Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Mẹ là Cha và Mẹ là Mẹ

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/07/2013 09:28 - Người đăng bài viết: Diệu Thành

“Trước mộ cha, những giọt nước mắt hạnh phúc đã lưng tròng nơi đôi mắt đã nhiều vết chân chim. Tôi giật mình nhận ra, mẹ tôi đã già!”

Trong mười hai con giáp, phụ nữ tuổi Thân là cực khổ nhất, suốt đời lận đận, sống trong ưu phiền. Quan niệm này của người xưa quả thật rất đúng với trường hợp của mẹ con - một phụ nữ tuổi Thân có một cuộc đời hiếm hoi niềm vui và đầy ắp những muộn phiền.

Gia đình ngoại con có 6 người con, nhưng một người cậu của con không may đã mất sau khi cất tiếng khóc chào đời chưa lâu. Mẹ con là con thứ, nhưng là con gái đầu trong nhà. Trên mẹ có hai cậu, dưới có hai em. Khi đó, nhà ngoại nghèo lắm, lại đang lúc chiến tranh, ông bà suốt ngày làm việc quần quật kiếm tiền nuôi 7 miệng ăn. Công việc trong nhà và nhiệm vụ chăm sóc hai em một mình mẹ con làm hết. Tuy cơ cực nhưng trong mẹ vẫn không thôi niềm ham học. Mẹ khát khao đến trường, mong sao có được cái chữ, cái nghề để ông bà bớt cực, cuộc sống gia đình bớt khổ. Mẹ chọn ngành y để chữa bệnh cứu người, mong sao không ai phải chịu nỗi đau mất người thân như nỗi đau của mẹ trong ngày cậu ra đi.

Mẹ có chồng năm 20 tuổi. Cha con là một nhà giáo, và như mẹ, cha cũng rất nghèo. Nhưng chính trong sự nghèo khó, khổ cực, nhờ sự đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương nhau mà cha mẹ đã có một chuyện tình thật đẹp. Mẹ có chồng nhưng vẫn ở cùng ông bà ngoại vì cha nghèo quá không có nhà cửa. Tuy không phải chịu nỗi buồn xa nhà, xa cha mẹ, nhưng cứ nghĩ đến cảnh dâu con, rể khách lòng mẹ cũng không khỏi buồn thương, “nhưng dù sao đây cũng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời mẹ”, mẹ con đã từng nói vậy.

Một năm sau khi có chồng, con được sinh ra. Niềm vui chưa được đầy tràn thì nỗi đau mất chồng gần như đánh gục mẹ. Cha con đã ra đi mãi mãi khi đứng ra bênh vực lẽ phải, can ngăn một trận đánh nhau. Mới sáng đó thôi mẹ còn tiễn cha đi làm. Nhìn bóng chồng xa dần nơi cuối đường, mẹ đâu biết rằng đó là lần cuối cùng mẹ được nhìn thấy cha. Nhìn chồng nằm như đang ngủ, nhưng là giấc ngủ ngàn thu, mẹ không thể tin vào sự thật đau lòng này. Mẹ cứ không ngừng gọi tên cha, cho đến khi người ta đưa cha con xuống huyệt lạnh.

Ở tuổi đôi mươi, mẹ con đầu đã vấn tang chồng, tay ôm con thơ chỉ vừa tròn 9 tháng. Nước mắt như đã cạn, mẹ cứ ôm con ngồi ở góc nhà như một cái xác không hồn, không chịu ăn uống. Khoảng thời gian đó, bà ngoại phải mang con đi khắp xóm xin “bú thíp” những phụ nữ vừa mới sinh, vì thân thể mẹ đã héo hon, không còn chút sữa nuôi con.

Không biết có phải nhờ tình mẫu tử thiêng liêng, hay linh hồn cha con vẫn luôn dõi theo phò hộ, một thời gian sau cuộc sống của mẹ con trở lại bình thường. Vượt qua khó khăn đó, mẹ trẻ đẹp lại, nhiều người đàn ông đã đến xin gá nghĩa, nhưng mẹ quyết ở vậy nuôi con. Cho đến hôm nay, đã hơn hai mươi năm từ ngày cha mất, mẹ con vẫn thân cò một mình sớm khuya bươn chải, vật lộn với cuộc sống mưu sinh để nuôi dạy con nên người. Hai mươi năm qua, tuy lớn lên trong khó khăn chật vật, thiếu vắng tình cảm của cha, nhưng con vẫn cảm thấy hạnh phúc vì luôn nhận ở mẹ một tình thương yêu chan chứa, dạt dào. Đối với con, tình mẹ như biển cả, như vầng dương chiếu sáng đời con. Cám ơn mẹ, người đã sinh con ra và cho con cuộc sống này.

Từ nhỏ đến lớn, mẹ không để con phải làm bất cứ việc gì vất vả. Từ công việc nhà như giặt đồ, nấu cơm, đón đưa con đi học đến việc kiếm tiền, đều dồn hết lên đôi vai vốn đã quá nhiều gánh nặng của mẹ. Vì ông bà ngoại cũng nghèo nên ngoài việc cho hai mẹ con con nương tựa, ngoại không thể giúp gì thêm cho chúng con về vật chất.

Nhưng “con cưng là con hư”, con chẳng những không yêu thương mẹ gấp đôi, lại lắm lúc làm mẹ buồn, mẹ khóc. Lúc nhỏ con ham chơi hơn ham học, phải ở lại lớp một năm, mẹ đã khóc hết nước mắt. Ngày đưa con vào học lại lớp một, khi nhìn thấy bạn cùng lớp tung tăng lên lớp hai, mẹ đã lặng lẽ khóc. Nhìn những giọt nước mắt ấy, con dặn lòng phải chuyên tâm học hành. Từ đó cho đến năm học lớp 12, cuối mỗi năm con đều đem phần thưởng học sinh giỏi về khoe mẹ. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, mẹ đã dẫn con đến trước mộ cha. Mẹ khấn rằng niềm vui này xem như bước đầu đã hoàn thành trách nhiệm dạy dỗ con nên người. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, con thấy được nét thanh thản trong đôi mắt mẹ, thật khác nét nhìn đăm chiêu của bao năm vật lộn với cuộc đời kiếm tiền nuôi con ăn học. Trước mộ cha, những giọt nước mắt hạnh phúc đã lưng tròng nơi đôi mắt đã nhiều vết chân chim. Con giật mình nhận ra, mẹ con đã già!

Nhưng cho đến giờ, vì tính bướng bỉnh, cứng đầu con vẫn nhiều lần làm buồn lòng mẹ. Hè này đến với khóa tu, trong suốt một tuần tu học, con mong sự trang nghiêm, thanh tịnh của Phật pháp sẽ làm dịu bớt tính nóng nảy của con. Để ngày trở về, con sẽ trở thành một đứa con hiền ngoan hơn để đền đáp công ơn của mẹ.

Năm sau con ra trường, mong muốn lớn nhất của con là tìm được một việc làm tốt để giảm bớt phần nào gánh nặng cơm áo cho mẹ. Con thật sự mong muốn được trưởng thành, chứ không mãi là con bé con trong mắt mẹ, luôn cần được chăm sóc. Vậy nên, mẹ ơi cho con một lần, một lần thôi, được chăm sóc mẹ - người phụ nữ tuổi Thân hơn nửa cuộc đời đã chịu bao cơ cực.

MỤC LỤC

Tác giả bài viết: Nguyễn Bảo Châu - An Giang
Nguồn tin: Chùa Hoằng Pháp
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 346
  • Hôm nay: 23464
  • Tháng hiện tại: 873426
  • Tổng lượt truy cập: 60313443

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile