Ðền thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan tại Hưng Yên.
Phải đến khi người ta được đọc bài diễn ca viết bằng chữ Nôm Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn của Trương Thị Ngọc Trong, mới biết rõ tên thật của Linh nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan. Bản diễn ca này (chúng tôi xin gọi tắt là Diễn ca thần tích) gồm 606 câu, tác giả viết năm Cảnh Hưng thứ 20 đời Lê Hiển Tông, 1759, được chép trong cuốn gia phả Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả (hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.959).
Theo học giả Hoàng Xuân Hãn, trước năm 1949, đã có bản phiên âm Diễn ca thần tích, nhưng ông không nói rõ ai phiên âm. Ðến năm 1993, giới quan tâm và bạn đọc mới biết đến bản Diễn ca thần tích in trong cuốn sách Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Tạ Ngọc Liễn phiên âm, do Hội Sử học và UBND xã Như Quỳnh xuất bản. Trong tác phẩm Diễn ca thần tích, ghi rõ là tác giả soạn bài diễn ca để phụng sự ở đền thờ bà Ỷ Lan tại thôn Ngọc Kinh (nay là thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, Hưng Yên). Thật may mắn, bài diễn ca của Trương Thị Ngọc Trong đã cho chúng ta biết khá đầy đủ về thân thế Hoàng thái hậu Ỷ Lan, trong đó nói rõ tên thật của bà là Lê Thị Khiết.
Cuốn Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả (sau đây xin gọi tắt là Thế phả họ Trương) không cho biết rõ năm sinh năm mất của bà Ngọc Trong. Dưới bản Diễn ca thần tích tác giả ghi thời gian hoàn thành là tháng Tám năm 1759, có thể suy đoán bà sống khoảng thời gian từ năm 1700 đến 1770. Gia phả cho biết, họ Trương gốc ở làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, xứ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa). Tổ phụ là Trương Lôi đã theo Lê Lợi khởi nghĩa chống xâm lược Minh. Do lập được nhiều công trạng, Trương Lôi được ban quốc tính, mang họ Lê, xếp vào hàng công thần khai quốc.
Diễn ca thần tích viết dưới dạng kể lại sự tích Linh nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan, bằng 558 câu thơ quốc âm theo thể lục bát và hai bài kệ chữ Hán thể ngũ ngôn tứ tuyệt. Nội dung tóm lược tác phẩm: Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Khiết Nương (nàng Khiết), cha là người nông dân họ Lê, người thôn Thổ Lỗi (như diễn ca viết Lỗi hương chốn ấy có nhà họ Lê), huyện Gia Lâm. Năm Khiết Nương 12 tuổi thì mẹ đẻ mất, cha lấy mẹ kế họ Ðồng; không lâu sau thì cha cũng qua đời, Khiết Nương sống với mẹ kế. Hai người rất thương quý nhau. Khiết Nương thường đi lễ chùa làng, cầu duyên. Năm Giáp Thìn 1064, vua Lý Thánh Tông đã 38 tuổi mà chưa có con, đến chùa Thổ Lỗi cầu tự, rồi cho tổ chức hội để tuyển cung nữ tại vùng quê này. Trong khi mọi người nô nức đi hội, là con nhà nghèo, Khiết Nương vẫn đi làm cỏ ngoài ruộng. Một ông hàng dầu đi qua, trò chuyện với Khiết Nương, thấy ở trên đầu nàng có đám mây ngũ sắc, đã đoán rằng Khiết Nương sẽ là cung phi. Vua Lý Thánh Tông thấy Khiết Nương một mình bên đám cỏ lan, lấy làm lạ, đã cho gọi vào hỏi chuyện, rồi cho đón vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Một thời gian sau, theo lời vua, Ỷ Lan sai một Thái giám là Nguyễn Bông đi cầu tự. Tới chùa Thánh chúa ở làng Vòng (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Bông gặp nhà sư Ðại Ðiên, được Ðại Ðiên bày kế cho Bông đầu thai để làm vua ở kiếp sau. Nguyễn Bông rình nhìn trộm Ỷ Lan tắm, bị bắt quả tang. Bông bị tội chém (ở làng Vòng có cánh đồng Bông, tương truyền là nơi xử tội Nguyễn Bông), Ỷ Lan có thai, đủ mười tháng thì sinh Thái tử Càn Ðức và được phong làm Thần phi. Vài năm sau, bà lại sinh Hoàng tử (sau được phong là Sùng Hiền hầu).
Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Lý Càn Ðức nối ngôi lúc còn nhỏ tuổi, nên Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tạm cầm quyền chính trị. Trong thời gian nhiếp chính, bà có cho xây dựng nhiều chùa chiền ở nhiều nơi... Lý Nhân Tông không có con. Học trò của sư Ðại Ðiên cho rằng, Lý Nhân Tông do Thái giám Nguyễn Bông đầu thai nên không thể có con. Lý Nhân Tông cùng Thái hậu bèn nuôi con trai của Sùng Hiền hầu là Dương Hoán và lập làm Thái tử. Dương Hoán lại là hóa thân của thiền sư Từ Ðạo Hạnh, sau lên ngôi với hiệu là Lý Thần Tông. Cuối bài diễn ca nêu rằng, Khiết Nương nhờ tin vào đạo Phật, có công đức nên được giàu sang danh vọng, khi mất hóa thành Phật. Câu kết diễn ca viết rằng:
Ðời sau lấy đấy làm gương
Làm phúc được phúc, tỏ tường chép ghi.
Cuối văn bản Diễn ca thần tích có ghi rõ: Thượng hòa Thị nội cung tần phủ chính Trương Thị Ngọc Trong người thôn Lê Xá, xã Như Quỳnh soạn viết. Phủ miếu Chí Nguyên vâng giữ bản khắc. Như vậy, Diễn ca thần tích của Trương Thị Ngọc Trong đã được khắc ván in, nơi lưu giữ mộc bản là phủ miếu Chí Nguyên. Trong Thế phả họ Trương, phần Biệt phả, khi chép về Ngọc Chữ (con gái đầu của Trương Dự, đời thứ bảy), có viết việc sau khi Trịnh Cương (con của Ngọc Chữ) lên ngôi chúa đã cho dùng toàn gạch, đá, gỗ và ngói tu sửa Gia miếu họ Trương ở thôn Lê Xá, xã Như Quỳnh, và đổi gọi là phủ miếu Chí Nguyên. Theo các cụ cố lão truyền lại thì phủ miếu Chí Nguyên được dựng trên khuôn viên rộng hơn ba mẫu Bắc Bộ (chừng hơn 10 nghìn mét vuông), quy mô khá đồ sộ, nhưng đã bị quân của Nguyễn Hữu Chỉnh về đốt phá, hầu như san bằng năm 1786. Các đồ tế khí và di vật ở phủ miếu Chí Nguyên, có thể có cả mộc bản Diễn ca thần tích, đã bị lấy đi hoặc bị đốt hết cả.
Mộc bản Diễn ca thần tích không còn, nhà thờ họ Trương chỉ còn cuốn gia phả bằng chữ Hán, Như Quỳnh gia phả lược biên, do người cháu là Trương Phát kính cẩn chép ngày 2 tháng 3 niên hiệu Thành Thái thứ mười bảy, 1905. Như vậy, văn bản chữ Nôm Diễn ca thần tích chép trong cuốn Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có thể coi là bản gốc.
Trong Diễn ca thần tích, những sự kiện chính yếu như việc vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Thổ Lỗi, thấy Ỷ Lan bên đám cỏ lan, như việc Ỷ Lan phu nhân sinh thái tử Càn Ðức, việc Ỷ Lan Hoàng Thái hậu tạm nắm quyền chính sự... khá khớp với chính sử đã chép. Bản diễn ca thần tích một nhân vật lịch sử sau khi mất đã trở thành một phúc thần, như tác giả đã nêu mục đích viết, là để phụng sự ở đền thờ bà Ỷ Lan, nên có những chi tiết huyền thoại, thần thánh hóa theo truyền tụng trong dân gian. Ta đọc Diễn ca thần tích, là đọc một tác phẩm văn chương của tác giả Trương Thị Ngọc Trong sáng tác. Chữ Nôm nửa đầu thế kỷ 18 được tác giả viết rất nhuần nhị, dân dã, như đoạn Khiết Nương đi làm cỏ buổi Vua Lý tổ chức hội tuyển cung nữ:
Cứ ngày mai sớm bửng tưng(1)
Khiết Nương mai, cuốc việc hằng ra đi.
Xa nghe chiêng trống một khi
Ðồn rằng xe ngọc(2) ngự về Lỗi hương
Tiêu thiều(3) nhạc vỗ dậy vang
Rợp ngàn cờ mở tán trương sáng lòa...
Và, đoạn viết về Linh nhân Hoàng Thái hậu và Lý Nhân Tông về cõi Phật, lời văn đẹp đẽ, tình thơ sâu đậm mà thành kính:
Gió đưa sực nức hương hòe,
Nhân Tông, Thái Hậu ngự về Tây phương(4)
Ủ ê cỏ nội hoa tường
Chuông kêu núi lở, cảm thương muôn phần...
Không chỉ viết văn Nôm một cách trong sáng, nhuần nhị, thơ chữ Hán của tài nữ Trương Thị Ngọc Trong cũng đạt tới ngôn ngữ thơ chuẩn mực. Trong Diễn ca thần tích, có hai bài kệ bà viết bằng chữ Hán (ở bài viết này, chúng tôi dùng bản phiên âm và dịch thơ của Tiến sĩ Trương Ðức Quả):
Kệ rằng:
Nhất bát công đức thủy
Tùy duyên mãn thế gian
Quang quang trường chiếu chúc
Ảnh một nhật đăng san.
Dịch thơ:
Một bát nước công đức,
Ðộ nhuần khắp thế gian
Như đuốc ngời sáng mãi,
Ðuốc tàn, mặt trời lên.
Vậy là, qua Thế phả họ Trương, ta được biết, nửa đầu thế kỷ 18, nước ta có một tài nữ là Trương Thị Ngọc Trong, tác giả bản Diễn ca thần tích dài 606 câu, trong đó, ngoài hai bài kệ chữ Hán, còn tất cả là thơ Nôm thể lục bát.
-------------
(1): Sớm tửng bưng là lúc mới tang tảng sáng.
(2): Xe ngọc, cũng như xe rồng, của các bậc vua chúa dùng.
(3): Tiêu thiều, là giọng tiêu cất khúc nhạc thiều; tiêu thiều ở đây chỉ chung khúc nhạc dùng cho nghi lễ của nhà vua.
(4): Tây phương, chỉ cõi Phật. Câu này ý nói Lý Nhân Tông và Thái Hậu đều đã mất.
thần tích, diễn ca, của trương, linh nhân, gia phả, họ lê, vua lý, thánh tông, có con, cầu tự, thái tử
Mã an toàn:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa) Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta) Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...
Ý kiến bạn đọc