Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Chánh Pháp và Hạnh Phúc - P7

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/11/2012 09:46 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Chánh Pháp và Hạnh Phúc - P7

Chánh Pháp và Hạnh Phúc - P7

STT Mục Lục
00 Lời nói đầu
01 Đức Phật của chúng ta
02 Vai trò của người có trí, của trí tuệ trong đạo Phật
03 Giới Định Tuệ con đường giáo dục chấm dứt đau khổ sanh tử luân hồi
04 Chánh pháp và hạnh phúc
05 Hội chúng Tỷ-kheo trong thời đức Phật còn tại thế
06 Kinh “Niệm hơi thở vô, hơi thở ra”
07 Kinh Ví Dụ Con Rắn
08 Vấn đề tái sanh
09 Ý nghĩa Phật thành đạo
10 Người Việt Nam thương mẹ kính cha
11 Sống theo lý tưởng Bồ Tát
12 Đạo Phật với nếp sống thiên nhiên
13 Năm giới, một nếp sống lành mạnh, an lạc, hạnh phúc
14 Ý đẹp với mùa Xuân
15 Một nền giáo dục toàn diện
16 Dịch kinh và Đại học
17 Chùa Việt Nam và mối hên hệ với nền văn hóa dân tộc
18 Xuân về với những lời Phật dạy

7. Kinh ví dụ con rắn


Ví dụ Con Rắn là một bài kinh hay, và rất đặc biệt. Nội dung nói lên những nhận thức sâu sắc đối với những lời dạy của đức Phật, đối với các dục (kàma), đối với mục tiêu thuyết pháp của đức Bổn Sư về những tai hại do những chấp thủ nói trên đưa đến. Tiếp đến đức Phật trình bày sáu kiến xứ, chấp thủ năm thủ uẩn là của ta, là ta, là tự ngã của ta; chấp thủ tự ngã và thế giới là thường còn, thường hằng sau khi chết. Chính sự chấp thủ sáu kiến xứ này đem lại tái sinh đời này sang đời khác, kể cả những sầu bi lo âu phiền não trong đời sống hiện tại. Tiếp tục, kinh này đề cập đến thuyết Vô ngã giúp đoạn trừ sáu kiến xứ, chứng đạt quả A-la-hán, Niết Bàn. Tiếp nữa, đức Phật đề cập đến vấn đề ngoại đạo xuyên tạc lời dạy Vô ngã của đức Phật là dạy hư vô chủ nghĩa. Đức Phật nói lên tháiđộ của Ngài đối với vấn đề khen chê. Cuối cùng đức Phật khuyên các đệ tử hãy từ bỏ những gì không phải là của mình. Tử bỏ như vậy sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho chính mình. Hãy hành trì theo lời thuyết pháp của đức Phật. Vì chính nhờ nghe theo lời thuyết pháp mà các đệ tử có khả năng chứng được Thánh quả tùy pháp hành, tùy tín hành, được sanh Thiên.

I. Anttha chấp thủ các dục không phải là chướng ngại và đức Thế Tôn giải thích các dục là chướng ngại pháp với mười ví dụ nêu rõ các dục là vui ít khổ nhiều, não nhiều, và các nguy hiểm nơi đây lại nhiều hơn.

Tỳ kheo Arittha khởi lên ác tà kiến chủ trương rằng thọ dụng các pháp được Thế Tôn gọi là chướng ngại pháp thực sự không chướng ngại gì. Sau khi khuyên bảo không có hiệu quả, các Tỳ kheo trình lên Thế Tôn và Thế Tôn cho gọi Arittha đến quở trách ác tà kiến của Arittha và chính thức xác nhận các dục là chướng ngại pháp cho người tu hành. Ngài dùng mười ví dụ xác nhận các dục là chướng ngại pháp, vui ít khổ nhiều, não nhiều, các nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn. Thế Tôn dùng mười ví dụ để chứng minh các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm nơi đây lại nhiều hơn. Đức Thế Tôn dạy các dục ví như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn mộng, như vật dụng cho mượn, như trái cây, như lò thịt, như gậy nhọn. Thế Tôn dạy các dụcđược ví như đầu rắn, vui ít khổ nhiều não, nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn. Tỳ kheo Arittha không những xuyên tạc Ta vì đã tự chấp thủ sai lạc còn tự phá hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức. Như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho kẻ ấy.

II. Tai hại nắm giữ sai lạc các pháp.

Thế Tôn đề cập đến sự tai hại do nắm giữ sai lạc các pháp được Thế Tôn dạy. Có hạng người ngu si không học kinh Phúng tụng, Giải thích, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học pháp, họ không hiểu rõ ràng ý nghĩa pháp ấy. Họ học pháp chỉ vì muốn chỉ trích người khác, chỉ vì muốn khoái khẩu biện luận. Họ không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Vì nắm giữ sai lạc những pháp ấy nên họ bị đưa đến bất hạnh, đau khổ lâu dài. Như một người muốn bắt con rắn độc lại nắm bắt ở lưng hay ở đuôi. Con rắn ấy có thể quay đầu cắn người ấy nơi tay hay nơi một thân phần khác, và người ấy có thể bị chết hay bị đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Vì bắt rắn một cách sai lạc. Ở đây cũng vậy, học pháp, nắm pháp sai lạc cũng đưa đến khổ đau và bất hạnh.

Trái lại, có một số thiện nam tín nữ học pháp xong, quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì được trí tuệ quán sát nên được rõ ràng. Họ học pháp không phải vì muốn chỉ trích người khác, không phải vì khoái khẩu biện luận, và chứng đạt được mục tiêu mà học pháp hướng đến. Những pháp ấy, vì Tỳ kheo nắm giữ, đưa đến hạnh phúc an lạc lâu dài. Vì sao vậy? Vì không nắm giữ sai lạc các pháp. Cũng vậy, một người muốn bắt con rắn nước, người ấy có thể đè con rắn nước với cây gậy có nạng. Sau khi đè con rắn với cây gậy có nạng, người ấy có thể nắm giữ cổ con rắn. Dù con rắn có thể uốn thân của nó xung quanh tay hay cánh tay hay một thân phần khác, người ấy không thể bị rắn cắn chết hay đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Vì khéo nắm giữ con rắn độc. ở đây cũng vậy, những thiện nam tử ấy, vì Tỳ kheo nắm giữ pháp, Tỳ kheo quán sát ý nghĩa pháp ấy với trí tuệ Do vậy Thế Tôn khuyên các Tỳ kheo hãy hiểu rõ ý nghĩa lời Thế Tôn dạy mà thọ trì. Nếu có kẻ không hiểu rõ ý nghĩa lời Thế Tôn dạy thì người ấy nên đến hỏi Thế Tôn hay hỏi những bậc Tỳ kheo có trí để được hướng dẫn.

III. Thế Tôn giảng pháp cho các Tỳ kheo như chiếc bè để vượt qua sông, không phải để nắm lấy. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.

Đức Thế Tôn xác định Thế Tôn thuyết pháp, như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Ví như một người đi đến một vùng nước rộng, bờ bên này, nguy hiểm hãi hùng, bờ bên kia thì an ổn, không có gì sợ hãi. Nhưng không có thuyền để vượt qua, người ấy bèn thâu góp cành lá cỏ cây cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, lại suy nghĩ chiếc bè được xây dựng lên một cách công phu, bỏ lại thì luyến tiếc, nên người ấy đội chiếc bè trên vai và tiếp tục đi. Hành động ấy khiến mọi người đàm tiếu, vì sử dụng không đúng với sở dụng của chiếc bè. Người ấy, khi qua bờ bên kia rồi, có thể kéo chiếc bè lên bờ, hoặc nhận chìm xuống nước rồi tiếp tục đi theo công việc của mình. Và đến đây thì Thế Tôn nói lên một lời dạy bất hủ, mãi mãi được truyền tụng cho đến ngày nay: "Này các Tỳ kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ kheo, các ông cần hiểu ví dụ chiếc bè, Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp".

IV. Chấp thủ sáu kiến xứ là tự ngã. Thái độ của kẻ vô văn phàm phu và bậc Thánh đệ tử.

Kẻ vô văn phàm phu, không yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân. Xem sắc pháp, xem các cảm thọ, xem các tưởng, xem các hành, xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tầm cầu, được ý suy tư: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", và bất cứ kiến xứ nào, nói rằng: "Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, sẽ trú như thế này chođến mãi mãi, xem như vậy là cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Thái độ của vị Thánh đệ tử nghe nhiều thời khác hẳn, không những các vị này yết kiến, thuần thục, tu tập pháp các bậc Thánh, các bậc Chân nhân, các vị này đối với năm thủ uẩn là cái không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: "Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi, xem như vậy là cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Vị này do quan sát như vậy, đối với sự vật không thật có, nên không có lo âu phiền não.

V. Lo âu phiền não đến và không đến với những ai.

1. Có thể có cái không thật có ở ngoài có thể gây lo âu phiền muộn.

Có người nghĩ như sau: "Cái gì chắc chắn đã là của tôi nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”.

Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc đi đến bất tĩnh.

2. Có thể có cái gì không thật có ở ngoài không có thể gây lo âu phiền muộn.

Có người không nghĩ như sau: "Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”. Người ấy không sầu muộn, than vãn, khóc lóc đi đến bất tỉnh.

3. Có cái gì không thật có ở trong có thể gây ra lo âu phiền muộn.

Ở đây có người không khởi lên tà kiến như sau: "Đây là thế giới, đây là tự ngã. Sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú. Tôi sẽ trú như vậy cho đến mãi mãi". Người này nghe Như Lai hay đệ tử của Như Lai thuyết pháp để bài trừ tất cả các kiến xứ, cố chấp, luận chấp, thiên kiến, tùy miên, sự đình chỉ mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ mọi khát ái, đưa đến ly tham, đoạn diệt Niết Bàn? Vị ấy không có nghĩ như sau: "Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại”. Vị ấy không sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực đi đến bất tỉnh.

4. Thế Tôn đặt một số câu hỏi.

Các người có thể nắm giữ một vật sở hữu gì mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường hằng, thường còn, thường trú, không chuyển biến? - Thưa không!

5. Các người có thể thấy một vật sở hữu gì được nắm giữ và vật sở hữu nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú mãi mãi? - Thưa không !

6. Thế Tôn xác nhận Thế Tôn cũng không thấy vật sở hữu nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, có thể trú như thế này mãi mãi.

7. Các người có thể chấp thủ một ngã luận thủ nào mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não? - Thưa không!

8. Các người có thấy một ngã luận thủ nào mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi, khổ, ưu, não? - Thưa không?

9. Thế Tôn cũng không thấy ngã luận thủ nào, mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

10. Các người có ý chỉ kiến y nào mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? - Thưa không !

11. Các người có thấy kiến y nào mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não? - Thưa không !

12. Thế Tôn cũng không thấy kiến y nào mà kiến y được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

13. Nếu có ngã thời có ngã sở thuộc, nếu có ngã sở thuộc thời có ngã của tôi. Nếu ngã và ngã sở thuộc không thể được chấp nhận là thường còn, thời kiến xứ này – "Đây là thế giới đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng", kiến xứ ấy có hoàn toàn ngu si không? Kiến xứ ấy thực sự là triệt để ngu si.

VI. Quan điểm vô ngã của đức Phật:

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời thật không hợp lý khi chánh quán năm thủ uẩn: “Cái này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi".

Bất cứ sắc pháp nào, thọ pháp nào, tưởng pháp nào, hành pháp nào, thức pháp nào, quá khứ tương lai hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các pháp ấy là "cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi". Cần phải như thật quán với trí tuệ.

VII. Nhờ quán vô ngã đưa đến giải thoát.

Nhờ quán như vậy, thấy như vậy, vị Thanh văn nhàm chán đối với sắc, nhàm chánđối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát có trí khởi lên biết được “ta đã giải thoát". Vị ấy biết "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa".

VIII. Những đặc tánh của một vị đã giải thoát.

1. Tỳ kheo ấy được gọi là vị đã vất bỏ các chướng ngại, nghĩa là đã đoạn trừ vô minh, cắt tận gốc rễ, làm cho như cây tala bị chặt đầu, không thể tái sanh trong tương lai.

2. Tỳ kheo ấy được gọi là đã lấp đầy các thông hào tức là đã đoạn trừ tái sanh và sự luân chuyển sanh tử.

3. Tỳ kheo ấy đã nhổ lên cột trụ, tức là đã đoạn trừ khát ái, đã cắt tận gốc rễ.

4. Tỳ kheo ấy đã mở tung các ổ khóa, đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử...

5. Là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy, tức là đã đoạn trừ ngã mạn.

IX. Thế Tôn bị xuyên tạc là chủ trương chủ nghĩa hư vô.

Vì Thế Tôn thuyết một vị Tỳ kheo được giải thoát như vậy sẽ không một ai tìm được dấu vết. Ngài nói thêm: "Ta nói ngay ở hiện tại, một Như Lai không thể tìm thấy dấu vết". Vì lúc thuyết giảng như vậy, một số ngoại đạo xuyên tạc Thế Tôn là chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt và sự tiêu diệt các hữu tình. Thế Tôn phủ nhận lời xuyên tạc như vậy. Xưa cũng như nay, Thế Tôn nói lên sự khổ và sự diệt khổ. Nếu có ai phỉ báng Như Lai, nhiếc mắng Như Lai, Thế Tôn không có sân hận. Nếu có ai tôn trọng cúng dường Như Lai, Thế Tôn không có hoan hỷ, không có thích thú. Thế Tôn chỉ suy nghĩ: "Đây là điều xưa kia đã từng biết rõ. Ở đây là những trách nhiệm Ta phải làm". Do vậy, Thế Tôn khuyên các Tỳ kheo chớ có tức tối, sân hận nếu bị người chỉ trích. Chớ có hoan hỷ thích thú nếu được người ta lễ bái cúng dường, các Tỳ kheo hãy suy nghĩ: "Đây là điều xưa kia đã từng biết rõ. Ở đây là những trách nhiệm ta phải làm".

X. Lời Thế Tôn khuyên dạy:

"Này các Tỳ kheo, cái gì không phải các người, các người hãy từ bỏ. Các người từ bỏ sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài. Sắc không phải của các người, hãy từ bỏ sắc. Thọ không phải của các người, hãy từ bỏ thọ. Tưởng không phải của các người, hãy từ bỏ tưởng. Các hành không phải của các người, hãy từ bỏ hành. Thức không phải của các người, hãy từ bỏ thức. Các người từ bỏ sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài cho các người".

Như trong rừng Jetavana này, nếu người thâu lượm cỏ, cây, nhành, lá, đốt lên hay làm theo ý họ muốn. Các Tỳ kheo không nghĩ rằng người ấy thâu lượm chúng ta, đốt chúng ta và làm với chúng ta tùy theo ý muốn. Vì sao vậy? Vì cỏ, cây, nhành, lá không phải tự ngã, không phải sở thuộc của tự ngã. Cũng vậy, cái gì không phải của các người, hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng sẽ đem lại hạnh phúc cho các người. Và cái gì không phải của các người? Chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

XI. Những lợi ích thiết thực của pháp đức Phật thuyết giảng.

Vì pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng khéo khai thông, khéo khai thị, nên giúp các vị hành trì có thể chứng được bốn Thánh quả, là quả A-la-hán, quả Bất lai, quả Nhất lai, quả Dự lưu.

1. Các vị A-la-hán là những vị đã đoạn tận các lậu hoặc tu hành thành mãn, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống. Lý tưởng đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được giải thoát nhờ chánh trí, vòng luân chuyển của những vị này không thể chỉ bày.

2. Các vị Bất lai là những vị đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập diệt tại đây, không phải trở lui tại đời này nữa.

3. Các vị Nhất lai là những vị đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, chỉ đến đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau.

4. Các vị Dự lưu là những vị đã đoạn trừ ba kiết sử, không còn bị đọa lạc trong đường ác thú, quyết định hướng đến chánh quả.

5. Những Tỳ kheo nào là những vị Tùy pháp hành, Tùy tín hành, tất cả những vị ấyđều hướng đến Chánh giác.

6. Vì pháp được Thế Tôn khéo giảng, nên những vị nào chỉ đủ niềm tin nơi Thế Tôn, chỉ đủ lòng thương mến đối với Thế Tôn, tất cả những vị ấy được hướng về chư Thiên.


 

Tác giả bài viết: HT. Thích Minh Châu
Nguồn tin: Trang nhà Quảng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 38
  • Khách viếng thăm: 36
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1050
  • Tháng hiện tại: 1714634
  • Tổng lượt truy cập: 59367567

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile