Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đường Vào Nội Tâm

Đăng lúc: Thứ sáu - 05/07/2013 11:45 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Đường Vào Nội Tâm

Đường Vào Nội Tâm

1. NGƯỜI NGÀY XƯA

(phóng tác một mẫu truyện Liêu trai do Hòa thượng Trí Thủ kể)

Sinh là một anh học trò nghèo kiết xác tha phương cầu học. Anh ở trọ trong một ngôi chùa, ngày đêm dùi mài kinh sử để ứng thí. Quan huyện sở tại cũng là người xứ khác bổ nhiệm đến, thường lui tới chùa vì quan rất mộ đạo. Quan có một cô con gái tuổi độ trăng tròn, nhan sắc mỹ miều diễm lệ. Một hôm nhân ngày lễ Vu lan, cô gái theo cha đến chùa. Vừa trông thấy người ngọc, Sinh ôm lòng thầm yêu trộm nhớ. Nhưng chàng đã có vợ con ở quê nhà, lại thuộc gia đình nghèo khó, mà nàng thì đang độ xuân xanh, lá ngọc cành vàng. Chuyện lương duyên thật khó nỗi ước mơ. Mối tình bị chướng duyên ngăn trở càng thêm nồng nàn thắm thiết, mặc dù chưa một lời trao đổi, tình yêu chỉ đơn phương. Chàng đành nuốt nước bọt ngâm câu "tình tuyệt vọng":

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.

Nàng thoáng hiện tới chùa một lần rồi không bao giờ trở lại. Con "người gieo thảm" đó để lại trong lòng Sinh một mối tương tư cay đắng, vì không thể nào trăm năm tính cuộc vuông tròn. Hình ảnh nàng đang ám ảnh Sinh một cách mãnh liệt, thì bỗng một hôm, chàng nghe tin nàng đã chết. Ôi! Rõ thật là: Ngày xuân xanh sơ ngộ để thiên thu."

Mới thấy nàng có một lần, nhưng Sinh lăn khóc thảm thiết khi hay tin nàng lìa trần. May thay, tục lệ lúc bấy giờ ưa chôn người chết ở nguyên quán, nên quan huyện ướp xác quàng thây nàng tại ngôi chùa Sinh trú ngụ, chờ ba năm sau sẽ đưa về cố quận. Từ đó Sinh được đêm ngày gần gũi người đẹp... trong quan tài. Mối tình si vẫn nồng đượm, có lẽ còn mặn mà hơn xưa, bởi lẽ giờ đây không còn gì ngăn cách. Cái chết xóa tan mọi bất bình đẳng giữa con người, phá đổ mọi ranh giới tài sản, địa vị, giai cấp... Mỗi bữa ăn, Sinh đặt một mâm cơm trên nắp quan tài cúng cho vong linh hưởng xong, chàng mới chịu hạ xuống ăn. Chàng kể lể với người trong quan tài như sau:

"Ối nàng ơi! Âm dương đôi ngã, nàng có thấu cho lòng tôi không? Khi nàng còn sống, nàng là lá ngọc cành vàng, tôi chỉ là một kẻ thư sinh bần hàn ăn nhờ ở đậu, có khi nào đài gương soi đến đậu bèo! Nhưng tôi yêu nàng tha thiết, tình riêng luống ra ngẩn vào ngơ. Hình bóng nàng đậm nét trong tim tôi. Bây giờ, nàng nằm đó, tôi đứng đây, cách nhau có một tấm ván quan tài, chỉ trong gang tấc vậy mà thành ra biết mấy trùng quan san! Ôi! Sao con tạo khéo trêu người dường bấy! Khi tôi được hân hạnh gần gũi nàng, thì nàng đã hóa ra người thiên cổ, thành cái xác không hồn! Ước sao nàng hãy sống lại, tôi xin đổi bất cứ gì để đôi ta được tái ngộ trên dương trần! Xin nàng chứng giám cho lòng tôi."

Bữa ăn nào cũng vậy, việc cúng cơm và đọc văn tệ than khóc người đẹp trở thành một tục lệ bất biến trong đời chàng thư sinh. "Hữu cầu tất ứng", lời cầu nguyện của chàng chẳng bao lâu cảm ứng được vong hồn người chết. Một đêm nàng hiện về thỏ thẻ:

"Cảm tấm tình si của chàng, em đã xin với Diêm vương cho em được tái sinh vào ngôi nhà số 555, đường Nguyễn Văn Trổi, thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm năm sau đúng vào ngày rằm tháng bảy, chàng hãy đến tìm em ở đó, chúng ta sẽ gặp gỡ để vầy mối lương duyên. Nhưng chàng ôi, Diêm vương có ra một điều kiện. Muốn tái sinh, em phải nhờ người thân chí thành tụng một Tạng Kinh Kim Cương thì mới được như ý. Vậy, nếu chàng có lòng, xin chàng hãy tụng kinh cho em."

Sinh tỉnh dậy mừng rỡ, ghi rõ ngày tháng nàng đã hẹn lên vách, ghi luôn cả địa chỉ mới của cô gái. Từ đó chàng xếp bút nghiên, chuyên chú tụng Kim cương đến sáu ngàn lần như nàng dặn, phải hết mất ba năm. Năm đó chàng đã bốn mươi lăm tuổi. Còn những mười hai năm nữa mới gặp lại người đẹp ngày xưa! Sinh vẫn ôm lòng chờ đợi, hình ảnh yêu kiều của nàng mỗi ngày một đậm nét trong trí tưởng.

Về phần cô gái, quả nhiên thần thức cô đã thác sinh vào một gia đình thường dân ở địa chỉ trên, để đáp lại tấm tình si của anh học trò. Cô mang hình đáng một cô gái nhu mì dễ yêu, nhưng không có gì gọi là cá lặn chim sa cho lắm. Mối tình đeo đẳng từ lúc còn nằm trong quan tài, khiến tiềm thức cô vẫn một mực đợi chờ anh chàng thư sinh mặt trắng. Với tình yêu mới nở, cô tưởng tượng hình dung của anh chàng ít ra cũng bằng chàng Kim:

"Phong tư tài mạo tuyệt vời.
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa."


Ngày tháng thoi đưa, sắp đến ngày hẹn. Chàng thư sinh bây giờ tuổi đã xấp xỉ lục tuần, râu tóc hoa râm, sắm mặt phong trần vì nỗi đời mưa nắng. Nhưng mối tình thì vẫn tươi trẻ như thuở ban đầu, vì nó vô hình vô tướng nên không có già bệnh như cái thể xác của anh. Tình yêu đã không đổi, nên hình ảnh nàng trong tim anh không chút đổi thay, đó là nét đẹp đắm nguyết say hoa của một lần sơ ngộ. Anh yêu, là yêu cái hình bóng của nàng thì đúng hơn. Vì nếu nàng còn sống thì chắc chắn bây giờ nàng cũng không còn như hình bóng anh tôn thờ.

Cái ngày hẹn hò đã đến. Anh chàng thắng bộ y phục mới tinh, chải lại mái tóc nửa đen nửa bạc không biết bao nhiêu lần, cố che dấu càng nhiều tóc bạc càng hay. Anh cũng không quên bôi dầu láng mượt như thời trang dạo đó. Nhưng làm gì thì làm, không thể hóa trang cái già thành trẻ. Không thể nào xóa hết những vết hận năm tháng khắc sâu trên vừng trán nhăn nheo.

"Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này."


Huống chi là con người, dù nó có nỗ lực bao nhiêu để xóa bỏ vết tích thời gian trên thân thể. Nhưng tâm hồn của chàng, mối tình si của chàng vẫn không chịu già theo tuổi tác, mà nó vẫn là mối tình đầu của tuổi đôi mươi, của cái lần sơ ngộ. Cho nên anh chàng hăng hái, hăm hở thuê xe tắc xi đến địa chỉ nàng hẹn để gặp lại tình xưa. Phần nàng cũng vậy, con tim rộn rã với tình yêu, với mộng đẹp và với hình ảnh chàng thư sinh khả ái. Chắc hẳn mặt chàng phải đẹp như mối tình của chàng! Chắc hẳn chàng phải tươi trẻ như hoa xuân phong nhụy! Ôi, cảm động làm sao sẽ là cái phút giây gặp gỡ! Ngàn năm hồ dễ đã ai quên.

...Mỗi người sống trong tâm tưởng hình ảnh tuyệt vời của người kia, và của mối tình, tưởng tượng đến cái lúc gặp gỡ mà suýt chết ngất người vì sung sướng. Chiếc xe tắc xi đã dừng lại trước một ngôi nhà chúng cư dơ dáy. Nàng con gái đã ra đứng tựa cửa trông chờ. Mà nào thấy đâu bóng hình "hoàng tử của lòng em"? Chỉ là một cụ già trông càng già hơn do bởi nỗ lực làm cho có vẻ trẻ. Cô gái buột miệng hỏi:

- Ông kiếm ai?

- Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm nhà tiểu thư...

- Ông là ai?

- Tôi là thư sinh ở trọ chùa Bà Ðầm. Xin cô cứ thưa lại với tiểu thư như vậy.

Cô gái òa khóc, nói trong tức tưởi:

- Không phải, không phải! Trời ôi! Chàng đã phụ tình, đã lừa dối ta! Chàng đã si mê người khác, nên đưa ông già này đến thay! Chàng lừa dối ta! Thật chàng khinh ta quá mức!

Nàng ôm mặt bỏ chạy một mạch vào nhà trong. Cụ thư sinh lủi thủi lê bước trên đường về. Chàng như bừng tỉnh cơn trường mộng: hình ảnh cô tiểu thư đã chết thật rồi, nhờ chàng vừa tai nghe mắt thấy. Vâng, nhờ thấy người con gái sống, mà chàng chết được trong tim hình ảnh người con gái chết. Bấy lâu hồn ma vẫn sống mãnh liệt trong lòng chàng dưới hình ảnh một cô nương hoa nhường nguyết thẹn. Nhưng bây giờ, sau mười lăm năm chờ đợi, chàng chỉ bắt gặp một cô gái nhan sắc tầm thường như trăm ngàn cô gái khác, nào có gì đâu?

Chàng trở về, giở lại Kinh Kim Cương ra tụng, đến câu kết:

Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn ảo ảnh
Như sương và như chớp
Hãy quán sát như vậy.


Chàng tỉnh ngộ, thầm nhủ:

"Cám ơn nàng. Nàng đã đem lại cho ta SỰ THẬT. Nàng đã cho ta thấy cái phi lý của tưởng tượng. Ta sẽ không còn ôm giữ một hình ảnh nào, vì Phật đã dạy: Pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp. Nhan sắc nàng, cái nhan sắc mà mười lăm năm nay ta từng say đắm, đã không thực, huống chi là hình ảnh, hoài niệm về nhan sắc ấy. Cái thực đã không thực, huống hồ là mộng tưởng trong tâm."

--o0o--

2. TRÁI TIM CỦA MẸ

Ngày xưa, có một cậu bé ở với mẹ trong một túp lều ven rừng. Ngày ngày cậu đi vào rừng hái củi bán để nuôi mẹ. Mẹ cậu ở nhà nấu cơm, vá áo, chăm sóc những luống rau. Hai mẹ con sống nghèo nàn hẩm hút, nhưng không kém vẻ đầm ấm, bởi vì tình thương của mẹ vốn đã là điều kiện cần và đủ cho một con người.

Nhưng cậu bé lớn dần và bắt đầu đi xa hơn trong những buổi kiếm củi. Hồn cậu cũng bay xa hơn trong những mộng ước, mong chờ. Cho đến một chiều nọ, trên đường hái củi cậu bắt gặp một bóng hồng thiếu nữ bên suối biếc. Kể từ hôm ấy, bát cơm nguội trên tay mẹ âu yếm đưa cho cậu ăn đỡ đói lòng mỗi khi trở về, không còn hương vị nữa. Cậu bắt đầu tiếc nhớ bâng khuâng, người trở nên thờ thẫn, mất hồn. Bà mẹ lo lắng hỏi han, cậu gắt gỏng với mẹ. Tình yêu hay đúng hơn, sự mê gái, đã làm cậu lú lẫn mê muội rồi. Mẹ càng chăm sóc ân cần, cậu càng khó chịu, muốn bỏ nhà ra đi... theo bóng hồng bên suối biếc.

Ối, phải chăng nàng là tiên nữ giáng trần? Cậu cảm như chưa bao giờ thấy một người con gái đẹp đến thế. Mỗi đáng vẻ, động tác của nàng đều làm cho cậu mê mẩn tâm thần:

Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh, em đứng chỗ nào cũng xinh.


Huống chi nàng lại đứng bên bờ suối phận chiếu ánh trời chiều long lanh với muôn màu sắc: màu xanh của mây, màu vàng, đỏ, tím của hoa rừng, màu lục biếc của cây lá ...Giữa thiên nhiên kỳ tuyệt ấy, nàng nổi bật như một đóa hoa vương giả khoe tươi.

"Thầm yêu trộm nhớ bấy lâu đã chồn"... Thanh niên đánh bạo đến gần người đẹp. Thiếu nữ vừa trông thấy cậu đã khóc òa:

- Chàng ôi! Thiếp không còn sống được bao lâu nữa nếu ....

Giọng oanh vàng nấc nghẹn. Thanh niên hỏi dồn:

- Tại sao, tại sao, nàng hỡi! Tôi sẽ làm bất cứ gì để đem lại sự sống cho nàng, dù có phải mất mạng.

Thiếu nữ mở lớn đôi mắt bồ câu xinh:

- Thật không, ồ xin chàng hãy cứu thiếp! Thiếp đau bệnh nan y, thầy thuốc bảo chỉ có nuốt vào mình trái tim nóng hổi của một người mới tắt thở, họa may hết bệnh. Nếu chàng cứu thiếp, thiếp xin hứa sẽ trọn đời sửa túi nâng khăn.

- Xin nàng hãy đứng chờ.

Thanh niên chạy như bay một mạch về túp lều. Bà mẹ tựa cửa trông con, trong chỗ tranh sáng tranh tối, cậu va cái cốc vào đầu mẹ. Tiến thể, cậu rút ngay con dao ở vách lều, thọc vào ngực bà, moi ra trái tim còn nóng hổi. Cậu bưng trái tim mẹ hối hả chạy ngược trở lại bờ suối.

Mặt trời đã lặn khuất sau đồi. Bóng lá cây đen dầy che rợp lối đi. Ba bốn lần cậu suýt vấp ngã vì vội vàng hấp tập. Bỗng nghe một tiếng nói hiền từ đâu đây vọng lại:

- Con ơi, chạy chậm bước lại kẻo té, con ạ!

Cậu giật mình đứng lại ngơ ngác nhìn quanh. Nhưng cậu chợt hiểu. Thì ra tiếng nói kia vang lên từ trong hai lòng tay cậu, từ TRÁI TIM CỦA MẸ!

--o0o--

3. GIỮ GÌN CÂY PHÁP

(Phỏng thuật theo Kinh Tăng Chi Bộ)

Khi đức Thế tôn ở núi Linh Thứu thành Vương Xá, có tôn giả Dhammikà, sau khi lang thang hết chỗ này tới chỗ khác qua bảy trú xứ mà không nơi nào chấp nhận, cuối cùng lần mò về chỗ Phật. Nguyên do là vì, tôn giả đi đến đâu cũng gây sự với các tỳ kheo ở đó, khiến họ không chịu nổi, bỏ đi. Các cư sĩ biết chuyện, đến mời Tôn giả đi chỗ khác. Thế là cuối cùng Tôn giả về thành Vương Xá yết kiến Phật. Ngài hỏi:

- Này Dhammikà, sao ngươi trở về đó?

- Bạch Thế tôn, con bị các cư sĩ tại các trú xứ mời đi chỗ khác.

- Thế đấy! Ngươi cũng chẳng hề gì cả, vì còn ta đây để cho ngươi quay về. Phải ngươi nghĩ vậy không?

Tôn giả cúi đầu im lặng. Ðức Thế tôn lại bảo:

- Thuở xưa, này Dhammika, các nhà buôn đi biển thường mang theo một con chim. Khi tàu ra khơi, không trông thấy bờ bến, muốn biết có hòn đảo nào gần để ghé tàu, người ta thả con chim ra. Nó bay đi tứ phía, nếu không có chỗ nào đậu, không gặp bờ bến, thì nó trở lui về tàu. Nay nhà ngươi cũng vậy đó, Dhammika.

Tôn giả đứng im lặng, Thế tôn lại tiếp:

- Thuở xưa, này Dhammika, có một cây bàng chúa to lớn, chịu đầy trái ngon ngọt. Vua và các cung nữ hưởng thụ một cành, quân đội hưởng thụ một cành, dân chúng một cành, các sa môn, bà la môn một cành, thú rừng và chim chóc một cành. Một hôm có người đến ăn trái no bụng xong, bẻ gãy một cành rồi bỏ đi. Khi ấy vị thần trú nơi cây bàng nói với cây rằng: "Thưa tôn giả, loài người thật là ác độc, đã ăn no rồi còn bẽ gãy cành. Tôn giả đừng có sinh trái nữa." Cây bàng chúa nghe lời, năm sau không thèm sinh trái nữa. Khi thấy cây không còn sinh quả, vua bèn yêu cầu trời Ðế thích triệt hạ cây bàng chúa. Ðế thích liền ra lệnh cho Thiên lôi nổi sấm sét bật tung gốc rễ cây bàng lên, làm cho nó ngã nằm sóng soài ra giữa đất. Vị thần cây mất chỗ trú ngụ, đứng khóc lóc nước mắt đầy mặt, làm cho trời Ðế thích ngạc nhiên hỏi: "Này thần cây, sao ngươi sầu muộn thế?" Thần cây đáp: "Thưa tôn giả, có cơn mưa to gió lớn nổi lên, làm cho trú xứ của con, cây bàng chúa này, bị ngã xuống trốc gốc."

Ðế thích hỏi: "Này thần cây, ngươi có giữ gìn cây này, để cho nó sống đúng như pháp không?" Thần hỏi: "Thế nghĩa là gì, thưa Tôn giả?" Ðế thích nói: "Nghĩa là ngươi phải nghĩ, với cái cây này, người cần rễ đến lấy rễ, người cần lá đến lấy lá, cần hoa lấy hoa, cần trái lấy trái. Như vậy không có gì dính dấp đến vị thần cây, khiến cho vị ấy không hoan hỉ. Thế là giữ gìn Pháp của cây."

Thần cây nói: "Thưa Tôn giả, con sẽ giữ gìn cây ấy theo pháp của cây. Mong rằng trú xứ của con trở lại như xưa." Rồi Ðế thích vấn thần thông làm cho cây bàng chúa dựng đứng trở lại.

Cũng thế, này Dhammika, nhà ngươi có giữ gìn pháp của sa môn, khi các cư sĩ mời ngươi đi chỗ khác hay không?

- Nhưng bạch Thế tôn, thế nào là giữ pháp của sa môn?

- Này Dhammika, sa môn không mắng nhiếc lại người đã mắng nhiếc mình, không tức giận người đã tức giận mình, không khiển trách người đã khiển trách mình. Như vậy là giữ gìn pháp sa môn.

- Bạch Thế tôn, con không giữ gìn sa môn pháp, khi các cư sĩ mời con đi nơi khác.

- Vậy, này Dhammika, từ nay về sau, ngươi cần phải học tập pháp sa môn.

- Thưa vâng, bạch Thế tôn.

--o0o--

4. HOA VẪN TƯƠI CÀNH

Kinh thuật tóm tắt một đoạn kinh Di Lan Ðà (Milinda-panha)

Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười năm xưa (Kiều)


Một hôm, vua Di Lan Ðà (Milinda) đề nghị với tỳ kheo Na tiên (Nagasena):

- Bạch Tôn giả, pháp của Ðức Như lai thật là hùng vị, cao quý, tuyệt vời, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không lỗi lầm. Thật không nên để cho cư sĩ phàm phu gia nhập Tăng đoàn thanh tịnh. Hãy dạy Phật pháp cho chúng, đến khi chúng chứng được quả Dự lưu rồi mới nên cho xuất gia. Vì sao? Vì khi những con người còn cấu uế xấu xa ấy được gia nhập Pháp và Luật thuần tịnh như thế kia, rủi chúng bỏ đạo nửa chừng, đọa lạc trở lại nơi hạ liệt, thì do sự đọa lạc của chúng, người ta sẽ nghĩ rằng: "Chắc là Pháp Luật của sa môn Cù Ðàm chẳng có ra gì, nên những người kia đã bỏ."

Na Tiên tỳ kheo trả lời:

- Ðại vương, giả sử có một cái hồ tắm, đầy nước trong sạch mát mẻ. Có một người dơ dáy, mình lấm cả đất bùn, đi đến hồ nước nhưng không chịu tắm, lại bỏ về, vẫn dơ dáy như cũ. Trong trường hợp ấy người ta sẽ chê người kia hay chê cái hồ?

- Bạch Tôn giả, người ta sẽ chê người kia, chứ hồ tắm có lỗi gì. Làm sao cái hồ tắm tự tẩy sạch người ấy được, nếu người ấy không chịu tắm?

- Cũng vậy, Ðại vương, giáo pháp đức Thế tôn ví như hồ nước trong sạch mát mẻ kia. Một người đầy cấu bẩn tội lỗi, tu theo Ph?t pháp sẽ hết những nhiễm ô, nhưng nếu không tu, bỏ về thì cũng như người dơ không chịu tắm. Lỗi không ở Phật Pháp.

Và này, Ðại vương, giả như có một vị lương y trị lành các chứng bệnh, và một người mắc bệnh đi đến lương y nhưng không chữa trị, bỏ về, bệnh vẫn còn nguyên, thì lỗi ở người kia hay ở lương y?

- Bạch Tôn giả ở người kia chứ. Lương y làm sao chữa bệnh cho nó, nếu nó nhất định không chịu chữa?

- Cũng thế, Ðại vương, đối với Ðức Như lai. Và này, Ðại vương, giả như lương y có nhiều thuốc hay trị bá bệnh, tuyên bố rằng: "Bà con cô bác nào bệnh thì đừng đến đây. Chỉ có người khỏe mạnh mới được đến." Khi ấy những người mạnh có cần đến thuốc của lương y không?

- Bạch Tôn giả không cần! Vì những người ấy đã khỏe mạnh.

- Cũng vậy, Ðại vương. Người đã chứng quả thì còn cần gia nhập Tăng đoàn làm gì nữa. Nhưng này Ðại vương, không vì sự thối đọa của những người bỏ cuộc mà Phật pháp mất giá trị. Trái lại, nó còn chứng tỏ năm điểm vi diệu của chánh pháp:

Thứ nhất, chánh pháp cao thượng thù thắng nên những người kia không theo nổi. Như một người nghèo dốt nát được quyền làm chủ một vương quốc, thì vì không biết gì cả, chẳng bao lâu y phải bị hất xuống, trở lại tình trạng khốn cùng. Kẻ ngu cũng vậy, không thể đương nổi Phật pháp.

Thứ hai, chánh pháp trong sạch không tì vết, như lá sen không thấm nước. Kẻ ngu vào đạo rồi đi ra, như nước tuột khỏi lá sen.

Thứ ba, chánh pháp thanh tịnh không dung kẻ tội lỗi, như biển không chứa thây chết, thây phải giạt vào bờ.

Thứ tư, chánh pháp cao sâu như đích khó trúng với một người bạn tên dở.

Thứ năm, giới luật rất khó giữ, nên kẻ yếu đuối không thể theo.

Lại nữa, này Ðại vương, như bụi bông lài có những hoa bị sâu ăn, rã rụng nửa chừng, thì bụi bông không vì thế mà mất giá trị, vì nó còn có những hoa khác tỏa ngát hương lài. Phật pháp vi diệu cũng thế, không vì những người thối đọa mà mất giá trị, bởi vì vẫn còn những người ở lại trong Tăng đoàn sẽ tỏa ngát hương giới hạnh khắp thế giới nhân loại và chư thiên.

- Hay thay, bạch Tôn giả. Bằng nhiều ví dụ chính xác, tôn giả đã khéo trình bày sự vi diệu, vô cấu của giáo pháp đức Như lai. Dù có những người bỏ đạo, cũng vẫn chứng tỏ được các điều thù thắng của Phật pháp.

--o0o--

5. NỖI LÒNG TU ÐI

Sư thượng đường kể:

Ngày xưa, có một con chó bị bệnh ghẻ lác, nên bị chủ quăng bỏ ra ngoài bờ sông. Cạnh bờ sông có một vị sư già sống trong một am cốc nghèo nàn, ngày ngày đi khất thực để sống. Trông thấy con chó đói bệnh, vị sư động lòng từ mẫn, đem về săn sóc, chia sớt cho nó phần ăn hàng ngày sư xin được, tắm rửa, xức thuốc cho nó. Chẳng bao lâu nhờ sự tấn tâm của sư mà con chó khỏi bệnh, lông lá mọc lại trên thân, trở thành một anh chó bảnh bao, dễ nhìn. Nhà sư đặt tên nó là "Tu Ði", có ý muốn thọ ký nó phát tâm tu hành để chuyển nghiệp chó.

Nhưng từ khi khỏi bệnh, Tu Ði đâm ra ưa lêu lổng. Nó tìm gặm những cục xương của người ta vứt bên bờ sông, và bỗng thấy hết ưa mùi vị tương chao của nhà sư tốt bụng, người đã cứu tử nó. Ngày ngày nó đi tìm ăn những cơm thừa cá vụn nên đâm ra quen mùi trần tục. Một hôm nó đang ngồi bên bờ sông nghễnh mõm nhìn móng sang bên kia bờ, bỗng một làn gió từ bên ấy tắt qua, thơm phức mùi thịt xào hành mỡ. Nó tung mình nhảy xuống sông lội về hướng ấy. Khi nó lội đến giữa dòng thì nhà sư cũng vừa về tới am, không thấy Tu Ði ngài ra sông tìm. Thấy con chó thân yêu đang chới với giữa dòng theo tiếng gọi của dục vọng, nhà sư tha thiết gọi nó quay về:

-Tu Ði! Con nỡ nào bỏ thầy già yếu cho đành? Con hãy mau quay về với thầy. Tu Ði, Nào có mùi vị gì nơi một mảnh xương khô của trần tục, con chỉ tự ăn nước bọt chính con tiệt ra đấy mà thôi. Hãy quay về, hỡi Tu Ði!

Con chó nghe lời thầy gọi vội vã quay trở lại, nhưng nó vừa quay lưng với bờ kia thì bỗng một làn gió từ bên ấy hắt lại, tạt mùi thịt ngon lành vào mũi nó. Không cưỡng được, nó lại bơi trở lui về hướng thịt xào. Bên bờ này vị sư lại thiết tha khuyên nhủ. Con chó cầm lòng không đậu cũng quay lại, nhưng vừa muốn quay lại với thầy, thì gió lại đưa mùi thịt xào đến mũi nó, cứ thế Tu Ði quay qua lộn lại giữa giòng sông không thể quyết định được. Và cuối cùng nó bị chết chìm ngay giữa giòng.

Kể xong câu chuyện, sư lui về tịnh thất nghỉ. Các đệ tử ngồi lại kháo nhau:

- Huynh cho câu chuyện ấy có nghĩa gì?

Một người nói:

- Ðó là cái chết thảm khốc của một kẻ bội bạc, phận chủ.

Người thứ hai:

- Tai họa xẩy đến cho những kẻ nào không quyết đoán.

Người thứ ba:

- Các huynh nói đều đúng cả, nhưng theo tôi thì, thầy mình có ngụ ý. Con chó tượng trưng cho người khởi sự tu tập, tại gia hay xuất gia. Vị thầy là Phật tánh, lương tri sẵn có nơi mỗi người. Mùi thịt xào với làn gió là sự cám dỗ mời gọi của sắc thanh hương vị xúc pháp, tức sáu trần. Giòng sông tượng trưng cho sanh tử. Người nào đã thấm nhuần chút đạo lý, thì đạo lý ấy trong họ trở thành một thứ đại bổ hoặc kịch độc. Ðại bổ là khi sống thuận theo ánh sáng mình đã thấy, kịch độc là khi mình không cưỡng nỗi tiếng gọi của sắc trần mà quay lưng với đạo, chạy theo thanh sắc. Thỉnh thoảng tiếng gọi của lương tri nổi dậy, nên người ấy không thể nào dứt khoát chạy theo thanh sắc như người thế tục chưa từng biết đạo, mà cũng không thể quay về, cho nên phải chết chìm giữa giòng sông sanh tử.

--o0o--

6. CÚNG PHẬT

(Phỏng theo một đoạn vấn đáp trong kinh "Di Lan Ðà vấn" - Milinda-panha )

Vua Di Lan Ðà hỏi: - Ðức Phật đã nhập Niết bàn có nhận những sự cung kính cúng dường hay không? Nếu Ngài có nhận thì chứng tỏ Ngài chưa giải thoát, vẫn còn quanh quẩn đâu đó trong ba cõi. Nếu Ngài không nhận, thì sự cung kính cúng dường Ngài thật vô ích.

Na Tiên đáp: - Ðức Phật là Ðấng giải thoát hoàn toàn. Ngay khi Ngài còn ngồi dưới cội Bồ đề, còn thân hữu dư, Ngài đã không cần đến sự cung kính cúng dường, huống chi sau khi Ngài đã nhập Vô Dư Niết bàn.

Nhưng chính vì để làm phước điền cho thế gian, mà khi còn tại thế, Ngài đã thụ nhận những sự cung kính cúng dường tuy Ngài không cần đến. Những người cúng dường nhờ đó được phước đức lớn. Sau khi nhập Niết bàn cũng vậy, mặc dù Ngài không nhận, nhưng những kẻ cúng dường cung kính Ngài vẫn được phước báo lớn do nhân lành ấy.

Vua Di Lan Ðà hỏi: - Những lời Tôn giả nói chỉ thuyết phục được các tỳ kheo đệ tử Phật mà thôi. Như con đề cao cha, trò đề cao thầy, không đủ thuyết phục người ngoài. Xin hãy nêu những bằng chứng cụ thể, khách quan thì trẫm mới tin được.

Na Tiên tỳ kheo: - Ðại vương, Ðại vương có nghĩ rằng đất bằng lòng nhận những gì ta gieo xuống đất hay không?

- Bạch Tôn giả, không! Nhưng đất làm môi trường cho hạt nẩy mầm, đơm hoa kết trái.

- Cũng vậy, Ðại vương. Tuy Ðức Thế tôn không nhận sự cung kính cúng dường, người ta vẫn gặt hái kết quả của sự cung kính do nhân duyên cung kính cúng dường Phật.

Và này Ðại vương, những con súc vật hay con người, có nhận cho những con vi trùng ở trong thân mình đục khoét cơ thể hay không?

- Không, thưa Tôn giả.

- Thế thì tại sao chúng vẫn bị vi trùng đục khoét?

- Ấy là do từ lâu xa, chúng đã tạo những điều kiện, nh?ng môi trường cho vi trùng sinh trưởng, do ác nghiệp của chúng.

- Cũng vậy đối với thiện nghiệp cúng dường cung kính, mặc dù Phật không nhận, vẫn có quả báo tốt đẹp. Và này Ðại vưong, Ðại vương có nghe chuyện con quỷ Nalaka bị đất chôn sống không?

- Bạch Tôn giả, có nghe.

- Vì sao quỷ bị chôn sống?

- Bạch Tôn giả vì quỷ Nalaka xúc phạm đến trưởng lão Xá Lợi Phất lúc Ngài đang nhập định.

- Thế thì trưởng lão Xá Lợi Phất có chấp nhận cái việc đất chôn sống quỷ Nalaka không?

- Bạch Tôn giả, không! Nhưng do ác nghiệp của quỷ mà quỷ tự rước lấy quả báo.

- Cũng vậy, này Ðại vương, mặc dù đức Như lai không nhận sự cung kính cúng dường, nhưng do thiện nghiệp cúng dường của chúng sanh, sẽ tự có quả báo tốt đẹp.

- Hay thay, thưa Tôn giả, ngoại đạo sẽ nhờ những ví dụ cụ thể của Tôn giả mà tiêu tan những thành kiến trong vấn đề này.

--o0o--

7. PHẬT TIẾP KHÁCH

Vào một mùa an cư, trưởng lão Yasoja dẫn về vườn Cấp Cô Ðộc 500 tỳ kheo yết kiến Phật. Vì mới thụ giới chưa lâu, uy nghi chưa thuần thục, những vị này gây nhiều tiếng động khi xếp đặt chỗ nghỉ dưới gốc cây, và lớn tiếng chào hỏi nhau. Từ trong hương thất của ngài, Ðức Thế tôn gọi thị giả A nan dạy:

- Này A nan, tiếng gì ồn ào ngoài kia, như là tiếng hàng cá ngoài chợ tranh giành cá với nhau vậy?

- Bạch Thế tôn, đó là 500 vị tỳ kheo đệ tử của trưởng lão Yasoja mới đến.

- Ngươi hãy cho các tỳ kheo ấy vào.

- Thưa vâng, bạch Thế tôn.

Tôn giả A Nan mời 500 khách tăng vào hầu Phật, với Yasoja, thầy họ dẫn đầu. Ðến nơi họ đảnh lễ Thế tôn rồi ngồi một phía. Ðức Thế tôn quở trách:

- Này các tỳ kheo, các ngươi không xứng đáng ở cạnh ta. Hãy đi đi. Ta đuổi các ngươi.

Chư tỳ kheo đảnh lễ Phật rồi lui ra. Tôn giả Yasoja khuyến khích họ:

- Chư hiền, Ðức Ðạo sư quở trách chư hiền vì lợi ích cho chư hiền. Hãy tinh tấn tu học, để Ðức Ðạo Sư hoan hỉ.

- Thưa vâng, bạch Tôn giả.

Rồi Tôn giả dẫn 500 Tỳ kheo đi đến một bờ sông để dựng chòi an cư trong mùa mưa. Các tỳ kheo tinh tấn tu học, mãn hạ, tất cả đều chứng quả A La Hán. Từ vườn Cấp Cô Ðộc, đức Thế tôn nhập định thấy hào quang sáng rỡ một vùng, nơi chư tỳ kheo cư trú. Ngài cho gọi Tôn giả A Nan bảo:

- Này A Nan, hãy nhân danh ta, đến bờ sông mời các tỳ kheo lại đây.

- Thưa vâng bạch Thế tôn.

Khi 500 Tỳ kheo đến yết kiến đức Phật sau mùa an cư, Ðức Thế tôn đang nhập định. Chư tỳ kheo này với tâm thanh tịnh, rõ biết rằng: "Nay Thế tôn đang an trú định bất động, vậy chúng ta cùng an trú định ấy." Rồi họ cùng ngồi kiết già nhập định. Khi mãn canh một (đầu đêm), Tôn giả A Nan đến bên Phật nhắc:

- Bạch Thế tôn, xin Thế tôn hãy xuất định để đón tiếp các tỳ kheo. Con đã mời họ đến. Họ chờ đã lâu.

Ðức Thế tôn im lặng. Canh hai trôi qua, tôn giả A Nan, con người lịch sự hiếu khách, lại tới bên Thế tôn bạch:

- Bạch Thế tôn, Thế tôn nhập định đã lâu, các tỳ kheo chờ đợi đã lâu, xin Thế tôn xuất định đón tiếp họ.

Lần thứ hai, Thế tôn im lặng. Canh ba trôi qua, A Nan Tôn giả sốt ruột sợ khách chờ, lại đến bên Phật:

- Bạch Thế tôn con đã mời các tỳ kheo đến, chúng tỳ kheo đợi Ngài đã lâu. Xin Thế tôn xuất định đón tiếp họ. Khi ấy đức Thế tôn an lành xuất định, từ tốn bảo Tôn giả A Nan:

- Này A Nan, Ta và chúng Tỳ Kheo đang nhập định Bất Ðộng. Nếu ngươi hiểu điều ấy, ngươi đã không hối thúc ta như vậy.

(Theo kinh Phật tự thuyết, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

--o0o--

8. BẢY BƯỚC THĂNG TRẦM

Một hôm, thanh niên Citta, con trai một người luyện voi, đi giữa đường gặp một vị tỳ kheo đang khất thực. Nhiều Phật tử đến đảnh lễ đặt vào bát của tỳ kheo những thức ăn ngon lành, trong đó có một trái "sầu riêng", món mà Citta đặt biết ưa thích. Anh ta liền đến bên vị tỳ kheo, nói:

- Bạch Ðại đức, Ngài cũng ưa món này sao?

-Ồ, thanh niên. nếu muốn, ngươi có thể lấy đi.

Thanh niên sung sướng cảm ơn vị tỳ kheo, nhận trái "sầu riêng" đem về. Dọc đường anh ta suy nghĩ: "Mình lao động suốt ngày mới có mà ăn, vậy mà vĩ đại đức thì trông thật nhàn nhã, khỏi làm gì cả, lại được cúng dường đầy đủ. Hay thay, nếu ta cũng xuất gia để được cúng dường."

Nghĩ thế thanh niên bèn cạo đầu đạp cà sa đi khất thực, gia nhập một tăng đoàn của đức Phật. Nhưng vì xuất gia với một động cơ không hay ho gì cho lắm, nên chẳng bao lâu Citta phải hoàn tục, vì chàng không chịu nổi nếp sống khổ hạnh gò bó của Tăng đoàn. Nhưng sự thanh tịnh an lạc của chư tăng với khung cảnh trang nghiêm ở vườn Cấp Cô Ðộc, nơi đức Thế tôn ngự tòa, vẫn để lại một ấn tuợng khó phai trong tâm khảm chàng, đến nỗi khi đã hoàn tục, Citta vẫn thường mơ ước trở lại đời tu sĩ. Một hôm gặp một con voi khó luyện, chàng trở nên chán nghề của cha, và tìm đến Phật xin xuất gia lại. Ðức Thế tôn chấp thuận cho chàng thế phát. Tu được vài tháng, chàng lại đâm chán, xin hoàn tục. Một lần nữa, chàng trở về đời sống tại gia, rồi lại chán, lại cạo đầu xin xuất gia, cứ thế cho đến khi chàng hoàn tục lần thứ năm. Lần này, khi trở về nhà, việc đầu tiên chàng định làm là cưới một chị vợ để thay đổi không khí, họa may đời chàng có chút ổn định nào chăng. Chàng đâm chán cái bệnh ưa thay đổi của chàng, và muốn thay đổi một lần chót. Do đó chàng cưới vợ.

Ðời sống hôn nhân chẳng bao lâu cũng làm cho chàng chán ngấy lên tới cổ. Một đêm kia, chàng trằn trọc không ngủ được, dòm qua thấy chị vợ đang ngủ say, mép tiệt ra một đống nước bọt trên gối, bụng mang bầu lớn tướng như một con cá "bống mủ" sắp tới kỳ sinh nở. Chàng bỗng thấm thía sự dơ uế, khốn nạn của dục lạc và lập tức ôm bát chạy ra đường (y bát của chàng qua năm lần xuất gia rồi hoàn tục, chàng vẫn giữ như người ta giữ một cái va-li chờ dịp đi xa). Trên đường vắng, đêm khuya thanh tịnh, một mình tiến về rừng Cấp cô độc, bao nhiêu hột giống tốt đẹp chàng đã gieo trong ruộng thức qua năm thời kỳ xuất gia trước đấy bỗng nhiên cùng trổi dậy một loạt, đâm chồi nẩy lộc. Chàng chứng được quả Dự Lưu khi đang còn đi trên đường.

Trong lúc ấy, tại vườn Cấp cô độc, các tỳ kheo sau thời tọa thiền đang ngồi bàn tán về chàng:

- Tên đó, lần này nếu còn trở lại, chúng ta nhất quyết đừng cho xuất gia. Các huynh đồng ý không?

- Ðồng ý! Cho y xuất gia chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa. Y cứ nhẩy ra nhẩy vô hoài, làm náo động nếp sống thanh tịnh của chúng tăng.

- Phải đấy, nhưng mà chư hiền nghĩ sao? Y có còn trở lại hay không? Chắc y sẽ xấu hổ không trở lại. Năm lần là đã quá lắm rồi!

- Chúng ta hãy chờ xem!

Ðúng lúc ấy Citta ôm bát tiến vào vườn. Mặt y rạng rỡ như trăng rằm, các căn tịch tịnh. Chư tỳ kheo không ai bảo ai, đều im lặng khi Citta ngỏ lời xin được gia nhập tăng đoàn trở lại. Có nghĩa họ đã bằng lòng.

Lần thứ sáu xuất gia, Citta nhiệt tâm tu tập và nhanh chóng đạt đến tứ thiền, nội tâm định tịnh. Chàng vô cùng hân hoan, và mong mỏi có dịp để tỏ lộ thánh quả. Một hôm vài vị đã chứng A La Hánđang ngồi đàm luận về Pháp. Citta cũng tham dự, và không ngớt ngắt lời vị trưởng lão khi ngài đang phát biểu. Trưởng lão Ðại Câu thi la nói:

- Này Citta, chú hãy đợi những vị Thượng tọa nói xong cái đã, rồi hãy phát biểu ý kiến của mình.

Vài tỳ kheo bênh vực Citta:

- Bạch Thượng tọa, huynh này đã đắc pháp nhãn, có thể nói lên những gì đã thực chứng. Xin Thượng tọa chớ khiển trách y.

- Ta biết y có thiền chứng, nhưng việc ấy không ngăn nổi y hoàn tục lần nữa. Ví như một con bò khi được buộc chặt vào cái cọc, thì nó có vẻ hiền lành an ổn, nhưng thả ra nó sẽ dẫm đạp nát hết ruộng lúa. Cũng vậy một tỳ kheo khi đứng trước bậc đạo sư hay trước những bậc thánh, có thể tỏ ra khiêm cung, đạo hạnh, nhưng khi thả lỏng, y có thể thối đọa, từ bỏ học giới mà hoàn tục. Một người có thể chứng đắc bốn thiền, nội tịnh nhất tâm, và trong khi an trú các thiền chứng này, y được ổn định, nhưng khi xả thiền, lại ba hoa khoác lác, không thể tự kềm chế, ưa khoe khoang thành quả. Khi ấy tâm y đầy tham và mạn, khen mình chê người, và cuối cùng phải từ bỏ học giới. Khi hoan hỉ tham đắm các thiền chứng, thì chính những thiền chứng ấy sẽ đưa y đến chỗ tàn mạt. Bởi vì cấu uế của tâm rất vi tế, thiền chứng chỉ làm cho chúng lắng xuống chứ không mất. Như khi một đạo quân cắm trại trong rừng, thì vì những tiếng trống kèn ống loa xe cộ, mà ta không nghe tiếng côn trùng trong cỏ, ta tưởng chúng đã lặng im. Khi đạo quân nhổ trại đi chỗ khác, tiếng côn trùng lại vang lên như cũ.

Về sau, quả nhiên Citta từ bỏ đời sống xuất gia, hoàn tục lần thứ sáu. Chúng tỳ kheo hỏi trưởng lão:

- Bạch ngài, ngài đã biết trước việc này do thiền quán, hay do chư thiên mách?

- Cả hai.

Họ đến nơi Phật, kể lại sự vụ và tỏ ý tiệc cho Citta. Thế tôn dạy:

- Không sao, Citta còn trở lại lần nữa, và sẽ là lần cuối đấy.

Một hôm, Citta cùng đi với Potthapàda một nhà khổ hạnh, đến hầu Phật để hỏi về Pháp. Những lời Thế tôn dạy cho vị khổ hạnh làm chàng rất hài lòng. Chàng lại xin Phật xuất gia lần thứ bảy. Ðức Phật chấp nhận, và chỉ trong thời gian ngắn, chàng chứng quả La hán.

Ðức Phật kể lại nguyên do tại sao Citta phải vô ra bảy lần như vậy mới chứng thánh quả. Vào một tiền kiếp, thời Phật Ca Diếp tại thế, chàng đi cùng với một tỳ kheo bạn. Bạn chàng ngỏ ý muốn hoàn tục, vì không chịu nổi khổ hạnh. Thay vì khuyên bạn tiếp tục tu hành, Citta lại có tâm xấu, xúi giặc bạn bỏ tu, để cho bạn bị chê, mình được khen. Do vậy mà kiếp này Citta phải chịu sự sỉ nhục là vô ra tăng đoàn bảy lần mới đắc quả.

--o0o--

9. LẠC THÀNH NHÀ MỚI

Một thời, Thế tôn nghỉ tại tinh xá Nigrotha thành Ca tì la vệ. Dân chúng ở đây vừa dựng một giảng đường cho các sa môn, bà la môn sử dụng. Khi khánh thành, họ cung thỉnh Phật và chúng tỳ kheo đến ngôi giảng đường ấy trước tiên, để cầu phước.

Ðức Phật im lặng nhận lời. Dân chúng trở về xếp đặt chỗ ngồi cho Phật và chư tăng trong giảng đường, đặt ghè nước rửa chân, treo đèn dầu thắp sẵn, (buổi lạc thành có lẽ đã về chiều). Rồi họ đến thỉnh Phật và chư tăng. Ðức Thế tôn đắp y, mang y bát cùng chúng tỳ kheo đi đến giảng đường. Ngài rửa chân, ngồi vào chỗ dành sẵn. Chúng tỳ kheo cũng rửa chân rồi vào ngồi quanh, đối diện với đức Phật trong giảng đường. Sau khi chúng tỳ kheo và các vị trong dòng họ Sakya đã an tọa, Thế tôn thuyết pháp đến quá nửa đêm, khích lệ, làm cho hoan hỉ phấn khởi các vị Sakya ở Ca tì la vệ. Rồi ngài bảo tôn giả A nan:

- Thầy A nan, thầy hãy giảng Hữu học đạo cho các vị Sakya. Tôi bị đau lưng. Tôi muốn nằm nghỉ.

Rồi đức Thế tôn trải chiếc đại y ra gấp làm bốn mà nằm xuống hông bên phải, chánh niệm tỉnh giác. Khi ấy tôn giả A nan giảng cho các vị Sakya về sự tu tập của một vị thánh đệ tử, gồm sáu việc như sau:

- Một là thành tựu giới hạnh, sống đúng theo giới bản tỳ kheo, đầy đủ uy nghi, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ.

- Hai là hộ trì các giác quan, nghĩa là khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng...không nắm giữ tướng chung (như toàn thể một con người), không nắm giữ tướng riêng (như đôi mắt, tướng đi của người nào). Những nguyên nhân gì khiến tham ái ưu bi khởi lên, vị tỳ kheo chế ngự nguyên nhân ấy, giữ gìn giác quan và tâm ý.

- Thứ ba là tiệt độ trong sự ăn uống. Vị tỳ kheo nhận và dùng thực phẩm với sự quán sát rằng ta ăn không phải để vui đùa, không để đam mê, không để trang sức, mà chỉ để thân này khỏi khổ vì đói, để giữ gìn phạm hạnh. Vị ấy ăn để trừ cảm thọ cũ là cơn đói, mà không làm phát sinh cảm thọ mới như tham vị ngon.

- Thứ tư là chú tâm cảnh giác các pháp bất thiện có thể khởi lên trong từng uy nghi đi đứng nằm ngồi, vào mọi lúc.

- Thứ năm là thành tựu bảy diệu pháp: Tín (tin tưởng vào khả năng tự giác), Tàm (tự thẹn, không làm bấy khi ở một mình), Quý (thẹn với người khác, không làm bậy khi ở chung), Ða văn (nghe, học nhiều về Pháp), Tinh tiến (siêng năng về việc lành), Niệm (nhớ nghĩ chân chánh), Tuệ (sáng suốt) và Trạch pháp (biết chọn lọc các pháp để tu tập).

- Thứ sáu là có khả năng chứng và an trú bốn thiền một cách dễ dàng.

Khi một vị thánh đệ tử thành tựu được sáu việc kể trên, vị ấy được gọi là đang đi trên đạo lộ bậc Hữu học, có trứng không bị hư hoại, có khả năng giác ngộ. Ví như một con gà mái có trứng khéo ấp, khéo ủ, thì dù nó không cầu mong, gà con vẫn nở ra. Vị tỳ kheo cũng thế, nếu hoàn tất được sáu việc trên thì sẽ thành tựu ba sự sáng suốt, giống như gà con ba lần phá vỡ vỏ trứng để chui ra:

- Vị ấy chứng túc mạng minh, nhớ được các đời trước, đó là sự phá vỡ đầu tiên.

- Vị ấy chứng thiên nhãn minh, thấy rõ hành nghiệp chúng sinh người đẹp kẻ xấu người sang kẻ hèn đều do nguyên nhân chúng tự tạo ra từ đời trước. Ðấy là sự phá vỡ thứ hai.

- Vị ấy đoạn tận lậu hoặc (phiền não mê lầm), chứng vô lậu Tâm giải thoát (giải thoát nhờ thiền định), Tuệ giải thoát (nhờ trí tuệ). Ðó là sự phá vỡ cuối cùng, để con gà con bước ra ngoài ánh sáng.

Sáu pháp hữu học thuộc về HẠNH đức, ba minh thuộc về TRÍ đức, thành tựu được như vậy, vị thánh đệ tự được gọi là bậc MINH HẠNH TÚC.

Khi tôn giả A nan giảng xong, đức Thế tôn ngồi dậy, khen ngợi tôn giả, và bảo các vị Sakya rằng: "Những lời thầy A nan nói không khác gì lời đức Như lai, các ngươi hãy ghi nhận như vậy."

Trên đây là kinh thuật theo kinh Hữu học về một buổi lạc thành nhà mới vào thời Phật. Ngày nay, thiết nghĩ Phật tử chúng ta rất nên làm sống lại truyền thống tốt đẹp này. Mỗi khi cúng tân gia hay bất cứ lễ lạc gì, thay vì bày biến ăn uống linh đình tốn kém, hãy thỉnh một vị giảng sư về giảng Pháp cho toàn gia nghe. Như vậy cũng tốt như trai đàn chẩn tế, mà lại ít tốn và ít ồn.


Nguồn tin: GHPGVN
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 79
  • Hôm nay: 6257
  • Tháng hiện tại: 1358452
  • Tổng lượt truy cập: 59011385

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile