Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Công đức nơi cửa Phật

Đăng lúc: Thứ hai - 13/02/2012 09:47 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Công đức nơi cửa Phật

Công đức nơi cửa Phật

Xuất phát từ ý nghĩa ban đầu là góp công, góp tấm lòng thành làm công quả, "dựng chùa, tô tượng, đúc chuông, trong ba điều ấy thập phương nên làm", giờ đây, tiền công đức đã trở thành một hiện tượng gây phản cảm tại nhiều di tích, nơi thờ tự. Tiền lẻ được rải, rắc, gài...

khắp nơi, từ miệng lân, gốc cây ngoài cổng chùa cho đến tay tượng Phật, tượng Thánh, miệng lân trong điện thờ, thậm chí rải cả trên mái chùa... Trong mắt các nhà nghiên cứu, và cả các nhà tu hành, điều đó không thuận với ý nghĩa tốt đẹp của việc đi lễ đền, chùa.


Thả tiền ở giếng Thiền Quang trong
Văn Miếu Quốc Tử Giám.   ( Ảnh: TRẦN THANH )

Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nói với các tăng, ni, phật tử: "Ði lễ chùa, chúng ta nên cúng hương đăng hoa quả, tiền công đức để xây dựng chùa, để ở trong hòm công đức chứ không phải đặt ở tất cả các ban như vậy". Thầy Thích Kiến Nguyệt giải thích, việc đặt tiền công đức xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp: Cúng chùa để góp phần tu sửa, xây dựng chùa, đúc chuông, in kinh sách giáo huấn cho mọi người, đó là làm việc phúc và được hưởng phúc chứ không phải Phật ban. Ðến với Phật là đến bằng tấm lòng thành, khi đến khởi tâm cúng Phật, Phật Tam Bảo đã chứng minh cho tấm lòng thành của người đi lễ, không cần phải ghi công đức, cứ để tiền lễ vào một nơi nào đó, trong hòm công đức, cũng không cần phải đổi tiền lẻ. Thầy Kiến Nguyệt phân tích, việc đổi tiền lẻ xuất phát từ việc người đi lễ cho rằng chùa có nhiều ban, sợ đặt tiền ở ban này mà ban kia không có thì "ông thần sẽ không hài lòng". Thầy giải thích: "Nếu ông thần không hài lòng vì chuyện nhỏ đó thì đâu xứng đáng để chúng ta thờ. Cho nên đi lễ Phật chỉ cần hương hoa, có lòng góp tiền cúng chùa thì nên để vào hòm công đức. Tiền bạc mà rải khắp nơi, rất phản cảm".

Thầy Kiến Nguyệt cho biết, mọi người khi đi lễ chùa thường cầu tài, cầu lộc, điều đó không phù hợp: "Không phải cứ cúng Phật nhiều tiền thì sẽ được hưởng lộc nhiều đâu. Ðến với Phật mà cầu tài cầu lộc, nếu Phật ban được thì Phật cũng ăn hối lộ rồi. Sở dĩ tôi dám nói câu đó vì Phật dạy "Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các ngươi lãnh quả do mình gây nên. Con người sống nhân, lành, thiện thì được hạnh phúc, đó là nhân quả chứ không phải là Phật ban. Quan niệm Phật ban là sai lầm, là tự gán. Nếu Phật ban được thì chính những nhà tu hành chúng tôi đã xin đầu tiên rồi, chẳng hạn như việc chùa xiêu cột, vỡ mái, chỉ cần lên thỉnh Phật ban cho trúng số lấy tiền sửa chùa...".

Lên tiếng về hiện tượng "phản văn hóa" này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Ðây là hiện tượng mấy năm gần đây tôi mới thấy có chứ trước đây chưa bao giờ thấy. Ngày xưa đi lễ chùa, người ta làm công đức kín đáo lắm, nhưng không quên việc ghi công. Những người làm công đức vẫn được ghi tên đầy đủ trên bia hậu, là bia để ở một chỗ khuất, nhưng rất trân trọng". Ông nhận xét, bây giờ người ta có vẻ phô trương, hình thức hơn, ngay cả việc tâm đức cũng muốn phô ra. Ông phân tích: "Việc tiền lẻ rắc khắp nơi, phải chăng cũng phản ánh một phần mối quan hệ xã hội hiện nay, là một biến tướng. Hiện tượng xảy ra đương nhiên không ai trách dân cả, mà trước hết là trách những người có trách nhiệm, trước hết là người làm quản lý nhà nước, sau là nhà chùa đã để cho chuyện này xảy ra. Nếu nhà chùa thấy điều đó phản lại với những lễ thức truyền thống, thì nhà chùa hoàn toàn có đủ sức thuyết phục mọi người không nên làm thế, hay nhà chùa cũng có nhu cầu tiền công đức? Ðó là câu hỏi nghiêm túc mà các sư trụ trì và Phật giáo Việt Nam cần quan tâm".

Nhà sử học chia sẻ, hiện nay ở nhiều chùa vẫn có hiện tượng đặt tiền lễ nhưng không hề quá đáng, do các sư trụ trì ở đó vẫn tôn trọng hành xử của thiện nam tín nữ nhưng đồng thời cũng có hướng dẫn để mọi người đặt tiền công đức hợp lý. Ông kể: "Tôi mới đi Phật Tích, một chùa rất cổ, vẫn có tiền công đức nhưng không có chuyện tiền lẻ giắt vào tay Thánh, tay Phật khắp nơi. Tôi thấy rằng trong không gian nhiều chùa có đặt các biển hướng dẫn, yêu cầu ăn mặc lịch sự, kín đáo khi vào chùa, tại sao không có những biển hướng dẫn việc đặt tiền công đức? Ðể thay đổi được, cần phải có sự vào cuộc của nhiều phía: nhà quản lý, nhà chùa, các phương tiện truyền thông và cả người dân...".

Tác giả bài viết: TUYẾT LOAN
Nguồn tin: Báo Nhân Dân
Từ khóa:

Công đức, cửa Phật

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 149
  • Khách viếng thăm: 148
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 52779
  • Tháng hiện tại: 365669
  • Tổng lượt truy cập: 59805686

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile