Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đường Mây Trong Cõi Mộng 1 - 5

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/12/2011 14:13
Đường Mây Trong Cõi Mộng 1 - 5

Đường Mây Trong Cõi Mộng 1 - 5

Đức Phật đã dạy rằng tất cả nhân quả thiện ác trên thế gian đều theo nhau như bóng với hình, không sai chạy chút nào. Tuy nhiên, những kẻ không tin tưởng vào luật nhân quả thì cho đó là lời nói ngoa. Ngoài ra, nhiều người do tin tưởng thuyết “An Mạng (an phận thủ thường)” của Khổng Tử nên thường đổ trút tất cả cho số mạng, và chỉ cầu phước báo, cùng thích nghe những điều tốt lành mà bỏ ngoài tai những việc xấu xa tai hoạ. Thật là những kẻ hàm hồ ngu muội.

NHỮNG LỜI KHAI THỊ CỦA ĐẠI SƯ HÁM SƠN 

(Trích : Đường Mây Trong Cõi Mộng 

TT.Thích Hằng Đạt & Nguyên Phong Phóng tác)


Hám Sơn Đại Sư


(Bài 1- 5)

BÀI 1 - LUẬN VỀ SỰ CẢM ỨNG.


Đức Phật đã dạy rằng tất cả nhân quả thiện ác trên thế gian đều theo nhau như bóng với hình, không sai chạy chút nào. Tuy nhiên, những kẻ không tin tưởng vào luật nhân quả thì cho đó là lời nói ngoa. Ngoài ra, nhiều người do tin tưởng thuyết “An Mạng (an phận thủ thường)” của Khổng Tử nên thường đổ trút tất cả cho số mạng, và chỉ cầu phước báo, cùng thích nghe những điều tốt lành mà bỏ ngoài tai những việc xấu xa tai hoạ. Thật là những kẻ hàm hồ ngu muội.
 

Thật ra, cuộc đời sanh tử chỉ như một ngày đêm. Khái niệm luân hồi trong ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) giống như hôm nay và ngày trước. Ví như trong cuộc sống hằng ngày, lúc mời khách đến nhà dự tiệc, thì phải chuẩn bị đặt để thức ăn nước uống cho trang trọng đầy đủ. Nếu có thiếu sót món chi tức là lo lắng không chu đáo. Đó là lẽ tất nhiên.
 

Cuộc nhân sanh, những việc thọ mạng dài ngắn (chánh báo), gia sản tài vật (y báo), sự nghiệp công danh, cùng phú quý bần tiện đều tuỳ thuộc vào nghiệp nhân đã trồng trong tiền kiếp. Những sự thọ dụng trong đời nay đều không phải từ bên ngoài mang đến, mà hoàn toàn là do tự làm tự hưởng. Vì vậy cổ nhân đã có câu : “Muốn biết nghiệp nhân đời tiền kiếp, hãy nhìn báo ứng đang thọ. Muốn biết quả báo đời vị lai, hãy xem đang làm những gì”. Đa số người đời ỷ vào tài năng học thức để đạt công danh phú quý, nhưng chẳng hề biết rằng việc này khó xảy ra, vì chủ yếu chính là do nhân lành đã tự trồng trong tiền kiếp kết hợp với khả năng tài trí trong hiện tại mới tạo dựng được. Do đó, nếu vui mừng hớn hở khi được công danh phú quý thì rất sai lầm. Lại nữa, lúc bị người khác phá mất công danh phú quý, liền khởi tâm oán hận, mà chẳng biết rằng phần phước mình chỉ có thế thôi. Phần phước báo bị người khác phá mất thật ra chẳng phải là của mình mà chính vì thiếu nợ người đó nên phải trả. Vì vậy, đau khổ ưu sầu, oán trời trách đất, thậm chí kết thành cừu oán không thể xả bỏ, thì cũng là sai lầm. Do đó, phải nên biết rằng pháp “An Mạng” của Khổng Tử tức là thuyết nhân quả của Phật giáo. Nếu hiểu được lý “An Mạng” thì sẽ chấp nhận rằng sang hèn được mất đều tuỳ thuộc vào nhân xưa, vốn tự làm tự thọ. Nghèo cùng hay hiển đạt, mạng ngắn hoặc dài, đều do nhân đời tiền kiếp chủ định. Thật vậy, nếu hiểu rõ và tin tưởng quy luật nhân quả, thì sẽ chấp nhận rằng tất cả sự thọ dụng trong hiện tại đều phát xuất từ những nghiệp nhân đã trồng vào đời tiền kiếp, chớ chẳng phải do người khác đem đến, hay nhờ tài trí mới đạt được. Dẫu có đạt được bằng tài trí, thì đó chẳng qua là phần phước của mình. Thế nên, sao lại khổ sở đắm chấp, lao tâm nhọc sức, lo lắng ưu sầu những việc được mất, thậm chí vọng tích bao oán thù ! Nếu là người thông minh sáng suốt, thì phải thâm tín nhân quả báo ứng, mà không chấp trước vào những việc đắc thất trong hiện tại, chỉ nên căn cứ theo điều kiện hiện hữu, để trồng nhân lành vào ruộng phước cho tương lai. Ví như người nông dân, phải biết chọn đất phì nhiêu để gieo trồng giống tốt, rồi siêng năng cấy cày, thì nhất định sẽ thu hoạch được đầy ắp lúa mạ trong mùa thu. Đây là việc hiển nhiên. Có khác biệt chăng trong sự thu hoạch là do việc bỏ phân bón ít nhiều.
 

Đức Phật đã dạy : “Cúng dường Phật, Pháp, Tăng thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước thù thắng. Hiếu thảo với cha mẹ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước cung kính. Cứu giúp những kẻ nghèo cùng khốn khổ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước tâm thức”. Tôi hy vọng quý vị sẽ không ưu sầu vế những sự được thua còn mất trong quá khứ, mà chỉ lo gieo nhân lành vào ruộng phước cho tương lai. Nếu quý vị giảm bớt tiêu xài vào những việc phung phí hay vô ích cùng biết tiết chế chi tiêu trong việc ăn mặc, rồi dùng những phần được tiết kiệm trồng trong ba loại ruộng phước ở trên, thì không những đời vị lai được tăng phước đức trang nghiêm mà hiện thế thân an tâm lạc, và trở thành người có phước lành bậc nhất. Nếu thường gieo giống lành vào ba loại ruộng phước bên trên, lại còn biết lưu tâm về Phật Pháp như dùng cách niệm Phật để dẹp trừ tâm vọng tưởng, dùng từ bi để chuyển hoá sân si, dùng nhu hoà để cảm hoá cường bạo, dùng khiêm tốn để chiết phục ngã mạn, thì đó là hạnh của bậc Bồ-tát phát đại tâm. Nếu có tín tâm chân thật, thì xứng đáng được gọi là đại trượng phu dũng mãnh tối thắng.
 

BÀI 2 - SỰ THIẾT YẾU CỦA VIỆC NIỆM PHẬT CÙNG THAM THIỀN
 

Người thẩm sát công án niệm Phật, phải đơn độc đề cử một âm thanh “A Di Đà Phật” làm thoại đầu. Nơi đề khởi, phải hạ nghi tình, thẩm vấn xem người niệm Phật là ai. Lại đề cử lại thẩm xét, xem coi rốt ráo người niệm Phật là ai. Quyết bám tựa câu thoại đầu này như thế, thì tất cả vọng tưởng tạp niệm đều bị đốn đoạn, như chặt dây nhợ. Lại không dung dưỡng cho chúng khởi lên, (vì nơi khởi tức tâm liễu giác bị che mất), mà chỉ còn một niệm ; đơn độc sáng suốt rõ ràng, như mặt trời lơ lững trên không trung, thì vọng niệm không sanh, hôn mê tự thối tán, tức tịch tịch tỉnh tỉnh.
 

Đại sư Vĩnh Gia thuyết: Tịch tịch tỉnh tỉnh là phải, Tịch tịch vô ký là sai. Tỉnh tỉnh tịch tịch là phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng là sai. Đây là dạy rằng tịch tịch mà không lạc vào hôn trầm vô ký. Tỉnh tỉnh mà không lạc vào vọng tưởng. Tịch tỉnh song song lưu hành, và tâm phù trầm đều xả. Xem đến nơi một niệm chưa sanh, thì tiền hậu tế đều đoạn, chính giữa tự cô độc, tức khắc đập thủng thùng nước sơn, bèn thấy bản lai diện mục. Thân tâm thế giới lập tức rơi xuống, như hoa rụng trong hư không. Mười phương tròn đầy trong sáng, thành một tạng đại quang minh. Như thế chính là thời tiết trở về nhà. Nhật dụng hiện tiền, viên minh trong sáng, nên không còn nghi ngờ ; tin chắc tự tâm, gốc vốn như thế. Từ trên Phật Tổ, nơi tự thọ dụng, không hai không khác. Đến cảnh giới đó, chớ nên giữ chấp không kiến (thấy không). Nếu giữ chấp không kiến, thì đoạ vào ngoại đạo ác kiến. Lại không thể khởi hữu kiến, cùng tri kiến huyền diệu, vì còn hữu kiến tức đoạ vào tà kiến. Ngay trong công phu, xuất hiện bao loại cảnh giới, quyết chẳng nhìn nhận chúng ; nghe một tiếng quát liền tiêu. Cảnh ác hiện chớ sợ, và cảnh lành chớ vui, vì chúng chính là con ma tập khí. Nếu sanh tâm vui mừng, tức đoạ vào đường ma. Phải quán biết đó là hiện cảnh của tự tâm, không từ ngoài vào. Phải biết bổn lai thanh tịnh, trong tâm vốn không có một vật. Gốc vốn không mê ngộ, chẳng nương nơi thánh phàm, thì còn an đắc bao loại cảnh giới sao ! Ngày nay vì mê bản tâm này, nên phải dụng công phu, để tiêu ma vô minh tập khí. Nếu ngộ bản tâm xưa nay không có một vật, vốn sáng suốt bao la, thanh tịnh lặng lẽ, thì thong dong tự tại qua ngày, sao còn có công phu nào để hành !
 

Người thời nay phải tin tâm này, xưa nay vốn không một vật. Như nay dụng công phu, chỉ vì chưa thấy được bản lai diện mục đó, nên phải quyết hạ thủ công phu, thì mới có ngày trở về quê quán. Từ đó mà thẳng bước, thì tự nhiên sẽ có lúc đốn ngộ bản lai diện mục, tức là xuất ra khỏi sanh tử, mãi mãi không nghi ngờ.

 

BÀI 3 - KHAI THỊ ĐẠI CHÚNG
 

Đức Phật trụ thế, thuyết pháp lợi sanh, khiến bốn chúng đều được đắc độ. Ngài tuỳ cơ giáo hoá, mỗi mỗi đều có phương tiện quyền xảo, khiến tất cả mọi loài đều được lợi ích. Thí như trời mưa, cỏ cây đều được thấm nhuần, tuỳ theo loại lớn nhỏ mà được sung túc, sanh trưởng. Thế nên tuy pháp môn có thiên sai vạn biệt, nhưng quay về nguồn thì không hai. Nếu dùng Phật tánh mà quán sát chúng sanh, thì không có loài nào mà chẳng được độ. Dùng tự tâm mà quán xét Phật tánh, thì ai ai cũng đều tu được cả. Song, chúng sanh tự mê muội mà không biết điều này. Lại nữa, vì không có thiện tri thức chân chánh dẫn dắt chỉ dạy, nên phải cam chịu trầm luân, uổng thọ bao khổ não. Vì vậy, lúc Tổ Huệ Năng vừa đến, ngũ Tổ Hoàng Mai liền hỏi : “Ngươi là người xứ nào ?” Huệ Năng đáp : “Con là người xứ Lĩnh Nam”. Ngũ Tổ nói : “Người Lãnh Nam mọi rợ lại có Phật tánh ư ?”. Huệ Năng đáp : “Người có phân nam bắc, nhưng Phật tánh chẳng hề có hai”. Lời này lưu bố khắp nhân gian, như tiếng sấm nổ, khiến loài sâu bọ phải khiếp đảm. Vùng Lãnh Nam trở thành cội nguồn của thiền đạo Phật Pháp, khiến xuất sanh bao bậc trí giả và ngộ đạo. Từ khi Lục Tổ hoằng hoá, đạo pháp được lưu truyền khắp Trung Nguyên.
 

Ngày nay, trước cửa môn đình, cảnh tượng tiêu điều, cỏ dại mọc khắp nơi cả ngàn năm. Nhiều người đàm luận cho rằng đó chẳng phải là vùng đất của thiện căn. Đây thật là chưa đạt được ý chỉ Phật tánh. Tôi mong từ ân (của nhà vua) chuyển đến Lôi Dương vào mùa xuân năm Bính Dần. Đến mùa thu năm đó thì đến Ngũ Dương. Trong thành tôi chú giải hoàn toàn bộ kinh Lăng Già. Mùa hè năm Mậu Tuất diễn giảng cho chư đệ tử. Trong mỗi lần ngồi toạ, thấy chư thiện nam tử hậu bối cố gắng mà đến, nên tôi rất mực khen ngợi. Lại có hơn mười vị thiện sĩ lễ bái, khấn cầu thọ năm giới của Ưu-bà-tắc. Tôi vui mừng chấp thuận, nên làm pháp Yết Ma. Họ tự quy tâm ngày một tín thành, và dốc lòng lắng nghe Phật Pháp. Tôi thương cho họ chưa liễu ngộ và chưa biết cách tấn tu công phu tự độ. Vì vậy, tôi dùng niệm Phật tam-muội, dạy họ chuyên tâm nơi tịnh nghiệp, tức là chán chường duyên khổ, mà quy hướng Cực Lạc. Trong kỳ hội mỗi tháng, lập ra quy chế ; trong ba thời tu hành xưng danh lễ bái tụng đọc sám hối. Vì muốn tín tâm ngày càng khẩn thành, tội chướng ngày càng tiêu bớt, nên phải phát khởi nguyện vãng sanh. Nếu quả tình hành theo pháp môn này, thì tuy thân tại trần lao, mà có thể bảo rằng sống không hư, chết không phóng túng. Chẳng phải là công hạnh chân thật sao ! Phật là giác, tức là Phật tánh của chúng sanh. Vì mê mà làm chúng sanh. Nếu ngộ thì gọi là Phật. Ngày nay niệm Phật, tức tự tánh Di Đà. Cầu vãng sanh cõi Tịnh Độ, tức duy tâm Cực Lạc. Quý vị nếu thường niệm niệm mà chẳng quên mất, thì tâm tâm Di Đà sẽ xuất hiện, và từng bước lần hồi sẽ vê đến quê hương Cực Lạc. Cần gì vọng mong nơi ngoài mười vạn ức cõi nước, còn có cõi Tịnh Độ để quy hướng ! Thế nên, tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh. Tâm cấu uế thì cõi nước uế trược. Do đó, một niệm ác vừa dấy khởi, thì rừng kiếm cây đao liền vung dậy. Một niệm lành sanh, thì đất báu hồ sen liền hiện rõ. Thiên đường địa ngục, sao lại ngoài tâm này ư ! Chư thiện nam tử ! Xin hãy suy nghĩ chín chắn ; phải luôn thống niệm sanh tử đại sự, vô thường mau chóng. Một khi mất thân này, thì muôn kiếp khó hoàn phục lại. Mặt trời mặt trăng luôn xoay chuyển, và thời gian chẳng đợi mình. Nếu phụ duyên này, thì lỡ mất cơ hội. Khi đại hạn đến, hối hận chẳng kịp. Quý vị mỗi mỗi hãy nỗ lực. Trân trọng ! Trân trọng !

 

BÀI 4 – KHAI THỊ VỀ NHỮNG ĐIẾM THIẾT YẾU KHI NIỆM PHẬT


Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh cõi Tây phương Cực Lạc, vốn là đại sự cắt đứt dòng sanh tử. Vì vậy bảo rằng chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là có thể cắt đứt sanh tử. Do đó, ngày nay mới phát tâm niệm Phật.

Song, nếu không biết cội gốc của sanh tử, mà cứ niệm Phật mãi thì cuối cùng sẽ đi về đâu ? Nếu niệm Phật mà không đoạn được cội gốc của sanh tử thì làm sao cắt đứt dòng sanh tử ? Cội gốc của sanh tử là gì ? Cổ nhân nói : “Nghiệp bất trọng bất sanh Ta Bà. Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Độ”. Thế nên, biết rõ ái dục là cội gốc của sanh tử. Khiến tất cả chúng sanh thọ khổ trong sanh tử đều do ái dục. Cội gốc ái dục này không phải chỉ hiện hữu trong một, hoặc hai, ba, bốn đời, mà nó đã tự có sẵn từ đời vô thủy cho đến ngày nay. Sanh sanh thế thế, xả thân thọ thân, đều do lưu chuyển theo ái dục.
 

Ngày nay, suy nghĩ nhìn lại, xem coi lúc nào có một niệm tạm rời cội gốc ái dục này đâu ! Hạt giống ái căn, bao kiếp tích luỹ sâu dày, nên khiến sanh tử không cùng tận. Hiện tại, vừa phát tâm niệm Phật, nếu chỉ vọng không cầu sanh Tây phương mà danh tự ái dục (tức cội gốc của sanh tử) lại không biết đến, thì khi nào mới có niệm đoạn được nó ? Không biết cội gốc của sanh tử, nên một bên niệm Phật, một bên cội gốc sanh tử lại càng tăng trưởng nhiều hơn. Cả hai việc niệm Phật và cội gốc sanh tử chẳng quan hệ với nhau. Dẫu niệm cách nào đi nữa, đến lúc lâm chung quý vị chỉ thấy sanh tử ái căn hiện tiền. Khi đó lại cho rằng Phật hoàn toàn không có thần lực, nên liền oán trách niệm Phật không linh nghiệm ; dẫu sau này có hối hận cũng không kịp.
 

Vì vậy, khuyên người niệm Phật thời nay, đầu tiên phải biết ái dục là cội gốc của sanh tử. Ngày nay dốc lòng niệm Phật, thì niệm niệm phải đoạn ái căn này. Trong cuộc sống hằng ngày, ở nhà niệm Phật ; mắt thấy vợ con cháu chắt, gia duyên tài sản, đều không nên đắm trước ái nhiễm, thì làm việc nào và niệm nào cũng đều vì sự sanh tử, và cảm giác như toàn thân đang đứng trong hầm lửa. Lúc chưa biết cách chân chánh niệm Phật, thì niệm ái dục trong tâm chưa có thể xả bỏ. Vì niệm không thiết tha và chẳng biết ái dục là chủ tể, nên chỉ niệm Phật ngoài da. Nếu như thế thì Phật chỉ nghe niệm, còn ái dục thì lại tăng thêm. Lúc cảnh tình của vợ con hiển hiện, phải xoay nhìn vào tâm. Một danh hiệu Phật có thể đối địch với ái dục, thì sẽ cắt đoạn được ái căn. Không cắt được ái dục thì làm sao đoạn được sanh tử. Do tập khí của duyên ái trong bao đời đã chín mùi mà nay chỉ mới bắt đầu niệm Phật, lại không thiết thật niệm Phật, thì không thể niệm Phật được đắc lực được. Nếu trước mắt không thể kềm chế được ái cảnh thì khi lâm chung quyết không thể tự làm chủ được. Do đó, khuyên người niệm Phật, việc trước nhất là phải biết vì sanh tử mà thiết tha niệm Phật, tức là phải có tâm thiết tha cắt đoạn sanh tử, và phải dùng niệm niệm mà đốn đoạn cội gốc sanh tử. Lúc niệm niệm đều dứt được sanh tử thì cần gì đợi đến ngày ba mươi tháng Chạp ! Đợi đến lúc đó thì đã trễ lắm rồi ! Thế nên, bảo rằng trước mắt luôn nghĩ đến sanh tử đại sự. Trước mắt liễu được sanh tử vốn không. Niệm niệm thiết thật, thì đao đao đều chặt đứt. Dụng tâm như thế, nếu không vượt khỏi sanh tử thì chư Phật bị đoạ vì tội vọng ngữ ! Do đó, người xuất gia kẻ tại gia, biết rõ tâm sanh tử tức là biết rõ thời tiết xuất ly sanh tử, sao còn diệu pháp nào khác nữa !
 

BÀI 5 - KHAI THỊ VỀ TỊNH ĐỘ.
 

Đa số các sĩ phu trong đời cận thế đều hướng về tai miệng, phóng túng đàm luận ngọn ngành, cho việc tham thiền là hướng thượng nên bài bác không tu theo Tịnh Độ. Cho đến những đệ tử của tôi, đa phần tập tành theo ngôn cú của chư cổ đức, chỉ có miệng lưỡi lanh lợi, và luôn hướng theo danh tướng, nên Phật Pháp ngày càng suy vi. Không những thực hành chẳng được gì mà lại phỉ báng kinh điển Đại thừa, tức cho là văn tự danh tướng, không muốn thân cận tu học. Gặp những kẻ tri thức u mê thì làm sao tránh được những ngọn sóng cuồng ! Thật rất đáng sợ ! Đa số họ không hiểu thâm sâu về thừa giáo, và không biết rõ việc độ sanh của chư Phật, vì phương tiện nên mới thuyết ra nhiều pháp môn, nhưng xoay về cội nguồn thì không hai. Thế nhân phải biết môn hạ của chư tổ sư, dùng việc ngộ đạo làm tối thượng, và ngộ tâm làm bổn ý. Muốn ra khỏi sanh tử, niệm Phật chẳng phải là pháp xuất ly sanh tử hay sao ? Tham thiền đa số khó ra khỏi sanh tử, mà niệm Phật thì chắc chắn sẽ xuất khỏi sanh tử, không nghi ngờ chi. Tham thiền phải rời bỏ vọng tưởng. Niệm Phật thì chuyên giữ tại tư tưởng.
 

Chúng sanh đã lâu nhiễm sâu trong vọng tưởng, nên muốn xa rời chúng lại rất khó. Nếu chuyển được vọng niệm ô uế thành vọng niệm thanh tịnh thì đó là cách dùng độc trị độc, tức là pháp hoán đổi. Tham cứu thiền rất khó ngộ, mà niệm Phật lại dễ thành. Nếu tâm thiết tha vì sanh tử, dùng tâm tham cứu mà niệm Phật, thì sao lo gì một đời không cắt được sanh tử ! Đối với pháp môn Tịnh Độ, thế nhân dùng mắt mà cân nhắc đo lường, nào biết đó là pháp môn chân thật vi diệu. Hãy xem rõ Ngài Phổ Hiền, dùng pháp giới làm thân, và tu mười đại hạnh nguyện, mà chỉ muốn quy về Tịnh Độ. Tổ sư Mã Minh truyền tâm ấn cho chư Tổ sư, và dùng hàng trăm bộ kinh Đại thừa để viết bộ Luận Khởi Tín, mà cuối cùng lại quy kết về Tây Phương. Chư Tổ sư truyền đăng ở cõi Đông Độ, tuy không nói rõ về Tịnh Độ, nhưng lúc đã ngộ tâm tức đã xuất sanh tử ; các Ngài nếu không quy về Tịnh Độ, thì há trở thành đoạn diệt sao !
 

Ngài Vĩnh Minh hiểu thấu ý nghĩa hết cả đại tạng kinh chỉ quy về nhất tâm, lại cũng quy hướng về Tịnh Độ. Vào lúc Thiền tông cực thạnh, mà Ngài Trung Phong cũng cực lực tán dương cõi Tây Phương. Huống nữa pháp môn này, do đức Bổn sư Thích Ca vô vấn tự thuyết, và mười phương chư Phật đồng tán dương ! Há chư Phật, chư Bồ-tát, chư đại Tổ sư lại nói những lời vọng đàm như chúng sanh nghiệp cấu hiện thời sao ! Tịnh Công trung niên xả ái mà xuất gia. Đầu tiên theo đại sư Tử Bá tham thiền, và thọ yếu chỉ thiền cơ. Ngày nay đối với pháp môn Tịnh Độ, nguyện tu mà chưa quyết chắc. Vì vậy lão nhân bảo rằng việc này không cần phải hỏi người khác, chỉ xem tự mình có vì việc sanh tử hay không. Tâm phải vì sự sanh tử, như cứu lửa cháy đầu, và chí muốn giải quyết cho xong trong một đời. Ví dụ, một kể bệnh nặng chắc phải chết. Có người tìm được phương thuốc có thể cứu chữa. Nếu người này dùng thang thuốc này, thì có thể cải tử hoàn sanh. Song, chỉ do người bệnh có tâm quả quyết, tin phục vào thang thuốc kia. Không cần phải tìm thang thuốc khác, mà chỉ dùng thang thuốc này, thì tức khắc xuất hạn mồ hôi, rồi bèn sống lại. Lúc ấy mới tinh diệu dụng của thang thuốc này. Thế nên, phải tin chắc pháp môn này, mà chuyên tâm nhất chí. Đến lúc lâm chung, bèn tự biết cõi đó. Hà tất phải hỏi người khác ! Hãy cố gắng mà hành. Quyết chẳng để người khác lừa!

 
Còn Tiếp....
 

Nguồn tin: Trang nhà Quảng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 141
  • Hôm nay: 43153
  • Tháng hiện tại: 458015
  • Tổng lượt truy cập: 59898032

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile