Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Bảy ngày ở chùa

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/07/2013 09:42 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
“Dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười 
  Vì đời còn mùa hạ tươi vui”

Tiếng ve kêu, hoa phượng nở báo cho chúng con biết mùa hè đang về. Mùa hè là mốc thời gian mà tụi học trò chờ đợi nhiều nhất sau 9 tháng học tập căng thẳng. Mùa hè nóng oi bức, vậy mà đây luôn là mốc thời gian của các cuộc tụ tập, vui chơi của lũ học trò. Riêng con, dù cũng mong đợi mùa hè đến mau như bao đứa bạn cùng trang lứa khác, thế nhưng… không phải con đợi hè về để được tụ tập vui chơi cho thỏa thích với lũ bạn. Con đợi ve kêu, chờ phượng nở, mong hè về để được đến chùa. Nghe nói điều này hầu như ai nấy đều cảm thấy ngạc nhiên và xen lẫn đâu đó chút buồn cười. Nhưng đây là sự thật, sự mong đợi của cô học trò 17 tuổi như con. Ai cũng hỏi, tuổi này sao không lo học, lo chơi mà lại muốn vào chùa? Những câu hỏi này bật ra, con nghĩ là do họ chưa bước chân đến chùa mà thôi. Khi đã từng đặt chân vào chùa, với bất kỳ ai dù chỉ lần đầu, con nghĩ điều họ nhận được đầu tiên đó là sự bình yên, thanh tịnh nơi tâm hồn.

Cuối cùng mùa hè con mong đợi đã về, con chuẩn bị những vật dụng cần thiết để vào chùa. Ngôi chùa con đã chờ đợi gần một năm trời để được về thăm lại dù chỉ một lần trong năm mang tên Hoằng Pháp. Mỗi năm một lần, chùa Hoằng Pháp đều tổ chức Khóa tu mùa hè kéo dài 7 ngày dành cho các bạn học sinh, sinh viên có tinh thần hiếu đạo về tu học. Khóa tu tổ chức tính đến nay đã được 6 năm. Tuy nhiên, con mới biết về khóa tu này được 3 năm trở lại đây, nhờ băng đĩa của chùa phát hành. Và đây không phải là lần đầu con tham dự khóa tu, nhưng cảm giác xao xuyến vẫn y như lần đầu. Hành trang cho chuyến đi không chỉ là những đồ dùng cần thiết cho cá nhân, mà còn có một điều rất quan trọng, đó là một tinh thần vững chắc. Tại sao con lại nói là quan trọng, trong khi những thứ khác cũng không kém phần quan trọng? Vì nếu không có một tinh thần vững chắc thì khó có thể kiên trì được 7 ngày tu học ở nơi đây!

Xe bắt đầu lăn bánh, thoáng chốc ngôi chùa Hoằng Pháp đã ở ngay trước mắt. Lòng con nôn nao khôn kể khi nghĩ rằng mình sắp được gặp lại quý thầy và các bạn đồng tu. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, hiện lên một niềm vui khó tả. Ngày đầu của khóa tu lần thứ 6 năm 2010 đã đến. Ngày đầu chúng con được quý thầy sắp xếp cho từ chỗ ngồi tu học đến cả chỗ ăn, chỗ ngủ, tất cả đều bố trí kỹ lưỡng. Nhìn đơn giản là thế, nhưng có ai biết để chuẩn bị cho khóa tu với 3000 bạn thì quý thầy phải vất vả như thế nào? Nhất là thầy Trụ trì, để có được một khóa tu cho hàng ngàn người như vậy, thầy phải lo rất nhiều việc, từ khâu sắp xếp, chuẩn bị đến triển khai đều phải lo từ đầu năm. Nhắc đến đó con lại càng thương và kính trọng quý thầy nhiều hơn. Bởi lòng từ bi của quý thầy quá lớn, khó ai có thể làm được điều cao cả như vậy.

Ở nhà, mọi thứ đều được tự do, thoải mái. Thế nhưng khi đã đặt chân đến nơi chùa chiền trang nghiêm, thanh tịnh thì mọi thứ khác hẳn. Nhằm giúp mầm non của đất nước được uốn nắn trong một môi trường tốt nên quý thầy đưa ra những nội quy rất nghiêm ngặt. Chính những nội quy này khiến cho không ít bạn trẻ có cảm giác nghẹt thở vào những ngày đầu. Bởi, trong thời buổi hiện đại như ngày nay, hầu như các bạn trẻ đều có điện thoại di động, còn xem đó là vật bất ly thân nữa. Nhưng ở đây không được sử dụng điện thoại mà bị cấm tuyệt đối. Điều đó giúp các bạn trẻ chuyên tâm tu học. Còn việc ăn, uống, ngủ cũng khác với ở nhà. Thay vì ở nhà muốn ăn vào lúc nào thì ăn, buồn ngủ thì ngủ, còn ở chùa ăn cơm ngày ba bữa, đúng giờ, đúng giấc, đã vậy còn ăn chay! Mỗi lúc ngủ ở nhà trong phòng gối nệm đầy đặn, bên cạnh nhất định phải có mấy chú gấu bông làm bạn. Vào chùa chỗ ngủ không chỉ chật, bạn này nằm sát bạn kia, mà mỗi bạn chỉ một chiếc gối, một chiếc mền. Nằm ngủ nhiều đêm cảm thấy lạnh lắm! Bởi những trường hợp này không phải lần đầu tiên nên con không còn bỡ ngỡ như trước. Năm trước khi con vào khóa tu cũng gặp một số khó khăn như các bạn lần đầu tiên đi dự khóa tu. Không chỉ có thế, có khi con còn khóc đòi ba mẹ xin cho về vì chịu không nổi.

Mỗi buổi sớm mai, khi nghe tiếng chuông báo thức vào 4 giờ 30 là con phải dậy, không được nằm ngủ nướng tới 7 giờ - 8 giờ như ở nhà. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, 5 giờ là công phu sáng. Những đôi bàn chân thoăn thoắt chạy lên giảng đường, còn con vẫn mắt nhắm mắt mở, đứa này va phải đứa kia loạn xạ. Đến 6 giờ là dùng buổi sáng, 7 giờ là lên giảng đường nghe quý thầy thuyết pháp. Mỗi ngày có một bài giảng khác nhau, những bài giảng của các giảng sư luôn gắn liền với tuổi trẻ chúng con. Từ những tình cảm đối với cha mẹ đến cách ứng xử khi bước chân vào đời. Mỗi thời pháp bổ ích vô cùng. Đến 11 giờ là chúng con dùng cơm trưa. Nghe giảng từ sáng đến trưa, bụng đứa nào cũng đói nên ăn rất nhiều. Cách ăn không giống như ở nhà, chúng con thực hiện các nghi lễ cơ bản trước khi ăn cơm. Gắp thức ăn bằng đũa, ăn bằng muỗng, uống nước phải bằng hai tay. Đặc biệt khi ăn không được nói chuyện để gìn giữ trang nghiêm. Ở đây chúng con được học những điều tưởng chừng như cơ bản nhất. Trong giờ cơm trưa chúng con được nghe quý thầy kể những mẩu chuyện rất ý nghĩa về tình mẫu tử, gương hiếu thảo. Đó là điều vô giá mà không phải ai cũng thực hiện được. Sau bữa trưa, đến 12 giờ chúng con về nghỉ ngơi để 2 giờ là bắt đầu bài học buổi chiều. Như thường lệ vào buổi chiều thứ 2 của khóa tu, chúng con được thầy Tâm Hải dạy cho những oai nghi cơ bản khi bước chân vào chùa. Đó là những điều chúng con chưa bao giờ học ngoài đời, chắc vì thế mà ai cũng thấy thích thú. Sau khi kết thúc buổi học, chúng con được sinh hoạt, vui chơi tập thể theo khu vực tu tập. Đến 4 giờ chúng con về tắm rửa, giặt giũ quần áo. Đến 6 giờ chúng con được ăn cơm chiều. Cũng như những bữa ăn trước, dù chỉ là thức ăn chay đơn sơ nhưng không hiểu sao ai nấy đều “tém sạch” mới lạ chứ! Chắc hẳn do chúng con vào chùa được thấm nhuần lời dạy của quý thầy nên đều hiểu ăn chay là không làm hại đến những con vật đáng yêu xung quanh mình. Vào 7 giờ là thời công phu tối, chúng con được hướng dẫn tụng kinh Vu Lan để phần nào hiểu được công ơn sinh thành, dưỡng dục của song thân. Sau thời kinh Vu Lan là giờ tịnh tọa, đây là thời gian tĩnh lặng nhất trong ngày, 15 phút không quan tâm, vướng bận những gì xung quanh, hít thở lấy sức cho ngày mai hoạt động. Đến 9 giờ, chúng con cùng đi ngủ. Thế là đã kết thúc một ngày tu học, vui chơi. Mọi thứ đều tuân theo thời gian như vậy, thật đúng với hai chữ “trang nghiêm” phải không?

Đó là phía chúng con, còn quý thầy, quý cô chú, anh chị làm công quả, bảo vệ thì thế nào? Đây là những người luôn âm thầm giúp đỡ chúng con hoàn thành tốt 7 ngày tu học. Chúng con rất thương quý thầy, cô chú làm công quả và các anh chị làm bảo vệ. Đâu ra những bữa cơm ấm bụng cho chúng con, đâu ra những chỗ nằm sạch sẽ cho chúng con giấc ngủ ngon? Mấy ai tự hỏi điều đó là từ đâu? Biết bao giọt mồ hôi phải đổ ra để có được điều đó? Mỗi đêm, khi tất cả đã chìm trong giấc ngủ, có biết chăng quý thầy, các cô chú công quả đang phải thức đêm lo bữa ăn ngày mai để chúng con yên lòng tu học. Chúng con có được giấc ngủ không lo lắng, không sợ hãi là bởi biết rằng bên cạnh mình luôn có các quý thầy, quý cô, các anh chị bảo vệ bên ngoài thức canh giấc ngủ. Biết bao tâm huyết nhưng không mong đợi được đền đáp. Chỉ có một mong ước rằng mầm non tương lai của đất nước sẽ được phát triển, dưỡng dục trong một môi trường tốt nhất. Chỉ mới nhắc đến đây thôi, nhưng sao lòng con lại nghẹn ngào, nước mắt bỗng rưng rưng đến thế! Con không biết làm gì hơn để đền đáp công ơn trời biển đó bằng việc tinh tấn tu học, sau này trở thành một người hiếu đạo và có ích cho đời, không uổng công quý thầy đã bỏ ra lo lắng cho chúng con hôm nay.

Thầy ơi! Sao lòng thầy rộng thế, cánh tay từ bi đang giang rộng ôm khắp cả thế gian. Con hứa làm theo lời thầy dạy để giúp đời. Ngôn ngữ trần gian muôn màu, muôn vẻ, thế nhưng sao mãi con không đủ để con nói hết công ơn thầy. Đôi dòng không nói hết lòng con, con mong mười phương chư Phật luôn gia hộ cho quý thầy mạnh khỏe, tinh tấn để mãi soi đường cho chúng con, giúp chúng con ngày một hoàn thiện hơn.

Khi những dòng tâm sự này viết lên cũng là lúc khóa tu sắp kết thúc, sao bỗng dưng lòng con lại buồn đến thế. Sắp đến lúc chia tay nơi đây, nhưng con không ưu phiền bởi con biết mình sẽ sớm quay lại thôi. Dù nói vậy nhưng khi bài hát Giờ chia tay vang lên, không hiểu sao con không cầm được nước mắt. Dù biết nước mắt tuôn ra nhiều đến đâu cũng không kéo được thời gian quay trở lại. Con biết, không chỉ chúng con mới có sự lưu luyến mà nơi quý thầy tình cảm đó đôi khi còn nhiều hơn ấy chứ! Không bộc lộ ra ngoài, chỉ qua ánh mắt chúng con đều hiểu, mà càng hiểu lại càng không muốn xa. Chia tay, tạm biệt quý thầy, quý cô chú, anh chị nơi đây! Tuy rằng mỗi người một phương trời, nhưng tất cả đều hướng về một nơi, đó là ngôi chùa thân yêu mang tên Hoằng Pháp!

 
MỤC LỤC
Tác giả bài viết: Nguyễn Quỳnh Như - Bình Thuận
Nguồn tin: Chùa Hoằng Pháp
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 123
  • Khách viếng thăm: 122
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 18363
  • Tháng hiện tại: 1731947
  • Tổng lượt truy cập: 59384880

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile