Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

VU LAN NHỚ THẦY

Đăng lúc: Thứ bảy - 07/07/2012 18:03 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
VU LAN NHỚ THẦY

VU LAN NHỚ THẦY

VU LAN NHỚ THẦY
 

Bây giờ gần tháng bảy, tháng của Mục Liên tìm mẹ. Bài kinh Vu Lan Thầy đã giảng cho chúng con nghe thật nhiều lần. Chuyện hai nghìn năm róc rách chảy về nhân gian đượm thắm tình thương. Nhưng có những chuyện thật gần, đến với con bất chợt như một cơn mưa phùn, mà thấm đượm vào đất tâm, để mãi mãi trở thành chuyện ngàn năm.

Cũng những chiều tháng bảy như vầy, Thầy đã kể…

Thầy xuất thân trong một gia đình nghèo, ông theo nghiệp Nho nên cuộc sống an bần thanh đạm. Quê hương với sông ngòi chi chít đã trở thành đường đi lối về khi Thầy hãy còn rất nhỏ. Dòng nước ôm choàng sau lưng mãnh đất thân thiết với những người dân hiền lành chất phát quê mùa.

Ông thường hay thả xuồng ra sông để chài lưới kiếm sống. Thấy ông cực quá nên lúc nào Thầy cũng đòi theo. Có khi hai cha con đi thật xa, tới trời tối thui mới quay về. Ông giữ tay chèo phía sau, Thầy giữ phía trước. Mặc chiếc áo mỏng tơi, Thầy run lập cập mà không dám hé môi sợ ông xót ruột. Thuyền cui không mui, mưa gió mặc tình xối gội, Thầy lơi tay chèo vì mệt quá và thiếp đi trên thuyền.

Đến khi giật mình, thấy chiếc áo duy nhất của ông đã được đắp lên người mình, Thầy bặm môi nhìn cha cố đẩy tay chèo. Búi tóc sau đầu ông trở nên nhỏ xíu tựa một dấu chấm lửng trên dòng sông nhấp nhô đêm. Những vì sao rãi rác khắp bầu trời, có những đêm rất tỏ nhưng vẫn không đủ thắp sáng cả mặt đất này…

Có hôm mắc lưới, Thầy thương ông nên đã nhảy ùm xuống sông, lặn hụp gỡ lưới. Nhiều lần bị cá độc đâm vào tay vào mình sầy sụa, Thầy sốt cả mấy ngày liền. Thương con, ông không giăng lưới nữa mà cho Thầy đi học. Vậy là Thầy được đi học. Vừa đi học vừa chăn trâu, nấu cơm, giã gạo, giữ em… chuyện gì Thầy cũng làm để đỡ đần cơ cực cho mẹ cha.

Lần đó ông bệnh và rất thèm rượu. Thầy đi học về, bà bảo trèo hái cau đem bán mua chút rượu cho ông. Gió lồng lộng, cây cau cao vút thẳng tắp, nhưng nghe lời bà Thầy bạo gan leo đại. Càng lên cao, đọt cau càng đong đưa quần quật, ruột gan thắt lại nhưng thương cha Thầy bất chấp, miễn sao cha mẹ vừa lòng là được.

Hiếu hạnh lại hiếu học đã ghi thêm một kỷ niệm đẹp vào cuộc đời ấu thơ của Thầy. “… Chiếc áo sơ mi độc nhất, Thầy tưng tiu mặc đến trường mỗi ngày. Tối đến không dám mặc ngủ, Thầy treo nó bên hông nhà. Ai dè ăn trộm không tha con nhà nghèo, nó lấy tuốt. Sáng ngày, bạn bè thấy Thầy mặc áo túi của bà đi học. Tụi nó xúm nhau cười. Thầy mặc kệ, áo má mình mình mặc, chớ có mặc áo của ai đâu mà sợ”.

Thầy là vậy. Đơn giản, chân chất từ thuở xưa cho tới bây giờ. Thầy lớn lên từ những ngày gian nan cơ cực, tất cả vì thương mẹ thương cha. Cuộc sinh nhai của dân nghèo đã phải đánh đổi bằng bao nhiêu là xương máu, mồ hôi và nước mắt. Thầy không thể ngồi yên khoanh tay khi nhìn thấy từng nếp tranh cũ rệu rã mục, từng nhánh củi đeo đét thì thào. Suốt cuộc đời Thầy đã không ngừng nghĩ đến mẹ cha, và vì thế Thầy đã không ngừng dấn thân.

Sau này, cho tới khi về núi, trở thành một sơn tăng, Thầy vẫn giữ phận con trẻ như ngày nào. Rước ông lên non, Thầy chăm nôm hôm sớm bên giường. Ông bệnh, Thầy không dám buông lơi. Ngày ông mất, Thầy im lặng mà núi rừng tím lịm. Chỉ còn lại sắc y vàng của chư Tăng lẫn quất giữa muôn trùng xanh thẳm là vẫn lung linh sáng ngời, quyện thần thức ông theo câu kinh lời kệ cùng về cõi Phật.

Con còn nhớ. Hôm xuống núi, rời Chân Không về Thường Chiếu, Thầy đứng trước mộ ông, thời gian chùng lại, không gian lặng yên, núi rừng lan tỏa khói trầm hương. Ba nén nhang sau cùng Thầy khấn nguyện trước mộ cha, đồng một lúc con tim và khối ốc, trí tuệ và tình thương dâng tràn trên khuôn mặt cương nghị của Thầy.

                    Phong lai sơ trúc,
                    Nhạn quá trường không,
                    Ráng mây chiều, 
                    Ra đi về viễn mộng,
                    Đóa hoa lòng,
                    Còn lại nẻo thiên thu…
                    Ngưỡng bạch Thầy,

Chuyện con vừa mới kể chỉ là một giấc mộng trong vô lượng giấc trường mộng nhân sinh. Có thể Thầy đã quên, mà Thầy cũng chẳng muốn nhớ làm chi. Thì con cũng chỉ “ghi lời mộng” của Thầy lại đó thôi. Có nghĩa gì đâu một chút mây điểm xuyết trên bầu trời không lặng thênh thang. Những bài kinh Đại thừa, Thượng thừa, Tối thượng thừa… Thầy thuyết giảng trên mấy mươi năm đã được kết tập hết rồi. Còn lại là những thoáng qua đâu đó trong cuộc đời giả tạm, mà Thầy vui miệng kể lại cho chúng con nghe. Không có băng từ, camara, đĩa cứng, đĩa mềm… Chỉ có Thầy và chúng con mà mây hiếu hạnh ngưng tụ đọng lại thành mưa, rơi xuống trần gian cái tâm đan son sắc một màu.

Câu chuyện tháng bảy, câu chuyện ngàn năm. Biết đâu được trong đó có câu chuyện con kể hôm nay. Nhân duyên hạnh ngộ sẽ làm hồi sinh những trái tim vô tình quên mất công đức sinh thành chăng? Chỉ mong là như thế. Chúng con xin cúi xuống thắp nén tâm hương dâng lên đấng song thân, nguyện đem công đức tu hành này hướng về cho phụ mẫu nhiều đời. Mẹ cha mãi mãi là hai vị Phật trong cuộc đời chúng con và chúng sanh.

Còn Thầy, bậc Ân sư! Không có nén hương nào, cũng không có ngụ từ nào nói thay được. Chỉ có hơi thở hiện sinh nơi mỗi chúng con, tỉnh giác, viên dung, mà ở đó tất cả hiện thành.

Đêm nay, có phải đêm tháng bảy? Kính nhớ đến Thầy, con buông bút. Trở về... 

 

Tác giả bài viết: Hạnh Chiếu
Nguồn tin: thuongchieu
Từ khóa:

vu lan, nhớ thầy

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 578
  • Hôm nay: 36718
  • Tháng hiện tại: 36718
  • Tổng lượt truy cập: 81587697

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile