Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

22. Tổ Ma-Noa-La (Manorhita)

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/05/2012 13:10 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
BA MƯƠI BA VỊ TỔ ẤN-HOA H.T Thích Thanh Từ soạn dịch Tu Viện Chơn Không 1971 Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành - PL. 2534 - 1990

22. Tổ Ma-Noa-La (Manorhita)

Đầu thế kỷ thứ chín sau Phật Niết-bàn.

22. Tổ Ma-Noa-La (Manorhita)

Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở nước Na-Đề, cha là Thường-Tự-Tại vua nước này. Ngài là con thứ ba của vua, khi sanh ra có nhiều điềm lạ, nên vua không dám lấy việc thế tục ràng buộc. Khi gặp Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu, Ngài được 30 tuổi, vua cha cho phép xuất gia theo Tổ. Sau Ngài được Tổ truyền tâm pháp.

Ngài sang Tây-ấn giáo hóa. Vua nước này họ Cù-Đàm tên Đắc-Độ hằng sùng Phật pháp tinh tấn tu hành. Bảy năm hành đạo tại Long cung. Một hôm, bỗng hiện một bảo tháp xanh huyền bề cao một thước tư, ngay chổ vua tu hành. Vua đích thân lại bưng lên để thờ, nhưng bưng không nổi, lính hộ vệ họp lực nhấc lên cũng không lay chuyển. Sau cùng vua phải mở đại hội triệu tập tất cả lực sĩ, tăng sĩ, phạm-chí, chú-thuật… để hỏi nguyên nhân bảo tháp xuất hiện và dời lên thờ. Trong cuộc hội này, Ngài cũng đến dự. Trước tiên những lực sĩ ra sức nhấc tháp lên không lay động. Kế các nhà chú-thuật dùng thần chú cũng bất lực. Sau cùng Ngài Ma-Noa-La bước ra giải thích:


- Tháp này do vua A-Dục tạo ra để thờ xá-lợi của Phật. Bốn mặt đều có chạm hình tiền thân Phật Thích-Ca khi còn làm hạnh Bồ-Tát. Ngày nay do đại-vương có duyên phước lớn nên tháp này mới hiện.

Nói xong, Ngài lại nhấc bảo tháp để trên bàn thờ. Vua và toàn chúng hết lòng kính phục. Vua thưa:

- Xin Tôn-giả dạy cho chúng tôi những Phập pháp gì cần học ?

Ngài bảo:

- Muốn học Phật pháp phải bỏ ba vật và đủ bảy việc.

Vua thưa:

- Ba vật gì phải bỏ và đủ bảy việc gì ?

Ngài đáp:

- Tham, sân, si là ba vật phải bỏ. Đủ bảy việc là:

1)- đại từ,

2)- hoan hỷ,

3)- vô ngã,

4)- dũng mãnh,

5)- nhiêu ích,

6)- hàng ma,

7)- vô chứng.

Vua Đắc-Độ nghe xong cảm ngộ, rất tiếc mình được hiểu quá muộn. Tự than:

- Bậc chí thành khó gặp, sự vui trong đời có gì lâu dài !

Vua cho đòi thái tử đến giao hết việc nước, xin theo Ngài xuất gia học đạo. Ngài triệu tập các vị thánh chúng đến hoàng cung làm lễ xuất gia và truyền giới cho vua. Xuất gia tu không bao lâu, vua Đắc-Độ chứng được quả thánh. Ngài dạy Đắc-Độ ở lại trong nước giáo hóa, còn Ngài sang nước Nguyệt-Chi tìm người kế truyền.

Ngài Ma-Noa-La và tăng chúng đến nước Nguyệt-Chi. Vua nước này là Bảo-Ấn và Tỳ-kheo Hạc-Lặc-Na đồng đón tiếp, thỉnh về nội cung. Hạc-Lặc-Na đem việc Long-Tử hỏi trước:

- Thưa Tôn-giả ! Tôi có một đứa đệ tử tên Long-Tử tuổi tuy còn nhỏ mà thông minh tuyệt vời. Tôi thường nhập định tìm nguyên nhân đời trước mà không thấy manh mối, hôm nay gặp đây xin Tôn-giả chỉ dạy cho ?

Ngài hỏi:

- Ông nhập định quán thấy được mấy kiếp ?

Hạc-Lặc-Na thưa:

-Tôi chỉ thấy được ba đời.

Ngài bảo:

- Đệ tử của ông trong kiếp thứ năm đã sanh trong nhà Bà-la-môn giàu có tại nước Diệu-Hỷ. Khi ấy, trong nước có ngôi chùa mới khánh thành cái đại hồng chung. Con ông Bà-la-môn này dùng gỗ chiên đàn tiện cái chày dộng chuông cúng chùa. Nhờ chày này giúp cho người được nghe chuông thức tỉnh. Bởi quả báo ấy, nên nay nó sanh ra được thông minh.

Hạc-Lặc-Na lại hỏi:

- Riêng tôi không biết duyên gì mà cảm được bầy hạc thường theo, xin Tôn-giả chỉ dạy?

Ngài bảo:

- Xưa ông trong kiếp thứ tư làm vị Tỳ-kheo đạo đức được đầy đủ, có đến 500 đệ tử mỗi khi Long cung thỉnh ông cúng dường, ông xét trong hàng đệ tử không có người đủ phước đức thọ Long cung cúng nên ông chỉ đi một mình.

Nhóm đệ tử bất mãn nói:

- Thầy thường thuyết pháp nói: "đối sự ăn uống bình đẳng, đối với pháp cũng bình đẳng, mà nay thầy đi thọ trai một mình !".

Sau Long cung thỉnh, ông đều cho chúng đi theo. Bởi họ chưa đủ đức mà nặng về sự ăn uống, nên sau khi tịch diệt, chúng ấy lần lượt chết sanh trong loài có cánh. Đã trải qua năm kiếp, nay họ lại làm thân hạc. Do nhân duyên thầy trò kiếp trước nên nay chúng cảm mến ông. Hạc-Lặc-Na cảm động, lại hỏi:

- Nay phải tu pháp gì để giúp chúng trở lại làm người ?

Ngài bảo:

- Ta có pháp bảo vô thượng, là kho tàng Như-Lai, Thế-Tôn xưa trao cho Tổ Ca-Diếp lần lượt đến ta, nay ta trao cho ông, ông nên truyền bá chớ nên để dứt mất.

Nghe ta nói kệ:

                    Tâm tùy vạn cảnh chuyển,
                    Chuyển xứ thật năng u,
                    Tùy lưu nhận đắc tánh,
                    Vô hỷ diệc vô ưu .

        Dịch:

                    Tâm theo muôn cảnh chuyển,
                    Chổ chuyển thật kín sâu,
                    Theo dòng nhận được tánh,
                    Không mừng cũng không lo 

Hạc-Lặc-Na vui vẻ kính vâng phụng hành. Ngài truyền pháp xong, ngay chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch. Chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp thờ .

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 496
  • Hôm nay: 28251
  • Tháng hiện tại: 28251
  • Tổng lượt truy cập: 81579230

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile