản ngã. Họ muốn thụ hưởng và có thế lực trong tay, nên đặt ra những điều bất công như vậy. Rõ ràng mọi bất công đó là vì căn cứ trên bản ngã. Muốn sung sướng, muốn được thụ hưởng lâu dài nên người ta đặt ra những luật lệ để những kẻ yếu thế hơn phục vụ, cung kính họ.
Thời phong kiến quân chủ, mấy ông vua tự xưng là Thiên tử. Thiên tử là gì? Là con trời. Vì trời sanh ra muôn vật nên trời trên hết, nhà vua là con trời, muốn giết ai thì giết, muốn phong ai làm quan thì phong, muốn hạ ai thì hạ, không ai có quyền ngăn cản, không ai có quyền làm trái lại. Tự tôn mình là Thiên tử là vì bản ngã. Ở ngôi vị cao, có quyền lực họ tự đặt ra như vậy rồi bắt mọi người phải tuân phục theo họ. Đó là cái lẽ mà thế gian đặt ra để đánh lừa nhau, tất cả toàn là bản ngã. Luật lệ bất công như vậy làm khổ cho giai cấp thấp, không ai dám kêu rêu, than thở. Đó là tôi nói do chấp ngã mà con người gây ra sự bất công đau khổ cho nhau.
Như vậy quan niệm đó đúng hay sai? Từ chấp ngã con người có những quan niệm sai lầm. Bây giờ muốn phá mê lầm đó, muốn bỏ chấp ngã chúng ta phải làm sao? Đức Phật dạy chúng ta phải ứng dụng theo lý nhân duyên. Vì từ thiên nhiên cho tới muôn vật trên thế gian đều tùy thuộc vào lý nhân duyên. Nếu hiểu thấu được lý nhân duyên, chúng ta sẽ không còn chấp ngã nữa.
Trở lại ví dụ ban đầu. Như nói mưa để làm ruộng thì ở biển đâu có ruộng, tại sao vẫn cứ mưa? Chẳng qua tại nhân duyên đầy đủ, có hơi nước gặp khí lạnh tụ lại thành mây, rơi xuống làm mưa. Bất cứ chỗ nào có đủ nhân duyên như thế thì có mưa, không phải đợi chỗ này làm ruộng mới mưa, chỗ kia không làm ruộng thì không mưa. Rõ ràng đức Phật chỉ cho chúng ta thấy lý nhân duyên là một lẽ thật. Lẽ thật đó công bằng, thực tế, không vì bản ngã cá nhân nào hết. Nếu chúng ta hiểu được lý nhân duyên thì chúng ta nhìn sự vật ở giữa đời này, từ thiên nhiên cho đến con vật, con người đều là nằm trong lý nhân duyên.
Con người luôn thấy mình thật, thấy mình là một nên chấp ngã. Nhưng với lý nhân duyên của đạo Phật, con người không thật, không phải một. Tại sao? Nếu là thật nó không đợi tụ hợp đủ duyên mới thành. Bởi không thật nên khi duyên tụ thì nó thành, duyên tán thì nó hoại. Duyên hợp có ta, duyên ly tán ta mất. Như vậy cái ta này thuộc về duyên, làm sao nói thật được.
Như cái nhà này với con mắt phàm tục thì nói nó thật. Nhưng dùng con mắt Trí tuệ Bát-nhã, phân tích theo lý nhân duyên, chúng ta sẽ thấy nó chẳng qua là một mớ duyên hợp. Từng tấm tôn, từng cục gạch, từng hạt cát, từng miếng xi măng… kết hợp lại thành. Như vậy cái nhà không tự có mà do duyên hợp, khi phân tích ra tìm cái nhà thật không có. Nhưng vì ta quen nhìn theo con mắt phàm tục nên thấy cái gì cũng thật hết. Nếu dùng con mắt trí tuệ quan sát thì không có cái gì thật.
Trong kinh Trung A-hàm, Phật nói “người thấy được nhân duyên là thấy pháp”, có chỗ khác lại nói “thấy được nhân duyên là thấy đạo”. Đạo là chân lý, thấy được lý nhân duyên là thấy được chánh pháp, thấy được lý nhân duyên là thấy được chân lý. Muôn vật do nhân duyên sanh mà chúng ta không thấy, không biết, đặt nó thế này thế kia, để rồi sống một cách mù quáng, bất công. Giờ đây chúng ta biết tất cả đều là nhân duyên, không có gì cố định hết. Nhiều người thắc mắc, nếu tất cả do duyên sanh không thật, thì sống ở giữa đời này làm sao vui được? Thấy thân không thật chán chết, còn làm gì được nữa. Thôi thì ngồi tréo cẳng nhịp đùi thổi sáo chơi, chờ tới ngày chết. Hoặc cứ buồn dàu dàu hoài. Đó là hiểu nhân duyên một cách nông cạn.
Nhà Phật nói lý nhân duyên là nói lẽ thật. Lẽ thật ấy sẽ đưa chúng ta tới một lợi ích lớn lao. Ví dụ như có một thau nước, nó không mãi mãi là nước mà sẽ đổi thay tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân duyên. Nếu thau nước để với nhiệt độ trung bình, thì trước sau nó vẫn là nước. Nếu chúng ta muốn nước bốc thành hơi thì phải tạo duyên nóng để nó bay lên, tức phải nổi lửa đốt cho nó bốc hơi. Như vậy từ một thau nước có thể biến thành hơi. Rồi chúng ta muốn nước nó thành khối thì phải làm lạnh, bằng cách để nó vào tủ lạnh, nó sẽ thành khối nước đá. Rõ ràng thau nước ấy không cố định là nước mãi mãi. Nó tùy duyên khi ở thể lỏng, khi ở thể hơi, khi ở thể đặc.
Hiểu được lý nhân duyên rồi, chúng ta là chủ tạo điều kiện cho mọi vật theo ý muốn của mình. Do đó nhà Phật nói chúng ta có thể chuyển nghiệp xấu thành tốt, chính là nhờ lý nhân duyên này. Chúng ta có thể biến mình từ một con người tầm thường trở thành cao thượng. Ngược lại cũng có thể biến mình từ một con người tốt đẹp thành con người sa đọa. Muốn thành người cao thượng, chúng ta phải gần thầy lành, bạn tốt, gần những vị tu hành, có lời nói hiền lành, cuộc sống thanh tịnh. Nếu muốn thành người xấu, thì chơi với mấy người ghiền xì ke ma tuý, những kẻ trộm cắp, người trà đình, tửu điếm. Con người nếu tạo duyên tốt thì tiến lên tốt, tạo duyên xấu thì lùi xuống xấu.
Hiểu được lý nhân duyên ta mới cố gắng vươn lên, không hiểu lý nhân duyên chúng ta sẽ không thể tự cải thiện đời sống của mình, vì nghĩ việc gì cũng do trời Phật sắp đặt. Từ đó chúng ta có bệnh yếu đuối nhu nhược, chỉ biết nương tựa bên ngoài, mà không biết phấn đấu vươn lên. Ngoài ra hiểu được lý nhân duyên, chúng ta không còn chấp ngã cuồng dại. Trái lại chúng ta có quyền lực tạo dựng cuộc sống cho chính mình, tạo dựng theo sở nguyện của mình. Bởi vậy người thấy được lý nhân duyên, ứng dụng vào cuộc sống rất công bằng, rất hợp lý.
Hiện nay các nhà khoa học chế biến được những máy móc tinh vi hay đồ dùng đẹp đẽ, đều ứng dụng lý nhân duyên. Đó là lẽ thật. Vì như tất cả chúng ta đều biết khi phân tích con người, ai cũng hiểu thân này do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp thành. Nếu nhìn theo y học bây giờ, con người có thể phân tích ra thành rất nhiều chất. Thiếu những chất ấy thân này sẽ sanh bệnh. Vì thế khi biết thân mình thiếu chất gì người ta bồi bổ thêm chất ấy. Phân tích cho tới cuối cùng, con người có trăm ngàn muôn ức tế bào. Những tế bào đó có chức năng riêng, mỗi thứ đều có công việc riêng của nó. Tìm cho thật kỹ, con người có phải là một không? Không phải là một, cũng không phải cố định. Bởi không phải một, không phải cố định nên Phật nói vô ngã. Vô ngã là không có cái Ta chủ, chỉ có duyên hợp, nên cái Ta này luôn chuyển biến.
Như quí Phật tử muốn đời này mình là người tốt, đời sau tốt hơn, được lên thiên đường thì sao? Phải giữ năm giới hoặc tu Thập thiện. Cũng như một người đang yếu, nếu yếu nữa là bệnh, bây giờ người muốn trở thành mạnh, họ phải làm sao? Phải bồi bổ. Nếu đang yếu vừa phải, không bổ dưỡng mà còn sử dụng thân quá sức, tới lúc kiệt quệ, không còn dùng nó được nữa. Rõ ràng, chúng ta thêm duyên tốt thì nó chuyển thành tốt, không thêm duyên tốt mà lại bớt, thì nó trở thành xấu. Cho nên muốn lên thiên đường hay xuống địa ngục, là quyền của ta. Ai bắt mình xuống địa ngục, ai kéo mình lên thiên đường được? Người tạo duyên tốt được lên thiên đường, kẻ tạo duyên ác bị xuống địa ngục. Vậy thôi.
Đạo Phật dạy ai làm mười điều ác là nhân của địa ngục, ai tu mười điều thiện là nhân của thiên đường. Có gì lạ đâu. Do đó nói tới lý nhân duyên này, trong kinh Phật có một câu chuyện rất hay. Kinh A-hàm kể:
Hôm nọ có một số thầy Bà-la-môn tới gặp Phật, họ hỏi:
- Thưa ngài Cù-đàm, nếu đệ tử của Ngài chết, Ngài có thể cầu nguyện cho họ lên thiên đường được không?
Phật im lặng không trả lời. Sau đó, Phật hỏi ngược lại:
- Nếu đệ tử của các ông chết, các ông có thể cầu lên thiên đường được không?
Các vị đó đáp:
- Được.
Phật liền đưa ra ví dụ. Như một cái giếng sâu, có người đem tảng đá lớn liệng xuống giếng. Sau đó họ thỉnh hai ba chục thầy Bà-la-môn đứng chung quanh miệng giếng, yêu cầu các thầy cầu nguyện tảng đá đừng chìm, quí thầy cầu được không, các thầy Bà-la-môn nói không được. Phật hỏi tại sao, các thầy đáp vì đá nặng, rớt xuống nước phải chìm, không làm sao nổi lên được. Phật đưa ra ví dụ thứ hai. Giả sử có người đem một chai dầu tới đổ xuống giếng, rồi yêu cầu các thầy cầu nguyện dầu chìm xuống đáy giếng, các thầy cầu được không, các thầy nói không được. Tại sao? Vì dầu nhẹ nên phải nổi lên trên, có cầu bao nhiêu nó cũng nổi lên, chìm xuống không được.
Phật nói cũng vậy, nếu người tạo tội thập ác, nhất định phải đoạ địa ngục, không làm sao cầu họ lên thiên đường được. Người tu Thập thiện nhiều phước lành, dù các ông ác ý cầu họ xuống địa ngục, họ vẫn lên thiên đường như thường. Như vậy việc cầu nguyện đâu có đưa đến kết quả như ý. Vậy mà bây giờ Phật tử thích cầu nguyện, không chịu tu. Không hành Thập thiện, cứ lo làm ăn danh lợi đã đời, khi gần chết sợ quá thỉnh thầy cô cho đông, cầu nguyện giùm con lên thiên đường hay về Cực Lạc. Như vậy được không?
Điều này Phật nói rất rõ, căn cứ trên lý nhân duyên chúng ta tạo duyên nào, sẽ đưa tới chỗ đó. Tạo duyên nặng mà biểu người ta cầu cho được nổi, nhất định phải chìm thôi. Còn người tạo duyên nhẹ, dù ai ghét muốn chìm xuống cũng không được. Hiểu được lý nhân duyên, chúng ta phải ứng dụng ngay trong cuộc sống, tạo duyên để vươn lên. Quí vị có ai muốn xuống địa ngục không? Chắc không ai muốn. Nếu không ưng xuống địa ngục thì mười điều ác phải chừa. Không tạo duyên ác thì không rơi vào nghiệp ác. Chúng ta muốn người khác mến thương thì phải tạo duyên tốt. Một là xử sự tử tế với mọi người, hai là sẵn sàng giúp đỡ họ, ba là lúc nào gặp họ cũng vui vẻ. Muốn người ta thương mà gặp họ mặt mày quạu đeo, thì ai thương được.
Trời Phật đâu có xui khiến ai thương hay ghét mình. Chính chúng ta tạo ra. Lý nhân duyên rất công bằng. Vì sao? Vì tạo nhân tốt duyên tốt thì quả sẽ tốt. Ví dụ tôi muốn trồng cây, trước hết phải lựa hột giống tốt. Từ hột giống gieo xuống chỗ đất cũng phải tốt. Nếu gặp đất chai dù giống tốt cây vẫn lên không được. Kế đó còn phải có phân phướn, tưới tắm để hột giống mau nảy mầm, rồi còn phải nhổ cỏ… nhiều duyên cộng lại cây mới phát triển tươi tốt. Chúng ta tạo đủ nhân đủ duyên, cây mới ứng hiện quả đúng như mình mong muốn. Nếu chúng ta tạo duyên không đủ thì kết quả không thể nào tốt được.
Lý nhân duyên là một lẽ thật, là chân lý, không chối cãi được. Bởi vậy người nào sống đúng như lý nhân duyên là người sống hợp lý, sống công bằng. Nhìn theo nhân duyên là nhìn đúng với khoa học. Khoa học phân tích sự vật không có cái gì tự có và cũng không có cái gì là một. Tất cả do nhiều yếu tố hợp lại thành. Mọi sự vật ở đời đều do duyên hợp, bởi duyên hợp nên mới phân tích, chia ra từng phần, từng bộ phận hay từng nhóm, từng tế bào được. Khoa học thấy tột được lý nhân duyên, nên mới làm chủ được những điều hồi xưa không bao giờ tin là con người làm được.
Hồi xưa nói bay trên trời phải là mấy ông tiên mới được. Nhưng bây giờ chúng ta có cần làm tiên đâu, mà cũng bay được vậy. Những nhà khoa học biết ứng dụng lý nhân duyên, chế tạo ra phi cơ bay trên không, tàu thủy đi dưới biển, hoặc xe hơi chạy nhanh ngoài đường phố. Rõ ràng sử dụng lý nhân duyên là một bước tiến mạnh, là một sự vươn lên của con người. Nhưng đáng tiếc, con người chỉ ứng dụng lý nhân duyên trong cuộc sống vật chất, mà ít ứng dụng lý nhân duyên trong cuộc sống tinh thần, nên cứ tạo vật chất cho sung mãn, rồi giành giật cấu xé nhau, gây khổ đau với nhau.
Chúng ta là những người học Phật, phải khéo vận dụng lý nhân duyên vào cuộc sống tinh thần, cuộc sống đạo đức. Có vậy lý nhân duyên sẽ đưa chúng ta vươn lên, từ một người phàm thành một người Thánh, từ một người trong lục đạo trầm luân ra khỏi trầm luân, được giải thoát sanh tử. Thành ra tu là khéo sử dụng lý nhân duyên. Quí vị muốn đi lên thì phải tạo điều kiện cho mình được thanh thoát nhẹ nhàng. Nếu chúng ta thiếu nợ mà không chịu trả, ra đường gặp chủ nợ nhất định bị họ lôi lưng kéo áo. Muốn không bị lôi lưng kéo áo thì đừng cho thiếu nợ nữa.
Cũng vậy, muốn giải thoát thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta đừng đuổi theo duyên trần, đừng dính mắc với duyên trần nữa. Mắt thấy sắc đẹp liền mê, tai nghe tiếng hay liền thích, như vậy làm sao thoát khỏi nó được. Không thoát được thì phải trầm luân để gặp gỡ nó nữa. Dính với sáu trần thì phải bị sáu trần lôi kéo.
Như vậy mới thấy tất cả sự trói buộc là do bản thân chúng ta tự nguyện. Duyên chúng ta tạo rồi chúng ta mắc vào đó. Muốn thoát ra khỏi nó cũng tự chúng ta gỡ, chớ không ai gỡ giùm được. Quyền của mình. Người tu hiểu được lý nhân duyên thì sự tu hành cụ thể, dễ dàng, không có gì ngờ vực, cũng không có gì huyền hoặc hết.
Nghiệp quả nhân duyên nói rõ cho chúng ta biết muôn sự muôn vật chẳng phải một, chẳng phải khác. Giống ngọn đèn dầu cháy từ đầu hôm tới khuya, không phải một không phải khác. Ngọn đèn đó rút dầu lên, một hột dầu rút lên thì cháy, hột dầu đó cạn thì hột dầu khác tiếp nối. Cứ thế nó liên tục cháy, cháy mãi. Chúng ta mới nhìn tưởng như là một, nhưng sự thật nó là một dòng liên tục, không phải một. Cũng vậy, tâm thức của chúng ta là một dòng liên tục, tuy không có chủ mà nó liên tục. Bởi liên tục nên nó không mất, hễ tạo nghiệp thì sự liên tục đó dẫn tới thọ quả sau.
Lý vô ngã của đạo Phật là chỉ cho tâm thức cũng như thể xác này là dòng biến chuyển liên tục. Nó chuyển hóa rất nhanh, nên chúng ta không thấy tưởng là một. Chính vì biến chuyển nên chúng ta tạo duyên cho nó thăng hoặc trầm. Nếu nó không biến chuyển, một cái ngã y nguyên thì dù có tạo duyên nó cũng thay đổi. Hiểu như vậy mới thấy ý nghĩa tùy duyên của đạo Phật. Duyên đủ thì hợp, duyên thiếu thì tan, duyên tốt thì thăng, duyên xấu thì trầm. Cho nên chúng ta khéo tạo duyên thì cuộc sống sẽ tiến. Ngược lại ta không khéo tạo duyên tốt mà tạo duyên xấu thì cuộc sống sẽ chìm xuống.
Hiểu được lý nhân duyên, biết thân này từ duyên sanh nên chúng ta không chấp ngã. Nhiều Phật tử hiểu lầm, cho rằng sau khi chết, linh hồn hoặc sanh lên cõi trời, hoặc xuống địa ngục hoặc làm gì gì đó nên mới thỉnh quí thầy cô đến tụng kinh để cầu nguyện linh hồn được thăng lên hay đi đến chỗ vị kia hằng mong muốn. Đạo Phật có thừa nhận linh hồn không? Đó là chỗ hết sức tế nhị. Phật tử cứ nói linh hồn mà đạo Phật không bao giờ chấp nhận linh hồn. Linh hồn là một cái ngã nguyên vẹn còn gọi là hồn thiêng. Nếu thế thì khi người nào chết, linh hồn của người đó cũng trở lại làm người. Chết sống gì linh hồn người mãi mãi làm người, linh hồn thú mãi mãi thành thú. Như vậy tu làm chi vô ích. Cho nên hiểu theo nghĩa linh hồn là sai lầm.
Nhà Phật nói tâm thức, chớ không nói linh hồn. Tâm thức thì luôn chuyển biến, tâm phân biệt là một dòng chuyển biến. Khi nhỏ tâm thức ta hiểu theo trẻ con, khi lớn được học hành, tâm thức ta hiểu theo người lớn. Người được duyên tốt học hành giỏi, thì tâm thức sáng suốt hơn người học hành kém. Tâm thức ấy chuyển luôn luôn, không dừng lại ở mức nào hết. Còn linh hồn thì ở một chỗ vì nó nguyên vẹn, nên học cũng không giỏi, không học cũng không ngu. Do đó chúng ta cũng không thể tu, không thể tiến được.
Người biết đạo nhận ra chúng ta có tâm thức hiểu biết phân biệt, nó là một dòng chuyển biến. Cho nên chúng ta muốn chuyển biến nó theo chiều sáng suốt thì tạo điều kiện cho nó sáng suốt, muốn chuyển biến theo chiều tối tăm thì tạo điều kiện cho nó tối tăm. Có vậy mới tu được chứ! Bởi tu là chuyển tâm thức từ xấu thành tốt, từ dở thành hay, từ trầm luân thành giải thoát.
Căn bản của đạo Phật là dạy chúng ta đi thẳng tới lẽ thật nơi con người, nơi muôn vật. Lẽ thật đó nói chung là lý nhân duyên. Hiểu được lý nhân duyên là phá được mê lầm, chấp ngã. Vì chấp ngã là gốc của bất công, của đau khổ. Phá được chấp ngã thì mọi bất công sẽ hết, mọi đau khổ không còn. Đó là chúng ta biết ứng dụng đạo Phật trong cuộc đời, đem lại một sức mạnh tích cực, chuyển biến đời mình và chuyển biến mọi vật xung quanh theo tinh thần lý nhân duyên.
Mong rằng tất cả quí Phật tử nghe chúng tôi nói, xét nghiệm lại nếu thấy đúng thì cố gắng thực hành để chuyển biến đời mình, từ con người dở thành con người hay, từ con người phàm thành con người Thánh. Đó là sức mạnh của người học đạo. Nếu chúng ta không biết được lẽ này, cứ ỷ lại vào Phật, vào Tăng Ni, không chịu sửa mình, không chịu tu thì trọn đời chẳng đi tới đâu. Rốt cuộc chỉ làm việc uổng công mà lại còn bị chìm trong mê tối nữa.
1/ Giải nghi về nhân quả2/ Khổ vui qua mắt kẻ mê người tỉnh3/ Lễ Phật thành đạo4/ Mỗi bước tiến tu đều đem lại an lạc5/ Bản ngã là gốc của khổ đau6/ Tìm tĩnh lặng trong mâu thuẫn của cuộc đời7/ Trở về với nguồn gốc8/ Ý nghĩa lễ Trung Thu9/ Tìm ngọc như ý10/ Nhắc nhở tu học
Ý kiến bạn đọc