Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Phật Học Phổ Thông - Khóa IX - Tập 3 - Lời Của Dịch Giả

Đăng lúc: Thứ hai - 06/02/2012 21:08
Phật Học Phổ Thông - Khóa IX - Tập 3 - Lời Của Dịch Giả

Phật Học Phổ Thông - Khóa IX - Tập 3 - Lời Của Dịch Giả

Phật ra đời độ sanh gần nửa thế kỷ, thuyết pháp trên 300 hội, nói ra 84.000 pháp môn, nào quyền, thiệt, đốn, tiệm, các phương tiện đều dạy bày; chung qui lại chỉ có hai phần: pháp tướng và pháp tánh. Duy thức tôn là một trong Pháp tướng.
Phật Học Căn Bản
HT. Thích Thiện Hoa

KHOÁ IX

DUY THỨC HỌC VÀ NHƠN MINH LUẬN
--- o0o ---

TẬP BA 
DUY THỨC TAM THẬP TỤNG DỊ GIẢI 

 
Ngài THIÊN THÂN Bồ Tát tạo luận  
Ngài HUYỀN TRANG Pháp sư dịch chữ Phạn ra chữ Hán  
Ông ĐƯỜNG ĐẠI VIÊN giải dễ gọn  
Sa môn THÍCH THIỆN HOA dịch lại chữ Việt và lượt giải.
TÂP DUY THỨC TAM THẬP TỤNG NÀY CHIA LÀM 3 PHẦN: 
1. DUY THỨC TAM THẬP TỤNG DỊ GIẢI  
2. DUY THỨC TAM THẬP TỤNG CHÁNH VĂN  
3. PHỤ HAI CÁI BIỂU  
  
LỜI CỦA DỊCH GIẢ
 
Phật ra đời độ sanh gần nửa thế kỷ, thuyết pháp trên 300 hội, nói ra 84.000 pháp môn, nào quyền, thiệt, đốn, tiệm, các phương tiện đều dạy bày; chung qui lại chỉ có hai phần: pháp tướng và pháp tánh. Duy thức tôn là một trong Pháp tướng. 
Lý Duy thức, trong các kinh điển, Phật đã nói nhiều. Về sau các vị Bồ Tát trích lục lại, sắp xếp theo hệ thống, có thứ lớp, biên thành sách, lập thành tôn, gọi là Pháp tướng tôn hay Duy thức tôn. 
Như vào khoảng 900 năm, sau khi Phật diệt độ, có Ngài Bồ Tát Thiên thân, y theo các Kinh, viết qua quyển "Duy thức tam thập tụng" v.v...Đến sau có 10 vị Đại luận sư (1) ra đời, tuần tự giải thích quyển "Duy thức tam thập tụng" lập thành mười bộ đại luận. Trong số ấy, bộ sớ giải của Ngài Hộ pháp là có phần hoàn bị hơn hết. 
Đến đời Đường, ở Trung Hoa có Ngài Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang, trí tuệ vô saong, thông minh xuất chúng, phát tâm qua Ấn độ, nghiên cứu Phật pháp 18 năm trường (xem bộ Huyền Trang của Võ Đình Cường), Ngài rất thông về Duy thức tôn. Sau khi trở về nước, Ngài phiên dịch rất nhiều kinh sách, mà quyển "Duy thứ tam thập tụng" của Bồ tát Thiên Thân là một. Ngài lại còn lượm lặt những tinh hoa sớ giải trong 10 bộ luận của 10 vị Đại luận sư, rồi phiên dịch ra chữ Trung Hoa, làm thành một bộ 10 quyển, mệnh danh là "Thành Duy thức luận". 
Đệ tử lớn của Ngài Huyền Trang là Khuy Cơ, trải qua thời gian mấy mươi năm hầu Thầy, được đắc truyền về môn Duy thức học này, nên sớ giải lại bộ "Thành Duy thức luận" đến 60 quyển, đặt tên là "Thành Duy thức luận thuật ký". 
Đến sau, Ngài Huyền Trang muốn cho người học dễ nhớ, nên làm 12 bài tụng (mỗi bài bốn câu) tóm tắt nghĩa lý rộng rãi u huyền của Duy thức, đặt tên là "Bát thức qui củ tụng". 

Đành rằng sách vở Duy thức rất nhiều, vì các vị Bồ Tát nhắm nhiều khía cạnh của Duy thức mà phân tích giảng giải, song có ba bổn, từ xưa đến nay được xem là chánh tông, là căn bản của Duy thức học: 
1. Đại Thừa Bá Pháp Minh Môn Luận: Nói về pháp số (danh từ chuyên môn) của Duy thức. 
2. Duy Thức Tam Thập Tụng: Nói về nghĩa chánh của Duy thức. 
3. Bát Thức Qui Củ Tụng: Tóm tắt nghĩa lý bao la của Duy thức. 
Về sau các học giả hoặc sang tác hoặc giải thích sách vở Duy thức, đều căn cứ vào ba bổn luận ấy, khai thác nhiều khía cạnh, rồi tán rộng ra hoặc làm cho nổi bật những điểm quan trọng. 
Bổn "Đại Thừa Bá Pháp Minh Môn Luận" và bổn "Bát Thức Qui Củ Tụng" Tôi đã dịch và giải rồi, hiệp chung lại dưới nhan đề là "Duy Thức Nhập Môn". 
Còn bổn "Duy Thức Tam Thập Tụng" này, nay mới dịch xong. Nội dung của luận này, do Ngài Bồ Tát Thiên Thân dùng 24 bài tụng đầu, nói về Duy thức tướng, bài tụng thứ 25 nói về Duy thức tánh, 5 bài tụng sau là nói về Duy thức vị; hay nói một cách khác là: Duy thức cảnh, Duy thức hành và Duy thức quả (xem 2 cái biểu ở cuối quyển này). 
Quí vị muốn nghiên cứu về Duy thức học, trước nhứt nên đọc kỹ 3 bổn luận này. Cũng như người học nghề võ, trước phải học đường thảo, rồi sau mới phân miếng. 
Huyền diệu thay! Cũng ba bổn luận này, mà từ xưa đến nay, không biết bao nhiêu vị Đại luận sư và các nhà học giả, sớ giải mãi cũng không cùng. 
Chúng ta chớ nên có ý nghĩ nông cạn: học sơ lược chánh văn hay đọc lời sớ giải thô sơ của ba bổn luận này, rồi cho là đầy đủ. Phải học mãi, coi nhiều, chúng ta sẽ thấy rừng hoa Duy thức, thật không biết bao nhiêu màu sắc tốt tươi xinh đẹp. 
Kính đề  
Sa môn THÍCH THIỆN HOA  
  
LỜI TỰA
Trong Duy thức nói "Thức A lại da", tức là nói về pháp chúng sanh, đáng lẽ phải dễ hiểu, tại sao lại rất khó hiểu ?  
Tuy nói về pháp chúng sanh, song chúng sanh có vô lượng vô biên, nên lời nói cũng phải vô lượng vô biên; đây là điều khó thứ nhứt. 
Lại nữa, bên Thiền tôn thì chỉ thẳng về "Tâm pháp" nên không cần văn tự ngữ ngôn; còn Duy thức tôn lại khai phương tiện, dùng văn tự, ngữ ngôn. Đã dùng văn tự biên chép và lời nói luận bàn, những sự lý vô lượng vô biên, cho nên lời nói phải nhiều, văn tự phải thâm; đây là điều khó thứ hai. 
Bởi hai điều khó trên, nên môn học Duy thức này ngày xưa bị bặt tăm, cho đến ngày nay người học Phật, phần nhiều cũng tránh chỗ khó mà tìm nơi dễ: nghe nói đến Duy thức thì thối lui. Đôi khi cũng có người cố gắng tìm học, song lại không gặp cửa để vào ! 
Đại Viên này đã ôm ấp chí lợi tha từ lâu, nên đối với việc khó khăn này đã nhiều lần lưu ý. 
Nền tảng đầu tiên của Duy thức học là quyển: 
"Đại Thừa Bá Pháp Minh Môn Luận" và quyển "Duy Thức Tam Thập Tụng"
Song, nếu theo những bản chú giải về đời Đường thì rất khó khăn; người sơ học không dễ gì nhập được. Còn những bản Duy thức thuộc về đời Minh chú giải, lại sợ nguỵ truyền. Bởi thế nên tôi căn cứ theo bản chú giải xưa (đời Đường), rồi cải tạo văn thể những chỗ nghĩa lý thâm thuý khó hiểu, thì tôi làm cho rõ ràng dễ hiểu; còn những chỗ phiền phức, thì tôi thanh giản cho gọn gàng. Vì thế nên tôi đặt tên quyển sách này là "Duy thức dị giản" (Duy thức dễ gọn). 
Bởi "dễ", nên người đọc dễ hiểu và có thể đọc lâu, vì "gọn" nên người học dễ theo và có thể đọc nhiều. 
Nay tôi giảng 30 bài tụng Duy thức này là muốn cho người học dễ hiểu và dễ theo, dễ tiến đến việc đọc nhiều, đọc lâu về môn Duy thức học vậy. 
ĐƯỜNG ĐẠI VIÊN 
___________________________________________________________________________________
(1) Đại luận sư: Thắng Thân, Hòa Biện, Đức Huệ, An Huệ, Nan Đà, Tinh Nguyệt, Thắng hữu, Trần Na, Trí Nguyệt, Hộ Pháp.
 

Viết tại Dưỡng đường Đồn Đất sài gòn
Quý Xuân Ất Tî (1965)      

Sa môn THÍCH THIỆN HOA


Mục Lục khóa IX - Tập 1: Bài 1 Bài  2 Bài 3 Bài 4 Bài 5
Bài 6 Bài  7 Bài 8 Bài  9 Bài  10 |
Tập 2: 
Luận A-Ðà-Na Thức 
Tập 3: Lời của dịch giả Bài 1Bài 2 Bài 3 Bài 4 Bài 5 Bài 6 Bài 7 Nhơn minh luận 
 
Mục Lục Toàn Bộ || Khóa I || Khóa II || Khóa III || Khóa IV || Khóa V |
Khóa VI || Khóa VII || Khóa VIII || Khóa IX || Khóa X - XI || Khóa XII
--- o0o ---

Trình bày : Nhị Tường
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Tâm Diệu đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này
( Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)
--- o0o ---

Tác giả bài viết: HT. Thích Thiện Hoa
Nguồn tin: Trang nhà Quảng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 344
  • Hôm nay: 35628
  • Tháng hiện tại: 885590
  • Tổng lượt truy cập: 60325607

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile