Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 4-Thỉnh nguyện ni-Đoạn 1

Đăng lúc: Thứ ba - 20/05/2014 22:23 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 4-Thỉnh nguyện ni-Đoạn 1

Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập 4-Thỉnh nguyện ni-Đoạn 1

Ngày 28-10 Ất Hợi (19-12-1995)
Hôm nay Thầy có những điều nhắc nhở toàn chúng.

Ở đây, với tinh thần Thiền viện, Thầy sẵn sàng để ngỏ, khi nào có ai chán ở đây cứ thưa rõ, Thầy cho đi liền, lại có tiền xe đi, còn nếu trốn thì không có tiền xe. Cứ việc thưa: “con không thích ở đây nữa, cho con đi chỗ khác”, Thầy cho đi liền, không bao giờ ngăn một lời, sẵn sàng cho đi không có điều kiện gì hết, cũng không khuyên răn, rầy phạt hay bắt bồi hoàn gì. Xin là cho đi ngay.

Thầy từng nói với tất cả tụi con, Thầy muốn những người tới đây đều quyết tâm nhiệt tình tu giải thoát sanh tử, nên Thầy tạo duyên cho tu, còn ai không thích ở nữa, muốn rời đi chỗ khác, Thầy sẵn sàng vui vẻ cho đi để người khác đến tu. Chính bây giờ còn nhiều người xin mà Thầy không nhận vì chỗ có giới hạn, khi nào ai vắng Thầy cho người khác vào, chớ không phải vì sợ không có chúng mà giữ lại. Giả sử ở đây còn chừng mười người mà quyết tâm tu Thầy cũng hoan hỉ như thường, chớ không cần đông số lượng để khoe người ta. Thầy không chủ trương như vậy.

Cho nên, cửa Viện để ngỏ, tụi con đứa nào không thích ở đây nữa cứ thưa, Thầy nói Thủ bổn cho tiền xe đi, chớ không ngăn, không rầy. Đừng muốn đi rồi trốn, người ta sẽ nghĩ ở đây chắc Thầy khó khăn lắm, sợ bồi hoàn gì đó nên phải trốn đi, không dám thưa trình. Đó là điều không tốt, làm cho người ta nghĩ xấu về Thiền viện.

Từ xưa tới giờ, Thầy thâu đệ tử hay thâu chúng ở các Thiền viện, Thầy thường nói vô thì khó mà ra rất dễ. Tại sao vậy? Vì vô phải có đủ điều kiện, có cha mẹ cho phép, có giấy tờ hợp pháp Thầy mới nhận. Còn ra thì vị nào có ý chán không thích ở nữa Thầy cho đi, không bao giờ ngăn. Thầy không sợ mất người, mất số Tăng Ni rồi Thiền viện mình vắng, ít. Thầy không có quan niệm đó.

Thầy từng nói với tụi con, Thầy làm Phật sự là vì chúng sanh chớ không phải cho bản thân Thầy, hay vì củng cố địa vị. Thấy tụi con quyết tâm nên Thầy tạo duyên cho tụi con tu. Nếu người lớn không tạo duyên cho người nhỏ tu, đó là lỗi của người lớn. Vì Thầy thấy các nơi, người mới xuất gia rất tốt. Xuất gia thời gian lâu rồi thối tâm, đó là lỗi của người lớn không khéo sắp đặt, không hướng dẫn đúng mức.

Ở đây Thầy chủ trương rõ ràng: chỉ một việc tu thôi, không có việc gì khác. Bởi vậy nên cấm đi đây, đi kia là muốn cho tụi con yên tu. Cấm không được kết bè bạn vì sợ tụi con phiền não, rối tâm tu không được. Cấm không cho giữ tiền bạc vì sợ tụi con bận lo lắng này kia. Cấm làm những chuyện phi pháp vì sợ tụi con lãng phí thời giờ vô ích. Tất cả những cấm đoán đó là vì tụi con, muốn tụi con trong thời gian ở đây năm, mười năm tu có kết quả tốt, mỗi đứa đều có tiến, dù không tới chỗ cao tột cũng phải có tiến, chớ không phải ở đây đi ra rồi cũng như hồi mới đến.

Bởi trách nhiệm đó nên Thầy cố gắng tạo duyên cho tụi con tu. Mà tạo duyên thuận trên đường tu thì nghịch trên đường đời, phải không? Ba mẹ bệnh không cho về lâu, bạn bè gởi thư lên không trả lời, cũng không rủ lên thăm, đó là trái với đời. Chính vì trái với đời mà thuận với đạo. Đó là kinh nghiệm bao nhiêu năm của Thầy ở Phật học đường.

Từ nhiều năm nay Thầy lo cho Tăng Ni tu hành, Thiền viện này là chuyến chót. Thầy dồn hết sức lực, hết khả năng để lo cho tụi con yên tu, làm sao để năm bảy năm tụi con tu có kết quả thật sự Thầy mới vui. Bởi vậy cái gì lo được cho tụi con Thầy đều ráng lo. Chỗ tận lực của Thầy, ai quyết tâm tu sẽ thấy, còn đứa nào mãi theo các duyên bên ngoài thì không thấy.

Không phải Thầy kể công với tụi con, mà muốn cho tụi con biết rằng bổn phận của người lớn là lo cho có người sau tiếp nối. Ngọn đèn trước sắp tắt, ngọn đuốc trước sắp tàn, thì phải có ngọn đèn sau, cây đuốc sau nối tiếp. Đó là trách nhiệm của người đi trước. Không phải Thầy lo cho tụi con học giỏi, học hay, có danh tiếng để Thầy nhờ. Thầy không nghĩ vậy. Thầy nghĩ cái gì người trước làm được thì người sau phải kế thừa, tiếp nối, cho mỗi ngày mỗi tốt hơn, sáng hơn, chớ không để tối tăm, mờ mịt. Đó là chỗ Thầy trông đợi và quyết tâm làm cho được.

Vì vậy, ai quyết tu thì những cái nghịch với thế gian phải cố gắng chấp nhận làm cho được. Đồng thời những cái thuận với sự tu cũng phải làm cho được, đừng có lơ lửng mất hết thì giờ quí báu. Tuổi tụi con còn thanh niên, còn đủ sức lực, đủ sáng suốt, phải ráng thực hiện cho được. Đừng để mai kia già yếu, muốn vươn lên cũng không được. Nên thời gian ở đây là thời gian quí báu chớ không phải thường, tụi con đừng xem thường cái quí báu của mình. Mỗi đứa phải cố gắng thực hành cho tốt.

Hiện nay việc ăn, mặc, ở đối với tụi con đã tạm đủ, tới uy tín Thiền viện Thầy cũng gây được cho tụi con. Đã tạo uy tín lớn cho tụi con rồi, Thầy rất lo ngại mai kia tụi con ra, không đúng như những gì người ta tin tưởng, đó là điều đáng tiếc.
Bởi vậy Thầy mong tất cả tụi con, đứa nào cũng ráng tu, nghĩa là những gì người ta trông đợi tụi con mười phần, ít ra cũng phải được năm, bảy phần, chớ rồi không có gì hết là rất dở.

Tụi con thử nghĩ, từ ngày ở Chân Không cho tới nay là bao nhiêu năm? Hồi ở Chân Không không ai biết tới thiền, Thầy cố gắng một mình vận động, tu hành, giảng dạy khiến cho nhiều người trong nước được biết, rồi đến những người ở nước ngoài cũng biết, rằng Phật giáo Việt Nam có những cái rất hay.

Chỉ cá nhân Thầy thôi mà đã gây được uy tín như vậy, tụi con Tăng Ni dồn lại mấy trăm người, nếu đứa nào cũng nỗ lực tu học, thâm nhập lý thiền, thấy rõ đường lối của chư Tổ Việt Nam, nhận được cái hay đó đem ứng dụng vào đời sống của mình được kết quả tốt, thì mai kia người ta sẽ thấy Phật giáo Việt Nam có những cái kỳ đặc. Thầy thường nói với những người tới hỏi han về đường lối tu ở đây rằng Thầy đang làm bổn phận của Thầy:

- Một là tạo hình thức về kiến trúc Thiền viện thuần túy Việt Nam. Điều đó Thầy đã làm được.

- Hai là Thầy ráng giảng cho hết những tài liệu của Thiền học Phật giáo Việt Nam để in thành sách.

- Ba là tạo duyên cho Tăng Ni tu có kết quả.

Thầy thường nói, dù mình khen Phật giáo Việt Nam hay đến thế nào, nếu người tu theo không ra gì, rốt cuộc lời khen ngợi tán thán của mình chỉ là lời rỗng, không có ý nghĩa. Vì vậy, Thầy vừa tán thán Phật giáo Việt Nam, vừa phải cố gắng tạo điều kiện tốt để tụi con tu theo cho có kết quả. Mai kia người ta thấy lời của chư Tổ rất hay, nhìn lại sự tu của tụi con cũng hay, chừng đó mới tin chắc Phật giáo Việt Nam thật là cao quí. Nếu chúng ta nói hay mà làm không được, làm sao người ta tin?

Vậy nên Thầy nhắc nhở tụi con, đứa nào có duyên đến đây thì phải quyết tâm tu, tu làm sao cho có kết quả tốt. Đó là tụi con đáp lại sự mong mỏi của Thầy, đáp lại sự trông đợi của Phật tử. Nếu tụi con lơ là, phí thời giờ vô ích, đó là tụi con không làm tròn bổn phận của mình, làm cho Phật giáo Việt Nam ngày mai không còn có giá trị đúng như thuở xưa.

Hôm nay, nhân H.C trốn đi, Thầy nhắc lại cho chúng biết rõ ràng mục tiêu Thầy nhắm. Thầy không bao giờ thấy người đó đi rồi mà Thầy hối tiếc. Bởi vì, ai không muốn ở Thầy rất hoan hỉ cho đi. Nhưng Thầy trách một điều là ở đây Thầy để ngỏ mà không đi ngõ chánh, lại chui rào, đó là đáng trách. Nếu ai muốn đi cứ đến thưa đàng hoàng Thầy cho đi ngay, đừng chui rào không hay. Thầy nói cho tất cả tụi con hiểu, nên theo đó thực hành.

Ngày 15-11 Ất Hợi (5-1-1996)
Thỉnh nguyện hôm nay xét thấy trong chúng có những lỗi nhỏ đều biết sám hối để chừa bỏ, đó là rất tốt. Nay có những sơ sót đó, tuy nhỏ không đáng kể nhưng là cái mầm, nếu biết chừa và trừ dẹp thì lỗi lớn không xảy ra.

Hôm nay Thầy nhắc chung tất cả, chúng ta là người tu, dù ít dù nhiều đều đã nhận định được đâu là thông minh sáng suốt, đâu là mù tối mê mờ. Tất cả tụi con đều có lý tưởng cao cả, có chí nguyện quyết cầu giải thoát sanh tử đã nguyện hứa từ khi phát tâm xuất gia cho đến hôm nay. Vì tụi con có nguyện lớn đó, nên phải biết thận trọng đừng nuôi dưỡng ba độc tham, sân, si.

Ba độc là nhân dẫn chúng sanh tới con đường sanh tử đau khổ, đưa mình đọa trong ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Cái đau khổ của kiếp người còn rất nhẹ so với địa ngục. Ở đó một ngàn lần khổ, thế gian chưa có khổ nào bằng, vậy mà người thế gian đã đổ biết bao nhiêu nước mắt, thì cái khổ địa ngục biết ngần nào tính kể! Nhẹ nhất trong ba đường ác là súc sanh như bò, trâu, dê, chó… Những con vật đó mình thấy dường như ít khổ, nhưng thật ra chúng khổ dai dẳng. Chẳng hạn như những con chó chùa nuôi, mình thương, săn sóc, cho ăn uống đầy đủ, nhưng nó lúc nào cũng ngứa ngáy, nằm đâu gãi đó, lăng xăng đủ thứ. Đó là cái khổ tự thân của chúng, ngoài ra vì ngu khờ dại dột, chúng làm những điều trái ý người, nên bị rầy la đánh đập... Đó là nói sơ cái khổ của các loài.

Bởi vậy, biết tu rồi tụi con phải hằng tỉnh giác, đừng nuôi dưỡng cái nhân đi trong ba đường ác. Trái lại, phải gỡ bỏ hết các mầm xấu xa đó để vươn lên, vượt hẳn những con người tầm thường, thành bậc Thánh nhân, chớ đâu thể chấp nhận tầm thường mãi. Nếu còn nuôi dưỡng tham, sân, si là không nhớ tới lý tưởng cao siêu của mình nữa.

Trong khi tu, không thể một lúc bừng giác ngộ liền, mà phải thường tỉnh sáng, các nhân xấu đưa tới chỗ đọa tụi con phải trừ dẹp. Dẹp những cái đó trước, rồi các quả cao siêu mới đến với tụi con được. Ngồi đó mong giác ngộ mà những điều xấu dở lại nuôi dưỡng thì làm sao được quả tốt. Vậy nên tụi con luôn kiểm điểm lại tâm mình, đừng để cho tham, sân, si che lấp, lôi kéo đi trong ba đường xấu ác. Dẹp hết ba độc thì tâm tỉnh giác mới hiện tiền, bằng không chỉ là mong rỗng.

Tụi con nên dè dặt, cẩn thận trong cuộc sống chung đụng giữa mình với huynh đệ. Khi tụi con thấy bản thân mình đang gỡ bỏ ba độc thì cũng nhắc cho huynh đệ gỡ bỏ, dứt trừ, như vậy mới đồng tiến, đồng vươn lên. Nếu mình nuôi dưỡng ba độc thì người khác cũng dễ nhiễm theo, phải không? Ví dụ mình nổi sân nói bậy, người kia cũng nổi sân nói bậy lại, như vậy gây ra một đám sân si với nhau.

Cho nên trong chúng, một người tu được tốt, được hay thì những người khác từ từ bắt chước theo. Ngược lại, có một người xấu cũng sẽ gây mầm ung độc cho bao người. Vậy nên tụi con ráng dè dặt, chúng ta tu đừng mong cái gì cao siêu đến, mà phải hằng tỉnh giác dẹp bỏ những thứ dở xấu đang che đậy nội tâm mình. Đừng ngồi mơ ước một hôm nào đó mình sẽ phát hào quang, thấy được mười phương thế giới. Mơ ước vậy mà ai động tới liền nổi sân thì có mâu thuẫn không?

Không có ông Phật nào còn tham sân si. Ba món đó hết mới đạt được Phật quả. Nên tụi con phải ráng nhìn lại mình cho thật tường tận để gạt bỏ hết những thứ hư dở, chính mình được an nhiên thanh tịnh rồi, mai kia mới được giác ngộ. Đó là điều Thầy nhắc tụi con nhớ, nhớ cho thật kỹ, thật sâu để sự tu hành của mình đúng với nhân, đạt đến quả. Đừng mong quả mà không chịu tu nhân. Nhân sạch tam độc mới có quả giác ngộ. Đó là điều chắc chắn không nghi ngờ. Vậy tất cả tụi con cố gắng!

Ngày 28-11 Ất Hợi (18-1-1996)
Hôm nay có ít lời nhắc nhở tụi con.

Trong kinh dạy: “trực tâm là đạo tràng”, tức là người biết giữ tâm ngay thẳng chân chất thì gần đạo, sống đúng với đạo. Tụi con sống với Thầy, với ban Lãnh đạo và huynh đệ, cần cái gì nên nói thẳng cái ấy, không giấu giếm, không sợ sệt gì hết, bởi vì đó là chuyện thật có sao nói vậy.

Tụi con cứ thật thà ngay thẳng với nhau thì cuộc sống sẽ đem lại một tình thương. Chính nhờ chân thật mới có lòng tin. Người ta thường nói “tin yêu”, nghĩa là có tin mới có thương mến, nếu không tin không bao giờ thương được. Vì vậy toàn chúng phải tập, thấy thế nào thì nói thế ấy, nghe thế nào thuật lại như vậy, đừng nên tô điểm thêm theo ý riêng của mình rồi sanh ra nghi ngờ huynh đệ.

Lúc nào tụi con cũng thành tâm nhiệt tình nhắc nhở nhau trên sự tu hành, luôn luôn phải có lòng chân thật thương giúp nhau, thấy cái gì trở ngại chướng đạo phải răn nhắc nhau để chừa bỏ. Làm sao cho Thầy thấy tụi con yên ổn tu học tiến bộ Thầy mới yên tâm, đồng thời những người chịu trách nhiệm trong chúng mới có thể vừa lo cho tụi con, vừa được tu thanh tịnh.

Nếu tụi con thiếu thật thà ngay thẳng hay nghi ngờ nhau, sẽ làm trong chúng xáo trộn. Từ sự xáo trộn đó, việc tu của tụi con không an thì tất cả sự trông đợi của Thầy không bao giờ có kết quả. Thầy không mong tụi con nói những điều cao siêu, chỉ mong trong cuộc sống thực tế gần gũi, tụi con thật thà với nhau và thật thà với người trên. Như vậy tụi con dễ tu dễ tiến, vì đường tu là con đường đạo đức, đạo đức quí trọng tâm thật thà ngay thẳng. Thiếu thật thà thì không thể có đạo đức.

Phật dạy người cư sĩ giữ năm giới, trong năm giới có giới không nói dối. Huống nữa chúng ta xuất gia rồi, thọ Tỳ-kheo rồi, lại còn những lời nói trái với lẽ thật, không tốt. Nên Phật thường răn dạy chúng ta tu “trực tâm”, tức là tâm ngay thẳng. Chính nhờ tâm ngay thẳng, chúng ta gần đạo và sống đúng với đạo, cho nên nói “đạo tràng”. Nếu tâm mình quanh co là trái đạo, dù cho ngồi trong chùa hay trước Phật cũng không gần Phật được.

Vậy nên người biết tu phải dè dặt tự ngừa đón, những gì mình thấy có vẻ quanh co không được ngay thẳng thì sửa liền, đừng để thành bệnh. Tất cả chúng ta đang tu chớ không phải Thánh nên vẫn còn cái xấu. Nay học lời Phật, Tổ dạy, nghe lời Thầy nhắc nhở cố gắng sửa, nhờ sự sửa đổi đó mai kia tụi con mới hay, tốt và đạt được đạo. Biết rõ như vậy, chúng ta đồng cố gắng chuyển hoá từ tâm phàm tình lần lần thành tâm trong sáng, đầy đủ trí tuệ và tình thương để tự mình giác ngộ rồi dìu dắt mọi người.

Nếu chúng ta tâm không ngay thẳng, không chân thật thì làm sao có được trí tuệ và lòng từ bi? Bởi vì trí tuệ là thấy đúng như thật, từ bi là lòng thương chân thành, chớ không phải tình thương ngoài miệng hoặc chiều uốn. Huynh đệ thương nhau vì cùng chung lý tưởng giải thoát, cùng nhau giúp đỡ tu để có kết quả tốt, đó là tình thương chân chánh. Nếu thương nhau vì tình cảm riêng tư quanh co, đó là lòng tà. Trí tuệ cũng vậy, nếu người thấy đúng như thật rồi dạy người khác cái thấy biết đó để ứng dụng tu hành giải thoát gọi là chánh trí. Ngược lại, trí khôn ngoan xảo ngụy là tà. Tà trí hay thế trí không phải là trí giác ngộ giải thoát.

Vậy nên tụi con phải tập thấy biết đúng như thật, có tình thương đúng như thật và đối với người, lúc nào cũng xử sự đúng như thật. Được như thế, tụi con sẽ là người mẫu mực tu hành, có đủ tư cách để hướng dẫn người sau. Nếu không như vậy, chính mình không ra gì làm sao dìu dắt người khác được.

Thầy mong tất cả tụi con sống đúng như thật, thấy nghe, chỉ dạy hay nói năng đều giữ tâm chân thật.

Ngày 28-12 Ất Hợi (16-2-1996)
Thỉnh nguyện hôm nay chỉ có những lỗi nhỏ, tụi con biết sám hối sửa đổi là tốt. Nếu lỗi nhỏ mà không sửa, lần lần thành lỗi lớn, làm chướng ngại sự tu của mình.

Thầy lúc nào cũng mong mỏi, trông đợi tụi con cố gắng. Một là tự tu, tâm mình càng ngày càng thanh tịnh sáng suốt. Hai là đối với chị em chung quanh thường hướng dẫn, giúp đỡ, nhắc nhở, sao cho tất cả trong chúng trở thành người hay, người tốt. Phải đầy đủ cả hai phần trí tuệ và đạo đức chớ không thể chỉ có một bên. Kẻ dở mà biết tu sửa sẽ trở thành hay, còn người hay mà cố chấp những bệnh của mình rồi cũng thành dở.

Thầy mong tất cả tụi con, khi biết mình còn những sơ sót vì thói quen tập nghiệp cũ, nay được nhắc nhở, chỉ bảo phải cố gắng sửa. Như thế từ đây về sau mới trở thành người tốt. Thầy lo lắng cho tụi con, không phải vì muốn có đông người tu để được tiếng tốt cho Thầy, cũng không phải cố kềm tụi con trong hình thức thời khóa, nói năng, đi đứng nghiêm chỉnh để cho người ta thấy mà nể phục. Điều Thầy lo là làm sao khi Thầy nhắm mắt rồi, tụi con đủ khả năng gánh vác chút ít Phật sự, duy trì chánh pháp trong thời hiện tại này.

Cho nên Thầy muốn tụi con là những người quyết tâm tu hành. Quyết tâm thì trên đường tu sẽ có những cái hay, lúc ấy tụi con nghĩ thương những người chưa biết, chưa sáng, cố gắng trợ giúp họ. Những người mới tới với tụi con không thể nào đầy đủ tất cả các hạnh. Tụi con chỉ cần sống đúng tư cách một người tu hành có đức hạnh thì những người sau đến đây, được tụi con hướng dẫn cũng sẽ có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh. Như vậy mới có thể duy trì được Phật pháp lâu dài.

Nếu có hạnh mà không có trí cũng khó làm lợi cho đạo. Còn có trí lại không hạnh thì không đủ tư cách để người ta quí mến, cũng không lợi cho đạo bao nhiêu. Vì vậy cả hai mặt, tụi con cố gắng giữ tròn thì mai kia mới làm được nhiều điều lợi ích. Được vậy, tụi con sẽ thẳng tiến trên con đường tu hành lợi mình lợi người đầy đủ.

Chúng ta tu, nếu không nghĩ tới lợi ích chung cho chúng sanh, thì lối tu đó chưa thật tình theo Phật, vì đạo Phật không cho phép ích kỷ, trái lại phải luôn luôn có tâm từ bi. Mình lợi lạc được bao nhiêu thì đem chỉ dạy người khác cũng được lợi như mình. Không phải mình tu phần mình, còn ai sao mặc kệ.

Thầy mong tất cả tụi con, một năm qua là một bước tiến, những gì còn vướng mắc trong năm bây giờ bỏ hết để chuẩn bị qua năm mới có những cái hay hơn, tốt hơn. Đó là sự trông đợi của Thầy.

Ngày 13-1 Bính Tý (2-3-1996)
Hôm nay là buổi thỉnh nguyện đầu năm, trong chúng thấy có ít lỗi không đáng kể. Tất cả tụi con tu hành trong một năm qua chắc chắn nội tâm có những chuyển biến tốt. Sống chung trong chúng tụi con không còn phiền hà nhau, không còn những sai sót đáng trách nữa, đó là điều đáng mừng.

Như trong kinh A-hàm kể rằng: Khi Phật thấy chư Tăng hoà hợp chung sống với nhau liền khen: “Hạnh phúc thay, Tăng già hoà hợp!” Khi xưa, chúng Tăng hoà hợp tu hành vui vẻ được tán thán, đó là hạnh phúc, là bước tiến đáng kể của người xuất gia. Hôm nay tụi con sống trong đoàn thể bốn, năm mươi người cũng được hoà hợp tu hành yên ổn, thật là tốt!

Có những người nhập thất năm, ba tháng có được những bước tiến đáng mừng, nhưng khi ra khỏi thất, đối duyên xúc cảnh, lâu lâu cũng bị xao lãng. Ở đây tụi con tuy không có những bước tiến vượt bậc đó, nhưng mỗi ngày tu đều đặn, sống trong huynh đệ đông đảo, thông cảm và tha thứ nhau, giúp đỡ nhau nên không có chuyện gì đáng trách xảy ra. Như vậy, tuy sống trong chúng nhiều người mà lòng không phiền não, tâm vẫn an ổn. Đó là một điều rất tốt, chứng tỏ tập khí tụi con có phần giảm nhẹ, không sanh bỉ thử, thị phi nên sống trong hoà hợp. Tuy tụi con không tiến nhanh, chỉ từng bước đều đều, nhưng bước nào vững bước ấy, thì tới một ngày nào đó tụi con sẽ đủ sức, đủ điều kiện bước ra khỏi Thiền viện để làm Phật sự không ngại. Người xưa thường nói: “Đức chúng như hải.” Tụi con ở trong đoàn thể, cùng nhau tu hành, sống theo nếp đạo thì phước đức dần dần được tăng trưởng.

Tụi con sống trong chúng coi như thường nhưng người ngoài thấy nếp sống, nếp tu hành của tụi con, họ rất hoan hỉ. Dù không giảng nói một câu nào, nhưng hành động và sự tu hành vững chắc của tụi con người ta nhìn thấy đều phát tâm, tùy hỉ. Đây là một điều đáng mừng. Vì vậy Thầy thường nhắc tụi con hãy lo tu, tu cho đúng tinh thần đạo lý, đó chính là truyền bá Phật pháp. Tụi con chỉ yên lặng tu, nhưng nhờ có đức hạnh mà người ngoài cảm mến quí phục. Từ tâm cảm mến quí phục đó họ tiến gần với đạo.

Thầy thường nói đây là thời mạt pháp, có nhiều điều phức tạp, trong giới tu hành xảy ra những chuyện không vui. Vậy mà tụi con khép mình vào đây, chịu sự hướng dẫn của Thầy, hoà hợp trong tình huynh đệ, quyết chí lo tu. Tuy chưa làm gì quan trọng, nhưng chính nhờ chỗ tu hành miên mật của tụi con mà Phật tử đặt nặng lòng tin, xem là nơi nương tựa. Nếu số Tăng Ni đông mà tìm không ra người quyết tâm tu đúng với tinh thần đạo đức, hoặc ở chung một chỗ một nơi mà không hoà hợp với nhau thì lòng tin của Phật tử sẽ mất từ từ.

Là người tu, chúng ta có bổn phận giữ gìn ngôi Tam Bảo mãi trường tồn, mỗi ngày mỗi sáng sủa hơn. Chúng ta còn phải làm sao cho lòng tin Tam Bảo của Phật tử mỗi ngày mỗi vững mạnh hơn, khiến họ luôn giữ được tâm mến đạo kính Tăng. Vì vậy, đầu năm Thầy thấy tụi con hoà hợp, nương nhau tiến tu, Thầy rất vui mừng. Mong rằng nề nếp này được duy trì mãi mãi, để tụi con bước từng bước vững chắc đến chỗ viên mãn. Đó là lời nhắc nhở của Thầy.

Ngày 28-1 Bính Tý (17-3-1996)
Phần thỉnh nguyện xong, Thầy có ít lời nhắc nhở trong chúng.

Gần đây Thầy có đọc một quyển sách khoa học có liên hệ đến người tu thiền. Trong đó người ta cho rằng những người suy nghĩ nhiều cái đầu thường nóng, nên bị yểu, sống không lâu; còn người tu thiền để tâm yên không suy nghĩ, không dấy động, nên trong đầu mát dịu có thể sống dai. Họ còn nói người ở xứ lạnh dễ sống dai hơn người xứ nóng. Bởi vì người xứ lạnh như được ở trong tủ lạnh hoài nên mát mẻ, không chết yểu. Ở xứ nóng đã nóng nực, còn thêm suy nghĩ, thần kinh căng thẳng rất có hại cho sức khoẻ.

Ngồi thiền tuy không bị căng thẳng nhưng do tập trung nhiều nên hơi ấm xông lên. Bởi vậy khi ngồi thiền tụi con hay đội mũ, quấn khăn là không tốt, phải để cho cái đầu thoáng mát mới dễ chịu.

Trừ hôm nào lạnh quá thì đội mũ sợ lạnh lỗ tai bị cảm, còn thường nên để đầu trống, khi hơi ấm xông lên không bị nhức đầu. Thầy tối ngồi thiền cũng bỏ mũ không đội, chỉ trừ khi trời gió. Thầy nói cho tụi con hiểu, nhiều khi tụi con không biết, tưởng giữ ấm là không bệnh, chính như vậy mới là bệnh. Khi nào đầu mới cạo, sợ lạnh đầu bị cảm mới cần đội mũ.

Ngày 13-2 Bính Tý (31-3-1996)
Tất cả trong chúng đều cố gắng nỗ lực tu hành, nên những lỗi lầm ngày càng giảm bớt, Thầy rất hoan hỉ.

Kế đây Thầy nhắc tụi con, ở trong chúng nên dè dặt cẩn thận, đừng nói thị phi, vì thị phi dễ gây mích lòng người này người kia, sanh chuyện không tốt. Thị là phải, phi là quấy, nói người này phải, người kia quấy thì người quấy thế nào cũng buồn. Chúng ta nên dè dặt, đừng nói việc phải quấy của huynh đệ. Như có trách nhiệm trưởng liêu, huynh đệ sai, mình chỉ. Khi không có trách nhiệm gì, nếu huynh đệ yêu cầu chỉ chỗ sai trái, mình cũng vui vẻ chỉ cho. Nếu người ta không muốn mà mình chỉ, người ta sẽ phiền não.

Bệnh của con người, ai cũng như ai, ngồi lại một hồi là kể chuyện người này hay người kia dở. Người xưa thường nói: “Điểm thiết hóa thành kim ngọc dị, khuyến nhân trừ khước thị phi nan.” Chỉ khối sắt biến thành vàng chuyện đó dễ làm, khuyên bảo người ta bỏ thị phi còn khó hơn. Thật ra, điều này bên Ni dễ phạm hơn Tăng. Phái nữ tụi con tuy không nổi sân to tiếng, nhưng hay kể lể khen chê, sanh ra giận hờn nhau làm nội tâm dấy động, trở ngại việc tu hành.

Bởi vậy Thầy khuyên tụi con chỉ nên nói chuyện vui vẻ với nhau. Chúng ta người nào cũng còn tâm chúng sanh, hoặc nhiều hoặc ít. Trong đó có đủ cả dở lẫn hay chớ chưa ai hoàn toàn thánh thiện. Nếu thấy huynh đệ nào có tật xấu mà không biết sửa, nói ra mích lòng, thì đến kỳ thỉnh nguyện trình lên trước đại chúng Thầy sẽ nhắc cho. Ở đây Thầy chịu trách nhiệm rầy nhắc tụi con. Thầy nhắc rồi thôi, không ôm ấp trong lòng, còn tụi con tâm phàm phu hơi nhiều, ai hay thì khen, dở thì chê, không phải nói một lần mà nhắc đi nhắc lại năm bảy lượt, khiến người nghe sanh phiền não.

Vì vậy tụi con dè dặt bớt nói phải quấy, chỉ cần bàn nhắc nhau những gì chưa hợp với đạo lý rồi bỏ, cái nào hợp đạo lý thì tu. Sống trong chúng, tụi con nên sách tấn nhau về việc tu hành chớ đừng gây phiền não cho nhau. Lỗi thị phi rất nặng, bỏ rất khó. Điều hết sức khó làm mà tụi con làm được mới hay.

Thầy nhớ trong bài Sơn Phòng Mạn Hứng của vua Trần Nhân Tông khi ở trên non Yên Tử có câu đầu là: “Thị phi niệm trục triêu hoa lạc.” Ngài diễn tả niệm thị phi của Ngài giống như những cánh hoa rơi lả tả. Tụi con tu làm sao cho niệm thị phi rơi từng cánh, sáng ra thấy nó rụng hết, trơ trụi chẳng còn gì.

Người xưa cũng khổ vì thị phi chớ không riêng gì tụi con. Đây là bệnh chung. Tụi con thấy có lắm vị làm Pháp sư giảng kinh rồi cũng chỉ trích người này người kia, đó cũng là thị phi. Người lớn còn vậy huống là nhỏ như tụi con làm sao tránh khỏi điều đó. Chúng ta tu để được an ổn thì những cái chướng đạo, những điều không thanh tịnh phải bỏ. Cố gắng tập rồi sẽ bỏ được chớ không khó. Đó là điều Thầy nhắc trong chúng, mỗi đứa tụi con nên cố gắng.

Điều thứ hai tụi con phải tập là ái ngữ. Tại sao lời nói của mình người khác nghe khó ưa? Mình nghĩ tại người ta có ác ý với mình. Không phải đâu! Do lời nói mình có vẻ xẵng quá hay chua chát quá, người ta khó thương. Nên phải tập nói năng nhẹ nhàng, tao nhã một chút, mới dễ nghe, dễ mến.

Ái ngữ là một trong Tứ nhiếp pháp. Không phải mình nói lời chiều lòng người để cho họ thương, nhưng người tu lúc nào cũng phải nhẹ nhàng, dù cho mình nhắc nhở người những điều sai lầm, họ nghe rồi cũng không giận. Còn những lời nói không khéo, dù cho người ta quấy một trăm phần trăm mà nghe mình nói họ giận liền. Đó là tại ngôn ngữ mình thiếu ái ngữ.

Muốn giáo hoá hay làm lợi ích cho chúng sanh, tụi con phải dè dặt, tập lời nói sao cho êm ái nhẹ nhàng, tao nhã, đừng nên thô xẵng. Khi nào nổi giận thì đừng nói, vì nói ra không bao giờ êm ái được. Nếu cảm thấy trong lòng bực bội, hãy bỏ đi chơi một hồi, chừng nào dịu lại rồi nói. Bởi vì chúng ta tuy bớt được tham, sân, si thô nhưng vẫn còn phần tế. Nó vẫn còn, khó mà hết được, nên khi trong lòng đang khó chịu, nếu ta nói nó sẽ tuôn ra theo ngôn ngữ. Do đó, tụi con phải khéo, dù ở hoàn cảnh nào cũng xử sự một cách nhẹ nhàng, êm ái, từ lời nói đến hành động đều dễ thương và có đạo đức. Đừng nên nói xẵng lè, nghe chát lỗ tai, như vậy người ta sẽ cười: “Quí vị này tu cái gì mà ăn nói không êm ái chút nào hết!”

Thầy mong tụi con ráng tập, tuy nó không phải là điều thiết yếu trên con đường giải thoát, nhưng nó cũng trợ duyên cho sự giải thoát và sự giáo hoá chúng sanh nên mình không được xem thường. Đó là lời Thầy nhắc nhở hôm nay, mong tất cả cố gắng.

MỤC LỤC
Lời đầu
Mục Lục
Thỉnh nguyện Tăng
Đoạn 1
Đoạn 2
Thỉnh nguyện Ni
Đoạn 1
Đoạn 2
Câu chuyện buổi chiều

 
Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ
Nguồn tin: Thường Chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 60
  • Hôm nay: 570
  • Tháng hiện tại: 199596
  • Tổng lượt truy cập: 59639613

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile