Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

VÔ MÔN QUAN

Đăng lúc: Thứ năm - 15/03/2012 16:58 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
VÔ MÔN QUAN

VÔ MÔN QUAN

Vô môn quan là một khóa bản khác của Phật giáo Thiền tông; những bài giảng thường diễn ra tại các tăng viện đều căn cứ trên đó. Đây là một tác phẩm đơn giản hơn tác phẩm Bích nham lục; vì nó chỉ gồm có bốn mươi tám "tắc" và là tác phẩm của một người. Sự kết cấu của nó cũng giản dị,
VÔ MÔN QUAN
Vô môn quan là một khóa bản khác của Phật giáo Thiền tông; những bài giảng thường diễn ra tại các tăng viện đều căn cứ trên đó. Đây là một tác phẩm đơn giản hơn tác phẩm Bích nham lục; vì nó chỉ gồm có bốn mươi tám "tắc" và là tác phẩm của một người. Sự kết cấu của nó cũng giản dị, gồm một tắc với những bình xướng bằng tản văn và vận văn, cả hai đều ngắn. Tác giả là Huệ Khai (1183-1260), khai hóa vào cuối đời Tống (960-1279). Tục truyền đăng lục chép sư là đệ tử của Vạn Thọ Sùng Quán. Khi sư thấu hiểu những lẽ ẩn mật của Thiền nhờ tham cứu chữ VÔ, sư tự giãi bày bằng bài thơ sau đây:
Thanh thiên bạch nhật nhất thanh lôi
Đại địa quần sinh nhãn hoát khai
Vạn tượng sum la tề khể thủ 
Tu di bột khiếu vũ tam đài
Trời quang mây tạnh, sớm dậy vang lừng
Mọi vật trên đất, mắt bỗng mở bừng
Muôn hồng nghìn tía cúi đầu làm lễ
Núi Tu di cũng nhảy múa vui mừng.
Huệ Khai đề tặng Vô môn quan cho Tống Lý Tông để cung chúc nhà vua vào dịp kỷ niệm bốn năm (1229) đăng vị của ông.
(Trích: Thiền Luận – D.T Suzuki)



VÔ MÔN HUỆ KHAI
CỬA KHÔNG CỬA (VÔ MÔN QUAN)
Dịch giả: DƯƠNG  ĐÌNH  HỶ
MỤC LỤC
LỜI ĐẦU
TỪ TẮC 1 ĐẾN TẮC 11
01 CON CHÓ CỦA TRIỆU CHÂU
02 CON CHỒN HOANG CỦA BÁCH TRƯỢNG. 
03 NGÓN TAY CỦA CÂU CHI
04 RỢ HỒ KHÔNG RÂU
05 HƯƠNG NGHIÊM  TRÊN CÂY
06 THẾ TÔN GIƠ  HOA
07 TRIỆU CHÂU RỬA BÁT
08 HỀ TRỌNG LÀM XE
09 PHẬT ĐẠI THÔNG TRÍ THẮNG
10 THANH THOÁT LẺ LOI VÀ NGHÈO   KHÓ
11 TRIỆU CHÂU KHÁM PHÁ AM CHỦ
TỪ TẮC 12 ĐẾN TẮC 24
12 NHAM GỌI CHỦ NHÂN
13 ĐỨC  SƠN BƯNG  BÁT
14 NAM TUYỀN CHÉM MÈO
15 BA GẬY CỦA ĐỘNG SƠN
16 NGHE TIẾNG  CHUÔNG MẶC ÁO BẨY MẢNH
17 BA LẦN GỌI CỦA QUỐC SƯ
18 BA CÂN GAI  CỦA  ĐỘNG SƠN
19 TÂM  BÌNH THƯỜNG LÀ ĐẠO
20 ĐẠI LỰC SĨ
21 QUE CỨT KHÔ CỦA VÂN MÔN
22 CÂY PHƯỚN CỦA CA DIẾP
23 CHẲNG PHẢI THIỆN ÁC
24 LÌA KHỎI NGÔN NGỮ
TỪ TẮC 25 ĐẾN TẮC 36
25 HÀNG THỨ BA NÓI PHÁP
26 HAI TĂNG CUỐN RÈM
27 KHÔNG  PHẢI TÂM, PHẬT
28 NGHE TIẾNG LONG ĐÀM ĐÃLÂU
29 KHÔNG PHẢI GIÓ, KHÔNG PHẢI CỜ
30 TÂM LÀ PHẬT
31 TRIỆU CHÂU KHÁM PHÁ BÀ LÃO
32 NGOẠI ĐẠO HỎI PHẬT
33 CHẲNG TÂM, CHẲNG PHẬT
34 TRÍ CHẲNG LÀ ĐẠO
35 THIẾN NỮ  LÌA HỒN
36 TRÊN ĐƯỜNG GẬP NGƯỜI ĐẠT ĐẠO
TỪ TẮC 37 ĐẾN TẮC 48
37 CÂY BÁCH TRƯỚC SÂN
38 CON TRÂU QUA CỬA
39 CÂU NÓI SAI CỦA VÂN MÔN
40 ĐÁ ĐỔ TỊNH BÌNH
41 ĐẠT MA AN TÂM
42 THIẾU NỮ XUẤT ĐỊNH
43 TRÚC BỀ CỦA  THỦ SƠN
44 CÂY GẬY CỦA BA TIÊU
45 HẮN LÀ AI ? 
46 ĐẦU GẬY BƯỚC THÊM
47 ĐÂU XUẤT BA CỬA
48 MỘT  ĐƯỜNG CỦA CÀN PHONG
LỜI CUỐI.
 
LỜI  ĐẦU
Phật nói: Lấy Tâm làm Tông, lấy không cửa làm cửa Pháp. Đã không cửa làm sao đi qua? Há chẳng nghe nói: “Từ cửa vào không phải là đồ quý trong nhà. Do duyên mà được, trước thì thành, sau thì hoại”. Nói như thế giống như không gió mà dậy sóng, khoét thịt lành làm thành vết thương. Huống hồ, chấp vào câu nói để tìm giải thích như khua gậy đánh trăng, gãi chân ngứa ngoài da giầy, có ăn nhằm gì? Mùa hạ năm Thiệu Định, Mậu Tý, tại chùa Long Tường huyện Đông Gia, Huệ Khai là Thủ Chúng nhân chư tăng thỉnh ích bèn lấy công án của người xưa làm viên ngói gõ cửa, tùy cơ chỉ dẫn người học. Thoạt tiên không xếp đặt trước sau, cộng được 48 tắc gọi chung là “Cửa không cửa”. Nếu là kẻ dõng mãnh, không kể nguy vong, một dao vào thẳng, Na Tra tám tay giữ không được. Tây Thiên bốn bẩy (4x7=28) vị, Đông Độ hai ba (2x3=6) vị chỉ đành ngóng gió xin tha mạng. Nếu còn chần chờ thì giống như nhìn người cưỡi ngựa sau song cửa, chớp mắt đã vượt qua.
大道
Đại đạo vô môn
千差
Thiên sai hữu lộ
透得
Thấu đắc thử quan
乾坤
Càn khôn độc bộ.
Dịch:
Đạo  lớn  không  cửa
Ngàn  sai  có  đường
Cửa  này  qua  được
Độc  bước  càn  khôn.
 
Tắc 1
CON CHÓ CỦA TRIỆU CHÂU
Cử :
Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Con chó có Phật tánh không?
Sư đáp:
-!
Bình :
Tham thiền phải qua cửa tổ, diệu ngộ phải tuyệt đường tâm. Cửa tổ không qua, đường tâm chẳng dứt thì như tinh linh nương vào cây cỏ. Thử hỏi thế nào là cửa tổ? Chính là một chữ Vô, gọi là Cửa không cửa của thiền vậy. Người qua cửa không những thân thấy Triệu Châu mà còn cùng lịch đại chư tổ nắm tay cùng đi, ngang hàng với họ, nhìn cùng một mắt, nghe cùng một tai há chẳng vui sao? Các ông chẳng muốn qua cửa này ư? Hãy đem 360 đốt xương, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông toàn thân khởi nghi đoàn, tham chữ Không ngày đêm. Các ông chớ hiểu Không là Hư Vô, cũng đừng hiểu trong nghĩa Có, Không. Giống như các ông nuốt một hòn sắt nóng, muốn khạc mà khạc chẳng ra. Các ông hãy bỏ hết những vọng tri, vọng giác từ trước, lâu dần thuần thục, tự nhiên trong ngoài đánh thành một phiến, như người câm nằm mộng chỉ mình tự biết. Rồi bỗng nhiên như trời long đất lở, như đoạt được Thanh Long Đao của Quan tướng quân, gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ. Bên bờ tử sinh mà được tự tại, hướng lục đạo tứ sinh mà du hí tam muội. Tôi muốn hỏi các ông phải làm sao? Hãy đem hết sức mà nêu chữ Vô ấy. Nếu các ông giữ cho không gián đoạn thì giống như vừa mới mồi lửa ngọn đuốc Pháp đã bùng cháy.
Tụng :
狗子 佛 性
Cẩu tử Phật tánh
全提 正 令
Toàn đề chính lệnh
才涉 有 無
Tài thiệp hữu vô
喪身 失 命
 Táng thân thất mạng.
Dịch:
Con chó Phật tánh
Chánh lệnh nêu lên
Vừa nói không, có
Mất mạng chôn thân.
 
Chú Thích :
 - Triệu Châu (778-897): pháp danh Tòng Thẩm, học trò Nam Tuyền Phổ Nguyện, đạo hạnh cao thâm, được xưng tụng là Triệu Châu Cổ Phật. Sinh vào đời Đường, người Tào Châu, họ Hác. 18 tuổi giác ngộ, 60 tuổi mới bắt đầu đi hành cước, 80 tuổi trụ trì ở Quán Âm Viện, 120 tuổi qua đời.
- Vô Môn (1183-1260) pháp danh Huệ Khai, sinh vào đời Tống, họ Lương, người Tiền Đường, Hàng Châu. Tác giả Vô Môn Quan (Cửa Không Cửa).
- Tăng: viết tắt của tăng già, có nghĩa là hòa hợp chúng, chỉ người cắt tóc đi tu.
- Cửa Tổ: có 3 cửa là Sơ quan, Trùng quan và Lao quan. Chính là các ông chứ không phải ai khác đã tạo nên cửa này làm trở ngại sự giác ngộ, mặc dầu có vẻ như người khác tạo nên.
- Đường tâm: tham thiền phải trực quán, trực ngộ không thể dùng suy luận.
- Như tinh linh nương vào cây cỏ: dẫn từ kinh Trường A Hàm chỉ tự mình không có kiến thức, lấy lời nói của người khác mà giải thích.
- Lục đạo: 6 con đường mà con người phải luân hồi: người, trời, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la.
- Tứ sinh: thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh.
- Quan tướng quân: tức Quan Vân Trường, danh tướng đời Tam Quốc (Trung Hoa).
- Phật tánh: cũng gọi là giác tánh, Như Lai tánh, tự tánh .v.v. nguyên là chỉ bản tánh của Phật, sau trở thành khả năng có thể thành Phật.
- Vô: Trong các sách Tổ Đường tập (đời Ngũ Đại), Truyền Đăng Lục (đời Bắc Tống), Triệu Châu Bản Truyện đều không ghi công án này. Cuốn sách đầu tiên ghi công án này là Hoàng Bá Đoạn Tế thiền sư Uyển Lăng Lục; vì vậy có học giả cho rằng công án này là do người đời sau thêm vào. Công án này được phổ biến rộng rãi và được các thiền giả coi trọng từ sau đời Bắc Tống trở đi, nhất là sau khi Đại Huệ Tông Cảo (1089 - 1163) đề xướng khán thoại đầu.
- Du hí tam muội: đây là định của bậc Bồ Tát có thể ra vào tự tại không sợ hãi, thí dụ bách thú đang du hí thấy sư tử đến liền sợ hãi, còn sư tử khi du hí dù thấy bất cứ một dã thú nào vẫn tự do, tự tại không sợ hãi. Ở đây là nói khi tham cứu thoại đầu được chứng ngộ, đối với sinh tử luân hồi tự do, tự tại, không bị câu thúc.
- Con chó, Phật tánh, Vô là một: Khi trả lời “Vô “, Triệu Châu đã vượt lên khỏi thế giới nhị nguyên của khái niệm.
(Yamaha)
- Chữ Vô như chày sắt phá cửa thiền cứng, là búa sắc chặt đứt phiền não của ngôn ngữ, văn tự.
(Nhật Chủng Nhượng Sơn)
- Tự tánh có ở mọi sự, vật, trong tiếng cười, tiếng khóc, tiếng hét, tiếng Có, tiếng Không, ngay cả ở trong câu hỏi “Con chó có Phật tánh không ?” Triệu Châu cho chúng ta một tên khác để gọi tự tánh, đó là Vô.
(Eido Shimano)
- Câu đáp của Triệu Châu chú ý không ở con chó mà là ở chữ Vô. Chữ Vô này siêu việt hai bên, không phải Có hoặc Không. Nếu trụ lại ở một bên nào là mất mạng ngay dưới kiếm giết người của Triệu Châu. Tham chữ Vô này cũng là một loại pháp môn, mục đích là chỉ cho người học thấy tánh. Do chuyên chú lâu ngày ở chữ Vô này, các niệm đầu đều dứt bặt, đạt tới trạng thái vô tâm, lúc đó có thể tự tánh sẽ hiển hiện. Trong một lần khác thay vì đáp Vô, Triệu Châu lại đáp Có. Rõ ràng là với một câu hỏi Triệu Châu không dùng câu đáp hai lần. Con chó có Phật tánh không, đối với ông không thành vấn đề, ông chỉ đối bệnh mà cho thuốc. Ông tăng không quan tâm mình thấy tánh hay không mà lại để tâm đến “con chó có Phật tánh không ?” Câu trả lời Vô của Triệu Châu là mắng ông giống như con chó có Phật tánh cũng như không.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2:  Công án con chó có Phật tánh hay không là để truyền đạt mạng lệnh của Thiền tông.
Câu 3 và: nếu nghiêng vào có hoặc không là đánh mất đi huệ mạng pháp thân của chính mình.
- Ý nghĩa bài kệ: Chữ Vô này của Triệu Châu là đề khởi toàn bộ chính lệnh của Thiền tông. Nên biết tham chữ Vô này là để kiến tánh, không thể từ hư vô hay hữu vô mà thể hội, tham đến khi phàm, thánh là một thì mới gọi là qua được cửa Tổ.
- Ngũ Tổ Diễn nói: Lời chẳng hợp cơ, không thể ngay lời mà ngộ, người học bèn hỏi tiếp, nói chưa dứt lời đã bị Triệu Châu mắng, như dùng dao chặt tay thành hai mảnh, chết tươi.
- Thùy Am Diễn thì nói: Câu đáp Vô của Triệu Châu giống như trong không bỗng xuất hiện một gương cổ (chỉ tự tánh). Gương cổ này không dính bụi, chiếu khắp vũ trụ.
(Dương Tân Anh)
- Thực ra câu chuyện trên, có chép một đoạn nữa như sau:
+ Những loài xuẩn động hàm linh đều có Phật tánh, tại sao con chó lại không có?
+ Vì có nghiệp thức.
Lại có một ông tăng khác hỏi:
+ Con chó có Phật tánh không?
+ Có.
- Tại sao phải làm thú?
+ Biết mà cứ làm.
Với cùng một câu hỏi, cách trả lời của Triệu Châu lúc nói Vô, lúc nói Có theo lẽ đương nhiên là đầy mâu thuẫn. Nhưng tại sao lại có sự mâu thuẫn, khó hiểu ấy? Đứng trên lập trường của Triệu Châu thì lại chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Vì đây là tùy cơ mà đáp, không cốt trả lời mà làm sao cho khởi nghi tình, rồi do giải được nghi tình mà ngộ. Nếu lấy chữ Vô của Triệu Châu mà giải là không tứ đức (thường, lạc, ngã, tịnh). Và có là tất cả đều có Phật tánh thì cũng được, vì con chó có nghiệp thức thành ra tứ đức không hiện. Tuy chó có Phật tánh nhưng biết mà cứ làm tạo ra những ác nghiệp cho nên phải làm kiếp chó. Chữ Vô này của Triệu Châu quả là độc sáng, nó chính là sinh mạng là tông chỉ của thiền sư vậy.
(Tiêu Vũ Đồng)
- Trong tất cả các công án, công án chữ Vô của Triệu Châu là nổi danh nhất. Nó rất phổ thông nên các thiền sư đều trao công án này cho các ông tăng mới. Nếu thiền sinh làm tốt công việc của mình, chữ Vô sẽ giống như một hòn sắt nóng tọng vào cổ họng, nuốt không trôi, khạc chẳng ra. Điểm quan trọng là “Vô vạch ra cho chúng ta thấy Phật đạo. 無 Vô trong tiếng Trung Hoa có nghĩa phủ định là Không, không có gì (no-thing). Không cũng là một khái niệm cơ bản trong Triết Đông. Có Không tương đối và Không tuyệt đối. Không tương đối là đối nghịch của 有 Hữu. Không tuyệt đối vượt lên thị phi. Để hiểu công án này phải hiểu rõ sự sai biệt này. Khi ông tăng hỏi: “Con chó có Phật tánh không?” Ông không những đứng trên quan điểm của tâm phiền não của ông mà còn trên quan điểm của giáo lý Phật giáo là mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Triệu Châu dĩ nhiên là biết chuyện này. Chữ Vô của ông giúp cho ông tăng chặt đứt cái chấp về giáo lý. Giáo lý cơ bản của Phật là vô chấp. Mọi đau khổ, phiền não của con người đều do chấp, ngay cả chấp vào ý tưởng vô chấp cũng là chấp rồi. Triệu Châu muốn ông vượt lên thế giới tương đối, vượt lên Phật lý, vượt lên Không và Có, được giác ngộ tự do, tự tại. Ngộ chính là kích thước mới này của cuộc sống. Bình thường cuộc đời của con người luôn luôn chấp vào tương đối: Thị phi, tốt xấu, đúng sai, nhưng cuộc đời luôn thay đổi. Đúng và Sai thay đổi theo thời gian và nơi chốn. Khái niệm tĩnh không thích hợp với cuộc đời, do đó Vô là quyết định, nó không không để một khoảng trống nào cho trí thức có thể bám víu vào. Vô phải được thực chứng.
(Kubose)
 
Tắc 2
CON CHỒN HOANG CỦA BÁCH TRƯỢNG
Cử:
Mỗi lần Bách Trượng giảng pháp, đều có một cụ già theo đại chúng vào nghe. Khi đại chúng tan hàng, ông cụ cũng lui. Một hôm bỗng không lui.
Sư hỏi:
- Người đứng trước mặt tôi là ai?
- Dạ, tôi vốn chẳng phải là người. Hồi Đức Phật Ca Diếp, tôi từng trụ trì tại núi này. Có học nhân hỏi:
+ Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?
Tôi đáp:
+ Không!
Nên 500 kiếp qua tôi bị đọa làm thân chồn hoang. Nay thỉnh hòa thượng ban cho một chuyển ngữ để thoát kiếp chồn hoang.
Ông cụ già bèn hỏi:
- Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?
Sư đáp:
- Chẳng lầm nhân quả.
Ông cụ ngay lời đó đại ngộ, lạy tạ:
- Tôi đã thoát thân chồn, xác còn ở sau núi. Xin hòa thượng ma chay theo tăng lễ.
Sư ra lệnh Duy na bạch chùy báo cho đại chúng ăn xong sẽ làm lễ táng tăng. Đại chúng bàn tán:
- Mọi người đều khỏe mạnh, Niết Bàn đường cũng không có bệnh nhân, sao lại có chuyện như vậy?
Ăn xong, sư dẫn chúng ra sau núi, lấy gậy khều ra một xác chồn hoang dưới tảng đá, đem hỏa táng.
Trong buổi giảng chiều, sư kể lại câu chuyện trên.
Hoàng Bá bèn hỏi:
- Người xưa vì đáp sai một chuyển ngữ, thân bị đọa làm chồn hoang 500 kiếp, nếu câu nào cũng đáp trúng thì sao?
- Ông lại gần đây tôi bảo cho.
Hoàng Bá lại gần tát sư một cái. Sư vỗ tay cười:
- Tưởng râu tên Hồ đỏ, hóa ra là tên Hồ đỏ râu.
Bình:
Chẳng rơi vào nhân quả, sao lại bị đọa làm chồn hoang? Chẳng lầm nhân quả sao lại thoát kiếp làm chồn ? Nếu các ông hiểu lý này thì thấy Bách Trượng đã lời 500 kiếp làm chồn.
Tụng:
不落 不 昧
Bất lạc bất muội
兩釆 一 賽
Lưỡng thái nhất tái
不昧 不 落
Bất muội bất lạc
千錯 萬 錯
Thiên thác vạn thác
Dịch:
Chẳng lạc chẳng muội
Hai vẻ thi đua
Chẳng muội chẳng lạc
Ngàn vạn lần thua.
 
Chú thích:
- Bách Trượng (720-814): pháp danh Hoài Hải, học trò Mã Tổ Đạo Nhất, sư phụ của Hoàng Bá.
- Hoàng Bá (?-850): pháp danh Hi Vận, người tỉnh Phúc Kiến, Hồng Châu, học trò Bách Trượng.
- Phật Ca Diếp: một trong 7 Đức Phật trước Phật Thích Ca.
- Chuyển ngữ: khi thiền sinh ở tình trạng tiến thối lưỡng nan, xin thiền sư cho một chuyển ngữ làm chuyển hướng tư tưởng ông khiến từ mê dẫn đến ngộ.
- Duy na: dịch từ Phạn ngữ Karmadana, ông tăng lo việc trong chùa.
- Bạch chùy: gõ chùy báo cho đại chúng.
- Niết Bàn đường: bệnh xá của thiền viện.
- Gã Hồ: xưa người Trung Hoa gọi người ngoại quốc là người Hồ, ông sư người ngoại quốc gọi là Hồ tăng, ở đây là chỉ ông tăng Ấn Độ.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: thái tái là một loại trò chơi thời cổ, 2 thái bằng điểm 1 tái, cũng tương tự  một bên nửa cân, một bên tám lạng. Khi nói bất lạc hay bất muội thì cũng chẳng có sai biệt gì.
Câu 3 và 4: đừng phân tích, suy lý, chấp trước bất lạc hoặc bất muội, trừ bỏ mọi thủ xả của tâm phân biệt không bị bó buộc cứ tự nhiên sinh hoạt.
- Câu trả lời của ông cụ già là chấp vào tự do tuyệt đối. Câu trả lời của Bách Trượng là người giác ngộ và luật nhân quả là một. Người giác ngộ nếu chấp vào chân lý tuyệt đối là cũng bị trói buộc. Chấp vào thiện pháp thì thiện pháp sẽ trở thành ác pháp.
(Kubose)
- Để trả lời câu hỏi của học tăng, ông cụ đáp “Chẳng rơi vào nhân quả”, vì sao phải đọa làm chồn hoang 500 kiếp? Bách Trượng đưa ra chuyển ngữ “Chẳng lầm nhân quả”, vì sao khiến ông cụ thoát được cái khổ 500 kiếp làm chồn? Khi nói “Không rơi vào nhân quả” là chỉ người tu hành không thọ nhân quả báo ứng. Loại chỉ điểm tùy tiện này là sai lầm bởi vì chẳng ai có thể đào thoát khỏi nhân quả báo ứng. Câu trả lời của Bách Trượng là một câu danh ngôn chí lý vì người ngộ đạo nào cũng không lầm nhân quả.
(Tinh Vân)
- Câu chuyện này chủ yếu để thuyết minh luật nhân quả. Chịu chi phối bởi luật nhân quả là khẳng định, không chịu chi phối bởi luật nhân quả là phủ định, do đó đều sai. Chẳng lầm nhân quả vượt cả khẳng định và phủ định nên thấy được tự tánh chân chánh. Người đắc đạo thấy được hiện tượng giới biến ảo, siêu việt giới vĩnh hằng và Đạo là vượt lên cả hai giới đó, tương tự Tâm Kinh nói Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.
(Tiêu Vũ Đồng)
 
Tắc 3
NGÓN TAY CỦA CÂU CHI
Cử:
Hễ có người nào hỏi, hòa thượng Câu Chi chỉ giơ lên một ngón tay. Về sau có người nào hỏi tiểu đồng hòa thượng nói Pháp gì, tiểu đồng cũng giơ ngón tay lên. Câu Chi nghe được bèn chặt đứt ngón tay của tiểu đồng. Tiểu đồng bị đau, khóc, bỏ chạy. Câu Chi gọi, tiểu đồng ngoảnh đầu lại, Câu Chi bèn giơ ngón tay lên, tiểu đồng bỗng nhiên lãnh ngộ.
Câu Chi khi sắp mất bảo đại chúng:
- Tôi nhận được của Thiên Long một ngón tay thiền, dùng cả đời không hết.
Nói xong thì mất.
Bình:
          Chỗ ngộ của Câu Chi và tiểu đồng không phải ở trên đầu ngón tay. Nếu thấy được chỗ đó thì xuyên suốt được Thiên Long, Câu Chi, tiểu đồng và chính mình vào thành một mối.
          Tụng:
          俱胝 鈍 置 老 天 龍
Câu Chi độn trí lão Thiên Long
利刃 單 提 勘 小 童
Lợi nhẫn đơn đề khám tiểu đồng
巨靈 抬 手 無 多 子
Cự Linh đài thủ vô đa tử
分破 花 山 千 萬 重
Phân phá Hoa Sơn thiên vạn trùng
Dịch:
Câu Chi dỡn mặt lão Thiên Long
Dao sắc giơ lên thử tiểu đồng
Cự linh vung tay không phí sức
Đập nát Hoa Sơn ngàn vạn trùng.
 
Chú thích:
- Câu Chi: Vụ Châu Kim Hoa Sơn hòa thượng, trụ trì Kim Hoa sơn tự, thường tụng “Câu Chi Phật Mẫu Đà La Ni” cho nên người ta gọi là Câu Chi hòa thượng.
- Thiên Long: Hàng Châu Thiên Long hòa thượng học trò Đại Mai Pháp Thường.
- Cự Linh: thần sông, vung tay phân Hoa Sơn thành hai đế sông Hoàng Hà chẩy qua (truyền thuyết).
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: Câu Chi dùng dao trí tuệ để chặt đứt những quan niệm sai lầm của tiểu đồng.
Câu 3 và 4: giơ một ngón tay lên là một phương pháp đơn giản, dễ dàng không phí sức mà lại có tác dụng rất lớn là làm cho tiểu đồng được chứng ngộ.
- Dù bắt chước giỏi đến đâu thì bắt chước vẫn chỉ là bắt chước. Giơ một ngón tay lên không phải là Thiền. Cái mà ngón tay tượng trưng mới là quan trọng. Cũng như tiểu đồng, chúng ta thường chỉ nhìn thấy hình thức bề mặt mà không thấy chân lý. Tiểu đồng phụ thuộc vào ngón tay. Khi ngón tay bị chặt, tiểu đồng không còn gì để diễn tả Thiền. Khi một người còn chấp vào một cái gì thì ông ta không đạt được tự do, tự tại. Giác ngộ là thoát khỏi mọi chấp trước, ràng buộc và đạt được một kích thước mới, một nếp sống mới.
(Kubose)
- Câu Chi lúc đầu sống trong am. Có một vị tỳ khưu ni tên là Thật Tế đến thăm. Ni cô đến am, không thông báo cũng không bỏ nón, chống trượng đi quanh thiền sàng của Câu Chi ba vòng, nói:
- Nếu thầy nói có đạo lý tôi sẽ dở nón.
Ni cô nói liền 3 lần, Câu Chi không đáp được một câu. Thật Tế giận, phất áo định đi. Câu Chi nói:
- Trời gần tối rồi, xin hãy lưu lại một đêm.
- Nếu thầy nói có đạo lý, tôi sẽ lưu lại một đêm.
Câu Chi lại không đáp được. Khi ni cô đi rồi Câu Chi than rằng:
- Ta là nam tử mà không có khí khái trượng phu!
Về sau Thiên Long đến đó, Câu Chi mời vào thuật lại chuyện ni cô đến thăm. Thiên Long giơ một ngón tay lên khai thị. Câu Chi tức khắc khai ngộ.
Khi Câu Chi mới gặp ni cô, theo lời than của ông, chúng ta thấy ông còn chấp tướng nam nữ, do đó ông không trả lời ni cô được. Thiên Long giơ một ngón tay lên biểu thị tự tánh bình đẳng không có tướng nam nữ. Một ngón tay chỉ sự tuyệt đối. Do đó Câu Chi liễu ngộ. Về sau, ông dùng một ngón tay để tiếp dẫn người học. Tiểu đồng không hiểu ý nghĩa chân chính của một ngón tay, chỉ chấp vào hình tướng giơ tay, nghĩ rằng giơ tay là Phật pháp. Cho đến khi bị Câu Chi chặt đứt, không có ngón tay để giơ lên, mới hiểu rằng Phật pháp không tồn tại ở hình tướng.
(Tiêu Vũ Đồng)
- Câu Chi muốn nói ra một Thiền ngữ cho Thật Tế nghe nhưng không nói được. Ý nghĩ muốn nói ra như thế bản thân đã là mê hoặc, là dục vọng. Câu Chi hiểu ra điều này khi được Thiên Long chỉ điểm. Khi dục vọng xuất hiện thì tất cả đều tiến vào đường hủy diệt.
(Minh Tuệ)
- Nếu thầy nói có đạo lý, tôi liền dở nón.
Kỳ thật chân lý thật không thể nói. Nếu có lời nói đều không phải là chân lý. Câu Chi không lời, không phải là không nói chỉ là định nói mà không biết nói như thế nào. Có tư tưởng phân biệt thì càng lìa xa Thiền. Đương nhiên có thể đối cơ nói hoặc giảng thông bỉ thử. Thiên Long giơ một ngón tay lên, Câu Chi mới biết chân lý là một, do đó dùng một ngón tay để chỉ người học. Tiểu đồng bắt chước vọng giơ một ngón tay khiến Thiền rơi vào hình tướng. Câu Chi chặt đi hình tướng, từ hữu hình đến vô hình, từ hữu tướng đến vô tướng, quy về Thiền tâm do đó tiểu đồng khế ngộ.
(Tinh Vân)
Tắc 4
RỢ HỒ KHÔNG RÂU
Cử :
Hoặc Am nói: Tên rợ Hồ Tây phương sao lại không râu?
Bình :
Tham phải thật tham, ngộ phải thật ngộ. Tên Hồ đó phải tự mình thấy một lần mới được, nói tự thấy thì sớm muộn đã thành 2 gã rồi!
Tụng:
痴人 面 前
Si nhân diện tiền
不可 論夢
Bất khả thuyết mộng
胡子 無 鬚
Hồ tử vô tu
惺惺 添 夢
Tinh tinh thiêm mộng.
Dịch:
Kẻ điên trước mặt
Không thể nói mơ
Không râu Hồ tử
Là tỉnh thành mơ.
 
Chú Thích:
- Hoặc Am (1108-1179): học trò của Am Nguyên hòa thượng.
- Hồ tử: chỉ người Hồ, ở đây là chỉ Bồ Đề Đạt Ma.
- Ngộ phải thực ngộ: Thiền tông nói nhiều về ngộ, đại thể có thể phân làm 4 phương diện :
1. Do nhận thức và lý giải mà ngộ gọi là giải ngộ.
2. Do minh tâm kiến tánh trực quán thể nghiệm mà ngộ gọi là chứng ngộ.
3. Ngộ là mục đích của tham thiền, nhưng trong quá trình tham thiền không được có ý thức mong cầu khai ngộ vì bản thân ý niệm mong cầu đã trở ngại sự khai ngộ.
4. Quá trình ngộ và ngộ cảnh không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được, nhưng người đã khai ngộ thì nhất cử nhất động đều biểu thị mình đã giác ngộ.
- Tự thấy: thấy ở đây là trực kiến không khởi ý thức phân biệt, nếu khởi một niệm muốn thấy thì đã có người thấy và cái muốn thấy, tức là phân 2 rồi không phải là tự thấy nữa.
- Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : giấc mơ là hư vọng, nếu nói cho người điên biết chẳng là đã hư vọng, lại thêm hư vọng sao ?
Câu 3 và 4: Hồ tử ở đây chỉ khuôn mặt xưa nay (tự tánh), nếu tâm còn ám muội dùng trí phân biệt để biện biệt có râu, không râu thì là từ sáng suốt trở thành hồ đồ vậy.
- Lời nói và khái niệm đều do tâm tạo, chỉ làm che lấp chân lý. Phải nắm bắt chân lý, chứ đừng khư khư chấp vào cái bóng của nó.
(Sekida)
- Bồ Đề Đạt Ma, vị tăng Ấn Độ đã mang Thiền sang trung Hoa vào thế kỷ thứ 6, thường được mô tả là rậm râu. Khi chúng ta nói Bồ Đề Đạt Ma, Phật, chúng ta đã khái niệm hóa họ. Chúng ta đã tự mình trở thành nạn nhân của khái niệm. Bằng cách chối bỏ bề ngoài (tướng) Hoặc Am đã mời chúng ta vượt lên cặp đối đãi rậm râu và trụi râu và nhìn thấy Bồ Đề Đạt Ma thực sự.
(Kubose)
 
Tắc 5
HƯƠNG NGHIÊM TRÊN CÂY
Cử :
Hòa thượng Hương Nghiêm nói: Như người trên cây, mồm cắn vào cành cây, tay không vin vào cành, chân không đạp vào cây. Dưới cây có người hỏi ý tổ sư từ Tây sang. Không đáp thì phụ người hỏi. Nếu trả lời thì chôn thân mất mạng. Chính lúc đó phải làm sao?
Bình :
Dù có biện luận như nước chẩy cũng không dùng làm gì, giảng được bộ đại tạng kinh cũng vô dụng. Nếu chỗ này đáp được thì làm sống con đường đã chết, làm chết đi con đường đã sống. Nếu chưa đáp được thì chờ sau này hỏi Di Lặc.
Tụng:
香嚴 眞 杜 撰
Hương Nghiêm chân Đỗ Soạn
惡毒 無 盡 限
Ác độc vô tận hạn
啞卻 衲 僧 口
Á khước nạp tăng khẩu
通身 迸 鬼 眼
Thông thân bính quỷ nhãn.
Dịch:
Hương Nghiêm thật bày đặt
Ác độc không thể lường
Khiến nạp tăng câm miệng
Toàn thân mắt quỷ giương.
 
Chú thích:
 - Hương Nghiêm (?-898): Hương Nghiêm Trí Nhàn học trò Quy Sơn.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: Hương Nghiêm hư cấu ra tình cảnh trên cây để khai thị cho người tham thiền.
Câu 3 và 4: đây là 1 nan đề khiến chư tăng khó ứng đáp, cũng không thể mở mồm ra được.
- Làm sống lại con đường đã chết: lúc trước con đường chưa thông nay thì đi được.
- Làm chết đi con đường đã sống: diệt được lối sống trong ảo vọng. Theo lý mà nói một người chỉ dùng răng cắn vào cành cây, toàn thân lơ lửng trong không, không sớm thì muộn cũng phải rơi xuống đất. Trả lời hay không trả lời câu hỏi không phải là vấn đề khẩn cấp của ông ta. Cái ông ta cần không phải là triết lý mà là một người có thiện tâm và dõng cảm, cứu ông ta xuống đất.
(Yoel Hoffmann)
- Giác ngộ là vấn đề sinh tử, nó đòi hỏi sự cố gắng toàn diện, không chỉ dùng trí thức. Vài thiền sinh cố hiểu các công án một cách trí thức và khi đạt được nội dung trí thức này họ tưởng rằng họ đã hiểu. Thực ra sự hiểu biết này không ăn nhằm gì với cuộc đời. Sống Thiền là sống trọn vẹn.
(Kubose)
- Cảnh giới thiền không dùng lời nói, phủ định tất cả mọi hiện tượng rồi thì thấy được khuôn mặt xưa nay. Sự truyền tâm giữa thầy và trò có khi là trợn mắt, nhăn mày, có khi là đánh mắng, la hét. Có khi là im lặng chẳng quan tâm, có khi làm lộn tùng phèo. Nói tóm lại thiền sư làm khởi nghi tình nơi người học, bức người học không có lối đi cho tới khi “Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” thì mới thôi. Truyền đăng là tham cứu không thể lý giải, chỉ có thể dùng ý hiểu không thể dùng lời để truyền, giống như công án này của Hương Nghiêm không có cách nào đáp được. Tốt nhất là như Hổ Đầu Chiêu thượng tọa không hỏi kết quả, chỉ luận tiền nhân, bắt giặc tìm tang vật mới có thể giải quyết được vấn đề, Hương Nghiêm cười ha hả đó là dùng tiếng nhưng không dùng lời để khẳng định.
 (Tinh Vân)
- Hương Nghiêm đưa ra một nan đề chỉ rằng Thiền không thể nói. Nếu có người hỏi, hễ mở miệng ra là mất mạng. Nhưng nếu ông không nói thì người ta làm sao biết Thiền là cái gì? Có người đáp:
+ Miệng cha mẹ sinh ra là để hưởng thụ sơn hào hải vị, nếu không có chuyện thì lắm mồm làm gì?
Có người đáp:
+ Nếu đã không thể nói, tôi đánh rắm để ông ngửi vậy.
Có người đáp:
+ Nguyện vì chúng sanh thoát khổ, dù tan xương nát thịt cũng không tiếc.
Do đó, các thiền sư dõng cảm mở miệng nói pháp.
Chiêu thượng tọa nói:
+ Lúc chưa lên cây thì thế nào?
Câu đáp thật cao minh, hà tất lọt vào bẫy tiến thối lưỡng nan, phải suy nghĩ đối sách. Nhưng chưa lên cây là cảnh giới đã giác ngộ rồi. Chúng sanh hiện đang lơ lửng trong không, các ông nói phải làm sao? Hãy học Hương Nghiêm chỉ cười cười, đừng mở miệng lắm lời mà mất mạng. Nguyên lai làm gì có cây, chỉ là chúng sanh nằm mộng thấy mình lơ lửng trong không. Tỉnh mộng rồi các ông lại an nhiên nằm trên giường.
(Liệu Duyệt Bằng)
 
Tắc 6
THẾ TÔN GIƠ HOA
Cử:
Xưa, Thế Tôn ở pháp hội Linh Sơn, giơ cành hoa lên chỉ cho đại chúng. Lúc đó đại chúng đều im lặng chỉ có tôn giả Ca Diếp là mỉm cười. Thế Tôn  bảo:
- Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng, nay giao cho Ca Diếp.
Bình:
Cồ Đàm mặt vàng chẳng coi ai vào đâu, ép tốt thành xấu, treo đầu dê bán thịt chó, coi bộ cũng có chút tài mọn. Nếu lúc đó đại chúng đều cười, chánh pháp nhãn tạng làm sao truyền? Giả sử Ca Diếp không cười, chánh pháp nhãn tạng lại truyền làm sao? Nếu nói chánh pháp nhãn tạng có truyền thọ thì lão mặt vàng đã dối trá xóm làng; nếu nói không truyền sao lại nói truyền riêng cho Ca Diếp?
Tụng:
拈起 花 來
Niêm khởi hoa lai
尾巴 已 露
Vĩ ba dĩ lộ
迦葉 破 顏
Ca Diếp phá nhan
人天 罔 措
Nhân thiên võng thố.
Dịch:
Vừa giơ cành hoa
Cái đuôi đã lộ
Ca Diếp cười xòa
Trời người thất thố.
 
Chú thích:
 - Cồ Đàm mặt vàng: chỉ Đức Phật, vì Ngài có thân sắc vàng.
- Cồ Đàm: là một trong 5 tiếng gọi họ Đức Phật, 4 tiếng kia là Cam Giá, Nhật Chủng, Xá Di, Thích Ca.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: Thế Tôn vừa giơ cành hoa lên, chủ ý  đã lộ ra rồi, Ca Diếp mỉm cười vì hiểu rõ chuyện ấy. Chỉ có trời và người là lúng túng không biết đã xảy ra chuyện gì.
Câu 3 và 4: khi Thế Tôn giơ cành hoa lên, chỉ có Ca Diếp là mỉm cười. Ông đã hiểu tâm Phật. Hoa là hoa không là gì cả. Nó không tự phụ, mắc cỡ, giả đò. Tinh túy của vạn pháp là lời không lời, tướng không tướng. Chân lý không phải là lời nói. Lời và giáo pháp chỉ để trỏ đường. Thiền là truyền tâm mà không dùng lời.
(Kubose)
- Niết Bàn là trạng thái của tâm khi đã diệt trừ hết phiền não, trở thành thanh tịnh. Trạng thái đó là sự khai ngộ; vì không dùng lời nói để tả ra được nên gọi là diệu tâm. Niết Bàn diệu tâm không phải là Niết Bàn và diệu tâm mà là Niết Bàn là diệu tâm, cũng là thiền tâm. Đức Phật giao phó tâm này cho Ca Diếp. Cái tâm khai ngộ này có sẵn trong tâm Ca Diếp, do tâm Ca Diếp bạo phát mà giác tỉnh thành nội tâm ấn chứng. Thiền sư Đạo Nguyên đã hình dung Niết Bàn diệu tâm bằng hai câu sau:
Cố  hương  hoa  bốn  mùa
Xuân  đi  hoa  vẫn  thơm.
Bốn mùa là chỉ thời gian, cố hương là chỉ căn nguyên của tâm không vì làm thiện, làm ác mà nhiễm thiện ác. Cái tâm này không vì hoàn cảnh mà biến đổi vì vậy mới nói: “Xuân đi hoa vẫn thơm”.
(Minh Tuệ)
- Hoa ở đây là chỉ tự tánh. Vì tự tánh không thể dùng lời mà diễn tả được. Chư Phật đều do ngộ tự tánh mà thành Phật. Thế Tôn giơ cành hoa lên hướng đại chúng mà nói pháp không lời. Ca Diếp hiểu ý này, tự tánh chỉ có thể tự chứng, có nói cũng vô ích nên không nói một câu nào chỉ mỉm cười biểu thị ông đã hiểu. Hai thầy trò là hai kỳ thủ ngang sức, còn đại chúng như câm điếc, đã không nhận được Phật tâm. Mượn đồ vật hay động tác để nói về tự tánh là do Thế Tôn sáng tạo đã được chư Tổ Trung Hoa tập đại thành đã trở nên một phong cách độc đáo của Thiền.
Thế Tôn nói: “Ta có chánh pháp... nay trao cho Ca Diếp” cho thấy sự phó pháp của Thiền là ấn chứng trên quả chứ không trên nhân. Chỉ cần học nhân chứng ngộ Niết Bàn diệu tâm là có thể gọi là đắc pháp. Sự thực Niết Bàn diệu tâm không thể thọ hoặc truyền cho người khác mà là tự mình dập tắt được ngọn lửa dục vọng.
- Ý nghĩa bài kệ: Tự tánh không thể dùng lời mà nói được, miễn cưỡng giơ cành hoa lên để tỷ dụ tự tánh, là có năng (chủ thể), sở (đối tượng) là đã lộ ra sơ hở. Lại còn vẽ rắn thêm chân nói cái gì là trao chánh pháp nhãn tạng cho Ca Diếp, khiến người sau tưởng có phó pháp thật. Ca Diếp mỉm cười là khác với đại chúng. Đúng là thầy lắm chuyện gập trò lắm chuyện.
Có ông tăng hỏi ý chỉ giơ hoa, Vân Phong Duyệt nói:
 - Một lời nói ra, tứ mã khó đuổi.
- Ca Diếp mỉm cười là ý gì?
- Mở miệng là họa.
Nói ra bất cứ lời nói gì cũng không thâu hồi lại được. Giơ cành hoa lên để biểu thị không thể nói được vì nói là lạc vào hình nhi hạ, ngược lại bản thể. Giơ cành hoa lên và mỉm cười là ngôn ngữ chân thật.
Phật Huệ Tuyền nói:
- Mùa đông dài, sương tuyết che phủ đại địa, ai biết được xuân đã về chưa? Chỉ có một cành mai núi, nở hoa trong trời tuyết là tiết lộ xuân đã về. Cành mai núi chỉ Ca Diếp, chỉ có ông mỉm cười được Thế Tôn truyền pháp làm người truyền đăng tiên khởi.
(Dương Tân Anh)
Tắc 7
TRIỆU CHÂU RỬA BÁT
Cử:
Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Con vừa vào Tùng Lâm, xin thầy chỉ dạy.
- Ông ăn cháo rồi (hay) chưa?
- Đã ăn rồi.
- Đi rửa bát đi!
Ông tăng có chỗ tỉnh (ngộ).
Bình:
Khi Triệu Châu mở miệng liền chỉ cho chúng ta một túi mật. Ông đã phơi ra cả tim gan. Ông tăng chẳng hiểu tưởng chuông là hũ.
Tụng:
只為 分 明 極
Chỉ vi phân minh cực
翻令 所 得 遲
Phiên lệnh sở đắc trì
早知 橙 是 火
Tảo tri đăng thị hỏa
飯熟 已 多 時
Phạn thục dĩ đa thời.
Dịch:
Đã rõ ràng như vậy
Làm lại chậm như rùa
Sớm biết đèn là lửa
Cơm đã chín từ khuya.
 
Chú thích:
 - Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: vì phân tích và giảng giải quá rõ ràng nên lại khiến cho người ta khó lãnh hội, nhận thức, thể hội.
Câu 3 và 4: nếu biết đèn là lửa, dùng lửa để thổi cơm thì cơm chín từ bao giờ.
- Cái gọi là Phật pháp, là Thiền tâm đều không thể rời sinh hoạt. Ăn cho ra ăn, ngủ cho ra ngủ đó là thiền vậy. Nếu lìa sinh hoạt ra, thì Phật pháp còn có công dụng gì?
(Tinh Vân)
- Thiền là đời sống hàng ngày : tự nhiên, thứ tự. Sự việc được làm từng việc một. Rắc rối đến từ sự khái niệm hóa và giả định.
(Kubose)
- Câu hỏi của Triệu Châu “Ăn cháo rồi chưa?”, rồi và chưa đều là biên kiến, phải trừ bỏ biên kiến, đối đãi thì mới chứng được tự tánh. Tự tánh không để vật nào dính vào vì vậy Triệu Châu mới khuyên đi rửa bát.
Triệu Châu dạy chúng ta không nên lìa hiện thực, đã ăn cháo rồi thì phải đi rửa bát. Con người ta khi làm một việc gì, không chịu chú ý làm, chỉ lo hướng ngoại. Những người bên cạnh Triệu Châu như vậy, chúng ta cũng vậy. Thí dụ đi đường là đi đường. Triệu Châu không lấy sự kiện đi đường là một sự kiện đặc biệt trừu tượng để suy tưởng, chỉ y theo tâm chân thật mà đi đường. Nếu là người đi đường chân chánh thì đường là cái gì? Không dùng lời cũng biết, không cần thí dụ cũng hiểu. Nếu đi hỏi người thì là thừa vậy. Đạo là phải tự mình đi, đi đến khi đủ để vô tâm là được.
(Tiêu Vũ Đồng)
- Thiền không lìa sinh hoạt. Mặc áo ăn cơm là Thiền, bổ củi xách nước là Thiền. Một người không lo sinh hoạt cho tốt: bát không rửa, nhà không quét thì làm sao giải quyết được vấn đề sinh tử giải thoát.
(Tinh Vân)
- Công án này rất nổi danh gọi là “Cháo Triệu Châu”. Lúc đó có lẽ đã quá bữa sáng và ông tăng có lẽ là từ nơi khác đến tham học. Triệu Châu chỉ hỏi một câu trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng lẽ ăn cháo và rửa bát lại có thể khai ngộ ? Lúc ăn cháo thì ăn cháo, ăn cháo xong thì rửa bát. Đó là sinh hoạt hiện thực. Ngộ cảnh cũng không thể lìa hiện thực. Nhiều người cho rằng khai ngộ là một cái gì sâu xa không thể đo lường được. Kỳ thật trong sinh hoạt hàng ngày mỗi cử mỗi động đều là chân lý hiển lộ. Ông tăng tưởng là phải bị đánh một gậy, bị hét một tiếng, phải trải qua nhiều giai đoạn ly kỳ, thâm ảo, huyền diệu mới tới được ngộ cảnh, nào ngờ Triệu Châu chỉ dùng một câu nói giản dị, bình thường mà phiền não biến mất, ngộ cảnh hiện tiền. Thiền là ngay trong hiện tại, hiện tại không có được mất. Được, mất thuộc về quá khứ, vị lai, tuyệt đối không ở trong hiện tại. nếu chỉ sống trong hiện tại không tính toán, không bẻ cong nhận thức thì thấy mọi người chung quanh đều đáng yêu, đều đồng cảm, đó chẳng phải là tự tại, giải thoát ư?
(Thánh Nghiêm)
 
Tắc 8
HỀ TRỌNG LÀM XE
Cử:
Nguyệt Am hòa thượng hỏi một ông tăng:
- Hề Trọng làm bánh xe 100 nan, nếu bỏ cả 2 đầu xe và trục đi thì sẽ còn gì?
Bình:
Nếu hiểu ngay, mắt như lưu tinh, cơ như điện chớp.
Tụng:
機輪 轉 處
Cơ luân chuyển xứ
達者 猶 迷
Đạt giả do mê
四維 上 下
Tứ duy thượng hạ
南北 東 西
Nam bắc đông tây.
Dịch:
Chỗ bánh xe lăn
Do mê mà đạt
Trên dưới bốn bên
Đông Tây Nam Bắc
 
Chú thích:
 - Nguyệt Am: (1089-1152)
- Hề Trọng là người làm xe nổi tiếng thời cổ. Lúc trước bánh xe chỉ có 30 nan. Hề Trọng làm bánh xe có 100 nan.
Xe (chỉ Phật pháp) chỉ do bánh, trục kết hợp mà thành. Nếu tháo bỏ bánh, trục đi thì xe không còn là xe nữa.
Con người ta cũng vậy, xương, thịt (địa), máu (thủy), hô hấp (phong), thân nhiệt (hỏa), kết hợp mà thành người, tan ra thì trở về tứ đại. Đây là thuyết minh lý vô ngã.
(Thánh Tham)
- Bỏ cả 2 đầu xe: đây là 1 song quan ngữ, bề ngoài là chỉ 2 đầu xe, nhưng thật ra là chỉ: thị phi, thiện ác, trước sau, trên dưới.
 - Nếu hiểu ngay : chỉ không trải qua tư duy, phân tích, suy lý, phân biệt mà trực quán.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: khi cơ ngữ vừa thoát ra khỏi miệng thì hành giả sẽ bị rơi vào cái bẫy mê hoặc.
Câu 3 và 4: đừng chấp vào thiền ngữ mà nên để ý đến các phương diện khác.
- Bánh xe chỉ là bánh xe. Nếu ông tháo bỏ nan xe, vành xe thì không còn bánh xe. Một cái xe là dụng cụ để chuyên chở. Tháo bỏ bánh xe, trục, thân xe sẽ không còn là xe. Một cái nhà gồm mái, tường, cửa sổ, cửa ra vào. Một phần sẽ không có giá trị gì khi tách ra khỏi toàn thể. Nếu phân ra rồi phân tích, phán đoán là đánh mất toàn thể. Đời sống không phải chỉ là sự ráp lại của các phần tử.
(Kubose)
 
Tắc 9
PHẬT ĐẠI THÔNG TRÍ THẮNG
Cử:
Một ông tăng hỏi Hưng Dương Nhượng hòa thượng:
- Phật Đại Thông Trí Thắng mười kiếp tọa đạo tràng, Phật pháp chẳng hiện tiền, cũng không thành Phật đạo là sao?
- Hỏi đúng lắm.
- Nếu đã tọa Đạo tràng, tại sao lại không thành Phật đạo?
- Vì không thành Phật.
Bình:
Chỉ để lão Hồ biết, không để lão Hồ hiểu. Nếu người phàm biết thì là bậc Thánh, nếu bậc Thánh biết thì là người phàm.
Tụng:
了身 何 似 了 心 休
Liễu thân hà tự liễu tâm hưu
了得 心 兮 身 不 愁
Liễu đắc tâm hề thân bất sầu
偌也 心 身 俱 了 了
Nhược dã tâm thân câu liễu liễu
神仙 何 必 更 封 侯
Thần tiên hà tất cánh phong hầu.
Dịch:
Thân biết chẳng bằng tâm được biết
Biết được tâm rồi, thân chẳng sầu
Nếu cả thân tâm đều biết rõ
Là tiên há phải đợi phong hầu.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2 : rõ được thân đâu bằng rõ được tâm. Thành Phật là thấy rõ được bản tâm, lấy tâm làm chủ, thân chỉ là thứ yếu, do đó rõ tâm rồi thì đâu còn vì thân mà sầu khổ.
Câu 3 và 4 : nếu thân tâm đều rõ, thì tiêu dao tự tại như thần tiên đâu cần phải làm vương hầu nữa.
- Hưng Dương Nhượng là pháp tử của Ba Tiêu. Ba Tiêu là đồ tôn của Ngưỡng Sơn. Công án này xưng tán thiền phong của tông Quy Ngưỡng. Phật Đại Thông Trí Thắng dẫn từ phẩm Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa. Câu trả lời của Hưng Dương Nhượng có nghĩa là “Vốn là Phật thì cần gì thành Phật”.
(Thánh Tham)
- Thiền định không làm một người trở thành một vị Phật, một người giải thoát. Con người đã được giải thoát ngay từ đầu. Trong thiền định, thiền sinh tìm ra ông vẫn luôn luôn là một vị Phật. Phật không trở thành Phật. Ông đã là Phật rồi. Cây, đá, hoa, cỏ, mặt trời, mặt trăng đều là Phật, tại sao nhân loại lại không phải?
(Kubose)
- Đại Thông là chỉ tự mình ở mọi nơi đều thấy vạn pháp không tánh, không tướng. Trí Thắng là chỉ ở mọi nơi, mọi thời không nghi ngại, không có một pháp nào để được. Phật là thanh tịnh chiếu sáng suốt pháp giới. Mười kiếp tọa đạo tràng chỉ 10 pháp tu Ba La Mật. Phật vốn không sanh, pháp vốn không diệt, nói gì đến hiện tiền ? Phật chẳng phải làm gì để thành Phật. Cổ nhân có nói:
- Phật thường ở thế gian, nhưng không nhiễm pháp thế gian.
Đạo lưu ! nếu muốn thành Phật đừng chạy theo vạn vật. Tâm sanh thì muôn pháp sanh, tâm diệt thì muôn pháp diệt. Một tâm chẳng sanh, vạn pháp chẳng lỗi. Thế và xuất thế, chẳng có Phật, có pháp cũng chẳng hiện tiền, cũng chẳng có gì mất mát cả. Nếu có một vật thì chỉ là danh ngôn, chướng cú để dụ con nít uống thuốc trị bệnh, chỉ là bề ngoài. Nhưng những danh cú này không tự mình kêu là danh cú. Chính là các ông, trước mắt tôi, phân biệt, ghi nhớ, thấy, nghe, lý giải, đốt sáng đuốc tuệ điều khiển mọi danh cú.
(Lâm Tế)
 
Tắc 10
THANH THOÁT LẺ LOI VÀ NGHÈO KHÓ
Cử:
Một ông tăng hỏi Tào Sơn:
- Thanh Thoát lẻ loi và nghèo khó, xin thầy giúp đỡ.
- Thoát xà lê.
- Dạ!
- Ông đã uống 3 chén rượu Thanh Nguyên rồi, sao còn bảo chưa ướt môi.
Bình:
Thanh Thoát trình cơ vậy là có ý gì? Tào Sơn nhanh mắt biết ngay cơ ý. Tuy là vậy, nhưng căn cứ vào đâu mà bảo Thoát xà lê uống rượu.
Tụng:
貧似 笵 丹
Bần tự phạm đan
氣如 項 羽
Khí như Hạng Võ
活計 雖 無
Hoạt kế tuy vô
敢與 鬥 富
Cảm dữ đấu phú.
          Dịch:
Nghèo tựa Phạm Đơn
Khái như Hạng Võ
Kiếm sống nghề không
Dám sánh phú hộ.
 
Chú thích:
- Thanh Thoát: tên ông tăng, lai lịch không rõ.
- Thanh Nguyên Bạch Gia tửu: Thanh Nguyên là địa danh, có thể chỉ tên một loại rượu nổi danh đương thời, cũng có thể là chỉ viễn tổ Tào Động tông là Thanh Nguyên Hành Tư.
- Nghèo chỉ phiền não, nếu được trợ giúp thì hết nghèo, hết phiền não. Lời nói của Thanh Thoát là diễn tả cảnh giới giác ngộ vượt lên vô hữu là lời trình cơ. Câu đáp của Tào Sơn là đã rõ cơ ý.
(Thánh Tham)
- Chữ nghèo ở đây chỉ cảnh giới chân không. Như trong bài kệ của Hương Nghiêm Trí Nhàn:
去年 貧 未 是 貧 
Khứ niên bần vị thị bần 
今年 貧 始 是 貧 
Kim niên bần thủy thị bần
去年 貧 猶 有 桌 錐 之 地
Khứ niên bần do hữu trác chùy chi địa
今年 貧 錐 也 無 
Kim niên bần chùy dã vô. 
Dịch:
Năm ngoái nghèo chưa là nghèo
Năm nay nghèo mới là nghèo
Năm ngoái nghèo còn đất để cắm
Năm nay nghèo, không cả dùi cắm.
Đã biết mình nghèo tức là đã đạt chân không, mà chân không thì đầy đủ chẳng thiếu gì cả. Khi Động Sơn lên tiếng gọi, Thanh Thoát dạ. Có thể dạ là dụng của tự tánh. Từ dụng có thể vào Thể.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: Thiền giả như một người nghèo khó tương tự như Phạm Đan không có một xu.
Câu 3 và 4: Nhưng nếu kiến tánh thì như tìm ra bảo tàng có khí thế của bậc vương giả. Thanh Thoát biết vậy nên dám đấu pháp với Tào Sơn.
- Nam Hoa nói: Có tự tánh như trong nhà có đầy vàng nhưng không thừa nhận thì như người nghèo than khổ. Thanh Thoát bị Tào Sơn gọi bèn lên tiếng thưa, không đánh mà khai, như uống 3 chén rượu say lảo đảo mà bảo còn chưa say, thật nực cười.
- Khẳng Đường Sung: Thanh Thoát như người lái buôn Ba Tư có bảo tàng đem dấu đi đến Đại Đường buôn bán, ngửa tay xin tiền, bị Tào Sơn vạch ra chỗ dấu tiền.
(Dương Tân Anh)
- Nghèo khó là lý tưởng của Thiền tăng. Khi không có gì thì không phải lệ thuộc vào gì cả, không cả chỗ để ở. Ông hoàn toàn tự do, tự tại. Cả thế giới thuộc về ông. Khi Thanh Thoát nói ông là lẻ loi và nghèo khó, ông muốn nói ông đang sống Thiền. Tào Sơn biết rõ Thanh Thoát đã ngộ và còn chấp vào cái bóng của sự giác ngộ đó. Do đó, Tào Sơn giúp ông ta tháo gỡ cái mặt nạ giả đò và sự chấp trước của ông.
(Kubose)
 
Tắc 11
TRIỆU CHÂU KHÁM PHÁ AM CHỦ
Cử:
Triệu Châu tới gặp một am chủ hỏi:
- Có không? Có không?
Am chủ giơ nắm đấm lên.
Sư nói:
- Nước cạn không phải là chỗ neo thuyền!
Bèn đi.
Lại tới nơi một am chủ khác hỏi:
- Có không? Có không?
Am chủ này cũng giơ nắm đấm lên.
Sư nói:
- Có thể buông, có thể bắt, có thể giết, có thể tha.
Bèn lạy tạ.
Bình:
Một nắm đấm giơ lên, vì sao một lần khẳng định, một lần không? Thử hỏi lừa bịp ở chỗ nào? Nếu hướng vào chỗ ấy nói được một chuyển ngữ liền thấy Triệu Châu lưỡi không xương có thể tung hứng, được đại tự tại. Tuy rằng thế, chẳng dè Triệu Châu lại bị 2 am chủ khám phá. Nếu bảo 2 am chủ có hoặc không hơn kém là không có mắt của người tham học.
Tụng:
眼流 星
Nhãn lưu tinh
機掣 電
Cơ xế điện
殺人 刀
Sát nhân đao
活人 劍
Hoạt nhân kiếm.
 Dịch:
Mắt sao rơi
Cơ xẹt lửa
Đao giết người
Kiếm cứu người.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: người giác ngộ ánh mắt như lưu tinh, cơ phong nhanh như tia điện.
Câu 3 và 4: đã có dao nhọn chém sai lầm, lại có kiếm sắc phát sinh trí tuệ.
- Có thể giết: trừ tất cả những vọng tưởng, chấp trước, khiến thiền giả đang từ trầm không trở thành tỉnh thức.
- Mắt của người tham học: tức chánh nhãn.
- Câu hỏi của Triệu Châu có nghĩa là có thường tỉnh thức không? Hai am chủ đều nhận mình luôn tỉnh thức. Câu nói của Triệu Châu với am chủ 1, nhận mình thô thiển (nước cạn) là căn bản của sự tiến bộ trong tọa thiền. Câu nói của Triệu Châu với am chủ 2: diễn tả sự tự do hoàn toàn vì luôn luôn tỉnh thức.
(Sekida)
- Cả 2 am chủ đều phản ứng giống nhau nhưng Triệu Châu thấy một ông giác ngộ một ông không. Công án này tương tự công án “Cây gậy của Ba Tiêu”. Chỉ khi nào vượt lên được hình tướng, cái này, cái kia, là và không là, yêu mà không chiếm hữu, đói ăn, mệt nghỉ thì mới hiểu được cái một.
(Kubose)
- Hai am chủ đều hiểu chuyện này, cho nên khi Triệu Châu đến hỏi, đều giơ nắm đấm lên. Chỉ là Triệu Châu thích đùa cợt phủ định chân không của am chủ thứ nhất (nước cạn không phải là chỗ neo thuyền). Lần sau không thể tái phủ định bèn xác định cảnh giới chân không của am chủ 2 (bèn lạy). Hai am chủ không thọ ảnh hưởng của Triệu Châu vì họ đã biết chuyện này (thấy tánh). Triệu Châu náo loạn một hồi, rút cục bị 2 am chủ khám phá. Trong công án này đừng tìm đạo lý gì trong sự ứng phó của 2 am chủ với Triệu Châu mà phải quay lại tự hỏi chính mình “Có không? Có không?” Đó chính là nghi trận Triệu Châu cố ý bầy ra để khảo nghiệm chúng sanh.
- Đại ý bài kệ này: người kiến tánh không chấp vào một bên nào, có thể phê bình người thiên hạ cao thấp. Lúc đó mắt hắn như lưu tinh, cơ như xẹt lửa có thể giết người (phủ định tha nhân), có thể cứu sống người (ấn khả tha nhân).
- Phật Tích nói: 2 am chủ đáp câu hỏi của Triệu Châu cùng một dạng. Khi khảo sát công án này không thể ứng phó mơ hồ, nếu tự mình không vượt được cảnh giới lưỡng biên thì không được ấn khả, phí công tham công án này.
- Pháp Âm Lâm nói: 2 am chủ cùng giơ nắm đấm lên, Triệu Châu ứng phó khác nhau thật là miệng lừa chẳng tương can mồm ngựa khiến người ta chẳng biết đường nào mà mò. Công án này như buông dây câu ngàn thước tại 4 biển, 5 hồ (lấy công án này làm mồi để tiếp dẫn vô số chúng sanh).
(Dương Tân Anh)
 
Tắc 12
NHAM GỌI CHỦ NHÂN
Cử:
Mỗi ngày hòa thượng Thoại Nham đều tự gọi:
- Chủ nhân.
- Dạ!
- Hãy tỉnh thức.
- Dạ!
- Ngày khác đừng để người lừa dối.
- Dạ! Dạ!
Bình:
Ông lão Thoại Nham tự bán, tự mua, đùa dỡn với những mặt nạ quỷ thần. Tại sao vậy? Một người hô, một người dạ, một người tỉnh, một người không để người lừa dối. Nhận ra đều là không phải. Nếu các ông cũng bắt trước lão ta, thì kiến giải của các ông là kiến giải của lũ chồn hoang.
Tụng:
學道 之 人 不 識 真
Học đạo chi nhân bất thức chân
只為 從 前 認 識 神
Chỉ vi tòng tiền nhận thức thần
無量 劫 來 生 死 本
Vô lượng kiếp lai sinh tử bản
痴人 喚 作 本 來 人
Si nhân hoán tác bản lai nhân.
Dịch:
Lẽ phải người tu chẳng biết coi
Bởi theo thần thức đã lâu rồi
Cái gốc tử sinh từ muôn kiếp
Kẻ mê vẫn gọi ông chủ tôi.
 
Chú thích:
- Chủ nhân: người chủ gia đình, ở đây chỉ bản tâm, khuôn mặt xưa nay, chân tánh.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: người tu chẳng rõ chân tánh, nhận lầm thần thức là chủ nhân ông.
Câu 3 và 4: muốn thoát sinh tử luân hồi thì phải bỏ quan niệm trên, phải nhận thức khuôn mặt xưa nay của mình.
- Thoại Nham không biết năm sinh và tử, học trò của Nham Đầu.
- Gọi ông thầy bên trong không phải chỉ thuần túy là nội quán mà còn là tìm hiểu động cơ tâm lý, hay đánh giá hành vi tốt xấu. Thoại Nham gọi chủ nhân là gọi chân ngã (không phải tự ngã) đã có trước khi Thoại Nham được sanh ra.
(Kubose)
 
Tắc 13
ĐỨC SƠN BƯNG BÁT
Cử:
Một hôm, Đức Sơn bưng bát xuống trai đường. Tuyết Phong trông thấy hỏi:
- Ông già! Chuông chưa thỉnh, trống chưa báo, bưng bát đi đâu?
Đức Sơn bèn trở về phương trượng. Tuyết Phong kể lại cho Nham Đầu.
Nham Đầu nói:
- Đức Sơn chưa hiểu câu nói sau cùng.
Đức Sơn nghe được, sai thị giả gọi Nham Đầu lại hỏi:
- Ông không đồng ý với lão tăng hả?
Nham Đầu trình mật ý. Đức Sơn bèn thôi.
Hôm sau buổi giảng quả khác thường. Nham Đầu đến trước tăng đường vỗ tay cười nói:
- Vui thay! Ông già hiểu được câu nói sau cùng, về sau thiên hạ không ai làm phiền ông nữa!
Bình:
Nếu là câu nói sau cùng, cả Nham Đầu và Đức Sơn cũng chưa mộng thấy. Nếu các ông xét lại, họ giống như đám rối gỗ trên sàn diễn.
Tụng:
識得 最 初 句
Thức đắc tối sơ cú
便會 末 後 句
Tiện hội mạt hậu cú
末後 與 最 初
Mạt hậu dữ tối sơ
不是 者 一 句
Bất thị giả nhất cú.
Dịch:
Biết được câu đầu
Liền hiểu câu cuối
Câu cuối, câu đầu
Chẳng là câu ấy.
 
Chú thích:
- Đức Sơn: Đức Sơn Tuyên Giám (782-865), người Kiếm Nam (Tứ Xuyên), đệ tử Long Đàm Sùng Tín. Ông chủ trương vô tâm, vô sự, lìa niệm khử tình. Ông hay dùng đánh và hét để tiếp cơ cho người học.
- Tuyết Phong: Tuyết Phong Nghĩa Tồn (822-908), học trò Đức Sơn.
- Nham Đầu: Nham Đầu Toàn Hoát (826-887), học trò Đức Sơn.
- Câu nói sau cùng: là câu nói ra khi đã triệt ngộ. Trong thực tế không thể dùng lời để diễn tả chân lý cho nên câu nói sau cùng chính là không lời.
- Giải thích bài kệ:
Cấu 1 và 2: nếu hiểu nông thì sẽ hiểu sâu.
Câu 3 và 4: Câu đầu hay câu cuối đều chẳng phải là câu ấy vì câu ấy không thể nói ra được.
- Tuyết Phong và Nham Đầu là 2 đồ đệ của Đức Sơn Tuyên Giám. Trong Truyền Đăng Lục có chép một hôm dọn cơm trễ, Đức Sơn đói bụng bèn bưng bát xuống phòng ăn. Điển tọa Tuyết Phong trông thấy mới hỏi và sau kể lại cho Nham Đầu nghe. Nham Đầu thấy đây là cơ hội giúp Tuyết Phong khởi nghi tình, nên mới nói Đức Sơn không hiểu câu nói sau cùng. Đức Sơn nghe được không hiểu ý của Nham Đầu là sao bèn gọi vào hỏi. Nham Đầu trình ý của mình là để giúp Tuyết Phong, Đức Sơn thuận. Do đó cử động của Nham Đầu ngày hôm sau chỉ là diễn trò. Đáng tiếc cho đến lúc này Tuyết Phong vẫn chưa khai ngộ.
(Thánh Tham)
          - Cả 2 Tuyết Phong và Nham Đầu đều là đệ tử của Đức Sơn. Đức Sơn vào khoảng 80 tuổi khi bị Tuyết Phong đuổi về phòng phương trượng và bị Nham Đầu chỉ trích. Đức Sơn không giải thích cũng không xin lỗi. Ông hiểu 2 trò và chính ông, ông đã chín mùi tự nhiên. Đời sống thực sự không cần giảng giải và xin lỗi. Buổi giảng ngày hôm sau khác hẳn, có lẽ Đức Sơn chỉ hiện diện như chính ông chứ không phải là một thiền sư giảng dạy cho học trò. Không có sự thật nào hơn thế. Phong cách của một người như thế nào thì đó là sự thật tối thượng. Đức Sơn quả là một vị thiền sư vĩ đại.
(Kubose)
Tắc 14
NAM TUYỀN CHÉM MÈO
Cử:
Hòa thượng Nam Tuyền nhân hai đường Đông Tây tranh nhau một con mèo, bèn giơ con mèo lên bảo:
- Nếu các ông nói được thì con mèo được cứu, còn nếu không nói được thì tôi sẽ chém nó.
Đại chúng không ai nói được, Nam Tuyền bèn chém mèo.
Buổi chiều khi Triệu Châu từ ngoài về, Nam Tuyền bèn kể cho Triệu Châu nghe. Triệu Châu tháo dép để lên đầu, đi ra.
- Nếu lúc đó ông có mặt thì con mèo đã được cứu rồi!
Bình:
Triệu Châu để dép lên đầu là có ý gì? Nếu hướng vào đây mà hạ một chuyển ngữ liền thấy Nam Tuyền ra lệnh là không uổng công, còn không thì thật là nguy.
Tụng:
趙州 若 在
Triệu Châu nhược tại
倒行 此 令
Đảo hành thử lệnh
奪卻 刀 子
Đoạt khước đao tử
南泉 乞 命
Nam Tuyền khất mạng.
Dịch:
Triệu Châu có mặt
Liền đổi lệnh ra
Con dao bị cướp
Nam Tuyền xin tha.
 
Chú thích:
- Triệu Châu đội dép cỏ lên đầu là có ý gì? Có ông tăng cho rằng Triệu Châu dùng dép để thế cho con mèo, có ông lại nói Triệu Châu đội dép lên đầu đi ra là nói chuyện chém mèo không quan hệ gì đến ông. Khắc Cần cho rằng những lý giải này không đúng, ý của Triệu Châu là tham “câu sống” không tham “câu chết”, phải tự tham tự chứng.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: nếu Triệu Châu có mặt lúc ấy thì lệnh của Nam Tuyền sẽ bị thay đổi.
Câu 3 và 4: ông sẽ cướp lấy dao của Nam Tuyền thì con mèo sẽ không bị chém, trái lại Nam Tuyền phải xin tha mạng.
- Từ bi vốn là căn bản của nhà Phật. Nam Tuyền lấy dao chém mèo thành hai đoạn khiến cho mọi người kinh hãi. Nam Tuyền bất mãn chư tăng là những người đã xuất gia mà lại tranh chấp một con mèo. Do đó chém mèo chỉ dạy người xuất gia chân chánh phải đoạn tuyệt trần thế. Chỉ có dùng phương pháp độc đáo ấy mới làm cho người ta chân chính hướng về tự do siêu nhiên. Triệu Châu đội dép lên đầu mà đi ra để chỉ không chấp thường lý là dép thì phải mang ở dưới chân. Nếu muốn siêu thoát thì phải bỏ hết mọi thị phi của trần thế.
(Tiêu Vũ Đồng)
- Nhiều người thấy công án này khó chấp nhận được vì Nam Tuyền là một tu sĩ thì phải giới sát, đâu có thể tùy tiện mà chém con mèo. Những người này đã không hiểu Nam Tuyền vì lòng từ bi muốn chỉ dạy cho các môn đồ khi gặp dịp. Các đệ tử của Nam Tuyền là những ông tăng ngu muội vì một chuyện nhỏ là tranh chấp một con mèo mà chia bè kết đảng tranh cãi náo loạn. Khi Nam Tuyền bảo họ nói ra một thiền ngữ thì họ lại câm như hến. Vì vậy Nam Tuyền chỉ còn cách chém chết con mèo để phá trừ vọng tưởng chấp trước cho họ. Triệu Châu tháo dép đội lên đầu, hàm ý không muốn nghe chuyện ngu xuẩn này, đồng thời cũng muốn nói “Nếu con ở đấy và không có ai trả lời được, con cũng đành phải chém con mèo thôi.” Cử động của Triệu Châu chứng tỏ ông luôn cảnh giác, không để cho những nguyên nhân ngoại tại trói buộc, ông luôn tự mình làm chủ.
(Minh Tuệ)
- Nam Tuyền (749-834) pháp danh Phổ Nguyện, họ Vương người Tân Trịnh, Trịnh Châu, học trò Mã Tổ.
 
Tắc 15
BA GẬY CỦA ĐỘNG SƠN
Cử:
Động Sơn đến tham Vân Môn. Vân Môn hỏi:
- Vừa rời chỗ nào?
- Tra Độ.
- Kết hạ ở đâu?
- Báo Từ ở Hồ Nam.
- Rời chùa lúc nào?
- Ngày 25, tháng 8.
- Tha ông ba gậy.
Hôm sau Động Sơn lại đến, hỏi:
- Hôm qua mang ơn hòa thượng tha 3 gậy, không biết con sai ở chỗ nào?
- Đồ giá áo, túi cơm, Giang tây, Hồ Nam đi đâu mà chả được?
Động Sơn do đó mà đại ngộ.
Bình:
Lúc đó, Vân Môn cấp đủ thức ăn cho Động Sơn khiến Động Sơn có riêng con đường sống, gia môn không đến nỗi vắng vẻ. Động Sơn sau một đêm ngụp lặn trong bể thị phi, đợi đến trời sáng trở lại Vân Môn và được phá giải. Động Sơn tuy ngộ ngay nhưng cũng không được coi là lanh lợi. Thử hỏi các ông, Động Sơn có đáng ăn 3 gậy không? Nếu nói nên thì thảo mộc đều phải ăn gậy. Nếu nói không nên thì lời Vân Môn là lời dối trá. Nếu các ông hiểu lý này thì cùng Động Sơn thở ra cùng một miệng.
Tụng:
獅子 教 兒 迷 訣
Sư tử giáo nhi mê quyết 
儗前 跳 躑 早 翻 身
Nghĩ tiền khiêu trịch tảo phiên thân
無端 再 敘 當 頭 著
Vô đoan tái tự đương đầu trước
前箭 猶 輕 後 箭 深
Tiền tiễn do khinh hậu tiễn thâm.
Dịch:
Sư tử dạy con thật là lạ
Tính nhẩy ra trước lại quay sau
Bỗng nhiên lại gõ đầu vô cớ
Mũi tên trước nhẹ, mũi sau sâu.
 
Chú thích:
- Động Sơn trong công án này không phải là Động Sơn của dòng thiền Tào Động. Những câu hỏi của Vân Môn đều là hỏi ngộ cảnh của Động Sơn. Động Sơn không hiểu thâm ý, nên chỉ trả lời theo nghĩa thông thường. Do câu nói của Vân Môn: “Đồ giá áo, túi cơm! Giang Tây, Hồ Nam đi đâu mà chả được”. Động Sơn mới hiểu rằng chẳng phải đi đâu xa, chân lý ở ngay trước mắt.
(Thánh Tham)
- Vì là lần đầu gập gỡ nên Động Sơn đã trả lời những câu hỏi của Vân Môn một cách ngây thơ. Ông không biết vì sao bị ăn 3 gậy. Ngày hôm sau, ông hỏi về chuyện ấy và bị Vân Môn mắng. Động Sơn đã trả lời những câu hỏi mà không tỉnh thức, đáng ăn gậy. Truyền thuyết kể rằng sau khi sanh 3 ngày, sư tử mẹ xô các con nhỏ xuống vực, và chỉ nuôi nấng dạy dỗ những con nào trở lại được. Các bài học của cuộc đời rất khắc nghiệt, muốn học phải tỉnh thức.
(Kubose)
- Lời Vân Môn hỏi Động Sơn bề ngoài là những lời hỏi bình thường, nhưng ý không ở đấy. Lần thứ nhất Vân Môn mắng “tha ông 3 gậy là còn nhẹ, lần thứ 2 “Đồ giá áo, túi cơm” ngữ khí đã nặng hơn. Vừa rời chỗ nào? Rời chùa lúc nào? đều là khảo nghiệm xem Động Sơn đã chứng ngộ chuyện bên đó chưa? Lúc đó Động Sơn còn chưa ngộ nên không có câu trả lời nhanh như tên bắn, tuy về sau cũng có tỉnh.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: sư tử mẹ dạy con học nhẩy, nó để cho con sau nhiều lần phạm lỗi sẽ tập thành. Vân Môn tiếp dẫn Động Sơn cũng dùng thể thức này, khiến Động Sơn bị mắng mà khổ công suy nghĩ do đó mà ngộ.
Câu 3 và 4: Lần thứ nhất mắng còn nhẹ: Động Sơn còn chưa ngộ, lần sau thì nặng hơn.
- Thiên Đồng Kiệt nói: Lần trước lời mắng của Vân Môn quá rộng, không xác định được. Lần sau lời mắng thân thiết hơn. Nhưng Vân Môn như vậy là phí sức sao không dùng pháp trực tiếp (chỉ thẳng tâm người). Động Sơn nếu gián tiếp mà ngộ sợ rằng không đúng.
- Khô Thủy Thành: Đến Trường An đi Đại Đạo sẽ nhanh chóng. Khi đi đường phải cẩn thận từng bước nhìn cho kỹ đừng để đi lạc đường chánh. Đi được 5 dậm là thấy được 5 dậm (hành giả được bao nhiêu thì là bấy nhiêu chứ không phải giả). Khi tới nơi mới biết đi Đại Đạo là nhanh nhất và không gian khổ như khi đi các đường nhánh.
(Dương Tân Anh)
- Tha ông 3 gậy: Có người cho rằng 3 câu hỏi: Ông vừa rời đâu? Kết hạ ở đâu? Rời chùa lúc nào? là 3 gậy là tình giải sai lầm, bản ý của công án này là khuyên mọi người nên trở thành đạo nhân vô sự.
 
Tắc 16
NGHE TIẾNG CHUÔNG MẶC ÁO BẨY MẢNH
Cử:
Vân Môn nói:
- Thế giới rộng bao la, vì sao nghe tiếng chuông lại mặc áo bẩy mảnh?
Bình:
Phàm tham thiền học đạo sợ nhất là chạy theo thanh, sắc. Giả sử nghe tiếng mà ngộ đạo, thấy sắc mà minh tâm đó chỉ là việc tầm thường. Há chẳng biết nạp tăng cưỡi thanh đạp sắc, nhìn thấy Phật tánh từ mỗi vật, thấy diệu dụng từ mỗi sự. Tuy là vậy, thử hỏi tiếng đến bên tai hay tai ghé bên tiếng? Cho nên khi tiếng và im đều mất thì các ông hiểu ra sao? Nếu lấy tai nghe không thể hiểu, lấy mắt nghe lại gần gũi hơn.
Tụng:
會則 事 同 一 家
Hội tắc sự đồng nhất gia
不會 萬 別 千 差
Bất hội vạn biệt thiên sai
不會 事 同 一 家
Bất hội sự đồng nhất gia
會則 萬 別 千 差
Hội tắc vạn biệt thiên sai.
Dịch:
Hiểu thì là chuyện một nhà
Không hiểu ngàn sai vạn khác
Không hiểu chuyện vẫn một nhà
Hiểu liền ngàn sai vạn khác.
 
Chú thích:
- Áo 7 mảnh: dùng 7 mảnh vá lại để làm thành áo cà sa. Mặc áo này khi tụng kinh hay nghe pháp.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: nếu dùng mắt thấy sắc, dùng tai nghe tiếng, nếu thể hội thì mọi sự rõ ràng, nếu không thể hội thì mọi sự không minh bạch. Đó là cảnh giới của người phàm.
Câu 3 và 4: nếu dùng tai thấy sắc, dùng mắt thấy tiếng, nếu không thể hội thì mọi sự rõ ràng, nếu thể hội thì mọi sự sẽ không minh bạch. Đó là cảnh giới của thánh nhân.
- Thế giới bao la chỉ cảnh giới tuyệt đối, hoàn toàn tự do, nghe tiếng chuông mặc áo bẩy mảnh là bị hạn chế. Một người giác ngộ mặc dầu sống ở trong thế giới giới hạn vì những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày nhưng nếu mọi hoạt động đều ở trong định thì vẫn hoàn toàn tự do.
(Sekida)
- Trong thiền viện, sinh hoạt của các thiền sinh được quy định rõ ràng. Khi nghe tiếng chuông thì mặc áo đến thiền đường. Nhưng Vân Môn hỏi tại sao? Cổ đức có câu “Những gì từ cửa vào đều là khách lạ”. Cửa đây là các giác quan nhìn, ngửi, nghe, nếm, sờ. Nếu chúng ta hành động theo cảm giác chúng ta đã nghe lệnh của người ngoài. Để đáp ứng với những áp lực bên ngoài chúng ta dễ dàng nổi giận. Đây là tính cách của đời sống mới. Nếu an định trong đời sống nội tâm, những hành động, cảm giác đều phát xuất từ bên trong. Người chưa giác làm việc vì ông ta phải làm. Người đã giác ngộ làm việc vì ông muốn làm. Tự do nằm trong tâm điểm của đời sống. Vân Môn chỉ cho chúng ta tâm điểm.
(Kubose)
Vân Môn (?-949): pháp danh Văn Yển, họ Trương người Gia Hưng, Cô Tô.
 
Tắc 17
BA LẦN GỌI CỦA QUỐC SƯ
Cử:
Quốc sư gọi 3 lần, thị giả dạ 3 lần. Quốc sư bảo:
- Tưởng tôi phụ ông, không ngờ là ông cô phụ tôi!
Bình:
Quốc sư gọi 3 lần, lưỡi rơi xuống đất. Thị giả 3 lần dạ miệng phóng ra ánh sáng. Quốc sư lớn tuổi lại cô đơn, đè đầu trâu bắt ăn cỏ. Thị giả chẳng chịu vì người no không thèm bữa ăn ngon, thử hỏi ông cô phụ quốc sư ở chỗ nào? Nước yên thì tài tử được quý trọng, nhà giầu thì con nít được nuông chiều.
Tụng:
鐵枷 無 孔 要 人 擔
Thiết giá vô khổng yêu nhân đam
累及 兒 孫 不 等 閑
Lụy cập nhi tôn bất đẳng nhàn
欲得 橕 門 並 拄 戶
Dục đắc sanh môn tịnh trụ hộ
更須 赤 腳 上 刀 山
Cánh tu xích cước thượng đao sơn.
Dịch:
Gông sắt không lỗ bắt người mang
Làm cho con cháu chẳng được an
Muốn được nếp sống y như trước
Chân trần phải cố vượt đao sơn.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: gông sắt không lỗ chỉ 3 lần gọi của Quốc sư để khảo nghiệm thị giả, rất khó trả lời. Nhưng thị giả dạ 3 lần là đã đáp ứng.
Câu 3 và 4: muốn chống giữ Thiền môn mang gông sắt  không đủ, còn phải dùng chân trần đi trên núi dao nữa.
- Đè đầu trâu sắt bắt ăn cỏ: cưỡng bức trâu no phải ăn cỏ, ý là cơ duyên chưa chín mùi, dù dụng công thế nào cũng không liễu ngộ được.
- Thiền môn chủ trương tâm Phật, chúng sanh không sai biệt. Nhưng chúng sanh không dám nhận mình là Phật, do đó trầm luân sanh tử không thể về nhà. Thị giả của quốc sư chỉ dám nhận mình là thị giả, không dám nhận mình là Phật. Quốc sư và thị giả ai phụ ai đã rõ ràng.
(Tinh Vân)
- Vài nhà chú giải cho rằng thị giả ứng tiếng dạ là đúng không có chút giả tạo nào. Vài người khác cho rằng quốc sư quá nóng lòng mong thị giả giác ngộ. Sau nói và làm là tỉnh thức. Thị giả được quốc sư gọi 3 lần không phải được sai để làm một việc gì, đáng nhẽ ông nên tỉnh thức mới phải. Ông thầy dạy, nhưng học được hay không là do trò. Ông thầy chỉ có thể chỉ con đường đưa tới tỉnh thức. Đừng hốt hoảng!
(Kubose)
- Quốc sư Huệ Trung không biết sanh năm nào, mất năm 775. Tục truyền sống hơn 100 tuổi, được Lục tổ Huệ Năng truyền tâm ấn. Ông sống trên núi hơn 40 năm, không đi đâu cả, nhưng danh tiếng vang vọng đến triều đình. Vua triệu ông về kinh để học hỏi. Chúng tôi ghi lại dưới đây 2 giải thích trái ngược để độc giả suy gẫm:
1. Quốc sư gọi 3 lần thị giả đều dạ, nhưng không nhận ra cái tánh nghe của mình nên mới bị trách.
(Thích Thanh Từ)
2. Giữa gọi và dạ không có một cái gì cả. Sự nhận thức thuần túy chỉ thực sự xẩy ra trong trạng thái định.
Tưởng tôi cô phụ ông: sợ rằng những chỉ dạy kém cỏi của tôi đã không làm ông tiến bộ.
Không ngờ ông lại cô phụ tôi: nhưng sự thực là ông đã đi ngược lại lời dạy của tôi. Đây là lời chấp nhận của quốc sư vì trong Thiền học người ta hy vọng trò phải tiến vượt thầy.
(Sekida)
- Về sau có ông tăng hỏi Tuyết Phong:
+ Quốc sư gọi thị giả 3 lần là có ý gì?
Sư đi về phòng phương trượng.
Ông tăng dẫn công án quốc sư gọi thị giả 3 lần để hỏi dụng ý quốc sư ở đâu? Bất cứ người nào đọc công án này đều biết là quốc sư muốn tiếp dẫn thị giả ngộ nhập tự tánh. Ông tăng không muốn biết đáp án do suy luận mà là thật chứng lấy tâm ấn tâm. Nói cách khác, ông xin Tuyết Phong truyền thọ ý chỉ. Hành động của Tuyết Phong không phải là đáp án. Dùng lý luận phân tích có thể nói là Tuyết Phong ám chỉ Thiền tồn tại ở sinh hoạt của thân tâm, muốn ông tăng tự thể hội ở ngay thân mình, đừng tìm kiếm ở bên ngoài. Cũng có thể nói đó là biểu hiện nội chứng của Tuyết Phong. Nội chứng không thể dùng ý mà hiểu được, chỉ có thể đạt được bằng kinh nghiệm. Ông tăng chưa vượt lên được nhị nguyên tương đối thì không thể nào hiểu được. Ông cũng như thị giả của quốc sư, phụ mình và cũng phụ cả lão sư nữa.
(Thái Vinh Đình)
Quốc sư Huệ Trung (?-775), họ Nhiễm, người Chư Kỵ, Việt Châu (Chiết Giang), đệ tử Lục tổ Huệ Năng.
 
Tắc 18
BA CÂN GAI CỦA ĐỘNG SƠN
Cử:
Một ông tăng hỏi Động Sơn:
- Phật là thế nào?
- Ba cân gai.
Bình:
Động Sơn lão nhân tham được chút ít thiền sò hến, tách 2 cái vỏ ra lộ cả ruột gan. Tuy là thế, nhưng đi đâu mà kiếm Động Sơn?
Tụng:
突出 厤 三 斤
Đột xuất ma tam cân
言親 意 更 親
Ngôn thân ý cánh thân
來說 是 非 者
Lai thuyết thị phi giả
便是 是 非 人
Tiện thị thị phi nhân.
Dịch:
Bỗng đưa ba cân gai
Lời thân ý càng thân
Người nói sai và đúng
Chỉ là thị phi nhân.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: Khi nói 3 cân gai  là lời và ý phối hợp với nhau.
Câu 3 và 4 : đối với người thực chứng thì chẳng có gì là sai hay đúng. Xuân tới thì tới, Đông đi thì đi.
- Ngôn ngữ chỉ là công cụ để diễn tả chân lý. Nếu chấp vào ngôn từ thì là đánh mất chân lý vậy.
(Thái Chí trung)
- Động Sơn bị hỏi “Phật là thế nào?” trong lúc ông đang làm việc. Ông liền giơ nắm gai lên (nặng 3 cân) ông đang cầm trong tay trong lúc đó. Nhiều người nghĩ Phật là siêu nhân khác hẳn người thường. Động Sơn phá bỏ định kiến này bằng cách chỉ vật như chúng là. Phật là Như Lai (đến như thế) Thế nào là Phật? Ba cân gai ! Câu trả lời tức khắc, không giả tạo, không suy nghĩ. Vạn pháp đều là Phật, thật sự tự do, tự tại.
(Kubose)
- Ba cân gai của Động Sơn là một công án trứ danh. Từ cổ đến nay không ít người tham công án này, càng tham càng xa. Nhân vì 3 cân gai không có ý nghĩa. Nếu ông hỏi Phật là thế nào ? Có thể đáp cho ông Phật ở trong điện sao ? hay Phật chính là ông ? Chẳng bằng 3 cân gai, chặt đứt phân biệt, ý thức, tư tưởng, không thể dùng lý giải để tìm kiếm chẳng là thân thiết hơn hay sao?
(Tinh Vân)
- Bỗng đưa gai 3 cân: Đây là phóng ảnh nội tâm của Động Sơn. Lúc đó hoặc là Động Sơn đang cân gai, hay nhìn người khác cân, hay nhớ lại một kinh nghiệm; 3 cân gai trực giác phóng ra và thốt thành lời.
Nếu ông còn chấp vào những khái niệm sai và đúng thì ông còn bị kẹt trong thế giới tốt và xấu. Đối với người đã giác ngộ thì vào địa ngục hay lên thiên đàng ông ta cũng chẳng thèm để ý, đi đâu thì đi.
(Sekida)
 
Tắc 19
TÂM BÌNH THƯỜNG LÀ ĐẠO
Cử:
Triệu Châu hỏi Nam Tuyền:
- Thế nào là Đạo?
- Tâm bình thường là Đạo.
- Có phương pháp nào để cầu được?
- Nếu có niệm đầu cầu được là đã sai rồi.
- Nếu phong kín tất cả tâm niệm thì làm sao biết Đạo?
- Đạo không thuộc biết hay không biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu đạt đạo thì thấy như thái hư trống rỗng há có thể nói được thị phi sao?
Châu ngay lời đó đại ngộ.
Bình:
Nam Tuyền bị Triệu Châu hỏi thực như ngói bể, băng tan biện biệt không được. Triệu Châu dù có ngộ thật đi nữa cũng phải tham 30 năm nữa thì mới được.
Tụng:
春有 百 花 秋 有 月
Xuân hữu bách hoa Thu hữu nguyệt
夏有 涼 風 冬 有 雪
Hạ hữu lương phong Đông hữu tuyết
若無 閑 事 掛 心 頭
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu
便是 人 間 好 時 節
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.
Dịch:
Xuân có trăm hoa, Thu có nguyệt
Hạ có gió mát, Đông tuyết rơi
Nếu không chuyện gì làm bận óc
Thì chính nhân gian buổi đẹp trời.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: mỗi mùa đều có thú riêng.
Câu 3 và 4: nếu không có gì làm bận óc thì đó là tâm bình thường, là cảnh giới của Đạo.
- Tâm bình thường chính là vô tâm. Tâm bình thường không liên quan gì đến sinh hoạt ý thức, nó thuần phác. Tâm bình thường chính là trọng tâm của Thiền. Nhưng Nam Tuyền không cho chúng ta biết làm thế nào để đạt Đạo. Ông chỉ cho biết khi ngộ đạo rồi thì như thái không vô ngại. Chúng ta đều có Phật tánh đầy khắp hư không pháp giới chỉ vì nhất thời bị mê hoặc điên đảo làm trở ngại Phật tánh hiển lộ. Nếu y pháp tu học được vô tâm thì sẽ chứng nhập cảnh giới hư không.
(Tiêu Vũ Đồng)
- Mục đích của Thiền là được tâm bình thường. mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, ngủ nghê đều là những sinh hoạt cơ bản của chúng sanh, cứ tùy duyên mà làm, đừng cưỡng cầu thì được tâm bình thường, khế hợp với Đạo.
(Bồ Đề Học Xã)
- Đây không phải là một công án thực sự. Nó giải thích một ý kiến trung tâm của Triết Đông, đặc biệt là Thiền. Thiền là tìm ra con đường và đi trên đường đó. Điều khó khăn là con đường phải tìm, cái cách để tìm đường không phải là chân đạo. Con đường mà Nam Tuyền giải thích không thuộc về các học giả đã biết nó, không thuộc kẻ vô tri sống nhưng không biết nó. Tìm kiếm một cách tương đối không bao giờ được. Đạo là tuyệt đối, vượt lên thế giới tương đối, so sánh và giải thích. Nó chính là cuộc đời. Đạo là phổ biến khi một người sống đạo, thì nó là độc nhất đối với ông ta.
(Kubose)
 
Tắc 20
ĐẠI LỰC SĨ
Cử:
Hòa thượng Tùng Nguyên bảo:
- Vì sao đại lực sĩ nhấc chân lên không nổi?
Và thêm:
- Mở miệng lại không dùng lưỡi.
Bình:
Có thể nói Tùng Nguyên dốc cả gan ruột ra nhưng thiếu người nhận lãnh. Nếu ngay đó lãnh ngộ thì đáng đến đây để ăn gậy của Vô Môn. Vì sao vậy? Muốn biết vàng thật, phải thử bằng lửa đỏ.
Tụng:
抬腳 踏 翻 香 水 海
Đài cước đạp phiên hương thủy hải
低頭 府 視 四 禪 天
Đê đầu phủ thị tứ thiền thiên
一個 渾 身 無 處 著
Nhất cá hồn thân vô xứ trước
請續 一 句
Thỉnh tục nhất cú.
Dịch:
Co cẳng đạp tung Hương Thủy Hải
Cúi đầu nhìn lại Tứ Thiền Thiên
Một mình chẳng có nơi nương tựa
Viết tiếp một câu hỡi bạn hiền.
 
Chú thích:
- Hương Thủy Hải: biển bao bọc núi Tu Di
- Tứ thiền thiên: cảnh giới thiền định thứ tư.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2 : người có thể đạp hương thủy hải và cúi đầu ngó tứ thiền thiên chính là đại lực sĩ.
Câu 3 và 4 : ông không có nơi nương tựa là chỉ người đã ngộ, cùng thể với hư không, tiêu dao, tự tại.
- Đại lực sĩ chỉ người giác ngộ, chân nhấc lên không nổi vì Phật tánh đã bao trùm khắp vũ trụ, còn có chỗ nào để giơ chân? Nhưng đã giác ngộ thì tự tại vô ngại. Vậy hắn sẽ cử động như thế nào? Mở miệng không dùng lưỡi vì không dùng lời để diễn tả chân lý được. Đây là 2 trong 3 chuyển ngữ của Tùng Nguyên.
Câu 2 là câu trả lời của câu 1. Câu thứ 3 là người có minh nhãn vì sao không cắt đứt được sợi dây đó? Là người giác ngộ không ngại khổ nhọc để cứu giúp những kẻ chưa giác. Đó là cái chấp cuối cùng (sợi dây đỏ). Tùng Nguyên đưa ra chuyển ngữ thứ 3 khi sắp mất.
(Thánh Tham)
Tùng Nguyên (1139-1209): pháp danh Sùng Nhạc, đệ tử của Mật Am. Ông tham câu “Chẳng phải tâm, chẳng phải vật, chẳng phải Phật” mà ngộ.
 
Tắc 21
QUE CỨT KHÔ CỦA VÂN MÔN
Cử:
Một ông tăng hỏi Vân Môn:
- Phật là thế nào?
- Que cứt khô?
Bình:
Có thể nói Vân Môn quá nghèo để dọn bữa cơm chay, quá bận để nói pháp từ bài soạn sẵn; vội vớ lấy que cứt khô để chống đỡ môn hộ. Phật pháp thạnh suy có thể thấy rõ.
Tụng:
閃電 光
Thiểm điện quang
擊石 火
Kích thạch hỏa
眨得 眼
Trác đắc nhãn
已蹉 過
Dĩ tha quá.
Dịch:
Loáng điện trời
Đá bật lửa
Chớp mắt thôi
Đã vượt quá.
 
Chú thích:
- Phật là thế nào?: đây là một câu hỏi mà các ông tăng thường tham.
- Que cứt khô: dùng que cứt khô để trả lời câu hỏi trên là một thủ đoạn tiếp cơ.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: câu nói que cứt khô là cơ phóng nhanh như điện hay tia lửa làm bặt hết mọi suy nghĩ.
Câu 3 và 4: trong khoảng khắc nếu còn do dự thì đã đánh mất cơ hội khai ngộ rồi.
- Mọi thiền sinh đều cố gắng tu tập để đạt giác ngộ và trở thành Phật. Họ coi Phật như một lý tưởng thanh tịnh, hoàn hảo, đáng kính nhất. Họ cố gắng vượt qua những ác độc, tội lỗi, chết chóc, nhân loại, tầm thường để trở thành một vị Phật như thế. Vân Môn đã cố gắng phá hủy những khái niệm về Phật này bằng cách so sánh Phật với que cứt khô, là một vật dụng như giấy vệ sinh ngày nay. Đức Phật không phải là thượng đế, Ngài là một người giác ngộ.
(Kubose)
- Que cứt khô là những que gỗ dùng như giấy vệ sinh ngày nay. Đối với ông tăng Phật là bậc thanh tịnh tối cao vô thượng, que cứt khô là vật ô uế, cách nhau một trời một vực làm sao có thể coi là một? Ông không biết rằng Phật không có tồn tại cố định. Tất cả vạn tượng trong trời đất đều có Phật tánh, cho nên mới nói Phật pháp tại thế gian giác. Nếu như lìa các sự vật ở thế gian để tìm Phật thì cái tìm được không phải là Phật thật. Vân  Môn phá chấp cho các ông tăng: Phật không phải là Phật thật, que cứt khô cũng không phải là Phật, chỉ cần bỏ cái tâm chấp trước đi thì chân Phật ở giữa Phật và que cứt khô.
(Chung Sĩ Phật)
- Que cứt khô chắc chẳng ai thèm, do đó không khởi nên sự tranh chấp để chiếm hữu. Nếu có thể dùng cái tâm này để đối đãi với vạn vật thì đó chẳng phải là tâm bồ tát sao?
(Học Thành cư sĩ)
 
Tắc 22
CÂY PHƯỚN CỦA CA DIẾP
Cử:
A Nan hỏi Ca Diếp:
- Ngoài bộ áo vàng ra, Thế Tôn còn truyền gì cho sư huynh?
Ca Diếp gọi:
- A Nan!
- Dạ!
- Hãy hạ cây phướn trước cửa xuống!
Bình:
Nếu hướng vào đây mà nói được một chuyển ngữ thì thấy pháp hội Linh Sơn còn chưa tan. Nếu chưa thì Tỳ Bà Thi Phật sớm đã lưu tâm nhưng đến nay vẫn chưa đắc diệu.
Tụng:
問處 何 如 答 處 親
Vấn xứ hà như đáp xứ thân
幾人 於 此 眼 生 筋
Kỷ nhân ư thử nhãn sinh cân
兄呼 弟 應 揚 家 醜
Huynh hô đệ ứng dương gia xú
不屬 陰 陽 別 是 春
Bất thuộc âm dương biệt thị xuân.
          Dịch:
Chỗ hỏi chẳng thân bằng chỗ đáp
Do vậy bao người trố mắt nhìn
Anh gọi em thưa bầy thói xấu
Chẳng thuộc âm dương, cũng là Xuân.
 
Chú thích:
 - Ca Diếp: đại đệ tử của Phật.
- A Nan: còn dịch là Khánh Hỷ, em họ Phật cũng là 1 trong 10 đại đệ tử của Phật.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: câu này ca ngợi công năng khai thị của câu “Ca Diếp trả lời nhưng ít người lãnh ngộ”.
Câu 3 và 4: thói xấu ở đây là phản ngữ, chỉ truyền thống của Thiền tông là lấy tâm ấn tâm, Ca Diếp gọi, A Nan thưa, đó là chứng cớ.
- Ca Diếp và A Nan là 2 đệ tử xuất sắc của Đức Phật. Ca Diếp trở thành tổ thứ nhất của Thiền tông Ấn Độ (được truyền y bát) khi Đức Phật nhập diệt. Khi A Nan hỏi sư huynh Phật còn truyền gì ngoài y bát  không? Ca Diếp trả lời bằng cách lên tiếng gọi:
- A Nan!
- Dạ!
- Hạ cây phướn xuống!
Chân lý được truyền không dùng lời, cũng như tình yêu không cần hỏi cũng có thể cảm thông. Khi 2 người đang yêu không cần phải nói anh yêu em, chỉ cần gọi tên người yêu là đủ, thật là đẹp và dịu dàng.
(Kubose)
- A Nan là em họ của Phật, nhỏ hơn Phật khoảng 30 tuổi. Ông có một trí nhớ đặc biệt. Vào khoảng năm 20 tuổi ông làm thị giả cho Phật cho đến khi Phật nhập diệt. Trong lần kết tập kinh điển lần thứ nhất, dưới sự chủ tọa của Ma Ha Ca Diếp ông đã thuật lại đầy đủ những gì Đức Phật đã giảng dạy. Tuy nghe nhiều nhưng thiếu tu dưỡng nên đến khi Phật nhập diệt rồi mà ông vẫn chưa giác ngộ. Hạ cây phướn xuống, hãy bỏ xuống cái ngã của ông, bỏ xuống tất cả những gì ông quý trọng : giác ngộ, thiền, thiền sư, Đức Phật, bỏ xuống hết.
(Sekida)
- Đắc diệu là chỉ nhận thức được sự vật như chính nó (pháp nhĩ như nhiên). Còn cách hiểu khác nữa là lời nói của Tỳ Bà Thi Phật (một trong 7 vị Phật trước Phật Thích Ca), có nghĩa là dù dụng công tu hành thế nào, dù dùng bao thời gian cũng khó mà đạt tới cảnh giới tuyệt đối viên mãn, ám chỉ đạo có nhiều mặt hoặc nhiều giai đoạn.
(Hoffmann)
 
Tắc 23
CHẲNG PHẢI THIỆN ÁC
Cử:
Minh thượng tọa đuổi theo Lục tổ Huệ Năng đến Đại Dữu Lãnh. Tổ thấy Minh tới bèn ném y bát trên tảng đá, bảo:
- Áo này để làm tin há để dành dựt sao? Nếu ông muốn thì cứ việc mang đi.
Minh toan nhấc lên, nhưng áo nặng như núi không lay chuyển, Minh do dự, run sơ, thưa:
- Tôi đến cầu pháp chứ không phải vì áo, xin hành giả khai thị.
- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, ngay chính lúc đó, cái gì là khuôn mặt xưa nay của Minh thượng tọa?
Minh ngay đó đại ngộ, toàn thân toát mồ hôi, khóc lạy:
- Ngoài mật ý, mật ngữ vừa nói thì còn gì nữa không?
- Tôi đã nói với ông thì không còn là mật nữa, nếu ông phản chiếu tự kỷ thì mật ở nơi ông.
- Huệ Minh này tuy theo chúng ở Hoàng Mai nhưng thực chưa biết bản lai diện mục, nay mông ơn được chỉ cho chỗ vào như người uống nước nóng lạnh tự biết. Nay hành giả chính là thầy tôi vậy.
- Nếu ông được thế thì tôi và ông đều là học trò Hoàng Mai. Hãy khéo giữ gìn.
Bình:
Lục tổ vì việc nhà gấp, như lão bà tâm thiết lấy quả vải bóc vỏ, bỏ hột, nhét vào mồm các ông, chỉ cần các ông nuốt.
Tụng:
描不 成 兮 畫 不 就
Miêu bất thành hề họa bất tựu
讚不 及 兮 休 生 壽
Tán bất cập hề hưu sinh thọ
本來 面 目 沒 處 藏
Bản lai diện mục một xứ tàng
世界 壞 時 渠 不 朽
Thế giớ hoại thời cừ bất hủ.
Dịch:
Vẽ chẳng thành hề, tả chẳng được
Khen chửa tới hề, đành chịu thôi
Mặt mũi xưa nay không chỗ cất
Thế giới tan rồi vẫn còn đây.
 
Chú thích:
- Giải thích Bài kệ:
Câu 1 và 2 : bản lai diện mục không thể diễn tả được dù có khen ngợi, nó cũng không nhận được.
Câu 3 và 4 : nó cũng không ẩn tàng ở đâu, vì vậy nếu thế giới bị hủy hoại thì nó vẫn còn.
- Mật ở nơi ông và nóng lạnh tự hay đều chỉ tâm là Phật, chẳng cần cầu xin ai khác.
(Bồ Đề Học Xã)
- Huệ Minh giác ngộ ngay sau lời nói của Lục tổ. Nhưng nếu không học tập nhiều năm với Hoằng Nhẫn thì giờ có thể ngộ được sao? Cây có gốc, nước có nguồn. Ngộ ngay lúc đó là do nhân duyên đã chín mùi.
(Tinh Vân)
- Quan niệm thiện ác là quan niệm thị phi (phải,trái). Loại quan niệm này là do thức tâm sinh ra. Lục tổ bảo Huệ Minh không nghĩ thiện, không nghĩ ác là để trừ thức tâm mà đạt tới tự tánh. Vì tự tánh vượt lên trên mọi hiện tượng nên không dùng khẳng định mà hình dung vì như vậy là chấp có, cũng không dùng phủ định vì như vậy là chấp không, rơi vào đoạn diệt.
(Tiêu Vũ Đồng)
- Khuôn mặt xưa nay có nghĩa là khuôn mặt trước khi ông được sanh ra. Lục tổ cố chỉ cho Huệ Minh thế giới tuyệt đối. Ở thế giới tương đối này chúng ta chấp vào mặt này, mặt nọ : đẹp xấu, hay dở, đúng sai, yêu ghét, to nhỏ, cong thẳng. Khuôn mặt xưa nay nhìn thế giới khi nó còn chưa phân biệt. Chân ngã là vô ngã. Thiền giục chúng ta hãy nhìn vào trong, tháo mặt nạ ra và cởi bỏ tự ngã. Khi cái vỏ ngoài của tự ngã đã rơi xuống, các ông sẽ tìm thấy chân giác.
(Kubose)
- Huệ Minh lúc khai ngộ toàn thân toát mồ hôi. Đó là một sự kiện đáng lưu ý. Thân và tâm có quan hệ mật thiết, một thể lưỡng diện. Tâm khai ngộ là một sự kiện kinh thiên động địa, thân không thể không phản ứng. Nếu một người nói mình đã khai ngộ mà thân không có chút phản ứng nào thì đó chỉ là ý thức lướt qua, chưa hẳn là hoàn toàn khai ngộ, cần tinh tiến thêm. Như lời Lục tổ nói hãy tự phản quán tự tâm; tất cả áo bí đều ở đó.
(Liệu Duyệt Bằng)
- Huệ Minh và Huệ Năng cùng là đệ tử của Hoằng Nhẫn. Một người thô tục chỉ muốn đạt danh vị, còn một người là bậc chân tu. Khi Huệ Minh truy sát Huệ Năng, Huệ Năng để y bát trên tảng đá, Huệ Minh đến nhắc lên không nổi mới nói:
- Tôi đến vì pháp, không vì áo, xin hành giả khai thị. Đó là hồi đầu chuyển xứ. Chính sự hồi đầu này là cơ duyên khai ngộ. Có người ở tình cảnh này không chịu ngừng bước nên không có cơ hội tham ngộ. Cũng như tên cướp Ưng Quật Ma La cầm dao bức Phật. Phật bảo:
 - Tôi đã ngưng rồi, sao ông còn chưa ngưng? Tên cướp đột nhiên ngộ đến sự khốn quẫn của thân mình, không hướng ngoại bôn ba mà hướng nội phản chiếu, do đó giác ngộ.
(Hồng Khải Tung)
 
Tắc 24
LÌA KHỎI NGÔN NGỮ
Cử:
Một ông tăng hỏi Phong Huyệt:
- Nói hay im đều là ly vi, làm sao thông mà không phạm?
- Còn nhớ vào khoảng tháng 3 ở Giang Nam, chim Chá Cô hót giữa muôn hoa.
Bình:
Cơ của Phong Huyệt như tia điện xẹt, có đường liền đi, tuy vậy vẫn không phá được lời của tiền nhân. Nếu các ông thấy được chỗ này thì tự mình có đường ra. Giờ hãy bỏ ngôn ngữ tam muội sang một bên, hãy nói một câu coi.
Tụng:
不露 風 骨 句
Bất lộ phong cốt cú
未語 先 吩 咐
Vị ngữ tiên phân phó
進步 口 喃 喃
Tiến bộ khẩu nam nam
知君 大 罔 措
Tri quân đại võng thố.
Dịch:
Chẳng lộ câu cốt yếu
Chưa nói đã dặn dò
Bước đi miệng lẩm nhẩm
Biết ông kẹt ra trò.
 
Chú thích:
- Ly là chỉ thể, vi là chỉ dụng, dù nói hay im thì đều là phân biệt, không phù hợp với thiền lý.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: dùng 1 câu nói không hiển sơn lộ thủy để ứng đối vấn đề nêu lên thì chưa mở miệng vấn đề đã rõ ràng rồi.
Câu 3 và 4: nếu ông còn lẩm rẩm không dứt thì đã biết là ông chưa ngộ rồi.
- Phong Huyệt (896-973): là thiền sư Diệp Chiểu, trụ trì Phong Huyệt tự ở Nhữ Châu, ông họ Lưu, người Dư Hàng. Xuất gia rồi tham thiền lãnh ngộ, là một đại sư thuộc tông Lâm tế. Ông mất năm Tống Khai Bảo thứ 6, thọ 77 tuổi.
- Ly: thể của pháp tánh, lìa tướng mà tịch diệt chỉ Niết Bàn.
- Vi: dụng của pháp tánh, vi diệu không thể nghĩ bàn, chỉ Bát Nhã.
- Khi được hỏi, Phong Huyệt diễn tả chân lý theo cách riêng của ông. Chân lý vượt lên lý luận, lời nói, im lặng. Mỗi người phải tự mình chứng nghiệm, như Phong Huyệt, chúng ta phải uống nước thì mới hết khát, chứ không thể chỉ nhìn nước và giảng giải về tình chất giải khát của nó. Nếu không uống thì chúng ta còn khát.
(Kubose)
- Ly: là chủ quan, là tâm hướng nội, là im
- Vi: là khách quan, là tâm hướng ngoại, là nói.
Nói hay im, chủ quan hay khách quan đều sai vì ở bản thể giới làm gì có chủ và khách. Giang Nam là nơi nổi tiếng về trồng hoa. Hoa không lời nhưng cho hương thơm, chim vô tâm mà hót lảnh lót. Đó là cảnh hoa hương, điểu ngữ của Giang Nam còn nói gì là thông, là phạm nữa.
(Thánh Tham)
 
Tắc 25
HÀNG THỨ BA NÓI PHÁP
Cử:
Ngưỡng Sơn nằm mộng thấy đến cung trời Đâu Xuất của Phật Di Lặc, ngồi vào hàng thứ 3. Có vị tôn giả bạch chùy rằng:
- Hôm nay người ở hàng thứ 3 nói pháp.
Sơn đứng dậy bạch chùy:
- Nghe cho kỹ, nghe cho kỹ! Pháp Đại Thừa là ly tứ cú, tuyệt bách phi.
Bình:
 Thử hỏi Ngưỡng Sơn nói pháp hay không nói pháp? Mở miệng là mất mạng, ngậm miệng là chôn thây; ngay cả khi không mở, không ngậm thì cũng còn xa chân lý 10 vạn, 8 ngàn dậm.
Tụng:
白日 青 天
Bạch nhật thanh thiên
夢中 說 夢
Mộng trung thuyết mộng
捏怪 捏 怪
Niết quái niết quái
誑呼 一 眾
Cuống hô nhất chúng.
Dịch:
Ngay giữa ban ngày
Nói mộng trong mộng
Bịa ra chuyện này
Lừa gạt đại chúng.
 
Chú Thích:
 - Ngưỡng Sơn là học trò của Quy Sơn. Hai thầy trò là sáng tổ của dòng Quy Ngưỡng. Đây chỉ là một giấc mộng, nhưng trời đất lại chẳng phải là mộng sao? Ngưỡng Sơn toàn thân là tâm bồ đề, ngay trong mộng cũng còn nói pháp.
(Thánh Tham)
- Tứ cú: có, không, vừa có vừa không, không có không không.
- Bách phi: 100 sự phủ định.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1: nếu các ông đạt đạo và ở trong đại định thì mọi sự việc đều rõ như ban ngày.
Câu 2: các ông đang nằm mộng trong một thế giới mộng. Đừng mộng một giấc mộng điên.
Câu 3: đây là một chuyện kỳ thú.
Câu 4: đây là mánh lới cũ rích của Vân Môn dùng lời nói vô lý để tạo nghi tình nơi các ông. Ông ta đang nói về các ông chứ không phải nói về Ngưỡng Sơn.
(Sekida)
- Các triết gia và các nhà thần học luôn luôn phân tích và tranh luận về chân lý. Đó chỉ là những giảng giải và khái niệm hóa. Chân lý của Đại Thừa (trong đó có Thiền tông) là không chấp : vượt lên lời nói và tư tưởng. Đời sống không phải là một khái niệm mà là ở đây và bây giờ. Đại Thừa mà Ngưỡng Sơn dạy, chỉ thẳng vào thực tại chúng ta phải chứng nghiệm nó cả đời.
(Kubose)
 
Tắc 26
HAI TĂNG CUỐN RÈM
Cử:
Trước buổi thọ trai, chư tăng tới tham Thanh Lương Đại Pháp Nhãn. Nhãn chỉ cái rèm. Lúc đó có 2 ông tăng ra cuốn rèm lên. Nhãn nói:
- Một được, một mất.
Bình:
Thử hỏi ai được, ai mất? Nếu các ông có một con mắt soi thấu bí mật thì sẽ thấy chỗ thất bại của Thanh Lương quốc sư. Tuy là vậy, kỵ nhất là bàn cãi về việc được mất.
Tụng:
捲起 明 明 徹 太 空
Quyền khởi minh minh triệt thái không
太空 猶 未 合 吾 宗
Thái không do vi hợp ngô tông
爭似 從 空 都 放 下
Tranh tự tòng không đô phóng hạ
綿綿 密 密 不 通 風
Miên miên mật mật bất thông phong.
Dịch:
Cuốn bức rèm lên, thái không hiện
Thái không chưa hẳn hợp tông ta
Sao bằng tất cả đều bỏ xuống
Chặt chẽ chẳng cho gió lọt qua.
 
Chú thích:
- Giải thích về bài kệ:
Câu 1:  đạt đạo là cuốn lên bức rèm vô minh, hòa nhập vào Thái Không.
Câu 2: sao bằng tất cả đều buông xuống : khi các ông đạt được tiến bộ khi tọa thiền, các ông phải quên đi những gì các ông đã đạt được.
Câu 3 và 4: đừng để tay trái biết tay mặt đang làm gì.
- Mỗi sự việc đều có 2 mặt, một tốt, một xấu, một được một mất. 2 ông tăng cuốn rèm lên là được vì tỏ ra hiểu ý thầy, nhưng đồng thời cũng là mất vì ra vẻ ta đây là điều cấm kỵ trong thiền học.
 (Sekida)
- Pháp Nhãn nói một ông tăng giác ngộ còn một ông tăng thì không, một người đúng, một người sai mặc dù họ cùng làm một việc, cùng lúc. Công án này chỉ rằng ở trong tuyệt đối, tương đồng là sai biệt, sai biệt là tương đồng. Giống như nước ở trong ly. Cả 2 đều trong suốt nhưng nước là nước, thủy tinh là thủy tinh. Mặt khác Pháp Nhãn cố làm cho thiền sinh bối rối để thử sự hiểu biết của họ. Đừng tin vào một cái gì chỉ vì thiền sư nói thế. Có thể chính thiền sư đã sai.
(Kubose)
 
Tắc 27
KHÔNG PHẢI TÂM, PHẬT
Cử:
Một ông tăng hỏi Nam Tuyền:
- Còn có pháp nào chưa nói cho người không?
- Có.
- Pháp chưa nói là pháp gì?
- Không phải là tâm, không phải là Phật, không phải là vật.
Bình:
Để trả lời câu hỏi này, Nam Tuyền đã dùng hết cả của cải, thật đáng nực cười.
Tụng:
叮嚀 損 君 德
Đinh ninh tổn quân đức
無言 真 有 功
Vô ngôn chân hữu công
任從 滄 海 變
Nhậm tòng thương hải biến
終不 為 君 通
Chung bật vi quân thông.
Dịch:
Lắm lời làm mất đức
Không lời thật có công
Mặc cho đời dâu biển
Cũng chẳng chỉ cho ông.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: dù có giảng đi giảng lại cũng chỉ làm tổn thất hình tượng của thiền sư. Đại Đạo chân chính là không lời, diệu dụng vô cùng.
Câu 3 và 4: dù câu hỏi của ông có đảo lộn cả trời đất thì tôi cũng không thể nói rõ cho ông cái không hình tướng, không thể dùng lời để miêu tả.
- Thực ra trong Bích Nham Lục ghi vấn đáp trên là của Nam Tuyền và Bách Trượng, còn một đoạn nữa như sau:
+ Đã nói rồi mà!
+ Đệ chỉ biết vậy, còn sư huynh thì sao?
+ Tôi không phải là đại thiện tri thức đâu biết đã nói, chưa nói.
Nam Tuyền thưa:
+ Đệ không hiểu.
+ Tôi đã vì ông mà nói rồi!
Lúc trước Mã Tổ nói “Tức tâm, tức Phật”. Tâm đã là Phật rồi còn đi tìm Phật ở đâu nữa? Nhưng nói vậy có vẻ tự cao, tự đại nên lại nói: “Phi tâm, phi Phật, phi vật”. Câu của Bách Trượng: “Tôi không phải là đại thiện tri thức đâu biết đã nói, chưa nói”. Là chấp nhận câu trả lời của Nam Tuyền. Nam Tuyền nói: “Đệ không hiểu” là cố tình truy vấn. Câu đáp của Bách Trượng “Tôi đã vì ông mà nói rồi” là chỉ tôi đã mượn mồm ông mà biện giải rồi còn gì!
(Viên Thông)
- Đây là một công án rất khó. Câu hỏi thật ra là:
+ Chánh pháp có thể giảng ra được hay không?
Khi Nam Tuyền được hỏi có một giáo lý vượt lên lời nói không? Ông trả lời có và rồi mô tả nó không phải là tâm, là Phật, là vật. Chánh Pháp vượt lên lời nói. Khi nói ra, giảng giải nó liền bị hạn chế và không phải là thực tại. Chư pháp vô thường, một vật không thay đổi thì không phải là thực tại, nó là một khái niệm.
(Kubose)
 
Tắc 28  
NGHE TIẾNG LONG ĐÀM ĐàLÂU
Cử:
Đức Sơn thỉnh ích Long Đàm đến tối, Đàm bảo:
- Đêm khuya rồi, sao ông còn chưa đi?
Sơn trân trọng vái chào, vén rèm bước ra, thấy bên ngoài tối thui bèn quay lại thưa:
- Bên ngoài trời tối.
Đàm thắp đuốc giấy trao cho, Sơn định đón lấy. Đàm liền thổi tắt. Sơn do đó bỗng nhiên có tỉnh, bèn vái lạy.
- Ông thấy đạo lý gì?
- Con từ nay không dám nghi ngờ miệng lưỡi các lão hòa thượng trong thiên hạ.
Hôm sau Long Đàm thượng đường bảo:
- Trong đây có một gã răng như rào kiếm, miệng như chậu máu, nện một gậy chẳng quay đầu, một ngày kia lên cô phong đỉnh lập đạo ta.
Sơn đem sớ sao ra trước tăng đường giơ đuốc lên bảo:
- Những huyền diệu chỉ là một sợi lông trong Thái Hư, mọi yếu quyết chỉ là một giọt nước đổ vào vực lớn.
Bèn đốt hết sớ sao, lạy tạ rồi đi.
Bình:
Đức Sơn khi chưa ra cửa, lòng giận bừng bừng, miệng thốt lời cay đắng muốn đi về Nam để giệt ngoài giáo truyền riêng. Khi trên đường đến Lễ Châu, hỏi bà lão mua đồ điểm tâm.
Bà lão hỏi:
- Trong xe của đại đức chở sách gì vậy?
- Sớ sao kinh Kim Cương.
- Trong kinh nói “Tâm quá khứ, hiện tại, vị lai đều không nắm được. Đại đức muốn điểm tâm là điểm tâm nào?
Đức Sơn bị một câu hỏi như vậy thì câm miệng, không chết quách đi cho rồi mà còn hỏi lại bà lão:
- Ở gần đây có vị thầy nào chăng?
- Ngoài đây 5 dậm có hòa thượng Long Đàm.
Đức Sơn bèn đến Long Đàm giở hết lỗi lầm. Câu trước chẳng ăn nhập gì với câu sau. Long Đàm như người thương con không biết xấu, thấy con nghịch lửa vội dội nước bẩn dập tắt. Trầm tĩnh mà xét thật đáng tức cười.
Tụng:
聞名 不 如 見 面
Văn danh bất như kiến diện
見面 不 如 文 名
Kiến diện bất như văn danh
雖然 救 得 鼻 孔
Tuy nhiên cứu đắc tỵ khổng
爭奈 瞎 卻 眼 睛
Tránh nại hạt khước nhãn tinh.
Dịch:
Nghe danh chẳng bằng gập mặt
Gập mặt chẳng bằng nghe danh
Dù rằng cứu được lỗ mũi
Nào ngờ con mắt thông manh.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: kiến văn chẳng bằng thể nghiệm.
Câu 3 và 4: nếu chấp kinh điển thì bị kinh điển xỏ mũi lôi đi. Đức Sơn đốt sớ sao là cứu được cái mũi. Nhưng không chấp vào kinh điển khác với không đọc kinh điển. Không đọc kinh điển giống như có mắt mà bị mù.
 - Tâm không có thực thái, chỉ bất quá xuất hiện trong một thời gian ngắn ngủi rồi biến mất. Tâm quá khứ đã qua rồi, tâm hiện tại thì chỉ trong sát na, tâm vị lai thì còn chưa xuất hiện, như vậy đều không nắm được.
(Đạo Long)
- Thiền không dùng lời, cứu cánh là chứng ngộ tâm không phân biệt. Đêm tối đen, đốt đèn lên rồi lại thổi tắt đi ám chỉ ánh sáng ở bên ngoài tắt rồi, ánh sáng ở nội tâm sẽ sáng lên khiến ta thấy được chân ngã. Do đó, ngôn ngữ văn tự, ý thức phân biệt chỉ là một giọt nước trong biển cả.
(Tinh Vân)
- Công án này so sánh học vấn và trí tuệ. Học vấn là loại tri thức có thể thu thập được do nghe, đọc.
Trí huệ là độc nhất, sáng tạo, cá nhân, không thể cho ai, cũng không ai có thể lấy đi được. Đức Sơn là một học giả chuyên nghiên cứu kinh Kim Cương và nương dựa vào đó. Khi nhận đèn giấy từ Long Đàm ông tưởng sẽ dựa vào đó mà soi đường đi. Khi Long Đàm thổi tắt đèn, ông không còn gì để nương tựa vào. Chúng ta phải có ánh sáng nội tâm để không gì thổi tắt được.
(Kubose)
- Trong sinh hoạt hàng ngày có thể từ những sự việc bình thường mà có thể thân thiết lãnh hội thiền ý, thì sự lãnh hội này còn thật hơn là do sự suy luận. Cũng như người chỉ học lý thuyết bơi lội chưa chắc đã dám xuống sông bơi lội như những đứa trẻ nhà quê bơi lội chỉ nhờ kinh nghiệm.
(Học Thành cư sĩ)
- Bất kể chúng ta đang ở đâu, nên nhận định mình ở hoàn cảnh nào? trạng huống mình ra sao? không so sánh mình trong quá khứ và hiện tại, cũng không so sánh mình với người, vì sẽ sinh ra tự tôn hoặc tự ty, vĩnh viễn bị ngoại cảnh ảnh hưởng, không làm chủ được mình. Mình là sao thì là vậy. Ngoài trời tối, có đèn thì càng tốt, không có đèn cũng chẳng sao. Vượt lên sáng tối, đối lập mới thật là giải thoát tự tại.
(Thánh Nghiêm)
 
Tắc 29
KHÔNG PHẢI GIÓ, KHÔNG PHẢI CỜ
Cử:
Nhân gió thổi, cờ bay, có 2 ông tăng biện luận. Một ông nói cờ động, một ông nói gió động. Cãi qua cãi lại chưa ra lẽ. Lục tổ bảo:
- Không phải gió động, không phải cờ động, là tâm các ông động.
Hai ông tăng kinh sợ.
Bình:
Không phải gió động, không phải cờ động, không phải tâm động, các ông thấy tổ ở đâu ? Nếu các ông biết rõ chỗ này thì các ông biết 2 ông tăng bán sắt được vàng. Tổ sư không thể nhịn được, bị lận đận một phen.
Tụng :
風幡 心 動
Phong phan tâm động
一狀 領 過
Nhất trạng lĩnh quá
只知 開 口
Chỉ tri khai khẩu
不覺 話 墮
Bất giác thoại đọa.
Dịch:
Gió, cờ, tâm, động
Tất cả đều nhầm
Chỉ biết mở miệng
Lời đã sai lầm.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2 : chấp vào cảnh (gió, cờ), hay vào tâm (Lục tổ) đều sai.
Câu 3 và 4 : mở miệng ra là sai vì khái niệm không phải là thực tại.
- Từ công án này chúng ta có thể thấy quan điểm của các thiền sư đối với ngoại cảnh là quay về với tự tâm, chứ không ngừng lại ở sự vật. Sự tồn tại của hiện tượng là phiến diện, hoàn toàn do chúng ta khởi tâm động niệm, phân biệt mà có. Do đó chúng ta phải đạt tới cảnh giới động tĩnh là một. Nếu tâm chúng ta trừ được vọng tưởng sai biệt thì chứng được Niết Bàn tịch tĩnh.
(Tinh Vân)
- Câu chuyện đến đây vẫn chưa hết. Về sau trong các đệ tử của Ngưỡng Sơn có một ni cô tên Diệu Tín, sử sự mọi việc rất thông minh, nhanh nhẹn. Ngưỡng Sơn biết ni cô có tài bèn giao cho toàn quyền phụ trách tiếp đãi những khách bên ngoài tới. Một ngày kia có 17 vị hành cước tăng người Tứ Xuyên đến thăm chùa, chuẩn bị hỏi pháp Ngưỡng Sơn. Sau bữa ăn chiều, các vị hành cước tăng không có chuyện gì làm, bèn tranh luận về Phật pháp. Khi đề cập đến gió động, cờ động thì 17 vị có 17 ý kiến, tranh cãi náo loạn, âm thanh lọt đến tai Diệu Tín. Diệu Tín lập tức hét lớn lên:
+ 17 ông tăng kia, ngày mai trước khi đi phải thanh toán tiền phòng, tiền cơm cho rõ ràng.
Thái độ uy nghiêm khiến các ông hành cước tăng bỗng im bặt, không biết làm sao cho phải. Diệu Tín lại ra lệnh:
 + Không được tranh cãi, hãy đến trình diện tôi. Tôi sẽ nói cho các ông nghe.
17 người bất giác chạy đến trước mặt Diệu Tín. Diệu Tín nói:
+ Nếu đã không phải gió động, cũng không phải cờ động làm sao tâm động?
Các ông tăng hoát nhiên khai ngộ; đều thấy không cần phải nghe Ngưỡng Sơn giảng pháp nữa. Ngày hôm sau, toàn thể đến từ biệt Diệu Tín mà đi.
Hai ông tăng chấp vào ngoại cảnh (gió, cờ). Câu nói của Lục tổ là chấp vào tâm. Thực ra thì tổ đã vượt lên tâm và cảnh. Ở đây tổ chỉ đơn giản chỉ cho 2 ông tăng chấp vào cảnh là sai lầm. Câu nói của Diệu Tín phá cả tâm và cảnh mới là hoàn toàn không chấp. Những gì khái niệm hóa thì không phải là thực tại. Thiền dạy chúng ta nhìn và hiểu sự vật như chính nó, chứ không bằng sự phân tích hay khái niệm hóa.
(Kubose)
 
Tắc 30
TÂM LÀ PHẬT
Cử:
Đại Mai hỏi Mã Tổ:
- Phật là thế nào?
- Tâm là Phật.
Bình:
Nếu ngay đó các ông hiểu được thì mặc áo Phật, ăn cơm Phật, nói lời Phật, làm việc Phật, là Phật vậy. Tuy là thế, Đại Mai đã dẫn không thiếu người nhận lầm định tinh. Sao ông có thể hiểu ra hễ nói đến chữ Phật chúng ta phải xúc miệng 3 ngày? Nếu là một người hiểu biết nghe nói tâm là Phật, hắn phải bịt tai chạy mất.
Tụng:
青天 白 日
Thanh thiên bạch nhật
切忌 尋 覓
Thiết kỵ tầm mịch
更問 如 何
Cánh vấn như hà
抱臟 叫 屈
Bão tang khiếu khuất.
Dịch:
Ban ngày sáng tỏ
Chớ đi tìm quanh
Lại hỏi sao thế?
Cầm vật kêu oan.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: Tâm là Phật, đi tìm Phật ở ngoài tâm thì không thể nào thấy.
Câu 3 và 4: Phật trong tâm mình còn chưa lý giải, nhận thức, thể nghiệm lại còn đi hỏi người ta thế nào là Phật?
- Câu trả lời cho câu hỏi đơn giản này có thể là bất cứ cái gì, quan trọng là không chấp vào lời, nhưng hiểu rõ lời chỉ về đâu. Mọi người đều có tiên kiến rằng Phật là hoàn toàn, cao quý, thánh thiện, giác ngộ. Nhưng Phật không phải là một đấng thượng đế, tách rời khỏi đời thường. Phật tánh thì thanh tịnh nhưng đồng thời hiển hiện ở mọi vật, kể cả những vật ô uế, tầm thường.
(Kubose)
Đại Mai (752-839): pháp danh Pháp Thường, họ Trịnh người Tương Dương.
 
Tắc 31
TRIỆU CHÂU KHÁM PHÁ BÀ LÃO
Cử:
Một ông tăng hỏi bà lão:
- Đi hướng nào đến Đài Sơn?
- Cứ đi thẳng.
Ông tăng vừa đi được năm, ba bước, bà thêm:
- Thật là ông tăng tốt, lại đi đường ấy.
Sau có ông tăng kể lại cho Triệu Châu nghe, Châu nói:
- Đợi tôi đi khám phá bà lão này cho các ông.
Ngày hôm sau liền đi, cũng hỏi như vậy, bà lão cũng đáp như vậy.
Châu trở về bảo đại chúng:
- Tôi đã vì các ông đi khám phá bà lão ở Đài Sơn rồi!
Bình:
Bà lão chỉ biết ngồi trong màn bầy binh bố trận, giặc tới không hay. Lão Triệu Châu giỏi nghề đánh úp cướp trại, lại không có vẻ đại trượng phu. Kiểm điểm lại, cả 2 người đều sai. Thử hỏi Triệu Châu khám phá bà lão ở chỗ nào ?
Tụng:
問既 一 般
Vấn ký nhất ban
答亦 相 似
Đáp diệc tương tự
飯裡 有 砂
Phạn lý hữu sa
泥中 有 刺
Nê trung hữu thứ.
Dịch:
Hỏi đã là một
Đáp cũng thế thôi
Trong cơm có cát
Trong bùn có gai.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: câu hỏi trước sau là một, câu đáp trước sau không khác.
Câu 3 và 4: câu hỏi và câu đáp đều là cơ ngữ, không thể căn cứ trên chữ mà lý giải, phải chứng ngộ ý ở ngoài lời.
- Một câu trả lời cố định không thích hợp cho mọi trường hợp, chân lý của đời sống là sự biến dịch.
(Thái Chí Trung)
- Đài Sơn Tự là một ngôi chùa nổi tiếng được nhiều khách hành hương viếng thăm. Dưới chân núi có một quán nước của một bà cụ. Bà cụ là một thiền giả, cụ nội quán các ông tăng ghé qua. Khi Triệu Châu đến quán nước, ông cũng như các ông tăng, hỏi đường đến Đài Sơn và bà cụ đã trả lời tương tự. Khi ông đi được vài bước, bà cụ cũng nói:
+ Lại một ông tăng tốt đi đường đó.
Vấn đáp thì tương tự, chỉ là các ông tăng khác bị bà cụ khám phá, còn lần này bà cụ lại bị Triệu Châu khám phá. Chủ ý của công án này là ông đang ở đâu? Triệu Châu tuy lập lại hành động của các ông tăng nhưng ông tự đi đường riêng của mình.
(Kubose)
- Bà lão nói “Cứ đi thẳng” là khuyên các ông tăng chuyên tâm nhất ý cầu Phật đạo đừng để ngoại cảnh sai xử, nếu bị người cười chê, chọc giận cũng không bị sân hận làm lay chuyển lòng cầu đạo. Con người là một động vật có cảm tính. Cảm tính dễ làm mất lý tính. Do đó chúng ta nên nhớ kỹ lời bà lão “cứ đi thẳng”. Để cầu chân lý chúng ta phải vứt bỏ mọi sân hận đối với đối phương, hiểu biết đối phương, yêu thích ưu điểm của đối phương. Lấy ưu điểm của đối phương bổ túc cho khuyết điểm của mình. Nếu được vậy con người sẽ gần gũi nhau hơn, xã hội cũng không có đối lập tranh chấp. Đó mới là vượt qua đối phương và chính mình.
(Chung Sĩ Phật)
 
Tắc 32
NGOẠI ĐẠO HỎI PHẬT
Cử:
Ngoại đạo hỏi Thế Tôn:
- Không hỏi có lời, không hỏi không lời.
Thế Tôn vẫn ngồi yên. Ngoại đạo tán thán:
- Thế Tôn đại từ, đại bi vẹt đám mây mê khiến con có chỗ vào.
Bèn lạy rồi đi ra. A Nan hỏi Phật:
- Ngoại đạo chứng được gì  mà tán thán rồi đi?
- Như con ngựa hay, thấy bóng roi đã chạy.
Bình:
A Nan tuy là đệ tử của Phật mà kiến giải không bằng ngoại đạo. Thử hỏi các ông ngoại đạo và đệ tử Phật khác nhau bao nhiêu?
Tụng:
劍刃 上 行
Kiếm nhẫn thượng hành
冰稜 上 走
Băng lăng thượng tẩu
不涉 階 梯
Bất thiệp giai thê
懸崖 撒 手
Huyền nhai tát thủ.
Dịch:
Đi trên kiếm sắc
Chạy trên tảng băng
Khỏi vượt thang bậc
Vách đá tay buông.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: diễn tả câu hỏi có lời, không lời của ngoại đạo.
Câu 3 và 4: Thiền tông không có giai đoạn, ngộ là bước vào ngay cảnh giới Phật.
- Sự im lặng của Thế Tôn rất năng động. Vị ngoại đạo liền hiểu ngay và cảm ơn Ngài, nhưng A Nan thì lại không hiểu. Chân lý vượt lên lời nói. Đời sống chỉ có thể hiểu được bằng chính cuộc sống.
(Kubose)
- Khi đã ngộ rồi thì sống trong thế giới không, không thể dùng lời để diễn tả được vì như vậy là chủ quan, là chọn lọc do đó bị trói buộc. Nhưng nếu không nói ra thì làm sao truyền bá Phật pháp ? Ý của Bà La Môn là vậy. Để trả lời Đức Phật chỉ ngồi yên lặng, chỉ rằng chỉ cần thiền định, thoát ly phiền não. Vị Bà La Môn đã tu hành thâm sâu nên mới hiểu được ý Phật. Câu đáp của Phật xác nhận sự xuất sắc của vị Bà La Môn.
Kinh Tạp A Hàm có ghi 4 loại ngựa:
1. Thấy bóng roi đã chạy.
2. Roi  quất vào đuôi đã chạy.
3. Roi quất vào mình đã chạy.
4. Phải đánh mạnh có khi đến chẩy máu mới chạy.
(Minh Tuệ)
 
Tắc 33
CHẲNG TÂM, CHẲNG PHẬT
Cử:
Một ông tăng hỏi Mã Tổ:
- Phật là Thế nào?
- Chẳng tâm, chẳng Phật.
Bình:
Nếu các ông thấy được chỗ này, thì việc tham học đã xong.
Tụng:
路逢 劍 客 須 呈
Lộ phùng kiếm khách tu trình
不遇 詩 人 莫 獻
Bất ngộ thi nhân mạc hiến
逢人 且 說 三 分
Phùng nhân thả thuyết tam phân
未可 全 施 一 片
Vị khả toàn thi nhất phiến.
Dịch:
Nếu gập kiếm khách thì tặng kiếm
Không gập thi nhân chẳng tặng thi
Gập người chớ nên  nói ra hết
Chừa lại cho mình một chút chi.
 
Chú  thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: khi giảng pháp phải tùy vào đối tượng và hoàn cảnh, phải linh hoạt để người nghe tự ngộ.
Câu 3 và 4: giảng pháp là một thủ đoạn khai ngộ phải dùng phương tiện thiện xảo.
- Để trả lời câu “Phật là thế nảo ?”, các vị thiền sư đều trả lời khác nhau. Lúc trước Mã Tổ nói “Tức tâm, tức Phật”, đã làm Đại Mai khai ngộ, nay ông lại nói ngược lại “Phi tâm, phi Phật”. Nhiều giải thích tỷ mỉ đã được nêu lên, nói tóm lại “Tức tâm, tức Phật” là chánh đề, “Phi tâm, phi Phật” là phản đề, còn kết luận đề là sao?
Chính Mã Tổ đã trả lời câu hỏi này. Ông nói:
+ Tức tâm, tức Phật là để dỗ con nít khỏi khóc.
+ Khi con nít ngưng khóc rồi thì sao?
+ Phi tâm, phi Phật.
+ Thầy sẽ dạy thế nào khi một người đã trừ được cả 2 thứ này?
- Phi vật.
- Nếu một người đã vượt hết những thứ này?
- Bảo hắn hãy thể hội đại đạo.
Vậy thế nào là Đại Đạo? Chính tâm này là Phật . . . và cái vòng luẩn quẩn tiếp diễn.
(Sekida)
Mã Tổ (709-788): pháp danh Đạo Nhất, họ Mã, người Thập Phương, Hán Châu.
 
Tắc 34
TRÍ CHẲNG LÀ ĐẠO
Cử:
Nam Tuyền nói:
- Tâm chẳng là Phật, Trí chẳng là Đạo.
Bình:
Có thể nói Nam Tuyền là lão già không biết mắc cỡ. Vừa mở miệng hôi, nếp xấu của nhà đã lộ. Tuy là vậy cũng ít kẻ biết ơn.
Tụng:
天睛 日 頭 出
Thiên tinh nhật đầu xuất
雨下 地 上 濕
Vũ hạ địa thượng thấp
盡情 都 說 了
Tận tình đô thuyết liễu
只恐 信 不 及
Chỉ khủng tìn bất cập
Dịch:
Trời tạnh nhật sáng lòa
Mưa xuống đất được tưới
Có gì đều nói ra
Chỉ sợ tin không tới.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: trời tạnh mặt trời chiếu sáng, trời mưa thì đất được tưới ướt.
Câu 3 và 4: chân lý là tâm bình thường là đạo, rất giản dị, nhưng nói ra thì ít người tin nhận.
- Nam Tuyền là đệ tử của Mã Tổ. Mã Tổ dạy “Tức tâm, tức Phật”. Câu trả lời nổi tiếng, phổ biến cho câu hỏi “Phật là thế nào?”. Khái niệm hóa Phật mà không có kinh nghiệm sống là điều tệ hại nhất trong Thiền học. Để phá cái chấp này Nam Tuyền nói tâm không phải là Phật, trí không phải là Đạo.
(Kubose)
 
Tắc 35
THIẾN NỮ LÌA HỒN
Cử:
Ngũ tổ Diễn hỏi một ông tăng:
- Thiến nữ lìa hồn, người nào là thật?
Bình:
Nếu các ông ngộ được chỗ này thì vào thân, ra thân như ra vào lữ quán, còn chưa thì chạy loạn. Khi đất, nước, gió, lửa phân tán, thì các ông như con cua bể bị nước sôi, càng cua khua loạn, đừng trách tôi không báo trước.
Tụng :
雲月 是 同
Vân nguyệt thị đồng
溪山 各 異
Khê sơn các dị
萬福 萬 福
Vạn phúc vạn phúc
是一 是 二
Thị nhất thị nhị.
Dịch:
Khe núi mỗi khác
Mây trăng chẳng sai
Vạn phúc vạn phúc
Là một, là hai.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: trăng sáng chỉ có một nhưng có thể chiếu sáng vạn vật thiên  sai vạn biệt, cũng tương tự như tự tánh Thể chỉ có một, nhưng Dụng thì thiên hình vạn trạng.
Câu 3 và 4:
- Phổ Dung tăng chủ nói: Tự tánh và sắc thân hợp thành một người (tỷ dụ 2 Thiến Nữ hòa lại thành một) Tuy là trong sắc thân có tự tánh nhưng mọi người không biết, không thấy. Sắc thân và tự tánh tuy cùng ở chung nhưng 2 bên không liên lạc với nhau.
- Trong tập Thái Bình Quảng Ký, Trần Huyền Hữu có chép truyện Ly hồn ký. Đời Đường, Trương Giật sống ở Hoành Châu có một đứa con gái là Thiến Nữ và một đứa cháu ngoại là Vương Trụ. Từ nhỏ 2 đứa chơi đùa với nhau rất thân, Trương thường nói đùa khi lớn lên sẽ cho 2 đứa làm vợ chồng. Cả 2 đều tưởng thật. Về sau, Trương muốn gả con cho người khác. Vương Trụ buồn rầu bèn từ giã cậu mà đi, nói dối là lên kinh đô. Nửa đêm đang nằm trên thuyền bỗng nghe tiếng chân chạy tới, nhìn xem thì là Thiến Nữ. Mừng tủi lẫn lộn, cả 2 cùng đào tẩu. Hai người sống chung ở đất Thục 5 năm, sinh được 2 đứa con. Thiến Nữ nhớ nhà bèn cùng chồng trở lại Hoành Châu. Trụ về nhà trước để tạ tội. Giật kinh ngạc Trương nói cho Trụ biết Thiến Nữ từ khi Trụ bỏ đi thì bị bệnh hôn mê chưa hề rời khỏi khuê phòng. Khi Thiến Nữ từ thuyền trở về nhà, Thiến Nữ bị bệnh choàng dậy ra đón. Hai người ôm choàng lấy nhau hòa thành một. Phật giáo không chấp nhận có một linh hồn bất biến. Tất cả đều biến đổi trong tiến trình từ nhân đến quả.
(Thánh Tham)
- Hai cô Thiến Nữ (một bị bệnh, một theo Vương Trụ) tượng trưng cho Dụng của tự tánh trước và sau  khi giác ngộ. Lúc chưa ngộ đói ăn, mệt ngủ, gánh nước, bổ củi nhưng không làm chủ được mình, là nô lệ cho dục vọng. Khi ngộ rồi cũng đói ăn, mệt ngủ, gánh nước, bổ củi nhưng làm chủ được mình, không làm nô lệ cho dục vọng. Ngũ tổ dẫn chuyện trên để đề tỉnh đại chúng phải quay về với chính mình, nỗ lực minh tâm kiến tánh, lúc đó đối với sinh tử tự do, tự tại đến đi, không cần biết cô Thiến Nữ nào là thật, vả lại trong truyện kể cũng không xác minh cô nào là thật.
Đại Hàm nói:
初三 初 四 月 曚 曨
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
不似 金 鉤 不 似 弓
Bất tự kim câu bất tự cung
誰把 玉 環 敲 兩 段
Thủy bả ngọc hoàn xao lưỡng đoạn
半沈 滄 海 半 懸 空
Bán trầm thương hải bán huyền không.
Dịch:
          Mồng  ba, mồng bốn trăng mông lung
Chẳng giống móc vàng, chẳng giống cung
Ai đem mảnh ngọc chia hai mảnh
Nửa chìm đáy  biển, nửa treo không.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1: khe và núi đều cùng một giải đất, nhưng cái này là núi, cái kia là khe.
Câu 2: trăng tỏ, trăng mờ (bị mây che), trăng tròn, trăng khuyết đều vẫn là một trăng.
Câu 3: tất cả đều bình thường.
Câu 4: chúng là một, chúng cũng là 2.
- Mồng ba, mồng bốn trăng mông lung: chỉ lúc chưa kiến tánh. Sắc thân và tự tánh vốn là Thể, không thể phân ra. Ai đã phân ra như chia vòng ngọc một nửa để dưới biển, một nửa treo trên không ? (tỷ dụ chưa kiến tánh, thấy tự tánh xa vời không đạt được)
(Dương Tân Anh)
- Khi một người giác ngộ, ông vượt lên khỏi thế giới nhị nguyên và hiểu được chân lý của vạn pháp. Chân lý không thể phân hai. Thực tại và ảo tưởng chỉ là tương đối. Không có cái được gọi là Thực tại của ảo tưởng. Cái mới chỉ có đối với cái cũ, Đông với Tây, thị và phi. Sống và chết chỉ là hai giai đoạn của một tiến trình. Hãy hưởng thụ mùa Xuân, mùa Hạ, cũng hưởng thụ mùa Thu, mùa Đông. Chân lý là một, chân lý cũng là nhiều.
(Kubose)
- Ngũ tổ Diễn xuất gia năm 35 tuổi, mới đầu học kinh điển, nhưng tâm chẳng an. Ông bèn đi tham học các thiền sư. Một hôm nghe Bạch Vân giảng cho một ông tăng về công án “Không” của Triệu Châu, ông hoảng nhiên đại ngộ. Ông bèn làm bài kệ:
山前 一 片 閒 田 地
Sơn tiền nhất phiến nhàn điền địa
叉手 叮 嚀 問 組 翁
Thoa thủ đinh ninh vấn Tổ ông
幾度 賣 來 還 似 買
Cơ độ mại lai hoàn tự mãi
為憐 松 竹 引 清 風
Vi lân tùng trúc dẫn thanh phong.
Dịch:
Trước núi một mảnh ruộng bỏ hoang
Khoanh tay tha thiết hỏi Tổ ông
Mấy lần bán đi rồi mua lại?
Vì thương gió mát luồn rặng thông.
- Mảnh ruộng ở đây là chỉ tâm (tâm điền).
- Mấy lần bán đi rồi mua lại: ông khảo sát tâm đủ mọi phương diện: chủ quan, khách quan.
(Sekida)
 
Tắc 36
TRÊN ĐƯỜNG GP NGƯỜI ĐẠT ĐẠO
Cử:
Ngũ tổ Diễn nói:
- Trên đường gặp người đạt Đạo, nói, hay im thử hỏi phải làm sao?
Bình:
Nếu các ông biết chuyện này lại chẳng vui sao? Nếu chưa thì đối mọi sự phải cẩn thận.
Tụng:
路逢 達 道 人
Lộ phùng đạt đạo nhân
不將 語 默 對
Bất tương ngữ mặc đối
攔腮 劈 面 拳
Lan tai phách diện quyền
直下 會 便 會
Trực hạ hội tiện hội.
Dịch:
Gặp được người đạt Đạo
Chẳng nói cũng chẳng im
Một đấm thoi ngay mặt
Lập tức hiểu ra liền.
 
Chú thích:
Giải thích bài kệ:
Câu 1: đó chính là các ông chứ không phải là ai khác.
Câu 2 : chẳng ai hạn chế các ông ngoài các ông
Câu 3 và 4: hãy hiểu một cách trực tiếp đừng vòng vo.
- Đạo là đạo, nếu đã đạt Đạo thì không chỗ nào không là Đạo, không cần phải hỏi Đạo.
(Thánh Tham)
 
Tắc 37
CÂY BÁCH TRƯỚC SÂN
Cử:
Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?
- Cây Bách trước sân.
Bình:
Nếu các ông hiểu được câu đáp của Triệu Châu thì trước chẳng thấy có Thích Ca, sau chẳng thấy có Di Lặc.
Tụng:
言無 展 事
Ngôn vô triển sự
語不 投 機
Ngữ bất đầu cơ
承言 者 喪
Thừa ngôn giả táng
承句 者 迷
Thừa cú giả mê.
Dịch:
Lời chẳng triển sự
Tiếng chẳng hợp cơ
Chấp lời chết thảm
Kẹt cú mê mờ.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu  1: ngôn ngữ văn tự không miêu tả được sự truyền tâm ấn của Tổ Đạt Ma.
Câu 2: cũng không khế hợp tâm cơ của mọi người.
Câu 3: chấp vào ngôn ngữ sẽ đánh mất tuệ mạng.
Câu 4: chấp vào văn cú sẽ bị mê hoặc.
- Bồ Đề Đạt Ma mang Thiền đến Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6. Do đó câu hỏi có nghĩa Thiền là gì? Triệu Châu đã cho một câu trả lời hay:
+ Cây Bách trước sân.
Thật ra trong Triệu Châu Lục còn một đoạn nữa như sau:
- Xin thầy đừng dùng cảnh mà thuyết minh.
- Tôi không dùng cảnh để chỉ người.
- Ý Tổ sư từ Tây sang là gì?
- Cây Bách trước sân.
Cây Bách là một loại cây phổ thông, trồng rất nhiều ở Triệu Châu (Hà Bắc). Cây to lớn, cho bóng mát vào mùa hạ. Các chùa đều thích trồng loại cây này. Ông tăng cho là bị cảnh chuyển, nhưng Triệu Châu đã phủ nhận. Ông tăng hỏi “Ý Tổ sư từ Tây sang là gì ?” là hỏi cốt tủy của Phật giáo là gì? hay Đạo là gì? Triệu Châu thấy cây Bách ngay trước mắt nên nói là cây Bách. Giả sử ông thấy chim bay ngang trời thì ông sẽ nói chim bay trên trời. Quả thực là ông đề cập đến cây Bách, nhưng ông chỉ dùng nó để chỉ về Đạo. Ông tăng liền chấp vào cây Bách nên đã không thể tiến lên được Đạo ở cây Bách, Đạo cũng ở mọi vật.
(John C.H.Wu)
- Tại sao hỏi “Ý Tây sang” mà lại đáp “cây Bách trước sân”? Câu đáp là toàn bộ Pháp, cưa không được, cắn không đứt. Có thể giải thích cho rõ ràng không ? Có thể. Cổ nhân không chịu giải thích vì cái đó đã hiện thành. Nếu biết đem Phật pháp nhân cách hóa thì không cần phải giải thích, đã không nghi thì không tái nghi. Có một câu chuyện cũ có thể giải thích công án “Cây Bách trước sân”. Đời Tống có một lần một vị quan Đề Hình đến hỏi Phật pháp với Ngũ tổ Diễn. Tổ hỏi:
- Đề Hình có đọc qua 2 câu thơ Tiểu Diễm không?
- Là 2 câu nào?
- Là 2 câu này:
Cô nàng gọi mãi nhưng vô ích
Chỉ thằng tốt mã nghe ra thôi.
Thơ Tiểu Diễm là một bài thơ tình, kể chuyện có một cô tiểu thơ dắt một con a hoàn đi xem hội. Tiểu thơ liếc thấy người yêu ở gần đó bèn lớn tiếng gọi:
- Tiểu Ngọc! Tiểu Ngọc!
- Tiểu thơ, có chuyện gì?
Tiểu thơ không đáp. Có chuyện gì vậy? Chả có chuyện gì cả, chỉ là tiểu thơ hy vọng tình lang nghe được tiếng và biết nàng đang ở đó. Chỉ là vậy thôi. Nếu còn chưa rõ thì xin kể thêm một chuyện nữa. Có một vị thiền sư mỗi lần giảng pháp xong, sắp xuống tòa giảng đều hỏi:
- Mọi người hiểu không?
Mọi người đều không trả lời, chỉ rằng không hiểu. Thiền sư gõ xuống bàn cạch một tiếng. Tiếng cạch đó và cây Bách trước sân hoàn toàn giống nhau, chỉ là một loại âm thanh mà thôi.
(Canh Vân)
Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Ý Tổ sư từ Tây sang là sao?
- Cây Bách trước sân.
Nhiều ông tăng hỏi câu này nhiều lần. Triệu Châu đều lập lại câu trả lời.
Một hôm một ông tăng hỏi:
- Cây Bách có Phật tánh không?
- Có.
- Vậy cây Bách lúc nào thành Phật?
- Đợi hư không rơi xuống đất sẽ thành Phật.
- Hư không lúc nào rơi xuống đất?
- Lúc cây Bách thành Phật.
Câu đáp của Triệu Châu “Đợi hư không rơi xuống đất sẽ thành Phật” là khẳng định cây Bách, cũng là khẳng định tự kỷ. Vấn đề này không cần truy vấn thêm vì chỉ tạo tranh luận không khế hợp với Đạo. Dưới con mắt thiền giả một cái cây, một cọng cỏ đều khẳng định sự tồn tại của nó. Thái độ trọng thiên nhiên của người xưa thực người nay khó theo kịp. Thiền giả coi chủng chủng hiện tượng của khí thế giới là một loại thần tánh tự mình khẳng định. Tuy chúng là vật vô tình nhưng có thể thuyết pháp cho hữu tình nghe, tương đối hỗ tương khẳng định sự tồn tại của nhau. Do dó, hiển hiện ra tinh thần đại từ, đại bi không còn khởi tâm phân biệt vô tình và hữu tình.
(Trịnh Thạch Nham)
Ân Nguyên có lần đến Hoa Viên Diệu Tâm Tự ở kinh đô, hỏi:
- Khai sơn tổ sư của quý tự có để lại ngữ lục gì không?
- Không có ngữ lục, nhưng có để lại một câu “Chuyện cây Bách có tặc cơ”.
Ân Nguyên kinh ngạc, kính phục thiền học của Quan Sơn, hướng về tháp Quan Sơn vái lạy.
Chữ tặc trong tặc cơ, chỉ người mạnh cướp đi vật của người khác, ở đây chỉ thiền giả lấy đi vọng tưởng, phiền não, khiến thiền sinh thấy được khuôn mặt xưa nay.
(Hùng Thuật Long)
 
Tắc 38
CON TRÂU QUA CỬA
Cử:
Ngũ tổ Diễn nói:
- Tỷ như con trâu qua cửa, đầu, sừng, 4 chân đều qua, tại sao cái đuôi lại không qua được.
Bình:
Nếu các ông mở một con mắt mà hiểu được chỗ này, hạ được một chuyển ngữ thì có thể trên báo tứ ân, dưới độ 3 cõi. Nếu chưa thì phải để ý đến cái đuôi này.
Tụng:
過去 墮 坑 塹
Quá khứ đọa khanh tiệm
回來 卻 被 壞
Hồi lai khước bị hoại
者些 尾 巴 子
Giả ta vĩ ba tử
直是 甚 奇 怪
Trực thị thậm kỳ quái.
Dịch:
Quá bước lọt hố
Lùi lại hại thân
Cái đuôi trâu đó
Có thấy lạ chăng?
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1: nếu rời khỏi định, các ông sẽ rơi vào vọng tưởng.
Câu 2: trở lại thế giới ảo vọng, các ông sẽ lạc lối.
Câu 3 và 4: tại sao các ông không trực tiếp nắm lấy nó?
- Câu 2 của bài kệ nhóm biên tập của Phật Quang Sơn dịch và giải thích là: khi quay đầu lại thì cửa song đã bị hủy hoại : thực ra cửa song không có thực, ám chỉ người tham đừng chấp vào vấn thoại.
 - Tứ Ân: kinh Tâm địa quán chép tứ ân là: ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn vua (ngày nay là ơn đất nước), ơn thí chủ (có chỗ chép là ơn Tam Bảo)
- Ba cõi: cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc.
- Con trâu tượng trưng cho nhục thể. Đầu, sừng và 4 chân đều qua lọt là tượng trưng cho thân, khẩu, ý bị ảnh hưởng của 5 giác quan. Cái đuôi tượng trưng cho Phật tánh không bị ảnh hưởng bởi mê vọng.
(Sekida)
 
Tắc 39
CÂU NÓI SAI CỦA VÂN MÔN
Cử:
Một ông tăng đọc:
- Quang minh tịch chiếu biến hà sa.
Vân Môn vội hỏi:
- Đó chẳng phải là lời tú tài Trương Chuyết sao?
- Dạ phải.
- Nói sai rồi!
Về sau Tử Tâm nhắc lại chuyện trên, hỏi:
- Thử hỏi ông tăng ấy nói sai ở chỗ nào?
Bình:
Ông tăng nói sai ở chỗ nào? Nếu các ông hiểu được chỗ này thì hiểu được dụng ý cô nguy của Vân Môn, các ông có thể làm thầy của trời người, còn chưa thì tự cứu mình cũng chẳng xong.
Tụng:
急流 垂 釣
Cấp lưu thùy điếu
貪餌 者 著
Tham nhĩ giả trước
口縫 才 開
Khẩu phùng tài khai
性命 喪 卻
Tính mạng tang khước.
Dịch:
Thả câu nước xiết
Mắc họa tham mồi
Mồm vừa mới hé
Tánh mạng đi đời.
 
Chú thích:
- Cô nguy: chỉ thủ đoạn tiếp cơ khiến người ta không dễ đề phòng.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2 : dù thả câu ở chỗ nước chẩy xiết, nhưng cá tham mồi vẫn bị mắc câu.
Câu 3 và 4 : khi cá mở mồm ra để đớp mồi thì đã mất mạng. Ở đây ám chỉ ông tăng mở miệng để trả lời là đánh mất đi tuệ mạng Phật tánh vì ông ta chỉ nhớ đến lời của tú tài Trương Chuyết mà quên đi lời của chính mình.
-Công án này chính là chuyện của các ông. Một cần câu được thả trước mặt các ông, nếu các ông tham lam các ông sẽ bị bắt giữ. Các ông không phải chỉ bị rù quyến bởi ngoại vật mà còn bởi dục vọng của chính các ông. Tự do thực sự chỉ có khi nào tâm các ông thoát khỏi dục vọng, ngoài các ông ra thì chả có ai để đổ tội cả.
(Sekida)
 
Tắc 40
ĐÁ ĐỔ TỊNH BÌNH
Cử:
Quy Sơn mới đầu ở nơi Bách trượng, giữ chức Điển Tọa. Bách Trượng sắp chọn người trụ trì núi Đại Quy bèn mời sư và Thủ Tọa đối đáp trước đại chúng, ai trúng cách sẽ được đi. Bách Trượng để tịnh bình trên đất, hỏi:
- Không được gọi là tịnh bình, các ông gọi là gì?
Thủ Tọa bèn đáp:
- Không thể gọi là khúc gỗ.
Bách Trượng bèn hỏi Sơn, Sơn đạp đổ tịnh bình, đi ra.
Bách Trượng cười:
- Thủ Tọa thua mất quả núi rồi.
Do đó, phái Sơn đi khai sơn.
Bình:
Quy Sơn đã một phen dũng mãnh cũng không nhẩy ra khỏi vòng của Bách Trượng. Kiểm điểm lại, ông lựa nặng hơn nhẹ. Vì sao vậy? Thoát được bưng mâm thì lại phải đeo gông sắt.
Tụng:
颺下 笊 籬 並 木 杓
Dương hạ trảo ly tịnh mộc thược
當陽 一 突 絕 周 遮
Đương dương nhất đột tuyệt châu già
百丈 重 關 攔 不 住
Bách Trượng trùng quan lan bất trụ
腳尖 趯 出 佛 如 厤
Cước tiêm dược xuất Phật như ma.
Dịch:
Ném bỏ rổ tre và môi gỗ
Đột phá phân minh không người ngăn
Bách Trượng trùng quan chẳng giữ được
Từ chân dõng xuất Phật vô vàn.
 
Chú thích:
Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: Quy Sơn ném bỏ những dụng dụ trong nhà bếp như rổ tre, môi gỗ.
Câu 3: không ai ngăn cản được Quy Sơn dù là Bách Trương.
Câu 4: Từ dưới chân núi sau này sẽ có nhiều người theo học.
- Thủ Tọa còn chấp vào bình, nên câu đáp của ông còn dính dáng vào nó, trong khi Quy Sơn đã vượt lên trên câu hỏi. Ở bản thể giới làm gì có danh tướng nên gọi là bình hay không bình cũng đều sai.
(Thánh Tham)
- Thủ Tọa còn chấp vào tịnh bình và cố nói về nó, trong khi Quy Sơn đã vượt lên câu hỏi. Cố trả lời câu hỏi một cách trí thức là lối tiếp cận hoàn toàn sai lầm. Các câu hỏi của đời sống phải được trả lời bằng cá tánh của người đó chứ không phải bằng những gì ông ta học được.
(Kubose)
- Bách Trượng lấy tịnh bình làm đề mục để tuyển chọn người trụ trì tại núi Đại Quy. Ở đây tịnh bình tượng trưng cho tự tánh. Với nguyên tắc không xúc phạm, không trái ngược. Nếu nói ra được một câu cho thấy kiến địa của mình thì sẽ được Bách Trượng ấn khả. Câu trả lời của Thủ Tọa:
+ Không thể gọi là khúc gỗ.
Để trả lời câu hỏi của Bách Trượng: “Không được gọi là tịnh bình” không có đường ra. Quy Sơn bước ra đạp đổ tịnh bình là siêu việt lưỡng biên (vượt lên gọi nó là tịnh bình, hay không gọi là tịnh bình).
- Thương Phương Ích: Quy Sơn giống như một dõng binh vượt qua những trở ngại trước doanh trại, một mình một đao đột nhập tướng soái và đoạt lấy kim ấn, đắc thắng trở về.
- Cổ Mai: biểu hiện của Quy Sơn như trên ngựa đoạt thương trong cuộc thi, tỏ hết bản lãnh, như 1 mũi tên đoạt giang san, từ đó pháp duyên hưng thạnh.
(Dương Tân Anh)
 
Tắc 41
ĐẠT MA AN TÂM
Cử:
Đạt Ma diện bích, nhị tổ đứng dưới trời tuyết, chặt tay thưa:
- Tâm đệ tử chưa an, xin thầy an cho.
- Đem tâm ra đây, tôi sẽ an cho ông.
- Con không tìm được tâm.
- Tôi đã an tâm cho ông rồi đó.
Bình:
Lão Hồ móm răng vượt mười ngàn hải lý mà đến, có thể bảo là không có gió mà dậy sóng. Sau cùng tiếp được một người không đủ sáu căn. Than ôi Tạ tam lang không đọc nổi chữ tứ.
Tụng:
西來 直 指
Tây lai trực chỉ
事因 囑 起
Sự nhân chúc khởi
鐃聒 叢 林
Nạo quát tùng lâm
原來 是 你
Nguyên lai thị nễ.
Dịch:
Tây sang chỉ thẳng
Bịa đặt tâm tông
Tùng lâm náo loạn
Chính là tại ông.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: ý tổ sư từ Tây sang là chỉ thẳng tâm người kiến tánh thành Phật dẫn từ điển Phật ở núi Linh Thứu phó chúc cho Ca Diếp.
Câu 3 và 4: làm loạn thiền lâm là do ở nơi ông.
- Huệ Khả không tìm thấy tâm ở đâu nên mới có chỗ vào, cuối cùng hoát nhiên đại ngộ. Phiền não của chúng ta vốn là không. Tội nghiệp vốn cũng không có tự tánh. Thức tâm tịch diệt rồi thì hết vọng tưởng, động niệm tức là chánh giác, tức là Phật đạo. Nếu có thể giữ cho tâm không loạn thì Phật tánh sẽ hiển hiện.
(Tinh Vân)
- Đạt Ma là tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ tới Trung Hoa và trở thành sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa. Ông ngồi diện bích 9 năm. Nhị tổ Huệ Khả đến hỏi tinh túy của Thiền tông hay con đường Đạo. Huệ Khả là một học giả, tâm chẳng an. Ông biết tất cả về thế giới nhưng chẳng biết gì về chính ông. Bổ Đề Đạt Ma không thèm để ý đến Huệ Khả mặc dù Huệ Khả đứng suốt ngày đêm trong trời Đông tuyết giá. Tuyệt vọng Huệ Khả chặt đứt cánh tay cúng dường cho Đạt Ma. Thấy Huệ Khả thành tâm, cuối cùng Đạt Ma mới ngó tới Huệ Khả. Huệ Khả xin an tâm. Đạt Ma bằng lòng nếu Huệ Khả có thể đưa tâm ra. Nhưng Huệ Khả không thể tìm thấy tâm. Những phiền não đều do chúng ta tự tạo. Hãy nhìn vào trong, thực không có phiền não. Tâm đã được an rồi.
(Kubose)
 
Tắc 42
THIẾU NỮ XUẤT ĐỊNH
Cử:
Văn Thù đến nơi chư Phật tụ họp để nghe Thế Tôn giảng pháp. Đến nơi thì chư Phật đã trở về quốc độ của các Ngài rồi, chỉ còn một thiếu nữ, ngồi gần bên Phật tiến nhập vào cảnh giới tam muội. Văn Thù bạch Phật:
- Thiếu nữ này là người thế nào mà có thể ngồi gần Phật tọa mà con thì lại không làm được?
- Ông hãy đưa cô ta ra khỏi tam muội mà hỏi.
Văn Thù nhiễu quanh thiếu nữ 3 vòng, khẩy tay một cái, nâng cô lên trời Phạm Thiên, dùng hết thần lực mà cũng không lay tỉnh được cô.
- Giả như có 10 ngàn Văn Thù cũng không làm cho thiếu nữ này xuất định được. Ở dưới đây quá 12 ức hà sa quốc thổ có Võng Minh bồ tát có thể làm cho cô ta xuất định.
Ngay đó Võng Minh đại sĩ từ dưới đất vọt lên lễ Phật, Phật bảo Võng Minh đến bên thiếu nữ búng tay, cô gái liền ra khỏi định.
Bình:
Ông già Thích Ca dựng lên vở tạp kịch này không phải là chuyện nhỏ. Thử hỏi các ông Văn Thù là thầy 7 vị Phật mà không làm cho cô gái xuất định được, trong khi Võng Minh là bồ tát sơ địa lại làm được. Nếu hiểu được chỗ này thì nghiệp thức mang mang ma già đại định.
Tụng:
出得 出 不 得
Xuất đắc xuất bất đắc
渠儂 得 自 由
Cừ nùng đắc tự do
神頭 並 鬼 面
Thần đầu tịnh quỷ diện
敗闕 當 風 流
Bại khuyết đương phong lưu.
Dịch:
Lay được hay không được
Hai người vẫn tự do
Mang đầu thần, mặt quỷ
Cũng chỉ là diễn trò.
 
Chú thích:
- Đại sĩ: chữ cổ để dịch từ Bồ tát.
- Sơ địa Bồ Tát; Bồ Tát có 10 địa, đây là địa thứ nhất, lãnh ngộ ngã pháp đều không.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: dù ông có lay tỉnh được thiếu nữ hay không, ông và cô ấy đều tự do, tự tại.
Câu 3 và 4: Văn Thù và Võng Minh đều hý lộng quỷ thần, nhưng thực tế đã bại lộ trò diễn kịch.
- Thiếu nữ chỉ tâm. Phật tọa chỉ tâm điểm của Định. Văn Thù còn chấp tướng nam nữ. Theo ý kiến lúc đó người nữ có 5 chướng thành ra không thành Phật được. Đó là không kiên cố, không thanh tịnh, không dũng cảm, không từ bi, không trí huệ. Phật bảo Văn Thù gọi thiếu nữ xuất định mà hỏi là bảo tự mình phản chiếu. Văn Thù đi quanh thiếu nữ 3 vòng là tỏ ý đã thông đạt tam thế, biến tam độc thành tam đức, búng tay ám chỉ bỏ uế trược, giữ thanh tịnh. Nhưng muốn giác người thì trước hết mình phải tự giác đã. 12 ức chỉ 12 nhân duyên. Võng Minh là phần sâu thẳm của tâm, không ai có thể làm thiếu nữ ra khỏi đại định được, trừ phi là chính cô ta.
(Thánh Tham)
- Văn Thù tượng trưng cho Trí Huệ, tại sao lại không vào được đại định như thiếu nữ ? Và tại sao lại không thể lay tỉnh cô để hỏi ? Mục đích của thiền là vuợt qua mọi nhị nguyên để trở thành vô ngã. Vô ngã giống như một cái chai đổ đầy nước, đóng nút chai lại dù tung lên hay hạ xuống, lắc qua lắc lại cũng không có một tiếng động nào. Nhưng nếu chai chỉ đổ đầy một nửa thì khi lắc sẽ có tiếng nước. Dĩ nhiên khi chai không thì cũng không có tiếng, có nước. Thiền định nếu chỉ ngồi yên thì giống như cái chai không, không chứa nước. Thiền định chân chánh giống như cái chai có đầy nước. Thiếu nữ trong công án đã đạt tới vô ngã. Ngay cả Văn Thù cũng không lay tỉnh cô được, tại sao Võng Minh là sơ địa bồ tát lại làm được ? Ngay cả bậc đại trí thức khi chấp vào Trí Huệ sẽ trở thành nạn nhân của Trí Huệ. Ngay cả thiện hạnh nếu chúng ta chấp vào nó thì nó sẽ trở thành ác hạnh. Vô chấp là con đường Đạo vậy.
(Kubose)
Trời Phạm Thiên: cảnh trời không còn dục vọng.
Na Gia có 3 nghĩa: 1.Rồng, 2. Voi, 3.Bất lai. Chỉ Phật hoặc A La Hán, có lực lượng rất lớn như rồng trong nước, như voi trên đất. Câu nói của Vô Môn có nghĩa là nếu các ông hiểu được tại sao Bồ Tát Võng Minh đánh thức được cô gái mà Văn Thù lại không làm được thì các ông có thể vào đại định dù đang sống trong thế giới ảo vọng.
 
Tắc 43
TRÚC BỀ CỦA THỦ SƠN
Cử:
Hòa thượng Thủ Sơn giơ trúc bề lên bảo đại chúng:
- Các ông nếu gọi nó là trúc bề thì là xúc phạm, không gọi nó là trúc bề thì là trái ngược. Thử hỏi các ông gọi là gì?
Bình:
Gọi là trúc bề thì xúc phạm, không gọi là trúc bề thì trái ngược. Không thể dùng lời, không thể không lời. Nói mau! Nói mau!
Tụng:
拈起 竹 篦
Niêm khởi trúc bề
行殺 活 令
Hành sát hoạt lịnh
背觸 交 馳
Bối xúc giao trì
佛祖 乞 命
Phật tổ khất mạng.
Dịch:
Giơ lên gậy trúc
Là lệnh giết tha
Vượt lên bối xúc
Phật tổ xin tha.
 
Chú thích:
- Thủ Sơn: Thủ Sơn Tĩnh Niệm (926-993), học trò Phong Huyệt, sinh dưới trào Tống, người Hà Nam, Nhữ Châu.
- Trúc bề: gậy trúc dài chừng 1 thước, 5 tấc.
- Xúc là xúc phạm, sản sinh xúc giác. Có xúc giác là có người xúc (chủ thể) và vật để xúc (đối tượng) là có đối lập trái với chủ trương của Thiền.
Bối là bối vi, là ngược lại, thí dụ trúc bề không gọi là trúc bề thì mới là trúc bề. Lý này hợp với Thiền nhưng phù hợp với thực tế.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: giơ gậy trúc lên là dậy các thiền sinh phải từ bỏ mọi chấp trước.
Câu 3 và 4: vượt lên được xúc, bối là giác ngộ.
- Nếu thiền sinh gọi nó là gậy trúc, ông sẽ chấp vào tên gọi, nếu ông không gọi nó là gậy trúc ông đã làm ngơ hiện thực. Ông không thể khẳng định hay phủ định. Chỉ khi nào ông vào thẳng tâm điểm của sự nghịch lý thì ông mới giác ngộ. Thủ Sơn hỏi:
+ Là cái gì đây?
+ Chỉ là vậy!
Đừng nói về nó mà hãy chứng nghiệm.
(Kubose)
- Gậy trúc chỉ tự tánh. Thủ Sơn giơ gậy trúc lên là mượn vật nói pháp. Cử động này cũng giống như Thế Tôn giơ cành hoa lên là cùng một thiền phong, nhưng khác ở chỗ là Thế Tôn không dùng lời. Câu nói của Thủ Sơn là để khảo nghiệm người học hoặc ấn khả (tha) hoặc phủ định (giết). Không xúc phạm cũng không trái ngược chỉ người kiến tánh mới làm được.
- Chiếu Đường Nhất nói giơ gậy trúc lên là để khảo nghiệm người học, là thiền sư biểu hiện chuyện giết, tha. Trong cảnh giới tuyệt đối không thể dùng lời, giống như núi đồng, vách sắt không thể dùng chùy nện. Nếu bị đánh một gậy vào lưng có thể nói ra một câu về tự tánh mà không trái với pháp lệnh. Xúc phạm hay trái ngược thì tự tánh sẽ chiếu rọi khắp sơn hà đại địa.
- Tiếu Ông Kham nói: Thủ Sơn giơ gậy trúc lên thử học nhân nói xúc phạm, nói trái ngược làm cho đầu óc của người học bị hồ đồ, bị dính cứng vào câu nói, chỉ người ngộ tự tánh là không bị thôi.
(Dương Tân Anh)
 
Tắc 44
CÂY GẬY CỦA BA TIÊU
Cử:
Hòa thượng Ba Tiêu bảo đại chúng:
- Nếu các ông có gậy, tôi sẽ cho các ông gậy, nếu các ông không có gậy, tôi sẽ đoạt gậy của các ông.
Bình:
Gậy giúp đỡ khi cầu gẫy để đi qua lạch, là bạn khi đi trên đường làng không trăng. Nếu gọi là cây gậy thì các ông sẽ vào địa ngục nhanh như tên bắn.
Tụng:
諸方 深 與 淺
Chư phương thâm dữ thiển
都在 掌 握 中
Đô tại chưởng ác trung
橕天 並 拄 地
Sanh thiên tịnh trụ địa
隋處 振 宗 風
Tùy xứ chấn tông phong.
Dịch:
Bốn phương sâu và cạn
Đều tại bàn tay thôi
Đầu đội trời đạp đất
Tông phong vang khắp nơi.
 
Chú thích:
- Ba Tiêu: Ba Tiêu Huệ Thanh thiền sư, học trò Nam Tháp Dõng thiền sư, người Đại Hàn.
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: tâm lý của thiền giả nông hay sâu tôi đều rõ.
Câu 3 và 4: vì có bản lãnh nên có thể chấn hưng Thiền tông.
- Cây gậy chỉ sự giác ngộ, nếu các ông đã ngộ tôi sẽ giúp các ông bảo nhiệm ngộ cảnh và tu đến toàn giác. Khi đã được toàn giác (không gậy) thì phải quên sự toàn giác đó đi (tôi sẽ đoạt đi) không để lại vết tích gì.
(Sekida)
- Các ông tăng dùng gậy là xuất xứ từ Ấn Độ. Khi một ông tăng ra ngoài, ông dùng gậy để xua đuổi rắn rết, các thú vật, để lượng định mực nước nông sâu khi đi ngang qua suối. Đừng bị rối trí bởi lời nói, phải vượt lên trên không và có. Công án này cố chỉ dẫn thiền sinh tới chỗ mà họ có thể nắm lấy cây gậy đích thực.
(Kubose)
- Cây gậy tượng trưng cho tự tánh. Ba Tiêu ám chỉ tự tánh khác với các thiền sư khác. Câu nói của ông không thể dùng ý để hiểu mà phải dùng thiền pháp xuất thế. Khi các ông kiến tánh thì tự tánh có thể sinh ra vạn pháp, do đó các ông là giầu có. Nếu chưa kiến tánh thì như gã cùng tử trong áo có châu báu mà không biết. Kiến tánh thì có tất cả, không kiến tánh thì chả có gì cả.
Khi các ông kiến tánh (không có gậy), Ba Tiêu không thể cho các ông thêm cái gì. Khi các ông chưa kiến tánh (có gậy), Ba Tiêu cũng không thể đoạt đi cái gì của các ông.
- Đại ý bài kệ: thiền giả đã kiến tánh rồi, tự biết mình biết người, đối với  người học các nơi sâu nông đều biết rõ, sát hoạt tự tại. Kiến tánh là mục đích của thiền giả, có thể tự đương đầu, nâng cao tông phong.
- Thiên Đồng Giác nói : Có cũng tốt, không cũng tốt, đều do người học tự mình làm chủ, có liên quan gì đến Ba Tiêu ? Nghe câu nói của Ba Tiêu các ông hãy tham chính các ông có gậy hay không (Kiến tánh)
(Dương Tân Anh)
 
Tắc 45
HẮN LÀ AI ?
Cử:
Đông Sơn Diễn bảo:
- Thích Ca, Di Lặc còn là nô tài của hắn. Thử hỏi hắn là ai?
Bình:
Nếu các ông thấy được hắn thì như gập bố ở ngã tư đường. Chẳng cần phải hỏi ai là phải hay không phải bố mình.
Tụng:
他弓 莫 挽
Tha cung mạc vãn
他馬 莫 騎
Tha mã mạc kỵ
他非 莫 辯
Tha phi mạc biện
他事 莫 知
Tha sự mạc tri.
Dịch:
Chớ dương cung người
Chớ cưỡi ngựa người
Người sai mặc kệ
Người đúng kệ người.
 
Chú thích:
 - Giải thích bài kệ:
Từ câu 1 đến câu 4 : toàn là chuyện của người, mặc kệ họ hãy lo chuyện của mình, tự chứng tự ngộ.
- Hắn trong công án này không phải là hắn tương đối như trong hắn và tôi, mà là hắn tuyệt đối. Hắn là thầy của Đức Phật lịch sử Cồ Đàm và Phật Di Lặc tương lai. Hắn là thầy của chư Phật, là tinh túy của mọi đời sống. Hắn là Đức Phật lý tưởng A Di Đà. Tìm hắn là tìm nguồn gốc của các ông. Giác ngộ nghĩa là phát hiện ra hắn. Khi một người phát hiện hắn ở nơi mình thì sẽ thấy hắn ở mọi chúng sinh.
(Kubose)
- Tự tánh nếu rơi vào trí giải liền biến thành đối tượng của thức tâm. Đặc điểm của Thiền tông là chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng. Do đó, nếu dùng trí giải thì không phù hợp với chẳng lập văn tự. Hướng cư sĩ đã từng nói:
+ Lấy không tên làm tên do đó sanh thị phi, lấy không lý làm lý do đó khởi tranh luận.
(Bồ Đề Học Xã)
- Thiền tông chỉ luận kiến tánh. Tự tánh là nguyên nhân thứ nhất từ đó sanh ra vạn pháp. Chư Phật quá khứ, vị lai đều do kiến tánh mà thành Phật. Phật không phải là nguyên nhân thứ nhất, do đó Ngũ tổ Diễn mới nói: Thích Ca, Di Lặc đều là nô tài của hắn. Nô tài là không thể làm chủ, có thể làm chủ là tự tánh.
- Thử hỏi hắn là ai?
Đây là câu hỏi của Pháp Diễn dùng để khảo nghiệm người học. Người học nếu biết hắn là ai liền biểu thị biết có tự tánh nhưng không thể thẳng thắn trả lời:
+ Hắn là tự tánh.
Bởi vì tự tánh vốn vô danh. Nếu lập danh thì đã có năng (chủ thể), sở (đối tượng) đối đãi, không phải là tự tánh tuyệt đối nữa. Lúc trước Thần Hội nói:
+ Là gốc của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.
Liền bị Lục tổ trách mắng:
+ Tương lai ông chỉ là tông đồ trí giải.
 Thiền tông chỉ trọng hành giải, không trọng trí giải.
- Đại ý bài kệ : hãy để ý nhìn dưới chân ông, đừng quan tâm đến chuyện thiên hạ, toàn tâm toàn ý lo việc kiến tánh.
- Bình Dương Mân nói : Đông Sơn Diễn lấy hoa quả của thường trú mà dùng riêng. Thiên Đồng thì không vậy. Đối với câu hỏi Thích Ca, Di Lặc còn là nô tài của hắn, hắn là ai ? liền lớn tiếng hô: 
+ Đại chúng, hôm nay là ngày tiểu cận 29 mời đại chúng đi uống trà.
Hoa quả của Thường trú là đồ ăn chung của đại chúng tỷ dụ tự tánh ai ai cũng có, ai mà chả biết nhưng Pháp Diễn nói như là chỉ có mình biết, còn Thiên Đồng thì không vậy, chí công vô tư mời mọi người uống trà ăn trái, tỷ dụ bảo cho mọi người biết họ đều có tự tánh.
(Dương Tân Anh)

 
 
Tắc 46
ĐẦU GẬY BƯỚC THÊM
Cử:
Hòa thượng Thạch Sương bảo:
- Leo đến đầu gậy 100 thước, làm sao leo thêm?
Lại có cổ đức nói:
百尺 竿
Bách xích can đầu tọa để nhân
雖然
Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân
百尺 竿
Bách xích can đầu tu tiến bộ
十方
Thập phương thế giới hiện toàn thân.
Dịch:
Gậy đầu nghìn thước chẳng lung lay
Dù đã lên đây, chưa thật đây
Chót gậy nghìn tầm còn bước nữa
Mười phương thế giới thiệt thân này.
(Tuệ Sĩ dịch)
Bình:
Nếu ông có thể bước thêm bước nữa, ông có thể chuyển thân thì ngại gì chỗ nào chả làm thầy được ? Tuy là thế, thử hỏi đã lên đến đầu gậy rồi làm sao leo lên nữa, hả?
Tụng:
瞎卻 頂 門 眼
Hạt khước đỉnh môn nhãn
錯認 定 盤 星
Thác nhận định bàn tinh
拚身 能 捨 命
Phiên thân năng xả mạng
一肓 引 眾 肓
Nhất manh dẫn chúng manh.
Dịch:
Mắt trên trán bị tật
Nên nhìn lầm định tinh
Liều thân bỏ tính mạng
Một mù dẫn chúng manh.
 
Chú thích:
Cổ đức ở đây là chỉ Trường Sa Cảnh Sầm. Bất cứ người nào cố gắng cũng có thể leo tới chót sào trăm trượng, nhưng leo xa hơn thì theo lý không thể nào làm được. Thiền sinh phải làm sao ? Thiền sinh có thể hiểu ngộ là gì, nhưng biết ngộ là gì không phải là Thiền. Thiền là đời sống và đời sống thì vượt lên lý luận, nếu thiền sinh không để cả đời vào đó thì sẽ không bao giờ đạt được. Dùng lửa thử vàng, muốn bắt cọp con thì phải vào hang cọp. Leo lên chót gậy là giác ngộ, chưa đủ phải đi xa hơn (mười phương), phải sống giác ngộ. Ta bà là Niết Bàn, Niết Bàn là Ta Bà.
(Kubose)
Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: người chưa có thiền nhãn sẽ có những nhận thức sai lầm.
Câu 3 và 4 : dù có tinh thần xả thân táng mạng, cũng chỉ làm khổ người sau ví như một người mù dẫn đường cho một bọn mù.
Thạch Sương  Sở Viên (986-1039) người Kim Châu Thanh Tương (Hiệp Tây, An Khang) là đệ tử của Phần Dương Thiện Chiếu. Ông họ Lý, 22 tuổi xuất gia, theo Thiện Chiếu học tập 7 năm. Về sau trú ở Đàm Châu (Hồ Nam, Trường Sa), đệ tử nổi danh có Hoàng Long và Dương Kỳ.
 
Tắc 47
ĐÂU SUẤT BA CỬA
Cử:
Hòa thượng Đâu Suất Duyệt dựng 3 cửa để chất vấn người học:
- Vạch cỏ tham huyền chỉ mong thấy tánh. Ngay chính lúc này tánh ông ở đâu?
Thấy được tự tánh thì mới thoát vòng sanh tử, khi ông nhắm mắt, làm sao thoát.
Thoát vòng sanh tử thì biết được chỗ về. Khi bốn đại phân ly, ông sẽ đi đâu?
Bình:
Nếu các ông có thể hạ được 3 chuyển ngữ thì ở các nơi, các ông đều có thể làm chủ, gập duyên là tông. Còn chưa thì đồ ăn đơn giản cũng làm no, nhai kỹ thì không đói.
Tụng:
一念 普 觀 無 量 劫
Nhất niệm phổ quán vô lượng kiếp
無量 劫 事 即 如 今
Vô lượng kiếp sự tức như kim
如今 覷 破 個 一 念
Như kim thứ phá cá nhất niệm
覷破 如 今 覷 底 人
Thứ phá như kim thứ để nhân.
Dịch:
Một niệm coi như vô lượng kiếp
Vô lượng kiếp chỉ là lúc này
Lúc này nếu phá được niệm ấy
Thì con người đó ngộ ngay thôi.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: Vô lượng kiếp là một niệm lúc này.
Câu 3 và 4: phá được niệm này thì giác ngộ.
- Công án này đặt câu hỏi về bản chất của Thiền: cái gì là tự tánh của ông? Ông phải làm sao mới được tự do ? Và ông đang ở đâu ? Những câu hỏi này cũng là những câu hỏi cơ bản về đời sống. Nếu một người muốn sống một đời sống có ý nghĩa, an bình và hạnh phúc thì người đó phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Thiền không tách rời khỏi sinh hoạt hàng ngày. Thiền dạy chúng ta sống bằng cách tìm ra chân ngã. Học Thiền là tìm chân ngã: tôi là ai?
(Kubose)
- Đâu Suất Duyệt (1044-1091) đệ tử của Chân Tĩnh Khắc Văn.
 
 
 
Tắc 48
MỘT ĐƯỜNG CỦA CÀN PHONG
Cử:
Một ông tăng hỏi Càn Phong:
- Thập phương Bạc Già Phạm chỉ cần một đường Niết Bàn, không biết đường bắt đầu ở đâu?
Phong giơ gậy lên vạch một vạch:
- Ở đây.
Sau có ông tăng đem hỏi Vân Môn. Môn giơ quạt lên:
- Cây quạt này vọt lên tầng trời 33 chạm vào lỗ mũi Đế Thích, lại đánh vào con cá chép ở biển Đông, trời mưa như trút nước.
Bình:
Một người đi dưới đáy bể sâu, bụi tung mù mịt. Một người đứng trên đỉnh núi cao, sóng bạc ngất trời, một người nắm chặt, một người buông lơi. Mỗi người đều dang tay giúp đỡ tông thừa, giống như 2 kỵ sĩ bắt đầu từ 2 phía đối nghịch, gập nhau ở giữa đường, trên đời này không có ai rõ lẽ ấy. Lấy chánh nhãn mà xem thì cả 2 lão đều chẳng biết đầu đường ở đâu.
Tụng:
未舉 步 時 先 已 到
Vị cử bộ thời tiên dĩ đáo
未動 舌 時 先 說 了
Vị động thiệt thời tiên thuyết liễu
直燒 著 著 在 機 先
Trực thiêu trước trước tại cơ tiên
更須 知 有 向 上 竅
Cánh tu tri hữu hướng thượng khiếu.
Dịch:                        
Chân chưa bước thì đã tới nơi
Môi chưa hé lời đã xong rồi
Dù mọi việc đều đi đến trước
Vẫn còn đường khác để mà noi.
 
Chú thích:
- Giải thích bài kệ:
Câu 1 và 2: khen ngợi thủ đoạn ứng cơ của 2 vị thiền sư Càn Phong và Vân Môn.
Câu 3 và 4: không nên chấp vào cơ ngữ của 2 lão thiền sư này.
- Càn Phong thuộc dòng Thiền Tào Động. Ông tăng đặt câu hỏi còn chấp vào chữ nghĩa kinh điển. Cử chỉ của Càn Phong hàm ý:
- Đạo ở ngay đây, trước mắt ông, việc gì phải tìm kiếm đâu đâu. 
Câu nói của Vân Môn chỉ cảnh giới vô ngã.
(Thánh Tham)
- Câu trả lời của Càn Phong và Vân Môn trong công án này không được thỏa đáng. Câu hỏi của ông tăng là : Đường giác ngộ dẫn khắp nơi, nhưng bắt đầu ở đâu ? Càn Phong vạch một vạch trong không, còn Vân Môn kể câu chuyện về cái quạt. Tại sao họ không nói con đường ở khắp nơi, ngay đây, ông đang đứng ở đầu đường dẫn đến Niết Bàn. Hãy là chính mình, đừng để ý đến kẻ khác, chính ngay dưới chân ông,chính là ông.
(Kubose)
- Bạc Già Phạm: một trong 10 danh hiệu của Phật.
 
 
LỜI CUỐI
Những cơ duyên chỉ bầy của Phật, Tổ từ trước, cứ theo từng khoản mà kết án, tôi không thêm lời thừa, lột cả vỏ sọ cho thấy nhãn tinh, muốn các ông ngay đó đảm đương, không phải tìm nơi người khác. Nếu các ông thông hiểu, vừa nghe đã biết chỗ chỉ. Không có cửa nào để các ông vào, cũng không có bậc nào để các ông leo. Các ông cứ vẫy tay qua cửa không cần phải hỏi người giữ cửa. Các ông há chẳng thấy Huyền Sa nói “Cửa không cửa” là cửa giải thoát, không ý là ý của người Đạo. Còn Bạch Vân thì nói : “Biết rành rành chỉ là cái đó sao lại qua không được ?” Tuy nói vậy chả khác gì ngào sữa với bùn để làm bánh. Nếu các ông qua được “Cửa không cửa”, các ông đã cười vào mũi Vô Môn, còn nếu chưa qua thì các ông đã phụ chính mình. Cho nên nói Tâm Niết Bàn dễ hiểu, trí sai biệt khó rõ. Khi biết rõ được trí sai biệt thì nhà và nước đều được yên ổn.
Thiệu Định nguyên niên (1228) trước kỳ giải hạ 5 ngày.
Đệ tử đời thứ 8 dòng Dương Kỳ
Tỳ kheo Vô Môn Huệ Khai cẩn ghi.
Các sách trích dịch         
 
Lâm Tế Lục
Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông
Mumonkan & Hekiganroku
The Sound of  One Hand
Thiền Chi Hoa
Thiền Cơ Sử Nễ Tại Chân Lý Trung Giác Tỉnh
Thiền Đích Cố Sự 
Thiền Sư Khải Ngộ Pháp 
Thiền Thất Dữ Công Án Đích Áo Bí
Thiền Thú 60 
Thiền Thuyết
Thiền Tông Vô Môn Quan Trọng Yếu
Công Án Nghiên Cứu 
Tinh Vân Thiền Thoại
Vô Môn Quan Bạch Thoại Chú Giải 
Zen Koans
Bồ Đề Học Xã
Bồ Đề Học Xã
Katsuki Sekida
Hoffmann
Tiêu Vũ Đồng
Viên Thông
Lý Phổ Sĩ
Thái Vinh Đình
Hồng Khải Tung
Liệu Duyệt Bằng
Thái Chí Trung

Dương Tân Anh
Tinh Vân
 Thánh Tham
Gyomay Kubose

Tác giả bài viết: Dương Đình Hỷ
Từ khóa:

vô môn, quan, cửa không,

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 113
  • Khách viếng thăm: 112
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4695
  • Tháng hiện tại: 1356890
  • Tổng lượt truy cập: 59009823

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile