Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kho Báu Nhà Thiền - Phần Hai.

Đăng lúc: Thứ tư - 16/05/2012 11:49 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Hình Thiền

Hình Thiền

Kho Báu Nhà Thiền

Thiền sư Văn Thủ

Dịch giả: Ðịnh Huệ

- - -o0o- - -
 

Chương 8


Học đạo cần phải biết dụng tâm trong lúc bệnh

 

Huyễn Trụ lão nhân nói:

Thân thuộc về báo duyên, ai mà không già bệnh! Tổ Bá Trượng kiến lập Diên Thọ Ðường là ý tại chỗ nầy. Người xưa treo biển “ Diên Thọ Ðường” cốt cho người tỉnh xét hành khổ mà khởì bi trí. Hoặc có câu: “ Người bệnh hoạn dễ sanh phiền não, kẻ mạnh khỏe thường mang lòng trắc ẩn”. Mười phương tụ hội, bốn bể một nhà, đã không có sự khác biệt thân sơ, giàu nghèo thì người bệnh tức mình bệnh, người an tức mình an, cho nên trong kinh nói: “Săn sóc người bệnh là phước điền bậc nhất” thì săn sóc đâu nên không!

 

Lại nói: Hoặc gặp lúc săn sóc người bệnh ta phải sanh lòng trắc ẩn thầm khởi lòng từ bi quán bệnh của người như của mình, ấm lạnh đói no tùy theo sự cần thiết mà săn sóc, thuốc thang cần dùng luôn luôn thăm hỏi. Người bệnh nếu có hiểu lầm sanh lòng giận dỗi, ta phải ôn tồn đối đáp để người bệnh giữ được chánh niệm, đó là tự lợi, lợi tha vậy.

 

Thiền sư Viên Ngộ nói:

Lúc thân bị bệnh làm khổ, phải khéo nhiếp tâm đừng để ngoại cảnh làm động, trong tâm cũng chẳng khởi niệm, thường nghĩ sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng, không nên phóng túng. Ở nơi ba nghiệp chỉ một pháp giận hờn là tai họa lớn, ví như có thuận, nghịch, cốt đừng cho tâm giận hờn mà phải để tâm mình rỗng rang. Quán cảnh bên ngoài như thuyền rỗng ngói nổi thì vật, ngã đều lặng lẽ, đến chỗ bất động. Ông nên suy xét kỹ điều đó.

Tâm Yếu

 

Cổ đức nói:

Sanh ra cũng như mặc áo, chết đi cũng như cởi khố, chẳng lấy sanh tử làm sự thay đổi lớn lao, phải nên biết như thế!

Trong các nổi khổ, cái khổ của bệnh là sâu xa. Trong các việc làm phước, săn sóc người bệnh là phước lớn hơn hết. Thế nên, người xưa thấy người có bệnh làm thiện tri thức, dạy người lấy việc săn sóc người bệnh làm phước điền.

Truy Môn Cảnh Huấn

 

Săn sóc người bệnh cần phải có năm đức tính Luật Tứ Phần ghi:

1/ Biết người bệnh nên ăn món gì, kiêng cữ món nào.

2/ Chẳng nhờm gớm cứt đái, đàm dãi của người bệnh.

3/ Có lòng thương xót, chứ không phải vì lý do cơm áo mà săn sóc.

4/ Lo lắng thuốc thang.

5/ Nói pháp cho người bệnh nghe để họ hoan hỷ rồi tăng trưởng pháp lành.

 

Sáu điều lầm lỗi khi săn sóc người bệnh, kinh Tăng Nhất A Hàm ghi:

1/ Chẳng biết thuốc hay

2/ Lười biếng.

3/ Ưa giận, thích ngủ.

4/ Chỉ tham cơm áo.

5/ Chẳng dùng pháp cúng dường.

6/ Chẳng cười nói vui vẻ với người bệnh.

Thích Thị Yếu Lãm

 

---o0o---


Chương 9


Học đạo cần phải phân biện tà chánh

 

Văn Khuyến Tham Thiền nói:

Giải phải viên giải rồi trở lại làm Tông sư mắt sáng cho người, tu phải viên tu để chỉ dạy bạn đồng tham. Kẻ sơ tâm bạc phước chẳng khéo gần gũi nương tựa bậc Minh sư nên kiến giải thiên khô, tu hành biếng nhác, hoặc suy tôn cảnh thánh, cô phụ tánh linh của mình, chỉ biết đức tướng thần thông, không tin phàm phu ngộ đạo. Hoặc tự thị ỷ vào tánh thiên chân bác không nhân quả, chỉ nhằm hông ngực mà lưu xuất mà không theo địa vị tu hành. Do đó, nếu pháp sư hiểu cạn không thông giáo pháp, thiền khách rỗng đầu chẳng quý hạnh môn thì đều phạm vào cái lỗi thiên khô nầy vậy.

Truy Môn Cảnh Huấn

 

Thiền sư Hoài Hải ở núi Bá Trượng nói:

Ta thường khuyên các ông nên sợ pháp trần phiền não như sợ tam đồ thì mới có phần độc lập. Giả sử có một pháp vượt hơn cả Niết bàn cũng không sanh chút lòng quý trọng thì người này mỗi bước đi đều là Phật. nếu chấp cái thanh tịnh giải thoát mình vốn sẵn có đó cho là Phật, cho là Thiền, người có kiến giải như thế là thuộc phái ngoại đạo tự nhiên. Nếu người chấp nhân duyên, có tu hành chứng đắc thì thuộc về phái ngoại đạo nhân duyên. Chấp có, tức là thuộc phái ngoại đạo thường kiến. Chấp không, tức là thuộc phái ngoại đạo đoạn kiến. Chấp cũng có cũng không tức là thuộc phái ngoại đạo biên kiến. Chấp chẳng phải có chẳng phải không tức là thưộc phái ngoại đạo không kiến.

Hiện tại chỉ cần đừng thấy có Phật, có Niết bàn…và không có tất cả những cái thấy có, thấy không…, và cũng không thất cả cái thấy có, thấy không thì mới được gọi là chánh kiến (cái thấy đúng đắn); không hết thảy cái nghe cà cũng không cả cái nghe không thì mới được gọi là chánh văn (cái nghe đúng đắn), ấy gọi là hàng phục ngoại đạo.

Quảng Ðăng Lục

 

Thiền sư Vạn Am Nhan nói:

Tòng lâm đã đến lúc tà thuyết nổi lên mạnh mẽ, họ nói giới luật chẳng cần giữ, định huệ chẳng cần tập, đạo đức chẳng cần tu, thị dục chẳng cần bỏ, lại dẫn Kinh Duy Ma, Viên Giác để làm chứng, ngợi khen tham, sân, si, sát sanh, trộm cướp, dâm dục là phạm hạnh. Than ôi! Những lời ấy đâu riêng chỉ làm tai hại cho tòng lâm đương thời, mà còn đi hại cho pháp môn chân chánh.

Hạng phàm phu ngu tối tham, sân, ái dục, nhân ngã, vô minh, niệm niệm phan duyên như nước sôi sùng sục trong nồi phải nhờ cách chi mà được trong mát? Bậc thánh xưa nghĩ đến việc lớn ấy, bèn lập ra ba môn học giới, định, huệ để ngăn ngừa ngõ hầu có thể chuyển vọng thành chân được. Ngày nay, đàn hậu tấn giới luật chẳng giữ, định huệ  chẳng tập, đạo đức chẳng tu, duyên lấy sự học rộng luận giỏi để làm lung lạc kẻ ngu si,  muốn dẫn dắt họ trở lại cũng chẳng được. Tôi đoan  chắc rằng những lời nói ấy làm lại đến muôn đời.

Thiền Môn Bảo Huấn

 

Nói là hại đến muôn đời vì hiện nay có thể thấy nhan nhãn ở chốn Thiền lâm.

 

Thiền sư Trí Giác nói:

Gần đời mạt pháp, có kẻ điên rồ nói một thứ thiền chỉ học ngoài môi, hoàn toàn không thật ngộ, mỗi hành vi đều ở trong có, mỗi lời nói đều nói không, tự chẳng trách mình bị nghiệp lực lôi kéo, lại dạy người bác không nhân quả, bèn nói uống rượu ăn thịt chẳng chướng Bồ Ðề; trộm cắp, dâm dục chẳng ngại Bát Nhã. Bọn này lúc còn sống bị nhà nước xử phạt, sau khi chết rồi bị đọa vào ngục A tỳ.

Nước ta, (Nhật bản) phép tắc sơ sài, tông phong mỗi ngày một đổ nát, dị kiến đua nhau nỗi dậy. Có nhiều kẻ ham làm thầy người, giáo hóa rộng rãi, đề xướng thạnh hành một loại thiền sai lạc huyễn hoặc kẻ hậu học, cơ hồ đã hơn một trăm năm nay. Hiện giờ ảnh hưởng vẫn còn tiếp tục lan tràn khắp thiên hạ, tưởng chừng như là đến lúc “quyến thuộc của thiên ma trộm y phục Như Lai, phá hoại giáo pháp Như Lai”. Xét về bọn quý tộc thì bên trong thường đam mê tửu sắc, bên ngoài ưa thích săn bắn, trong các việc làm phần nhiều thường lấy việc ác làm vui, chẳng thích làm lành, đó cũng là phận thường của kẻ phú quý ở chốn tòng lâm. Thế nên, họ thường ái mộ thuyết không nhân không quả và họ cũng chẳng thích nghe nói đến nghiệp báo ba đời. Họ nói: “Lão Cù Ðàm nêu bày phương tiện ác”. Họ vừa tựu chức Trụ trì chùa lớn, làm bậc Trưởng lão cao niên, hằng ngày có người lén đến trình kiến giải điên cuồn. Trưởng lão liền mời vào thất kín nói là để trao truyền tâm ấn, lại dẫn ra bao nhiêu cổ tắc, niêm đề hướng thượng để làm chứng. Hàng sĩ phu lúc đó được gãi trúng chỗ ngứa, đến chết cũng chẳng nghi, hạnh lành mỗi ngày một bê trễ, nghiệp ác càng ngày càng tăng thêm, chẳng đợi chết mới vào ngục A tỳ mà ngay lúc còn sống đã bị một đời tủi nhục. Ðáng sợ thay! Phật nói: “Chẳng phải chúng sanh lỗi mà lỗi của tà sư” là cái nghĩa này vậy.

 

Hòa thượng Tâm Văn Bí nói:

Tăng sĩ nhân tham thiền mà đến nỗi mắc bệnh quá nhiều. Có người mắc bệnh nơi tai mắt, lấy sự nhướng mày trợn mắt, nghiêng tai gật đầu làm thiền. Có người mắc bệnh ở miệng lưỡi, dùng lời nói điên đảo, hét loạn quát càn làm thiền. Có người mắc bệnh ở tay chân, lấy việc tiến trước lùi sau, chỉ đông trỏ tây làm thiền. Có người mắc bệnh ở tâm phúc, lấy sự tột cùng huyền diệu siêu tình ly kiến làm thiền. Căn cứ vào sự thật mà luận thì đều là bệnh. Duy có bậc Tông sư đầy đủ bản sắc mới quan sát thấu đáo đến chổ vi tế, xem qua liền biết được sự lãnh hội hay chưa lãnh hội của họ. Khi họ vừa bước vào cửa, các ngài liền biết chỗ chưa đến đích của  họ, rồi sau đó, các ngài  mới dùng một chùy một trát để lột trần sự khuất tất nhỏ nhiệm, phá tan chỗ ngưng trệ, nghiệm xét chỗ chân giả, định sự thật hư mà không chấp chặt một phương tiện để làm mờ tối chỗ biến thông, khiến cho người bước tới cảnh an lạc vô sự rồi sau đó mới thôi.

 

Thiền Môn Bảo Huấn

Ngày nay, tìm người mắc bệnh nầy cũng không có được nhiều, đủ biết đạo của Tổ sư suy vi đến bậc nào!

 

Thiền sư Ðại Huệ nói:

Phật pháp lúc gần đây thật thảm, kẻ làm thầy của người trước tiên đem sự huyền diệu kỳ đặc chứa trong hông ngực ra dạy bảo cho nhau, trao truyền bằng miệng nói tai nghe rồi cho đó là tông chỉ. Hạng người ấy bị tà độc nhập tâm, không thể chữa trị được. Cổ đức gọi đó là người phỉ báng Bát Nhả, ngàn Phật ra đời cũng không sám hối được.

Pháp Ngữ

 

Lúc gần đây, các loại thiền chuyên môn truyền cho nhau một cách kín đáo chẳng  ra ngoài loại này. Vả lại, đem sự huyền diệu kỳ đặc cho nhau thì có thể được, còn  như cổ tắc của Thiền sư ở các nơi mà thiển cận truyền như vậy thì thật đáng tức cười!

 

Thiền sư Vô Học Tổ Nguyên nói:

Tôi thấy các huynh đệ Nhật Bản, số người một đời được ngộ không nhiều, là phong tục xứ này chỉ quý tài trí mà không cầu ngộ giải. Thế nên, giả sử có người căn cơ linh lợi thì cũng chỉ lo học rộng các sách vở trong ngoài, ưa thích văn chương xảo ngụy mà chẳng lo tham cứu việc nầy để đến mỗi một đời luống qua trong mê, thật đáng thương xót!

Hoặc có một hạng người tự xưng là đạo nhân mà phần nhiều là người khí lượng chẳng kham học rộng nhớ nhiều, cố lấy việc ngồi thiền làm công nghiệp mà chẳng phân biện được tâm chân thật hướng về đạo, loại người nầy cũng chẳng phải một đời nầy có thể khai ngộ.

Ðến nay đã hơn ba trăm năm mà vẫn thường thấy hai loại bệnh nầy, thật lời của  người đạt đạo nói không sai. Than ôi! Phong tục nước ta quen theo thói tệ như thế, đáng buồn thay!

 

Quốc sư Vô Nghiệp nói:

Thiên hạ ngày nay hiểu thiền hiểu đạo như số cát sông Hằng, nói Phật nói tâm có trăm nghìn vạn ức mà mảy trần chẳng bỏ thì chưa khỏi luân hồi, ý nghĩ chẳng dứt thì đều phải bị chìm đắm trong sanh tử. Những người như thế, nghiệp quả của chính họ, họ còn không tự biết mà tự dối là tự lợi, lợi tha, tự bảo là bậc thượng lưu ngang hàng với tiên đức. Dẫu cho nói: Việc chạm vào mắt  không gì chẳng Phật sự, chỗ bước chân đi đều là đạo tràng. Nhưng tập quán của những người ấy chẳng bằng một kẻ phàm phu ngũ giới, thập thiện, mà lời của người đó nói ra chê cả hàng Nhị thừa và Bồ Tát Thập Ðịa. Món thượng vị đề hồ là món trân kỳ của thế gian gặp những hạng người nầy nó trở thành thuốc độc.

Ngày gần đây, cái tệ của người học thiền là lấy sự nương vào thức tình để biết làm tỏ ngộ, lấy sự xuyên tạc cơ duyên truyền trao làm tham học, lấy ngôn ngữ bí hiểm kỳ quái làm đề xướng, lấy sự phá hoại luật nghi làm giải thoát, lấy sự kết giao với nhà quyền quý, đút lót để được chức vị làm phương tiện xuất thế.

 

Trung Phong Quảng Lục 

Thuở xưa có cái tệ nầy, thời gian gần đây cũng giống như thế. Than ôi! Muốn làm cho thuyết ma lui mất, đạo Tổ trở lại lưu hành cũng chẳng thể được. Thảm thay!

 

Có vị Ðại đức hỏi Thiền sư Ðại Châu Huệ Hải:

- Thái hư hay sanh linh trí chăng? Chân tâm duyên nơi thiện ác chăng? Người tham dục là đạo chăng? Người chấp phải chấp quấy về sau tâm được thông chăng? Người gặp cảnh sanh tâm có định chăng? Người an trụ tịch mặc có huệ chăng? Người ôm lòng ngạo vật có ngã chăng? Người chấp có chấp không có trí chăng? Người tầm văn thủ chứng, người khổ hạnh cầu Phật, người lìa tâm cầu Phật, người chấp tâm là Phật, trí này có xứng với đạo chăng? Xin Thiền sư mỗi mội hãy giải đáp cho.

Sư đáp:

- Thái hư chẳng sanh linh trí. Chân tâm chẳng duyên thiện ác. Người thị dục sâu thì căn cơ cạn. Người phải quấy giao tranh thì tâm chưa thông. Người gặp cảnh sanh tâm thì ít định. Người tịch mặc quên cơ là huệ chìm. Người tâm cao ngạo vật thì ngã lớn. Người chấp không chấp có thì đều là người ngu. Người tầm văn thủ chứng thì càng mắc kẹt. Người lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo. Người chấp tâm là Phật ấy là ma.

Ðại đức thưa:

- Nếu như vậy thì cứu cánh không có gì cả sao?

Sư bảo:

- Cứu cánh là đại đức; chứ không phải cứu cánh là không có gì cả.

Truyền Ðăng Lục

 

Hòa thượng Chân Tịnh Văn nói:

Người đoạn kiến thì đoạn diệt mất tự tâm vốn là tự tánh sáng suốt nhiệm mầu, luôn luôn ngoài tâm chấp không, kẹt vào thiền tịch mặc. Người thường kiến thì chẳng ngộ hết thảy pháp không, chấp trước các pháp hữu vi thế gian cho là cứu cánh.

Chánh Pháp Nhãn Tạng

 

Tông Cảnh Lục chép:

Thấy duyên mà chẳng thấy thể là thường kiến. Thấy thể mà chẳng thấy duyên là đoạn kiến. Nay từ nhân duyên mà thấy tánh thì chẳng sa vào thường, ở trong chân tánh mà duyên khởi thì chẳng rơi vào đoạn, đó gọi là tri kiến chân chánh.

 

Ðại sư Lâm Tế nói:

Phàm người xuất gia cần phải phân biện cho được kiến giải bình thường chân chánh, biện Phật, biện ma, biện chân, biện ngụy, biện phàm, biện thánh. Nếu biện được như thế mới gọi là chân thật xuất gia.

Tuy nhiên gác cũ an nhàn

Về đến đó rồi mới nghỉ an.

Thế mà nay, chủ tớ chẳng phân, Phật ma chẳng biện, mang sự tối tăm tự cho là đủ, rồi tự bảo: “Ðây là chỗ an nhàn, đây là chỗ ruộng đất nghỉ ngơi”, thì người  đó chẳng phải là người chân thật xuất gia mà chỉ dung dưỡng phàm phu thôi.

Nếu cầu cho đúng thì trong lúc tâm ý thức chết lặng cần phải có đủ con mắt chánh  pháp mới được.

 

Thiền sư Huyền Sa Bị nói:

Có một bọn hòa thượng ngồi thiền sàng tự xưng là thiện tri thức, khi được hỏi đến, liền lắc mình, động tay, mở mắt, le lưỡi nhìn sững.

Lại có một bọn nữa nói: Linh đài trí tánh sáng suốt linh diệu hay thấy hay nghe, hướng vào trong thân năm uẩn làm chủ tể.

Bọn người như thế mà xưng là thiện thi thức, thật là dối gạt người.

 

 

---o0o---


Chương 10


Học Đạo Cần Phải Biết Học Giải Là Bệnh 

 

Hòa thượng Lâm Tế nói:

Người học thời nay chẳng đắc đạo là bởi vì nhận danh tự làm tri giải, sao chéo lại trong sách lời của các lão đã chết giấu trong ba lớp, năm lớp chẳng cho người thấy rồi nói là huyền chỉ, lấy làm bảo trọng.

 

Hòa thượng Tân Phong nói:

Thấy lời dạy của Phật Tổ như sanh oan gia thì mới là có phần tham học.

 

Hòa thượng Hoàng Bá nói:

Người thời nay chỉ muốn đa trí đa giải, rộng cầu văn nghĩa cho đó là tu hành, mà chẳng biết đa trí, đa giải trở lại thành ra bế tắc, khác gì chỉ biết cho trẻ con uống sữa mà không biết nó có tiêu hay không.

Truyền Tâm Pháp Yếu

 

Hòa thượng Phù Sơn Viễn nói với Ðạo Ngô Chân rằng:

Người học đạo chưa đến nơi đến chốn tự khoe kiến văn, đuổi theo cơ giải, dùng miệng lưỡi để thắng nhau, khác nào nhà xí bôi đồ nhơ uế chỉ làm tăng thêm mùi hôi thối mà thôi.

 

Hòa thượng Quy Sơn nói:

Nếu hướng ra ngoài được một tri một giải cho đó là thiền, là đạo thì không dính dáng chút nào, gọi đó là mang cứt vào, nó làm nhơ uế đất tâm của ông, vì thế nói chẳng phải là đạo vậy.

Hội Nguyên 

 

 

---o0o---

 

Chương 11


Học đạo cần phải tu tập tọa thiền

 

Ðàn Kinh của Lục Tổ chép:

Sao gọi là tọa thiền? Ngoài đối với hết thảy cảnh giới thiện ác tâm niệm không khởi gọi là tọa, trong thấy tự tánh chẳng động gọi là thiền.

Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng gọi là thiền, trong chẳng loạn gọi là định. Nếu thấy các cảnh mà tâm không loạn, ấy là thật định.

 

Kinh Tịnh Danh nói:

Tức thời hoát nhiên trở lại được bản tâm.    

 

Ngữ Lục của Bàng cư sĩ chép:

Tâm như tức là tọa, cảnh như tức là thiền, như như thảy chẳng gá, đại đạo chẳng trong ngoài, nếu người hiểu như thế, lúc ngủ như không ngủ.

 

Có người hỏi Thượng tọa Sư Tịnh ở núi Thiên Thai:

- Ðệ tử mỗi đêm ngồi thiền tâm niệm lăng xăng, chưa biết dùng cách gì để nhiếp phục, cúi xin thầy từ bi chỉ dạy.

Sư đáp:

- Như ban đêm ngồi an tọa mà tâm niệm lăng xăng thì hãy đem cái tâm lăng xăng ấy tìm cái chỗ lăng xăng kia, xét biết nó không có chỗ nơi thì cái niệm lăng xăng ấy đâu còn, xét ngược lại cái tâm hay xét kia cũng đâu có.

 

Lại nữa, cái trí năng chiếu vốn không, cảnh sở duyên cũng lặng, lặng mà chẳng phải lặng, bởi vì không có người hay lặng; chiếu mà chẳng phải chiếu bởi vì không có cảnh bị chiếu. Cảnh, trí đều lặng, tâm tự an nhiên, ngoài không dong ruỗi, trong không trụ định, hai đường đều bặt, một tánh di nhiên, đây là yếu đạo trở về nguồn vậy.

Hội Nguyên     

 

Thiền sư Lâm Tế nói:

Ông nếu chấp lấy cảnh thanh tịnh bất động, cho đó là phải, thì đó là ông nhận vô minh làm ông chủ.

Lời này ít nhiều làm kinh động kẻ học đòi theo kiểu dáng người chết. Nếu hướng vào chỗ nầy thấy được thấu, đả phá được suốt thì cứu được một nửa.

 

Ngài Lâm Tế nói:

Có một bọn mù trọc đầu ăn cơm no rồi tọa thiền quán hạnh giữ chặt mỗi niệm không cho sanh khởi, ghét động cầu tịnh, ấy là pháp ngoại đạo. Tổ sư nói: Nếu ông trụ tâm khán tịnh, dấy tâm soi chiếu bên ngoài, nhiếp tâm lóng lặng bên trong, ngưng tâm nhập định, những thứ ấy đều là tạo tác.

Ngày nay, tôi thấy người sơ tâm xưng là tọa thiền phần nhiều chỉ câu thúc được cái đãy da thúi nầy, còn vọng niệm, tư tưởng  thì lăng xăng khởi diệt không ngừng, cùng với cái gọi là trụ bên trong kia còn chưa dính dán thay huống là đối với cái chân thật viên trạm! Rốt cuộc thì cùng cới cái ngồi si ngốc của loài chồn thỏ không khác.

 

Có vị Tăng hỏi Quốc sư Huệ Trung ở Nam Dương:

- Tọa thiền khán tịnh việc ấy thế nào?

Sư đáp:

- Chẳng nhơ chẳng sạch  thì đâu cần khởi tâm mà khán tướng tịnh!

 

Thiền sư Ðại Huệ nói:

Chúng sanh cuồng lọan là bệnh. Phật dùng thuốc tịch tịnh ba la mật để điều trị. Nếu bệnh hết mà còn dùng thuốc thì càng thêm bệnh.

 

Trong nghi tọa thiền của Thiền sư Phật Tâm Tài có ghi:

Phàm người tọa thiền phải đoan thân chánh ý, trong sạch cái tâm rỗng rang của mình, xếp chân ngồi kiết già, thâu cái thấy, xoay cái nghe trở lại, tỉnh tỉnh chẳng ngu muội, lìa hẳng hôn trầm điệu cử. Dẫu cho có nhớ đến việc sắp đến cũng tận tình ném quách, chỉ hướng về chỗ tịnh định chánh niệm xét kỹ biết ngồi là tâm và phản chiếu là tâm, biết có, không, ở giữa, hai bên, trong, ngoài là tâm. Tâm nầy rỗng mà biết, tịch mà chiếu, tròn sáng suốt linh diệu chẳng phải hư vọng.

Nay thấy người tọa thiền gắng sức mà chẳng ngộ là do cái bệnh y theo sự chấp trước, tình gá theo thiên tà, mê muội trái với chánh nhân, uổng công tu hành mà không ngộ là do đây vậy. Nếu như lóng lặng một niệm thầm hợp vô sanh thì gương trí rỗng soi, tâm hoa kiền nở, vô biên kế chấp ngay đó liền tiêu ma, vô minh nhiều đời tức thời tan sạch, như người quên chợt nhớ, như người bệnh được lành, trong lòng vui mừng tự biết sẽ làm Phật, tức là biết ngoài tâm mình ra không có Phật nào khác. Sau đó, thuận theo ngộ mà càng tu, nhân tu mà chứng, nguồn chứng ngộ là ba mà không khác, đây gọi là nhất giải, nhất hạnh tam muội, cũng gọi là vô công dụng đạo.

 

Hòa thượng Ngưỡng Sơn nói:

Nếu là đệ tử của Tổ tông thì người thượng căn thượng trí một nghe ngàn ngộ được đại tổng trì. Còn như kẻ căn trí yếu kém nếu chẳng chịu tọa thiền để lặng yên niệm lự đến lúc lâm chung ắt phải bối rối.

 

Thiền sư Huyền Sa Bị nói:

Cho ông luyện  được thân tâm đồng như hư không đi, cho ông đến chỗ tịnh minh lóng lặng chẳng lay động đi, mà nếu chẳng ra khỏi thức ấm, cổ nhân gọi đó là dòng nước chảy nhanh, vì nó chảy quá nhanh nên không biết rồi lầm cho là yên tịnh. Tu hành như thế không thể nào ra khỏi mé luân hồi được, mà y như trước vẫn bị luân hồi nữa.

 

Hòa thượng Trung Phong nói:

Hoặc có người ngồi chỗ vắng lặng có lúc trần lao tạm dừng trong phút chốc, chợt trong thức ấm hốt nhiên tỉnh ngộ được cái tương tự như đạo lý, bèn y theo đó cho là đúng, rồi dẫn lời trong kinh giáo để làm chứng cho cái bệnh nầy là do thức ấm chưa phá, thật là gốc sanh tử, chứ chẳng phải kiến tánh vậy.

 

Kinh viên Giác ghi:

Hụê thanh tịnh vô ngại đều nương nơi thiền định mà sanh.

 

Hòa thượng Triệu Châu nói:

Ông hãy hướng vào dưới lớp y áo ngồi mười năm, nếu chẳng hội thiền thì cứ chặt đầu lão tăng đi.

 

Cổ đức nói:

Siêu phàm vượt thánh thì cần phải lặng hết các duyên, ngồi chết hay đứng tịch đều phải nhờ vào sức định. 

 

 

---o0o---

 

Chương 12


Học đạo cần phải kiến tánh minh tâm

 

Ðại sư Ðạt Ma bảo Nhị Tổ:

- Ông chỉ cần ngoài dứt các duyên, trong không nghĩ tưởng, tâm như tường vách thì có thể vào đạo.

Nhị Tổ nói tâm nói tánh đủ thứ mà vẫn không khế hội. Một hôm chợt ngộ, Ngài bèn thưa:

- con đã dứt được các duyên.

Ðạt Ma bảo:

- Không thành đoạn diệt chăng?

- Thưa không.

Ðạt Ma hỏi:

- Ông làm gì?

Nhị Tổ thưa:

- Rõ ràng thường biết, nói chẳng thể đến.

Ðạt Ma bảo:

- Ðây là tâm thể của chư Phật đã truyền, chớ có hồ nghi.

Tông Môn Thống Yếu

 

Phật bảo A nan:           

Ta thường nói: Thân ông, tâm ông đều là vật hiện trong diệu minh chân tinh diệu tâm, tại sao các ông lại bỏ mất cái bổn diệu viên diệu minh tâm bảo minh diệu tánh ấy mà nhóm họp các duyên dao động bên trong, đuổi theo cái tướng mờ tối nhiễu loạn bên ngoài rồi cho đó là tâm tánh? Một khi mê nó làm tâm thì chắc chắn lầm cho là ở trong sắc thân, mà chẳng biết ngoài sắc thân cho đến núi sông, hư không, đất đai đều là vật trong diệu minh chân tâm, ví như bỏ trăm ngàn biển cả trong trẻo để nhận một bọt nước cho đó là toàn thể biển cả mênh mông.

Kinh Lăng Nghiêm

 

Vua Dị Kiến hỏi Tôn giả Ba La Ðề:

- Phật là gì?

Tôn giả đáp:

- Thấy tánh là Phật.

- Thầy thấy tánh chưa?

- Tôi thấy phật tánh.

- Tánh ở chỗ nào?

- Tánh ở tại tác dụng v.v…

 

Tôn giả bèn nói kệ rằng:

Tại thai là thân

Ra đời là người

Tại mắt là thấy

Tại tai là nghe

Tại mũi biết mùi

Tại miệng đàm luận

Tại tay cầm nắm

Tại chân đi chạy

Hiện khắp đều trùm sa giới

Thâu gồm tại một vi trần

Thức giả biết là Phật tánh

Người ngu gọi đó tinh hồn.

Hội Nguyên

 

Hòa thượng Ðại Ðiên ở Triều Châu nói:

Người học đạo cần phải biết bổn tâm của mình đem tâm chỉ cho nhau thì mới có thể thấy đạo. Tôi thấy đương thời có nhiều người chỉ nhận cái nhướng mày, chớp mắt, một nói một nín, gật đầu ấn khả cho đó là tâm yếu. Những người nầy thật ra họ chưa rõ. Tôi nay nói minh bạch cho các ông nghe, mỗi người phải gắng nhận: Chỉ cần trừ sạch hết các vọng niệm, kiến giải, thì ngay đó là chân tâm của ông. Tâm này, lúc cùng với trần cảnh cả lúc giữ cho yên tịnh hoàn toàn không có chút gì dính dáng. Chính tâm này là Phật, chẳng đợi tu sửa. Sao vậy? vì ứng dụng của nó trọn bất khả đắc, nên gọi là diệu dụng. Bản tâm nầy rất cần phải hộ trì, không nên khinh thường.

Truyền Ðăng Lục  

 

Thiền sư Bảo Tháp Thiệu Nham dạy chúng:

Các ông được minh tâm chưa? Nếu chưa, thì chẳng lẽ lúc đàm luận nói cười, lúc im lặng không nói, lúc tham tầm thiện tri thức, lúc đạo bạn thương lượng, lúc du sơn ngoạn thủy, lúc tai mắt bặt trần tâm của ông? Kiến giải như trên đều thuộc về ma mị, đâu thể gọi là minh tâm?

Còn có một loại người nữa lìa vọng tưởng trong thân, riêng nhận khắp cả mười phương thế giới bao hàm nhật nguyệt thái hư ở bên ngoài cho đó là chân tâm xưa nay, đây cũng là điều của ngoại đạo chấp, chứ không phải là minh tâm.

Các ông muốn hội chăng? Tâm không phải cũng không chẳng phải, ông toan chấp nhận có thể được sao !

Hội Nguyên  

 

Hòa thượng Chân Tịnh nói:

Phật pháp vô cùng vi diệu không có hai, những người chưa đến được chỗ vi diệu thì thấy có hay dở đối đãi. Nếu như người đến chỗ vi diệu rồi thì đó là người ngộ tâm. Người đó biết đúng như thật rằng tâm mình rốt ráo xưa nay thành Phật, người đó thật sự tự tại, thật sự an vui, thật sự giải thoát, thật sự thanh tịnh, và hằng ngày chỉ dùng tự tâm, tự tâm biến hóa nắm được liền dùng chứ không luận phải hay không phải, hễ đem tâm toan tính thì liền không phải. Tâm chẳng toan tính thì mỗi mỗi thiên chân, mỗi mỗi minh diệu, mỗi mỗi như hoa sen chẳng dính nước, tâm nầy thanh tịnh còn hơn cả hoa kia. Do đó, mê tự tâm nên làm chúng sanh, ngộ tự tâm nên thành Phật, mà chúng sanh tức Phật, Phật tức chúng sanh, do có mê ngộ mà có Phật, có chúng sanh vậy.

Chánh Pháp Nhãn Tạng

 

Thiền sư Bá Trượng nói nới Quy Sơn:

Muốn biết nghĩa Phật tánh phải quán thời tiết nhân duyên. Thời tiết đã đến, như mê chợt ngộ, như quên bỗng nhớ, mới biết vật của mình chẳng từ người khác mà được, cho nên Tổ sư nói: “Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp, chỉ cần không có tâm hư vọng chấp phàm chấp thánh, xưa nay tâm pháp vốn tự đầy đủ”. Ông nay đã được như thế, phải khéo tự giữ gìn!

Hội Nguyên

 

Có vị Tăng hỏi Ngài Ngưỡng Sơn:

- Hòa thượng thấy người đến hỏi thiền hỏi đạo, bèn vẽ một vòng tròn trong đó viết chữ NGƯU, là ý gì?

Ngài Ngưỡng Sơn đáp:

- Cái ấy cũng là việc không đâu. Nếu chợt hội được thì cũng chẳng từ bên ngoài đến. Nếu không hội thì quyết chắc là không biết.

Ta hỏi lại ông: Bậc lão túc ở các nơi, ngay trên cái thân của ông, chỉ ra cái gì là Phật tánh? Nói là phải hay nín là phải, hay chẳng nói chẳng nín là phải, hay lại đều là phải, hay lại đều là không phải? Nếu ông nhận nói là phải thì như người mù sờ đuôi voi. Nếu ông nhận nín là phải thì như người mù sờ tai voi. Nếu ông nhận chẳng nín chẳng nói là phải thì như người mù sờ vòi voi. Nói vật vật đều phải thì như người mù sờ nhằm bốn chân voi. Nếu bảo đều chẳng phải tức là ném bỏ con voi nầy, rơi vào không kiến. Chỗ thấy của các người mù kia chỉ ở nơi danh mạo sai biệt trên con voi. Ðiều tối cần là ông chớ sờ voi, chớ nói thấy biết là phải, cũng chớ nói là không phải. Tổ sư nói:

Bồ đề vốn không cội

Gương sáng cũng không đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi nhơ?

Lại nói: “Ðạo vốn không hình tướng, trí huệ tức là đạo, người có kiến giải nầy gọi là chân Bát nhã”. Người có mắt sáng thấy được toàn thể con voi thì thấy tánh cũng như vậy.

Bích Nham

 

Hòa thượng Nham Ðầu dạy chúng:

Luận về việc trong đại thống cương tông cần phải biết cú(câu), nếu không biết cú thì khó hội được lời nói. Cái gì là cú? Lúc trăm việc chẳng nghĩ gọi là chánh cú, cũng gọi là cư đảnh, cũng gọi là đắc trụ, cũng gọi là lịch lịch (rõ ràng), cũng gọi là tỉnh tỉnh, cũng gọi là chắc thực, cũng gọi là đắc địa, cũng gọi là lúc ấy. Ngay khi ấy đồng phá tất cả thị phi, vừa như thế liền chẳng như thế, bèn lăn trùng trục. Nếu thấy chẳng thấu thì vừa bị người hỏi đến mắt trợn trừng như con dê bị giết chưa chết. Chẳng thấy Cổ Nhân nói: “Hôn trầm chẳng tốt, cần phải chuyển được mới tốt” đó sao?

Chánh Pháp Nhãn Tạng           

 

Hòa thượng Chương Kỉnh thượng đường dạy:

Chỗ tột cùng của đạo lý là bặt dứt nói năng, thế mà người đương thời chẳng hiểu lại cố tập việc khác cho là công năng. chẳng biết tự tánh vốn chẳng phải trần cảnh mà là cái cửa giải thoát vi diệu có giác chiếu soi chẳng nhiễm chẳng ngại, ánh sáng ấy chưa từng thôi dứt, nhiều kiếp đến nay vốn không biến đổi, giống như mặt trời xa gần đều chiếu, tuy đến với các hình sắc mà chẳng cùng tất cả hòa hợp. Ngọn đuốc linh sáng nhiệm mầu chẳng phải nhờ trui luyện, vì không rõ biết nên chấp vào vật tượng cũng như dụi mắt vọng khởi lên hoa đốm trong hư không, luống tự nhọc nhằn trải qua nhiều kiếp một cách oan uổng. Nếu phản chiếu được thì không có người thứ hai, cử chỉ hành động đều không thiếu thật tướng.

Hội Nguyên

 

Phù Sơn Viễn Công bảo Thủ tọa Diễn:

Tâm là chủ của cả một thân, là gốc của muôn hạnh. Tâm chẳng diệu ngộ thì vọng tình tự sanh. Vọng tình đã sanh thì thấy lý chẳng rõ. Thấy lý chẳng rõ thì phải quấy nổi lên. Do đó, trị tâm cần phải cầu diệu ngộ, ngộ rồi thì tinh thần điều hòa, tánh khí diềm tĩnh, dung mạo cung kính, hình sắc trang nghiêm, vọng tưởng tình lự đều tiêu dung thành chân tâm. Lấy đây để trị tâm thì tâm tự linh diệu, sau đó dẫn dắt mọi người, chỉ cho họ biết cái chỗ mê thì ai mà chẳng theo học!

 

Phật dạy:

Tất cả chúng sanh nhận lầm tứ đại làm thân tướng của mình, bóng dáng sáu trần làm tâm tướng của mình, ví như người bệnh mắt thấy hoa đốm trong hư không và thấy mặt trăng thứ hai, nên gọi là vô minh.

Kinh Viên Giác  

 

Phật dạy:

Ông dùng tâm phan duyên nghe pháp thì pháp nầy cũng là duyên.

Phật dạy:

Dùng tâm suy nghĩ để đo lường cảnh giới viên giác của Như Lai như đem lửa đom đóm đốt núi Tu Di.

 

---o0o---

 

Chương 13


Học đạo cần phải dùng công phu thoại đầu làm chủ yếu

 

Hòa thượng Triệu Châu nói:

Huynh đệ chớ đứng lâu, có việc thì thương lượng, bằng không có việc thì hãy hướng về tự kỷ tham cứu mới tốt!

 

Thiền sư Viên Thông Ðức nói:

Con mắt đạo chưa sáng thì có sự ứng dụng gì? Vô sự cần nhất phải tham cứu!

 

Thiền sư viên Ngộ nói:

Chỉ cần khiến cho tâm niệm lóng lặng, chỗ lăng xăng loạn động chính là chỗ tốt nhất để hạ thủ công phu.

 

Thiền sư Ðại Huệ nói:

Công phu thuần thục thì khua mở cái chốt cửa. Cái gọi là công phu có nghĩa là đem cái tâm suy nghĩ trần lao thế gian quay về đặt trên câu: “Que chùi phân” (1)  khiến tình thức chẳng còn sanh khởi, tương tự như pho tượng bằng gỗ, bằng đất. Lúc cảm thấy tối tăm không hiểu, không có cái lỗ mũi để nắm, ấy là tin tức tốt.

 

Cổ Ðức nói:

Trên Bát nhã không có công phu luống uổng.

 

Thiền sư Ðại Huệ nói:

Huynh đệ hạ thủ công phu chẳng cần cử nhân duyên chỉ cần đến chỗ gần gũi mà khán, như Lục Tổ nói với Thượng tọa Huệ Minh: “Ông chỉ cần thiện ác đều chớ nghĩ đến, đương lúc ấy, tất cả chẳng suy nghĩ, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?”. Chỉ cần khán như thế.

 

Ngài Ðại Huệ nói:

Công phu chẳng nên gấp, gấp thì tháo động cũng không nên hưỡn, hưỡn thì hôn trầm.

 

Thiền sư viên Ngộ nói:

Ông ta tham hoạt cú (2) chẳng tham tử cú, vì dưới hoạt cú tiến được thì muôn kiếp chẳng quên, còn dưới tử cú tiến được thì tự cứu chẳng xong. Nếu muốn cùng Phật Tổ làm thầy thì cần phải biết sử dụng hoạt cú.

Tâm Yếu

 

Hòa thượng Cao Phong Diệu nói:

Nếu nói là chân thật tham thiền thì cần phải có đủ ba điều quan yếu:

1.      Phải có lòng tin lớn lao rõ biết việc này chắc chắn như dựa vào núi Tu Di.

2.      Phải có phẫn chí mạnh mẽ như gặp kẻ thù giết cha mình, muốn hạ nó ngay một dao đứt làm hai đoạn.

3. Phải khởi đại nghi tình như ở chỗ tối phải tìm nột vật quý, chính ngay lúc muốn lộ ra mà chưa lộ.

Trong suốt ngày đêm nếu đầy đủ ba điều thiết yếu này thì bảo đảm có ngày thành công, chẳng sợ con ba ba quậy ở trong chum. Nếu thiếu đi một điều thì cũng như cái đảnh gãy đi một chân ắt thành vô dụng.

Cao Phong Lục

 

Ngài Cao Phong nói: “Nghi lấy tin làm thể, ngộ lấy nghi làm dụng. Tin được mười phần thì nghi được mười phần. Nghi được mười phần thì ngộ được mười phần”.

Thảo Ðường đứng hầu ngài Hối Ðường. Ngài Hối Ðường nêu ra câu thoại đầu: Gió, phướn(3)  hỏi Thảo Ðường.

Thảo Ðường thưa:

- Con hoàn toàn không có chỗ vào.

Hối Ðừơng bảo:

- Ông thấy ở thế gian mèo rình bắt chuột chăng? Hai mắt ngó lom lom không chớp, bốn chân bám chặt xuống đất không động đậy, sáu căn chăm chú, đầu đuôi thẳng băng, sau đó chụp lấy không hụt một con chuột nào. Cũng thế, người tu thiền nếu tâm không phan duyên theo việc khác, ý bặt vọng tưởng, sáu căn vắng lặng, ngồi yên tham cứu thì hoàn toàn thành công.

Ðại Huệ Võ Khố

 

Thiền sư Ðại Huệ nói:

Tâm sanh tử chưa phá vỡ thì toàn thể là một khối nghi tình. Chỉ cần ở trong cái ổ nghi tình cử lên một câu thoại đầu: “Có vị Tăng hỏi ngài Triệu Châu: Con chó có Phật tánh hay không? Triệu Châu đáp: Không”. Ði đứng ngồi nằm chẳng được gián đoạn, lúc  vọng niệm khởi cũng chẳng được đem tâm đè nén mà chỉ cần cử câu thoại đầu này. Nếu lúc tịnh tọa vừa biết có hôn trầm thì lập tức phải chấn chỉnh tinh thần cử câu thoại đầu này chẳng khác nào bà mù thổi lửa chợt lông mày đồng thời bị cháy sạch.

Pháp Ngữ

 

Ngài Ðại Huệ nói:

Lúc gần đây trong chốn tòng lâm pháp tà đua nhau nổi dậy làm mù mắt chúng sanh không kể xiết. Nếu không dùng công án của Cổ Ðức đề khởi cử giác thì cũng như kẻ đui mù quăng tuốt gậy trong tay, một bước cũng không đi được.

Pháp Ngữ 

 

Hòa thượng Quy Sơn nói:

Xét cùng tột pháp lý, lấy ngộ làm cực tắc.

Hòa thượng Trung Phong Bổn nói:

Chỉ hướng lên trên câu thoại đầu đang tham, một khi nắm chặt rồi thì cần phải sống đồng sống, chết đồng chết. Thứ nhất là chẳng được cầu phương tiện khác. Thứ hai là chẳng được đổ lỗi cho cảnh duyên. Thứ ba là chẳng được mống khởi một niệm mê tình.

Quảng Lục  

 

Tham thiền là phải đối địch với sanh tử, chẳng phải nói liễu ngộ bèn xong. Tham thiền phải tỏ đại đạo, sáng nghe chiều chết cũng thỏa lòng. Tham thiền là đẩy cánh cửa lọt vào cối cửa, tối kỵ là hướng ra ngoài tìm cầu. Tham thiền cần phải khởi nghi tình, đại nghi ắt đại ngộ. Tham thiền nạp tử anh linh cử khởi liền biết nơi chốn. Tham thiền là ngộ bản lai diện mục, văn tự ngữ lục khó mà ghi chép nổi. Tham thiền chỉ thẳng tâm người, quý nhất là cần phải tự đảm đương. Tham thiền như đối địch với muôn người, phải chiến đấu đến táng thân mất mạng. Tham thiền như mèo rình bắt chuột không cho chớp mắt. Tham thiền là việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải hàng quan tướng có thể làm nổi.

Vô Môn Ngữ Lục 

 

Hòa thượng Trung Phong bài xích người học đạo chỉ chuộng thông suốt trên ngữ ngôn mà không cầu thật ngộ. Ngài thường nói:

Ngày nay, người tham thiền không linh nghiệm, thứ nhất là không có cái chí khí chân thật như người xưa; thứ hai là không lấy sanh tử vô thường làm việc lớn, thứ ba là buông bỏ công phu mình tu tập, trọng vọng, súc tích từ trước tới nay không nổi, lại không đủ sự lâu dài không lui sụt của thân tâm. Rốt cuộc thì bệnh ở chỗ nào? Kỳ thật là vì chẳng biết cội gốc sanh tử.

Hành Lục 

 

Hòa thượng Cao Phong nói:

Các huynh đệ mười năm, hai mươi năm cho đến suốt cả cuộc đời mình dứt bặt việc thế tục, quên hết các duyên, chỉ dốc chí cốt để biết rõ việc này mà không thấu thoát được là do bệnh ở chỗ nào? Bổn phận của người xuất gia thử nêu ra xem! Phải chăng từ đời trước không có linh cốt? Phải chăng không gặp Minh sư? Phải chăng một nóng mười lạnh? Phải chăng căn cơ yếu kém, chí khí nhỏ hẹp? Phải chăng là chìm đắm trong trần lao? Phải chăng là trầm không trệ tịch? Phải chăng là tạp độc nhập tâm? Phải chăng là thời tiết chưa đến? Phải chăng là chẳng nghi ngôn cú? Phải chăng là chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng? Nếu luận về bệnh nặng thì hoàn toàn chẳng phải là các bệnh đã kể trên. Ðã chẳng phải như đã nói thì rốt cuộc ở chỗ nào? (Tiếng quát).

Dưới đây đòn tay ba cành, trước cái đơn bảy thước (4).

Cao Phong Lục

 

Thiền sư Phật Giám Cần nói:

Thường thấy các huynh đệ học đạo, có người chẳng cầu liễu ngộ, chỉ chăm vào ngôn thuyết mà muốn thể hội được nhân duyên của cổ nhân, há chẳng phải là cái lầm lớn sao? Cổ nhân chỉ đối bệnh ra toa, tùy cơ cho thuốc nên mới có nhiều đường lối vào cửa như sắn bìm, như ngón tay chỉ mặt trăng, như viên ngói gõ cửa. Ý là nhờ viên ngói gõ để cửa mở, nhờ ngón tay để thấy mặt trăng, nếu như được cửa mở, thấy trăng rồi, viên ngói, ngón tay dùng làm chi nữa!

 

Ngài Phật Giám nói:

Tham phải thật tham, ngộ phải thật ngộ. Hãy tham cứu cùng tột đến suốt đáy của giáo lý đi! Chẳng phải ngày này hạ được một chuyển ngữ, ngày mai qua được một tắc nhân duyên. Nhân duyên xưa nay số nhiều như cát trong sông đâu có thôi hết! Rốt cuộc chẳng tỏ ngộ tâm địa thì làm sao liễu thoát sanh tử? Như Tổ Ðạt Ma lúc mới sang đây (Trung Hoa), chưa có nhiều tắc nhân duyên như thế mà tại sao vẫn có người ngộ đạo?...

Lại nói: Xin khuyên các huynh đệ chỉ cần tỏ ngộ tâm địa, chớ lo chẳng hội nhân duyên. Nhân duyên xưa nay đó, chẳng nói là nhất thời chẳng khán, mà chỉ cần khán thấu qua một tắc rồi thì ngàn tắc, muôn tắc đều đồng. Nếu nói hội được một tắc này mà chưa hội được tắc kia thì quyết chắc là chưa đúng vậy.

Phổ Ðăng Lục 

 

Ngài Ðại Huệ nói:

Ngàn nghi, muôn nghi chỉ là một nghi. Cái nghi trên câu thoại đầu vỡ thì ngàn nghi, muôn nghi đồng thời vở hết.  

Thiền sư Viên Ngộ nói:

Thật không khác chi người chết hết thở, sau đó tỉnh lại mới biết rỗng rang đồng thái hư.

Tâm Yếu

 

Thiền sư Thoại Lộc Bổn Tiên thượng đường dạy:

Ðại phàm, tham học vị tất học vấn thoại (5)  là tham học, vị tất học đại ngữ (6)  là tham học, vị tất học biệt ngữ (7) là tham học, vị tất học hiểu kinh điển là tham học, vị tất học hiểu được ngữ ngôn kỳ đạc của Tổ sư là tham học. Nếu tham học như thế thì dẫu cho ông thông đạt được hết đi nữa, nhưng ở trong Phật pháp ông vẫn là người không thấy đến nơi đến chốn, nên gọi là bọn càn huệ. Há chẳng nghe Cổ đức nói: “Thông minh chẳng địch sanh tử, càn huệ đâu khỏi luân hồi” sao?

Các ông nếu muốn tham học thì phải nên chân thật tham học, lúc đi thì đi tham, lúc đứng thì đứng tham, lúc ngồi thì ngồi tham, lúc nằm thì nằm tham, lúc nói thì cũng nói tham, lúc nín thì cũng nín tham, lúc làm tất cả công việc cũng tham. Ðã lúc nào cũng tham được như trên, thử nói xem: Ai tham? Tham cái gì? Ðến đây cần phải có chỗ minh bạch mới được. Nếu chẳng như thế thì bị gọi là bọn hấp tấp vội vàng, ắt không có được cái yếu chỉ tham cứu hoàn tất vậy.

Hội Nguyên 

 

Thiền sư Khai Thiện Khiêm nói:

Thời giờ dễ qua, hãy gấp hạ thủ công phu. Không có công phu gì khác hơn là chỉ cần buông bỏ. Chỉ cần đem những gì sở hữu trên tâm thức nhất thời buông bỏ, đấy là công phu thẳng tắt chân chánh. Nếu có công phu nào khác đều là ngu si, điên cuồng chạy ở bên ngoài vậy.

Tấm bảng treo trước cửa am nài Tổ Tâm, am chủ Hoàng Long, có đề:

Thông báo cùng các người học Thiền, nếu muốn thấu tột đạo này, cần nhất phải tự khán, không ai thay thế cho được. Có lúc hoặc khán được nhân duyên, tự có chút ít hoan hỷ, bèn nhập thất thổ lộ, đợi lời phẩm bình phải trái, cạn sâu; còn như chưa phát minh thì thôi.

Ðạo tự hiện ra trước mắt, khổ sở tìm cầu càng thêm mê muội. Ðây là đạo ly ngôn phải ở nơi chính mình tự nhận, chẳng do người khác mà ngộ, phát minh như thế mới gọi là liễu đạt được căn bản sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay. Nếu thấy được đạo ly ngôn này tức là thấy tất cả thanh sắc, ngữ ngôn thị phi là đạo, chứ không có pháp nào khác. Nếu chẳng thấy đạo ly ngôn, bèn đem sự hiểu biết các nhân duyên sai biệt trước mắt cho là sở đắc thì chỉ e nhận lầm nhân duyên bóng sáng trước mắt của môn đình mà rốt cuộc chỉ là tự dối mình, uổng phí tâm lực.

Phải nên ngày đêm khắc kỷ tinh thành, đi đứng quán sát xem xét kỹ càng, không có dụng tâm gì khác thì lâu ngày tự nhiên có đường vào, đây chẳng phải một mai một chiều mà học thành sự nghiệp. Nếu chẳng tham thấu như thế thì chẳng bằng xem kinh theo đúng thời khóa tu hành cho qua kiếp sống tàn này, cũng còn hơn nói bậy nói bạ sanh tội phỉ báng chánh pháp. Nếu muốn lúc về già dám bảo đảm thành người vô sự, không còn mối hệ lụy nào thì không ngoài việc hiện nay phải nhập thất hai kỳ giữa tháng và cuối tháng để xin thưa hỏi.

La Hồ Dã Tập

 

Chú giải:

  (1)   Có vị Tăng hỏi thiền sư Vân Môn: Phật là gì?

Ngài đáp: Que chùi phân (càn thi quyết)

 (2)   Thiền sư Ðộng Sơn Thủ Sơ nói:

“Trong lời có lời gọi là tử cú

Trong lời không lời gọi là hoạt cú”.

  (3)  Nhân gió lay lá phướn trước chùa. Có hai ông Tăng tranh luận. Một ông nói phướn động. Ông kia nói gió động. Cãi qua cãi lại không ra lẽ. Lục Tổ đứng gần đó nói: “Không phải phướn động, không phải gió động mà tâm các ông động đấy!”. Hai ông Tăng giật mình kinh.

(4)  Thiền sàng: Ý ngài bảo hãy ngồi trên thiền sàng nỗ lực tham cứu rồi sẽ tỏ ngộ việc ấy.

(5)  Vấn thoại: là câu hỏi thiền sinh đặt ra lúc Hòa thượng thượng đường.

(6)  Gián thoại: là lời giản trạch bình luận cổ tắc công án.

(7) Ðại ngữ: có hai loại:

a/ thiền sư đặt vấn đề bảo chúng hạ ngữ, chúng không khế hội, thiền sư thay chúng mà hạ ngữ.

b/ Nêu lên cổ tắc mà cổ nhân không có ngữ, bèn thay cổ  nhân mà hạ ngữ.

(8) Biệt ngữ: Cổ tắc có sẵn chuyển ngữ của cổ nhân rồi mà mình hạ một chuyển ngữ khác nữa, gọi là biệt ngữ.

 

---o0o---

 

Chương 14


Học đạo cần phải tham cho được một đường thẳng tắt

           

Thiền sư Ðức Sơn Tuyên Giám xuất thế, hễ thấy Tăng vào cửa liền đánh.

Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền xuất thế, hễ thấy Tăng vào cửa liền hét.

Pháp ngữ của Ngài Ðại Huệ dạy người sơ lược như sau: Chỉ cần đem cái chỗ bình sanh do tọa thiền mà được, do xem kinh giáo mà được, do ghi nhớ ngữ lục mà được, do lãnh hội lời nói trên cửa miệng Tông sư mà được nhất thời quét qua thế giới khác, rồi bình tĩnh xét nét kỹ lưỡng: Tại sao Ðức Sơn thấy Tăng vào cửa liền đánh? Tại sao Lâm Tế thấy Tăng vào cửa liền hét? Nếu biết được chỗ ứng dụng của hai vị đại lão này thì hằng ngày chạm cảnh gặp duyên chẳng cho là thế đế thông thường, cũng chẳng cho là lý luận Phật pháp, đã không chấp trước hai bên thì phải biết là tự có một con đường sống vậy.

Hòa thượng Bí Ma Nham thường cầm một cây nạng gỗ, mỗi khi có Tăng đến lễ bái, bèn chỉa vào cổ nói: Ma mị nào dạy ông xuất gia? Ma mị nào dạy ông hành cước? Nói được cũng chết dưới cây nạng gỗ này. Nói mau! Nói mau!

Người học ít có kẻ đáp được.

Hội Nguyên 

 

Hòa thượng Từ Minh, trong thất có giắt một ề thanh gươm, và để một đội giày cỏ, một chậu nước bên cạnh thanh gươm ấy.

Mỗi khi có người vào thất, Ngài bèn nói: “Xem ! Xem !”.

Có người đến bên thanh gươm nghĩ nghị.

Sư bảo: Nguy hiểm ! Táng thân mất mạng rồi! Bèn quát đuổi ra.

 

Hòa thượng Tử Hồ có dựng một tấm bảng trước sơn môn, trong đó viết:

“Tử Hồ này có một con chó trên cắn đầu người, giữa cắn lưng người, dưới cắn chân người, nghĩ nghị thì táng thân mất mạng”.

Hễ thấy người mới đến, ngài bèn quát : “Coi chừng chó dữ!”.

Tăng vừa quay đầu, Tử Hồ liền trở về phương trượng.

Nham Lục 

 

Thiền sư Phật Giám Cần, trong thất có để sáu con xúc xắc, mỗi mặt đều có khắc một chấm.     

Tăng vừa vào cửa, Sư quăng ra hỏi: “ Hội chăng?”. Tăng dù nghĩ nghị hay không nghĩ nghị, Sư liền đánh đuổi ra.

Hội Nguyên  

 

Thiền sư Hối Ðường Tâm, trong thất, Ngài thường đưa nắm tay lên hỏi Tăng: “Nói là nắm tay thì phạm, chẳng nói là nắm tay thì trái, vậy nói là cái gì?

Thiền sư Ðại Huệ, trong thất, thường đưa cây trúc bề lên hỏi Tăng: “Nói là trúc bề thì phạm, chẳng nói là trúc bề thì trái, chẳng được nói, chẳng đưọc không nói. Nói mau! Nói mau!”

Hòa thượng Hương Nghiêm dạy chúng:

Nếu luận về việc này thì như người leo lên cây cao, miệng cắn cành cây, chân chẳng đạp cành, tay không nắm nhánh. Dưới gốc cây chợt có người hỏi:

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?

Chẳng trả lời người kia thì phụ câu hỏi. Bằng trả lời thì táng thân mất mạng. Vậy ngay khi ấy phải làm gì?

Hội Nguyên

 

Thiền sư Ba Tiêu Thanh dạy chúng:

Ông có một cây gậy, ta cho ông một cây gậy. Ông không có cây gậy, ta lấy cây gậy của ông.

 

Thiền sư Khai Thiện Khiêm nói:

Sơn tăng thường nói, đi đứng ngồi nằm quyết định chẳng phải, thấy nghe hay biết quyết định chẳng phải, suy nghĩ phân biệt quyết định chẳng phải, ngôn ngữ vấn đáp quyết định chẳng phải. Thử dứt tuyệt bốn con đường này mà khán. Nếu chẳng dứt tuyệt thì chắc chắn chẳng ngộ. Bốn con đường này, nếu dứt tuyệt thì đối với công án:

“Tăng hỏi Triệu Châu:

- Con chó có Phật tánh không?

Triệu Châu đáp:

- Không”.

Và công án:

“Tăng hỏi Vân Môn:

- Phật là gì?

Vân Môn đáp:

- Que chùi phân”.

Chắc chắn ông cười ha hả.

La Hồ Dã Tập 

 

Hòa thượng Dương Kỳ, trong thất hỏi Tăng:

Gai góc ông làm sao nuốt? Vòng kim cương ông làm sao thấu?

 

Thiền sư Ðại Huệ trong thất hỏi Tăng:

Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?

 

Hòa thượng Thạch Ðầu nói: “Thế ấy cũng chẳng được, chẳng thế ấy cũng chẳng được, thế ấy chẳng thế ấy đều chẳng được. Ông phải làm sao?”

 

Hòa thượng La Sơn nói: “Hội chăng? Chẳng phải thiền, chẳng phải đạo, chẳng phải Phật, chẳng phải pháp, là cái gì?”.

 

Cổ đức dạy: Việc này chẳng thể lấy hữu tâm cầu, chẳng thể dùng vô tâm đắc, chẳng thể dùng ngôn ngữ tạo, chẳng thể dùng tịch mặc thông.

 

Ngài Ðại Huệ nói:

Ðây là lời tha thiết bậc nhất của người vào bùn vào nước nói ra, nhưng thường thường người tham thiền chỉ nhớ qua loa như thế mà trái lại không chịu khán kỹ xem đó là cái đạo lý gì?

 

---o0o---

 

Chương 15


Học đạo cần phải biết phương tiện Tổ Sư từ bi chỉ dạy

 

Ðại sư Vân Môn nói:

Cổ nhân có rất nhiều cát đằng (1)  để vì nhau, như Hòa thượng Tuyết Phong nói: “Cảđại địa là ông”. Hòa thượng Giáp Sơn nói: “Trên đầu trăm ngọn cỏ tiến cử lão Tăng, trong chợ búa ồn ào biết được thiên tử”.

 

Hòa thượng Lạc Phổ nói: “Một trần vừa khởi đại địa toàn thâu, một đầu sợi lông toàn thân sư tử hiện, cả thảy đều là ông”. Hãy nắm lấy lật qua lật lại suy nghĩ xem, lâu ngày chầy tháng tự nhiên có đường vào.

 

Thiền sư Viên Ngộ nói:

Từ xưa đến nay có rất nhiều vị chẳng tiếc lông mày mà vì người chỉ cho chỗ thấu thoát như: Vân Môn nói: “Cả thể toàn chân”, Lâm Tế nói: “Tọa đoạn đầu báo hóa Phật”, Ðức Sơn nói: “Vô sự nơi tâm, nơi tâm vô sự thì rỗng mà linh, tịch mà chiếu”, Nham Ðầu dạy: “chỉ giữ lấy chỗ nhàn nhàn, trong tất cả thời vô dục, vô y, tự nhiên vượt các tam muội”, Triệu Châu nói: “Ta thấy trăm ngàn người chỉ lo tìm cách làm Phật, mà trong đó khó tìm được một vị đạo nhân vô tâm”. Chỉ cần xét nét kỹ càng những lời này, dứt tâm vọng tưởng lăng xăng thì mai kia mốt nọ chạm cảnh gặp duyên bèn đắc lực vậy.

Tâm Yếu

 

Ngụy Phủ lão Hoa nghiêm dạy chúng:

Phật pháp ở tại chỗ ứng dụng hằng ngày của ông, tại nơi đi đứng ngồi nằm, nơi uống trà ăn cơm, nơi ngữ ngôn hỏi nhau, nơi công việc phải làm, nếu mống tâm động niệm liền thành chẳng phải. Hội chăng? Ông nếu hội được, tức là người tội nặng mang gông đeo xiềng.

 

Thiền sư Tuyết Phong Tồn nói:

Mỗi mỗi che trời trùm đất, chẳng còn nói huyền nói diệu, cũng chặng nói tâm nói tánh. Ðột nhiên, lồ lộ một mình như đống lửa lớn đến gần thì bị cháy cả mặt mày, tợ như thanh gươm Thái A hễ do dự thì táng thân mất mạng. Nếu chờ suy nghĩ đình cơ thì không dính dáng.

Bích Nham

 

Ðại sư Vân Môn nói:

Ông nếu tương đương rồi thì hãy tìm con đường vào. Các đức Phật nhiều như số bụi nhỏ ở dưới gót chân ông, Tam tạng thánh giáo ở trên đầu lưỡi ông. Chẳng bằng ngộ quách đi là tốt!

 

Thiền sư  Ðại Huệ nói:

Như rồng được nửa chén nước, có thể làm dậy mây mù, giáng trận mưa to, đâu cần đến cái biển lớn như cá côn nói: “Tôi có rất nhiều nước”.

Ngài Ðại Huệ nói: Ở đây ta không có thiền tiến dài theo ngày tháng. Bèn búng ngón tay một cái, rồi nói: Nếu hội thì bãi tham.

Võ Khố

 

Phật nói:

Không có pháp quyết định gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp quyết định Như Lai có thể nói.

 

Hòa thượng Lâm Tế nói:

Ta không có một pháp cho người, mà chỉ là trị bệnh và mở trói.

 

Hòa thượng  Ðức Sơn nói:

Tông ta không ngữ cú, thật không có một pháp cho người.

 

Thiền sư  Ðại Huệ nói:

Việc này nếu dùng một mảy may công phu để chứng đắc thì như người lấy tay nắm bắt hư không chỉ càng tự nhọc mà thôi.

Lại nói: Chẳng cho dùng tâm ý thức để lãnh hội.

 

Hòa thượng Lâm Tế nói:

Chẳng để cho một vật câu thúc thì sự giải thoát sẵn sàng.

 

Hòa thượng Ðịa Tạng Sâm nói:

Nếu luận về Phật pháp thì tất cả sẵn sàng.

 

Hòa thượng Chân Tịnh nói:

Tất cả sẵn sàng, lại khiến ai hội?

 

Ghi chú:

(1). Cát đằng là loại giây leo như sắn bìm, ở đây chỉ cho phương tiện ngữ ngôn dùng để khai thị, chứ không phải thật pháp. 

 

---o0o---

 

Chương 16


Học đạo cần phải thấu suốt một đường hướng thượng

 

Tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu:

           - Con chó có Phật tánh hay không ?

           Triệu Châu đáp:

- Không.

*

Có vị Tăng hỏi một bà già:

- Ðường về Ðài Sơn đi ngã nào?

Bà già đáp:

- Ði thẳng.

Vị tăng vừa đi năm ba bước, bà già nói:

- Rõ khéo! Cái ông Tăng này lại đi như thế.

Về sau có người đem câu chuyện này hỏi ngài Triệu Châu, Triệu Châu nói:

- Hãy đợi ta đi khám phá bà già này đã!

Hôm sau, Ngài đi và cũng hỏi như vậy, bà già cũng đáp y như vậy.

*

Triệu Châu đến chỗ của một am chủ hỏi:      

- Có chăng? Có chăng?

Am chủ đưa nắm tay lên.

Sư nói:

- Nước cạn không phải chỗ cập thuyền.

Sư bèn bỏ đi. Lại ghé vào một am chủ khác hỏi:

- Có chăng? Có chăng?

Am chủ cũng đưa nắm tay lên.

Sư hỏi:

- Buông được, bắt được, giết được, cứu được.

Am chủ bèn cúi lạy.

*

Tăng hỏi Hòa thượng Thanh Bình:

- Thế nào là Ðại thừa?

Sư đáp:

- Giây giếng.

- Thế nào là Tiểu thừa?

- Vợt tre.

- Thế nào là vô lậu?

- Gáo gỗ.

Hòa thượng Nam Tuyền, nhân hai nhà đông và tây tranh nhau một con mèo, Ngài

bèn đưa con mèo lên, nói:

- Ðại chúng nói được thì cứu được con mèo, nói không được thì giết.

Chúng không đáp được. Nam Tuyền bèn chém chết con mèo.

Chiều tối, Triệu Châu về. Nam Tuyền đem việc này thuật lại cho Triệu Châu

nghe. Triệu Châu liền cởi giày để lên đầu đi ra.

Nam Tuyền nói:

- Nếu có ông ở nhà thì cứu được con mèo.

*

Tăng hỏi Hòa thượng Ðộng Sơn :

- Phật là gì?

Sư đáp:

- Ba cân mè.

*

Tăng hỏi Ðại sư Vân Môn:

- Phật là gì?

Sư đáp:

Que chùi phân.

*

Tăng hỏi Hòa thượng Dương Kỳ:

- Phật là gì?

Sư đáp:

- Lừa ba chân đi khập khễnh.

*

Tăng hỏi Triệu Châu:

- Phật là gì?

Sư đáp:

- Trong điện đó!

*

Bàng cư sĩ hỏi Mã Tổ:

- Ai là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn lứa?

Tổ đáp:

- Ðợi khi nào ông một ngụm uống cạn nước Tây Giang ta sẽ trả lời cho ông.

Bàng cư dĩ hoát nhiên đại ngộ, làm bài tụng:

Mười phương đồng tụ hội

Người người học vô vi

Ðây là trường tuyển Phật

Tâm không, thi đậu về.

 

Tăng hỏi Hòa thượng Nham Ðầu:

- Lúc buồm xưa chưa treo thì thế nào?

Sư đáp:

- Cá nhỏ nuốt cá lớn.

Tăng lại hỏi như trước.

Sư đáp:

- Sau vườn, lừa ăn cỏ.

*

Hòa thượng  Ðại Quy An nói:

- Hữu cú, vô cú như dây bìm bám vào cây.

Sơ Sơn hỏi:

- Bỗng gặp lúc cây nhã bìm khô thì thế nào?

Sư cười ha hả, đi về phương trượng.

 

*

 

Hòa thượng Bảo Thọ khai đường nói pháp, Tam Thánh xô ra một ông Tăng. Sư

liền đánh.

Tam Thánh nói:

- Vì người mà làm như thế, chẳng những làm mù mắt ông Tăng này mà còn làm mù mắt cả thành Trấn Châu.

Pháp Nhãn nói:

- Chỗ nào là chỗ làm mù mắt người?

Sư ném cây gậy xuống, liền đi về phương trượng.

*

Hòa thượng Tam Thánh thượng đường nói:

- Ta gặp người thì ra, ra thì chẳng vì người.

Ngài Hưng Hóa nói:

- Ta gặp người thì chẳng ra, ra thì bèn vì người.

 

( Còn tiếp )

 

Mục Lục  |  Phần Một  |  Phần Hai  |  Phần Ba

Tác giả bài viết: Thiền sư Văn Thủ - Dịch giả: Ðịnh Huệ
Nguồn tin: vnthuquan.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 65
  • Hôm nay: 15171
  • Tháng hiện tại: 215502
  • Tổng lượt truy cập: 59655519

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile