Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

KINH ĐẠI BẢO TÍCH - 12.05. Phẩm Tứ Vô Lượng Thứ Năm

Đăng lúc: Chủ nhật - 08/09/2013 12:27 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Lúc bấy giờ đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Chư đại Bồ Tát an trụ nơi đức tin như vậy rồi, đức Như Lai biết chư đại Bồ Tát ấy là căn khí của pháp môn Bồ Tát tạng, là chánh pháp khí của chư Phật, đức Như Lai liền qua đến tại chỗ để khai pháp chỉ dạy đạo Bồ Tát.


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
KINH ÐẠI BẢO TÍCH
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XII
PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
THỨ MƯỜI HAI

Hán Dịch: Nhà Đường, Pháp Sư Huyền Trang
Việt Dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

05. Phẩm Tứ Vô Lượng 
Thứ Năm

     Lúc bấy giờ đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất:  “Chư đại Bồ Tát an trụ nơi đức tin như vậy rồi, đức Như Lai biết chư đại Bồ Tát ấy là căn khí của pháp môn Bồ Tát tạng, là chánh pháp khí của chư Phật, đức Như Lai liền qua đến tại chỗ để khai pháp chỉ dạy đạo Bồ Tát.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Nay ông nên biết tướng sai biệt của Pháp môn ấy.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Như thuở quá khứ vô số vô lượng bất khả tư nghị a tăng kỳ kiếp, thuở ấy có Phật xuất thế hiệu là Đại Uẩn Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn, vì các thế gian vô lượng đại chúng mà tuyên nói diệu pháp, khai thị diễn bày sơ trung hậu đều thiện, văn nghĩa khéo hay tinh thuần đầy đủ tùy thuận phạm hạnh.

     Nầy Xá Lợi Phất!  Thuở ấy đức Phật Đại uẩn có bảy mươi hai na do tha Thanh Văn đệ tử câu hội thuyết pháp.  Những Thanh Văn đệ tử nầy đều là bực đại A La Hán đã sạch các phiền não tâm được tự tại đến nơi bỉ ngạn.

     Nầy Xá Lơị Phất!  Bấy giờ có quốc vương tên Tối Thắng Thọ Tri dân đúng pháp nên có hiệu là Trì Chánh Vương.  Thành lớn của nhà vua ấy cai trị tên là Tối Thắng Tràng rộng rãi xinh đẹp an ổn giàu vui rất được ưa thích, nhơn vật đông đúc rộn rịp phồn thịnh. 

    Nầy Xá Lợi Phất!  Vua Thắng Thọ có con trai tên là Tinh Tấn Hành tuổi còn trẻ thơ, thân hình đoan nghiêm xinh đẹp đệ nhứt đượi mọi người ua nhìn.  Thái tử ấy đã từng cúng dường phụng thờ câu chi na do tha trăm ngàn chư Phật gần gũi kính vâng trồng các căn lành. 

    Nầy Xá Lợi Phất!  Thuở ấy Thái Tử Tinh Tấn Hành cùng nội cung xuất du nơi công viên.

    Bấy giờ Phật Đại Uẩn biết Thái Tử là căn khí Bồ Tát tạng và là pháp khí của chư Phật Ngài liền qua đến chỗ Thái Tử đang du ngoạn rồi thăng lên hư không khai diễn Bồ Tát đạo và khen nói chư Phật ba đời.

    Thái Tử nên biết thế nào là Bồ Tát đạo?
    Chư đại Bồ Tát đối với các hữu tình chuyên cần tu tập bốn tâm vô lượng, đó là Đại từ ba la mật, Đại bi ba la mật, Đại hỉ ba la mật và Đại xả ba la mật.  Đại Bồ Tát lại tinh tấn tu tập các nhiếp pháp.  Nếu có Bồ Tát nào tu hành như vậy thì gọi là khai Bồ Tát đạo.

    Nầy Thái Tử!  Thế nào là đối với các chúng sanh, đại Bồ Tát tinh tấn tu học Đại từ vô lượng ba la mật?  Đại Bồ Tát thật hành Bồ Tát đạo vì Vô thượng Bồ đề nên tâm từ cùng khắp chúng sanh giới.  Hạn lượng gì làm chúng sanh giới?  Hết hư không giới là chúng sanh giới.

    Nầy Thái Tử!  Như hư không giới không đâu chẳng khắp, đại từ vô lượng của Bồ Tát cũng như vậy, không có chúng sanh hàm thức chủng loại nào mà chẳng khắp.  Như chúng sanh giới không có hạn lượng, tâm từ của đại Bồ Tát cũng không hạn lượng.  Vì hư không vô biên nên chúng sanh vô biên, vì chúng sanh vô biên nên tâm từ cũng vô biên.

    Thái Tử nên biết chúng sanh giới nhiều, chớ chẳng phải địa giới thủy giới hỏa giới phong giới nhiều.  Đức Phật sẽ vì Thái Tử mà nói ví dụ.

    Giả sử số lượng thế giới mười phương như số cát sông Hằng.  Tất cả thế giới ấy đồng thời hiệp lại thành biển lớn chứa đầy nước.  Lại có hằng hà sa số chúng sanh cùng hội lại chẻ một sợi lông làm một trăm năm mươi phần rồi cùng lấy một phần lông chấm lấy nước biển.  Kế đó có số chúng sanh đồng như trên cũng hội đến lấy một phần lông chấm lấy nước biển.  Cứ tuần tự kế tiếp chấm nước biển như vậy.  Giả sử dùng cách lấy lông chấm lấy nước biển như vậy còn có thể chấm lấy hết nước trong biển lớn ấy, nhưng chúng sanh giới tánh vô biên lượng.  Thế nên biết tánh chúng sanh vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn.  Tâm từ của đại Bồ Tát khắp đầy trong ấy.

    Nầy Thái Tử!  Tu tâm từ vô lượng vô biên như vậy, có ai biết được biên tế chăng?
    Tinh Tấn Hành thưa:
    Bạch đức Thế Tôn! Không có thể biết được biên tế.
    Đức Phật Đại Uẩn nói:
    Đúng như vậy.  Nầy Thái Tử!  Đại Bồ Tát tu thiện căn đại từ trùm khắp chúng sanh giới không hạn lượng.

    Lại nầy Thái Tử!  Nay đức Như Lai lại nói tướng của đại từ.  Thái Tử nên biết đại từ nầy vô lượng hay bảo hộ tự thân mình.  Đại từ nầy hay phát khởi lợi ích kẻ khác.  Đại từ nầy là tối đệ nhứt trong các đức vô tranh luận.  Đại từ nầy hay dứt trừ cây gốc sân hận.  Đại từ nầy hay diệt hẳn tất cả lỗi lầm.  Đại từ nầy hay rời xa tham ái các cõi.  Đại từ nầy chỉ nhìn đức tốt thanh tịnh của chúng sanh mà chẳng thấy những tội xấu.  Đại từ nầy hay vượt khỏi nhiệt não xâm hại.  Đại từ nầy hay sanh trưởng sự vui cho than ngữ và ý.  Đại từ nầy có năng lực chẳng bị kẻ khác làm hai.  Đại từ nầy có tánh an ổn rời những sự sợ hãi.  Sức thiện căn đại từ nầy tùy thuận thánh đạo.  Đại từ nầy hay khiến kẻ nhiều sân bạo ác chẳng tin pháp sanh lòng tin thanh tịnh.  Đại từ nầy hay cứu vớt nhiều chúng sanh.  Do sức đại từ nầy nên tự nhiên không cầm võ khí.  Đại từ nầy hay dắt dìu chúng sanh đến giải thoát.  Đại từ nầy hay diệt những sân hận ác hại.  Đại từ nầy rời xa sư dối hiện oai nghi nịnh bợ gạt lường bức ép cầu đòi, mà hay tăng trưởng sự lợi ích cung kính danh dự.  Do sức đại từ nầy nên được Đế Thích Phạm Thiên cung kính.  Dùng đại từ trang nghiêm thân tâm nên người hành đại từ được người trí huệ đồng khen tặng.  Đại từ nầy hay phòng hộ tất cả kẻ ngu.  Sức đại từ nầy vượt khỏi cõi dục thuận trời Phạm Thiên và mở đường giải thoát.  Đại từ này là tối tiền đạo của đại thừa.  Đại từ nầy hay nhiếp phục tất cả các thừa.  Đại từ nầy hay chứa họp nhóm phước vô nhiễm.  Sức từ thiện nầy hơn tất cả những phước nghiệp có chỗ sở y.   Đại từ nầy hay trang nghiêm ba mươi hai tướng và tùy hảo tướng.  Đại từ nầy hay rời xa những tướng xấu thô và căn chẳng đủ.  Đại từ nầy là con đường bằng thẳng đến thiện đạo và Niết Bàn.  Đại từ nầy hay rời xa tất cả ác đạo và tám nạn.  Sức đại từ nầy hay ưa thích pháp lạc mà chẳng ưa thích tất cả sự thọ dụng vui sướng trong ngôi vua sang giàu.  Do sức đại từ nầy nên có tâm bình đẳng bố thí cho các chúng sanh.  Đại từ nầy hay rời xa các thứ vọng tưởng.  Đại từ nầy làm cửa làm đường làm sở do học luật nghi và hay cứu tế kẻ phạm cấm giới.  Đại từ nầy hiện sức nhẫn nhục và hay rời xa tất cả kiêu mạn tự cao tự đại.  Đại từ nầy hay phát khởi tinh tấn bất động khiến tu tập chánh hạnh phương tiện mau được cứu cánh.  Đại từ nầy hay làm cội gốc cho những tịnh lự giải thoát và chánh chỉ chánh quán.  Đại từ nầy hay khiến tâm rời khỏi phiền não sanh tử và phát khởi tất cả trí huệ.  Do đại từ vô lượng hay nghe học ghi nhớ nên các đạo phẩm của mình của người đều quyết định cả.  Đại từ nầy hay khiển trừ phiền não thuận với ma.  Do sức đại từ nên đồng an trụ nơi an lạc.  Đại từ nầy hay khiến người lúc đi đứng ngồi nằm đều giữ kín oai nghi.  Đại từ nầy hay làm tổn giảm các điệu cử tánh dục.  Đại từ nầy như hương thơm xoa thân và ướp y phục tàm quý.  Đại từ nầy hay khiển trừ các ác đạo các nạn tai và phiền não.  Đại từ nầy hay cứu vớt tất cả chúng sanh.  Đại từ vô lượng nầy hay quên bỏ sự vui của mình mà ban cho tất cả chúng sanh sự an ổn khoái lác.  Đại từ nầy có vô lượng tướng dạng như vậy, nay đức Như Lai chỉ nói tóm lược.

    Đây gọi là đức Đại từ vô lượng ba la mật của đại Bồ Tát.  Do thành tựu đại từ nầy nên đại Bồ Tát nhìn thấy chúng sanh luôn có lòng lành thương mà siêng tu học chánh pháp không biết mỏi mệt.

    Thái tử nên biết đức từ của Thanh Văn chỉ có thể tự cứu.  Đức từ của Bồ Tát rốt ráo hay độ thoát tất cả chúng sanh.

    Nầy Thái Tử!  Đại từ nầy có ba:  Một là chúng sanh duyên từ, chỗ được của Bồ Tát sơ phát đại tâm.  Hai là pháp duyên từ, chỗ được của Bồ Tát xu hướng thánh hạnh.  Ba là vô duyên, chỗ được của Bồ Tát chứng vô sanh pháp nhẫn.

    Đây gọi là Đại từ vô lượng ba la mật của đại Bồ Tát.  Do an trụ Đại từ nầy nên tâm của Bồ Tát trùm khắp tất cả chúng sanh.

    Lại nầy Tinh Tấn Hành Thái Tử!  Thế nào là đức Đại Bi vô lượng ba la mật của đại Bồ Tát?

    Vì muốn chứng được Vô thượng Bồ đề nên đại Bồ Tát lấy đại bi làm đạo thủ.  Như hơi thở là đầu hết của mạng người.  Cũng vậy, đại Bồ Tát chứng được đại thừa cũng dùng đại bi mà làm đạo thủ.

    Như vua Chuyển Luân có đủ bảy thứ báu, phải lấy kim luân để làm tiền đạo.  Cũng vậy, bao nhiêu Phật pháp đã được, đại Bồ Tát phải dùng đại bi làm đạo thủ.

    Lại nầy Thái Tử !  Đại Bồ Tát vì Vô thượng Bồ đề nên độ các chúng sanh, thật hành đức đại bi chẳng bỏ tất cả chúng sanh.  Thế nào là đại Bồ Tát ở chỗ chúng sanh phát khởi đại bi?
    Nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các cúng sanh bị thân kiến hư ngụy trói cột, bị các ác kiến giấu nhốt.  Thấy như vậy rồi đối các chúng sanh đại Bồ Tát pháp khởi đại bi:  Ta sẽ thuyết pháp vi diệu cho họ dứt hẳn thân kiến hư ngụy và các ác kiến trói cột.

    Nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh an trụ nơi chẳng thiệt hư ngụy điên đảo:  ở trong vô thường hư vọng cho là thường, ở trong các khổ hư vọng cho là vui, ở trong ngã hư vọng cho là có ngã, ở trong bất tịnh hư vọng cho là có ngã, ở trong bất tịnh hư vọng cho là tịnh.  Thấy như vậy rồi đối với các chúng sanh đại Bồ Tát pháp khởi đại bi:  Ta sẽ thuyết vi diệu pháp cho họ dứt hẳn chẳng thiệt hư vọng điên đảo.

    Nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh ngu si điên đảo say đắm nơi ái dục, với mẹ hay chị em còn sanh lòng cưỡng bức huống là với người khác.  Thấy như vậy rồi đại Bồ Tát nghĩ rằng:  Khổ thay cho thế gian sao lại có thể dung chứa những thứ phi thánh, sao mà đầy những nghiệp ác vô sỉ.  Quấy quá thay cho chúng sanh ấy, họ đã từng ở trong thai mẹ sanh ra do nơi sản môn, sao lại vô sỉ cùng mẹ làm sự ấy.  Chúng sanh ấy quá tội lỗi rất đáng thương rất đáng trách, họ bị tham sân si làm hại, lại bị vô trí làm hại mà bỏ rời chánh pháp ở nơi phi pháp tập làm pháp ác, phải đọa trong các nẻo địa ngục ngạ quỷ súc sanh.  Vì bị nghiệp ác dắt dẫn nên chúng sanh ấy đi đến đâu đều làm sự phi đạo.  Như loài cheo ở trong gò mả bị bầy chó đuổi bắt nên chạy trốn sa vào hố sâu giữa đêm kêu gào.  Lại như người sanh manh sợ chó chạy sa vào khe sâu.  Lại như bầy heo đứng nằm rên phẩn dơ và ăn cả phẩn chẳng biết gớm nhờm.  Các chúng sanh ấy cũng như vậy.  Họ rất đáng thương, bị lòng  dâm bứt ngặt với người thân l2m sự phi thân, bị các phiền não làm hại, làm đồ đảng ma, bị lưới ma quấn trói, bị gói trùm trong lưới mê hoặc, bị ngập lún trong bùn đục nhiễm.

    Thấy như vậy rồi đối với các chúng sanh đại Bồ Tát pháp khởi đại bi:  Ta sẽ vì họ mà thuyết diệu pháp cho họ dứt hẳn các phiền não tham dục.

    Lại nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh bị ngũ cái che đậy, bị trúng tên ái dục, tham đắm sáu trần:  mắt thấy sắc thì nắm lấy tướng mạo chẳng bỏ được, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm mùi, thân chạm xúc đều nắm lấy hình tướng chẳng bỏ được.  Các chúng sanh ấy nhiều sân hận oán thù nhau.  Nếu được lợi là bạn thân, nếu mất lợi thì  gia hai.  Các chúng sanh ấy nhiều hôn trầm ngủ nghỉ hèn kém ngu độn bị màn vô trí che đậy.  Các chúng sanh ấy bị điệu hối bất thiện buộc ràng, thường bị các phiền não làm ô nhiễm tâm họ.  Các chúng sanh ấy bị mắc trong lưới nghi, họ chẳng quyết định được nơi pháp thâm diệu.

    Thấy như vậy rồi đối với các chúng sanh đại Bồ Tát pháp khởi đại bi: Ta sẽ vì họ thuyết pháp cho họ dứt hẳng các ấm cái ấy.

    Lại nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh bị sự làm hại của mạn, quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, tà mạn. Với kẻ kém thua cho ta là hơn.  Lại có chúng sanh cho sắc là ngã, hoặc cho thọ, cho tưởng, cho hành hoặc cho thức là ngã.  Với chỗ chưa chứng chưa được cho rằng ta đã chứng đã được, vì thế nên tự thị mà chẳng chịu học hỏi nơi đáng được học hỏi, chẳng lễ bái nơi đáng lễ bái, chẳng kính thuận bực tôn trưởng, chẳng tôn trọng bực thầy đáng tôn trọng.  Với bực trí huệ chẳng thỉnh hỏi thế nào là thiện là bất thiện, thế nào là nên tu chẳng nên tu, thế nào là nên làm chẳng nên làm, thế nào vô tội có tội, thế nào là đạo, là giải thoát, là chánh định.  Nơi các pháp ấy chưa từng hiểu biết rõ mà tự cho mình là hơn là trên.

    Thấy như vậy rồi, đại Bồ Tát pháp khởi đại bi đối với các chúng sanh:  Ta sẽ vì họ thuyết pháp cho họ dứt hẳn giống kiêu mạn.

    Lại nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh bị dây tình ái trói chặt, làm tôi mọi cho tình ái, bị vợ con buộc ràng, bị các thứ suy họa đeo theo, bị cửa khóa sanh tử ngăn nhốt chẳng ra thoá, bị câu thúc nơi địa ngục ngạ quỷ súc sanh mà chẳng được tùy ý tự tại

    Thấy như vậy rồi, đại Bồ Tát pháp khởi đại bi đối với các chúng sanh:  Ta sẽ vì họ thuyết pháp thâm diệu cho họ được tùy ý tự tại thẳng đến Niết Bàn.

    Lại nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh xa rời thiện hữu mà theo bạn ác, vì gần bạn ác nên họ ham làm những nghiệp ác như là sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, chia rẽ, cộc cằn văn hoa, tham lam, sân hận, tà kiến, gầy dựng vô lượng nghiệp ác như vậy. 

    Thấy như vậy rồi, đại Bồ Tát pháp khởi đại bi đối với các chúng sanh:  Ta sẽ vì họ thuyết pháp thâm diệu cho họ gần gũi thiện hữu để họ dứt hẳn mười nghiệp đạo ác mà làm mười nghiệp đạo lành.

    Lại nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh bị những ngu si che khuất, bị màn tối vô minh làm mờ lòa nên điên đảo chấp trước, đối với tự thân, hữu tình, tác giả, thọ giả, ngã và ngã sở hữu, vô lượng vô biên kiến chấp như vậy đều nắm chặt chẳng bỏ.

    Thấy như vậy rồi, đại Bồ Tát phát khởi đại bi đối với các chúng sanh:  Ta sẽ vì họ thuyết pháp thâm diệu cho họ được thánh huệ nhãn thanh tịnh mà dứt hẳn tất cả kiến chấp điên đảo.
    Lại nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi,  đại Bồ Tát thấy các chúng sanh mến thích sanh tử mải miết luân hồi, chạy theo ngũ ấm, chẳng rời tam giới, chẳng lo tháo gỡ gông cùm xiềng xích để ra khỏi ngục tù tam giới. 

    Thấy như vậy rồi, đại Bồ Tát phát khởi đại bi đối với các chúng sanh:  Ta sẽ thuyết pháp thâm diệu cho họ phát khởi ngũa ấm sanh tử trong tam giới.

    Lại nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh từ nghiệp ác sanh, như quả bóng như vòng xe xoay lăn bất định, do nghiệp ấy mà từ thế gian nầy đến thế gian kia, từ thế gian kia đến thế gian nầy lưu chuyển nhanh chóng thẳng đến năm loài trái đường Niết Bàn.

    Thấy như vậy rồi, đại Bồ Tát phát khởi đại bi đối với các chúng sanh:  Ta sẽ vì họ thuyết pháp thâm diệu mở rộng cửa Niết Bàn cho họ thẳng vào.

    Nầy Thái Tử!  Lúc thật hành đại bi, đại Bồ Tát quan sát tánh chúng sanh phát khởi mười thứ đại bi vô lượng như vậy.

    Lại nầy Thái Tử!  Đại Bồ Tát lại có mười đại bi chuyển tướng.  Nghĩa là đại bi như vậy do nơi chẳng dua bợ mà được sanh khởi dường như hư không, vì vĩnh viễn xuất ly hẳn vậy.

    Đại bi như vậy do nơi chẳng dối phỉnh mà được sanh khởi, vì từ ý tăng thượng mà được xuất ly vậy.

    Đại bi như vậy do chẳng giả trá mà được pháp khởi, vì từ đạo như thiệt tâm chất trực mà xuất ly vậy.

    Đại bi như vậy do chẳng vạy vò mà được pháp khởi, vì rất khéo an trụ nơi tâm chẳng vạy vò mà xuất ly vậy.

    Đại bi như vậy do không kiêu căng tự cao khiếp nhược mà được sanh khởi, vì nơi tất cả hữu tình, kiêu mạn và lui thua, đã khéo xuất ly vậy.

    Đại bi như vậy do bảo hộ hữu tình mà được sanh khởi, vì từ tâm mình thanh tịnh mà xuất ly vậy.

    Đại bi như vậy do huệ kiên cố mà được sanh khởi, vì rời hẳn tâm động bất động diệu trụ tâm mính khéo xuất ly vậy.

    Đại bi như vậy do bỏ sự vui của mình mà được sanh khởi, vì trao sự vui cho người khác khéo xuất ly vậy.

    Đại bi như vậy do muốn nâng đỡ các chúng sanh mà được sanh khởi, vì tinh tấn bền chắc khéo xuất ly vậy.

    Lại nầy Thái Tử!  Đại bi vô lượng của đai Bồ Tát lại có mười thứ chuyển tướng, nghĩa là tất cả đại thừa xuất ly đều nhơn nơi đại bi mà được xuất ly, do như vậy mà gọi là đại bi.

    Đại bi như vậy xây dựng tất cả bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tịnh lự, trí huệ, do đây nên gọi là đại bi.

    Đại bi như vậy xậy dựng niệm xứ, chánh cần, thần túc, đại bi như vậy xây dựng căn, lực, giác chi, chánh đạo, các thứ đệ định, mười nghiệp đạo lành, nhẫn đến các tướng đều xây dựng cả, do đây nên gọi là đại bi.

    Đại bi như vậy xây dựng trí huệ tự nhiên của Như Lai, do đây nên gọi là đại bi.

    Thái Tử nên biết đại bi như vậy làm việc của mình làm, làm khéo, làm chẳng biến đổi khác, vì chúng sanh mà làm việc nên làm.

    Đại bi như vậy tất cả chúng sanh đều viên mãn như ý.

    Đây gọi là Đại bi vô lượng ba la mật của đại Bồ Tát.

    Do thành tựu Đại bi vô lượng ba la mật nầy, đại Bồ Tát thấy các chúng sanh ở nơi chỗ như vậy lại càng thương mến họ.

    Lại nầy Thái Tử!  Thế nào gọi là Đại hỷ vô lượng ba la mật của đại Bồ Tát?

    Nầy Thái Tử!  Lúc đại Bồ Tát vì chúng sanh cầu Vô thượng Bồ đề mà tu hành đại hỷ.  Đại hỷ như vậy có vô lượng tướng.

    Đại hỷ của Bồ Tát có tên là đức hỷ vi diệu thanh tịnh vui mừng nhớ nghĩ các pháp lành.  Tại sao?  Vì nơi các pháp lành không có tánh buồn chán, không có tánh lui thua, không có tánh mỏi mệt.

    Đại hỷ nầy lại có tên là tánh rời xa tất cả sự ưa thích thế gian.  Tại sao?  Vì là tánh an trụ nơi tất cả sự ưa thích pháp lạc.

    Đại hỷ nầy hay làm cho trong tâm vui mừng, thân sức dũng cảm.  Tại sao?  Vì trí huệ thơ thới tâm ý hớn hở.

    Đại hỷ nầy ưa thích thân Như Lai.  Tại sao?  Vì thích cầu tướng hảo trang nghiêm.

    Đại hỷ nầy nghe pháp không chán mỏi.  Tại sao?  Vì  vui thích y chánh pháp cóù thể thật hành đúng.

    Do đại hỷ nầy mà đối với chánh pháp thì vui thích siêng làm, với chúng sanh thì không tâm tổn hại, với Bồ đề thì mến ưa, với pháp rộng lớn thì tin hiểu, phát khởi tâm rời xa tiểu thừa quyến giáo.

    Đại hỷ nầy tên là chế phục xan tham.  Tại sao?  Vì đối với người cầu xin thì quyết định bố thí.

    Do đại hỷ nầy với người phạm giới thì thương xót nhiếp thọ họ, với người trì giới thì tâm thường thanh tịnh.  Lại nay làm cho chính mình có giới hạnh thanh tịnh.

    Đại hỷ nầy có tên là đức hỷ an ổn vượt khỏi tất cả sự hãi sợ ác đạo.  Là đức hỷ nhịn chịu lời chê tiếng mắng của kẻ khác.  Là đức hỷ không báo oán, vì lòng cam nhận chịu lúc bị người móc mắt chặt đứt tay chưn.  Là đức hỷ cung kính tôn trọng, vì đủ oai nghi cung kính tôn trọng lễ bái các bực tôn trưởng.  Là đức hỷ luôn vui vẻ, vì tâm ý hòa vui rời xa buồn phiền ngỏ lời thăm hỏi trước.  Là đức hỷ rời xa tất cả sự dua bợ dối trá phỉnh gạt bức ngặt cầu đòi.  Tại sao?  Vì đức hỷ nầy xu hướng con đường chánh pháp chơn thiệt.

    Do đức hỷ nầy nên đối với chư Bồ Tát mến ưa bực đại sư, với chánh pháp rất mến ưa như thân thể mình, với Như Lai rất mến ưa như mạng sống của mình, với thầy tổ rất mến ưa như cha mẹ mình, với các chúng sanh rất mến ưa như con ruột, với thọ giáo sự rất mến ưa như tròng mắt mình, với các chánh hạnh rất mến ưa như đầu mình, với các ba la mật rất mến ưa như tay chân mình, với thuyết pháp sư rất mến ưa như những châu báu, với chánh pháp được học rất mến ưa như thuốc hay, với người hay cử tội và ức niệm rất mến ưa như lương y.

    Đây gọi là Đại hỷ vô lượng ba la mật của đại Bồ Tát.
    Do an trụ đại hỷ nầy  mà thật hành Bồ Tát hạnh nên đại Bồ Tát thường có lòng vui mừng siêng cầu chánh pháp không nhàm mỏi.

    Lại nầy Tinh Thấn Hành Thái Tử!  Thế nào gọi là Đại xả vô lượng ba la mật của đại Bồ Tát?

    Bồ Tát vì chúng sanh mà phát tâm Vô thượng Bồ đề rồi, phải hành đại xả.  Đức xả nầy  có ba thứ:  đức xả bỏ phiền não đức xả bảo hộ mình và người và đức xả thời phi thời.

    Những gì gọi là đức xả bỏ phiền não? 
    Nầy Thái Tử!  Đại Bồ Tát đối với chỗ kính thờ mình tâm chẳng cao đại, với chỗ chẳng kính thờ tâm không ty hạ.  Nếu được lợi dưỡng tâm chẳng kiêu căng, chẳng được lợi dưỡng tâm chẳng uất ức.  Với chỗ trì giới và phạm giới tâm luôn bình đẳng.  Được danh dự lớn tâm chẳng mừng, bị chê bai tâm chẳng buồn.  Với chỗ ca ngợi thì khéo an trụ pháp tánh, nếu bị quở trách thì không thối chí.  Với các sự khổ thì có sức trí huệ, với các sự vui thì có sức quán giải vô thường khổ, bỏ ái dục, dứt giận hờn.  Nơi oán thân tâm luôn bình đẳng, nơi thiện ác tác tâm thường không hai.  Nơi được yêu chẳng yêu lòng chẳng rung động, nơi nghe tốt nghe dở chẳng hề chấp trước.  Nơi lời lành lời ác lòng không thương ghét, nơi những món ngon bổ và dở hại thì cân lường bình đẳng.  Với thân mình và kẻ khác lòng tin yêu bình đẳng.  Nơi mạng sống của mình không có lòng đoái luyến.  Với các chúng sanh hạ trung và thượng đều quan niệm bình đẳng.  Với pháp ẩn pháp hiển khởi tánh bình đẳng, với đế và phi đế tự thể đều thanh tịnh.

    Nếu đại Bồ Tát có thể tự nhiên phát khởi sự đối trị thù thắng thì gọi là đức xả bỏ phiền não của đại Bồ Tát.

    Lại nầy Thái Tử!  Những gì gọi là đức xả bảo hộ mình và người?  Nếu lúc đại Bồ Tát bị người chặt đứt tay chưn lột da xẻo thịt thì thường tự quan sát nội tâm an trụ nơi đại xả, không chút hy vọng cũng không hờn oán.  Dầu là lời nói hay hành động xúc phạm đều có thể cam chịu.  Đây gọi là đức xả bảo hộ mình và người.

    Đại Bồ Tát lại quan sát hai tâm niệm không tổn hại, đó là chẳng do nhãn tướng và sắc tướng, cho đến chẳng do ý tướng và pháp tướng mà sanh lòng tổn hại, luôn an trụ nơi xả.  Tại sao?  Vì không tổn không hại mới gọi là đức xả bảo hộ mình và người.

    Lại những gì gọi là đức xả bảo hộ mình và người.

    Bị người hại mà chẳng báo oán, với mình với người đều nhịn chịu được, đây gọi là đức xả bảo hộ mình và người.

    Với người có ơn và không ơn đều bình đẳng giúp đỡ, đây gọi là đức xả.  Đức xả nầy gọi là đức xả tột vô tranh, là đức xả diệt tâm mình, là đức xả quan sát tự thể, là đức xả chẳng hại người. Nơi các sự quyết định, Bồ Tát có thể xả bỏ.

    Dầu vậy, nhưng đức Phật Thế Tôn chẳng cho phép chư Bồ Tát chỉ tu đức xả thôi, mà chư Bồ Tát còn phải tu tập các tác dụng các chánh hạnh, ngày đêm thường nhớ phát khởi tinh tấn cầu các pháp lành.  Với thời phi thời mới nên tu đức xả.

    Lại nầy Thái Tử!  Những gì gọi là đức xả thời phi thời?

    Đại Bồ Tát có đủ trí huệ lớn khéo hay tu tập thời và phi thời.  Nghĩa là với các chúng sanh phi pháp khí nên sanh khởi xả, với kẻ chẳng cung kính nên sanh khởi xả, với những không lợi ích chê bai khổ não nên sanh khởi xả, với Thanh Văn thừa nên sanh khởi xả, ở lúc tu hạnh bố thí nên xả để tu giới, ở lúc tu giới nên xả để tu nhẫn, ở lúc tu nhẫn nên xả để dẫn phát thí giới và tinh tấn, ở lúc tu tinh tấn nên xả để tu giới, ở lúc tu tịnh lự nên xả hạnh thí, ở lúc tu huệ nên xả những duyên phát khởi năm độ kia.

    Đây gọi là đức xả thời phi thời của đại Bồ Tát.  Tại sao?  Do vì nơi pháp chẳng nên làm không có tánh tạo tác, Bồ Tát biết rõ là vô ích nên thật hành đức xả.

    Nếu có đại Bồ Tát an trụ đức Đại xả ba la mật mà thật hành Bồ Tát hạnh thời với các pháp ác bất thiện đều hay phát khởi đức đại xả.

    Nầy Thái Tử!  Các tướng như vậy gọi là những đức Đại từ, Đại bi, Đại hỷ và Đại xả của đại Bồ Tát.

    Nếu đại Bồ Tát an trụ bốn vô lượng ba la mật ấy, phải biết mình chính là căn khí của pháp môn Bồ Tát tạng, lại là căn khí của chánh pháp Phật.

    Đức Như Lai bảo Ngài Xá Lợi Phất, đức Phật Đại Uẩn vì Tinh Tấn Hành Thái Tử mà giảng rộng bốn vô lượng ấy rồi lại khai thị sáu ba la mật đa và các nhiếp pháp cho Thái tử ấy tùy thuận tu học.

    “Nầy Xá Lơị Phất!  Thái Tử Tinh Tấn Hành ấy chuyên cần tu tập những pháp đã được nghe như sau đây sẽ nói rõ”.

Phẩm Tứ Vô Lượng 
Thứ Năm

Hết

MỤC LỤC


Tác giả bài viết: HT. Thích Trí Tịnh
Nguồn tin: Thư Viện Hoa Sen
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 351
  • Hôm nay: 46891
  • Tháng hiện tại: 432675
  • Tổng lượt truy cập: 84243758

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile