Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA - Phẩm 24 - Phẩm Diệu Pháp Âm Bồ Tát

Đăng lúc: Thứ năm - 01/12/2011 16:34 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA - Phẩm 24 - Phẩm Diệu Pháp Âm Bồ Tát

Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA - Phẩm 24 - Phẩm Diệu Pháp Âm Bồ Tát

Diệu Âm là tiếng nói hay đẹp nhiệm mầu. Tiếng nói như thế nào là nhiệm mầu? Căn cứ trên nhân tu để được cái quả của một Bồ-tát, Bồ-tát Diệu Âm do nhiều đời nhiều kiếp tu hạnh cúng dường chư Phật âm nhạc và bát báu, nên được tiếng nói nhiệm mầu. Đó là nói theo nghĩa thông thường, còn nói theo lý thì ở phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự khi phá Sắc ấm thì Bồ-tát đốt thân và hai tay,
THÍCH THANH TỪ
Kinh
DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Giảng Giải
DL 2000 - PL 2544
PHẨM 24
DIỆU ÂM BỒ-TÁT
Diệu Âm là tiếng nói hay đẹp nhiệm mầu. Tiếng nói như thế nào là nhiệm mầu? Căn cứ trên nhân tu để được cái quả của một Bồ-tát, Bồ-tát Diệu Âm do nhiều đời nhiều kiếp tu hạnh cúng dường chư Phật âm nhạc và bát báu, nên được tiếng nói nhiệm mầu. Đó là nói theo nghĩa thông thường, còn nói theo lý thì ở phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự khi phá Sắc ấm thì Bồ-tát đốt thân và hai tay, vào Sơ địa và Nhị địa Bồ-tát. Giờ đây phẩm Diệu Âm Bồ-tát phá Thọ ấm vào Tam địa Tứ địa Bồ-tát. Thọ ấm sâu hơn, nên khó phá.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, đức Thích-ca Mâu-ni Phật từ nhục kế tướng đại nhân, phóng ra ánh sáng, và phóng ánh sáng nơi tướng lông trắng giữa chặng mày, soi khắp tám trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa các cõi Phật ở phương Đông.
Qua khỏi số cõi đó có thế giới tên Tịnh Quang Trang Nghiêm. Nước đó có Phật hiệu: Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, được vô lượng vô biên đại chúng Bồ-tát cung kính vây quanh, mà vì chúng nói pháp.
Ánh sáng lông trắng của đức Thích-ca Mâu-ni Phật soi khắp cõi nước đó.
GIẢNG:
Ở đây Phật phóng quang ở hai chỗ, một là từ nhục kế ở trên đỉnh đầu, hai là ở giữa chặng mày. Như chúng ta đã biết, hào quang được phóng ra từ giữa chặng mày, tượng trưng cho trí tuệ không kẹt hai bên. Đó là cái nhân tu hành. Còn hào quang được phóng ra từ nhục kế biểu trưng cho quả giác. Vì nhục kế trên đỉnh đầu là chỗ cao tột của con người, hào quang được phóng ra từ đó là nói lên kết quả tột cùng của sự giác ngộ. Hào quang ở giữa chặng mày là cái nhân giác ngộ. Nhân giác và quả giác đồng thời gặp nhau, nên ngang đây tướng của Bồ-tát Diệu Âm vượt hẳn những vị Bồ-tát trước. Bấy giờ Phật phóng quang qua vô số thế giới ở phương Đông, có một thế giới tên Tịnh Quang Trang Nghiêm của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, cõi nước này được hào quang của Phật rọi soi khắp tất cả.
CHÁNH VĂN:
2.- Lúc đó, trong nước Nhứt Thiết Tịnh Quang Trang Nghiêm có một vị Bồ-tát tên là Diệu Âm, từ lâu đã trồng các cội công đức, cúng dường gần gũi vô lượng trăm nghìn muôn ức các đức Phật, mà đều được trọn nên trí huệ rất sâu, được môn “Diệu tràng tướng tam-muội”, “Pháp hoa tam-muội”, “Tịnh đức tam-muội”, “Tú vương hí tam-muội”, “Vô duyên tam-muội”, “Trí ấn tam-muội”, “Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn tam-muội”, “Tập nhứt thiết công đức tam-muội”, “Thanh tịnh tam-muội”, “Thần thông du hí tam-muội”, “Huệ cự tam-muội”, “Trang nghiêm vương tam-muội”, “Tịnh quang minh tam-muội”, “Tịnh tạng tam-muội”, “Bất cộng tam-muội”, “Nhựt triền tam-muội” v.v... được trăm nghìn muôn ức hằng hà sa các đại tam-muội như thế.
Quang minh của đức Thích-ca Mâu-ni Phật soi đến thân vị Bồ-tát đó, liền bạch cùng đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật rằng: 
- Thế Tôn! Con phải qua đến cõi Ta-bà để lễ lạy gần gũi cúng dường đức Thích-ca Mâu-ni Phật, cùng để ra mắt ngài Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dõng Thí Bồ-tát, Tú Vương Hoa Bồ-tát, Thượng Hạnh Ý Bồ-tát, Trang Nghiêm Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát.
Khi đó, đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật bảo ngài Diệu Âm Bồ-tát: 
- Ông chớ có khinh nước Ta-bà sinh lòng tưởng là hạ liệt. Thiện nam tử! Cõi Ta-bà kia cao thấp không bằng, các núi đất đá đầy dẫy sự dơ xấu, thân Phật kém nhỏ, các chúng Bồ-tát thân hình cũng nhỏ, mà thân của ông cao đến bốn muôn hai nghìn do-tuần, thân của ta sáu trăm tám mươi muôn do-tuần. Thân của ông tốt đẹp thứ nhứt, trăm nghìn muôn phước sáng rỡ đẹp lạ, cho nên ông qua đó chớ khinh nước kia, hoặc ở nơi Phật, Bồ-tát cùng cõi nước mà sanh lòng tưởng cho là hạ liệt.
Ngài Diệu Âm Bồ-tát bạch với Phật đó rằng: 
- Thế Tôn! Con nay qua cõi Ta-bà đều là do sức thần của Như Lai, do thần thông du hí của Như Lai, do công đức trí huệ trang nghiêm của Như Lai.
GIẢNG:
Đây nói sở chứng của Bồ-tát Diệu Âm, Ngài do tu nhân cúng dường Phật âm nhạc và bát báu nhiều đời nhiều kiếp, nên được đầy đủ vô lượng tam-muội.
Hào quang của Phật Thích-ca soi đến thân của Bồ-tát Diệu Âm, Ngài cảm thọ hào quang Phật Thích-ca, liền xin Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, đến cõi Ta-bà để lễ Phật Thích-ca và các Bồ-tát. Ở phẩm trước đã phá Sắc ấm, phẩm này phá Thọ ấm. Thọ ấm thì thuộc về tinh thần. Nếu không xúc chạm, có thọ không? - Không. Nếu không có xúc thì không có thọ. Bồ-tát Diệu Âm nhờ hào quang của Phật Thích-ca soi đến thân Ngài, Ngài tiếp xúc nên có cảm thọ lạc. Song, cõi Ta-bà mà Ngài muốn qua là nơi đất không bằng phẳng, nhiều hầm hố gò nổng, chúng sanh thân thì nhỏ, ốm... biểu hiện của khổ đau, nên khi Ngài xin phép được qua đó, thì Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí dặn dò Ngài, chớ có khinh chê cõi Ta-bà là xấu, rồi tự thấy thân mình là tốt. Thấy như vậy là có thọ khổ và thọ lạc sai biệt. Muốn cho thọ khổ và thọ lạc được bình đẳng, phải dùng trí tuệ quán chiếu cảm thọ do xúc mà có, nó không có Tự thể cố định nên không thật. Cảm thọ không thật thì khổ vui làm gì có thật? Đó là phá được Thọ ấm.
Bồ-tát Diệu Âm nói Ngài qua cõi Ta-bà được là nhờ sức thần và trí tuệ của Phật, chớ không phải khả năng của Ngài. Ngài ở nơi cảm thọ được tự tại là do Trí tuệ Phật mà được. Như vậy, ở nơi sáu căn đều có lãnh thọ, nhãn căn thì thọ sắc trần, nhĩ căn thì thọ thanh trần, tỹ căn thì thọ hương trần, thiệt căn thì thọ vị trần, thân căn thì thọ xúc trần, ý căn thì thọ pháp trần. Tuy nhiên, căn mà lanh lợi thông nhiếp nhất là nhĩ căn, vì khi đi đứng nằm ngồi nói nín thức ngủ, tai đều nghe được tiếng. Nên Bồ-tát tượng trưng cho cảm thọ của nhĩ căn tên là Diệu Âm.
CHÁNH VĂN:
3.- Lúc đó ngài Diệu Âm Bồ-tát chẳng rời khỏi tòa, thân chẳng lay động mà vào trong tam-muội, dùng sức tam-muội ở nơi núi Kỳ-xà-quật cách pháp tòa chẳng bao xa hóa làm tám muôn bốn nghìn các hoa sen báu: vàng diêm-phù-đàn làm cọng, bạc làm cánh, kim cang làm nhụy, chân-thúc-ca-bảo làm đài.
Bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử thấy hoa sen bèn bạch cùng Phật rằng: 
- Thế Tôn! Đây do nhân duyên gì mà hiện điềm tốt này, có ngần ấy nghìn muôn hoa sen: vàng diêm-phù-đàn làm cọng, bạc làm cánh, kim cang làm nhụy, chân-thúc-ca-bảo làm đài?
Khi ấy, đức Thích-ca Mâu-ni Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi rằng: 
- Đó là Diệu Âm đại Bồ-tát từ cõi nước của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật muốn cùng tám muôn bốn nghìn Bồ-tát vây quanh mà đến cõi Ta-bà này, để cúng dường gần gũi lễ lạy nơi ta cũng muốn cúng dường nghe kinh Pháp Hoa.
Ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Vị Bồ-tát đó trồng cội lành gì, tu công đức gì mà có được sức đại thần thông như thế? Tu tam-muội gì? Mong Phật vì chúng con nói danh tự của tam-muội đó. Chúng con cũng muốn siêng tu hành đó. Tu hành môn tam-muội này mới thấy được sắc tướng lớn nhỏ oai nghi tấn chỉ của vị Bồ-tát đó. Cúi mong đức Thế Tôn dùng sức thần thông khi vị Bồ-tát đó đến khiến chúng con được thấy.
Lúc ấy, đức Thích-ca Mâu-ni Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi: 
- Đức Đa Bảo Như Lai đã diệt độ từ lâu đây, sẽ vì các ông mà hiện bày thân tướng của Bồ-tát đó.
Tức thời đức Đa Bảo Phật bảo Bồ-tát đó rằng: 
- Thiện nam tử đến đây! Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử muốn thấy thân của ông.
GIẢNG:
Bồ-tát Diệu Âm từ trong chánh định hiện ra nơi núi Kỳ-xà-quật, cách nơi nói kinh Pháp Hoa không bao xa, hiện ra hoa sen đẹp ngàn cánh, nhụy, bông, cành, lá, cọng... đều làm bằng vật báu. Bồ-tát Văn-thù thấy hoa sen quí hiện ra, cho đó là điềm lành mới thưa hỏi Phật Thích-ca. Phật Thích-ca cho biết có Bồ-tát Diệu Âm sắp đến. Bồ-tát Văn-thù yêu cầu Phật nói cái nhân tu hành của Bồ-tát Diệu Âm, để các ngài tu theo và thấy được Bồ-tát Diệu Âm. Điều này cho chúng ta thấy Bồ-tát mà được phước tướng trang nghiêm là do tu phước, tu định, tu tuệ... không phải ngẫu nhiên mà có.
Tại sao Phật Thích-ca không chỉ bày thân tướng Bồ-tát Diệu Âm cho thính chúng thấy, mà đợi Phật Đa Bảo gọi, Bồ-tát Diệu Âm mới hiện? Như chúng ta đã biết thọ vui, thọ khổ là do cảm xúc mà có. Bản chất của cảm thọ là biết, biết khổ biết vui, biết không khổ biết không vui. Do có biết nên nói cảm thọ phát khởi từ Tâm chân thật, chớ không phải ở ngoài vào, giống như sóng dậy từ mặt biển. Thế nên Phật Thích-ca không thể chỉ được, mà phải Phật Đa Bảo gọi Bồ-tát Diệu Âm mới hiện. Tức là tâm phải thật thanh tịnh mới thấy thọ từ Tự tánh chân thật dấy động, nó là hư giả không thật.
CHÁNH VĂN:
4.- Bấy giờ, ngài Diệu Âm Bồ-tát nơi cõi nước kia ẩn mặt, cùng với tám muôn bốn nghìn Bồ-tát đồng nhau qua cõi Ta-bà, ở các nước trải qua, sáu điệu vang động, thảy đều rưới hoa sen bằng bảy báu, trăm nghìn nhạc trời chẳng trỗi tự kêu, mắt của vị Bồ-tát đó như cánh hoa sen xanh rộng lớn. Giả sử hòa hiệp trăm nghìn muôn mặt trăng, diện mạo của Ngài tốt đẹp lại hơn nơi đây, thân sắc vàng ròng vô lượng trăm nghìn công đức trang nghiêm, oai đức rất thạnh, ánh sáng chói rực, các tướng đầy đủ như thân Na-la-diên bền chắc.
Ngài vào trong đài thất bảo bay lên hư không cách đất bằng bảy cây đa-la. Các chúng Bồ-tát cung kính vây quanh, mà đồng đến núi Kỳ-xà-quật ở cõi Ta-bà này, đến rồi xuống đài thất bảo, dùng chuỗi ngọc giá trị trăm nghìn, đem đến chỗ Thích-ca Mâu-ni Phật, đầu mặt lễ chân Phật dưng chuỗi ngọc lên mà bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật hỏi thăm đức Thế Tôn ít bệnh, ít khổ, đi đứng thơ thới, sở hành an vui chăng? Bốn đại điều hòa chăng? Việc đời nhẫn được chăng? Chúng sanh dễ độ chăng? Không có người nhiều tham dục, giận hờn, ngu si, ganh ghét, bỏn sẻn, kiêu mạn chăng? Không kẻ chẳng thảo cha mẹ, chẳng kính Sa-môn, tà kiến tâm chẳng lành, chẳng nhiếp năm tình chăng?
Thế Tôn! Chúng sanh hàng phục được các ma oán chăng? Đức Đa Bảo Như Lai diệt độ từ lâu ở trong tháp bảy báu có đến nghe pháp chăng? Lại hỏi thăm đức Đa Bảo Như Lai: an ổn, ít khổ, kham nhẫn ở lâu được chăng? Thế Tôn! Nay con muốn thấy thân đức Đa Bảo Phật, cúi mong Thế Tôn chỉ bày cho con được thấy.
Lúc đó, đức Thích-ca Mâu-ni Phật nói với Phật Đa Bảo rằng: 
- Ông Diệu Âm Bồ-tát này muốn được ra mắt Phật.
Đức Đa Bảo Phật liền nói với Diệu Âm Bồ-tát rằng: 
- Hay thay! Hay thay! Ông có thể vì cúng dường đức Thích-ca Mâu-ni Phật và nghe kinh Pháp Hoa cùng ra mắt Văn-thù-sư-lợi v.v... nên qua đến cõi này.
GIẢNG:
Ở đoạn trước đã phá Sắc ấm rồi, tới đây là phá Thọ ấm thì tế nhị hơn, càng tế nhị là càng đẹp, sáng, bền, nên thân Bồ-tát Diệu Âm được diễn tả từ mặt đến mắt, màu da... không có cái đẹp, sáng, bền nào ở thế gian có thể sánh bằng. Sở dĩ thân Ngài được như thế là do Ngài tu vô lượng công đức và được nhiều tam-muội.
Bồ-tát Diệu Âm và các vị Bồ-tát phương khác, đến cõi Ta-bà ra mắt Phật Thích-ca và Phật Đa Bảo. Theo thể thức chung, trước là vấn an Phật, sau là hỏi thăm việc giáo hóa của Phật, chúng sanh có dễ độ không, chúng sanh nghiệp ác nặng nhiều hay ít, có hàng phục được ma oán chăng? Sau nữa Bồ-tát Diệu Âm hỏi thăm Phật Đa Bảo và ngỏ ý muốn gặp Phật Đa Bảo. Phật Thích-ca giới thiệu Bồ-tát Diệu Âm với Phật Đa Bảo. Phật Đa Bảo tùy hỉ việc Bồ-tát Diệu Âm qua cõi Ta-bà, để ra mắt cúng dường Phật Thích-ca cùng nghe kinh Pháp Hoa và để gặp Bồ-tát Văn-thù. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa hành giả sau khi phá Sắc ấm, tiếp theo là phá Thọ ấm, xoay lại sống với Tri kiến Phật hằng hiện hữu.
CHÁNH VĂN:
5.- Lúc bấy giờ, ngài Hoa Đức Bồ-tát bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Ngài Diệu Âm Bồ-tát trồng cội lành gì, tu công đức gì, mà có sức thần thông như thế?
Đức Phật bảo ngài Hoa Đức Bồ-tát: 
- Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân Lôi Âm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, cõi nước tên là Hiện nhứt thiết thế gian, kiếp tên Hỉ kiến. Diệu Âm Bồ-tát ở trong một vạn hai nghìn năm, dùng mười muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Vân Lôi Âm Vương Phật cùng dưng lên tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó nay sanh tại nước của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật, có sức thần như thế.
Hoa Đức! Ý ông nghĩ sao? Thuở đó, nơi chỗ đức Vân Lôi Âm Vương Phật, Diệu Âm Bồ-tát cúng dường kỹ nhạc cùng dưng bát báu lên đó, đâu phải người nào lạ, chính nay là Diệu Âm đại Bồ-tát đây.
Hoa Đức! Diệu Âm Bồ-tát này đã từng cúng dường gần gũi vô lượng các đức Phật, từ lâu trồng cội công đức, lại gặp hằng hà sa trăm nghìn muôn ức na-do-tha đức Phật.
GIẢNG:
Ở phẩm Dược Vương, Phật nói bố thí quốc thành thê tử là những món ngoại tài, công đức không thể sánh bằng cúng dường thân mạng là nội tài. Tại sao ở đây Bồ-tát Diệu Âm cúng dường âm nhạc và bát bảy báu là hai món ngoại tài, công đức lại thù thắng hơn Bồ-tát Dược Vương? Ý này nếu chúng ta không hiểu thì thấy có cái gì mâu thuẫn. Như trước đã nói, phẩm Diệu Âm Bồ-tát là phần: phá Thọ ấm. Thọ ấm là cảm thọ của sáu căn nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; trong sáu căn ấy nhãn và nhĩ là đại biểu. Hằng ngày chúng ta đau khổ phần lớn là do thấy và nghe, nghe tiếng khen lời chê, nghe tiếng từ ái hòa nhã... nên có buồn vui. Nếu chúng ta nghe tất cả tiếng, không dấy niệm phân biệt tốt xấu khen chê; khi nghe tiếng, biết mình đang nghe tiếng, không cảm thọ buồn vui, đó là xả thọ, là cúng dường âm nhạc. Bát bằng bảy báu tốt đẹp chỉ cho Sắc pháp, mắt tiếp xúc Sắc pháp mà không có cảm thọ vui hay buồn, đó là xả Sắc tướng, là cúng dường bát báu. Như vậy, mắt thấy sắc tai nghe tiếng; biết rõ sắc tiếng là huyễn hóa không thật, nên tâm không kẹt không dính và không bị nó quấy nhiễu, đó là phá Thọ ấm. Trước đốt thân, đốt cánh tay là phá Sắc ấm, đây là phá Thọ ấm. Thọ ấm từ nơi tâm phát ra khi tiếp với ngoại trần, nên tế nhị và sâu hơn Sắc ấm một tầng. Nên đây diễn tả thân tướng Bồ-tát Diệu Âm trang nghiêm hơn thân tướng Bồ-tát Dược Vương.
CHÁNH VĂN:
6.- Hoa Đức, ông chỉ thấy Diệu Âm Bồ-tát thân hình ở tại đây, mà Bồ-tát đó hiện các thứ thân hình, nơi nơi vì hàng chúng sanh nói kinh điển này.
Hoặc hiện thân Phạm vương, hoặc hiện thân Đế Thích, hoặc hiện thân Tự tại thiên, hoặc hiện thân Đại tự tại thiên, hoặc hiện thân Thiên đại tướng quân, hoặc hiện thân Tỳ-sa-môn thiên vương, hoặc hiện thân Chuyển Luân Thánh vương, hoặc hiện thân các Tiểu vương, hoặc hiện thân trưởng giả, hoặc hiện thân cư sĩ, hoặc hiện thân Tể quan, hoặc hiện thân Bà-la-môn, hoặc hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hoặc hiện thân phụ nữ của Tể quan, hoặc hiện thân phụ nữ của Bà-la-môn, hoặc hiện thân đồng nam đồng nữ, hoặc hiện thân trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân v.v... mà nói kinh này.
Bao nhiêu địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và các chỗ nạn đều có thể cứu giúp, nhẫn đến trong hậu cung của Vua biến làm thân người nữ mà nói kinh này.
GIẢNG:
Đây nói lên diệu dụng của Bồ-tát Diệu Âm. Trước phá Sắc ấm, thân đã trang nghiêm tự tại rồi, bây giờ phá luôn Thọ ấm nữa thì diệu dụng càng tự tại và mạnh mẽ hơn, nên Ngài có Báo thân đẹp đẽ trang nghiêm. Lại có Ứng thân tùy theo sở cầu của chúng sanh, mà thị hiện giáo hóa cho mọi người biết và nhận ra Tri kiến Phật. Như vậy, tùy chúng sanh ở trong loại nào là Ngài hiện thân loài ấy để hóa độ; nơi nơi chốn chốn Ngài đều Ứng thân thị hiện không thiếu vắng. Đó là Bồ-tát tu tới Tam địa trở lên đã có Ứng thân. Trước Phật phóng quang từ giữa chặng mày, rồi phóng quang ở trên đảnh, đó là chỉ cho cái dụng của nhân và quả hợp nhau, nên Bồ-tát có thể hiện thân Phật và Phật diệt độ được.
CHÁNH VĂN:
7.- Hoa Đức! Diệu Âm Bồ-tát này, hay cứu hộ các chúng sanh trong cõi Ta-bà, Diệu Âm Bồ-tát này biến hóa hiện các thứ thân hình như thế ở tại cõi Ta-bà này vì chúng sanh mà nói kinh Pháp Hoa, ở nơi trí huệ thần thông biến hóa không hề tổn giảm. Vị Bồ-tát này dùng ngần ấy trí huệ sáng soi cõi Ta-bà, khiến tất cả chúng sanh đều được hiểu biết, ở trong hằng hà sa cõi nước trong mười phương cũng lại như thế.
Nếu chúng sanh đáng dùng thân Thanh văn được độ thoát, liền hiện thân hình Thanh văn mà vì đó nói pháp.
Đáng dùng thân hình Duyên giác được độ thoát, liền hiện thân Duyên giác mà vì đó nói pháp.
Đáng dùng thân hình Bồ-tát được độ thoát, liền hiện thân hình Bồ-tát mà vì đó nói pháp.
Đáng dùng thân hình Phật được độ thoát, liền hiện thân hình Phật mà vì đó nói pháp.
Theo chỗ đáng độ mà vì chúng hiện các thứ thân hình như thế, nhẫn đến đáng dùng diệt độ mà được độ thoát liền thị hiện diệt độ.
Hoa Đức! Diệu Âm đại Bồ-tát trọn nên sức đại thần thông trí huệ, việc đó như thế.
Lúc ấy, ngài Hoa Đức Bồ-tát bạch cùng Phật rằng: 
 - Thế Tôn! Ngài Diệu Âm Bồ-tát sâu trồng căn lành. Thế Tôn! Bồ-tát đó trụ tam-muội gì mà có thể ở các nơi biến hiện thân hình độ thoát chúng sanh như thế?
Phật bảo ngài Hoa Đức Bồ-tát: 
- Thiện nam tử! Tam-muội đó tên là “Hiện nhứt thiết sắc thân”.
Diệu Âm Bồ-tát trụ trong tam-muội đó có thể nhiêu ích vô lượng chúng sanh như thế.
GIẢNG:
Bồ-tát Diệu Âm tùy theo sở cầu của chúng sanh mà thị hiện Hóa thân Thanh văn, Bồ-tát, Phật để giáo hóa chúng sanh. Bồ-tát Hoa Đức thấy vậy mới hỏi Phật: Bồ-tát Diệu Âm trụ trong tam-muội nào mà hiện được thân như vậy? Phật nói Bồ-tát Diệu Âm trụ trong tam-muội Hiện nhất thiết sắc thân. Tam-muội Hiện nhất thiết sắc thân có nghĩa là người sống được với Tri kiến Phật, thấy Thọ uẩn chợt có, chợt không, vô thường huyễn hóa không thật, nên không chấp Thọ uẩn là ngã. Do chấp thọ uẩn là ngã nên bị trói buộc bởi thọ ở mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở thân, ở ý, vì vậy không tự tại vô ngại. Giờ đây cảm thọ ở sáu căn đã phá vỡ, chấp thọ là ngã không còn, thể nhập Bản thể rộng lớn là Pháp thân, mà Pháp thân thì có diệu dụng không thể lường, nên ứng hiện thân tự tại không ngại, để hóa độ mọi loài chúng sanh.
CHÁNH VĂN:
8.- Lúc nói phẩm “Diệu Âm Bồ-tát” này, những Bồ-tát cùng đi chung với Diệu Âm Bồ-tát tám muôn bốn nghìn người đều được: “Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội”. Vô lượng Bồ-tát trong cõi Ta-bà này cũng được tam-muội đó và Đà-la-ni.
Khi ngài Diệu Âm đại Bồ-tát cúng dường đức Thích-ca Mâu-ni Phật và tháp của Đa Bảo Phật xong rồi, trở về bổn độ, các nước trải qua đều sáu điệu vang động, rưới hoa sen báu, trỗi trăm nghìn muôn ức các thứ kỹ nhạc, đã đến bổn quốc cùng tám muôn bốn nghìn Bồ-tát vây quanh đến chỗ đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật mà bạch rằng: 
- Thế Tôn! Con đến cõi Ta-bà lợi ích chúng sanh, ra mắt đức Thích-ca Mâu-ni Phật và ra mắt tháp đức Đa Bảo Phật lễ lạy cúng dường, lại ra mắt Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Đắc Cần Tinh Tấn Lực Bồ-tát, Dõng Thí Bồ-tát, cũng làm cho tám muôn bốn nghìn vị Bồ-tát này được “Hiện nhứt thiết sắc thân tam-muội”.
Lúc nói phẩm “Diệu Âm Bồ-tát lai vãng” này, bốn muôn hai nghìn vị thiên tử được Vô sanh pháp nhẫn. Hoa Đức Bồ-tát được Pháp Hoa tam-muội.
GIẢNG:
Bồ-tát Diệu Âm do cảm thọ hào quang của Phật Thích-ca, nên đến cõi Ta-bà lễ Ngài và Phật Đa Bảo, cùng thăm viếng các vị Bồ-tát ở cõi này. Làm Phật sự xong, Bồ-tát Diệu Âm trở về bản quốc. Các vị Bồ-tát theo Ngài và những vị Bồ-tát ở cõi Ta-bà đều được chánh định Hiện sắc thân tam-muội, số đông thiên tử thì được Vô sanh pháp nhẫn. Bồ-tát Hoa Đức thì được Pháp Hoa tam-muội. Tất cả đều nhờ duyên phước nghe Phật nói Bồ-tát Diệu Âm vãng lai.
Như trước đã nói, cảm thọ là do ngoại trần xúc chạm với nội căn, nếu ngoại trần hết xúc chạm với nội căn thì cảm thọ hết. Ý nghĩa trên biểu trưng qua hình ảnh Bồ-tát Diệu Âm vãng lai. Ngài từ phương xa đến xong việc rồi đi, không thường trụ. Cảm thọ là vô thường, nếu chúng ta dùng trí tuệ thấy rõ nó không lầm thì sẽ được cái Chân thường, không còn bị chi phối bởi khổ vui nữa. Nếu chúng ta còn kẹt trong khổ vui tạm bợ, thì không bao giờ thấy được cái Chân thường. Đối với Sắc ấm, phá nó đã là khó; bây giờ, xả Thọ ấm lại càng khó hơn, vì nó thuộc về tâm vi tế hơn nên khó xả. Ví dụ như thân bị đạp gai, nhổ gai xong, xức thuốc ít hôm lành, là hết cái khổ đau nhức nơi thân. Nhưng bị vu khống chúng ta thấy đó là sỉ nhục, nên tâm bất an, nhớ hoài, buồn dai dẳng khó quên. Thế nên cảm thọ tuy vi tế, song khó phá. Cái nhân tu và quả chứng liên hệ mật thiết không rời nhau. Tu, thiết yếu là phải thực hành cho được những điều Phật và Bồ-tát đã hành và dạy cho chúng ta. Phần Nhập Tri kiến Phật là phần thực hành, nên Phật nói lên công hạnh của các vị Bồ-tát để cho chúng sanh theo đó mà tu.

PHẨM 25
QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT PHỔ MÔN
“Quán” là xem xét, “Thế Âm” là âm thanh của thế gian. Quán Thế Âm là xem xét âm thanh thế gian, tiêu biểu cho lòng từ bi của Bồ-tát. Ngài lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh, khởi lòng thương xót đến cứu độ cho hết khổ. “Phổ Môn” là cái cửa thông suốt khắp tất cả. Bồ-tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, hay lắng nghe tiếng kêu than của chúng sanh mà hiện thân để hóa độ. Phương tiện hóa độ của Ngài là cửa pháp thông suốt khắp tất cả, ai ai cũng có thể vào tu, không giới hạn. Mục đích của phẩm này là phá Tưởng ấm vào Ngũ địa và Lục địa Bồ-tát.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, ngài Vô Tận Ý Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chấp tay hướng Phật mà bạch rằng: 
- Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm? 
Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ-tát: 
- Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ-tát này một lòng xưng danh, Quán Thế Âm Bồ-tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.
Nếu có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được vì do sức oai thần của Bồ-tát này được như vậy.
Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ-tát này liền được chỗ cạn.
Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu-ly, xa-cừ, mã não, san-hô, hổ phách, trân châu các thứ báu, nên vào trong biển lớn, giả sử gió đen thổi ghe thuyền của kia trôi tấp nơi nước quỉ la-sát, trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời các người đó đều được thoát khỏi nạn quỉ la-sát. Do nhân duyên đó mà tên là Quán Thế Âm.
GIẢNG:
Phẩm này, người đương cơ đứng ra thưa hỏi là Bồ-tát Vô Tận Ý. Vô Tận Ý là ý tưởng không cùng, không dứt. Tại sao Bồ-tát mà ý nhiều như vậy? Như đã nói, phẩm này là phá Tưởng ấm. Ý tưởng của chúng sanh có trăm ngàn muôn ức thứ, cái gì cũng nghĩ tưởng được, nên nói là Vô Tận Ý. Nhưng nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát thì mọi nghĩ tưởng dừng lặng thì hết khổ. Chỗ này nếu chúng ta không hiểu rõ sẽ lầm. Trong kinh Nhật Tụng phẩm Phổ Môn được liệt vào kinh cầu an, ai đau bệnh tụng phẩm này cầu cho an ổn. Vậy phẩm Phổ Môn có phải để cầu an không? Trong phẩm này Phật nói lên bản sự của Bồ-tát. Bồ-tát Quán Thế Âm ở đời quá khứ, Ngài khởi tâm từ bi tu hạnh quán xét tiếng kêu than của chúng sanh ở thế gian, mà hiện thân đến cứu độ cho mọi loài hết đau khổ. Nếu chúng ta cứ dựa trên chữ nghĩa hình tướng thì ngang đây bị kẹt lớn. Như câu: “Có người trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức oai thần của Bồ-tát này được như vậy.” Quí vị học phẩm này có tin lời Phật nói không? Đệ tử Phật mà không tin Phật thì tin ai? Vậy nếu có người nhóm một đống củi đốt lửa cháy hừng hực, bảo quí vị niệm Quán Thế Âm Bồ-tát và đi vào đống lửa đó, xem thân quí vị có cháy không? Nếu thân quí vị bị cháy nám thì lời Phật nói không đúng. Quí vị nghĩ sao đây?
Lại một đoạn nữa: “Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm liền được chỗ cạn.” Như vậy những người đi biển, thuyền chìm niệm danh hiệu Bồ-tát, tất cả đều gặp chỗ cạn, hay cũng có người chết chìm? Những sự việc này nếu hiểu theo sự tướng thì thấy chống trái, còn hiểu theo lý tánh, như theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật nói Bồ-tát Quán Âm tu hạnh Phản văn văn tự tánh, tức là xoay lại nghe Tánh nghe của mình. Tánh nghe là cái Thể chân thật của mỗi người, không có tướng mạo, không có hình dáng. Đã không có hình dáng tướng mạo thì lửa nào thiêu được, nước nào nhận chìm được? Nên nói niệm Quán Âm tức là lắng nghe Tánh nghe của chính mình, thì mọi chướng nạn của lửa nước đều qua khỏi.
Lại một đoạn nữa: “Có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng bạc, lưu-ly... vào biển lớn, giả sử gió đen thổi ghe thuyền họ trôi tấp nơi nước quỉ la-sát, nếu có một người trong đó xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời các người đó đều thoát khỏi nạn quỉ la-sát.” Chuyện này phải hiểu như thế nào? Xưa có một vị tướng công, tới hỏi đạo một Thiền sư, ông nêu câu chuyện trên và hỏi rằng: “Thế nào là hắc phong?” Thiền sư bình tĩnh nói rằng: “Ông là một vị tướng công mà đi hỏi vớ vẩn như vậy sao?” Vị tướng công nghe chê mình nên nổi tức, mặt đỏ gay. Thiền sư chỉ: “Đó, hắc phong đó.”
Vậy hắc phong là gì? Thiền sư không nói hắc phong là gió ào ào mây đen kéo mù mịt, mà nói hắc phong là cơn sân giận của con người. Sân giận nổi lên tự mình chịu khổ họa, lại còn gây khổ lụy cho người khác. Ví dụ ông A vô cớ kêu tên ông B chửi. Ông B nổi sân, xông tới đánh đập ông A. Ông A bị đánh đau liền đánh lại ông B. Đó là ông B bị hắc phong thổi phiêu bạt tới cõi nước La-sát, bị quỉ la-sát hại rồi. Nếu ông B vừa nổi sân, biết mình đang sân, liền niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, cơn sân giận lắng dịu lần rồi hết, đâu có đánh ông A và bị ông A đánh lại đau khổ. Như vậy, không phải Bồ-tát Quán Âm cứu ông B thoát nạn quỉ la-sát là gì? Hiểu như thế mới thực tế. Chớ trong lục địa cũng như hải đảo ngoài biển khơi, đảo nào ở đâu, có người ở hay không có người ở, có quỉ hay không có quỉ, mọi người đều biết hết. Vậy nước La-sát nằm ở vị trí nào trên quả địa cầu này? Như vậy, hắc phong và nước quỉ La-sát biểu trưng cho lòng sân giận của con người dấy khởi, rồi con người theo đó mà tạo nghiệp ác thọ quả báo khổ đau. Còn Quán Thế Âm Bồ-tát là biểu trưng lòng từ bi, lòng từ bi khởi lên thì sân giận tiêu tan, nên nói bị hắc phong thổi phiêu bạt đến cõi nước La-sát, niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì không bị hại là vậy.
CHÁNH VĂN:
2.- Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy được thoát khỏi.
Nếu quỉ dạ-xoa cùng la-sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thời các quỉ dữ đó còn không có thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được.
Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi.
Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi tam thiên đại thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng: “Các thiện nam tử! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, vị Bồ-tát đó hay đem pháp Vô úy thí cho chúng sanh, các ông nếu xưng danh hiệu thời sẽ được thoát khỏi oán tặc này.”
Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát”, vì xưng danh hiệu Bồ-tát nên liền được thoát khỏi.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát sức oai thần cao lớn như thế.
GIẢNG:
Đoạn này nói người bị nạn niệm danh hiệu Quán Thế Âm sẽ được thoát nạn. Như người sắp bị hại bằng dao gậy, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời dao gậy gãy ra từng khúc. Nếu người bị vô số quỉ la-sát đến hại, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thời quỉ không dám dùng mắt để nhìn huống là hại. Hoặc người bị xiềng xích trói thân, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, xiềng xích liền đứt rã. Hoặc những người đi buôn gặp oán tặc, niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, sẽ được Bồ-tát ban cho pháp vô úy, thoát khỏi oán tặc. Đó là công hiệu của người niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Đây nói Bồ-tát Quán Thế Âm hay bố thí pháp Vô úy, vô úy là không sợ. Phần nhiều mọi khổ đau đều phát nguồn từ lòng sợ hãi, sợ đói, sợ khát, sợ bệnh, sợ chết... Lúc sợ thì bồn chồn, lo âu, kinh hãi, ăn ngủ không được, khổ não hiện ra ngay lúc sợ. Sợ là do tưởng mới có nên người bất thần đạn lạc bay tới trúng thì không sợ, nhưng có người chĩa họng súng trước mình thì sợ run lên. Như vậy, sợ là do tưởng tượng mà ra, và khổ do sợ mà có. Tưởng tượng nhiều là sợ nhiều, sợ nhiều là khổ nhiều, Bồ-tát Quán Thế Âm cứu khổ là làm cho chúng sanh hết sợ, gọi là thí pháp Vô úy. Ví dụ chúng ta mộng thấy ma nhát, chúng ta sợ hãi, lúc đó liền nhớ niệm danh hiệu Quán Thế Âm, thì ma biến mất. Do chúng ta có tưởng điên đảo, nên phóng hiện ra ma quái rồi sợ. Khi sợ, chợt tỉnh niệm Quán Thế Âm thì những niệm điên đảo tiêu tan, hết sợ hãi nên an ổn. Đó là Bồ-tát Quán Thế Âm thí pháp Vô úy. Cao hơn một bậc, niệm danh hiệu Quán Thế Âm là trở về Tri kiến Phật là cái thể không hình tướng, không có hình tướng làm sao hại được mà sợ. Do đó mọi hiểm nguy đều hóa giải.
CHÁNH VĂN:
3.- Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền được ly dục.
Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền được lìa lòng giận.
Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, liền được lìa ngu si.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có những sức oai thần lớn, nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng sanh thường phải một lòng tưởng nhớ.
Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát, liền sanh con trai phước đức trí huệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sanh con gái có tướng xinh đẹp, vì trước đã trồng cội phước đức, mọi người đều kính mến.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có sức thần như thế.
GIẢNG:
Chúng ta thấy, nếu chúng sanh nào khởi niệm tham dục, liền niệm danh hiệu Quán Thế Âm, thì tham dục lặng xuống không còn. Nếu nổi giận, niệm Quán Thế Âm, cơn giận lần lần lắng dịu và hết. Nếu ngu si nghĩ tưởng điên đảo, niệm danh hiệu Quán Thế Âm, tâm an định tỉnh sáng, lìa được ngu si. Sở dĩ được như vậy là do biết xoay lại sống với Tri kiến Phật thanh tịnh sáng suốt nên lìa được tham, sân, si.
Sau đây nói người nữ muốn sanh con trai, con gái, cúng dường lễ lạy Bồ-tát Quán Thế Âm thì được thành tựu như ý muốn. Điều này lâu nay chúng ta hiểu trên chữ nghĩa nên bị kẹt, nhất là tu sĩ phái nữ, thấy các nữ Phật tử mang thai, hay khuyên các cô niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Có một nữ Phật tử ở gần chùa tín ngưỡng rất sâu đậm, cô có thai, ngỏ ý mong được sanh con trai, nên cô Ni ở chùa dạy cho cô Phật tử niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm để được sanh con trai. Cô Phật tử nghe lời niệm rất chí thành, nhưng tới ngày sanh thì sanh con gái. Cô Phật tử đi kiện, cô Ni không biết giải quyết thế nào, cứ lánh mặt hoài. Thật là cái họa của người không hiểu lý kinh. Ở đây Phật nói: “muốn cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái”, là nói lên công đức không thể nghĩ bàn của người niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Do công đức thù thắng không thể nghĩ bàn, nên mọi việc được như ý không trái không nghịch. Nếu nói xa hơn, niệm Bồ-tát Quán Thế Âm là xoay lại với Tánh nghe của mình, tức là trở về với Tri kiến Phật thì mọi sự việc đều được như ý. Tri kiến Phật còn gọi là Châu như ý.
CHÁNH VĂN:
4.- Nếu có chúng sanh cung kính lễ lạy Quán Thế Âm Bồ-tát, thời phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh đều phải thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát.
Vô Tận Ý! Nếu có người thọ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ-tát, lại trọn đời cúng dường đồ ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc thang, ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện nam tử, thiện nữ nhân đó có nhiều chăng?
Vô Tận Ý thưa: 
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. 
Phật nói: 
- Nếu lại có người thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dường, thời phước của hai người đó bằng nhau không khác, trong trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận.
Vô Tận Ý! Thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát được vô lượng vô biên phước đức lợi ích như thế.
GIẢNG:
Phật so sánh công đức người niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm với người niệm và cúng dường vô số Bồ-tát khác, thì công đức hai người ngang nhau và nhiều vô tận. Tại sao thế? Vì niệm vô số danh hiệu của Bồ-tát khác cốt là trở về với Tri kiến Phật, còn niệm một danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm cũng trở về với Tri kiến Phật. Như vậy, đứng trên danh từ thì có sai khác, nhưng đứng trên lý tánh thì niệm một danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, hay niệm vô số danh hiệu Bồ-tát khác đều bình đẳng không sai biệt. Vì niệm là nhớ sống với Tri kiến Phật, chớ không phải niệm suông ngoài miệng để rồi chấp câu chấp lời.
CHÁNH VĂN:
5.- Ngài Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ-tát dạo đi trong cõi Ta-bà như thế nào? Nói pháp cho chúng sanh như thế nào? Sức phương tiện việc đó như thế nào?
Phật bảo Vô Tận Ý Bồ-tát: 
- Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát, thời Quán Thế Âm Bồ-tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp .
Người đáng dùng thân Duyên giác được độ thoát, liền hiện thân Duyên giác mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Thanh văn được độ thoát, liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Phạm vương được độ thoát, liền hiện thân Phạm vương mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Đế Thích được độ thoát, liền hiện thân Đế Thích mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tự tại thiên được độ thoát, liền hiện thân Tự tại thiên mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Đại tự tại thiên được độ thoát, liền hiện thân Đại tự tại thiên mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Thiên đại tướng quân được độ thoát, liền hiện thân Thiên đại tướng quân mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tỳ-sa-môn được độ thoát, liền hiện thân Tỳ-sa-môn mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tiểu vương được độ thoát, liền hiện thân Tiểu vương mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân trưởng giả được độ thoát, liền hiện thân trưởng giả mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân cư sĩ được độ thoát, liền hiện thân cư sĩ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tể quan được độ thoát, liền hiện thân Tể quan mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Bà-la-môn được độ thoát, liền hiện thân Bà-la-môn mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di được độ thoát, liền hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân phụ nữ của trưởng giả, cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn được độ thoát, liền hiện thân phụ nữ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ được độ thoát, liền hiện thân đồng nam, đồng nữ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân cùng phi nhân được độ thoát, liền đều hiện ra mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Chấp kim cang thần được độ thoát, liền hiện Chấp kim cang thần mà vì đó nói pháp.
Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát đó thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sanh, cho nên các ông phải một lòng cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát.
Quán Thế Âm Bồ-tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự Vô úy, cho nên cõi Ta-bà này đều gọi Ngài là vị “Thí Vô Úy”.
GIẢNG:
Đây nói về Ứng thân của Bồ-tát, khi Bồ-tát phá được Sắc ấm, Thọ ấm, Tưởng ấm, thì có được cái dụng ứng hóa thân để độ sanh không thể nghĩ bàn. Nếu chúng sanh có duyên phước, cảm thông được lòng từ bi của Bồ-tát, thì Ngài tùy theo ước nguyện của chủng loại chúng sanh mà thị hiện để hóa độ cho hết khổ, đó là trên mặt sự. Xưa khi tôi còn đi giảng, có ông phó quận Lộc Ninh tên Triền đứng ra tổ chức, mời tôi và Thượng tọa Huyền Vi lên đó giảng, Ông hỏi tôi:
- Thưa Thầy, mình thành tâm cầu nguyện Bồ-tát Quán Âm, Ngài có ứng hiện không?
Tôi hỏi:
- Theo đạo hữu thì thấy sao?
- Tôi tin chắc, Ngài có ứng hiện.
Rồi ông kể cho tôi nghe, ông có một đứa con khoảng mười ba, mười bốn tuổi bệnh nặng, đưa đi bệnh viện Đồn Đất chữa trị khoảng nửa tháng. Bệnh không giảm, bác sĩ bó tay, bảo ông đem nó về nhà, nếu không sẽ chết trong bệnh viện. Ông chở về nhà tuyệt vọng, không biết phải chạy chữa như thế nào, chỉ thành tâm cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm. Đêm đó ông ngủ thấy Bồ-tát Quán Thế Âm hiện, Ngài đứng trên hoa sen trước mặt ông bảo:
- Ngươi nên sai người đi về hướng Bắc rước thầy thuốc về trị, con ngươi sẽ lành bệnh.
Khi thức giấc ông nhớ rõ ràng hình dáng Bồ-tát Quán Thế Âm ứng hiện. Sáng ra cho người đi về hướng Bắc tìm gặp thầy thuốc, mời về nhà xem mạch hốt thuốc, con ông uống chỉ có ba thang là hết bệnh. Từ đó, ông lập bàn thờ Bồ-tát Quán Thế Âm, tin Tam Bảo và rước chúng tôi giảng đạo. Trên sự tướng, chúng ta thấy có thành tâm cầu nguyện thì có cảm ứng. Song cảm ứng còn tùy duyên phước của mỗi người, chớ không phải ai ai cũng như vậy. Cũng như mặt trăng trên không, chỉ hiện bóng khi trời trong và chỗ có nước, nếu trời nhiều mây, không nước thì mặt trăng không hiện, chẳng phải Bồ-tát đến với người này mà không đến với người kia. Trên mặt lý, thì khi không còn chạy theo vọng niệm điên đảo, xoay lại sống với Tri kiến Phật là cái thanh tịnh sáng suốt, thì có việc gì mà chướng ngại trái ngăn không như ý. Vậy lý sự phải viên dung.
CHÁNH VĂN:
6.- Vô Tận Ý Bồ-tát bạch Phật: 
- Thế Tôn! Con nay phải cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát. 
Liền mở chuỗi ngọc bằng các châu báu nơi cổ giá trị trăm nghìn lượng vàng, đem trao cho ngài Quán Thế Âm mà nói rằng: 
- Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này.
Khi ấy, Quán Thế Âm Bồ-tát chẳng chịu nhận chuỗi. Ngài Vô Tận Ý lại thưa cùng Quán Thế Âm Bồ-tát rằng: 
- Xin Ngài vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này.
Bấy giờ, Phật bảo Quán Thế Âm Bồ-tát: 
- Ông nên thương Vô Tận Ý Bồ-tát này và hàng tứ chúng cùng trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó.
Tức thời Quán Thế Âm Bồ-tát thương hàng tứ chúng và trời, rồng, nhân và phi nhân v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần: một phần dâng đức Thích-ca Mâu-ni Phật, một phần dâng tháp của Phật Đa Bảo.
- Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ-tát có sức thần tự tại như thế, dạo đi nơi cõi Ta-bà.
Lúc đó, ngài Vô Tận Ý Bồ-tát nói kệ hỏi Phật rằng:
7.-
Thế Tôn đủ tướng tốt!
Con nay lại hỏi kia
Phật tử nhân duyên gì
Tên là Quán Thế Âm!
Đấng đầy đủ tướng tốt
Kệ đáp Vô Tận Ý:
Ông nghe hạnh Quán Âm
Khéo ứng các nơi chỗ
Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều nghìn ức Phật
Phát nguyện thanh tịnh lớn.
Ta vì ông lược nói
Nghe tên cùng thấy thân
Tâm niệm chẳng luống qua
Hay diệt khổ các cõi.
Giả sử sanh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao.
Hoặc trôi giạt biển lớn
Các nạn quỉ, cá, rồng
Do sức niệm Quán Âm
Sóng mòi chẳng chìm được.
Hoặc ở chót Tu-di
Bị người xô rớt xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt nhựt treo không.
Hoặc bị người dữ rượt
Rớt xuống núi Kim Cang
Do sức niệm Quán Âm
Chẳng tổn đến mảy lông.
Hoặc gặp oán tặc vây
Đều cầm dao làm hại
Do sức niệm Quán Âm
Đều liền sanh lòng lành.
Hoặc bị khổ nạn vua
Khi hành hình sắp chết
Do sức niệm Quán Âm
Dao liền gãy từng đoạn.
Hoặc tù cấm xiềng xích
Tay chưn bị gông cùm
Do sức niệm Quán Âm
Tháo rã được giải thoát
Nguyền rủa các thuốc độc
Muốn hại đến thân đó
Do sức niệm Quán Âm
Trở hại nơi bổn nhân.
Hoặc gặp la-sát dữ
Rồng độc các loài quỉ
Do sức niệm Quán Âm
Liền đều không dám hại.
Hoặc thú dữ vây quanh
Nanh vuốt nhọn đáng sợ
Do sức niệm Quán Âm
Vội vàng bỏ chạy thẳng.
Rắn độc cùng bò cạp
Hơi độc khói lửa đốt
Do sức niệm Quán Âm
Theo tiếng tự bỏ đi.
Mây sấm nổ sét đánh
Tuôn giá, xối mưa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Liền được tiêu tan cả.
Chúng sanh bị khổ ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không cõi nào chẳng hiện.
Các loài trong đường dữ:
Địa ngục, quỉ, súc sanh
Sanh, già, bệnh, chết khổ
Lần đều khiến dứt hết.
Chân quán, thanh tịnh quán
Trí huệ quán rộng lớn
Bi quán và từ quán,
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Sáng thanh tịnh không nhơ
Huệ nhựt phá các tối
Hay tiêu tai khói lửa
Khắp soi sáng thế gian.
Lòng bi răn như sấm
Ý từ diệu dường mây
Xối mưa pháp cam lồ
Dứt trừ lửa phiền não
Cãi kiện qua chỗ quan
Trong quân trận sợ sệt
Do sức niệm Quán Âm
Cừu oán đều lui tan.
Diệu âm, Quán Thế Âm
Phạm âm, Hải triều âm
Tiếng hơn thế gian kia,
Cho nên thường phải niệm
Niệm niệm chớ sanh nghi
Quán Âm bậc tịnh Thánh
Nơi khổ não nạn chết
Hay vì làm nương cậy.
Đủ tất cả công đức
Mắt lành trông chúng sanh
Biển phước lớn không lường
Cho nên phải đảnh lễ.

GIẢNG:
Khi Bồ-tát Vô Tận Ý biết được công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, Ngài liền phát tâm cúng dường chuỗi ngọc. Bồ-tát Quán Thế Âm không nhận, Phật bảo Ngài nên vì tứ chúng mà nhận chuỗi ngọc. Ngài vâng lời Phật nhận chuỗi ngọc chia hai, một phần cúng dường Phật Thích-ca, một phần cúng dường Phật Đa Bảo. Qua hình ảnh này khiến chúng ta nghi vấn: Các Bồ-tát thì thân hình mập mạp to lớn, trang sức bằng ngọc ngà châu báu, trong khi đó, những vị A-la-hán thì thân hình khô gầy. Đồng thời là đệ tử Phật, học tu theo pháp Phật, tại sao người thì trang nghiêm đẹp đẽ, người thì khổ hạnh ốm gầy? Như chúng ta đã biết, Bồ-tát thì tu theo hạnh tự lợi lợi tha, nên phải vui vẻ cởi mở để cho chúng sanh dễ dàng kết duyên. Các ngài do hạnh lợi tha nên có muôn đức trang nghiêm, vì vậy mà thân đẹp đẽ. Còn các vị A-la-hán với hạnh nguyện tu cốt cho hết phiền não, để được giải thoát cho mình, nên có dáng khắc khổ đăm chiêu, thiếu phần lợi tha nên chưa đủ muôn hạnh để trang nghiêm thân cho tươi đẹp. Bồ-tát Quán Thế Âm với hạnh từ bi, ban cho chúng sanh mọi điều lợi ích, chớ không nhận của người, vì nhận là vị kỷ chớ không phải vị tha. Lúc đầu, Ngài không nhận chuỗi anh lạc của Bồ-tát Vô Tận Ý, sau Ngài nhận là vì lòng từ bi chớ không phải do lòng ích kỷ. Khi nhận xong, lại cúng dường cho Phật Thích-ca và Phật Đa Bảo, việc làm này của Bồ-tát Quán Thế Âm cho thấy Bồ-tát làm mọi công tác Phật sự đều hướng về Phật mà làm, và được thành quả cũng hướng về Phật mà dâng, chớ không phải vì tư kỷ mà làm.
Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn dạy cho chúng sanh phá Tưởng ấm. Khi nhập được Tri kiến Phật thì hết Tưởng ấm, mà hết tưởng là hết khổ thì tự tại vô ngại. Vì vậy Bồ-tát Vô Tận Ý khuyên chúng ta nên niệm và đảnh lễ Bồ-tát Quán Thế Âm.
CHÁNH VĂN:
8.- Bấy giờ, ngài Trì Địa Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật bạch rằng: 
- Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát đạo nghiệp tự tại, Phổ Môn thị hiện sức thần thông này, thời phải biết công đức người đó chẳng ít.
Lúc Phật nói phẩm Phổ Môn này, trong chúng có tám muôn bốn nghìn chúng sanh đều phát tâm Vô đẳng đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Từ trước chúng ta không nghe tên Bồ-tát Trì Địa, bây giờ ngẫu nhiên Ngài xuất hiện nói rằng: “Nếu có chúng sanh nào nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát đạo nghiệp tự tại, Phổ Môn thị hiện sức thần thông này, thời phải biết công đức của người đó chẳng ít.” Bồ-tát Trì Địa là vị Bồ-tát gìn giữ quả đất, tức là cõi Ta-bà này, Ngài nói: Nếu mọi người ở cõi Ta-bà này thuận theo pháp tu của Bồ-tát Quán Thế Âm thì sẽ được kết quả là thần thông tự tại, công đức rất lớn. Sở dĩ được như thế là do công hạnh tu Phản văn văn tự tánh, là xoay lại nghe Tánh nghe của mình, nghĩa là khi nghe âm thanh bên ngoài, không để tâm phân biệt chạy theo tiếng hay tiếng dở. Trái lại khi nghe âm thanh liền nhớ mình có Tánh nghe luôn luôn hiện hữu, không đuổi theo tiếng hay tiếng dở, tâm được thanh tịnh thì trí tuệ hằng sáng soi, công đức đầy đủ, từ đó mà khởi phát diệu dụng. Đây là pháp tu chung ở cõi Ta-bà này nên nói là Phổ Môn.

PHẨM 26
ĐÀ-LA-NI
(Dhârani)
Dhârani là tiếng Phạn, nghĩa là tổng trì, là gom lại tất cả để gìn giữ, cũng là thần chú. Chủ yếu phẩm này là phá Hành ấm, vào Thất địa và Bát địa Bồ-tát. Hành ấm là niệm rất vi tế không hiện rõ như Tưởng ấm, nên phải dùng thần chú để phá.
Thần chú là những lời nói nhiệm mầu, khi nghe hay đọc chúng ta không thể khởi niệm suy tư về ý nghĩa của thần chú được. Nên khi đọc thần chú tâm bình thản an nhiên, gọi là trừ cái lặng lẽ vi tế của Hành ấm. Thông thường người tu khi phá Tưởng ấm, hết vọng tưởng ngỡ rằng tâm mình đã thanh tịnh không có ý tiến lên, bèn an trú trong đó. Hàng Nhị thừa cho đó là Niết-bàn. Thiền tông biểu trưng trạng thái này qua bức tranh thứ tám trong mười bức tranh chăn trâu, người chăn và trâu không còn, gọi đó là đầu sào trăm trượng, mút đầu sào phải nhảy qua mới là người anh kiệt. Nếu kẹt ở đó là bị chìm trong cái lặng lẽ. Vì người tu tới đây hay bị kẹt, không biết làm sao tiến nữa nên phải nhờ sức gia hộ của Phật và Bồ-tát để vượt qua chỗ này. Thần chú là biểu trưng cho sức gia hộ của Phật và Bồ-tát để phá Hành ấm. Nếu không hiểu mà cho rằng thần chú để cứu nạn cứu khổ thì không đúng.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, ngài Dược Vương Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu chấp tay hướng Phật mà bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hay thọ trì được kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc tụng thông lẹ, hoặc biên chép quyển kinh, được bao nhiêu phước đức?
Phật bảo ngài Dược Vương: 
- Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân cúng dường tám trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa các đức Phật. Ý ông nghĩ sao? Người đó được phước đức có nhiều chăng? 
- Thưa Thế Tôn! Rất nhiều. 
Phật nói: 
- Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân ở nơi kinh này có thể thọ trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu đọc tụng giải nghĩa, đúng như lời mà tu hành thời công đức rất nhiều.
GIẢNG:
Đây lặp lại một lần nữa, người trì kinh Pháp Hoa hay sống với Tri kiến Phật, thì công đức không thể tính kể, nếu sánh với người làm phước hữu lậu, thì phước hữu lậu không thể sánh bằng. Nên nói rằng đọc tụng thọ trì chừng bốn câu và giải nghĩa, đúng như lời mà tu hành thì công đức không thể tính kể. Đó là mở màn Phật và Bồ-tát ủng hộ người nói kinh Pháp Hoa.
CHÁNH VĂN:
2.- Lúc đó, ngài Dược Vương Bồ-tát bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Con nay sẽ cho người nói kinh Pháp Hoa chú Đà-la-ni để giữ gìn đó.
Liền nói chú rằng:
“An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ, chỉ lệ,  già lê đệ, xa mế, xa lý, đa vĩ chuyên đế, mục đế mục đa lý, ta lý, a vĩ ta lý tang lý, ta lý xoa duệ, a xoa duệ, a kỳ nhị chuyên đế, xa lý, đà la ni, a lư dà bà ta ky dá tỳ xoa nhị, nễ tỳ thế, a tiện đa la nễ lý thế, a đàn đá ba lệ thâu địa, âu cứu lệ, mâu cứu lệ, a la lệ, ba la lệ, thủ ca sai, a tam ma tam lý, Phật đà tỳ kiết lợi điệt đế, đạt ma ba lợi sai đế, tăng già niết cù sa nễ, bà xá bà xá thâu địa, mạn đá lã, mạn đá lã xoa dạ đa, bưu lâu đá, bưu lâu đá kiêu xá lược, ác xoa lã, ác xoa dã đa dã, a bà lư, a ma nhã na đa dạ.”
- Thế Tôn! Thần chú Đà-la-ni này là của sáu mươi hai ức hằng hà sa các đức Phật nói. Nếu có người xâm hủy vị Pháp sư này, thời là xâm hủy các đức Phật rồi.
Lúc đó, đức Thích-ca Mâu-ni Phật khen Dược Vương Bồ-tát rằng: 
- Hay thay! Hay thay! Dược Vương! Ông thương xót muốn ủng hộ vị Pháp sư đó, nên nói chú Đà-la-ni này, được nhiều lợi ích ở nơi các chúng sanh.
GIẢNG:
Thần chú này là của chư Phật chớ không phải của Bồ-tát, vì thương xót và ủng hộ vị Pháp sư mà nói thần chú để giúp cho người tu phá Hành ấm không còn mắc kẹt trong chỗ lặng lẽ, vượt qua khỏi Thất địa và Bát địa.
CHÁNH VĂN:
3.- Lúc bấy giờ, ngài Dõng Thí Bồ-tát bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Con cũng vì ủng hộ người đọc tụng thọ trì kinh Pháp Hoa mà nói chú Đà-la-ni. Nếu vị Pháp sư đó được chú Đà-la-ni này, hoặc dạ-xoa, la-sát hoặc phú-đơn-na, hoặc kiết-giá, hoặc cưu-bàn-trà, hoặc ngạ quỉ v.v... rình tìm chỗ dở của Pháp sư không thể được tiện lợi. 
Liền ở trước Phật mà nói chú rằng:
“Toa lệ, ma ha toa lệ, úc chỉ, mục chỉ, a lệ, a la bà đệ niết lệ đệ, niết lệ đa bà đệ, y trí nỉ, vi trí nỉ, chỉ trí nỉ, niết lệ trì nỉ, niết lệ trì bà để.”
- Thế Tôn! Thần chú Đà-la-ni này của hằng hà sa các đức Phật nói, cũng đều tùy hỉ. Nếu có người xâm hủy vị Pháp sư này thời là xâm hủy các đức Phật đó rồi.
GIẢNG:
Bồ-tát Dõng Thí nói chú Đà-la-ni để ủng hộ, khiến cho những loài dị nhân không tìm được khuyết điểm của Pháp sư.
CHÁNH VĂN:
4.- Bấy giờ, Tỳ-sa-môn thiên vương, vị trời hộ đời, bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Con cũng vì thương tưởng chúng sanh ủng hộ vị Pháp sư đó mà nói Đà-la-ni này. 
Liền nói chú rằng: 
“A lê, na lê, nâu na lê a na lư, na lý, câu na lý.”
- Thế Tôn! Dùng thần chú này ủng hộ Pháp sư, con cũng tự phải ủng hộ người trì kinh này, làm cho trong khoảng trăm do-tuần không có các điều tai hoạn.
GIẢNG:
Tỳ-sa-môn thiên vương nói chú để ủng hộ Pháp sư khiến cho Pháp sư không có các điều tai hoạn.
CHÁNH VĂN:
5.- Bấy giờ, Trì Quốc thiên vương ở trong hội này cùng với nghìn muôn ức na-do-tha chúng càn-thát-bà cung kính vây quanh đến trước chỗ Phật, chấp tay bạch Phật rằng: 
-  Thế Tôn! Con cũng dùng thần chú Đà-la-ni ủng hộ người trì kinh Pháp Hoa. 
Liền nói chú rằng:
“A dà nể, dà nể, cù lợi, càn đà lợi, chiên đà lợi, ma đẳng kỳ thường cầu lợi, phù lầu tá nỉ, ác đế.”
- Thế Tôn! Thần chú Đà-la-ni này là của bốn mươi hai ức các đức Phật nói, nếu có người xâm hủy vị Pháp sư này thời là xâm hủy các đức Phật đó rồi.
GIẢNG:
Trì Quốc thiên vương nói chú ủng hộ Pháp sư.
CHÁNH VĂN:
6.- Bấy giờ, có những la-sát nữ: một tên Lam-bà, hai tên Tỳ-lam-bà, ba tên Khúc Xỉ, bốn tên Hoa Xỉ, năm tên Hắc Xỉ, sáu tên Đa Phát, bảy tên Vô Yểm Túc, tám tên Trì Anh Lạc, chín tên Cao Đế, mười tên Đoạn Nhứt Thiết Chúng Sanh Tinh Khí. Mười vị  la-sát nữ đó cùng với quỉ Tử Mẫu, con và quyến thuộc đều đến chỗ Phật, đồng tiếng bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Chúng con cũng muốn ủng hộ người đọc tụng, thọ trì kinh Pháp Hoa, trừ sự khổ hoạn cho người đó. Nếu có kẻ rình tìm chỗ dở của Pháp sư, thời làm cho chẳng được tiện lợi. 
Liền ở trước Phật mà nói chú rằng:
“Y đề lý, y đề dẫn, y đề lý, a đề lý, y đề lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, nê lý, lâu hê, lâu hê, lâu hê, lâu hê, đa hê, đa hê, đa hê, đâu hê, nâu hê.”
- Thà trèo lên đầu chúng con chớ đừng não hại Pháp sư, hoặc dạ-xoa, hoặc la-sát, hoặc ngạ quỉ, hoặc phú-đơn-na, hoặc kiết-giá, hoặc tỳ-đà-la, hoặc kiền-đà, hoặc ô-ma-lặc-dà, hoặc a-bạt-ma-la, hoặc dạ-xoa kiết-giá, hoặc nhân kiết-giá, hoặc quỉ làm bệnh nóng, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, cho đến bảy ngày, hoặc làm bệnh nóng luôn, hoặc hình trai, hoặc hình gái, hoặc hình đồng nam, hoặc hình đồng nữ, nhẫn đến trong chiêm bao cũng lại chớ não hại.
Liền ở nơi trước Phật mà nói kệ rằng:
Nếu chẳng thuận chú ta
Não loạn người nói pháp
Đầu vỡ làm bảy phần
Như nhánh cây a-lê
Như tội giết cha mẹ
Cũng như họa ép dầu
Cân lường khi dối người
Tội Điều Đạt phá Tăng
Kẻ phạm Pháp sư đây
Sẽ mắc họa như thế.

Những la-sát nữ nói kệ đó rồi, bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ tự mình ủng hộ người thọ trì đọc tụng tu hành kinh này, làm cho được an ổn, lìa các sự khổ hoạn, tiêu các thuốc độc.
GIẢNG:
Những la-sát nữ nói chú ủng hộ Pháp sư khiến cho Pháp sư an ổn lìa các sự khổ hoạn, tiêu các thuốc độc.
Người tu nếu đến chỗ lặng lẽ, rồi ưa thích chìm trong đó, Thiền tông cho sự thích ưa cái lặng lẽ đó là chìm trong biển độc. Tương tợ, đây nói tiêu các thuốc độc.
CHÁNH VĂN:
7.- Phật bảo các la-sát nữ: 
- Hay thay! Hay thay! Các người chỉ có thể ủng hộ người thọ trì tên kinh Pháp Hoa phước chẳng thể lường được rồi, huống là ủng hộ người thọ trì toàn bộ cúng dường quyển kinh, hoa hương, chuỗi ngọc, hương bột, hương xoa, hương đốt, phan lọng, kỹ nhạc, thắp các thứ đèn: đèn nến, đèn dầu, các thứ đèn dầu thơm, đèn dầu bông tô-ma-na, đèn dầu bông chiêm-bặc, đèn dầu bông bà-sư-ca, đèn dầu bông ưu-bát-la, nghìn trăm thứ cúng dường như thế.
Cao Đế! Các người cùng quyến thuộc  phải nên ủng hộ những Pháp sư như thế.
Lúc nói phẩm “Đà-la-ni” này, có sáu muôn tám nghìn người được Vô sanh pháp nhẫn.
GIẢNG:
Khi tu tới đệ Thất địa và đệ Bát địa là giai đoạn phá Hành ấm. Tuy đã yên tĩnh nhưng chưa phải là sự tĩnh lặng tuyệt đối. Nên lầm cho là Niết-bàn, rồi an trú trong đó không thoát ra được. Vì vậy phải có sự gia hộ của Phật và Bồ-tát để tiến lên khỏi chỗ lặng lẽ đó. Nên ở đây Bồ-tát nói chú Đà-la-ni để ủng hộ.

PHẨM 27
DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BẢN SỰ
Diệu Trang Nghiêm Bản Sự là công hạnh tu hành ở đời trước của vua Diệu Trang Nghiêm. Đời trước Ngài tu hành thế nào, nay thuật lại như thế ấy, gọi đó là Bản sự.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, Phật bảo hàng đại chúng rằng:
- Về thuở xưa, cách đây vô lượng vô biên bất khả tư nghì a-tăng-kỳ kiếp, có đức Phật hiệu là Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Nước đó tên Quang Minh Trang Nghiêm, kiếp tên Hỉ kiến.
Trong pháp hội của Phật đó có vị vua tên Diệu Trang Nghiêm, phu nhân của vua tên Tịnh Đức, có hai người con, một tên Tịnh Tạng, hai tên Tịnh Nhãn. Hai người con đó có sức thần thông lớn, phước đức trí huệ, từ lâu tu tập đạo hạnh của Bồ-tát, những là: Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Trí huệ ba-la-mật, Phương tiện ba-la-mật, từ bi hỉ xả nhẫn đến Ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp thảy đều rành rẽ suốt thấu.
Lại được các môn tam-muội của Bồ-tát: Nhựt tinh tú tam-muội, Tịnh quang tam-muội, Tịnh sắc tam-muội, Tịnh chiếu minh tam-muội, Trường trang nghiêm tam-muội, Đại oai đức tạng tam-muội, ở nơi các môn tam-muội này cũng đều thấu suốt.
GIẢNG:
Đây nêu lên bốn nhân vật biểu trưng là vua Diệu Trang Nghiêm, phu nhân Tịnh Đức, hai người con là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn. Phẩm này là phá Thức ấm, ấm chót trong năm ấm. Phá được Thức ấm là qua được Cửu địa và Thập địa Bồ-tát, rồi lên Đẳng giác Diệu giác thành Phật. Thức ấm đây không phải là sáu thức do sáu căn duyên sáu trần dấy khởi, mà là Tạng thức, là kho chứa tất cả chủng tử thiện ác, khi chuyển hết chủng tử thiện ác thì nó trở thành Như Lai tàng, tức là thành Phật.
Vua Diệu Trang Nghiêm biểu trưng cho Tạng thức, phu nhân Tịnh Đức biểu trưng cho Mạt-na thức, Tịnh Tạng biểu trưng cho Ý thức, Tịnh Nhãn biểu trưng cho Tiền ngũ thức là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân thức. Người tu, dùng Ý thức nhận hiểu chánh pháp rồi mới khởi sự tu hành và chuyển năm thức trước trở thành thanh tịnh. Do năm thức trước thanh tịnh thì thức thứ bảy là Mạt-na thức mới thanh tịnh. Khi Ý thức và năm thức trước huân tu đầy đủ công đức rồi, mới chuyển thức thứ tám là A-lại-da thức thành Như Lai tàng. Nên nói Hoàng tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn xuất gia rồi, khuyên phu nhân Tịnh Đức và vua Diệu Trang Nghiêm hướng về đạo để tu hành. Hoàng tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn dẫn đường cho phu nhân và Hoàng đế đi tu, lẽ ra phải được Phật thọ ký trước, Hoàng đế tới sau được thọ ký sau. Nhưng, ngược lại khi thọ ký thì Phật thọ ký cho vua Diệu Trang Nghiêm, mà không thọ ký cho Hoàng tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn. Để thấy thành Phật là A-lại-da thức thành, còn những thức kia chỉ là diệu dụng thôi. Nên khi loại hết chủng tử thiện ác rồi thì A-lại-da thức thành cái kho thanh tịnh gọi là Như Lai tàng. Thức A-lại-da mang chủng tử thiện ác ở đời quá khứ đến thọ sanh ở đời hiện tại. Khi mang thân người thì tất cả nghiệp thiện hay ác đều chứa chấp đủ. Nếu chuyển được nó thì thành Phật, còn nếu chưa chuyển được nó, dầu cho tu các thức kia cũng không thể thành Phật. Vì vậy, trong Duy thức học nói thức A-lại-da đi thì đi sau đến thì đến trước, nên nói nó là gốc là chủ. Đó là hình ảnh biểu trưng của sự tu tiến.
CHÁNH VĂN:
2.- Lúc đó, đức Phật kia vì muốn dẫn dắt vua Diệu Trang Nghiêm cùng thương tưởng hàng chúng sanh nên nói kinh Pháp Hoa này.
Bấy giờ, Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, hai người con đến chỗ của mẹ, chấp tay thưa mẹ rằng: “Mong mẹ đến nơi chỗ đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, chúng con cũng sẽ theo hầu gần gũi cúng dường lễ lạy.”
Vì sao? Vì đức Phật đó ở trong tất cả chúng trời, người mà nói kinh Pháp Hoa, nên phải nghe và tin nhận.
Mẹ bảo con rằng: “Cha con tin theo ngoại đạo, rất ham pháp Bà-la-môn, các con nên qua thưa với cha để cùng nhau đồng đi.”
Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn chấp tay thưa mẹ: “Chúng con là Pháp vương tử mà lại sanh vào nhà tà kiến này!”
Mẹ bảo con rằng: “Các con nên thương tưởng cha các con, mà vì đó hiển phép thần thông biến hóa, nếu cha con được thấy lòng ắt thanh tịnh, hoặc là chịu cho chúng ta qua đến chỗ Phật.”
GIẢNG:
Đoạn này chúng ta thấy rõ ý nghĩa của những hình ảnh biểu trưng đó. Lúc bấy giờ Phật nói kinh Pháp Hoa vì muốn độ vua Diệu Trang Nghiêm cùng chúng sanh trong thời đó. Hai anh em Hoàng tử Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn xin phép Hoàng hậu và mời Hoàng hậu đi nghe kinh. Hoàng hậu khuyên hai con nên mời nhà vua cùng đi. Nhắc tới Vua cha, hai Hoàng tử mới than rằng: “Chúng con là Pháp vương tử mà lại sanh vào nhà tà kiến này!” Tại sao nói nhà Vua theo ngoại đạo tà kiến? Nhà Vua là chỉ cho thức A-lại-da huân chứa chủng tử cũ. Trước khi đức Phật ra đời đã có đạo Bà-la-môn nên con người đã có sẵn chủng tử đó. Bây giờ muốn chuyển thì khó khăn lắm, phải đầy đủ diệu dụng mới chuyển được. Vì vậy Hoàng hậu khuyên hai người con nên dùng phép thần thông để chuyển tâm ý Vua cha.
CHÁNH VĂN:
3.- Lúc ấy, hai người con thương cha nên bay lên hư không cao bằng bảy cây đa-la, hiện các món thần biến. Ở trong hư không đi, đứng, ngồi, nằm, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, dưới thân ra nước, trên thân ra lửa, hoặc hiện thân lớn đầy trong hư không rồi lại hiện nhỏ, nhỏ lại hiện lớn, ở trong hư không ẩn mất, bỗng nhiên hiện trên đất, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, hiện các món thần biến như thế làm cho vua cha lòng thanh tịnh tin hiểu.
Bấy giờ, cha thấy con có sức thần như thế, lòng rất vui mừng được chưa từng có, chấp tay hướng về phía con mà nói rằng: “Thầy các con là ai, con là đệ tử của ai?”
Hai người con thưa rằng: “Đại vương! Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật kia nay đương ngồi trên pháp tòa dưới cây bồ-đề bằng bảy báu, ở trong tất cả chúng trời, người thế gian, rộng nói kinh Pháp Hoa, đó là thầy chúng con, con là đệ tử.”
Cha nói với con rằng: “Ta nay cũng muốn ra mắt thầy các con, nên cùng nhau đồng đi.” Khi đó hai người con từ trong hư không xuống, đến chỗ của mẹ chấp tay thưa mẹ rằng: “Phụ vương nay đã tin hiểu, có thể kham phát được tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chúng con đã vì cha làm Phật sự rồi, mong mẹ bằng lòng cho chúng con, ở nơi chỗ đức Phật kia mà xuất gia tu hành Phật đạo.”
Lúc đó, hai người con muốn tuyên lại ý mình nói kệ thưa:
Mong mẹ cho các con
Xuất gia làm Sa-môn
Các Phật rất khó gặp
Chúng con theo Phật học
Như hoa ưu-đàm-bát
Gặp Phật lại khó hơn
Khỏi các nạn cũng khó
Mong cho các con xuất gia.

Mẹ liền bảo con rằng: “Cho các con xuất gia. Vì sao? Vì Phật khó gặp vậy.”
GIẢNG:
Thông thường chúng ta tu là do Ý thức lanh lợi, giản trạch rõ lẽ chánh tà, chân ngụy, rồi từ từ chuyển hóa Ý thức trở thành thanh tịnh. Do Ý thức thanh tịnh mới có diệu dụng huân lại những chủng tử trong A-lại-da, nhờ đó thức A-lại-da lần lần chuyển theo. Ý thức và năm thức trước tiếp xúc bên ngoài, nó huân tất cả những cái hay cái tốt, mới có công năng hướng thức A-lại-da trở thành thanh tịnh, nên ở đây nói là hai Hoàng tử hiện thần thông cho nhà Vua tin để rồi đưa nhà Vua tới chỗ Phật ngự.
Sau khi hướng dẫn Vua cha đến với đức Phật, hai Hoàng tử đồng xin xuất gia, vì đã làm tròn bổn phận là đưa cha về với chánh pháp. Chúng ta thấy rõ, khi Ý thức và năm thức trước đã chuyển thì thức A-lại-da cũng chuyển thành trí, thì tất cả thức đều được thanh tịnh hoàn toàn, ý nghĩa này đoạn sau sẽ giải thích.
CHÁNH VĂN:
4.- Bấy giờ, hai người con thưa cha mẹ rằng: “Lành thay, cha mẹ! Xin liền qua đến chỗ đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật để gần gũi cúng dường.
Vì sao? Vì Phật khó gặp được, như hoa linh thoại, lại như rùa một mắt gặp bộng cây nổi mà chúng ta do phước đời trước sâu dày, sanh đời này gặp Phật pháp, xin cha mẹ nên cho chúng con được xuất gia.
Vì sao? Vì các đức Phật khó gặp được, thời kỳ gặp Phật cũng khó có.”
GIẢNG:
Lại một lần nữa hai Hoàng tử xin xuất gia vì lý do được gặp Phật là khó. Nay có phước duyên lớn, sanh nhằm thời Phật ra đời, là cơ hội tốt được gặp Phật, nên hai Hoàng tử nguyện đi theo con đường của Phật để chóng thoát sanh tử.
CHÁNH VĂN:
5.- Lúc đó, nơi hậu cung của vua Diệu Trang Nghiêm có tám muôn bốn nghìn người thảy đều có thể kham thọ trì kinh Pháp Hoa này Tịnh Nhãn Bồ-tát từ lâu đã thông đạt nơi “Pháp Hoa tam-muội”. Tịnh Tạng Bồ-tát đã từ vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp, thông đạt môn “Ly chư ác thú tam-muội”, vì muốn làm cho tất cả chúng sanh lìa các đường dữ vậy.
Phu nhân của vua được môn “Chư Phật tập tam-muội”, hay biết được tạng pháp bí mật của các đức Phật. Hai người con dùng sức phương tiện, khéo hóa độ Vua cha như thế, khiến cho lòng cha tin hiểu ưa mến Phật pháp.
GIẢNG:
Nhà Vua đi đâu là có cả tám muôn bốn ngàn người ở hậu cung đi theo, những người đó đều thọ trì kinh Pháp Hoa. Điều đó cho chúng ta thấy rằng thức A-lại-da chứa vô số chủng tử, nên khi thức A-lại-da chuyển thì bao nhiêu chủng tử liền theo đó chuyển hết. Đây nói Tịnh Nhãn thì được Pháp Hoa tam-muội, Tịnh Tạng thì được Ly chư ác thú tam-muội. Pháp Hoa tam-muội là Tri kiến Phật, mà Tri kiến Phật lúc nào cũng hiện hữu nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của mỗi người, nên nói Tịnh Nhãn được Pháp Hoa tam-muội. “Ly chư ác thú tam-muội” là chánh định lìa các đường ác, hay nói cách khác Ý thức đã chuyển, không tạo các nghiệp ác nên được thanh tịnh. Động lực dẫn con người đi vào đường ác cũng là Ý thức, lìa các nghiệp ác được thanh tịnh cũng là Ý thức.
Phu nhân Tịnh Đức thì được “Chư Phật tập tam-muội”. “Chư Phật tập tam-muội” là chánh định do chư Phật nhóm họp, phu nhân được định này.
Đoạn này chúng ta thấy chia ra bốn nhóm: nhóm thứ nhất chỉ cho Tiền ngũ thức, nhóm thứ hai chỉ cho Ý thức, nhóm thứ ba chỉ cho Mạt-na thức, nhóm thứ tư chỉ cho A-lại-da thức. Chúng ta thấy rõ Ý thức là động lực chính tạo nghiệp và chuyển nghiệp. Còn những thức kia có công năng đi theo thôi, nhất là Mạt-na thức, qua hình ảnh phu nhân Tịnh Đức không có công gì hết, chỉ có việc đi theo vua Diệu Trang Nghiêm. Giống như Sa Tăng quảy hành lý theo Tam Tạng đi thỉnh kinh. Tịnh Nhãn như Trư Bát Giới, Tịnh Tạng như Tề Thiên tài ba mưu lược. Vua Diệu Trang Nghiêm là Tam Tạng thì không khôn lanh, chậm chạp, nhưng Ngài là chủ, những người kia theo trợ giúp cho Ngài nên khi thành tựu kết quả thì chính Ngài nhận lãnh. Qua đoạn này chúng ta thấy trọng tâm tu, là chuyển Ý thức thành Diệu quan sát trí, năm thức trước thành Thành sở tác trí, Mạt-na thức thành Bình đẳng tánh trí, A-lại-da thức thành Đại viên cảnh trí. Rõ ràng chuyển tám thức thành bốn trí.
CHÁNH VĂN:
6.- Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm cùng chung với quần thần quyến thuộc, Tịnh Đức phu nhân cùng chung với thể nữ quyến thuộc nơi hậu cung, hai người con của vua, cùng chung với bốn muôn hai nghìn người, đồng một lúc đi qua chỗ Phật. Đến rồi, đầu mặt lạy chân Phật, đi quanh Phật ba vòng, rồi đứng qua một phía.
Lúc đó, đức Phật kia vì Vua nói pháp, chỉ dạy làm cho được lợi ích vui mừng, Vua rất vui đẹp.
Bấy giờ, vua Diệu Trang Nghiêm cùng phu nhân mở chuỗi trân châu giá trị trăm nghìn đeo nơi cổ, để rải trên đức Phật, chuỗi đó ở giữa hư không hóa thành đài báu bốn trụ, trong đài có giường báu lớn trải trăm nghìn muôn thiên y, trên đó có đức Phật ngồi xếp bằng phóng hào quang sáng lớn.
GIẢNG:
Vua Diệu Trang Nghiêm mới gặp Phật lần đầu, liền phát tâm cúng dường chuỗi ngọc, chuỗi ngọc biến thành đài báu, trên đài báu có Phật ngồi xếp bằng phóng hào quang. Như vậy, vừa khởi tâm cúng dường Phật thì Phật hiện tiền.
CHÁNH VĂN:
7.- Lúc đó, vua Diệu Trang Nghiêm nghĩ rằng: “Thân Phật tốt đẹp riêng lạ ít có, thành tựu Sắc thân vi diệu thứ nhứt.” 
Bấy giờ, đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật, bảo bốn chúng rằng: “Các ngươi thấy vua Diệu Trang Nghiêm chấp tay đứng trước ta đó chăng?
Vị Vua này ở trong pháp ta làm Tỳ-kheo siêng ròng tu tập các món trợ Phật đạo pháp, sẽ được làm Phật hiệu Ta-la Thọ Vương, nước tên Đại Quang, kiếp tên Đại cao vương.
Đức Ta-la Thọ Vương Phật có vô lượng chúng Bồ-tát và vô lượng Thanh văn, nước đó bằng thẳng công đức như thế.”
GIẢNG:
Hai Hoàng tử và phu nhân phát tâm tu trước mà không được Phật thọ ký, nhà Vua vừa mới phát tâm cúng dường liền được Phật thọ ký. Như vậy, để thấy rõ ý nghĩa A-lại-da thức chuyển từ mê thành ngộ, từ ô nhiễm thành thanh tịnh, nó là cái nhân chánh để thành Phật, chớ bảy thức còn lại là phụ không phải là nhân tố chánh để thành Phật.
CHÁNH VĂN:
8.- Vua Diệu Trang Nghiêm liền đem nước giao cho em, rồi cùng phu nhân, hai người con và các quyến thuộc, ở trong Phật pháp xuất gia tu hành đạo hạnh.
Vua xuất gia rồi trong tám muôn bốn nghìn năm thường siêng tinh tấn tu hành kinh Diệu Pháp Liên Hoa; qua sau lúc đây, được môn “Nhứt thiết tịnh công đức trang nghiêm tam-muội”.
Liền bay lên hư không cao bảy cây đa-la mà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Hai người con của con đây đã làm Phật sự, dùng sức thần thông biến hóa, xoay tâm tà của con, làm cho con được an trụ trong Phật pháp, được thấy Thế Tôn. Hai người con này là thiện tri thức của con, vì muốn phát khởi căn lành đời trước lợi ích cho con nên đến sanh vào nhà con.”
Lúc đó, đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí  Phật bảo vua Diệu Trang Nghiêm rằng: “Đúng thế! Đúng thế! Như lời ông nói, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trồng cội lành thời đời đời được gặp thiện tri thức, vị thiện tri thức hay làm Phật sự, chỉ dạy cho lợi ích vui mừng, khiến vào đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đại vương nên biết! Vị thiện tri thức đó là nhân duyên lớn, giáo hóa dìu dắt làm cho được thấy Phật, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đại vương! Ông thấy hai người con này chăng? Hai người con này đã từng cúng dường sáu mươi lăm trăm nghìn muôn ức na-do-tha hằng hà sa các đức Phật. Gần gũi cung kính, nơi chỗ các đức Phật thọ trì kinh Pháp Hoa, thương tưởng những chúng sanh tà kiến làm cho trụ trong chánh kiến.”
Diệu Trang Nghiêm vương liền từ trong hư không xuống mà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Lai rất ít có do công đức trí huệ nên nhục kế trên đảnh sáng suốt chói rỡ. Mắt Phật dài rộng mà sắc xanh biếc, tướng lông trắng chặng mày như ngọc kha nguyệt, răng trắng bằng và khít thường có ánh sáng, môi sắc đỏ đẹp như trái tần-bà.”
Lúc đó, vua Diệu Trang Nghiêm khen ngợi Phật có vô lượng trăm nghìn muôn ức công đức như thế rồi, ở trước Như Lai một lòng chấp tay lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chưa từng có vậy! Pháp của Như Lai đầy đủ trọn nên bất khả tư nghì công đức vi diệu, dạy răn chỗ tu hành an ổn rất hay. Con từ ngày nay chẳng còn lại tự theo tâm hành của mình chẳng sanh những lòng ác: kiêu mạn, giận hờn, tà kiến.”
Vua thưa lời đó rồi, lạy Phật mà ra.
GIẢNG:
Vua Diệu Trang Nghiêm phát tâm tu liền giao hết triều đình, quốc dân cho em, cả gia đình cùng xuất gia và được “Nhứt thiết tịnh công đức trang nghiêm tam-muội”, tức là chánh định mà tất cả công đức đều được thanh tịnh trang nghiêm. Ngài tán thán Phật và nói rằng Ngài được tu hành là do hai người con làm thiện tri thức, giúp Ngài phát khởi căn lành. Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí cũng xác nhận là đúng như vậy. Chúng ta thấy, thiện nam thiện nữ có sẵn căn lành nhờ thiện tri thức hướng dẫn khiến vào đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu có sẵn duyên lành mà không gặp thiện tri thức, thì duyên lành đó cũng khó phát triển. Thế nên thiện tri thức là người có công lớn đối với người tu hành. Ví dụ như tôi không gặp Hòa thượng Viện trưởng cho xuất gia, thì không biết bây giờ tôi trôi nổi ra sao? Nhờ thiện hữu tri thức giáo hóa hướng dẫn, chúng ta mới nhận được đạo lý rồi từ đó tiến tu. Vì vậy mà ơn của thiện tri thức đối với chúng ta lớn vô kể, nếu người không tu tiến thì ơn thiện tri thức thấy như không có. Đó là đứng trên sự mà nói. Về lý thì, sở dĩ A-lại-da thức mà được thanh tịnh sáng suốt, là nhờ Ý thức và Tiền ngũ thức chuyển và hướng dẫn. Vậy A-lại-da thức được chuyển thành trí là nhờ những thức trước chuyển mà chuyển theo. Cho nên thức thứ tám được quả mà không phải công của mình, mà do công của những thức kia. Ở đây biểu trưng qua hình ảnh vua Diệu Trang Nghiêm tán thán hai người con là thiện tri thức của mình.
Phật lại nói: “Hai người con của nhà vua đã cung kính cúng dường sáu mươi lăm trăm ngàn muôn ức na-do-tha hằng hà sa đức Phật, thọ trì kinh Pháp Hoa, và làm cho chúng sanh hết tà kiến trụ trong chánh kiến.” Điều này cho chúng ta thấy Ý thức và Tiền ngũ thức là quan trọng, vì Tri kiến Phật luôn hiện hữu ở những thức này. Khi đã nhận ra Tri kiến Phật liền từ đó chuyển lần tới A-lại-da thức. Nên nói Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng đã thọ trì kinh Pháp Hoa với thời gian rất lâu không thể tính kể.
Vua Diệu Trang Nghiêm tán thán tướng tốt của Phật. Sở dĩ Ngài được tướng tốt như: trên nhục kế có hào quang sáng suốt, mắt dài rộng xanh biếc, tướng lông trắng giữa chặng mày như hòn ngọc... là do phước đức sâu dày trang nghiêm, không phải do tình phàm mà có được tướng phi thường như vậy. Tới đây Vua lại nói: “Từ nay con chẳng còn tự theo tâm hành của mình.” Tâm hành là chỉ cho chủng tử do năm thức trước và Ý thức huân tập, rồi Mạt-na thức đưa vào A-lại-da thức. Do có chủng tử ở A-lại-da thức nên khởi ra hiện hành, chủng tử tốt thì khởi hiện hành tốt, chủng tử xấu thì khởi hiện hành xấu. Chủng tử khởi hiện hành, hiện hành huân thành chủng tử, cứ như vậy mà tiếp nối không dừng. Nên đây nói: “chẳng còn tự theo tâm hành”, tức là không còn theo những chủng tử mà sanh lòng ác kiêu mạn, giận hờn, tà kiến, nên được thanh tịnh.
CHÁNH VĂN:
9.- Phật bảo đại chúng: 
- Ý các ông nghĩ sao? Vua Diệu Trang Nghiêm đâu phải người nào lạ, nay chính là Hoa Đức Bồ-tát, bà Tịnh Đức phu nhân nay chính là Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng Bồ-tát hiện đương ở trước Phật. Hai người con vì thương xót vua Diệu Trang Nghiêm và các quyến thuộc nên sanh vào trong cung vua, nay chính là Dược Vương Bồ-tát cùng Dược Thượng Bồ-tát.
Dược Vương và Dược Thượng Bồ-tát này thành tựu các công đức lớn như thế, đã ở chỗ vô lượng trăm nghìn muôn ức các đức Phật trồng các cội công đức, thành tựu bất khả tư nghì những công đức lành. Nếu có người biết danh tự của hai vị Bồ-tát này thời tất cả trong đời, hàng trời, nhân dân cũng nên lễ lạy. 
Lúc Phật nói phẩm “Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự” này có tám muôn bốn nghìn người xa trần lụy, rời cấu nhiễm, ở trong các pháp chứng được pháp nhãn tịnh.
GIẢNG:
Phật hợp thức chuyện xưa thành hiện tại. Vua Diệu Trang Nghiêm thời xưa, nay chính là Bồ-tát Hoa Đức, Hoàng tử Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng nay là Bồ-tát Dược Vương và Dược Thượng. Dược Vương là Vua thầy thuốc và Dược Thượng là thầy thuốc bậc trên. Chúng sanh có những bệnh như tham lam, sân giận, si mê, kiêu căng, bỏn sẻn... phát sanh từ Ý thức và năm thức trước. Khi chuyển Ý thức và năm thức trước, hết những bệnh trên gọi đó là Dược Vương và Dược Thượng. Hai vị Bồ-tát này hay chuyển cái xấu cái tà thành cái hay cái chánh, nên công đức của hai vị Bồ-tát này rất lớn. Phật dạy nếu có người biết danh tự của hai vị Bồ-tát này thời tất cả trong đời, hàng trời, nhân dân cũng nên lễ lạy. Nghĩa là Ý thức và năm thức trước trở thành thầy thuốc trị hết bệnh tham, sân, kiêu mạn... là bậc tôn kính đáng đảnh lễ.
Trọng tâm của phẩm này là phá Thức ấm trong thân năm ấm, ở kinh Lăng Nghiêm gọi là Ngũ ấm ma. Sắc ấm, Thọ ấm, Tưởng ấm, Hành ấm và Thức ấm che khuất Tri kiến Phật có sẵn nơi mỗi người, phá tan năm ấm đó thì Tri kiến Phật hiển hiện. Cũng như mặt trăng khi mây tan trời trong thì sáng vằng vặc. Phá xong Thức ấm đi tới quả Phật không còn khó khăn nữa. Tới đây là xong phần Nhập Tri kiến Phật.

PHẨM 28
PHỔ HIỀN BỒ-TÁT KHUYẾN PHÁT
Phổ Hiền Bồ-tát Khuyến Phát có nghĩa là Bồ-tát Phổ Hiền khuyên người phát tâm trì kinh Pháp Hoa. Người sau khi Nhập Tri kiến Phật, công hạnh đã viên mãn có đầy đủ diệu dụng, theo sở nguyện sở cầu của chúng sanh mà vào đời ngũ trược để giáo hóa họ. Mở đầu kinh này, Bồ-tát Văn-thù đứng ra giải nghi cho Bồ-tát Di-lặc, nói lên ý nghĩa muốn Nhập Tri kiến Phật là phải bắt đầu bằng trí tuệ tức là Căn bản trí. Sau khi nhập Tri kiến Phật phá hết năm ấm, công hạnh tu hành viên mãn, khởi Sai biệt trí biết rõ tâm bệnh của chúng sanh, mà dùng mọi phương tiện để giáo hóa. Bấy giờ ra giáo hóa thì không còn chướng ngại thoái lui.
CHÁNH VĂN:
1.- Lúc bấy giờ, ngài Phổ Hiền Bồ-tát dùng sức thần thông tự tại oai đức danh văn, cùng vô lượng vô biên bất khả xưng sổ chư đại Bồ-tát từ phương Đông mà đến; các nước đi ngang qua khắp đều rúng động, rưới hoa sen báu, trỗi vô lượng trăm nghìn muôn ức các thứ kỹ nhạc.
Lại cùng vô số các đại chúng: trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-dà, nhân, phi nhân v.v... vây quanh, đều hiện sức oai đức thần thông đến cõi Ta-bà trong núi Kỳ-xà-quật, đầu mặt lạy đức Thích-ca Mâu-ni Phật, đi quanh bên hữu bảy vòng, bạch Phật rằng: 
- Thế Tôn! Con ở nơi nước của đức Bảo Oai Đức Thượng Vương Phật, xa nghe cõi Ta-bà này nói kinh Pháp Hoa nên cùng với vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức chúng Bồ-tát đồng đến để nghe thọ, cúi mong đức Thế Tôn nên vì chúng con nói đó.
Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân sau khi Như Lai diệt độ, thế nào mà có thể được kinh Pháp Hoa này?
GIẢNG:
Bồ-tát Phổ Hiền từ cõi Phật phương Đông, nghe Phật Thích-ca ở cõi này nói kinh Pháp Hoa, Ngài cùng với chúng đồng đến để nghe pháp. Bồ-tát Phổ Hiền không dùng tai để nghe, mà Ngài dùng tâm để nghe. Ngài đặt câu hỏi: Sau khi Phật diệt độ, thiện nam tử, thiện nữ nhân, làm sao có thể được kinh Pháp Hoa này? Dưới đây Phật trả lời.
CHÁNH VĂN:
2.- Phật bảo Phổ Hiền Bồ-tát rằng: 
- Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu bốn pháp, thời sau khi Như Lai diệt độ sẽ được kinh Pháp Hoa này: một là được các đức Phật hộ niệm, hai là trồng các cội công đức, ba là vào trong chánh định, bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sanh.
Thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu bốn pháp như thế, sau khi Như Lai diệt độ quyết được kinh này.
GIẢNG:
Phật dạy muốn được kinh Pháp Hoa phải thực hành bốn pháp. Một là được chư Phật hộ niệm, hai là trồng các cội công đức, ba là vào trong chánh định, bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sanh. Pháp thứ nhất là được chư Phật hộ niệm, chúng ta có được Phật hộ niệm không? Nơi mỗi người ai cũng có Tri kiến Phật, tuy có nhưng vì quên, nên không được Phật hộ niệm. Nếu chúng ta hằng sống với Tri kiến Phật thì Phật luôn luôn ở bên cạnh mình không có xa vắng. Như vậy Phật không hộ niệm là gì? Pháp thứ hai là trồng các cội công đức, hiện tại chúng ta đang gieo trồng công đức qua việc tự giác và giác tha. Pháp thứ ba là vào trong chánh định, thì hiện tại chúng ta đang buông bỏ những vọng tưởng điên đảo, khi vọng tưởng điên đảo lắng xuống, đó là chúng ta đang ở trong chánh định chớ gì? Còn phát lòng từ làm lợi ích chúng sanh, thì chúng ta đang thực hiện, tuy chưa làm được những việc lớn, nhưng những việc nhỏ đang làm. Như vậy, là bốn pháp phải có để được kinh Pháp Hoa, hiện tại mỗi người chúng ta ai cũng có, mặc dù chưa được viên mãn.
Chúng ta nhớ, được kinh Pháp Hoa không phải đem tiền đi thỉnh bộ kinh bằng văn tự in trên giấy mực. Được kinh Pháp Hoa đây là phải thực hiện bốn pháp vừa nêu để sống với Tri kiến Phật. Đó là được kinh Pháp Hoa.
CHÁNH VĂN:
3.- Lúc đó ngài Phổ Hiền Bồ-tát bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Năm trăm năm sau trong đời ác trược, nếu có người thọ trì kinh điển này, con sẽ giữ gìn trừ các sự khổ hoạn làm cho được an ổn, khiến không ai được tiện lợi rình tìm làm hại; hoặc ma, hoặc con trai của ma, hoặc con gái của ma, hoặc dân ma, hoặc người bị ma dựa, hoặc dạ-xoa, hoặc la-sát, hoặc cưu-bàn-trà, hoặc tỳ-xá-xà, hoặc kiết-giá, hoặc phú-đơn-na, hoặc vi-đà-la v.v... những kẻ làm hại người đều chẳng được tiện lợi.
Người đó hoặc đi, hoặc đứng, đọc tụng kinh này, bấy giờ con cưỡi tượng vương trắng sáu ngà cùng chúng đại Bồ-tát, đều đến chỗ người đó mà tự hiện thân ra, để cúng dường thủ hộ an ủi tâm người đó, cũng để cúng dường kinh Pháp Hoa.
Người đó nếu ngồi suy nghĩ kinh này, bấy giờ con lại cưỡi tượng vương trắng hiện ra trước người đó, người đó nếu ở trong kinh Pháp Hoa có quên mất một câu, một bài kệ, con sẽ dạy đó chung cùng đọc tụng làm cho thông thuộc.
Bấy giờ, người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa được thấy thân con, lòng rất vui mừng lại càng tinh tấn, do thấy thân con nên liền được tam-muội và đà-la-ni tên là “Triền đà-la-ni”, trăm nghìn muôn ức “Triền đà-la-ni”, “Pháp âm phương tiện đà-la-ni”, được những môn đà-la-ni như thế.
GIẢNG:
Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện đi vào cõi đời ác trược để ủng hộ cho người trì kinh Pháp Hoa. Tất cả các loại ma muốn phá phách, làm cho người trì kinh Pháp Hoa thoái tâm, thì Ngài liền tới ủng hộ, để cho những người đó tu hành, không bị tổn hại vì ma. Những người đó đi, đứng, ngồi, nằm đều trì kinh Pháp Hoa thì Ngài sẽ cưỡi tượng vương trắng sáu ngà, cùng với chúng đại Bồ-tát đến thủ hộ an ủi những người đó và cúng dường kinh Pháp Hoa. Chúng ta thấy Bồ-tát Phổ Hiền từ cõi tịnh đi vào cõi uế, để bảo hộ người tu theo kinh Pháp Hoa. Thường, chúng ta thấy tượng Phật Thích-ca ở giữa, hai vị Bồ-tát ở hai bên là Văn-thù và Phổ Hiền. Bồ-tát Văn-thù cưỡi sư tử tượng trưng cho Căn bản trí phá dẹp tà kiến xiển dương chánh pháp. Cũng như con sư tử một phen rống lên, thì mọi con thú khác đều né tránh bỏ chạy hết, chỉ còn lại loài sư tử, chúa sơn lâm thôi.
Qua giai đoạn Căn bản trí phá tà hiển chánh, tới giai đoạn Sai biệt trí khởi phát từ bi đi vào đời giáo hóa ủng hộ người tu. Biểu trưng qua hình ảnh Bồ-tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà. Voi trắng ngầm nói lên tâm hạnh vững mạnh rộng lớn mà thanh tịnh của Bồ-tát. Sáu ngà là chỉ cho Lục độ. Bồ-tát Phổ Hiền vào cõi trần tục ô uế với tâm hạnh lớn mạnh, trí tuệ sáng suốt không bị nhiễm nhơ, lúc nào cũng dùng pháp Lục độ an ủi làm lợi ích cho chúng sanh chóng viên thành đạo quả. Tương tợ, trong mười bức Tranh chăn trâu Thiền tông, chúng ta thấy bức tranh thứ mười, Thiền sư mặc áo bày ngực, đi chân trần, tay cầm bầu rượu, tay xách con cá chép, đi vào xóm làng hòa mình với chúng sanh để độ họ. Các ngài đã vào Phật quốc là chỗ thanh tịnh rồi, bấy giờ tùy theo căn cơ chúng sanh đi vào chỗ uế trược, để cứu độ làm lợi ích cho họ. Đó là hạnh nguyện lợi sanh.
Như vậy, người tu tới chặng chót này là phải lao mình vào trần thế để cứu độ chúng sanh, cứu độ chúng sanh viên mãn mới thành Phật. Đó là tinh thần Tự giác Giác tha Giác hạnh viên mãn. Nếu mình được giác ngộ mà chưa giác tha thì chưa đủ công hạnh để thành Phật. Vì vậy mà phẩm chót của bộ kinh Pháp Hoa nói lên hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Cũng như bức tranh thứ mười trong Thập mục ngưu đồ, Thiền sư thõng tay vào chợ, vào làng hòa mình với những người nhiễm nhơ trần tục, để giáo hóa hướng dẫn họ trở về với chánh pháp.
Đây nói người suy nghĩ kinh Pháp Hoa, nếu quên hoặc một câu hoặc một bài kệ, thì Bồ-tát Phổ Hiền đến chung đọc tụng làm cho thông thuộc. Quí vị tụng kinh Pháp Hoa có vị nào được nhắc chưa? - Chưa. Tại sao ở đây nói như vậy? Vì kinh Pháp Hoa là chỉ cho người nhận ra Tri kiến Phật, mọi người có Tri kiến Phật, nếu quên thì có thiện tri thức nhắc cho nhớ để tu. Và Bồ-tát Phổ Hiền sẽ đến gia hộ cho được tất cả đà-la-ni tức là nhớ hết các pháp.
CHÁNH VĂN:
4.- Thế Tôn! Nếu đời sau, sau năm trăm năm trong đời ác trược, hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, người cầu tìm, người thọ trì, người đọc tụng, người biên chép, mà muốn tu tập kinh Pháp Hoa này, thời trong hai mươi mốt ngày, phải một lòng tinh tấn, mãn hai mươi mốt ngày rồi, con sẽ cưỡi tượng trắng sáu ngà, cùng vô lượng Bồ-tát vây quanh, dùng thân mà tất cả chúng sanh ưa thấy, hiện nơi trước người đó để vì nói pháp chỉ dạy cho lợi ích vui mừng cũng lại cho chú Đà-la-ni.
Được chú Đà-la-ni này thời không có phi nhân nào có thể phá hoại được, cũng chẳng bị người nữ làm hoặc loạn. Con cũng đích thân thường hộ người đó. Cúi mong đức Thế Tôn nghe con nói chú Đà-la-ni này. Liền ở trước Phật mà nói chú rằng:
“A đàn địa, đàn đà bà địa, đàn đà bà đế, đàn đà cưu xá lệ, đàn đà tu đà lệ, tu đà lệ, tu đà la bà để, Phật đà ba chuyên nể, tác bà đà la ni a bà đa ni, tác bà bà sa a bà đa ni, tu a bà đa ni, tăng già bà lý xoa ni, tăng già niết dà đà ni, a tăng kỳ, tăng già bà dà địa, đế lệ a đọa tăng già đâu lược, a la đế ba la đế, tát bà tăng già địa, tam ma địa, dà lan địa, tát bà đạt ma tu ba lợi sát đế, tát bà tát đỏa lâu đà kiêu xá lược, a nâu dà địa, tân a tỳ kiết lợi địa đế.”
Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát nào được nghe chú Đà-la-ni này, phải biết đó là sức thần thông của Phổ Hiền.
GIẢNG:
Người trì hay biên chép kinh Pháp Hoa khoảng hai mươi mốt ngày, thì Bồ-tát Phổ Hiền sẽ tới hiện thân cho thấy để chỉ dạy cho người đó và tặng thêm thần chú. Đây ngầm ý nói rằng người biết hướng về Tri kiến Phật, hoặc hằng sống với Tri kiến Phật thì lúc nào cũng được gia hộ, được tâm đại tổng trì.
Ý này có hai nghĩa. Một là người thọ trì kinh Pháp Hoa, muốn cho nhân và phi nhân không hoặc loạn nhiễu hại, thì phải giữ tâm thanh tịnh không dấy động nhiễm nhơ, đó là được chú Đà-la-ni. Hai là người hướng về sống với Tri kiến Phật, không có tâm trông cầu ở người khác. Tuy không trông cầu, mà vẫn được gia hộ của chư Phật và Bồ-tát. Hằng ngày, tuy làm mọi việc mà vẫn ở trong Thiền định, nên nói Bồ-tát Phổ Hiền nói thần chú để gia hộ.
CHÁNH VĂN:
5.- Nếu kinh Pháp Hoa lưu hành trong Diêm-phù-đề có người thọ trì, thời nên nghĩ rằng: Đều là sức oai thần của Phổ Hiền.
Nếu có người thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh hiểu nghĩa thú trong kinh đúng như lời mà tu hành, phải biết người đó tu hạnh Phổ Hiền, ở nơi vô lượng vô biên các đức Phật, sâu trồng cội lành, được các Như Lai, lấy tay xoa đầu. Nếu chỉ biên chép người này mạng chung sẽ sanh lên trời Đao-lợi.
Bấy giờ, tám muôn bốn nghìn thiên nữ trỗi các kỹ nhạc mà đến rước đó, người đó liền đội mão bảy báu, ở trong hàng thể nữ vui chơi khoái lạc, huống là thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh hiểu nghĩa thú kinh, đúng như lời mà tu hành.
Nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa thú kinh này, người đó khi mạng chung được nghìn đức Phật trao tay, khiến chẳng sợ sệt, chẳng đọa vào đường dữ, liền lên cung trời Đâu-suất, chỗ Di-lặc Bồ-tát mà sanh vào hàng quyến thuộc trăm nghìn muôn ức thiên nữ, đức Di-lặc Bồ-tát có ba mươi hai tướng, chúng đại Bồ-tát cùng nhau vây quanh. Có công đức lợi ích như thế cho nên người trí phải một lòng tự chép hoặc bảo người chép, thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh đúng như lời tu hành.
Thế Tôn! Con nay dùng sức thần thông giữ gìn kinh này, sau khi Như Lai diệt độ, làm cho rộng lưu bố trong Diêm-phù-đề khiến chẳng dứt mất.
GIẢNG:
Người trì kinh Pháp Hoa thì được Bồ-tát Phổ Hiền gia hộ. Và nếu người thọ trì đọc tụng hiểu nghĩa thú trong kinh, đúng như lời dạy của Phật mà tu hành, đó là người tu theo hạnh Phổ Hiền. Có nghĩa là Bồ-tát xoay lại sống với Tri kiến Phật của mình và biết chúng sanh cũng có Tri kiến Phật mà họ quên, nên khởi lòng thương xót, giáo hóa khiến cho họ nhận ra Tri kiến Phật của họ. Và khi giáo hóa, với Trí sai biệt, Bồ-tát biết rõ căn cơ trình độ của chúng sanh, dùng phương tiện thích ứng với căn tánh họ, khiến họ tin nhận và tu theo, nên việc giáo hóa không chướng ngại, thực hành được hạnh nguyện lớn của Phổ Hiền.
Phật nói, chỉ cần biên chép kinh Pháp Hoa thôi mà được phước báo sanh lên cõi trời, rồi được đội mão bảy báu, được thiên nữ tới đón vui chơi khoái lạc đầy đủ. Còn nếu trì tụng ghi nhớ chân chánh nghĩa thú kinh và đúng như lời Phật dạy mà tu hành, thì công đức không thể lường được. Chư Bồ-tát luôn luôn khuyến khích chúng sanh tu bằng mọi hình thức, hoặc là dùng lời ngon ngọt để khuyến khích, hoặc dùng những hình ảnh mà chúng sanh ưa thích, hoặc nói lên lý đạo chân chánh, để cho chúng sanh phát tâm tu. Đó là phương tiện của Bồ-tát giáo hóa, khiến chúng sanh hướng về Tri kiến Phật, hoặc ít hoặc nhiều rồi tiến tu cho đến thành tựu viên mãn. Cuối cùng Bồ-tát Phổ Hiền tuyên bố rõ ràng rằng: Ngài sẽ làm lưu bố kinh Pháp Hoa khắp cõi Diêm-phù-đề chẳng để dứt mất. Hạnh nguyện của Ngài cốt làm sao đưa mọi người tới chỗ tỉnh giác, nhận ra nơi mình có Tri kiến Phật. Phật giáo hóa giảng dạy cốt đưa chúng sanh ngộ được Tri kiến Phật, Bồ-tát giúp chúng sanh cũng trở về với Tri kiến Phật, là cái gốc của sự tu hành.
CHÁNH VĂN:
6.- Lúc bấy giờ, đức Thích-ca Mâu-ni Phật khen rằng: 
- Hay thay! Hay thay! Phổ Hiền! Ông có thể hộ trợ kinh này làm cho nhiều chúng sanh an vui lợi ích. Ông đã thành tựu bất khả tư nghì công đức, lòng từ bi sâu lớn, từ lâu xa đến nay phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà có thể thật hành nguyện thần thông đó, để giữ gìn kinh này.
Ta sẽ dùng sức thần thông giữ gìn người hay thọ trì danh hiệu Phổ Hiền Bồ-tát.
Phổ Hiền! Nếu có người thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chân chánh tu tập biên chép kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó thời là thấy đức Thích-ca Mâu-ni Phật, như từ miệng Phật mà nghe kinh điển này. Phải biết người đó cúng dường cho đức Thích-ca Mâu-ni Phật, phải biết người đó được Phật, Ngài khen lành thay, phải biết người đó được Thích-ca Mâu-ni Phật lấy tay xoa đầu. Phải biết người đó được đức Thích-ca Mâu-ni Phật lấy y trùm cho. Người như thế chẳng còn lại ham ưa sự vui trong đời, chẳng ưa kinh sách viết chép của ngoại đạo, cũng lại chẳng ưa gần gũi ngoại đạo và các kẻ ác, hoặc kẻ hàng thịt, hoặc kẻ nuôi heo, dê, gà, chó, hoặc thợ săn, hoặc kẻ buôn bán sắc gái. Người đó tâm ý ngay thiệt, có lòng nghĩ nhớ chân chánh có sức phước đức. Người đó chẳng bị ba món độc làm não hại, cũng chẳng bị tánh ganh ghét, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn làm não hại. Người đó ít muốn biết đủ, có thể tu hạnh Phổ Hiền.
GIẢNG:
Phật khen ngợi Bồ-tát Phổ Hiền có lòng từ bi rộng lớn, đem hết khả năng để thực hiện hạnh nguyện của mình, là giữ gìn kinh này tồn tại ở cõi Ta-bà, để cho chúng sanh được lợi ích. Phật hứa sẽ bảo hộ cho những người phát tâm thọ trì danh hiệu Bồ-tát Phổ Hiền. Nói cách khác là Phật sẽ gia hộ cho người tu theo hạnh nguyện Phổ Hiền, khởi lòng đại bi quán xét căn cơ của chúng sanh, rồi đi vào đời ngũ trược để tiếp độ chúng sanh khiến cho họ được giác ngộ.
Phật lại xác nhận một lần nữa, người mà thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa một cách chân chánh, thì người đó sẽ được thấy Phật Thích-ca, như từ miệng Phật mà nghe kinh điển này, được Phật Thích-ca khen ngợi, được Phật Thích-ca xoa đầu và lấy y trùm cho... Vì sao được như thế? Vì bản hoài của Phật là muốn cho chúng sanh nhận ra Tri kiến Phật của chính mình. Vậy nếu ai thực hành theo bản hoài của Phật, đấy là trung thành với Phật, nên được Phật nâng đỡ. Đó là nói sự gia hộ bên ngoài. Sau đây là nói đến bản thân của người trì tụng kinh Pháp Hoa. Người khi nhận ra Tri kiến Phật là cái Thể sáng suốt không sanh không diệt, hằng hữu thì những thú vui tạm bợ ở đời không nhiễm trước, những cái nhân gây ra phiền não có thể dẹp bỏ được như đối với kinh sách của ngoại đạo không thích đọc và không thích gần gũi với những người ngoại đạo. Đối với những thú vui tạm bợ ở thế gian, cùng những người có nghiệp ác thì không tương ưng, không thân cận. Vì mọi ý niệm xấu xa không còn, nên nói chẳng bị tánh ghen ghét, ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn làm não hại; lại còn ít muốn biết đủ, nên có thể tu theo hạnh Phổ Hiền, làm lợi ích cho chúng sanh.
CHÁNH VĂN:
7.- Phổ Hiền! Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nào thấy người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa phải nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu sẽ đến đạo tràng, phá các chúng ma thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân, đánh pháp cổ, thổi pháp loa, rưới pháp vũ, sẽ ngồi trên pháp tòa sư tử trong đại chúng trời, người.
Phổ Hiền! Nếu ở đời sau, có người thọ trì, đọc tụng kinh điển này, người đó chẳng còn lại ham ưa y phục, giường nằm, những vật nuôi sống, chỗ mong cầu chẳng luống, cùng ở trong hiện đời được phước báo đó.
Nếu có người khinh chê đó rằng: “Ông là người điên cuồng vậy, luống làm hạnh ấy trọn không được lợi ích.” Tội báo như thế sẽ đời đời không mắt. Nếu có người cúng dường khen ngợi đó, sẽ ở trong đời nay được quả báo hiện tại.
Nếu lại thấy người thọ trì kinh này mà nói bày lỗi quấy của người đó, hoặc thiệt, hoặc chẳng thiệt, người này trong hiện đời mắc bệnh bạch lại([1]). Nếu khinh cười người trì kinh sẽ đời đời răng nướu thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay chưn cong quẹo, mắt lé, thân thể hôi dơ, ghẻ dữ máu mủ, bụng thủng, hơi ngắn, bị các bệnh nặng dữ.
Cho nên Phổ Hiền! Nếu thấy người thọ trì kinh điển này phải đứng dậy xa rước, phải như kính Phật.
GIẢNG:
Khi Phật diệt độ khoảng năm trăm năm về sau, có người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa, thì biết người đó chẳng bao lâu sẽ là người ngồi đạo tràng phá chúng ma, thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và chuyển pháp luân giáo hóa chúng sanh. Người đó được nhiều phước báo về bốn món: ăn, mặc, ở, bệnh, vì công phu tu hành đã tới mức phải được, dù không muốn cũng có, còn người chưa đủ phước đó, dù muốn cũng không được. Ý Phật nói rằng người mà biết sống với Tri kiến Phật thì mọi phước đức không cầu mà vẫn được.
Đến đây Phật nêu ra hai trường hợp. Nếu ai thấy người trì kinh Pháp Hoa mà chê bai và cho rằng điên dại, thì người đó bị tội báo nặng nề. Ngược lại ai mà tán thán khen ngợi, thì người đó sẽ được quả báo tốt trong đời hiện tại này. Thông thường chúng ta thấy ai khen người hiền trí, không khen kẻ hung ác thì biết người đó đã có chủng tử lành, mà đã có chủng tử lành, thì tự nhiên sẽ hưởng phước lành. Ngược lại, kẻ khinh chê người hiền trí, lại khen người hung dữ, thì chúng ta biết kẻ đó ác và ngu, vì đã có chủng tử ác, ắt phải đọa vào cõi ác, chịu quả báo khổ đau không nghi ngờ.
Sau đây Phật lại nói, kẻ chê bai người trì kinh Pháp Hoa thì răng thưa thiếu, môi xấu, mũi xẹp... Xét lại, nếu người nào mắc phải những tướng xấu đó, là trước đã chê bai người trì kinh Pháp Hoa, nay phải sám hối và khen ngợi đừng chê nữa. Đây Phật kết thúc cho chúng ta thấy rằng người biết xoay lại sống với Tri kiến Phật thì chắc chắn quả Phật sẽ đến. Và đối với người sống với Tri kiến Phật, chớ có khinh thường, nếu khinh thường là tạo nghiệp ác đi trong đường dữ chịu khổ đau.
CHÁNH VĂN:
8.- Lúc Phật nói phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Khuyến Phát này có hằng hà sa vô lượng vô biên Bồ-tát được trăm nghìn muôn ức môn “Triền đà-la-ni”, tam thiên đại thiên thế giới vi trần số các đại Bồ-tát, đủ đạo Phổ Hiền.
Lúc Phật nói kinh này, Phổ Hiền v.v... các vị Bồ-tát, Xá-lợi-phất v.v... các vị Thanh văn và hàng trời, rồng, nhân, phi nhân v.v... tất cả đại chúng đều rất vui thọ trì lời Phật làm lễ mà đi.
GIẢNG:
Phẩm Phổ Hiền là phẩm chót khuyến khích người trì kinh Pháp Hoa và ủng hộ người trì kinh Pháp Hoa. Đó là phần lưu thông cho mọi người thấy rằng, người thọ trì và bảo hộ kinh Pháp Hoa sẽ được Phật và Bồ-tát ủng hộ. Vậy chớ có xem thường.

Toát yếu toàn bộ
Toàn bộ kinh Pháp Hoa có bảy quyển, hai mươi tám phẩm. Để thấy ý toàn bộ, chúng ta nên lược qua từng phẩm:
1- Phẩm Tựa: Phẩm này chỉ chủ yếu của toàn bộ. Hình ảnh Phật phóng quang từ lông trắng giữa chặng mày, ánh sáng soi khắp phương Đông, thông trên suốt dưới, theo ánh sáng hội chúng thấy chúng sanh trong lục đạo, tạo nghiệp thọ báo và thấy chư Phật tu nhân chứng quả giáo hóa chúng sanh… Đây là biểu trưng Tánh giác (Tri kiến Phật) rỗng suốt, không kẹt hai bên, biết rõ nguyên nhân luân hồi sanh tử và nguyên nhân giải thoát sanh tử. Tánh giác rời ngôn ngữ và tâm thức suy tư, cho nên Phật chỉ hiện tướng mà không nói một lời. Chỉ Căn bản trí mới thấu suốt được Tánh giác, vọng thức thì không sao hiểu nổi. Vì thế, đức Di-lặc (thức) khởi nghi hỏi Bồ-tát Văn-thù (trí).
2- Phẩm Phương Tiện: Từ chỗ vô ngôn đến đây phải dùng ngôn thuyết, ấy là phương tiện. Lại nữa, Phật dùng mọi phuơng tiện dẫn dắt chúng sanh, cứu kính đều đưa đến ngộ nhập Tri kiến Phật (Tánh giác). Đây là mục đích chung của chư Phật. Dù trước có nói các pháp khác song cũng là phương tiện đưa đến cứu kính này. Tuy nhiên Tri kiến Phật rất khó tin hiểu, nên phải thiết tha cầu thỉnh hai ba phen Phật mới nói.
3- Phẩm Thí Dụ: Sau khi Phật phương tiện dùng ngôn ngữ trình bày, người căn cơ lanh lợi bậc thượng liền nhận ra Tri kiến Phật của chính mình. Đây là chỗ đốn ngộ của Xá-lợi-phất, Tôn giả vui mừng hớn hở được điều chưa từng có trình lên Phật. Phật liền ấn chứng (thọ ký) cho Ngài sau này sẽ thành Phật. Tuy vậy những căn cơ kém bén nhậy còn chưa nhận ra, Phật phải dùng thí dụ nhà lửa và ba xe, cuối cùng chỉ cho một xe “bạch ngưu”.
4- Phẩm Tín Giải: Đây là trình bày kiến giải của mình để Phật ấn chứng. Những vị Thanh văn kỳ cựu đến đây mới nhận rõ Tri kiến Phật của mình, vui mừng vô hạn, như chàng cùng tử được cha trao cả sự nghiệp, điều mà trước kia chưa bao giờ dám nghĩ đến. Các ngài dùng thí dụ này trình kiến giải lên Phật.
5- Phẩm Dược Thảo Dụ: Lẽ ra, sau khi trình kiến giải của mình liền được Phật thọ ký ngay, song cần phải khích lệ những căn cơ bậc trung, cố gắng nhận ra Tri kiến Phật, nên Phật ví dụ đám mưa mọi cây cỏ đều được thấm nhuần. Các căn cơ có khác, nhưng đều được lợi ích trong một trận pháp vũ này.
6- Phẩm Thọ Ký: Thọ ký là tên khác của ấn chứng trong nhà thiền. Khi các vị Ma-ha Ca-diếp v.v… trình bày chỗ sở ngộ rồi, Phật liền thọ ký (ấn chứng) cho mỗi vị tương lai sẽ thành Phật. Đây mới đốn ngộ Phật thừa, còn phải tiệm tu Bồ-tát hạnh, sau mới chứng thành Phật quả.
7- Phẩm Hóa Thành Dụ: Giải thích một lần nữa về phương tiện của đức Phật, để những vị căn cơ bậc trung thấy rõ Tri kiến Phật của mình. Dùng thí dụ Hóa thành và Bảo sở để sách tiến các ngài vượt lên, đừng đắm luyến trong quả vị Thanh văn.
8- Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký: Giờ đây hàng căn cơ bậc trung đã thấy rõ Tri kiến Phật của mình. Đại diện năm trăm vị, ngài Mãn Từ Tử trình bày sở ngộ, theo đó Phật thọ ký năm trăm vị tương lai đều thành Phật.
9- Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký: Đến đây hàng hữu học và vô học mới nhận ra Tri kiến Phật của mình, tự nhận mình có phần trong Phật thừa, mong được Phật thọ ký. Phật thọ ký các ngài trong tương lai đều sẽ thành Phật.
10- Phẩm Pháp Sư: Còn một số căn cơ hạ liệt, chưa dám nhận Tri kiến Phật của mình. Phật muốn thúc đẩy họ tiến lên, cần khuyến khích họ thọ trì cúng dường tùy hỉ giáo hóa thì tương lai đều thành Phật.
11- Phẩm Hiện Bảo Tháp: Tháp bảy báu hiện giữa hư không trang nghiêm đẹp đẽ, trong có toàn thân Phật Đa Bảo. Phật Đa Bảo tượng trưng cho Pháp thân, tháp bảy báu tượng trưng cho thất đại. Đến đây, Phật chỉ rõ ngay trong thân thất đại này đã hàm chứa Pháp thân hay Tri kiến Phật. Song làm sao thấy được Pháp thân, cần phải thu nhiếp vọng tưởng lại mới thấy. Cho nên trong kinh nói: “Phật Đa Bảo có nguyện sâu: Nếu lúc tháp báu của ta vì nghe kinh Pháp Hoa mà hiện ra trước các đức Phật, vị Phật nào muốn đem thân ta chỉ bày cho bốn chúng, Phật đó phải nhóm họp tất cả Phật của mình phân thân ra thuyết pháp ở mười phương về một chỗ, sau thân ta mới hiện.” Phật phân thân chỉ cho Ý thức phân tán chạy theo sáu trần, chúng tụ họp về một chỗ là an định, Pháp thân sẽ hiện tiền. Đây là chỉ rõ cho đại chúng biết Tri kiến Phật đã nằm sẵn trong lầu ngũ uẩn hay trong tháp thất đại.
12- Phẩm Đề-bà-đạt-đa: Đã chỉ rõ Tri kiến Phật ở trong lầu năm uẩn hay thất đại, mà người căn cơ hạ liệt vẫn chưa tin chưa hiểu. Một lần nữa Phật lại chỉ cặn kẽ, dù tạo tội ngũ nghịch như Đề-bà-đạt-đa, ty tiện như thân Long nữ vẫn có Tri kiến Phật, gặp duyên hóa độ liền ngộ đạo, đều sẽ thành Phật không nghi.
13- Phẩm Trì: Đến đây tất cả vị Tỳ-kheo ni đều buông xả tâm hạ liệt, đinh ninh rằng người nữ tu hành không thể thành Phật, quí vị tự nhận mình có phần thành Phật, vì mình đồng có Tri kiến Phật như tất cả những vị đã ngộ, được Phật thọ ký. Do đó, Phật tuần tự thọ ký riêng và chung cho Ni chúng.
14- Phẩm An Lạc Hạnh: Trên đã xong phần mọi căn cơ đều đốn ngộ, đến đây là phần tiệm tu Bồ-tát hạnh. Hay nói cách khác, ở trên đã ngộ Tri kiến Phật, từ đây về sau là nhập Tri kiến Phật. Nói theo Thiền thì ở trên đã Kiến tánh, từ đây về sau khởi tu. Kinh nói: “Ở trong đời ác sau, hộ trì đọc tụng giảng nói kinh Pháp Hoa”, có nghĩa là sống và bảo vệ Tri kiến Phật của mình. Muốn bảo vệ Tri kiến Phật trước phải gìn giữ giới luật, tức là an trụ bốn pháp vậy.
15- Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất: Do công phu tu trì, bảo vệ Tri kiến Phật, tự trong thân phát Trí vô sư. Trí này từ thân tứ đại xuất phát, nên nói Bồ-tát từ dưới đất vọt lên. Trí vô sư do công phu tu hành mà được, nên có khả năng chống lại sanh tử; nó từ Chân tánh lưu xuất không sanh không diệt, nên tương ưng với Tri kiến Phật. Vì thế Phật không chấp nhận Bồ-tát ở tha phương duy trì truyền bá kinh Pháp Hoa ở cõi này, chỉ dành cho chư Bồ-tát từ đất vọt lên duy trì. Bồ-tát tha phương biểu trưng Trí hữu sư. Trí này do học tập được, còn phân biệt giản trạch, thuộc về trí sanh diệt, không đủ khả năng bảo vệ Tri kiến Phật.
16- Phẩm Như Lai Thọ Lượng: Đã có Trí vô sư phát sanh mới nhận rõ Pháp thân (Tri kiến Phật) bất sanh bất diệt, thường hằng chẳng đổi. Tuổi thọ của Pháp thân đồng tuổi thọ của hư không, vì Pháp thân không tướng làm gì bị vô thường và tan hoại. Như Lai ở đây là Tri kiến Phật hay Pháp thân, thường nằm sẵn trong thân năm uẩn của chúng ta, song không mấy ai nhận ra, chỉ khi nào Trí vô sư phát sanh mới thể hiện được Pháp thân. Vì thế nên nói rất khó tin khó hiểu, người tin hiểu được thì công đức vô lượng.
17- Phẩm Phân Biệt Công Đức: Pháp thân chân thật bất biến; người tin nhận được Pháp thân là đã biết lối trở về Chân tánh. Mọi công đức của thế gian đều là công đức tương đối sanh diệt, nên hữu hạn hữu lượng. Người nhận ra Pháp thân chân thật là vô sanh, nên công đức vô hạn vô lượng. Vì thế nếu đem so sánh thì không công đức nào của thế gian có thể sánh kịp.
18- Phẩm Tùy Hỉ Công Đức: Công đức của người nhận ra Pháp thân đã cao tột như vậy, người phát tâm tùy hỉ công đức này ắt cũng vô ngần. Phát tâm tùy hỉ tức đã có phần nhận hiểu, khuyến khích kẻ khác tức đã tự hâm mộ, cho nên người tùy hỉ kinh này, khuyến khích kẻ khác nghe kinh… đều là công đức vô biên.
19- Phẩm Pháp Sư Công Đức: Công đức Pháp sư hay công đức của người sống với Tri kiến Phật, y cứ nơi sáu căn phát hiện. Sáu căn là chỗ phát sáng của hòn ngọc Tánh giác, không nương sáu căn làm sao thấy được hòn ngọc. Hằng sống trở lại Tánh thấy Tánh nghe của mình là cửa vào Tánh giác, con đường vào cửa Niết-bàn. Khi sáu căn thuần tịnh thì tự nó trở thành Lục thông, khỏi cần tập luyện mới có thần thông.
20- Phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát: Người sống với Tri kiến Phật và truyền bá cho mọi người phải kiên trì nhẫn nhục, vì làm một điều khó làm, dạy một điều khó dạy. Biết mọi người đều có Tri kiến Phật, người ngộ trước nào dám khinh người ngộ sau, người đã ngộ cố chỉ cho người sẽ ngộ. Đây là việc làm của Bồ-tát Thường Bất Khinh. Ngài trì kinh Pháp Hoa và truyền bá kinh Pháp Hoa bằng cách gặp ai cũng bái xá nói rằng: “Tôi chẳng dám khinh quí Ngài, quí Ngài đều sẽ thành Phật”. Tu nhân như thế, Ngài kết quả thành Phật, gieo nhân như thế, kết quả mọi người được dự hội Pháp Hoa. Thế là trì kinh bằng cách chính mình sống với Tri kiến Phật của mình, truyền bá là gieo cho mọi người đủ niềm tin mình có Tri kiến Phật.
21- Phẩm Như Lai Thần Lực: Đã biết sống trở về Pháp thân, khi được thuần thục thì diệu dụng bất khả tư nghì. Tất cả diệu dụng ấy đều từ chỗ Vô tác diệu trí phát sanh, không phải sự dụng công cố gắng nào cả. Diệu dụng do công phu tu hành trở về Tánh giác là một lẽ thật không còn nghi ngờ gì nữa. Cho nên ở đây Phật bày tướng lưỡi rộng dài, tất cả lỗ chân lông đều phóng quang …     
22- Phẩm Chúc Lụy: Tri kiến Phật là tuệ mạng của chúng sanh, là trí tuệ của chư Phật, con đường cầu giác ngộ không còn lối nào khác hơn. Thế nên truyền bá cho mọi người nhận ra Tri kiến Phật là trách nhiệm tối thượng của người ngộ trước. Ngọn đèn trí tuệ duy nhất để phá đêm tối vô minh của thế gian là Tri kiến Phật. Vì vậy đức Phật chúc lụy truyền bá kinh Pháp Hoa.
23- Phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự: Trên con đường tu hành muốn đến Phật quả phải dẹp sạch chấp năm ấm, gọi là Ngũ ấm ma. Vì năm ấm che đậy khiến Phật tánh không hiển lộ. Phẩm này là phá Sắc ấm. Thân tứ đại là Sắc ấm, Bồ-tát khi được “chánh định hiện tất cả sắc thân” rồi, liền thiêu thân cúng dường Phật, tức là phá Sắc ấm. Pháp thân là thể của Báo thân và Hóa thân, được “chánh định hiện tất cả sắc thân”, tức là nhập Pháp thân. Khi Bồ-tát thâm nhập Pháp thân thì xem Sắc thân như bóng như bọt, không còn cố chấp làm ngã. Xả chấp Sắc thân hướng về Pháp thân nên nói thiêu thân cúng dường Phật. Xả Sắc thân rồi cần phải xả sáu trần mới viên mãn phá Sắc ấm, cho nên Bồ-tát sau lại đốt luôn hai cánh tay cúng dường Phật. Chấp ngã chấp pháp đã dẹp sạch đó là chân thật cúng dường Như Lai.
24- Phẩm Diệu Âm Bồ-tát: Phá Sắc ấm rồi đến đây phá luôn Thọ ấm. Thọ ấm không hình tướng nên Bồ-tát Diệu Âm đến, mà chúng không thấy, phải đợi Phật Đa Bảo dạy Ngài hiện, chúng mới thấy. Bởi có nhận được Pháp thân mới thấy Thọ ấm là hư giả, thấy rồi mới phá dẹp được chúng. Bồ-tát Diệu Âm từ xa lại để nói lên sáu trần từ ngoài đến mới có lãnh thọ. Xả mọi lãnh thọ, không cố chấp, là phá được Thọ ấm. Nhân tu của Bồ-tát Diệu Âm do dùng âm nhạc và bát vàng cúng Phật, nên được quả báo tốt đẹp và nhiều diệu dụng. Cúng dường là tên khác của bố thí, tức là buông xả, cúng dường âm nhạc là buông xả âm thanh, cúng dường bát vàng là buông xả sắc tướng. Âm thanh và sắc tướng là hai thứ nổi bật trong sáu trần, nói hai thứ đủ đại biểu cho sáu trần.
25- Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát Phổ Môn: Phẩm này phá trừ Tưởng ấm. Tưởng là nhân đau khổ của tất cả chúng sanh. Bởi vì có tưởng là có đau khổ. Một viên đạn, một nhát dao bén phạm vào người một cách quá nhanh, không kịp tưởng tượng, chúng ta không nghe sợ, cũng không nghe đau. Sau đó, tưởng tượng lại, chúng ta mới kinh sợ. Thế nên mọi khổ ải trên thế gian này bởi tưởng mà có. Muốn hết khổ không gì hơn hết tưởng, tưởng hết mọi đau khổ đều sạch. Niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm liền hết khổ. Quán Thế Âm là Phản văn văn tự tánh. Trở lại Tánh giác thì mọi tưởng đều lặng, còn đau khổ nào mà chẳng khỏi. Sống được với Tánh giác, mọi công hạnh, mọi diệu dụng đều đầy đủ. Trong sáu căn, nhĩ căn là viên thông hơn cả, người tu muốn trở về Tánh giác nên từ nhĩ căn mà tu thì chóng được kết quả. Nên kinh nói niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, công đức thù thắng hơn tất cả. Niệm bằng cách nào? Nghĩa là phản quán lại Tánh giác chân thật của mình. Quán được thanh tịnh thì trí tuệ phát sanh, lòng từ bi đầy đủ, hằng tu như vậy đến khi nào hoàn toàn thanh tịnh, mặt trời trí tuệ liền phát sanh, soi sáng cả thế gian. Như đoạn văn trong bài tụng:
Chân quán, thanh tịnh quán
Quảng đại trí tuệ quán
Bi quán cập từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Vô cấu thanh tịnh quang
Tuệ nhật phá chư ám
Năng phục tai phong hỏa
Phổ minh chiếu thế gian. 

Quán chân, quán thanh tịnh
Quán trí tuệ rộng lớn
Quán từ và quán bi
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng
Sáng thanh tịnh không nhơ
Huệ nhật phá các tối
Hay diệt nạn gió lửa
Soi sáng khắp thế gian.

Đây là lối tu trở về Tri kiến Phật, diệt hết mọi vọng tưởng đau khổ.
26- Phẩm Đà-la-ni: Phẩm này phá Hành ấm. Hành ấm là lối suy tư thầm lặng bên trong, nó vừa tế nhị, vừa sâu kín cho nên rất khó phá. Người phá được nó liền thấy quá tịch tịnh lầm tưởng là Niết-bàn, bị lạc vào ngoại đạo, hoặc rơi vào trầm không trệ tịch của Thanh văn. Tu nhân diệt Hành ấm, hành giả phải buông sạch mọi xao xuyến thầm lặng vi tế, nên tượng trưng bằng thần chú. Bởi vì khi đọc thần chú, chúng ta nào có xét nghĩ hiểu biết gì. Kết quả diệt được Hành ấm, cần phải được chư Phật, chư Bồ-tát hoặc thiện tri thức khuyến phát khích lệ mới vượt qua được. Đó là hình ảnh chư Bồ-tát nói thần chú bảo hộ người trì kinh Pháp Hoa.
27- Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự: Phẩm này phá Thức ấm. Đây là chặng cuối cùng trên đường tu, nếu người khéo vượt qua thì viên mãn Phật quả. Vua Diệu Trang Nghiêm tượng trưng thức A-lại-da (Tàng thức), phu nhân Tịnh Đức tượng trưng cho thức Mạt-na (Ý căn), Thái tử Tịnh Tạng tượng trưng cho Ý thức, Tịnh Nhãn tượng trưng cho năm thức trước. Chuyển thức A-lại-da thành Đại viên cảnh trí là nhờ Ý thức và năm thức trước đã được thuần thục thanh tịnh. Thức A-lại-da thứ tám này là chủ mà không có khả năng quyết định, phải do thức thứ sáu và năm thức trước hướng dẫn. Thức thứ bảy ở bên cạnh thức thứ tám mà không có công dụng bao nhiêu. Phá Thức ấm tức là chuyển A-lại-da trở thành Đại viên cảnh trí, nó là chủ thể của các thức kia. Cho nên kinh nói: “Phật vì muốn dẫn dắt vua Diệu Trang Nghiêm cùng thương tưởng hàng chúng sanh nên nói kinh Pháp Hoa.” Do Ý thức và năm thức trước đã thuần thục thanh tịnh, mới chuyển được thức thứ tám thành Đại viên cảnh trí. Đây là hình ảnh hai người con Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn đã có thần thông, có trí tuệ tu tập tất cả công đức… mới chuyển hóa nhà Vua đến với Phật. Nhà Vua chịu đến là có phu nhân đến. Nguyên nhân tạo nghiệp luân hồi do thức thứ sáu và năm thức trước, chuyển sanh tử thành Niết-bàn cũng nhân thức thứ sáu và năm thức trước. Khi chuyển thức A-lại-da rồi thì tám thức trở thành tứ trí. Đến đây công phu tu hành đã đầy đủ, chỉ còn phải lợi ích chúng sanh.
28- Phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Khuyến Phát: Phổ Hiền tượng trưng Trí sai biệt. Người tu khi viên mãn công phu rồi, cần phải phát nguyện độ sanh, giáo hóa hộ trì cho mọi người được phát tâm Bồ-đề (trì kinh Pháp Hoa), khởi nguyện lực lớn, dùng Lục độ làm phương tiện giáo hóa chúng sanh. Đó chính là hình ảnh Bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà đến trước người trì kinh Pháp Hoa an ủi họ. Khi công hạnh tự lợi lợi tha của họ hoàn toàn viên mãn, liền thành Phật.
Tóm lại, toàn bộ kinh Pháp Hoa cốt khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật. Phẩm đầu do Bồ-tát Văn-thù giải nghi cho Bồ-tát Di-lặc về việc phóng quang của đức Phật. Đó là tượng trưng Trí căn bản đánh thức phát tâm Bồ-đề. Phẩm cuối Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện bảo hộ người trì kinh sau này. Đây là tượng trưng Trí sai biệt làm lợi ích chúng sanh. Câu then chốt trong kinh này: “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” có khác gì câu “trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” của Thiền tông. Phẩm Tín Giải và phẩm Thọ Ký của kinh này nào xa lạ gì với việc “trình kiến giải” được “ấn chứng” của Thiền tông. Cho đến sự tu hành thủy chung đều không khác. Chỉ vì chúng ta không nhận được lý kinh, cứ chạy theo ngôn cú nên thấy dường như khác biệt.


([1]) Bạch lại: Cùi
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 134
  • Khách viếng thăm: 130
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 46042
  • Tháng hiện tại: 358932
  • Tổng lượt truy cập: 59798949

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile