Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

THIỀN SƯ THIÊN NHIÊN

Đăng lúc: Thứ tư - 06/06/2012 10:10 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
THIỀN SƯ THIÊN NHIÊN

THIỀN SƯ THIÊN NHIÊN

Ðơn Hà - (738 - 824)

Không biết Sư quê quán ở đâu, chỉ biết Sư trước học Nho đi vào Trường An ứng cử, dừng nghỉ ở nhà trọ, chợt mộng thấy hào quang trắng đầy nhà. Người chiếm mộng đoán: "điềm hiểu Không". Gặp một Thiền khách hỏi:

- Nhân giả đi đâu?

Sư đáp:- Ði thi làm quan.

- Thi làm quan đâu bằng thi làm Phật?

- Thi làm Phật phải đến chỗ nào?

- Hiện nay ở Giang Tây có Mã Ðại sư ra đời, là trường thi làm Phật, nhân giả nên đến đó.

Sư bỏ thi, tìm đến Giang Tây ra mắt Mã Ðại sư (Ðạo Nhất). Vừa thấy Mã Ðại sư, Sư bèn lấy tay giở chiếc khăn trên đầu.

Mã Ðại sư nhìn giây lâu bảo:- Nam Nhạc Thạch Ðầu là thầy của ngươi.

Sư từ giã Mã Ðại sư đi sang Thạch Ðầu.

Ðến Thạch Ðầu, Sư cũng làm giống như ở Mã Ðại sư.

Thạch Ðầu bảo:- Ra nhà đi.

Sư lễ tạ xong, vào phòng cư sĩ, luân phiên làm bếp ngót ba năm.

*

Một hôm Thạch Ðầu bảo chúng:- Ngày mai cắt cỏ ở trước điện Phật.

Sáng hôm sau, đại chúng mỗi người cầm liềm cầm cuốc đến trước chùa làm cỏ. Chỉ riêng Sư lấy thau múc nước gội đầu, đến quì gối trước Hòa thượng. Thạch Ðầu thấy thế cười, liền cạo tóc cho Sư. Cạo xong Thạch Ðầu lại vì Sư nói giới. Sư bịt tai ra đi.

Sư trở lại Giang Tây yết kiến Mã Ðại sư. Chưa lễ ra mắt, Sư đi thẳng về tăng đường trèo lên cổ tượng Thánh tăng ngồi. Ðại chúng kinh ngạc chạy báo cho Mã Ðại sư hay. Mã Ðại sư đích thân vào tăng đường trông thấy bèn nói:

- Con ta, Thiên Nhiên.

Sư bèn bước xuống đất lễ bái, thưa:- Cảm tạ Thầy ban cho pháp hiệu.

Mã Ðại sư hỏi:- Từ đâu đến?

Sư thưa:- Từ Thạch Ðầu đến.

- Ðường Thạch Ðầu trơn, ngươi có té chăng?

- Nếu có trợt té thì chẳng đến đây.

*

Từ biệt Mã Tổ, Sư đi dọc đường gặp một ông già dắt một đứa bé.

Sư hỏi:- Ông nhà ở đâu?

Ông già đáp: - Trên là trời dưới là đất.

Sư bảo:- Chợt gặp trời đổ đất sụp thì sao?

Ông già đáp: - Trời xanh! Trời xanh!

Ðứa bé: hư! một tiếng.

Sư bảo:- Không phải cha này chẳng sanh được đứa con kia.

Ông già dắt đứa bé vào núi mất. 

*

Sư đi du phương, đến núi Thiên Thai, chót Hoa Ðảnh dừng ở ba năm, sau đó, Sư viếng những nơi như Cảnh Sơn yết kiến Thiền sư Quốc Nhất. Ðời Ðường khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806-821 T.L.) Sư đến Lạc Kinh Long Môn Hương Sơn làm bạn với Hòa thượng Phục Ngưu. Sư lại đến chùa Huệ Lâm, gặp lúc trời đại hàn, Sư bèn thỉnh tượng Phật gỗ đốt để hơ, Viện chủ Hướng trông thấy quở:

- Sao đốt tượng Phật của tôi?       

Sư lấy gậy bới tro nói:- Tôi thiêu để lấy xá-lợi.

Viện chủ bảo:- Phật gỗ làm gì có xá-lợi.

Sư nói:- Ðã không có xá-lợi thì thỉnh thêm hai vị nữa thiêu.

Viện chủ nghe câu nói này tất cả chấp đều tan vỡ.    

*

Một hôm, Sư đến yết kiến Quốc sư Huệ Trung, trước hỏi thị giả:

- Quốc sư có ở nhà chăng?

Thị giả bảo:- Ở nhà thì ở mà không thấy khách.

Sư bảo:- Rất sâu xa thay!

Thị giả bảo:- Mắt Phật cũng nhìn chẳng thấy.

Sư khen:- Rồng sanh rồng con, phụng sanh phụng con.

Quốc sư ngủ dậy, thị giả thuật lại, Quốc sư đánh thị giả hai chục gậy đuổi ra.     

Sư nghe việc ấy bèn nói:- Không lầm là Nam Dương Quốc sư.

*

Hôm sau, Sư lại đến yết kiến Quốc sư, thấy Quốc sư, Sư bèn trải tọa cụ. Quốc sư bảo:  

- Chẳng dùng, chẳng dùng.

Sư bước lui.

Quốc sư bảo:- Như thế, như thế.

Sư tiến lại trước.

Quốc sư bảo: - Chẳng phải, chẳng phải.

Sư đi quanh Quốc sư một vòng rồi lui ra.           

Quốc sư bảo:- Cách Phật đã xa người nhiều lười biếng, ba mươi năm sau tìm kẻ này lại khó được.

*

Sư đến thăm cư sĩ Long Uẩn, thấy con gái Long Uẩn là Linh Chiếu đang rửa rau, Sư hỏi:

- Cư sĩ có nhà chăng?

Linh Chiếu buông rổ rau xuống, đứng khoanh tay.     

Sư lại hỏi:- Cư sĩ có nhà chăng?

Linh Chiếu bèn bưng rổ rau lên đi thẳng.

Sư bèn trở về. Chốc lát sau, Long Uẩn về. Linh Chiếu đem việc rồi thuật lại. Long Uẩn hỏi:

- Ðơn Hà ở đâu?

Linh Chiếu thưa:- Ðã về.

Long Uẩn bảo:- Con lấy đất đỏ nặn trâu.

Lại một hôm, Sư đến thăm Long Uẩn, vừa đến cửa gặp nhau.

Sư hỏi:- Cư sĩ có nhà chăng?        

Long Uẩn đáp:- Ðói chẳng chọn thức ăn.          

Sư lại hỏi:- Ông Long có nhà chăng?

Long Uẩn đáp:- Trời xanh! trời xanh!    

Nói xong Long Uẩn vào nhà.       

Sư nói:- Trời xanh! trời xanh!

Nói xong Sư trở về.

Hôm sau, Sư lại đến Long Uẩn, Sư bảo:

- Hôm qua thấy nhau đâu giống ngày nay.

Long Uẩn đáp:- Ðúng pháp nhắc lại việc hôm qua để làm con mắt quí.

- Chỉ như con mắt quí lại xem đến Long công chăng?

- Tôi ở trong con mắt của Thầy.

- Con mắt tôi chật hẹp chỗ nào an thân?

- Là con mắt gì chật? là thân nào an?

Sư thôi bỏ đi.

Long Uẩn nói:- Lại nói lấy một câu là được tròn lời này.

Sư vẫn không nói.

Long Uẩn lại nói:- Tựu trung một câu cũng không người nói được.

*

Ðời Ðường niên hiệu Nguyên Hòa thứ ba (808 T.L.) một hôm, Sư nằm ngang trên cầu Thiên Tân. Hội lưu thú là Trịnh Công ra đuổi mà Sư không dậy. Trịnh Công gạn hỏi duyên do. Sư chậm rãi đáp:

- Tăng vô sự.           

Trịnh Công lấy làm lạ, phát tâm dâng hai bó lụa và hai áo ngắn. Từ đây mỗi ngày, Trịnh Công thường dâng cúng gạo bún. Dân chúng ở kinh đô Lạc Dương đồng qui kính Sư.

*

Ðến niên hiệu Nguyên Hòa thứ mười lăm (820 T.L.) vào mùa Xuân, Sư bảo đồ đệ:

- Ta nhớ suối rừng chỗ gởi thân ngày già.

Môn đệ sai Tề Tịnh Phương đến Nam Dương núi Ðơn Hà cất am cúng dường. Sư về núi Ðơn Hà khoảng ba năm, những người học đạo tìm đến tham học số thường đến ba trăm. Chúng xây cất thành viện lớn.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Tất cả các ngươi đều phải bảo hộ một vật linh, chẳng phải các ngươi tạo tác danh mạo, lại nói gì là tiến cùng chẳng tiến. Ta ngày xưa yết kiến Hòa thượng Thạch Ðầu cũng chỉ dạy cần phải tự bảo hộ. Việc này không phải tự các ngươi nói bàn mà được. Tất cả mỗi người các ngươi đều tự có một chỗ đất ngồi, lại nghi cái gì? Thiền đâu phải là vật để các ngươi hiểu, đâu có Phật khá thành. Một chữ Phật hằng không thích nghe. Các ngươi tự xem, thiện xảo phương tiện từ bi hỉ xả chẳng phải từ ngoài được, chẳng dính một tấc vuông, thiện xảo là Văn-thù, phương tiện là Phổ Hiền. Các ngươi lại nghĩ tìm đuổi vật gì? Chẳng cần hằng cầu, chẳng rơi vào không. Học giả thời nay lăng xăng lộn xộn cho là tham thiền hỏi đạo. Ta dạo này không đạo có thể tu, không pháp có thể chứng, miếng ăn thức uống mỗi cái tự có phần, đâu cần phải nghi ngờ. Mỗi nơi mỗi chỗ có cái gì? Nếu biết Thích-ca tức là ông già phàm phu, các ngươi phải tự xem xét lấy. Chớ để một người mù dẫn đám mù kéo nhau rơi vào hầm lửa, đêm tối hai đường, màu sắc mập mờ. Vô sự trân trọng!

*

Có vị Tăng đến tham học, vừa tới chân núi gặp Sư. Tăng hỏi:

- Núi Ðơn Hà phải đi đường nào?

Sư chỉ núi bảo:- Chỗ xanh sâm sẩm.

Tăng thưa:- Chớ chỉ cái ấy là phải sao?

Sư bảo:- Thật sư tử con, một phen khêu động liền nhảy.

*

Sư hỏi vị Tăng:- Nghỉ ở đâu?

Tăng thưa:- Nghỉ dưới núi.

- Ăn cơm chỗ nào? Người đem cơm cho Xà-lê ăn có đủ mắt không?          

Tăng không đáp được.

*

Niên hiệu Trường Khánh năm thứ tư (824 T.L.) ngày hai mươi ba tháng sáu, Sư gọi đệ tử bảo:

- Lấy nước nóng tắm, ta sắp đi đây.

Tắm xong, Sư đội mũ mang giày cầm trượng, duỗi một chân chưa đến đất liền tịch, thọ tám mươi sáu tuổi. Vua sắc phong là Trí Thông Thiền sư, tháp hiệu Diệu Giác.

*

Sư có làm hai bài "Ngoạn Châu Ngâm", hiện còn lưu hành.

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Nguồn tin: thuongchieu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 57
  • Khách viếng thăm: 55
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 8783
  • Tháng hiện tại: 268715
  • Tổng lượt truy cập: 59708732

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile