1. Sử chép, Thiền sư Vạn Hạnh (938 - 1025), vốn là người họ Nguyễn, quê ở Cổ Pháp, (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Có người nói tên thật của ông là Nguyễn Văn Hạnh, có người lại nói không rõ tên tục của ông là gì.
Song có một điều chắc chắn là ngay từ thuở nhỏ sư Vạn Hạnh đã tỏ ra là người thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo. Tới năm 21 tuổi, ông xuất gia, tu học với bạn là Thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập Tổng Trì Tam Ma Ðịa. Chính vì lý do đó nên sau này lời nói của ông đều được thiên hạ cho là phù sấm.
Nổi tiếng thông hiểu tam giáo (Nho, Phật, Đạo) lại là người có khả năng “tiên tri”, vì vậy sư Vạn Hạnh rất được Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) tôn kính và tin dùng. Dưới thời Vua Lê Đại Hành, ông được phong tới chức Quốc sư, trở thành cố vấn của vua về những vấn đề trọng đại của quốc gia. Sử sách chép rằng, năm 980, Hầu Nhân Bảo của nhà Tống mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng, định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt, vua triệu ông vào hỏi: nếu đánh thì thắng hay bại.
Ông đáp: trong vòng từ ba đến bảy ngày, giặc sẽ rút lui. Lời này sau ứng nghiệm. Sau đó, khi Vua Lê Ðại Hành muốn can thiệp vào Chiêm Thành để cứu sứ giả bị Chiêm Thành bắt giữ nhưng còn do dự, Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Lời này ứng nghiệm, trận ấy quân Lê thành công.
Những câu chuyện về khả năng tiên tri của sư Vạn Hạnh còn được lưu truyền rất nhiều trong dân gian. Nhiều người kể rằng, thời bấy giờ, có tên là Đỗ Ngân, thù hận sư Vạn Hạnh, muốn tìm cách hại chết ông. Vạn Hạnh biết trước nên đã mang đến cho y một bài kệ viết rằng: “Thổ, Mộc tương sinh với Kim, Cấn; Cớ sao lại mưu hại giấu trong thân; Lúc này lòng ta buồn bã vô cùng; Nhưng về sau ta chẳng bận ngầm”.
Người biết chút ít chữ Hán sẽ biết rằng, chữ Thổ và Mộc hợp lại là chữ Đỗ còn chữ Cấn và Kim hợp thành chữ Ngân, ý chỉ kẻ giấu mưu hại mình chính là Đỗ Ngân. Đỗ Ngân thấy Vạn Hạnh có khả năng đoán trước được mọi sự có thể xảy ra, sợ quá nên từ bỏ ý định hãm hại ông.
Tuy nhiên, huyền thoại về khả năng tiên tri của Thiền sư Vạn Hạnh được nhiều người biết đến nhất chính là câu chuyện về bài sấm ký giúp Vua Lý Công Uẩn, Lý Thái Tổ lên ngôi thay thế triều Tiền Lê đã đi đến chỗ suy tàn và bạo ngược. Chuyện kể rằng, lúc bấy giờ, Vua Lê Long Lĩnh, còn gọi là Lê Ngọa Triều vô cùng bạo ngược, tàn bạo chẳng khác gì Vua Kiệt, Trụ bên Trung Quốc. Để ngồi được lên ngai báu, Lê Long Đĩnh đã giết chết anh trai mình là Lê Long Việt. Chưa hết, khi đã chiếm được ngai vàng, Lê Long Đĩnh bỏ mặc chuyện triều chính, suốt ngày vùi đầu vào rượu ngon, gái đẹp, lấy việc giết chóc làm vui.
Sử chép rằng, Long Đĩnh thích giết người, phàm là người bị hành hình thì sai lấy cỏ tranh quấn vào người mà đốt cho lửa cháy đến chết hoặc sai người lấy dao ngắn, dao cùn, xẻ từng mảnh để không chết nhanh mà phải chịu sự đau đớn. Với các tù binh người Man, Long Đĩnh sai người đóng lao nhốt vào, đợi nước triều rút thì cho lao xuống nước, khi nước triều lên thì ngập nước mà chết.
Sự bạo ngược của Lê Long Đĩnh khiến nhân dân oán ghét, căm thù cùng cực, mong sớm có vị anh hùng nào đó đứng lên đánh đổ. Triều đình cũng lắm người chán ngán, bất mãn một ông vua bệnh hoạn ngông cuồng, muốn phế truất đi nhưng chưa tìm được minh chủ.
Cho tới một hôm, vào một đêm mưa to gió lớn, tại làng Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, sét đánh trúng cây gạo cổ thụ. Vài hôm sau, người làng phát hiện trong vết sét đánh có chữ rằng: “Thụ căn diểu diểu, mộc biểu thanh thanh, hoà đao mộc lạc, thập bát tử thành, Đông A nhập địa, mộc dị tái sinh, chấn cung hiện nhật, đoài cung ẩn tinh, lục thất niên gian, thiên hạ thái bình” (Nghĩa là: Gốc cây thăm thẳm, ngọn cây xanh xanh, hạt hoà đao rụng, mười tám hạt thành, Đông A vào đất, cây khác lại sanh, phương Đông mặt trời mọc, phương Tây sao ẩn mình, trong sáu bảy năm, thiên hạ thái bình).
Hay tin có chuyện lạ, sư Vạn Hạnh bèn đến xem rồi dùng phép chiết tự và đồng âm trong chữ Hán, phân tích, giải nghĩa cặn kẽ những ẩn tự trong từng câu chữ của bài sấm ký. Cuối cùng, Vạn Hạnh đưa ra lý giải như sau: Gốc cây chỉ vua, gốc yếu tức vua yếu, ngọn cây chỉ bề tôi, ngọn xanh tức bề tôi mạnh, Họ Lê sắp mất (ba chữ Hoà, Đao, Mộc ghép lại là chữ Lê), họ Lý sẽ thành (ba chữ Thập, Bát, Tử ghép lại là chữ Lý). Phương Đông vua xuất hiện, phương Tây dân chúng mất, trong sáu bảy năm, thiên hạ thái bình. Bài sấm ký và lời bàn tinh thông, sâu sắc, rõ ràng của sư nhanh chóng lan truyền khắp trong thành ngoài nội, mọi người đều hân hoan đón chờ và có ý hướng vào Lý Công Uẩn chính là vị minh quân mà thần nhân đã mách trước.
Thấy mọi người một lòng như vậy, sư Vạn Hạnh bèn đem việc ấy nói khích Lý Công Uẩn: “Gần đây, cứ suy lời sấm thì họ Lý đáng nổi lên. Nay họ Lý trong nước có ai nhân từ khoan thứ rất được lòng người như Thân vệ (chức quan của Lý Công Uẩn), binh quyền trong tay, làm chủ muôn hộ, nếu bỏ Thân vệ còn ai đương nổi”.
Lý Công Uẩn nghe thấy thích lắm nhưng vẫn còn dè dặt, sợ sự việc bại lộ sẽ mang họa bèn cho người giấu sư Vạn Hạnh ở Tiên Sơn. Bài sấm còn tác động mạnh đến triều thần, nhiều người theo về với Công Uẩn để hưởng lợi sau này, trong đó quan trọng nhất là quan Chi hậu Đào Cam Mộc. Đào Cam Mộc chính là người ủng hộ mạnh mẽ việc đưa Công Uẩn lên ngôi vua sau khi Lê Long Đĩnh chết.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thực tế thì không có bài sấm nào hiện lên trên thân cây bị sét đánh ngã trong đêm mưa giông hôm đó cả. Tất cả là do sư Vạn Hạnh tạo ra. Đó là cách để sư Vạn Hạnh đưa người học trò họ Lý vốn rất được ông thương yêu lên ngai vàng để có thể thi triển hết tài kinh bang tế thế mà ông đã chăm chút dạy dỗ từ khi còn rất nhỏ. Câu chuyện bắt đầu từ khi sư Vạn Hạnh nhận nuôi cậu bé mồ côi Lý Công Uẩn.
2. Truyền thuyết về xuất thân của Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) có rất nhiều. Có người nói, Lý Công Uẩn là con trai của Lý Vân Khánh, anh ruột của sư Vạn Hạnh. Có người lại nói, thực ra Lý Công Uẩn là con ruột của sư Vạn Hạnh. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là Lý Công Uẩn đã được sư Vạn Hạnh nuôi nấng, dạy dỗ từ khi còn rất nhỏ.
Chuyện kể rằng, khi nhận nuôi dạy Lý Công Uẩn, sư Vạn Hạnh nhìn mặt cậu bé khôi ngô, linh lợi đã khen: “Cậu bé này không phải người tầm thường, sau này lớn lên chắc sẽ giải quyết được nhiều việc lớn, làm bậc vua sáng suốt trong thiên hạ”. Nói theo dân gian thì Lý Công Uẩn có “chân mệnh thiên tử”, vì vậy, sư Vạn Hạnh đã âm thầm dụng công dạy dỗ để sau này Lý Công Uẩn có thể trở thành người đứng đầu thiên hạ.
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh |
Không phụ lòng mong mỏi của thầy, Công Uẩn trở thành người khảng khái, có chí khí hơn người. Lớn lên nơi cửa Phật, ông còn là người đức độ, khoan từ nhân thứ, bao dung độ lượng, được triều thần và nhân dân kính phục, xứng đáng làm bậc đế vương. Sư Vạn Hạnh rất hài lòng với người đệ tử nhưng ông vẫn phải ôm mộng to lớn trong lòng đến trên 20 năm mà vẫn chưa thực hiện được. Bởi lẽ, thời Vua Đại Hành là thời thịnh trị và khi đó Lý Công Uẩn còn nhỏ.
Sang thời Long Việt, dù các hoàng tử đánh nhau tranh giành ngôi vua gây cuộc hỗn loạn kéo dài 8 tháng trời, nhưng sư vẫn chưa cho đó là cơ hội ra tay vì thế lực của họ Lê còn khá mạnh. Đến thời Long Đĩnh, sư đoán sớm muộn gì nhà Lê cũng mất, ngặt vì chẳng có biến cố nào trọng đại ngoại trừ những cuộc nổi loạn nhỏ của vài thân vương và của người Man đều bị Long Đĩnh đánh tan. Chỉ đến khi hay tin chuyện sét đánh vào cây gạo, sư Vạn Hạnh mới thở phào nhẹ nhõm và biết thời cơ đã đến, bèn chớp lấy và hành động ngay.
Thực tế, kế hoạch của sư Vạn Hạnh rất hoàn hảo nhưng cũng rất mạo hiểm. Bởi lẽ, ngay sau khi biết chuyện ở làng Diên Uẩn, để tránh bị họ Lý đe dọa ngai vàng, Long Đĩnh đã cho người ngấm ngầm tìm người họ Lý và giết sạch. Tuy nhiên, Long Đĩnh lại bỏ sót một người họ Lý có khả năng uy hiếp ngai vàng của mình nhất là Lý Công Uẩn. Nhiều người cho rằng, nếu như Long Đĩnh mạnh mẽ và cương quyết hơn, có thể Lý Công Uẩn không những không thể ngồi lên ngai vàng mà còn bị họa sát thân.
Tuy nhiên, sư Vạn Hạnh biết rất rõ tâm lý của Long Đĩnh. Là ông vua hung tàn bạo ngược nhưng Long Đĩnh chỉ tàn bạo với anh em trong nhà, với dân chúng, tử tội và tù binh người Man bằng những trò tàn bạo của một kẻ tiểu nhân. Trong khi đó Công Uẩn là quan to, binh quyền nắm trong tay, được triều thần và dân chúng hậu thuẫn, tạo thành bức tường rào, tấm lá chắn vững chắc bao quanh nên Long Đĩnh không dám hạ thủ chứ không phải ông ta “bỏ sót”.
Tượng đài Lý Công Uẩn |
Tới năm 1009, Lê Long Đĩnh chết, con nối dõi là Sạ còn nhỏ, đáng lẽ triều đình tôn phò Sạ lên ngôi vua mới đúng đạo quân thần. Nhưng, quan Chi hậu Đào Cam Mộc lại họp bàn với quần thần: “Nay (đối với nhà Lê) ức triệu người đã khác lòng, thần dân đều lìa ý, mọi người chán ghét sự hà khắc bạo ngược của tiên đế, không muốn theo về vua nối dòng và đều có ý suy tôn Thân vệ Lý Công Uẩn.
Nếu không nhân dịp này cùng suy tôn Thân vệ làm thiên tử phút chốc xảy ra tai biến thì liệu chúng ta có giữ được đầu không”. Bá quan không ai dám có ý kiến gì bèn đem việc này tâu lên thái hậu, thái hậu cũng không còn cách nào khác đành mời Lý Công Uẩn lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tổ.
Sau khi lên ngôi, Vua Lý Thái Tổ phong sư Vạn Hạnh làm Quốc sư, làm “cố vấn” cho vua như thời Lê Đại Hành. Năm 1025, sư Vạn Hạnh viên tịch. Vua Lý Thái Tổ đích thân về chùa Lục Tổ viếng tang, lập đàn siêu độ cho sư và cấp dân hộ làm người coi chùa, mỗi năm hai người.
Mã an toàn:
Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...
Ý kiến bạn đọc