Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

THIỀN SƯ BỔN TỊNH

Đăng lúc: Thứ tư - 06/06/2012 09:56 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
THIỀN SƯ BỔN TỊNH

THIỀN SƯ BỔN TỊNH

(? - 761)

Sư họ Trương, quê ở Ráng Châu, xuất gia từ thuở bé. Sau Sư đến tham học với Lục tổ Huệ Năng được Tổ truyền tâm. Sư từ giã Tổ, tìm đến núi Tư Không ở chùa Vô Tướng, chuyên ở nơi đây tu hành.

Ðời Ðường niên hiệu Thiên Bảo năm thứ ba (744 T.L.) vua Huyền Tông sai Trung sứ Dương Quang Ðình vào núi cắt dây thường xuân. Dương Quang Ðình tình cờ gặp được thất của Sư. Ðình lễ bái thưa:

- Ðệ tử mộ đạo đã lâu, cúi xin Hòa thượng từ bi tóm tắt chỉ dạy.

Sư bảo:

- Người nghiên học Thiền tông trong thiên hạ đều hội về Kinh sư (kinh đô vua), thiên sứ nên trở về triều thưa hỏi là đầy đủ. Bần đạo ở gọp núi cạnh khe không có chỗ dụng tâm.

Quang Ðình thiết tha khóc lóc lễ lạy.

Sư bảo:

- Thôi! Chớ lễ bần đạo. Thiên sứ vì cầu Phật hay vì hỏi đạo?

Ðình thưa:

- Ðệ tử trí thức tối tăm chưa biết Phật với Ðạo nghĩa ấy thế nào?

Sư bảo:

- Nếu muốn cầu Phật, tức tâm là Phật. Nếu muốn hội Ðạo, không tâm là Ðạo.

- Thế nào tức tâm là Phật?

- Phật nhân tâm mà ngộ, tâm do Phật được bày. Nếu ngộ không tâm thì Phật cũng chẳng có.

- Thế nào không tâm là Ðạo?

- Ðạo vốn không tâm, không tâm gọi là Ðạo. Nếu rõ không tâm thì không tâm tức là Ðạo vậy. 

Quang Ðình đảnh lễ tin nhận.

Trở về triều, Quang Ðình tâu hết việc trong núi cho vua nghe. Vua ban sắc lệnh sai Quang Ðình đi thỉnh Sư. Ngày mười ba tháng chạp, Sư theo sứ về đến đế đô, Vua thỉnh ở chùa Bạch Liên.

Ðến ngày rằm tháng hai năm sau, Vua mời hết những danh Tăng và các người học Phật uyên bác đến nội đạo tràng (đạo tràng trong cung) cùng Sư xiển dương Phật lý.

Khi ấy, có Thiền sư Viễn lên tiếng hỏi Sư:

- Nay đối Thánh thượng để xét lường tôn chỉ, cần phải hỏi thẳng, đáp thẳng, không cần dùng nhiều lời. Như chỗ thấy của Thiền sư lấy gì làm đạo?

Sư đáp:- Không tâm là đạo.

Viễn hỏi:- Ðạo nhân tâm mà có, đâu được nói không tâm là đạo?

Sư đáp:

- Ðạo vốn không tên, nhân tâm có đạo. Tâm và tên nếu có thì đạo không rỗng suốt. Tột tâm đã không thì đạo nương đâu mà lập? Cả hai đều là giả danh.

Viễn hỏi:- Thiền sư thấy thân tâm là đạo rồi chăng?

Sư đáp:- Sơn tăng thân tâm xưa nay là đạo.

Viễn hỏi:

- Vừa nói không tâm là đạo, giờ lại nói thân tâm xưa nay là đạo, đâu không trái nhau?

Sư đáp:

- Không tâm là đạo, tâm mất đạo không, tâm đạo nhất như nên nói không tâm là đạo. Thân tâm xưa nay là đạo, đạo cũng vốn là thân tâm, thân tâm vốn đã là không, đạo cũng không tột nguồn chẳng có.

Viễn hỏi:- Xem hình thể Thiền sư rất nhỏ đâu thể hội được lý này?

Sư đáp:

- Ðại đức chỉ thấy tướng Sơn tăng, chẳng thấy được không tướng của Sơn tăng. Thấy tướng là chỗ thấy của Ðại đức, kinh nói "phàm có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức ngộ được đạo kia". Nếu lấy tướng cho là thật thì cùng kiếp không thể ngộ đạo.

Viễn bảo:- Nay thỉnh Thiền sư ở trên tướng nói không tướng.

Sư đáp:

- Kinh Tịnh Danh nói: "Bốn đại không chủ, thân cũng không ngã, chỗ thấy không ngã, cùng đạo tương ưng." Ðại đức nếu cho tứ đại có chủ là ngã, nếu thấy có ngã thì cùng kiếp không thể hội đạo.

Viễn nghe nói thất sắc lặng lẽ rút lui.

Sư có bài kệ:

                            Tứ đại vô chủ phục như thủy

                            Ngộ khúc phùng trực vô bỉ thử

                            Tịnh uế lưỡng xứ bất sanh tâm 

                            Ủng quyết hà tằng hữu nhị ý

                            Xúc cảnh đản tợ thủy vô tâm

                            Tại thế tung hoành hữu hà sự.

    Dịch:

                            Bốn đại không chủ cũng như nước 

                            Dù gặp cong ngay chẳng kia đây

                            Hai nơi nhơ sạch tâm không sanh

                            Thông bít chưa từng có hai ý

                            Xúc cảnh chỉ như nước không tâm

                            Ở thế tung hoành nào có việc?

Một đại như thế, bốn đại cũng vậy. Nếu rõ bốn đại không chủ tức ngộ không tâm. Nếu rõ không tâm tự nhiên hợp đạo.

*

Thiền sư Minh Chí hỏi:

- Nếu nói không tâm là đạo, ngói gạch không tâm cũng ưng là đạo? Thân tâm xưa nay là đạo, tứ sanh thập loại đều có thân tâm cũng ưng là đạo?

Sư đáp:

- Ðại đức nếu hiểu bằng vào thấy nghe hiểu biết thì cùng đạo khác xa, tức là người cầu thấy nghe hiểu biết, không phải là người cầu đạo. Kinh nói: "không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý...". Sáu căn còn không, thấy nghe hiểu biết nương đâu mà lập. Cùng tột gốc nguồn chẳng có thì chỗ nào còn tâm? Ðâu không đồng với cỏ cây ngói gạch.

Minh Chí lặng thinh thối lui.

Sư có bài kệ:

                        Kiến văn giác tri vô chướng ngại

                        Thanh hương vị xúc thường tam-muội

                        Như điểu không trung chỉ ma phi

                        Vô thủ vô xả vô tắng ái

                        Nhược hội ứng xứ bản vô tâm

                        Thủy đắc danh vi Quán Tự Tại.

    Dịch:

                        Thấy nghe hiểu biết không chướng ngại

                        Tiếng mùi vị chạm thường tam-muội

                        Như chim trong không mặc tình bay

                        Không thủ không xả không thương ghét

                        Nếu hội mỗi nơi vốn không tâm

                        Mới được tên là Quán Tự Tại.

*

Thiền sư Chơn hỏi:

- Ðạo đã không tâm, Phật có tâm chăng? Phật cùng với đạo là một, là khác?

Sư đáp:- Chẳng một chẳng khác.

Chơn hỏi:

- Phật độ chúng sanh vì có tâm, đạo không độ chúng sanh vì không tâm. Một độ một không độ đâu được không khác?

Sư đáp:

- Nếu nói Phật độ chúng sanh, đạo không độ, đây là Ðại đức vọng sanh thấy hai. Theo Sơn tăng tức chẳng phải vậy. Phật là tên suông, đạo cũng dối lập, cả hai đều không thật, toàn là giả danh. Trong một cái giả sao lại phân làm hai?

Chơn hỏi:

- Phật với đạo đều là giả danh, chính khi lập danh nhân cái gì mà lập? Nếu có lập được, đâu thể nói là không?

Sư đáp:

- Phật với đạo nhân tâm mà lập, xét cùng cái tâm dựng lập, tâm ấy cũng không, tâm đã là không liền ngộ cả hai đều chẳng thật, biết như mộng huyễn liền ngộ vốn không. Gắng lập hai tên Phật, Ðạo, đây là cái thấy biết của người Nhị thừa.

Sư bèn nói bài kệ (Không Tu, Không Tác):

                        Kiến đạo phương tu đạo

                        Bất kiến phục hà tu

                        Ðạo tánh như hư không

                        Hư không hà sở tu

                        Biến quán tu đạo giả

                        Bác hỏa mích phù âu

                        Ðản khán lộng khối lỗi

                        Tuyến đoạn nhất thời hưu. 

    Dịch:

                        Thấy đạo mới tu đạo

                        Chẳng thấy lấy gì tu

                        Tánh đạo như hư không

                        Hư không tu chỗ nào?

                        Khắp xem người tu đạo

                        Vạch lửa tìm bọt nổi

                        Chỉ xem người gỗ máy

                        Ðứt dây một lúc dừng.

*

Thiền sư Pháp Không hỏi:

- Phật với đạo đều là giả danh, mười hai phần giáo (tất cả Kinh điển) cũng phải chẳng thật, vì sao các hàng tôn túc từ xưa đều nói có tu có đạo?

- Ðại đức lầm hội ý kinh; đạo vốn không tu, Ðại đức cưỡng tu, đạo vốn không tác, Ðại đức cưỡng tác, đạo vốn không sự, Ðại đức cưỡng sanh đa sự, đạo vốn không biết, ở trong ấy cưỡng biết. Thấy hiểu như thế cùng đạo trái nhau. Tôn túc từ xưa không như thế, tự Ðại đức không hội, xin suy gẫm đó.

Sư có bài kệ:

                    Ðạo thể bản vô tu

                    Bất tu tự hiệp đạo

                    Nhược khởi tu đạo tâm 

                    Thử nhân bất hội đạo

                    Khí khước nhất chân tánh

                    Khước nhập náo hạo hạo

                    Hốt phùng tu đạo nhân

                    Ðệ nhất mạc hướng đạo.

    Dịch:

                Thể đạo vốn không tu

                Chẳng tu tự hiệp đạo

                Nếu khởi tâm tu đạo

                Người này không hiệp đạo

                Bỏ mất một tánh chân

                Lại vào nơi phiền lụy

                Chợt gặp người tu đạo

                Bậc nhất chớ hướng đạo.

*

Thiền sư An hỏi:

- Ðạo đã giả danh, Phật nói dối lập, mười hai phần giáo (tất cả Kinh điển) cũng là phương tiện tiếp vật độ sanh, tất cả là vọng lấy gì làm chân?

Sư đáp:

- Vì có vọng nên đem chân đối vọng. Xét cùng tánh vọng vốn không, chân cũng chưa từng có. Thế thì biết chân vọng đều là giả danh, hai việc đối trị trọn không thật thể, tột cội gốc nó thì tất cả đều không.

An hỏi:

- Ðã nói tất cả là vọng, vọng cũng đồng chân, chân vọng không khác, lại là vật gì?

Sư đáp:

- Nếu nói vật gì, vật gì cũng vọng. Kinh nói "không tương tợ, không so sánh, bặt đường nói năng, như chim bay trong không".

Thiền sư An thầm phục mà không biết mối manh.

Sư có bài kệ:

                        Suy chân, chân vô tướng

                        Cùng vọng, vọng vô hình

                        Phản quán suy cùng tâm

                        Tri tâm diệc giả danh

                        Hội đạo diệc như thử

                        Ðáo đầu diệc tự ninh.

     Dịch:

                        Xét chân, chân không tướng

                        Tìm vọng, vọng không hình

                        Quán lại tâm tìm xét

                        Biết tâm cũng giả danh

                        Hội đạo cũng như vậy

                        Ðến cùng chỉ lặng yên.

*

Thiền sư Ðạt Tánh hỏi:

- Thiền thật chí vi chí diệu, chân vọng cả hai đều bặt, Phật, đạo cả hai chẳng còn, tu hành tánh là không, danh tướng chẳng thật, thế giới như huyễn, tất cả đều giả danh. Khi người đạt đến cái hiểu biết này cũng không thể đoạn dứt hai gốc thiện ác của chúng sanh!

Sư đáp:

- Hai gốc thiện ác đều nhân tâm mà có, tìm tột tâm nếu có thì gốc ắt thật, xét tâm đã không thì gốc nhân đâu mà lập. Kinh nói: 

"Pháp thiện pháp ác từ tâm hóa sanh, nghiệp duyên thiện ác vốn không thật có."

Sư nói bài kệ:

                        Thiện ký tùng tâm sanh

                        Ác khởi ly tâm hữu

                        Thiện ác thị ngoại duyên

                        Ư tâm thật bất hữu

                        Xả ác tống hà xứ

                        Thủ thiện linh thùy thủ

                        Thương nha nhị kiến nhân

                        Phan duyên lưỡng đầu tẩu

                        Nhược ngộ bản vô tâm

                        Thủy hối tùng tiền cựu.

    Dịch:

                        Thiện đã từ tâm sanh

                        Ác đâu rời tâm có

                        Thiện ác là duyên ngoài

                        Nơi tâm thật chẳng có

                        Bỏ ác đẩy chỗ nào?

                        Lấy thiện bảo ai giữ?

                        Than ôi! Người thấy hai

                        Bám víu hai đầu chạy.

                        Nếu ngộ vốn không tâm

                        Mới hối lỗi từ trước.

*

Vị quan cận thần hỏi:

- Thân này từ đâu mà đến? Sau khi trăm tuổi trở về đâu?

Sư đáp:

- Như người khi mộng từ đâu mà đến? Khi thức giấc lại đi về đâu?

Quan thưa:

- Khi mộng không thể nói không, đã thức không thể nói có. Tuy có mà không từ đâu đến, đi không đi về đâu.

Sư nói:- Bần đạo thấy thân này cũng như mộng.

Có bài kệ:

                    Thị sanh như tại mộng

                    Mộng lý thật thị náo

                    Hốt giác vạn sự hưu

                    Hườn đồng thùy thời ngộ

                    Trí giả hội ngộ mộng

                    Mê nhân tín mộng náo

                    Hội mộng như lưỡng ban

                    Nhất ngộ vô biệt ngộ

                    Phú quí dữ bần tiện

                    Cánh diệc vô biệt lộ.

    Dịch:

                    Thấy cuộc sống như mộng

                    Trong mộng thật là ồn

                    Chợt giác muôn việc hết

                    Lại đồng tỉnh cơn mộng

                    Người trí nhận biết mộng

                    Kẻ mê tin mộng ồn

                    Biết mộng như hai việc

                    Một ngộ không ngộ khác

                    Giàu sang cùng nghèo hèn

                    Lại cũng không đường khác.

*

Niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ hai (761 T.L.), ngày mùng năm tháng năm, Sư qui tịch.

Vua sắc ban hiệu là Ðại Hiển Thiền sư.

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Nguồn tin: thuongchieu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 119
  • Hôm nay: 11335
  • Tháng hiện tại: 1724919
  • Tổng lượt truy cập: 59377852

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile