Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Khóa Hư Lục giảng giải (1996) - Phần 7 - Luận

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/01/2012 15:19 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Khóa Hư Lục giảng giải (1996) - Phần 7 - Luận

Khóa Hư Lục giảng giải (1996) - Phần 7 - Luận

Phần Luận về thọ giới, Phàm người học đạo chỉ cầu kiến tánh. Đã nói về giới rồi phải nói đến định. Định tức là tọa thiền. Ngài nói người học đạo phải cầu kiến tánh, tức nhận ra bản tánh thanh tịnh sáng suốt của mình, gọi là kiến tánh.

LUẬN VỀ THỌ GIỚI

Dịch

Tịnh giới tiếng Phạn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa. Sở dĩ chư Phật ba đời được thành đạo không vượt ngoài giới. Nên nói: “Người có phá giới, được gọi là Tỳ-kheo, người không phá giới gọi là ngoại đạo.” Đây là chỉ người có thọ giới cùng người không thọ giới vậy. Thọ giới rồi lại phá còn gọi là Tỳ-kheo; huống là người thọ tất cả tịnh giới, lại kiên trì gìn giữ! Cho nên hiện tại Bồ-tát lấy đây (giới) mà độ sanh; vị lai người tu hành do đây (giới) mà giải thoát. Kinh nói: “Giới như đất bằng, muôn điều lành từ đó mà sanh. Giới như thuốc hay, chữa lành các bệnh. Giới như hòn ngọc sáng, hay phá mờ tối. Giới như chiếc thuyền, hay đưa người qua biển. Giới như chuỗi anh lạc, trang nghiêm Pháp thân.”

Người có tội phải sám hối, nếu không sám hối thì tội càng sâu. Một phen mất thân này, muôn kiếp chẳng được lại. Ngày nay tuy an, sáng mai khó bảo đảm. Nên giữ giới pháp này, chóng qua sanh tử. Thờ Phật làm thầy, trước phải y theo giới luật. Cổ đức nói: “Qua sông phải dùng bè, đến bờ chẳng cần thuyền.” Đây là cổ nhân dùng giới luật làm thuyền bè. Song người nay chẳng dùng thuyền bè qua sông, mà được đến bờ kia, thật ít thay!


Giảng

Bài này tuy ngắn nhưng rất thiết yếu với cư sĩ tại gia và người xuất gia. Bởi vì người tu theo Phật trước tiên phải thọ giới. Tại gia thì thọ Ngũ giới, xuất gia thì thọ Thập giới hoặc nhiều nhất là hai trăm năm mươi giới của Tỳ-kheo tăng, hoặc là Bồ-tát giới. Vậy thọ giới là gì? Cần yếu trên đường tu thế nào? Đây Ngài giải thích cho chúng ta nghe:

Tịnh giới tiếng Phạn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa.

Đây là dịch âm. Ba-la-đề-mộc-xoa là chỉ cho giới luật. Giới luật là những điều răn cấm của đức Phật, từ người cư sĩ đến người xuất gia phải sống thế nào cho đúng, nên gọi đó là giới. Giới là răn cấm. Tại sao đức Phật lại răn cấm những điều đó? Là vì lòng từ bi đức Phật răn cấm cho chúng ta thoát khỏi khổ. Tôi thí dụ như cha mẹ thương con nhỏ dại, sợ con trai hư nên không cho hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, bỏ học v.v... Không cho tức là cấm. Vì thương muốn cho con mai sau trở thành người tốt, người hay trong xã hội, nên cha mẹ cấm không cho làm những điều dở, điều xấu. Đức Phật nhìn chúng ta cũng như cha mẹ nhìn con thơ vậy. Nếu không cấm thì nó không sợ, không sợ thì nó khổ, nên Phật ra lệnh cấm. Người tại gia phải giữ năm điều, còn người xuất gia phải giữ mười điều, hai trăm năm mươi điều chẳng hạn... Cấm tức là bắt buộc, mà bắt buộc để làm gì? Nếu tại gia giữ được năm giới thì bảo đảm có được hai điều tốt là: Nếu tại gia giữ tròn năm giới thì gia đình hạnh phúc, cuộc sống được an tịnh thanh nhàn; mai sau chết đi bảo đảm được trở lại làm người và được hạnh phúc. Như vậy vì muốn cho cuộc sống mình hạnh phúc trong hiện tại và cả mai sau, nên Phật bắt buộc chúng ta phải giữ giới.

Người xuất gia Phật bắt phải giữ mười giới, hai trăm năm mươi giới để chi vậy? Vì người xuất gia không nghĩ, không muốn mình hạnh phúc như người thế gian, mà muốn được giải thoát ngay trong đời này và đời sau. Giải thoát ngay trong đời này tức là đời này sạch hết phiền não, giải thoát đời sau tức là đời sau thoát khỏi sanh tử, cho nên Phật bắt giữ giới nhiều hơn. Tóm lại, vì thấy chúng ta còn mê muội, Phật muốn cho chúng ta an toàn trên con đường tu hành không trở ngại, nên bắt giữ những điều Phật thấy có hại gọi là giới. Giữ được những giới cấm thì cuộc đời mình an lành và mai kia cũng sẽ an lành. Do đó vì lòng từ bi Phật bắt mình phải giữ giới.

Đây Ngài dẫn:

Sở dĩ chư Phật ba đời được thành đạo không vượt ngoài giới.

Ba đời chư Phật được thành đạo đều phải do giới luật mà được thành tựu kết quả giác ngộ viên mãn, chớ không phải ngẫu nhiên mà thành.<

Nên nói: “Người có phá giới, được gọi Tỳ-kheo, người không phá giới gọi là ngoại đạo.”

Câu này mới nghe quí vị hoảng hốt. Vì sao người có phá giới được gọi là Tỳ-kheo, người không phá giới gọi là ngoại đạo? Câu sau Ngài giải:

Đây là chỉ người có thọ giới cùng người không thọ giới vậy.

Người có thọ mới có phạm, có phạm mới gọi là phá giới. Người không thọ thì không phạm, không phạm thì không phá giới. Ngài kết luận:<

>Thọ giới rồi lại phá còn gọi Tỳ-kheo, huống là người thọ tất cả tịnh giới, lại kiên trì gìn giữ.

Nghĩa là thọ giới rồi lỡ phạm còn gọi là Tỳ-kheo thay, huống là thọ giới rồi mà giữ được trong sạch hoàn toàn thì quí biết ngần nào!

Cho nên hiện tại Bồ-tát lấy đây (giới) mà độ sanh; vị lai người tu hành do đây (giới) mà giải thoát.

Nghĩa là Bồ-tát trong thời hiện tại dùng giới pháp mà dạy, mà độ sanh... trong thời vị lai người tu hành cũng nhờ giới mà giải thoát. Như vậy lợi tha hay tự lợi đều phải dùng giới, chớ không cách nào khác. Thí dụ như chúng tôi giảng dạy cho Phật tử nghe, Phật tử hiểu đạo rồi phát tâm tu, thì chúng tôi phải dạy làm sao? Phải qui y Tam Bảo và thọ năm giới. Như vậy dạy Phật tử thọ năm giới để tránh tội lỗi, để thoát khỏi những điều phiền não, mới được an lành, nên nói phải lấy giới để độ sanh. Chính chúng ta tu, muốn giải thoát cũng phải lấy giới làm căn bản.
Đây dẫn kinh:

Kinh nói: “Giới như đất bằng, muôn điều lành từ đó mà sanh. Giới như thuốc hay, chữa lành các bệnh. Giới như hòn ngọc sáng, hay phá mờ tối. Giới như chiếc thuyền, hay đưa người qua biển. Giới như chuỗi anh lạc, trang nghiêm Pháp thân.”

Như vậy phương tiện đưa chúng ta đến chỗ an lành, đưa chúng ta thoát khỏi khổ đau đều gốc từ giới. Nghe như thế quí vị thấy có đúng không? Ở đây tôi thí dụ như cư sĩ tại gia chỉ giữ năm giới là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nếu giữ trọn được năm giới quí vị sẽ thấy bớt khổ nhiều. Vì không sát sanh thì không gây oán thù; không trộm cắp thì không bị người khinh bỉ và khỏi lo tù tội; không nói dối thì đâu có ai sợ mình lừa gạt và không mất uy tín với người khác; không tà dâm thì gia đình hạnh phúc; không uống rượu thì tránh khỏi chuyện say sưa. Người giữ được năm giới là đã thoát khổ rất nhiều. Từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội mình không khổ mà lại tăng thêm uy tín, còn nếu phạm thì mất hết uy tín với mọi người. Tỉ dụ như nếu phạm tội trộm cắp thì sợ bị bắt, sợ bị người đánh... Nếu phạm tội giết người lại càng sợ hơn, thấy ai cũng sợ, sợ người ta giết lại mình, sợ bị tù tội... Như vậy tất cả hành động đó làm cho mình bối rối lo sợ, mất cả uy tín của con người. Người tự cho mình là quân tử, là đứng đắn thì không bao giờ đi ăn trộm hay giết người, vì làm như vậy là giảm giá trị con người của mình, đồng thời bao nhiêu thứ khổ khác sẽ đến nữa. Vì vậy nên nói giới làm cho mình lành hết tất cả gốc bệnh khổ.

Người có tội phải sám hối.

Nếu đã thọ giới rồi lỡ có phạm phải sám hối.

Nếu không sám hối thì tội càng sâu.

Ví như bây giờ quí vị đã thọ giới không nói dối, nhưng vì làm ăn buôn bán, vì quyền lợi nên phải nói dối. Nói dối một lần rồi coi như phương tiện bỏ qua, mai mốt lại phương tiện nữa, phương tiện mãi cho đến chết thôi. Cho nên lỡ nói dối một lần phải ăn năn hối hận, phải thành tâm sám hối, như vậy khả dĩ bệnh nói dối mới hết. Trong giới tu sĩ gần đây hay dùng chữ phương tiện để khi nói điều gì không có sự thật thì bảo “ôi phương tiện mà!” Nói phương tiện là để biện minh, bào chữa bệnh nói dối của mình. Cứ thế mãi, rốt cuộc mình trở thành người chuyên nói dối. Cho nên càng che chở hoặc tỏ ra mình là người không cố chấp, thì tội lỗi càng sâu. Vì vậy, nếu lỡ làm lỗi chúng ta phải ăn năn hối cải, không nên để nó tăng trưởng. Vì chưa là Thánh nên khi hứa trước Phật, chúng ta cũng cố gắng, nhưng gặp hoàn cảnh thúc bách, vì quyền lợi hoặc vì việc gì đó, có khi phải nói dối. Tôi nói thí dụ như ở trong chùa, việc này không phải lớn, nhưng lỡ khi nào mình đi làm bỏ quên cuốc ngoài rẫy, đến tối bị lấy mất. Sáng hôm sau, Tri sự thấy mất cuốc hỏi ai làm mất, vì không ai thấy nên mình nói không biết. Cầm cuốc đi làm mà nói “không biết” là nói dối. Nói không biết là phương tiện để khỏi bị rầy, vậy mai mốt sẽ nói không biết nữa. Mình nói không biết thì người ta sẽ nghi người khác. Nghi người khác là phiền tới người khác, vì vậy lỡ làm thì nhận lỗi, chịu tội, sám hối, để người khỏi bị họa lây, đó mới là người chân thật. Còn làm lỗi rồi chối bỏ để cho người hứng chịu, đó là có ý ác. Cho nên sự việc thấy dường như nhỏ mà không khéo sẽ gây họa lớn. Đây là nói việc nhỏ xíu trong đạo mà nhiều người hay “phương tiện” như thế. Phương tiện tức là che giấu lỗi lầm của mình. Như vậy là yếu đuối, là hèn hạ chớ không phải là phương tiện.

Một phen mất thân này, muôn kiếp chẳng được lại.

Nếu lỡ mất thân này muôn kiếp khó được trở lại làm người. Vì vậy, được thân này là quí, được thân này là phải làm sao có lợi ích cho bản thân mình và cho mọi người.

Ngày nay tuy an, sáng mai khó bảo đảm.

Câu này để nhắc cho những người hay hẹn: “Năm nay bận rộn quá tu không được, thôi hẹn sang năm đi”, hoặc có người nói: “Năm nay tôi bận quá, đang lo chuyện này chuyện kia, để sang năm rảnh việc rồi tôi tu.” Nhưng mà ngày nay sống thì mừng ngày nay, chắc gì ngày mai mình còn sống. Nếu hẹn ngày mai, rủi mai chết rồi thì sao? Làm sao có thì giờ mà tu, vì vậy việc tu không thể hẹn. Việc gì làm được lợi mình lợi người phải làm ngay chớ có chần chờ, mai kia biết mình còn sống hay không?

Nên giữ giới pháp này, chóng qua sanh tử.

Người nào khi thọ giới rồi khéo giữ giới, lần lần sẽ qua được con đường sanh tử.

Thờ Phật làm thầy, trước phải y theo giới luật.

Ai là đệ tử Phật thì phải y theo giới luật của Phật dạy.

Cổ đức nói: “Qua sông phải dùng bè, đến bờ chẳng cần thuyền.”

Qua sông tức là khi cần vượt qua sông phải nhờ thuyền bè, đến lúc lên bờ rồi thì thuyền bè không cần thiết nữa. Nhưng không cần thiết là khi đã lên bờ, còn chưa lên bờ mà nói không cần thuyền bè là nhảy xuống sông tự tử, chớ không đi đến đâu hết. Cho nên tu chưa đến nơi mà không giữ giới luật, cho giới luật là ràng buộc, mất tự do v.v... là họa vậy! Chừng nào tới bờ kia là bờ giác ngộ rồi, lúc đó bỏ giới luật được, vì đã giác ngộ đâu còn mê mà phải giữ, còn giữa chừng là còn mê mà không giữ thì tạo tội, phải chìm. Hiện nay có một số tu sĩ đã là Tỳ-kheo nữa, lại ngồi quán nhậu nếu có ai thấy hỏi tại sao thầy tu mà còn uống rượu, bèn nói tôi phá cái chấp của thiên hạ, vì họ cứ khư khư chấp giới mãi, nên tôi phá chấp cho họ. Phá chấp như thế là đúng hay sai? Như vậy là mình làm cho thiên hạ chìm trong sanh tử chớ không phải cứu họ.

Song người nay chẳng dùng thuyền bè qua sông, mà được đến bờ kia, thật ít thay!

Ngài nói thật là chí lý. Người thời nay không dùng thuyền bè (tức giới luật) để qua sông đến bờ kia (bờ giác ngộ) thật là ít lắm thay! Người như vậy rất hiếm, nghĩa là phải nhờ giới luật trước mới đi tới giác ngộ sau. Giới luật không có mà đòi giác ngộ là chuyện không thể được.

Bài này ngài Trần Thái Tông muốn khuyến khích tất cả Tăng Ni và Phật tử, khi vào đạo đã lãnh thọ giới Phật thì phải ráng gìn giữ cho tròn. Đó là tự cứu mình, là đưa mình đến chỗ an vui hết khổ, không nên xem thường, xem thường là nguy, là tội lỗi.

LUẬN TỌA THIỀN
Dịch

Phàm người học đạo chỉ cầu kiến tánh. Tuy thọ được tất cả tịnh giới, mà không tọa thiền thì định lực chẳng sanh; định lực chẳng sanh thì vọng niệm không diệt, muốn được kiến tánh, thật là khó vậy. Đức Phật Thích-ca vào núi Tuyết, ngồi ngay thẳng sáu năm, chim cáp làm tổ trên đầu, cỏ tranh mọc xuyên qua bắp vế, mà thân tâm thản nhiên. Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, tâm tợ tro tàn. Nhan Hồi ngồi quên, tay chân rời rã. Đuổi thông minh, lìa ngu trí, đồng với đại đạo. Đó là các bậc Thánh Hiền trong tam giáo ngày xưa, đã từng ngồi định.

Song đi đứng nằm ngồi đều là thiền, không phải chỉ riêng ngồi. Nhưng vì đi thì cất bước, đứng thì nhọc nhằn, nằm thì mờ mịt mà yên tĩnh, yên tĩnh thì cái nghĩ sanh, nghĩ sanh thì niệm khởi. Muốn dứt các niệm, nên tập ngồi thiền định. Nếu khi ngồi không dứt các niệm, tâm khỉ đua nhảy, ý vượn chạy rong, hoặc vọng tưởng mà biết tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tánh. Tựa giường, dựa vách, nhắm mắt che tròng ngủ gục, nước miếng chảy, đầu cúi, xương sống cong. Tuy giả danh là tọa thiền, mà ngồi dưới núi đen, trong hang quỉ. Cho nên Thiền sư Hoài Nhượng nói: “mài gạch muốn làm gương” là nói về người này vậy.

Vả lại, thiền có bốn thứ:
1. Tạo kế khác, ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Ngoại đạo thiền”.
2. Chánh tín nhân quả, cũng ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Phàm phu thiền”.
3. Rõ lý sanh (nhân) không, chứng đạo thiên chân mà tu, gọi là “Tiểu giáo thiền”.
4. Đạt nhân, pháp đều không mà tu, gọi là “Đại giáo thiền”.
Nay, người hậu học, cần lấy “Đại giáo thiền” làm chánh. Nơi đây tập tọa thiền dứt niệm, chớ sanh kiến giải.

Giảng

Phàm người học đạo chỉ cầu kiến tánh.
Đã nói về giới rồi phải nói đến định. Định tức là tọa thiền. Ngài nói người học đạo phải cầu kiến tánh, tức nhận ra bản tánh thanh tịnh sáng suốt của mình, gọi là kiến tánh.

Tuy thọ được tất cả tịnh giới, mà không tọa thiền thì định lực chẳng sanh.

Nghĩa là mình có được giới trong sạch là có phước, là tránh được phiền não, nhưng không tọa thiền thì sức định không mạnh.

Định lực chẳng sanh thì vọng niệm không diệt.<

Không có sức định thì vọng niệm không diệt, nó cứ lăng xăng làm cho tâm mình rối loạn không an. Bởi vậy có giới rồi kế đó phải tọa thiền để tâm được định. Tâm được định thì vọng tưởng mới dừng.

Muốn được kiến tánh, thật là khó vậy.

Nếu vọng niệm chưa hết mà muốn được kiến tánh thật là khó. Bởi vì nếu tâm chưa dừng lặng mà muốn nhận ra được bản tánh thật là điều khó, không thể được. Cho nên đầu tiên là Giới, kế đó là Định. Định là nhờ sức tọa thiền. Nhờ tọa thiền tâm mới lặng. Tâm lặng thì tánh giác mới hiện tiền.

Đây dẫn chứng:

Đức Phật Thích-ca vào núi Tuyết, ngồi ngay thẳng sáu năm, chim cáp làm tổ trên đầu, cỏ tranh mọc xuyên qua bắp vế, mà thân tâm thản nhiên.

Đây là chỉ lúc đức Phật tu khổ hạnh sáu năm, chim làm tổ trên đầu, cỏ mọc qua bắp vế, mà Ngài vẫn ngồi yên thiền định.

Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, tâm tợ tro tàn.

Tử Cơ là người học đạo tiên. Người tu tiên cũng ngồi thiền định cho tâm yên lặng, khô kiệt không còn rối loạn nữa.

Nhan Hồi ngồi quên, tay chân rời rã.

Nhan Hồi là người tu theo Nho vẫn ngồi quên cả thân thể, buông thõng tay chân. Đây để chỉ tu theo Phật, Lão, Khổng đều phải nhờ thiền định.

Đuổi thông minh, lìa ngu trí, đồng với đại đạo.

Đại đạo là chỉ tánh giác thanh tịnh. Muốn được tánh giác thanh tịnh thì đừng giữ thông minh, ngu trí. Thông minh là cái suy nghĩ lanh lợi, bén nhạy của thế gian, trong nhà Phật gọi là thế trí biện thông tức là trí thế gian, chưa phải là chỗ chân thật, chỗ giác ngộ. Vì vậy nên nói đuổi thông minh, lìa ngu trí mới đồng với đại đạo. Không nên phân biệt trí ngu, chỉ khi nào tâm thản nhiên thanh tịnh, lúc đó mới sống được với đại đạo.

Đó là các bậc Thánh Hiền trong tam giáo ngày xưa, đã từng ngồi định.

Như vậy những bậc Thánh, bậc Hiền trong Phật giáo, Khổng và Lão vẫn ngồi thiền cho tâm được an định. Vì ngồi thiền mới có sức mạnh kềm chế được vọng tưởng, nếu không thì e không có khả năng chinh phục được nó.

Song đi đứng nằm ngồi đều là thiền, không phải chỉ riêng ngồi.

Tuy Ngài đề cao ngồi thiền, nhưng bây giờ Ngài nói lại, trong nhà thiền không phải chỉ ngồi mới thiền, mà đi đứng nằm ngồi đều là thiền.

Nhưng vì đi thì cất bước, đứng thì nhọc nhằn, nằm thì mờ mịt mà yên tĩnh, yên tĩnh thì cái nghĩ sanh, nghĩ sanh thì niệm khởi.

Ở đây nói mọi hành động đều là thiền, nhưng khi đi phải cất bước, cất bước thì có lăng xăng có động, mà động thì khó định. Đứng thì đứng lâu mỏi chân, cũng khó định. Nằm thì mờ mịt vì buồn ngủ, mà mờ mịt thì không có sức mạnh. Tuy nó hơi yên nhưng yên thì cái nghĩ dễ sanh, mà nghĩ sanh thì niệm khởi. Như vậy tuy đi đứng nằm đều được, nhưng không phải là thế ưu.
Muốn dứt các niệm nên tập ngồi thiền định.

Ngồi thiền là ưu hơn hết, bởi vậy bắt quí vị ngồi hai giờ là cái lý của tôi. Có ngồi nhiều rồi quí vị mới thấy kinh nghiệm tôi không sai. Nếu ngồi một giờ thì nửa giờ đầu rối bời, lúc hơi yên là hết giờ. Ngồi một giờ rưỡi thì nửa giờ đầu rối, nửa giờ kế hơi yên yên, nửa giờ sau vừa mới yên thì hết giờ. Ngồi hai giờ thì bỏ giờ đầu, còn giờ sau là giờ yên. Yên là sức mạnh. Ngoại trừ những người mới ngồi thì giờ sau là giờ chịu đựng, nhưng có chịu đựng rồi sẽ thắng. Còn người ngồi được lâu thì giờ sau mới yên, yên rồi sẽ thấy sức mạnh của thiền. Sức mạnh đó mới thắng được vọng tưởng, nếu không thì vọng tưởng cứ ào ào tuôn ra dừng không nổi. Bởi vậy, tu cần phải cố gắng chịu đựng mới thắng được, chớ không phải dễ dàng.

Nếu khi ngồi không dứt các niệm, tâm khỉ đua nhảy, ý vượn chạy rong, hoặc vọng tưởng mà biết tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tánh.

Ở đây Ngài nói, khi ngồi cốt dứt vọng niệm, mà vọng niệm không dứt thì tâm, ý chạy lăng xăng loạn động. Như đang ngồi ở Thiền đường Trúc Lâm mà đi dạo chợ Đà Lạt, có khi chạy xuống Thường Chiếu, chạy khắp mọi nơi. Đó là tâm khỉ đua nhảy, ý vượn chạy rong.

Hoặc vọng tưởng mà biết tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tánh.

Vọng tưởng và vô ký là hai bệnh của người ngồi thiền. Vọng tưởng nhớ lại cảnh này cảnh nọ, hoặc hình ảnh của những ngày qua, biết là biết theo cái bóng của những việc đã qua. Vô ký là chuẩn bị hôn trầm. Nếu ngồi mà tỉnh sáng, thì không lìa tánh giác. Có nhiều người không hiểu, ngồi cứ cầu cho thấy tánh. Cần thấy tánh làm gì? Chỉ cần tỉnh sáng không vọng tưởng là đủ rồi. Sao vậy? Vì tánh hiện đó chớ đâu, còn cầu thấy chỉ là bệnh. Cho nên vô ký quên tự tánh là khi mờ mờ mịt mịt quên cái tỉnh sáng của mình.

Đây nói những bệnh:

Tựa giường, dựa vách, nhắm mắt che tròng ngủ gục, nước miếng chảy, đầu cúi, xương sống cong.

Đó là những bệnh của người ngồi thiền còn lôi thôi. Ngồi thiền mà ngồi trong mùng tựa giường, vừa mỏi muốn dựa vách cho đỡ mỏi, hoặc nhắm mắt một hồi rồi gục lên gục xuống, hoặc ngồi đầu cúi, nước miếng chảy xuống, xương sống cong. Người tập tu thiền có những bệnh ở trên đây cần phải ráng sửa.

Tuy giả danh là tọa thiền, mà ngồi dưới núi đen, trong hang quỉ.

Ngồi như vậy là giả danh ngồi thiền, vì bị mờ mờ mịt mịt đâu có thấy gì, mà quỉ thì ở trong bóng tối, nên nói là ngồi dưới núi đen, trong hang quỉ, chớ không phải ngồi trong nhà Phật, trong nhà thiền. Như vậy ngồi thiền phải ngồi cho ngay thẳng, không nương dựa vào vật gì, mắt mở nhỏ, không nên nhắm, đầu đừng cúi quá, không cho nước miếng chảy, xương sống thẳng, đó mới đúng cách tọa thiền.

Cho nên Thiền sư Hoài Nhượng nói: “mài gạch muốn làm gương” là nói về người này vậy.

Thiền sư Hoài Nhượng ở núi Nam Nhạc, một hôm Ngài đi dạo núi chơi, thấy một vị Sư ngồi thiền nghiêm chỉnh trên tảng đá, Ngài liền đến hỏi: Ông làm gì đây? Đáp: Dạ, con ngồi thiền. Hỏi: Ngồi thiền cầu làm gì? Đáp: Cầu thành Phật. Ngài im lặng trở về. Hôm sau Ngài trở lại, đến bên tảng đá vị Sư kia ngồi (vị Sư này sau là Mã Tổ Đạo Nhất), lấy một viên gạch ngồi mài. Vị Sư thấy lạ hỏi: Hòa thượng mài gạch để làm gì? Ngài đáp: Ta mài gạch để làm gương. Vị Sư thắc mắc hỏi: Mài gạch sao thành gương được? Đáp: Nếu mài gạch không thành gương được thì ngồi thiền đâu thể thành Phật được? Vị Sư giật mình hỏi lại: Ngồi thiền sao không thành Phật? Ngài giải thích: Ông học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định. Nếu ông chấp ngồi là Phật tức là giết Phật. Như vậy Phật không phải chỉ ngồi mới có. Nếu ngồi mới gọi là Phật, thì lúc đi, đứng là ai? Vì Phật đâu phải chỉ ngồi, có khi Phật đi khất thực, không ngồi thì không phải Phật sao? Ngài nói như vậy để đánh thức vị Sư. Lại nữa, Phật là giác ngộ mà giác ngộ không phải chỉ riêng ở trạng thái ngồi mà cả trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi). Nếu chấp ngồi mới là Phật, đó là bệnh. Ở đây Ngài muốn nói nếu tu thiền mà cố chấp ngồi để thành Phật, rồi ngồi gục lên gục xuống, không tỉnh, không sáng, thì chẳng khác nào mài gạch muốn thành gương vậy!

Vả lại, thiền có bốn thứ:
1. Tạo kế khác, ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Ngoại đạo thiền”.
2. Chánh tín nhân quả, cũng ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Phàm phu thiền”.
3. Rõ lý sanh (nhân) không, chứng đạo thiên chân mà tu, gọi là “Tiểu giáo thiền”.
4. Đạt nhân, pháp đều không mà tu, gọi là “Đại giáo thiền”.
Ở chỗ khác theo lời giải của ngài Tông Mật có thêm cái thứ năm nữa là Tối thượng thừa thiền, đó là Thiền tông.

Tạo kế khác, ưa trên chán dưới mà tu, gọi là ‘Ngoại đạo thiền’.
 Tức là ưa ngồi thiền để có một cái gì bên ngoài tựa vào mình để được thành Thánh thành Thần; hoặc ngồi thiền để mong cầu có một sức mạnh thiêng liêng nào ở bên ngoài tựa vào mình, dầu sức mạnh đó có điện lực gì cũng thuộc về ngoại đạo thiền.

Chánh tín nhân quả, cũng ưa trên chán dưới mà tu, gọi là ‘Phàm phu thiền’.

 Nghĩa là nghe trong kinh Phật dạy, người tu được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền thì được sanh trên các cõi trời Sắc giới... Vì ham sanh ở các cõi trời Sắc giới mà tu để chứng các thứ thiền đó, nên gọi là phàm phu thiền. Tuy có tin nhân quả, nhưng kết quả chỉ sanh lên các cõi trời Sắc giới thôi.

Rõ lý sanh không, chứng đạo thiên chân mà tu, gọi là ‘Tiểu giáo thiền’.

Sanh không là rõ về thân con người không có ngã. Sanh không chỉ do cái nhân con người phá được ngã chấp, mà tu thiền chứng được đạo thì gọi là Tiểu thừa thiền hay Tiểu giáo thiền. Đây chứng được quả A-la-hán, giải thoát sanh tử.

Đạt nhân, pháp đều không mà tu, gọi là ‘Đại giáo thiền’.

Người tu phá được chấp ngã chấp pháp, cả hai đều không mà tu thì gọi là Đại giáo thiền hay Đại thừa thiền.

Nay người hậu học, cần lấy Đại giáo thiền làm chánh. Nơi đây tập tọa thiền dứt niệm, chớ sanh kiến giải.

Ngài khuyên người thời nay tu hành nên theo Đại giáo thiền, là thiền không còn chấp ngã, chấp pháp. Ngã là chỉ cho mình cho người, pháp là chỉ cho sự vật chung quanh. Cả hai đều không chấp gọi là Đại giáo thiền, cũng gọi là thiền Đại thừa. Pháp tu này mới giải thoát sanh tử cho mình và phát đại bi tâm cứu độ mọi người. Vì vậy Ngài khuyên chúng ta nên học theo Đại giáo thiền này mà tu dứt niệm, không nên sanh kiến giải.


LUẬN VỀ GIỚI ĐỊNH TUỆ
Dịch

Phàm tất cả người tu hành đều do hai việc: chán sanh, tử. Bỏ cha mẹ, vợ con, xuất gia cầu đạo, phụng thờ đức Phật làm thầy. Noi theo đường tắt của chư Phật, chỉ có kinh mà thôi. Song trong kinh nói ra không ngoài giới, định, tuệ. Luận Giải Thoát nói: “Giới, định, tuệ gọi là đạo giải thoát.” Giới là nghĩa oai nghi. Định là nghĩa chẳng loạn. Tuệ là nghĩa giác tri. Lấy giới để trừ ác cấu. Lấy định để trừ triền cấu. Lấy tuệ để trừ sử cấu. Cho nên dùng giống thiện này (giới - định - tuệ) mà theo đạo, gọi là: sơ thiện, trung thiện, hậu thiện. Giới là sơ thiện, định là trung thiện, tuệ là hậu thiện. Giới là sơ thiện là, vì tinh tấn trì giới thành tựu bất thối nên mừng. Vì mừng nên hớn hở, vì hớn hở nên cử động, vì cử động nên vui, vì vui nên tâm không định. Định là trung thiện là, do thân cử động nên dừng, do dừng nên tâm trụ, do tâm trụ nên thấy biết như thật, đây là trung thiện. Tuệ là hậu thiện là, do thấy biết như thật nên chán ghét, do chán ghét nên lìa dục, do lìa dục nên giải thoát, gọi là hậu thiện.

Vì thế dùng giới trừ ác thú, dùng định trừ dục giới, dùng tuệ trừ tất cả cõi. Nương theo giới định tuệ này mà tu, tức là đường tắt của chư Phật, chẳng phải xa vậy.

Giảng
Bài này đặt nặng về người xuất gia hơn. Ngài nói rằng:

Phàm tất cả người tu hành đều do hai việc: chán sanh, tử.

Hai việc nói chung là chán sanh tử. Tại sao vậy? Bởi vì có sanh ra thì phải có tử, muốn khỏi tử phải làm sao? Phải khỏi sanh. Vì vậy phải chán sanh mới được. Nhưng người thế gian lại chán tử, ưa sanh. Ngày ra đời gọi là sanh nhật, mời bà con ăn mừng, thết đãi rượu chè v.v... Còn ngày tử gọi là ngày gì? Ngày húy kỵ, là ngày kiêng sợ, như vậy người ta hay sợ chết lại thích sống. Thích sanh, mà có sanh phải có tử. Muốn có sanh mà sợ tử, không thể được. Nên người học đạo, hiểu đạo phải chán cả hai, chán tử mà cũng chán cả sanh. Đã sợ chết thì đừng sanh mới khỏi chết, nhưng thế gian chỉ chán một thứ làm sao được.
Bỏ cha mẹ vợ con, xuất gia cầu đạo, phụng thờ đức Phật làm thầy.

Đây nói người xuất gia hơi lớn tuổi, chớ không phải nói những người còn nhỏ, người nhỏ chỉ bỏ cha mẹ thôi, còn người lớn phải bỏ cả cha mẹ vợ con để theo Phật, phụng thờ đức Phật làm thầy, phải:

Noi theo đường tắt của chư Phật.

Đường tắt đó là gì?

Chỉ có kinh mà thôi.

Kinh Phật dạy là đường tắt của chư Phật đã đi. Phật chỉ dạy chúng ta phải noi theo đó. Bởi vậy nói rằng kinh là bản đồ do đức Phật ngày xưa đã đi qua, Ngài vẽ lại cho chúng ta thấy, biết và noi theo để đi đến chỗ cuối cùng mà Ngài đã đến. Như vậy kinh là lối chỉ cho chúng ta tiến theo con đường của Phật.

Song trong kinh nói ra không ngoài giới, định, tuệ. Luận Giải Thoát nói: “Giới, định, tuệ gọi là đạo giải thoát.”

Kinh Phật nói rất nhiều, nhưng chỉ có ba phần căn bản là giới, định, tuệ. Ba môn này gọi là tam giải thoát. Giới, định, tuệ là ba con đường đưa đến giải thoát. Vì vậy người nào muốn giải thoát sanh tử phải thực hành giới, định, tuệ.

Giới là nghĩa oai nghi.

Oai nghi là hình tướng. Từ cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn nói của mình sao cho hợp với oai nghi. Người muốn cho tâm an, trước phải có hình tướng điềm đạm trang nghiêm, nếu hình tướng còn lăng xăng thì tâm rất khó yên. Cho nên giới là để kềm chế cho hình tướng được nghiêm chỉnh. Vì vậy, giới Phật không cho Tỳ-kheo vừa đi vừa nhảy, không cho đi ngó bên này liếc bên kia. Đi phải nghiêm trang, đi từng bước, hoặc đi phải nhìn ngay ngó thẳng. Những cử chỉ đó tuy là hình thức nhưng giúp cho chúng ta nhiều để tâm ít loạn. Thế nên nói giới rồi mới nói đến định.

Định là gì?

Định là nghĩa chẳng loạn.

Nghe nói định chúng ta cứ tưởng có cái gì lạ, nhưng thật ra khi tâm không dấy niệm, không khởi nghĩ đó là định. Quí vị thử tìm xét lại có được bao nhiêu phút không dấy nghĩ, hay hết việc này kéo đến việc kia, hết chuyện kia lại kéo ra chuyện khác, chuyện của năm trên năm dưới cứ tuôn ra liên miên không dừng nên tâm loạn động. Khi nào dừng được cái nghĩ, tâm yên lại là định. Bởi vậy, có nhiều vị hỏi tôi: Con tu biết chừng nào được định. Cần hỏi tôi điều đó không? Nếu có trả lời, tôi sẽ nói: Chừng nào tâm không loạn là được định, đó là chân lý. Vì không ai có thể trả lời thời gian chừng nào. Như vậy định nghĩa Định rất rõ rồi.

Tuệ là nghĩa giác tri.

Giác tri tức là hiểu biết đúng như thật. Hiểu biết đúng như thật gọi là Tuệ.

Bây giờ Ngài nói rõ công dụng của mỗi thứ:

Lấy giới để trừ ác cấu.
Ác cấu là gì? Cấu là nhơ nhớp. Tam độc gọi là ác cấu. Tam độc là tham, sân, si. Nhờ giữ giới nên bớt tham, sân, si.
Lấy định để trừ triền cấu.
Triền cấu là thập triền. Thập triền là:
1. Vô tàm.
2. Vô quí.
3. Tật.
4. San (khan).
5. Hối.
6. Thùy miên.
7. Trạo cử.
8. Hôn trầm.
9. Sân phẫn.
10. Phú.
Đó là âm chữ Hán, còn nghĩa:
- Vô tàm là không hổ, không biết xấu hổ.
- Vô quí là không thẹn, tức làm điều xấu mà không thẹn.

Vô tàm vô quí nói gọn là: không hổ không thẹn. Đó là hai bệnh lớn, bệnh nặng. Người nào làm những điều xấu, điều trái không biết hổ thẹn gọi là người da chì lạnh không thay đổi. Những người đó cứ lầm lì tiến tới, không bao giờ sửa đổi. Cho nên hổ thẹn là phương tiện tốt nhất để giúp cho con người vươn lên. Không hổ không thẹn là gốc của tội lỗi. Vì vậy khởi đầu của thập triền là vô tàm vô quí.

- Tật là tật đố, thấy ai hơn mình thì bực bội kiếm chuyện gièm pha, nói xấu. Không thích ai hơn mình, vì mình là số một. Còn có người nào bằng mình thì tâm cứ bực bội bất an.

- San là keo sẻn, san tham rít rắm.

- Hối là hối hận, là tốt, sao đây lại cho là lỗi. Bởi vì hối hận có hai mặt, nếu làm lỗi rồi hối hận để xin lỗi, sám hối thì cái hối đó tốt, nó làm cho mình sửa bỏ được những sai lầm, tội quấy. Còn cái hối mà nhớ lại chuyện cũ đã xảy ra, tỉ dụ người ta nói một câu chỏi mình, mà lúc đó mình trả lời không hay, không vừa ý, đến lúc ngồi thiền cứ nhớ đi nhớ lại việc đó mà hối hận, rồi cố tìm câu trả lời cho hay, khi tìm ra được câu đáp lại muốn xả thiền ngay, để trả lời lại cho hả giận. Như vậy giờ ngồi thiền thành giờ loạn tưởng và cái hối đó là hối loạn tưởng, là bệnh. Cho nên chúng ta phải hiểu cho rõ, cũng một chữ hối mà ở trường hợp này là tốt, trường hợp kia là xấu. Hối lỗi để sám hối, xin lỗi là tốt. Còn thấy mình kém thua có những cái dốt rồi hối tức việc đó sao không đúng như mình muốn, thì cái hối đó làm cho tán loạn trong tâm, nó là bệnh thuộc về triền cấu.

- Thùy miên là ngủ mùi, ngủ mê, cứ nằm xuống là ngủ, có khi ngồi dựa cũng ngủ. Đó là bệnh thùy miên. Khi ngồi thiền mà ngủ gọi là ngồi ở đâu? Ngồi ở núi đen, ngồi trong hang quỉ.
- Trạo cử tức là lăng xăng. Thí dụ như ngồi thì chân nhịp, tay gõ. Thân không yên, tâm cũng không yên, hết nghĩ chuyện này đến chuyện khác lăng xăng. Thân lăng xăng gọi là thân trạo cử, tâm lăng xăng gọi là tâm trạo cử. Người tu có khi thân trạo, có khi tâm trạo.

- Hôn trầm là ngủ gục.

- Sân phẫn có chỗ gọi là sân hận, dịch là giận hờn. Giận hờn người này, giận hờn người kia. Khi giận hờn ai thì ngồi thiền có yên không? Cứ nhớ chuyện giận mãi mà lòng bất an.

- Phú là che. Che đậy lỗi lầm. Làm quấy mà không chịu sám hối nhận tội, cứ che lỗi của mình, đổ thừa người này người nọ. Đó là bệnh phú.

Mười điều này là thập triền, làm sao để trừ nó? Lấy định để trừ triền cấu, tức là lấy thiền định để trừ cái nhơ nhớp của thập triền. Triền là trói buộc, làm cho mình tối tăm mờ mịt.

Lấy tuệ để trừ sử cấu.

Sử cấu là cấu nhớp của thập sử. Thập sử là tham, sân, si, mạn, nghi. Năm cái này gọi là ngũ độn sử. Còn năm cái sau là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến gọi là ngũ lợi sử. Sử là sai khiến, là thúc đẩy mình phải làm, phải đi theo con đường đó gọi là sử. Trong mười sử này chia làm năm cái độn và năm cái lợi. Năm độn sử là năm sử ngu si, nó rất mạnh, trừ rất khó. Năm lợi sử là năm sử khôn ngoan, lanh lẹ. Sử khôn ngoan tuy thấy dữ nhưng dễ trừ.

- Tham là tham lam. Như chúng ta có lòng tham, bất cứ tham cái gì, nó xúi giục mình chạy tìm kiếm. Thí dụ tham ăn, muốn được một món ăn ngon, trong viện không có, ngoài chợ Đà Lạt mới có, thì phải chạy ra Đà Lạt mua. Vậy có phải cái tham sai khiến không? Nhiều người phải khổ vì cái tham này.

- Sân nghĩa là nóng giận. Thí dụ đang ngồi trong nhà, nghe người ngoài đường kêu tên mình nói xấu, mình có ngồi yên không hay chạy ra để cãi lại? Tất cả sự việc đó đều sai sử mình tìm kiếm.

- Si tức si mê mờ ám.

- Mạn tức ngã mạn.

- Nghi là nghi ngờ, không có lòng tin cũng là bệnh lớn. Thông thường trong nhà thiền nói đa nghi thì đa ngộ, nhưng tại sao ở đây lại nói nghi là bệnh? Nói đa nghi đa ngộ là trong khi tu mình dồn tâm đến chỗ thanh tịnh, nếu có một nghi vấn gì chưa giải quyết được, vừa nhớ lại là giải quyết được ngay. Cái nghi đó làm cho mình ngộ được vấn đề chưa hiểu, còn cái nghi này là không biết rõ được gốc thật hư. Thí dụ khi mới tu, cái nghi đầu tiên là nghi Tam Bảo, nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng, mà nếu nghi Phật, Pháp, Tăng thì không thể tu. Hoặc giả nghi không biết mình tu nổi không, tu không biết có được gì không? Đó là những cái nghi làm chướng sự tu của mình, nên nó nằm trong ngũ độn sử.

- Thân kiến là chấp thân hoặc thường còn, hoặc đoạn diệt.
- Biên kiến là chấp một bên, hoặc chấp có, hoặc chấp không.
- Tà kiến là nhìn hiểu theo những điều sai lầm mà cho là đúng.
- Kiến thủ kiến tức là chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình.
- Giới cấm thủ kiến là làm theo lời răn cấm của ngoại đạo tà giáo. Có nhiều tà thuyết đặt ra những điều răn cấm không đúng mà mình lại chấp vào những điều đó.

Mười điều trên đây gọi là thập sử, làm mê hoặc, sai khiến mình chạy theo nó. Như vậy nhờ trí tuệ trừ được nó.
Cho nên dùng giống thiện này (giới - định - tuệ) mà theo đạo, gọi là: sơ thiện, trung thiện, hậu thiện. Giới là sơ thiện, định là trung thiện, tuệ là hậu thiện.

Như vậy là Ngài mới đưa chúng ta đến chỗ biết giới - định - tuệ là ba gốc lành đầu giữa và cuối.

Giới là sơ thiện là, vì tinh tấn trì giới thành tựu bất thối nên mừng. Vì mừng nên hớn hở, vì hớn hở nên cử động, vì cử động nên vui, vì vui nên tâm không định.

Nghĩa là người nào luôn giữ giới được thanh tịnh thì có niệm mừng, vì mừng nên hớn hở. Cũng như đứa bé khi thấy ba má đi đâu xa về thì mừng nên hớn hở tung tăng. Vì thế khi chúng ta giữ giới thanh tịnh thì có niệm mừng, vì mừng nên hớn hở dao động, tức là lăng xăng trong tâm. Vì dao động nên vui, vì vui nên tâm không định. Cho nên cái vui của giữ giới không được an định.

Định là trung thiện là, do thân cử động nên dừng, do dừng nên tâm trụ, do tâm trụ nên thấy biết như thật, đây là trung thiện.

Nghĩa là dừng cử động của thân, thân dừng thì tâm trụ, do tâm trụ nên thấy biết đúng như thật không còn lầm lẫn nữa.

Tuệ là hậu thiện là, do thấy biết như thật nên chán ghét, do chán ghét nên lìa dục, do lìa dục nên giải thoát, gọi là hậu thiện.

Như tôi thường nói người thế gian thấy những gì có dáng vẻ bề ngoài rồi chạy theo, tưởng lầm nó đẹp thật, xấu thật. Người tu thấy rõ thân này là nhơ nhớp, vô thường, không có chủ tể tức không có ngã, thấy rõ như vậy không còn mến thích nó. Vì vậy nên chán ghét, lìa ngũ dục, vì lìa ngũ dục nên giải thoát, không còn bị các trói buộc của thế gian nữa.

Vì thế dùng giới trừ ác thú.

Nhờ giữ giới nên tránh không sanh các cõi ác như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

Dùng định trừ dục giới.

Vì nhờ sức định nên không bị sanh trong các cõi trời Dục giới.

Dùng tuệ để trừ tất cả cõi.

Bởi vì định không sanh trong các cõi trời Dục giới, nhưng lại sanh trong các cõi trời Sắc giới, Vô sắc giới, nên phải nhờ có trí tuệ để trừ hết các cõi, không còn dính trong tam giới. Vì vậy tuệ là cái sau cùng.

Nương theo giới định tuệ này mà tu, tức là đường tắt của chư Phật, chẳng phải xa vậy.

Nếu ai tu đúng theo Giới Định Tuệ là đi đường tắt của chư Phật, thì kết quả thành Phật không phải là chuyện xa vời.

Qua những bài của ngài Trần Thái Tông, quí vị thấy Ngài không những là người hiểu đạo trong phạm vi cư sĩ mà còn hiểu sâu xa đến những người xuất gia, tu hành muốn tiến đến giải thoát phải thế nào. Ngài cũng bàn luận chỉ vẽ rất rõ ràng. Như vậy chúng ta mới thấy Ngài là một con người đang bị trói buộc bởi tất cả tài sắc danh lợi, mà Ngài đã gỡ thoát ra được, thấy rõ hướng đi, chỉ vẽ lại cho người sau, đó là điều thật đáng quí. Bởi vậy càng đọc càng nghe, chúng ta càng hổ thẹn cho mình. Tại sao mình có nhiều điều kiện dễ tu hơn Ngài, mà tu còn lơ mơ, chưa xứng đáng. Vì vậy mỗi người chúng ta nghe thấy gương người đi trước thì phải nỗ lực đi cho đúng, cho bằng chớ đừng thua. Đó là điều tôi mong tất cả hãy cố gắng.

LUẬN GƯƠNG TUỆ GIÁO
Dịch

Tuệ sanh từ sức định. Nếu tâm định thì gương tuệ sanh, nếu tâm loạn thì gương tuệ diệt. Cũng như chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng. Nếu chẳng mài giũa thì tỳ vết bụi nhơ phủ tối. Đã bị bụi nhơ phủ thì ánh sáng làm sao mà sanh? Cho nên trí tuệ do định hiện, định tuệ nương nhau không thể thiếu một.

Nếu mượn danh tọa thiền, tâm chưa được định mà gương tuệ sanh thì không bao giờ có. Tuy có tánh tuệ mà không tập tọa thiền, tự cho đã có tuệ thì cần tọa thiền làm gì? Người như thế, tuy có tuệ mà không gương thể. Nếu khi thiền định, tâm chưa được định mà muốn cầu tuệ, ví như sóng gió chưa dừng mà mong thấy bóng mặt trăng. Nếu tâm đã định lại sanh tà giải, cầu mong được tuệ, cũng như sóng gió đã lặng, bóng trăng lóng trong mà lại lấy tay vớt trong nước muốn được bóng mặt trăng, khi nào được thấy.

Tổ sư nói: “Tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch.” Lại nói: “Tịch tịch tỉnh tỉnh phải, tịch tịch vô ký sai. Tỉnh tỉnh tịch tịch phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai([1]).” Tỉnh tỉnh tịch tịch, tịch tịch tỉnh tỉnh là thuốc, vô ký loạn tưởng là bệnh. Nếu thân có bệnh phải nhờ thuốc đối trị, thân đã bình định còn gì phải trị. Nếu được như thế thì định tuệ thành tựu.

Giảng

Tuệ sanh từ sức định. Nếu tâm định thì gương tuệ sanh, nếu tâm loạn thì gương tuệ diệt. Cũng như chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng. Nếu chẳng mài giũa thì tỳ vết bụi nhơ phủ tối. Đã bị bụi nhơ phủ thì ánh sáng làm sao mà sanh? Cho nên trí tuệ do định hiện, định tuệ nương nhau không thể thiếu một.

Đây là đoạn đầu ngài Trần Thái Tông nói về gương trí tuệ. Trí tuệ từ đâu mà có, tức là trí tuệ từ sức định, do định mà có tuệ. Nếu không có giới thì khó được định, nếu không có định, không thể phát tuệ. Thế nên giới định tuệ có sự liên quan mật thiết, nếu thiếu một chúng ta khó thực hiện được trí tuệ cao siêu.

Nếu tâm định thì gương tuệ sanh, nếu tâm loạn thì gương tuệ diệt.

Ở đây Ngài ví dụ tuệ như cái gương. Gương sáng là nhờ đâu, tức nhờ trong sạch nên gương sáng. Nếu gương bị bụi phủ, hay bị những vết hằn trên mặt gương, chúng ta sẽ không thấy gương sáng được. Ví dụ tâm chúng ta loạn tưởng nhiều, đó là những bụi làm nhơ gương trí tuệ của mình. Vì vậy định là phương tiện để gương trí tuệ sáng. Muốn được sáng suốt, trước hết tâm phải an định, từ tâm an định mới phát ra trí tuệ. Nếu tâm không an định mà muốn được trí tuệ không bao giờ có. Thế nên, chúng ta phải ngồi thiền nhiều là phương tiện để tâm an định, từ tâm an định chúng ta mới có trí tuệ sáng suốt thấy được lẽ thật ở nơi mình và ở ngoại cảnh. Vì vậy, trí tuệ không phải tự có mà nhờ tâm an định mới phát ra.

Cũng như chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng. Nếu chẳng mài giũa thì bụi nhơ phủ tối.

Đây nói gương bằng đồng chớ không phải gương pha lê. Gương bằng đồng có khi chúng ta thấy nó sáng, có lúc thấy tối. Vì sao? Gương sáng là nhờ có mài giũa, do mài giũa cho hết tỳ vết để gương được phẳng, có phẳng gương mới sáng, nhưng nếu không giữ để bụi bặm phủ lấp thì gương vẫn tối như thường. Vì vậy trước có công phu mài giũa, kế phải giữ gìn gương mới trong, gương trong thì được sáng. Gương trí tuệ của chúng ta cũng vậy, trước phải cố gắng dẹp bỏ vô minh phiền não, rồi gìn giữ không cho loạn tưởng. Hội đủ hai điều này thì trí tuệ chúng ta sẽ được sáng. Đó là ý nghĩa dụ trí tuệ như gương.

Đã bị bụi nhơ phủ thì ánh sáng làm sao mà sanh? Cho nên trí tuệ do định hiện, định tuệ nương nhau không thể thiếu một.

Nghĩa là gương bị bụi nhơ phủ kín thì làm sao có ánh sáng. Cũng vậy, nếu tâm loạn tưởng thì trí tuệ không thể sanh. Trí tuệ sanh là do có sức an định. Nhưng ở đây nói theo lối nhìn của Nhị thừa, luôn luôn đặt trước có giới, sau có định, rồi mới có tuệ. Nếu nhìn theo tinh thần của Lục Tổ thì định tuệ bình đẳng. Định và tuệ không tách rời nhau, có định tức có tuệ, có tuệ tức có định. Tại sao vậy? Vì đối với Thiền tông chúng ta không phải đợi tâm an định viên mãn mới phát ra trí tuệ. Nếu vậy thì định trước tuệ sau, mà Thiền tông nói định và tuệ đồng thời, trong định có tuệ, trong tuệ có định, hai cái không tách rời nhau được. Do đâu để chứng nghiệm điều này. Thí dụ hằng ngày chúng ta ngồi thiền thấy vọng không theo. Vọng dấy là động, mình biết nó, nó lặng xuống, thì cái biết vọng là tuệ, vọng lặng là định. Do đó không phải đợi khi tâm an định hoàn toàn chúng ta mới có tuệ, mà chính khi nó đang dấy động chúng ta vẫn có trí tuệ thấy biết, không theo thì được an. Hiểu như vậy mới biết tinh thần Thiền tông mà Lục Tổ đã nói là Định Tuệ bình đẳng. Nếu vọng dấy lên chúng ta thấy thì cái thấy vọng để không theo đó là tuệ. Nhưng khi vọng lặng hết không còn nữa thì lúc đó tuệ đang ở đâu? Tuệ ở chỗ biết vọng đang yên. Như bây giờ không có vọng thì ai biết không vọng? Khi vọng dấy lên nó biết, khi không vọng nó cũng biết, thì cái biết trước là tuệ, cái biết sau cũng là tuệ. Hiểu cho thật kỹ mới rõ được ý nghĩa tu thiền. Nếu không hiểu cứ cố gắng kềm cho nó yên, khi nó yên lại hoảng hốt lên tưởng mình đâu mất rồi. Khi có vọng tưởng mình còn thấy, bây giờ vọng lặng hết sao không thấy gì. Như vậy tưởng là mất sạch không còn tâm tri giác, nhưng không ngờ khi vọng yên rồi, thì thấy rõ vọng yên, mà thấy rõ vọng yên là cái gì thấy? Đó là trí tuệ thấy.

Thế nên tôi thường hay dẫn câu chuyện của vị Tổ thứ mười tám ở Ấn Độ là Tổ Già-da-xá-đa. Một hôm, Ngài đi hóa đạo ngang qua một vùng nọ, có người Bà-la-môn tên Cưu-ma-đa-la (sau này là vị Tổ thứ mười chín) thấy Ngài bèn đến hỏi: “Ngài tu theo đạo nào mà có đức hạnh đáng kính như thế?” Ngài nói: “Tôi tu theo đạo Phật.” Người Bà-la-môn nghe Ngài nói tu theo Phật, ông hoảng sợ, chạy về nhà đóng kín cửa lại. Tổ biết người này có duyên, về sau sẽ làm được Phật sự lớn, nên Tổ theo tới nhà. Đến nơi, thấy cửa đóng kín, Tổ bước lại gõ cửa, gõ mãi ông vẫn làm thinh. Sau cùng, ở bên trong ông nói vọng ra: “Trong nhà không có người.” Tổ liền hỏi: “Không có người, vậy ai trả lời đó?” Nghe Tổ nói như vậy, ông mới giựt mình mở cửa ra đón Tổ.

Câu chuyện này nghe qua như chuyện đùa, nhưng có một ý nghĩa thâm trầm mà chúng ta không biết. Thường chúng ta cứ nghĩ khi vọng tưởng lăng xăng nghĩ việc này đến việc khác, lúc đó nói tâm mình đang nghĩ, đang suy tính, nhưng có một phút giây nào tâm lặng xuống không nghĩ suy nữa, lại hoảng hốt tưởng như mất mình. Cũng giống như người Bà-la-môn kia khi nghe tiếng gõ cửa lại trả lời không có người ở nhà. Quả là dốt! Đã lên tiếng mà nói không có người thì chỉ có người ngu dốt mới như vậy. Nhưng thật tình chúng ta cũng giống như ông Bà-la-môn kia. Khi tâm lăng xăng thì cho là có tâm, đến lúc tâm yên lặng nói không có tâm nữa, mất tôi rồi. Vậy ai biết tâm yên lặng, ai biết mất tôi? Đã biết nói “mất tôi” là có người biết nói, mà có biết nói tức có mình chớ có mất đâu? Nếu mất tôi thì không có cái biết, còn biết mất tôi là có mình rõ ràng. Đó là việc rất tế nhị mà người tu có khi không hiểu, từ chỗ không hiểu mà tu ít lâu rồi hoảng sợ mình tu sai, sợ rơi vào không. Bởi vì khi không có vọng tưởng lại tưởng là không ngơ, nhưng không ngờ không vọng tưởng mà có “cái biết không vọng tưởng”. Biết không vọng tưởng thì làm sao nói “không” được? Đó là ý nghĩa trong nhà thiền thường nói Định Tuệ không rời nhau. Tóm lại, khi định còn có cái biết mình an định đó là tuệ, nếu không có cái biết, làm sao biết lúc đó tâm an định. Chỗ này quí vị cần phải thấy rõ để khỏi lầm lẫn. Vì vậy định và tuệ không thể thiếu trong lúc chúng ta tu thiền.

Nếu mượn danh tọa thiền, tâm chưa được định mà gương tuệ sanh thì không bao giờ có.

Câu mượn danh tọa thiền, nguyên chữ Hán là giả danh tọa thiền. Ở đây Ngài muốn nói cho chúng ta hiểu rõ chữ TUỆ. Như trong kinh thường nói mỗi chúng sanh đều có tánh giác, hay đều có Phật tánh, tức là có trí tuệ sẵn nơi chúng ta, tuy có trí tuệ sẵn nhưng nếu tâm chưa an định thì trí tuệ không phát sanh được. Đây tôi phân tích cho quí vị hiểu rõ nghĩa hai chữ trí tuệ sanh và trí tuệ sẵn. Trí tuệ sẵn là trí tuệ thầm biết, lúc nào cũng hằng hữu nơi chúng ta, trí tuệ đó gọi là tánh tuệ. Tuy có tánh tuệ nhưng nếu không nhờ tọa thiền để tâm an định thì tánh tuệ không phát khởi mạnh nên không sanh tuệ. Như vậy là có tánh tuệ mà không có diệu dụng, không có hiện tướng của trí tuệ. Người tu thiền sẽ thấy rõ điều này. Vì vậy chúng ta thường nghe nói tu thiền sẽ có giác ngộ, việc này không gì lạ. Vì trong khi tu, những gì chúng ta học hoặc đọc trong kinh chưa hiểu, lòng còn băn khoăn, thắc mắc, ôm ấp nghi ngờ, bất chợt một hôm nào đó ngồi thiền tâm được yên, bỗng dưng sáng ra, thông suốt được là do trí tuệ phát khởi hay trí tuệ sanh. Trí tuệ phát sanh này do tâm yên sáng, phát ra diệu dụng làm chúng ta hiểu biết cụ thể những vấn đề chưa hiểu. Do đó trí tuệ sanh là cái diệu dụng hay cái hiện tướng của trí tuệ sẵn hay tánh tuệ. Cho nên nói:

Tuy có tánh tuệ mà không tập tọa thiền, tự cho đã có tuệ thì cần tọa thiền làm gì? Người như thế, tuy có tuệ mà không gương thể.

Nghĩa là tuy có trí tuệ sẵn mà gương thể của trí tuệ không hiện. Như cái gương bị bụi bặm phủ, nên tuy có gương mà không có ánh sáng của gương, phải nhờ lau bụi ánh sáng mới phát. Đây là trường hợp chỉ người tự ỷ mình có tánh tuệ không cần tọa thiền thì tuệ không phát sanh.

Nếu khi thiền định, tâm chưa được định mà muốn cầu tuệ, ví như sóng gió chưa dừng mà mong thấy bóng mặt trăng.

Thí dụ như đêm rằm, chúng ta ở gần bờ hồ hoặc gần dòng sông, khi gió mạnh sóng to, dù có trăng nhưng nhìn xuống sông, hồ chúng ta thấy rõ bóng mặt trăng không? Vì có sóng mặt nước không yên, nên nhìn không thấy rõ bóng mặt trăng. Cũng như trường hợp trên, tuy biết mình có tuệ sẵn tức là có tánh tuệ, nhưng vẫn phải ngồi thiền cho tâm được định thì trí tuệ mới phát sanh. Như khi sóng gió lặng thì đêm rằm nhìn xuống mặt hồ, mặt sông, chúng ta sẽ thấy mặt trăng hiện đầy đủ.

Nếu tâm đã định lại sanh tà giải, cầu mong được tuệ, cũng như sóng gió đã lặng, bóng trăng lóng trong mà lại lấy tay vớt trong nước muốn được bóng mặt trăng, khi nào được thấy.

Đây là trường hợp tâm được định lại khởi tà giải. Tà giải là hiểu không đúng chân lý hay hiểu thiên lệch một bên. Nếu khởi hiểu thiên lệch thì cái định bị xao xuyến. Thí dụ chúng ta nghe trong kinh Phật dạy, những người tu chứng A-la-hán có lục thông trong đó có Túc mạng thông là biết được quá khứ vị lai, nhớ được vô số đời trước và biết những đời sau. Vì vậy khi ngồi thiền tâm vừa được yên, chúng ta liền khởi nghĩ muốn được thần thông để biết quá khứ vị lai của mình của người, hoặc khởi niệm xuất hồn để đi du lịch chỗ này chỗ kia. Khi khởi niệm tâm liền xao xuyến không còn yên nữa. Giống như đêm rằm ở dưới dòng sông hay dưới mặt hồ không có sóng, nhìn xuống thấy bóng mặt trăng vội đưa tay vớt bóng, đã không nắm bắt được, lại làm xáo động mặt hồ và mất bóng mặt trăng. Vì vậy khi tâm được định cứ để định, trí sáng cứ để sáng, tâm càng định trí càng sáng. Đến khi nào tất cả phiền não lậu tận sạch rồi thì tự sáng, biết được quá khứ vị lai, nếu khởi niệm muốn biết là lạc, là sai. Đó là để nói người tu thiền mà sanh tà giải thì từ đó trí tuệ mất luôn không còn hiện nữa. Vì vậy có nhiều người rất thích tu thiền, nhưng trong khi tu lại khởi những niệm sai lầm nên bị dẫn đi lạc hướng, rồi từ đó mất hết trí tuệ chân thật, là do không hiểu được gốc của sự tu.

Tổ sư nói: “Tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch.” Lại nói: “Tịch tịch tỉnh tỉnh phải, tịch tịch vô ký sai. Tỉnh tỉnh tịch tịch phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai.” Tỉnh tỉnh tịch tịch, tịch tịch tỉnh tỉnh là thuốc, vô ký loạn tưởng là bệnh. Nếu thân có bệnh phải nhờ thuốc đối trị, thân đã bình định còn gì phải trị. Nếu được như thế thì định tuệ thành tựu.
Đây là Ngài dẫn lời của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác trong bộ Vĩnh Gia Tập, để làm tiêu chuẩn cho người tu thiền đúng và sai. Đầu tiên nói “Tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch”. Tịch là lặng, chiếu là soi sáng. Lặng mà thường soi sáng, soi sáng mà thường lặng lẽ. Đó là trọng tâm của tu thiền. Bây giờ dẫn câu nói rõ ràng về đúng và sai của người tu thiền là “Tịch tịch tỉnh tỉnh phải”. Tức lặng lặng mà tỉnh tỉnh, đó là ngồi thiền đúng. Khi ngồi thiền tâm yên mà luôn luôn tỉnh sáng là đúng. Ngược lại “Tịch tịch vô ký sai”. Vô ký tức không nhớ không biết. Lặng lặng mà không biết gì đó là sai. Đây là cây thước để đo người tu thiền đúng và sai. Nếu ngồi thiền được yên tĩnh, tâm không dấy động mà vẫn tỉnh sáng, đó là tịch tịch tỉnh tỉnh, là đúng. Nếu ngồi yên tĩnh mà không biết mình đang làm gì, đó là vô ký, là sai. Đúng hay sai chỉ do lệch một chút đó. Nếu tịch mà tỉnh là đúng, tịch mà quên hết là sai. Ngược lại “Tỉnh tỉnh tịch tịch phải, tỉnh tỉnh loạn tưởng sai”. Ngồi thiền mà luôn luôn tỉnh sáng, có gió thổi, có tiếng động đều nghe, ai đi qua trước mặt cũng thấy v.v... Tỉnh như vậy mà tâm vẫn lặng lẽ là đúng. Nếu tỉnh mà cứ nghĩ chuyện này chuyện kia luôn, là sai. Đây là tỉnh tỉnh mà loạn tưởng thì sai. Như vậy chúng ta hãy kiểm tra lại mình sai ở chỗ nào, chắc hầu hết là tỉnh tỉnh mà loạn tưởng. Đó là chưa đúng tinh thần thiền. Chúng ta phải nắm vững được điều này, để khi tu tự biết lúc nào đúng, lúc nào sai. Nếu không biết, nhiều khi cứ ngồi để mặc nó ra sao thì ra là không được, là đưa đến sai lầm. Vì vậy người tu thiền cần phải học hiểu cho cẩn thận, không nên để sai lệch, vì nếu mình tu đã lệch rồi hướng dẫn người khác cũng sẽ lệch theo luôn. Thế nên trong kinh thường nói thầy mù dẫn một đám mù, người đi trước mù, những người đi theo cũng mù luôn, rốt cuộc rơi xuống hố không ai cứu được. Bởi vậy muốn hướng dẫn người đi, trước chúng ta phải sáng, nếu mù thì không nên làm. Nhưng nhiều người có thiện chí tối đa, tuy mình còn mù mà cũng muốn dẫn người đi, cho nên không sao tránh khỏi rơi vào những tệ nạn. Vì vậy chúng ta phải hiểu cho thật kỹ điều này.

Đây tôi chỉnh lại câu này theo trong quyển của ngài Trần Thái Tông, không biết do người xưa hay người sau này viết sai. Nguyên văn chữ Hán của ngài Huyền Giác là “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị, tịch tịch hôn trầm phi. Tỉnh tỉnh tịch tịch thị, tỉnh tỉnh loạn tưởng phi”. Ở đây trong chánh văn lại nói “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị vô ký, tỉnh tỉnh tịch tịch thị loạn tưởng”. Hai câu này tôi cho là lầm, vì trong khi sắp bản in có thể sai, chớ nguyên bản chữ Hán là “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị, tịch tịch hôn trầm phi. Tỉnh tỉnh tịch tịch thị, tỉnh tỉnh loạn tưởng phi”. Những câu này tôi đã đọc kỹ trong Vĩnh Gia Tập, nên đây tôi chỉnh lại cho quí vị so sánh để khỏi hiểu lầm bên chữ Hán.

Kết luận bài Luận Gương Tuệ Giáo chủ yếu ngài Trần Thái Tông muốn khuyến khích tất cả chúng ta tu phải nhờ thiền định để phát sanh trí tuệ. Mặc dù trong kinh Phật dạy mỗi người chúng ta đều có tánh giác, tức là tánh tuệ đã sẵn, nhưng nó bàng bạc ở con người chúng ta. Vì vậy phải nhờ tọa thiền đúng cách, đúng pháp thì tánh giác mới phát khởi diệu dụng để thấy biết thân và cảnh đúng như thật được. Nếu không tọa thiền, chúng ta khó có được diệu dụng của tánh giác, nghĩa là trí tuệ không phát. Như vậy người tu thiền phải tránh hai bệnh:

1. Tự ỷ có tánh giác rồi cứ đi ngao du nơi này chốn nọ mãi mà không cần tọa thiền, vì nghĩ nó đã có sẵn cần gì phải tọa thiền cho mất thời giờ. Đó là bệnh. Tuy có tánh giác hay đã nhận ra mình có tánh giác, nhưng chưa có diệu dụng, nhờ tâm an định mới phát khởi diệu dụng. Muốn tâm an định phải nhờ tọa thiền. Vậy nên tánh giác tuy có nhưng nếu không tọa thiền thì cũng không phát khởi.

2. Tuy tọa thiền tâm được an định lại sanh tà giải, khi khởi niệm tà, tâm định liền mất lại rơi vào loạn tưởng. Cũng giống như người thấy bóng mặt trăng dưới hồ, vội đưa tay vớt, dầu có vớt suốt ngày cũng không nắm được bóng mặt trăng.

Phần cuối là nương theo ý Tổ dạy dùng làm thước để đo người tu thiền biết đúng hay sai. Nếu tọa thiền tâm yên lặng mà vẫn sáng suốt thấy nghe không lầm, gọi là tịch tịch tỉnh tỉnh là đúng với người tu thiền. Nếu khi tọa thiền tâm yên một lúc rồi quên hết không biết gì nữa, đó là tịch tịch mà vô ký. Đây là bệnh. Vì vô ký sẽ đi đến hôn trầm. Như vậy vô ký và hôn trầm gần kề với nhau. Cho nên nói ngồi thiền mà nhắm mắt che tròng là ở trong hang quỉ. Vì khi mình mờ mờ mịt mịt rồi không biết gì hết, đó là sai lầm. Khi ngồi thiền rất tỉnh sáng mà không có vọng tưởng gọi là tỉnh tỉnh tịch tịch. Chữ Tịch nghĩa là Định, chữ Tỉnh nghĩa là Tuệ. Như vậy định và tuệ không rời nhau. Trí tuệ hằng sáng mà tâm vẫn an định đó là đúng. Nếu tỉnh mà loạn tưởng là sai. Chúng ta hãy lấy đây làm cây thước đo để biết mình ngồi thiền đúng hay sai. Vì có người tu mà không được gần thầy hướng dẫn, nên tu mà không biết đúng hay sai, có lạc hay không lạc. Vì thế để nhắc cho quí vị hiểu rõ, trong khi tu chúng ta có thể nương những bài này tự làm thước đo để biết mình tu đúng hay sai không cần phải hỏi ai nữa cả.

LUẬN VỀ NIỆM PHẬT
Dịch

Phàm niệm Phật là do tâm khởi. Tâm khởi thiện thì niệm thiện, khởi niệm thiện thì nghiệp báo thiện. Tâm khởi ác là niệm ác, sanh nghiệp ác thì ứng nghiệp ác. Như gương hiện ảnh, tợ bóng theo hình. Cho nên Thiền sư Vĩnh Gia nói: “ai vô niệm, ai vô sanh” là nghĩa này vậy.

Nay học giả muốn khởi chánh niệm để dứt ba nghiệp, cũng nhờ công niệm Phật. Thế nào là niệm Phật được dứt ba nghiệp? Vì khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm hạnh tà là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà là dứt khẩu nghiệp. Ý gắng tinh tấn, chẳng khởi niệm tà là dứt ý nghiệp. Song người trí có ba bậc:

Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm. Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.

Bậc trung trí ắt nương niệm Phật. Chú ý chuyên cần, niệm niệm chẳng quên, tự tâm thuần thiện. Niệm thiện đã hiện, niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm, nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo. Lúc mạng chung được vui Niết-bàn - thường lạc ngã tịnh - là Phật đạo vậy.

Bậc hạ trí thì miệng siêng niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sanh về nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sanh về nước Phật. Sau được chư Phật dạy bảo chánh pháp, chứng được bồ-đề, cũng vào quả Phật.

Ba bậc trên sâu cạn chẳng đồng, chỗ được là một vậy. Song bậc thượng trí nói thì dễ mà hành thì khó. Người thời nay muốn theo gương học, toàn không có chỗ gá nương, trọn trông bờ rồi lui, rất khó đặt chân. Bậc trung trí nếu hay siêng tu như lời nói ở trên thì tức khắc thành Phật. Nếu như lậu chưa hết mà lâm chung, tùy quả báo kia trở lại thọ sanh ở đời, nhận quả báo thiện. Quả báo thiện đã hết, không có người đánh thức, trở lại rơi vào đường ác. Như thế đó cũng là khó vậy. Bậc hạ trí lấy niệm Phật làm nấc thang, lấy tinh tấn làm cây thang, chú ý duyên lành, nguyện sanh về nước Phật. Siêng năng không lười biếng, tâm tánh thuần thục, sau khi mạng chung, tùy theo sở nguyện, được sanh về nước Phật. Đã sanh về nước Phật thân đó không bao giờ mất.

Người học thời nay, đã được thân người, ba nghiệp đồng có, mà chẳng dùng niệm Phật, cầu sanh về cõi Phật, đâu chẳng khó sao? Như muốn niệm Phật, tức lấy bậc hạ trí làm trước. Tại sao? - Vì có chú ý vậy. Ví như xây đài ba tầng, mà chẳng dùng tầng dưới làm trước thì không thể có vậy.

Giảng

Phàm niệm Phật là do tâm khởi. Tâm khởi thiện thì niệm thiện, khởi niệm thiện thì nghiệp báo thiện. Tâm khởi ác là niệm ác, sanh nghiệp ác thì ứng nghiệp ác. Như gương hiện ảnh, tợ bóng theo hình. Cho nên Thiền sư Vĩnh Gia nói: “ai vô niệm, ai vô sanh” là nghĩa này vậy.

Đây là mở đầu nói về niệm Phật, Ngài nêu chủ yếu của niệm cho chúng ta thấy, niệm là tâm dấy khởi, tâm vừa dấy khởi nghĩ một cái gì đó là niệm. Dấy khởi nhớ danh hiệu Phật thì gọi là niệm Phật, dấy khởi nhớ chúng sanh thì gọi là niệm chúng sanh v.v... Dấy khởi nghĩ ác là niệm ác, dấy khởi nghĩ thiện là niệm thiện. Như vậy tất cả dấy khởi đều từ tâm mà ra, đó là chủ của nghiệp, cho nên trong kinh Phật thường nói tam nghiệp thân, khẩu, ý. Cái dấy khởi ở nội tâm mình là dấy khởi của ý nghiệp. Như vậy, khởi niệm là gốc của mọi thiện ác.

Niệm có thể chia làm ba thứ: niệm ác, niệm thiện và niệm tịnh. Niệm ác bị dẫn đi đường ác, niệm thiện được dẫn đến nơi lành, niệm tịnh được dẫn sanh cõi tịnh. Ba niệm đó đều là niệm hết. Như vậy chúng ta biết rõ do đâu chúng ta sanh đến đây. Tôi nói xa hơn, trong kinh thường dạy mười hai nhân duyên, đầu tiên là vô minh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc v.v... Vô minh là mờ tối, do vô minh nên khởi nghiệp là hành. Từ có nghiệp nên dẫn thức đi thọ sanh. Từ thức mới có danh sắc, lục nhập v.v... Nếu tâm thể chúng ta yên lặng trong sáng bình tĩnh thì không có vô minh, nhưng khi vừa khởi nghĩ là đã quên mất cái tâm sáng rồi, mà quên tâm sáng là vô minh. Bởi vô minh nên mới khởi nghĩ ác, khởi nghĩ thiện, khởi nghĩ tịnh v.v... Những khởi nghĩ đó là động cơ dẫn mình đi. Vì vậy nên khi chúng ta sắp chết mà lúc còn tỉnh thì không có nghiệp ác nghiệp thiện hiện ra, nhưng khi vừa quên cái tỉnh là vô minh, tức lúc hôn mê nếu khởi nghĩ lành thì ngay đó có chư thiên hoặc thân nhân quyến thuộc dẫn đi chỗ an vui, đó là đường lành; nếu khởi nghĩ ác thì thấy ngưu đầu ngục tốt lấy roi gậy rượt đánh dẫn vào đường ác. Còn khởi nghĩ tịnh thì nhớ Phật, niệm Phật liền thấy Phật hay Bồ-tát hiện ra rước về Cực Lạc. Như vậy niệm có trong khi hôn mê là chủ yếu dẫn mình đi tùy theo niệm ác, niệm thiện hay niệm tịnh.

Cho nên trong nhà Phật dạy chúng ta khi gần nhắm mắt nên thỉnh quí thầy quí cô cùng thân quyến đến hộ niệm, hoặc niệm Phật hoặc tụng kinh cho nghe để khi vừa quên cái tỉnh thì bắt đầu có niệm thiện dẫn đi. Điều này hết sức quan trọng, vì vậy nên hộ niệm là ngay lúc đó, còn khi đã đi rồi thì thôi, bốn mươi chín ngày cũng là phụ. Chỉ ngay lúc lâm chung đang tranh tối tranh sáng, khi cái tối vừa che mất cái sáng thì tùy khởi niệm nào liền đi theo niệm đó. Vì niệm khởi là nghiệp, lúc đó thân không tạo, khẩu không tạo, chỉ có ý nên khi ý khởi niệm lành nhớ những người hiền hay nhớ cảnh tốt thì có người hiền cảnh tốt hiện ra, nhớ những người thù kẻ oán thì người thù kẻ oán hiện ra, nhớ Phật thì có Phật đến.

Niệm gọi là hành, vì khi quên mất thân này, quên mất sự sống này, rồi khởi niệm thiện ác và theo đó mà đi thọ sanh. Như vậy chúng ta mới thấy cái khởi niệm trong lúc này hết sức hệ trọng. Vì vậy có người đặt câu hỏi: “Tôi niệm Phật, khi chết Phật rước về Cực Lạc, còn quí thầy tu thiền chỉ buông niệm, không có niệm, khi chết ai rước và đi đâu?” Như vậy quí vị phải trả lời thế nào? Người niệm Phật được Phật rước vui quá, còn chúng ta tu thiền nhất là đến chỗ vô niệm thì ai rước, chẳng lẽ đi lang thang hay sao? Đây là chỗ chúng ta phải hiểu cho thật rõ: Còn niệm là còn sanh, hết niệm là vô sanh. Còn rước là còn sanh, không ai rước là vô sanh. Vô sanh là gì? Là Niết-bàn. Mục đích chúng ta tu là đạt đến vô sanh, là Niết-bàn, nên tu đến vô niệm là được vô sanh. Ngay đời này nhập Niết-bàn còn hơn là về Cực Lạc phải mất thời giờ tu đến thời gian sau mới được vô sanh, được Niết-bàn. Như vậy là chúng ta tu tắt. Song có nhiều người không hiểu cứ nghĩ muốn tu để về sau hưởng, mà hưởng là phải có sanh mới hưởng, không sanh làm sao hưởng, nên tưởng không ai rước rồi sẽ lang thang. Đó là hiểu lầm rồi đâm ra hoảng hốt! Vì vậy chúng ta nên biết khi niệm dứt sạch yên tĩnh đó là Niết-bàn, là vô sanh, tự tại tự do không cần ai đón rước. Còn đón còn rước là còn lệ thuộc, còn bị sanh. Thế nên ngài Vĩnh Gia nói “Thùy vô niệm, thùy vô sanh?” Thùy là ai. “ai vô niệm, ai vô sanh?” Người tu khi đã đạt đến chỗ vô niệm vô sanh rồi, lúc đó còn gì phải nói đi đâu, còn gì phải nói sanh tử, cho nên nói “Ai vô niệm, ai vô sanh?” Còn niệm tự nhiên còn sanh nơi này nơi kia, khi niệm dứt rồi thì sanh tử không còn.

Các vị Bồ-tát không như chúng ta ưng nhập Niết-bàn sớm. Tại sao vậy? Bởi vì nếu trong đời này từ một phàm phu tăng chúng ta tu được vô niệm rồi nhập Niết-bàn, như vậy chúng ta đã an trụ trong Niết-bàn của Thanh văn. Vì vậy nên cần phải độ sanh đến khi nào tất cả chúng sanh đều được Niết-bàn rồi chúng ta mới nhập, đó mới gọi là Bồ-tát hạnh. Thế nên tuy các ngài đạt đến chỗ vô sanh, nhưng khi gần nhắm mắt các ngài khởi đại nguyện, nguyện đời sau làm những gì cho chúng sanh. Do khởi đại nguyện tức khởi niệm nên các ngài theo nguyện tiếp tục sanh để làm tròn bản nguyện, chớ không chịu ngang đó dừng nghỉ. Nếu dừng nghỉ thì không đầy đủ tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Vì vậy giả sử chúng ta tu đến hết đời này được yên, rồi muốn nhập Niết-bàn thì không độ được bao nhiêu người. Thế nên phải nguyện trở lại để độ chúng sanh, mà nguyện tức là khởi niệm, vì có niệm nên chỗ nào có duyên thì sanh ra để hóa độ đến khi nào đầy đủ mới thành Phật, chớ không phải hết niệm liền thành Phật. Hiểu như vậy mới thấy rõ ý nghĩa của người tu, nếu không nhiều khi chúng ta tu rồi cứ hoang mang không biết sao cho trúng.

Nay học giả muốn khởi chánh niệm để dứt ba nghiệp, cũng nhờ công niệm Phật. Thế nào là niệm Phật được dứt ba nghiệp? Vì khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm hạnh tà là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà là dứt khẩu nghiệp. Ý gắng tinh tấn, chẳng khởi niệm tà là dứt ý nghiệp.

Ở đây Ngài nói “miệng tụng chân ngôn” nghĩa là niệm Phật cũng như chân ngôn, mà chân ngôn đây không phải là thần chú, vì chân là chân thật, ngôn là lời nói, lời nói chân thật là lời niệm Phật. Như vậy Ngài giải thích niệm Phật là để dứt ba nghiệp: nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý. Làm sao niệm Phật dứt được nghiệp thân? Bởi vì khi niệm Phật thân ngay thẳng, yên tĩnh đó là dứt nghiệp ác của thân, miệng niệm danh hiệu Phật, chẳng nói lời tà là dứt nghiệp ác của khẩu. Ý gắng tinh tấn không cho nghĩ ác nghĩ bậy là dứt tà niệm. Tà niệm dứt là dứt được ý nghiệp. Như vậy niệm Phật có công năng dứt được ba nghiệp, nhưng ở đây chúng ta phải hiểu cho rõ không có nghiệp tạo ác nhưng còn có nghiệp tịnh, nên nói cõi Phật là Tịnh độ. Người muốn được sanh cõi tịnh thì phải có nghiệp tịnh, tức ý nghiệp thanh tịnh mới được sanh về cõi Phật. Vì vậy mới có câu: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương.”

Song người trí có ba bậc:

Bậc thượng trí thì tâm tức Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm. Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.

Ngài chia niệm Phật làm ba bậc: thượng trí, trung trí và hạ trí.

“Bậc thượng trí thì tâm tức Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm.”

Nghĩa là sao? Tâm an tịnh trong sáng của chúng ta đó là Phật. An tịnh trong sáng tức là “tịch tịch tỉnh tỉnh”. Tâm ấy là Phật nhưng vừa dấy một niệm là đã có bụi, nên nói “niệm tức là trần”. “Chẳng cho một điểm”, nghĩa là nó đang thanh tịnh trong sáng mà dấy niệm tức là có bụi, có bụi là đã mất cái thanh tịnh trong sáng ấy. Quí vị nhớ trong nhà thiền có câu: “Mạt vàng tuy quí, rơi vào mắt cũng bị xốn.” Đó là muốn nói mạt vàng là quí nhưng để rơi vào con mắt một tí cũng cảm thấy khó chịu, huống nữa là bụi bặm. Bụi bặm là dụ cho niệm thiện, niệm ác, còn mạt vàng dụ cho niệm tịnh, tức là niệm Phật. Đối với tâm thể thanh tịnh trong sáng là đủ, còn thêm một niệm tức là bụi. Thế nên người tu thiền phải buông hết tất cả niệm, vì còn có một niệm tức còn một điểm bụi, mà có bụi là chưa hoàn toàn trong sáng. Chỗ trong sáng đó gọi là tâm tức Phật, là tánh giác của chính mình.

“Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật.” Niệm trần tức là những niệm lăng xăng, nó vốn tịnh tức yên lặng nên gọi như như bất động. Lúc nó đã yên, không dấy niệm thì gọi là như như, là bất động, mà chính chỗ như như bất động là thân Phật.

“Thân Phật tức là thân ta”: Thân Phật là Pháp thân của chính mình chớ không phải Báo thân hay Ứng thân. Bởi vì cái như như bất động đó đâu có rời mình nên nói thân Phật là thân ta.

“Không có hai tướng”, vì nó không rời mình nên không có hai tướng.

“Tướng tướng không hai, lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.” Tất cả tướng đều không hai, nhưng tại sao “lặng lẽ thường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống”? Tôi ví dụ có một phút giây nào trong tâm quí vị không dấy một niệm mà mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, tất cả cảm giác đều nguyên vẹn, không mờ không thiếu, sáng rỡ rõ ràng mà tâm vẫn an tịnh, lặng lẽ như như, đó là Phật sống. Còn khởi niệm biết mình đang tịnh thì nó đã động rồi. Các ngài sống không dấy niệm là sống thường sáng suốt, hằng giác, hằng tri gọi là Phật sống. Còn chúng ta vừa có niệm dấy lên thì chạy theo nên tạo nghiệp và có luân hồi. Nếu vừa được yên một chút liền khởi niệm mừng là đã mất cái an tịnh. Như vậy ở đây chỉ cho chúng ta thấy được Phật pháp thân của chính mình. Những giờ phút yên tĩnh là giờ phút sống với Phật pháp thân, mà Phật pháp thân luôn hiện hữu chớ không vắng mặt lúc nào, đó gọi là bậc thượng trí. Niệm Phật như thế thì cả thiền và tịnh không hai.

Bậc trung trí ắt nương niệm Phật. Chú ý chuyên cần, niệm niệm chẳng quên, tự tâm thuần thiện. Niệm thiện đã hiện niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm, nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo. Lúc mạng chung được vui Niết-bàn - thường lạc ngã tịnh - là Phật đạo vậy.

Đây là bậc trung trí niệm Phật. Trung trí niệm Phật thì niệm cách nào? Người trung trí niệm Phật thì chú ý chuyên cần, niệm niệm luôn nhớ Phật không bao giờ quên.

“Tự tâm thuần thiện”, nhờ nhớ Phật mãi mãi nên tâm mình hoàn toàn thiện, không có niệm ác chen vào.

“Niệm thiện đã hiện, niệm ác liền tiêu”, tức niệm Phật luôn luôn hiện tiền thì niệm ác phải tiêu, vì niệm không có hai. Khi chúng ta nghĩ thiện thì không có ác, khi nghĩ ác thì không có cái thiện. Nếu đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng niệm thiện thì niệm ác theo đó tiêu hết.

“Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo.” Nghĩa là có ý niệm thiện thì ý niệm ác không còn. Đã là ý niệm thì niệm niệm liên tục, niệm này dấy lên, niệm kia lặng xuống, nhưng chỉ có niệm thiện. Người được như vậy “khi niệm diệt ắt về chánh đạo”. Những niệm đó được yên thì ắt về chánh đạo. Vì vậy trong kinh thường hay nói niệm đến vô niệm. Niệm này dấy, niệm kia diệt cho đến bao giờ không còn dấy niệm nữa, tức niệm đến vô niệm thì lúc đó là chánh đạo.

“Lúc mạng chung được vui Niết-bàn - thường lạc ngã tịnh - là Phật đạo vậy.” Về chánh đạo rồi thì lúc mạng chung được vui Niết-bàn, nghĩa là niệm đến vô niệm là được Niết-bàn. Niết-bàn thì có đủ bốn đức thường lạc ngã tịnh. Đầy đủ bốn đức đó là Phật đạo vậy.

Tóm lại, ở đây dạy dùng niệm Phật để diệt niệm ác, niệm ác diệt hết chỉ còn câu niệm Phật, niệm Phật mãi mãi đến bao giờ câu niệm Phật cũng lặng luôn đến vô niệm, là Niết-bàn thường lạc ngã tịnh. Như vậy cũng đi đến chỗ đạt đạo. Đây là bậc trung trí.

Bậc hạ trí thì miệng siêng niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sanh về nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sanh về nước Phật. Sau được chư Phật dạy bảo chánh pháp, chứng được bồ-đề, cũng vào quả Phật.

Bậc hạ trí thì phải đủ ba điều kiện: miệng niệm danh hiệu Phật, tâm quán tưởng muốn thấy tướng Phật, thân nguyện được sanh về cõi Phật. Cả ba thân, khẩu, ý đều có chỗ hướng về. Khẩu thì mượn danh hiệu Phật làm chỗ hướng, tâm thì mượn hình tướng Phật làm chỗ hướng, thân nguyện sanh về cõi Phật làm chỗ hướng. Như vậy miệng, thân và tâm đều có chỗ cho mình hướng về. Ở đây quí vị dạy niệm Phật phải ráng nhớ để thực hiện cho đúng. Thông thường chúng ta dạy niệm Phật cứ đưa xâu chuỗi bảo niệm cho nhiều chuỗi, niệm một đêm được mười chuỗi thì ghi sổ, đến khi nào đủ một muôn thì đem sổ lại thầy chứng cho. Như vậy chỉ niệm danh hiệu suông thôi. Nhiều khi quí bà niệm rất nhanh, niệm liên tục cho xong, nhưng niệm như vậy chừng nào tâm mới yên? Còn ở đây bảo niệm phải có chỗ tựa, miệng niệm danh hiệu Phật, tâm phải nhớ Phật, thân nguyện sanh về cõi Phật. Phải hội đủ ba điều này thì thân khẩu ý mới thuần nhất được. Nếu chỉ có miệng niệm, còn thân, ý không có thì làm sao tâm yên. Vì vậy tuy niệm Phật mà khó có kết quả, là do mình thực hành không đúng. Nếu cả ba hợp tác thì lúc lâm chung sẽ theo niệm thiện được sanh về cõi Phật, về sau đủ điều kiện tu hành được quả bồ-đề, cũng thành Phật quả. Tóm lại phải có đủ ba điều tín, hạnh, nguyện thì niệm Phật mới có kết quả. Đó là ý nghĩa ba hạng niệm Phật.

Ba bậc trên sâu cạn chẳng đồng, chỗ được là một vậy.

Tuy có cao thấp khác nhau, sâu cạn khác nhau, nhưng khi được thành quả Phật thì không khác.

Song bậc thượng trí nói thì dễ mà hành thì khó.

Bậc thượng trí nói tâm tức Phật nghe rất dễ, nhưng thực hành thật cay đắng.

Người thời nay muốn theo gương học, toàn không có chỗ gá nương, trọn trông bờ rồi lui, rất khó đặt chân.

Người thời nay nghe nói bậc thượng trí niệm Phật rất dễ, muốn noi theo đó tu học, nhưng không chỗ nương gá. Nói tức tâm tức Phật, biết nương gá vào đâu mà theo, nên “trọn trông bờ rồi lui”, nghĩa là nhìn thấy bờ cao quá ngán không thể thực hiện được rồi thối lui, cho nên “rất khó đặt chân”. Vì vậy rất khó tiến trên con đường đó.

Bậc trung trí nếu hay siêng tu như lời nói ở trên thì tức khắc thành Phật. Nếu như lậu chưa hết mà lâm chung, tùy quả báo kia trở lại thọ sanh ở đời, nhận quả báo thiện. Quả báo thiện đã hết, không có người đánh thức, trở lại rơi vào đường ác. Như thế đó cũng là khó vậy.

Bậc trung thì niệm cho đến vô niệm, nhưng chưa được vô niệm liền tịch. Khi tịch mà chưa vô niệm thì đâu được Niết-bàn. Vì hạng trung trí không có nguyện vãng sanh, chỉ lấy niệm diệt niệm, đến vô niệm mới nhập Niết-bàn. Bây giờ không được vãng sanh thì do niệm thiện được sanh về cõi thiện. Nếu khi sanh về cõi thiện, ra đời không gặp thiện hữu tri thức nhắc nhở lại quên. Vì vậy chúng ta thấy nhiều người ở hiện tại có phước, được làm quan to lại giàu có lớn, nếu vô phước thì đâu được như thế. Nhưng vì sao họ lại không lương thiện? Là vì xưa kia họ có lòng tốt, có hành động tốt nên được hưởng phước, khi hưởng phước họ không có duyên gặp thiện hữu tri thức nhắc nhở, nên hưởng hết phước rồi, gặp ai xúi làm điều ác thì làm theo, cho nên hết phước phải đọa trở lại đi trong đường khổ. Điều này hết sức hệ trọng cần phải biết là không nên hưởng hết phước và cần phải có thiện hữu tri thức nhắc nhở để mình tiến lên cho khỏi đọa. Quí vị thấy có những người giàu sang sung sướng mà bị bạn bè lôi vào chỗ ác, nhưng cũng có những người giàu sang sung sướng lại vẫn biết tu. Trong hai hạng người trên đều có phước, nhưng sao một người biết tu, còn một người lại làm ác? Đó là điều tôi muốn nhắc cho tất cả hiểu.

Phật dạy Phật tử làm lành, nhưng phải qui y Tam Bảo. Tại sao phải qui y Tam Bảo? Nghĩa là chúng ta phải đối trước Phật, Pháp, Tăng hứa nguyện đời đời hướng theo con đường Phật pháp để tu hành đến khi thành Phật mới thôi. Do có nguyện đó, nên qui y Tam Bảo là duyên tốt để mình gieo trong đời này và mãi những đời sau được gặp thiện hữu tri thức nhắc nhở mình. Vì qui y không phải chỉ có Phật mà còn Pháp và Tăng. Tăng thì đâu chắc đời này nhập Niết-bàn mà còn đáo đi trở lại bao nhiêu đời nữa. Giả sử đời này có người qui y với tôi, nếu tôi chết đi và tái sanh trở lại thì người đó đã có duyên với tôi, nên khi gặp lại tôi dễ nhắc dễ độ họ. Đó là có thiện hữu tri thức nhắc nhở nên không quên, không mất giống lành. Còn những người đời này có phương tiện làm lành, nhưng không qui y Tam Bảo, nên không gặp thiện hữu tri thức, vì vậy có ai xúi làm quấy làm ác thì họ làm theo, rồi tạo tội và phải đọa. Thế nên, duyên thiện hữu tri thức đời sau cũng rất thiết yếu. Đời này đã thiết yếu, đời sau lại càng thiết yếu hơn, cho nên Phật dạy người Phật tử phải nhớ qui y Tam Bảo. Có qui y Tam Bảo mới thành Phật tử. Thật ra nếu chúng ta làm lành, làm phước đều được hưởng phước, nhưng có khác là có người được hưởng phước mà không có thiện hữu tri thức nhắc nhở, còn người được hưởng phước lại có thiện hữu tri thức nhắc nhở, nên không quên duyên cũ và tiến lên mãi không dừng. Vì vậy nên nói rằng do mình hưởng hết phước mới thọ quả báo ở đời sau. Như vậy quí vị mới thấy qui y Tam Bảo là việc rất quan trọng đối với người mới phát tâm. Nhờ phát tâm qui y trước Tam Bảo chúng ta mới được nương theo Phật, nương theo chánh pháp và có những bậc thầy làm thiện hữu tri thức chỉ dạy cho mình đường lối tu trong hiện tại, đến khi nhắm mắt đời sau gặp lại, do có duyên thầy trò nên sớm gặp được người nhắc nhở. Như vậy đời đời đi mãi trong chánh pháp cho đến kết quả cuối cùng là thành Phật mới thôi. Nếu không có người đánh thức, đời này nhiều khi hiểu đạo chút ít, nhưng đời sau trở lại có thể sẽ làm ác làm dữ.

Bậc hạ trí lấy niệm Phật làm nấc thang, lấy tinh tấn làm cây thang, chú ý duyên lành, nguyện sanh về nước Phật. Siêng năng không lười biếng, tâm tánh thuần thục, sau khi mạng chung, tùy theo sở nguyện, được sanh về nước Phật. Đã sanh về nước Phật thân đó không bao giờ mất.

Như vậy bậc hạ trí có chỗ tựa vững chắc hơn, vì miệng niệm danh hiệu Phật, tâm nhớ hình tướng Phật, thân nguyện sanh về cõi Phật, nên khi nhắm mắt có chỗ qui hướng. Hướng về đó rồi, được sanh về nước Phật tiếp tục tu hành, không mất hột giống lành. Còn chúng ta nếu chưa được sanh về nước Phật, nhớ phải qui y Tam Bảo để sanh nơi nào cũng được có thiện hữu tri thức nhắc nhở, tránh khỏi rơi vào đường ác.

Kết thúc lại Ngài nhắc nhở:

Người học thời nay, đã được thân người, ba nghiệp đồng có, mà chẳng dùng niệm Phật, cầu sanh về cõi Phật, đâu chẳng khó sao?

Người tu đời này nếu không dùng niệm Phật cầu sanh nước Phật thì việc tu cũng hơi khó.

Như muốn niệm Phật, tức lấy bậc hạ trí làm trước. Tại sao? Vì có chú ý vậy.

Nếu tu về niệm Phật thì phải tu theo bậc hạ trí, vì có chỗ cho mình nhắm đến.

Ví như xây đài ba tầng, mà chẳng dùng tầng dưới làm trước thì không thể có vậy.

Như vậy trong ba cách niệm Phật, chỉ có cách dưới là dễ hơn hết, vì có chỗ tựa và bảo đảm đời sau sanh ra gặp Phật, ở nước Phật không thối chuyển, còn hai cách trên thì khó hơn.

Qua bài này tôi cũng muốn nói cho quí vị thấy rõ tinh thần Thiền tông đời Trần. Từ ngài Trần Thái Tông về sau, các ngài tu thiền mà không chống niệm Phật, tức không chống Tịnh độ. Ngược lại còn chỉ cho chúng ta cách tu Tịnh độ thế nào cho hợp lý, cho đúng pháp. Như vậy Tịnh độ và Thiền hòa hợp chớ không chống đối. Chúng ta thấy tinh thần các vị Thiền sư đời Trần không những là ở trong pháp niệm Phật và pháp tu Thiền, mà còn dung hòa luôn cả Khổng giáo, Lão giáo, không chia rẽ, không đối nghịch. Lấy Thiền tông làm chỗ tựa để dung hợp Lão, Khổng thành một nhà. Đó là để cho chúng ta thấy người tu không đặt ai là kẻ thù, không thấy ai là người đáng cho mình chống đối, mà phải cùng chung hòa hợp để mình và mọi người đều tiến tu không thối chuyển. Như vậy quan niệm rộng rãi bao dung của Thiền tông đời Trần chứng tỏ các ngài đã vượt qua chỗ riêng tư của mình, mà trong nhà Phật gọi là “cuộc”, cuộc là chấp. Cũng như chúng ta ngồi trong nhà nhìn ra bốn phương, chúng ta chỉ thấy bốn phương qua cửa sổ, cửa cái mở. Nếu thấy qua cửa sổ, cửa cái thì cái thấy bị hạn chế, nên gọi là cuộc. Nếu chúng ta bước ra khỏi nhà, đứng ngoài trời nhìn bốn phương, thì chúng ta không bị vật gì ngăn cách, đó là thông. Người tu khi đến chỗ thấy tâm mình tức Phật, thì ai không có tâm? Nếu ai cũng có tâm thì ai cũng có Phật. Dầu người tu theo Khổng giáo cũng có Phật, người tu theo Lão giáo cũng có Phật và chúng ta tu theo Phật cũng có Phật. Ai cũng có Phật thì đều giống nhau. Không thể ông Phật này khác ông Phật kia được, nếu khác thì không phải là Phật. Cho nên nói Phật Phật đạo đồng, Phật Phật không khác. Như vậy ai cũng có Phật tánh thì có ai đáng cho mình thù ghét đâu. Chẳng lẽ Phật lại ghét Phật, Phật thù Phật sao? Vì vậy đối với mọi người dù không tu theo đạo Phật, cũng thấy họ có Phật. Đã thấy họ có Phật thì không thể ghét họ được. Vậy muốn cho ông Phật mình sống trọn vẹn là Phật thì thấy Phật nào mình cũng quí. Cho nên ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh nói một câu rất hi hữu: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật.” Không dám khinh tức là phải trọng, phải quí. Còn thù ghét là không trọng không quí. Hiểu được chỗ này mới thấy tinh thần đạo Phật tràn khắp. Lâu nay chúng ta chỉ nói theo thế gian là tất cả nhân loại đều là đồng loại nên phải thương nhau. Nói như vậy nghe cũng tốt, nhưng chỗ này nếu nói theo Thiền tông thì nhân loại đều là Phật. Đã là Phật thì không dám khinh ai, không dám ghét ai. Nếu có thương có ghét thì ông Phật của mình đã ẩn mất. Tôi nhắc cho quí vị biết rằng chúng ta tu không phải cố gắng, không phải dằn ép, không phải dẹp bỏ mà phải nhìn cho tường tận ai cũng có tánh giác. Mình biết mình có tánh giác hiện hữu, thì tánh giác của người cũng thật có hiện hữu, nhưng khác nhau chăng chỉ là một bên biết và tìm mọi cách khai thác được sáng tỏ, còn một bên không biết thì có tánh giác mà vẫn để mờ mịt, tối tăm. Vì vậy mình không nên khinh khi ai, cũng không dám giận ai, vì người nào cũng đáng quí hết thì giận sao được. Có giận ghét là hết quí rồi. Như vậy sống trong đời này chúng ta mới thấy tâm mình bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, nếu không thì sẽ phân biệt người này hay, kẻ kia dở. Từ cái phân biệt đó lại sanh ra nhiều bệnh chướng khác. Chỉ một câu của ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh mà chúng ta tu suốt đời không xong. Thấy được như vậy thì sống trong cuộc đời không có phiền não, những cái xấu, cái dở chỉ là bụi che lấp gương, lau đi sẽ hết. Hiểu được ý này quí vị mới thấy được tinh thần của các vị Thiền sư ngày xưa đối với mọi người, hoặc thấy tinh thần của các vị Bồ-tát nhìn chúng sanh một cách rộng mở bao dung, chớ không như cái nhìn phàm tục rồi gây phiền não cho nhau.



[1]([1]) Trong chánh văn “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị vô ký, tỉnh tỉnh tịch tịch thị loạn tưởng”. Nguyên bản của Thiền sư Huyền Giác “Tịch tịch tỉnh tỉnh thị, tịch tịch hôn trầm phi. Tỉnh tỉnh tịch tịch thị, tỉnh tỉnh loạn tưởng phi”. Có lẽ ở đây in sót mấy chữ.

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 145
  • Hôm nay: 16450
  • Tháng hiện tại: 1730034
  • Tổng lượt truy cập: 59382967

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile