Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Chính kiến và thiện tri thức

Đăng lúc: Thứ năm - 27/09/2012 21:58 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Chính kiến và thiện tri thức

Chính kiến và thiện tri thức

“Chính kiến” là cơ sở vững chắc, làm điểm tựa cho quá trình tu học, như tòa lâu đài dù nguy nga tráng lệ bao nhiêu, cũng không thể tách rời với tầng móng kiên cố.

Vì thế trong hành trình trên con đường xuất thế, đó là điều kiện tiên quyết chỉ hướng cho chúng ta đến thành tựu Phật đạo. Có được “chính kiến”, mới không bị trở thành kẻ tùy tùng theo tà thuyết hoặc thân trong Phật giáo mà tâm chứa đựng lý thuyết ngoại đạo, cho dù tinh tấn tu hành bao nhiêu thì càng xa dần thánh đạo bấy nhiêu, thậm chí trở thành “trùng sư tử” làm bại hoại Phật giáo.

Vì vậy làm sao kiến lập được chính kiến, để tránh khỏi các hậu hoạn đó? Căn cứ định nghĩa trong luận Du Già Sư Địa, Bồ-tát Di Lặc dạy.

Nghe âm thanh và như lý tác ý, chính kiến phát sinh.[1]

“Nghe âm thanh”, có hai trường hợp: một là do sự học tập Kinh Luận; hai là do thân cận thiện tri thức, lắng nghe học hỏi chính pháp, như chân lý mà tư duy, chính kiến lúc này sinh khởi. Vì thế trong “kinh Tạp A-hàm kinh số 780”, Thế Tôn chỉ dạy:

Này các Tỳ kheo! Thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tuỳ tùng có thể khiến cho tà kiến chưa sinh chẳng sinh, tà kiến đã sinh rồi khiến cho tiêu diệt, chính kiến chưa sinh khiến sinh, chính kiến đã sinh rồi khiến cho thêm tăng trưởng.[2]”

“Thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tuỳ tùng”, là những vị như giáo thọ thiện tri thức, đồng hành thiện tri thức hoặc nội hộ thiện tri thức, ngoại hộ thiện tri thức v.v…

Các vị thiện tri thức như đây có thể làm tăng thêm đạo hạnh của chính mình. Thân cận thiện tri thức, nghe được chính pháp, sau khi nghe chính pháp rồi, thì sinh tâm tìm cầu, lựa chọn, quan sát, tư duy cùng với thiện tri thức thảo luận thực tập, hỗ tương giúp đỡ trao đổi truyền đạt kinh nghiệm lẫn nhau, thì chính kiến phát triển nâng cao, tà kiến không còn cơ hội sinh trưởng.

Thiện tri thức đối với chúng ta có tầm quan trọng như vậy, nhưng làm sao lựa chọn được thiện tri thức, điều đó không phải đơn giản, là một vấn đề rất nan giải, nên trong “kinh A-hàm” đức Thế Tôn đã từ bi giảng dạy cho vua Ba-tư-nặc và cũng là bài học căn bản đáng quý cho chúng ta trên lĩnh vực này. Ngài dạy:

Nếu không có tha tâm trí để biết, thì phải nên gần gũi, xem xét giới hạnh của họ, một thời gian lâu, mới có thể biết được, chớ tự quyết vội vàng, hãy xem xét kỹ, chớ hấp tấp, hãy dùng trí tuệ, chớ không phải vô trí để xem xét, người kia khi gặp khổ nạn mà có thể tự mình giải quyết. Khi tiếp xúc tính toán thật giả có thể phân biệt được. Khi thấy sự nói năng hiểu biết phân minh, những điều ấy cần phải lâu ngày mới biết chứ không thể phân biệt vội, phải đem trí tuệ tư duy quán sát.”[3]

Điều đó cũng chính là, việc không thể tùy tiện chọn lựa thiện tri thức, phải nên thân cận họ, lấy chính pháp và giới luật làm tiêu chuẩn, nhìn nhận ngôn ngữ, hành động và tư tưởng của đối phương, có đúng pháp hợp luật hay không. Thông qua sự thẩm xét, tư duy một cách thận trọng, mới có thể xác nhận được đó chính là thiện tri thức hay không. Trong quá trình này, “chính tư duy” phát huy sự quyết định đúng đắn của mình.

Nhưng làm sao bồi dưỡng được chính tư duy? Thông qua lời dạy trong “kinh Tạp A-hàm kinh số 281”[4] và “Trung A-hàm kinh Tàm Quý”[5] thì: do bản thân hội đủ tính thiện, nên có thể thân cận thiện tri thức; thân cận thiện tri thức nên nghe được thiện pháp, sản sinh chính tín; có được chính tín, nên tin nhận và thực hành được lời dạy của giáo thọ, từ ý nghĩa của các pháp môn học hỏi được sinh khởi chính tư duy; có chính tư duy nên khéo thông hiểu và đạt được mục đích.

“Hội đủ tính thiện”, là do thiện căn từ kiếp trước, và kết hợp với sự giáo dục bồi dưỡng của hiện tại mà trở thành, qua quá trình dạy dỗ của cha mẹ thầy cô, ảnh hưởng của nền văn hóa xã hội, cùng với kinh nghiệm sống bản thân v.v…

Trong đó điều kiện cơ bản nhất là đầy đủ “tàm và quý”[6].

Tâm tỉnh giác quán sát được hành vi tội xấu của bản thân mà sinh lòng hổ thẹn với mình là tàm. “Tàm” ngoài ra còn có ý nghĩa tôn sùng cái thiện, đối với cá nhân mình, do tôn trọng tự thân, đi đến tôn kính Hiền giả, Thánh giả và tôn trọng chính pháp.

“Quý” là với tội lỗi của mình làm ra, khi đối diện với người khác thì sinh lòng hổ thẹn. Quý còn có một cách giải thích khác là có ý nghĩa cự tuyệt tội lỗi, vì đối với người khác, do năng lực trắc ẩn trong thân tâm, hay lo lắng sợ người khác huỷ báng chê bai, hoặc vì sự trừng phạt của pháp luật, mà không giám gây nên tội lỗi.[7]

Hành giả nếu có tàm quý, tức thường ái hộ, cung kính tha nhân, thân cận thiện tri thức và do được nghe chính pháp nên chính tín sinh khởi. Nên khẳng định, có tàm có quý các pháp thiện trên thế gian này được sinh khởi.

Vì thế trong “Trường A-hàm kinh Chúng Tập”, đức Thế Tôn nói có bảy loại chính pháp có công năng hỗ trợ làm cho tu đạo được sớm thành tựu, có tàm có quý là hai pháp thuộc bảy loại này.[8]

Trong khi tu học, hành giả đầy đủ phẩm đức tàm quý, có thể làm cho các thiện pháp khác sinh khởi, hơn thế nữa, thân cận được thiện tri thức, nghe học chính pháp, sẽ phát sinh chính tín, do chính tín với chính tư duy ở trong nội tâm, chính kiến vì thế sinh khởi[9].

Tuy nhiên đó chỉ mới là thế gian chính kiến, nhưng đã có khả năng khiến hành giả đời này qua đời sau luôn luôn tăng trưởng, cuối cùng không bị đọa vào đường xấu. Do đó “kinh Tạp A-hàm”, Thế Tôn tuyên thuyết: “người chính kiến tăng thượng, tuy trải trăm ngàn kiếp, trọn chẳng đọa đường ác”.[10]

Thế gian chính kiến làm cho hành giả hiểu rõ tà chính, thị phi, liễu tri nhân quả, và do thân cận thiện tri thức, nghe được chính pháp, như lý tác ý, như lý tư duy, vì vậy đối với Phật, Pháp, Tăng và thánh giới phát sinh tín tâm không dao động. Do vậy, tu hành tiến thêm bước nữa, thì dự vào hàng Thánh giả, đời này đời sau luôn an lạc, không bị rơi vào các đường xấu.[11]

Phần trên thảo luận về tầm quan trọng và mối quan hệ giữa chính kiến và thiện tri thức, nhưng chưa đề cập đến đối tượng cụ thể và điều kiện căn bản của thiện tri thức.

Vì thế trong “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” quyển 27 “Phẩm Thường Đế”, đức Phật dạy: “Thiện tri thức là người có khả năng thuyết giảng pháp không vô tướng vô tác, vô sinh, vô diệt và nhất thiết chủng trí, khiến cho người khác sinh khởi hoan hỷ tín lạc.”[12]

Và trong “Kinh Hoa Nghiêm” phẩm “Nhập Pháp Giới” ghi chép, xuyên suốt quá trình tìm cầu đạo pháp của Thiện Tài đồng tử, tham học 55 vị thiện tri thức, trên thì đức Phật, Bồ-tát, dưới cho đến thiên nhân v.v…, không luận sự xuất hiện đó với hình thức nào, phàm là có thể chỉ dẫn cho chúng sinh xả ác tu thiện, đi vào Phật đạo, đều gọi là thiện tri thức.

Thiện tri thức theo quan niệm của Phật giáo không giới hạn, nếu như trong thuận và nghịch duyên đó, làm hành giả phát khởi chính tri chính kiến, phát tâm xuất thế gian, chứng ngộ Niết-bàn, thì họ là thiện tri thức của chúng ta.

Vì thế hòa thượng Ấn Thuận trong tác phẩm “con đường thành Phật” (成佛之道) kết luận: “chính pháp tuy có thể từ quá trình duyệt đọc kinh điển mà hiểu được, nhưng chủ yếu vẫn là do nghe từ quý thầy cô thuyết giảng. Do đó, vì muốn thâm nhập chính pháp, tiến cầu Phật đạo, nên phải thân cận thiện tri thức.”[13]

Đức Phật đã từng dạy: “thân cận thiện sỹ, thinh văn chính pháp, như lý tư duy, pháp tùy pháp hành”[14]là bốn điều kiện tất yếu cần phải đủ để đi trên đường giải thoát. Như thế càng thấy được tầm quan trọng của việc thân cận thiện tri thức.

Tóm lại trong quá trình tu học, bước thứ nhất, chúng ta cần phải thân cận thiện tri thức, nên có chính tri chính kiến, sau đó học hỏi rồi phát sinh niềm tin thanh tịnh, gìn giữ giới luật, vì các nhân tố trên, khiến chúng ta thành tựu trí tuệ, đạt đến giải thoát giác ngộ.

Đây là nguyên tắc chung, nếu hành giả kết hợp với tu hạnh thiểu dục tri túc, và bố thí quảng kết thiện duyên đến với mọi người thì càng trang nghiêm y báo chính báo, viên mãn đại hạnh, thành tựu đại nguyện.

11/14/2010 8:24:21 PM

[1] Du Già Sư Địa Luận quyển 13 Đại Chính 30 p.200
[2] Tạp A Hàm III kinh số 780 p.92
[3] Tạp A Hàm IV kinh số 1148 p.178-179
[4] xin xem Tạp A Hàm I kinh số 281, p.580-586
[5] xin xem Trung A Hàm kinh Tàm Quý p.526
[6] Trung A Hàm I kinh Tàm Quý p.526: Nếu tỳ kheo nào biết hổ, biết thẹn thì có ái và kính. Nếu có ái và kính thì thường có tín; nếu có tín thì thường có chính tư duy; nếu có chính tư duy thì thường có chính niệm, chính trí; nếu có chính niệm chính trí thì thường gìn giữ các căn, giữ giới không hối hận, hoan diệt, hoan hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu giải thoát liền đắc niết bàn. Trung A Hàm I kinh Tàm Quý p.526
[7] xin xem Phật Quang đại từ điển p.5810
[8] Trường A Hàm kinh Chúng Tập p.403: Có bảy pháp, đó là bảy chính pháp: 1.tín; 2.tàm; 3.quý; 4. đa văn; 5.tinh tấn;6.tổng trì; 7. đa trí.
[9] Xin xem Thích Hạnh Bình, Đạo Phật Xưa và Nay, nhà xuất bản tôn giáo 2006, p.158-162
[10] Tạp A Hàm III kinh số 788, p.110
[11] Du Già Sư Địa luận quyển 14 Đại Chính 30, p.350: có bốn phương pháp chứng được quả dự lưu: đối với giảng sư và giáo thọ sư, có thể phụng thừa hành sự không bị vi phạm; hai là nghe hiểu không sai lầm giáo pháp mà giảng sư và giáo thọ sư giảng dạy; ba là nghe được giáo pháp này, có thể chính tư duy và khéo thông đạt. Bốn là thành tựu được sở tu.
[12] Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa T.08 no.0223, p.416b.
[13] Thành Phật Chi Đạo. p.43
[14] Tôn giả Xá Lợi Tử thuyết, Huyền Trang dịch A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận T.26 no.1536 p.393a.


Nguồn tin: Pháp bảo
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 151
  • Khách viếng thăm: 150
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 17839
  • Tháng hiện tại: 432701
  • Tổng lượt truy cập: 59872718

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile