Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

HỒI KÝ VỀ MẸ

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/06/2012 12:22 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
HỒI KÝ VỀ MẸ

HỒI KÝ VỀ MẸ

HỒI KÝ VỀ MẸ

HỒI KÝ VỀ MẸ
 

Hôm nay là ngày 1/8/2010 nhằm ngày 21/6 năm Canh Dần tại đạo tràng Trúc Lâm Thái Tuệ chùa Thiền Lâm.
Khi tôi nêu lên đề tài này ắt hẳn quý vị đã biết rằng trên ngực áo tôi sẽ được cài lên một bông hồng trắng, nghĩa là mẹ tôi không còn sống trên thế gian này nữa. Sở dĩ hôm nay chúng tôi chia sẻ với quý vị tập “hồi ký về mẹ” bởi vì chúng ta đang trong mùa an cư tức mùa Vu lan nghĩa là mùa chúng ta nhớ về mẹ, thâm ân của cha mẹ để nghĩ đến cách đền đáp, và xin thưa trước rằng cách xưng hô trong bài này là cách tác giả đang nói chuyện với mẹ của mình.

Mẹ ơi!
Con không muốn và không thích nghĩ rằng con bắt đầu viết hồi ký về mẹ, đúng nhất đây là mớ vọng tưởng lằng nhằng, lông bông, phát xuất từ một tâm hồn bất định đang bị vùi dập bởi bão dông. Mẹ đã từng đi qua, từng nếm trải mật ngọt của tình yêu, trái đắng của khổ đau và giá băng của cái chết. Những chặng đường mẹ đã qua với bình sinh nặng nhọc và nhiều đớn thống. Con cứ mơ hồ tưởng chừng như vừa ngủ một giấc chiêm bao, chợt bị đánh thức bởi tiếng chim xao xác ngoài vườn giữa trưa, trong cái cảm giác quạnh hiu, vắng lặng. Con chỉ  muốn ôm mặt khóc òa và kêu lên: “ẹ ơi! Mẹ đâu rồi? Mẹ đang làm gì?” Con cũng như bé Phước Trí mỗi hôm đi học về láu táu chạy khắp nhà kêu inh ỏi, đến khi nắm được cánh tay mẹ nó, thằng bé ra chiều hý hửng vui sướng hơn được quà ngon. Tếng con gọi không có tiếng đáp mà chỉ có âm vang vọng lại …

Thuở bé, trên môi các con không ngớt tiếng “ Má ơi!” mỗi chút khó khăn trong công việc vặt vãnh, mỗi điều gì gây khó chịu cho thân tâm, như một cái gai đâm vào chân, vài con bọ mắt cắn cánh tay hay bị con ong cái kiến đốt, con đã mếu máo, xuýt xoa gọi mẹ. Một cơn cảm xoàng ấm đầu xổ mũi vừa phát là con đã nằm rên rỉ gọi mẹ.
Từ lúc con bé thơ,mắt nào đã mòn mỏi trắng đêm thao thức bên nôi, mắt nào âu yếm nhìn con ngủ say, mắt nào trìu mến khi thấy con vui  vẻ chơi đùa với chúng bạn, mắt nào long lanh sung sướng khi nghe con được khen thưởng, hoặc thấy con làm điều phước đức, mắt nào đăm chiêu lo lắng khi con nằm vùi nóng sốt, mắt nào để ý từng đốt muỗi cắn, từng hột sảy, từng chiếc mụn li ti trên thân con, mắt nào đã đi suốt vào tâm can con biết con đang nghĩ gì, mong muốn gì, ưa thích gì mỗi khi mẹ dắt con đi chợ mua quà, mắt nào đau đáu nhớ con khi con đi xa tu học, mắt nào chan chứa lệ sầu khi mẹ cảm thấy bất lực, không thể giúp gì cho con cái, mắt nào đầy hờn tủi mỗi khi nhắc lại những nỗi đắng cay của một người vợ, mắt nào có tia nhìn đau thương hơn tiếng khóc và … mắt nào chỉ một lần khép kín mà mãi mãi vẫn theo dõi từng đứa con, từng bước chân con đang bước tới trong sa mạc sinh tử mênh mông.

                    Thuở bé lên chùa theo gót mẹ,
                    Gió lay tà áo thoảng hương trầm
                    Ngồi bên lan nhã lòng thanh thoát
                    Tiếng Phật êm đềm ngát cõi tâm.  

Thuở lên năm, mẹ dẫn con đi chùa tụng kinh, laỵ Phật, hầu như chiều nào cũng đi, hôm nào mẹ bận thì con đi với ngoại. Có thể nói tâm thức trẻ thơ hồn nhiên của con được mẹ chăm bón, tưới tẩm bằng những điều thiện lành, có thể nói đấy là nền tảng cho cuộc đời tu hành của con sau này. Từ ấy, con đã thích khoảng không gian tịch tĩnh. Tiếng Phật hiệu chốn già lam thanh tịnh nghe sao êm đềm quá! Đứng trong chánh điện, nhìn hai tay mẹ chắp như hoa sen, nhưng mẹ khen con mới đúng thật là chắp tay hoa và mẹ muốn con là hoa sen của đức Phật.

                    Lớn dù ham học vẫn không quên
                    Thực hiện nguyện xưa của mẹ hiền
                    Mẹ muốn con làm tăng sĩ trẻ
                    Tu hành đạt đến chỗ uyên nguyên

Ngày xưa con nằm trong cánh tay mẹ ngủ ngon lành, mẹ tập cho con đi, con chạy nhảy. Tay nào sờ trên trán con mỗi đêm, tay nào kéo chăn đắp cho con, tay nào chăm sóc chúng con từ chồi măng non cho đến tuổi trưởng thành. Từng miếng ăn, giấc ngủ, từng cái áo, cái quần, đôi giầy, đôi dép, có một thứ gì của con mà không được bàn tay mẹ đặt vào? Bàn tay mẹ có bao giờ được tô chuốt màu hồng hạnh, cũng chẳng hề thấy mẹ lưu tâm đến vẻ đẹp của nó. Đôi tay gân guốc nhiều vết chai vì làm bếp, vì chặt củi, nhưng sao vẫn dịu dàng êm ái khi mẹ may vá hoặc vuốt ve con. Bàn tay mẹ đã cho con thức ăn ngon, cho con áo đẹp, bàn tay mẹ đã cho con tuổi thơ thiên đường.

Lúc nhỏ đi chùa quan sát thấy trong chùa đâu còn bàn tay nào của mẹ, với quy luật của thiền môn, mọi việc nhất nhất chư tăng phải tự làm lấy, đồ dơ phải tự giặt, quần áo rách phải tự vá. Thuở ở nhà với mẹ, đi học về là cơm canh mẹ dọn sẵn, chỉ việc ngồi vào bàn, ăn xong chỉ việc đứng dậy đi, vì có mẹ lo hết. Vào đây thì khác, phải tự làm tất cả và mới cảm thấy có mẹ là hạnh phúc, là sung sướng vô cùng.

                        Từ đấy yên vui chốn cửa thiền
                        Đường xưa chốn cũ đã từng quen
                        Giọt nước nguồn Tào ôi lóng lánh!
                        Nguyên viễn lưu trường* trong mát thêm.

(Nguyên viễn lưu trường : Nguồn xa dòng dài, ý nói mạng mạch Thiền tông rất lâu xa).

Lớn lên, con xa mẹ vào chùa đi tu, lần đầu tiên con rời khỏi vòng tay ấm áp của mẹ. Con còn nhớ lúc đó con cũng đã lớn rổi, mười chín tuổi còn gì! Ấy thế mà khi trời chạng vạng từ thiền viện nhìn ngược lên đỉnh núi Lớn, thấy vẻ uy nghi, sừng sững cô liêu của núi, con bỗng nhớ mẹ ơi là nhớ! Chả trách các chú tiểu La Vân hiện giờ tại Thường Chiếu, ban ngày vui vẻ sinh hoạt là thế, nhưng màn đêm vừa buông xuống, chú thì ôm góc cột, chú thì lăn ra giường mếu máo bảo rằng nhớ mẹ, rất ít khi nói nhớ ba, và hình như chiều nào cũng lặp lại điệp khúc ấy. Thì ra hình bóng của mỗi bà mẹ yêu dấu đều in đậm nét trong tâm khảm của mỗi người con. Có thể nói, bên cạnh từ dung uy nghiêm của đức Phật, hình ảnh mẹ hiền mãi mãi theo dõi suốt đời con. Và rồi vì nhớ con, mẹ cũng vào thiền viện và ba cũng nối gót vào thiền viện, được Thầy viện chủ (tức HT Trúc Lâm bây giờ) cấp đất cất hai cái thất, một cho ba, một cho mẹ trong khuôn viên thiền viện. Hạnh phúc thế mà con không nhận ra.

Khi mới vào đạo, với tâm dũng liệt ban đầu đôi khi con làm mẹ đau lòng không ít, bởi vì hiểu lầm những lời dạy trong luật Sadi dạy người xuất gia:

                        Hủy hình thủ khí tiết
                        Cát ái từ sở thân

Nên lắm lúc con có những thái độ lạnh nhạt, xa lánh mẹ và vì bận rộn học hành tu niệm nên con ít khi nghĩ đến mẹ.

Nhờ biết được đạo lý trong lúc tu học nên con dần dần tự lập, tự chủ được. Hạt giống năm xưa đã nầy mầm nên con cảm thấy yên vui với nếp sống nơi thiền viện; giọt nước Tào Khê ngày càng lóng lánh, càng ở thiền viện lâu, tâm hồn con càng cảm thấy trong mát. Sau 75, tình hình không cho phép ở trên núi đông đảo nên ba mẹ phải trở lại nhà, chỉ còn anh em con ở lại với Thầy và xuống Thường Chiếu canh tác. Thỉnh thoảng con về thăm nhà, nhưng con đã bỏ quên mẹ mất rồi, không còn nhìn mẹ như hồi con còn nhỏ, cũng không lưu ý đến đôi mắt, bàn tay, tiếng cười của mẹ nữa; con nói chuyện đâu đâu về đạo lý, học hành rồi lại vội vàng thưa mẹ ra đi. Cho đến một hôm:

                       Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
                       Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
                       Ví mà con đổi thời gian được
                       Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Con nhớ là lúc đó con đang học khóa Hán Nôm ở thành phố, đã nghe tin mẹ trở bệnh từ vài hôm trước, bỗng nghe mẹ gọi điện thoại bảo con về, giọng mẹ nghe yếu và buồn lắm và khi con về đến nơi là không kịp nữa rồi! và mãi đến bây giờ, con vẫn còn nguyện ước phải chi con níu được bánh xe thời gian, đánh đổi được cuộc đời mình để nhìn, để nghe được giọng cười của mẹ. Thưa, có muộn màng quá không, hở mẹ!

Con nghe chị con kể lại, lúc hấp hối mẹ bảo: “Con ơi! Thở cũng khó khăn quá phải không?”. Tội nghiệp mẹ quá! Lúc mẹ thốt ra câu nói này, anh con nằm kề mặt sát tai mẹ niệm Phật. Hơi thở mẹ càng yếu dần, thoi thóp, hơi thở càng lúc càng lạnh lùng, rờn rợn, và một cái trút hơi cuối cùng biểu thị sự phấn đấu kết thúc. Mẹ ơi! Sống không dễ và chết cũng chẳng dễ khi chúng ta vẫn còn bị đeo đẳng bởi nghiệp thức và vô minh.

                       Sanh tử in như giấc mộng cuồng

HTML clipboardBao giờ nhận thức được như thế chắc người đi kẻ ở chẳng có gì để bi thương, ngậm ngùi. Ấy thế mà con nghe ruột mềm, cân não muốn vỡ tung ra, huyết mạch như ngưng đọng, con muốn chết ngất, lịm người bên hình hài giá lạnh của mẹ.

                        Lòng con trẻ như giọt sương, hạt bụi
                        Ân mẫu từ vời vợi ngất non xanh
                        Biết bao giờ tấc dạ cỏ thơm non 
                        Vươn mát tới ánh xuân nồng ấp ủ.

 Tôi mượn ý trong bài “Du tử ngâm” của Mạnh Giao đời Đường:

                        Từ mẫu thủ trung tuyến
                        Du tử thân thượng y
                        Lâm hành mật mật phùng
                        Ý khủng trì trì quy
                        Thùy ngôn thốn thảo tâm
                        Báo đắc tam xuân huy.

Dịch xuôi

Sợi chỉ trong tay mẹ hiền nay đang ở trên áo người đi xa. Lúc mới lên đường, mẹ khâu kỹ càng, có ý sợ con chậm trễ trở về. Ai dám nói rằng tấm lòng của một tấc cỏ lại có thể báo đáp được ánh nắng của ba xuân?

Đã gần 50, Mạnh Giao mới có cơ hội cho mẹ được một nơi ấm cúng, an nhàn.  Trong khi mẹ cũng đã quên ngày tháng cứ tiếp tục lo cho con cho hết quãng đời mà không có biết con mình bao nhiêu tuổi.  

Tác giả khéo léo dùng kim chỉ rồi đến cái áo mặc trên mình để diễn tả tình thân của mẹ, “mẫu tử tương y”.  Nếu không kim chỉ thì sao lại được chiếc áo.  Cũng nên nhớ rằng Mạnh Giao sớm mất cha.  Mẹ lại phải gánh vác cả chức năng của một người cha do đó công ơn dưỡng dục đều qui về mẹ.  Cứ mỗi lần lên Trường An ứng thí biết bao là vật vả và tốn kém.  Có thể cả ba, bốn tháng dài.  Sự trông ngóng, nhớ thương con, mong con sớm về là điều hẳn nhiên.  

Mạnh Giao thì khi nhìn thấy mẹ cặm cụi trong kim chỉ nhưng lòng lo lắng của bà không tránh được ánh mắt của con.  Sự cảm xúc nầy dẫn cho ông có cảm giác ông chỉ là một cọng cỏ nhỏ nhoi trong muôn ngàn cọng cỏ đang hưởng ánh nắng mùa xuân chan hòa của mẹ.  Mà công ơn nầy không bao giờ trả hết.

Tôi  giống như chàng du tử trong bài “Du tử ngâm” kia, từ giã mẹ đi xa (ánh nắng xuân: tình yêu ấm áp của mẹ bao la quá, tình con như tấc cỏ nhỏ nhoi không vươn tới nổi)

Trong mơ con thấy mẹ hiện về, an ủi, động viên con  vững  bước tu tập. Và hằng đêm, con thao thức chiêm nghiệm lẽ vô thường của kiếp người, vô thường đã cướp đi người mẹ thân yêu của chúng con.

                    Đâu cõi bờ xa hút bóng chim  
                    Con ngoan dơm dớm mắt trông tìm
                    Bao giờ mưa hết vươn tình đất
                    Lời suối cam tuyền ru giấc tiên.

Mẹ như cánh chim trời bay xa hút mắt, bỏ con bơ vơ lạc lỏng trong cuộc đời, mỗi lần nhớ đến mẹ là nước mắt lại trào ra! Mặc dù con tự răn mình, mình là người xuất gia, là thiền sinh thì không được yếu đuối như thế! Nhưng mẹ ơi! Con nghĩ yêu thương cha mẹ thì chắc Phật không rầy đâu!

Dù cho mưa đến mấy đi nữa thì cũng không thấm hết được vào đất, đây là ý nghĩa của câu Bao giờ mưa hết vươn tình đất. Nói rộng ra, tình mẹ như mưa chan rãi hết mức, song nhu cầu của các con lớn quá, rộng quá như đất nên không thấy đủ, lúc nào chúng con cũng cần tình yêu của mẹ. Cũng như cần đến lời ru của mẹ, ngọt êm như dòng suối, chúng con dù ngủ yên trong tình yêu của mẹ cả đời vẫn không thấy đủ.

Nhiều khi con cảm thấy đau xót đến độ không thể cầm bút để viết gì được nữa, vì mối cảm xúc sẽ trào dâng tràn ngập, khiến con không chế ngự được lòng mình khi nhắc nhở những gì thân yêu mẹ đã ban cho con và hoài niệm những nỗi đớn đau mà mẹ đã cưu mang trọn kiếp phù sinh. Dù con  luôn luôn biết chiếc thân tứ đại là sương khói, là huyễn ảo, là cát bụi sa mù … nhưng khi đối diện với cuộc phân ly vĩnh viễn, con nghe lòng mình chùng xuống và nỗi bất hạnh, buồn sầu vây bủa quanh con. Một khoảng trống thật lớn, thật sâu đang bày ra nơi nội tâm của mỗi đứa con của mẹ, tự thâm tâm ai cũng thầm bùi ngùi nhận biết mình đang bị mất mát nhiều, nhiều lắm, nhiều đến nỗi không có cái gì trên đời này có thể bù đắp cho cân! Mỗi người dều muốn giữ cho mình một vài kỷ vật của mẹ để luôn luôn cảm thấy mẹ vẫn còn hiện diện, gần gũi bên mình: một cái áo mẹ thường mặc, cái khăn, đôi dép, đôi vớ, vài ba mảnh xương răng ..vv… Con đang vẽ lại chân dung của mẹ sau khi các anh chị lục lọi tìm kiếm các quyển Album hình mẹ, không ai hài lòng về tấm hình được chọn để thờ phụng … Có hình mẹ rất vui nhưng không giống vì chụp quá xa ảnh nhỏ. Có hình mẹ âu sầu có vẻ giận hờn cũng không đẹp. Có hình mới xem qua mọi người đều vừa ý nhưng rất tiếc không phải là ảnh bán thân nên không phù hợp. Do đó cuối cùng, con đêm hết tâm tư, tập trung trí nhớ và đặt trọn lòng thương nhớ để tự vẽ chân dung mẹ. Nhưng mẹ ơi! Con thiết nghĩ những hình ảnh chỉ ghi dấu một vài khoảnh khắc trong đời sống của mẹ, không có cái nào thể hiện trung thực khuôn mặt mẹ. Vì khi tươi cười trẻ trung duyên dáng cũng là mẹ, khi phúc hậu móm mém cũng là mẹ, khi thương con niềm ưu tư in sâu nếp nhăn trên vầng trán cũng là mẹ, khi bực bội la rầy vì lo lắng cho chồng con cũng vẫn là mẹ, khi đớn đau quằn quại trên giường bệnh cũng là mẹ. Tất cả mọi hình bóng linh động của mẹ vẫn còn lưu dấu trong tâm khảm con mà không một tấm ảnh nào có thể biểu hiện trọn vẹn. Tất cả mọi hình tướng đều hạn cuộc, trong khi tấm lòng của mẹ, tình yêu của mẹ không cùng không tận, không thể suy lường, trắc đạt. Thật ra, không ai có thể suy nghĩ về tình thương của biển rộng vì trọn đời mẹ, mẹ cũng không bao giờ thiết lập biên giới đánh dấu mức độ của tình mẹ thương con. Mẹ ơi! Không có hình ảnh nào in đậm vào tiềm thức của con sâu kín hơn là giai đoạn cuối đời mẹ. Nhìn mẹ nằm bất động trong áo quan, từ giã cõi đời đầy mù sương và nắng rám. Mù sương nắng rám là những biểu tượng cho bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, điêu linh của kiếp người, biểu tượng này cũng gợi lên tính chất vô thường, biến dịch của bộ mặt thế gian.

Khi hỏa táng mẹ xong, chúng con ngồi quây quần xung quanh mẹ. Mẹ nằm đó sao? Giữa đống tro than còn hâm hấp nóng, mọi người gắp ra từng mảnh xương của mẹ cho vào lọ.

Những mảnh xương màu trắng, màu xám, ngà ngà vàng, mảnh dài, mảnh ngắn, mảnh mỏng mảnh dày, mảnh to mảnh nhỏ, tất cả hình hài của mẹ thu lại đủ chứa trong một lọ sành kia. Bỗng dưng sáng nay chúng con thực sự thấm thía nổi buồn mất mẹ! Lúc về nhà tụng kinh an vị di hài mẹ trên bàn thờ, con bàng hoàng xúc động tột độ. Mẹ không còn nữa, nắm xương khô, than tro, cát bụi, mẹ sẽ tan vào hư vô? Ý tưởng nầy lặp đi lặp lại trong đầu óc con. Bài thơ “Vào lòng đất” của Thành Tôn” vang vọng trong con, mối tư duy về lẽ sống chết, sự luân hồi trỗi dậy. Nếu là ngày xưa, cái tư tưởng hư vô đầy bi quan sẽ giăng màn kết lưới trong tâm trí con, thế nhưng Phật pháp đã xoay chuyển mọi nhận thức nông cạn và đã hoán cải phần nào cá tính yếu đuối của con. Trước đó, vì không liễu được sinh tử nên con còn nhìn thấy mẹ đã sống, đã yêu thương, đã khổ đau, đã bệnh hoạn và đã chết đi. Thấy có thật sống nên phải có chết thật, sống và chết là cái gì hết sức hiện thực theo con mắt thường tình của thế gian. Còn đạo nhân xem việc sanh tử như thay đổi áo khoác:

                            Mùa hạ mặc áo đơn
                            Mùa đông thay áo kép

 Giản dị biết chừng nào! Nhân sinh vô thường, vạn tượng đều vô thường biến đổi ảo hóa, nếu Phật pháp chỉ dừng lại nơi đây, nơi các sự tướng thế gian, thì e rằng Phật pháp sẽ là khung cửa hẹp đầy màu sắc bi quan, yếm thế. Song với cái nhìn soi thấu vào thực tướng của các pháp mới thấy trong cái sinh có cái bất sinh, trong cái diệt có cái bất diệt, trong vô thường có cái chân thường. Đây là cánh cửa không (không môn) giải thoát toàn diện. Nhưng làm thế nào để đặt chân vào cái cửa không lối vào ấy (vô môn quan)? Bí quyết nhập môn đã được đức Phật và chư vị Tổ sư trong bao đờicông bố như sau: Chỉ cần “không tất cả tâm”.

 Làm sao cứu mẹ, cứu cha, cứu tất cả cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp và cứu lấy chính mình? Thế gian này đầy dẫy khổ não, còn các thế giới khác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nghĩ tưởng sao xiết bao nỗi thống khổ!

                         Cõi nào sầu cũng chứa chan 

Vì sao trên sa mạc sinh tử lại đáng sợ như vậy? Vì chúng ta đã sống không an, sinh chẳng thuận, trong ngoài thân tâm thế giới là một trời mâu thuẫn, xung đột, để sau cùng kết thúc bằng sự bất an, bằng thảng thốt, kinh hoàng, và cứ thế chúng ta tiếp tục trong sự sinh tử, tử sinh.

Mẹ ơi! Vài mảnh xương của mẹ con mang theo bên mình như kỷ vật linh thiêng nhắc nhở con từng niệm từng niệm tỉnh giác, vì bên cạnh con còn có hương linh của mẹ từng giờ, từng giây mong mỏi ngày con hoàn thành đạo nghiệp.

                         Kỷ niệm theo về với tháng năm,
                        Ôi ! tình mẹ sáng hơn trăng rằm,
                        Trong con sáng mãi vầng trăng mẹ
                        Ơn mẹ con nguyền thấu suốt tâm.

 Thôi mẹ nhé! Bây giờ đã sang trang khác, con của mẹ cũng bắt đầu lập lại một kỷ nguyên mới cho cuộc đời của mình. Giã từ những tập khí cố hữu nơi thân tâm, con quyết chí đi cho đáo cùng con đường mình đã chọn.

Lối mòn của tình cảm, lối mòn của tri thức, đã bao kiếp chúng ta từng lăn lóc dạo qua, con không muốn tiếp tục dấn bước, vì biết chắc khi đối diện với vực thẳm sinh tử chúng ta vẫn không biết làm sao!

Vọng tưởng và cảnh duyên từ  nay một lần con quyết rủ sạch, con xin trở về với việc bổn phận của chính mình…
Con phát nguyện từ nay cho đến ngày nhắm mắt lìa trần, con quyết tu thiền cho đến khi nào kiến tánh triệt để. Chỉ có như thế, con mới có thể báo đáp ơn đức của các bậc Thầy, ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, ơn tất cả chúng sanh.

Mẹ ơi! Dù mẹ ở cõi nào, xin mẹ chứng tri cho con và mẹ sẽ mỉm cười toại nguyện.
Mẹ ơi! Dù mẹ ở cõi nào, con cầu nguyện đời đời mẹ được gặp Phật pháp, nối tiếp tu hành cho đến ngày thành Phật.
 
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ-tát Ma-ha-tát.

 
Tác giả bài viết: Thông Thiền
Nguồn tin: thuongchieu.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 579
  • Hôm nay: 34412
  • Tháng hiện tại: 34412
  • Tổng lượt truy cập: 81585391

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile