Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần X

Đăng lúc: Thứ ba - 09/10/2012 16:33 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Tông Bản Hạnh - Phần X

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần X

NHƠN DUYÊN NGỘ ĐẠO,

NHƠN DUYÊN NGỘ ĐẠO

DỊCH:

Kinh nói: “Chữa bệnh không thể nhất định, do trí khéo thi hành, thuốc không cố chấp toa, tùy nghi sử dụng.” Hòa Thượng Tuệ Đăng hiển bày tâm tông của Phật, chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật.

Bởi vì pháp giới vốn không chúng sanh, chúng sanh duyên nơi vọng kiến. Đạo Phật vốn không ngôn thuyết, ngôn thuyết là vì hữu tình. Đến như Chân như là bình đẳng, vốn không chư Phật và chúng sanh, há có văn tự và ngôn thuyết? Cho nên ngôn thuyết đều là đối với vọng tưởng của chúng sanh, việc bất đắc dĩ mà có ngôn thuyết. Do chúng sanh có các thứ vọng tưởng, nếu chẳng tùy cơ đặt giáo pháp thì không có giáo pháp. Không Pháp thì không Phật, không Phật thì không Tăng. Tam Bảo đều không thì ai vì nói pháp, nói pháp cho ai? Thế là không có người nói pháp, không có chúng nghe pháp.

Song sau này có pháp để nói, tức là giáo pháp từ duyên mà dựng lập, đều là nắm lá vàng dỗ con nít khóc, thì có thật sao? Người ngu còn có thể nhiều kinh nhiều thuyết, người trí thì chưa dứt tiếng hét, tiếng cười đã chóng ngộ tự tánh. Kệ rằng:

Hữu thuyết giai thành báng,

Vô ngôn diệt bất dung.

Vị quân thông nhất tuyến,

Nhật xuất lãnh đông hồng.

Dịch:

Có thuyết thành nhạo báng,

Không lời cũng chẳng xong.

Vì anh vạch một lối,

Trời lên núi đông hồng.

Trong kinh Lăng Già quyển hai (cuối quyển ba), Phật bảo Bồ Tát Đại Huệ:

“Chẳng phải tất cả cõi nước có ngôn thuyết. Ngôn thuyết là tạo tác. Hoặc có cõi Phật nhìn xem mà hiển bày pháp, hoặc có cõi tạo hình tướng, hoặc có cõi chớp mắt, hoặc cười, hoặc ngáp, hoặc tằng hắng, hoặc nghĩ cõi nước, hoặc dao động.

Đại Huệ! Như thế giới Chiêm Thị và Hương Tích, cõi nước Phổ Hiền Như Lai chỉ do nhìn xem khiến các Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn và các tam muội thù thắng.

Thế nên chẳng phải ngôn thuyết có tánh, có tất cả tánh”. Phật lại bảo Bồ Tát Đại Huệ: “Thấy thế giới này có các loài ruồi, lằng (nhặng), trùng, kiến, chúng nó không có ngôn thuyết mà mỗi loài đều làm xong việc.” Cho nên Thế Tôn dùng những căn cơ này mà thay cho thuyết pháp. Thế là sáu căn đều có thể thuyết pháp, đâu hẳn mượn miệng lưỡi thốt ra âm thinh mới là thuyết pháp. Vì thế, hằng ngày nơi cửa sáu căn của chúng sanh đều là nơi nhập lý. Do đó ba đời chư Phật “bốn mắt nhìn nhau”, sáu đời Tổ sư “thối thân có phần”. Tuy nhiên như thế, Niết bàn không hai đường, phương tiện có nhiều cửa. Vì vậy, Phật nói Đại thừa, Tiểu thừa, 

Kinh có Đốn giáo, Tiệm giáo. Chẳng nhờ ngón tay chỉ thì đâu thể thấy mặt trăng, chỉ được cá mới có thể quên nôm. Lời nói này đặc biệt vì kẻ sơ cơ. Nếu bậc mắt sáng nào ngại một tiếng cười, không truyền mà truyền, không được mà được, lấy cái không chỗ được ấn chứng Bồ đề. Thế Tôn đưa cành hoa, Tổ Ca Diếp mỉm cười, học giả cần phải biết đồng một tánh vậy.

ÂM:

NIÊM TÂM HOA KỆ

1. Thích Ca xuất thế đại nhân duyên,

Ca Diếp đầu cơ đắc ấn truyền.

Niêm hoa vi tiếu nghiễm nhiên tại,

Lạc diệp phân phương biến đại thiên.

2. Niêm hoa vi tiếu chỉ truyền lai,

Chánh pháp tùng tư xứ xứ khai.

Điện quyện phong trì hưu nghĩ nghị,

Đức Sơn, Lâm Tế hát như lôi.

3. Linh Sơn hội thượng niêm hoa nhật,

Ca Diếp thân truyền hướng thượng cơ.

Tùng thử tuệ đăng quang hiển hách,

Phổ thiên đại địa mãn trường huy.

DỊCH:

KỆ ĐƯA HOA TÂM

1. Thế Tôn xuất hiện đại nhân duyên,

Ca Diếp hợp cơ được ấn truyền.

Đưa hoa cười mỉm vẫn còn đấy,

Lá rụng hương thơm khắp đại thiên.

2. Đưa hoa cười mỉm chỉ truyền đây,

Chánh pháp từ nay chốn chốn bày.

Điện cuốn gió đùa thôi nghĩ tính,

Đức Sơn, Lâm Tế hét vang tai.

3. Trên hội Linh Sơn dở cành hoa,

Thân truyền Ca Diếp nhằm thượng cơ.

Đèn tuệ từ đây càng rực rỡ,

Đất trời đầy khắp mãi sáng lòa.

ÂM:

MẬT THỌ TÂM ĐĂNG

Nhất điểm tâm đăng Phật nhãn sanh,

Tương truyền tứ mục cố phân minh.

Liên phương tục diệm quang vô tận,

Phổ phó thiền lâm thọ hữu tình.

DỊCH:

THẦM TRAO ĐÈN TÂM

Một ngọn đèn tâm mắt Phật sanh,

Đồn rằng bốn mắt ngó phân minh.

Tiếp hương nối lửa sáng không dứt,

Trao khắp rừng thiền chúng hữu tình.

ÂM:

TỰ TÁNH ỨNG DỤNG

1. Hiển hách phân minh thập nhị thời,

Thử chi tự tánh nhậm thi vi.

Lục căn vận dụng chân thường kiến,

Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.

2. Cùng kim cắng cổ bổn như như,

Pháp tánh viên đồng thước thái hư.

Ưng xuất lục căn năng vận dụng,

Tinh thông vạn pháp triệt vô dư.

DỊCH:

ỨNG DỤNG TÁNH MÌNH

Rực rỡ rõ ràng suốt cả ngày,

Đây là tự tánh mặc hiện bày.

Sáu căn vận dụng chân thường thấy,

Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.

Tột cùng kim cổ vốn như như,

Pháp tánh tròn đồng khắp thái hư.

Ứng hiện sáu căn hay vận dụng,

Rõ rành muôn pháp tột không thừa.

ÂM:

TỰ TÁNH ỨNG HIỆN
Pháp tánh chân không vô tứ đại,

Sắc tướng hình dung hữu lục căn.

Hải để kim ô thiên thượng nhật,

Nhãn trung đồng tử diện tiền nhân.

DỊCH:

TỰ TÁNH ỨNG HIỆN

Pháp tánh chân không chẳng tứ đại,

Hình dung sắc tướng có sáu căn.

Đáy biển quạ vàng trên mặt nhật.

Con người trong mắt nơi mặt người.

ÂM:

THẦN CƠ HIỂN HÓA

1. Phật pháp diệu lý vô đa tự,

Tổ đạo huyền cơ hát nhất thinh.

Bất thị xuân lôi âm nhất chấn,

Tranh giao hàm giáp tận khai minh.

2. Nhất hát đương dương tuyệt điểm ai,

Vạn trùng quan tỏa hoát nhiên khai.

Minh minh đại đạo bình như chưởng,

Cập đệ tâm không qui khứ lai.

DỊCH:

CƠ THẦN BÀY LỘ

Lý mầu Phật pháp không nhiều chữ,

Đạo Tổ cơ huyền tiếng hét to.

Nếu chẳng sấm xuân vang một tiếng,

Làm sao trong vỏ mầm nở tung.

Một hét đang thời bặt điểm nhơ,

Muôn vòng cổng khóa bỗng tung ra.

Đại đạo sáng ngời như tay mở,

Tâm không thi đậu thảnh thơi về.

ÂM:

LIỄU VÔ SỞ LIỄU

Liễu liễu liễu kiến vô nhất vật,

Diệc vô nhân hề diệc vô Phật.

Đại thiên sa giới hải trung âu, Nhất thiết thánh hiền như điện phất.

DỊCH:

RÕ KHÔNG BỊ RÕ

Rõ rõ rõ thấy không một vật,

Cũng không người chừ cũng không Phật.

Thế giới đại thiên bọt trong biển,

Tất cả thánh hiền như điện chớp.

ÂM:

XẢ HUYỄN CHỨNG CHÂN

Pháp tánh viên minh thước thái hư,

Chỉ nhân vọng động kết thành khu.

Nhược năng tịnh tọa trừng thanh chiếu,

Thường tịch quang trung nhất vật vô.

DỊCH:

XẢ HUYỄN CHỨNG CHÂN

Pháp tánh sáng tròn khắp thái hư,

Bởi vì vọng động kết thành thân.

Nếu hay tịnh tọa lóng trong sáng,

Trong thường tịch quang một vật không.

ÂM:

CHÂN NGUYÊN TRẠM TỊCH

1. Thiên địa phụ mẫu vị sanh tiền,

Tịch quang viên trạm thị chân nguyên.

Tự giác giác tha danh viết Phật,

Từ bi thuyết pháp lợi nhân thiên.

2. Vạn pháp không hoa giai bất thật,

Vị độ quần sanh giả lập quyền.

Liễu liễu bổn lai vô nhất vật,

Chân nguyên trạm tịch phục hoàn nguyên.

DỊCH:

CHÂN NGUYÊN LẶNG LẼ

Trời đất mẹ cha khi chưa sanh,

Tịch quang tròn lặng là chân nguyên.

Tự giác giác tha gọi rằng Phật, Từ bi thuyết pháp lợi người trời.

Muôn pháp không hoa đều chẳng thật,

Vì độ quần sanh tạm lập quyền.

Rõ rõ xưa nay không một vật,

Chân nguyên lặng lẽ lại hoàn nguyên.

ÂM:

Nam mô Pháp thân trạm tịch viên đồng thái hư chân không vô tướng Phật.

DỊCH:

Nam mô Phật pháp thân lặng lẽ tròn đồng thái hư chân không không tướng.

GIẢNG:

Bài Nhân Duyên Ngộ Đạo, nguyên bản chữ Hán là Ngộ Đạo Nhân Duyên, tác giả là Thiền sư Chân Nguyên, đời Lê. Ngài sinh năm 1647, tịch năm 1726, tức là giữa thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, vào đời vua Lê Hy Tông. Ngài phát tâm xuất gia với Thiền sư Chân Trú trên núi Yên Tử, được hiệu là Tuệ Đăng. Tuy ở chùa nhưng chưa ngộ đạo, nên Ngài đi tìm thiện tri thức để học đạo. Một hôm Ngài gặp Thiền sư Minh Lương, đệ tử Hòa thượng Chuyết Công, dòng Lâm Tế, Ngài liền hỏi: “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao?” Khi ấy Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào mặt Ngài, Ngài nhìn lại, ngay đó Ngài ngộ đạo. Thế nên có câu

“Tứ mục tương cố.”

Chúng ta học bài Nhân duyên ngộ đạo để thấy rõ ý nghĩa và sự diễn tả việc ngộ đạo của Ngài. Nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn có nghi xuất xứ của bài này, đọc qua đoạn đầu chúng ta sẽ thấy.

“Kinh nói: “Chữa bệnh không thể nhất định, do trí khéo thi hành, thuốc không cố chấp toa, tùy nghi sử dụng”. Hòa Thượng Tuệ Đăng hiển bày tâm tông của Phật, chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật”. Qua câu này giáo sư Hoàng Xuân Hãn nghi nếu là tác phẩm của Ngài sao lại xưng Hòa thượng Tuệ Đăng, vì Tuệ Đăng là tên hiệu của Ngài. Giáo sư cho rằng bài này do một vị khác viết nên mới nói “Hòa thượng Tuệ Đăng”, nhưng không ngờ đây là thói quen của Ngài.

Trong những quyển sách khác như Tịnh độ yếu nghĩa v.v..., Ngài cũng tự xưng như vậy, nên chúng ta thấy không đáng nghi. Lại nữa trong bài này có ba điểm cho chúng ta không nghi:

- Điểm thứ nhất là Ngài ngộ đạo do chỗ “Tứ mục tương cố”, mà trong bài này lặp đi lặp lại rất nhiều lần ý nghĩa Tứ mục tương cố, đó là nhân duyên ngộ đạo rất rõ ràng.

- Điểm thứ hai là đoạn Ngài dẫn Kinh Lăng Già. Đoạn này Ngài đã dẫn trong Thiền Tông Bản Hạnh, đến đây Ngài lại dẫn nữa, rõ ràng đó là sở trường của Ngài, là tâm tư của Ngài. Thích hiểu điều gì sâu thì Ngài nhắc đi nhắc lại cho mọi người nhớ. - Điểm thứ ba là trong phần cuối, có bài kệ nói về Chân Nguyên. Bài kệ này chia làm hai phần giải thích từ ngữ Chân Nguyên, nếu không phải là ngài Chân Nguyên thì ai giải tên, ai giải nghĩa?

Qua ba điểm trên chúng ta thấy rõ không nghi là chính Hòa thượng Chân Nguyên làm bài Nhân duyên ngộ đạo.

Trong bài này, trước hết là phần văn xuôi, sau đó có những bài kệ.

Kinh nói: “Chữa bệnh không thể nhất định, do trí khéo thi hành, thuốc không cố chấp toa, tùy nghi sử dụng”. Ngài dẫn kinh Phật để diễn đạt ý Ngài.

Trong kinh Phật nói: “Chữa bệnh không thể nhất định”. Đối với bệnh nhân, thầy thuốc không thể chỉ dùng một thứ thuốc trị tất cả bệnh. Mỗi người bệnh có một thứ thuốc, bệnh khác nên thuốc phải khác. Nếu chấp một thứ thuốc trị tất cả bệnh, đó là thầy thuốc dở, trị không lành bệnh lại làm tăng bệnh. Dù thuốc hay đến đâu cũng chỉ có giá trị với loại bệnh xứng hợp, chớ không phải thuốc hay với người này rồi cũng hay với người kia. Hiện giờ có nhiều vị “lang băm” thấy thuốc nào trị vài người hết bệnh, liền cho là thuốc hay, xúi những người khác mua uống, đó là hại người. Cho nên tùy nghi tùy bệnh mà cho thuốc, chớ không phải bất cứ bệnh nào cũng chỉ dùng một thứ thuốc. Dù thuốc hay, thuốc quí nhưng không phải trị lành tất cả bệnh.

Thuốc không cố định, nên thầy thuốc “do trí khéo thi hành”, tức là khôn ngoan khéo léo, linh động chế biến chớ không phải ai ai cũng dùng một thứ thuốc giống như nhau.

“Thuốc không cố chấp toa, tùy nghi sử dụng”. Gặp khi bệnh nặng, thầy thuốc cho toa hợp với cơn bệnh. Khi bệnh giảm, mình nói toa thuốc hay quá rồi uống mãi toa thuốc đầu tiên thì không được. Giả sử bệnh sốt nặng, thầy thuốc cho toa, uống thuốc nhiệt độ xuống bình thường, khi đó mình cho là toa thuốc thật hay, nên uống thêm mãi thì có thể đến tử vong. Như vậy tùy theo bệnh, bệnh nặng thì dùng thuốc mạnh, nhưng qua cơn bệnh nặng rồi thì những toa sau phải nhẹ hơn, từ từ bệnh lành. Thế nên nói thuốc không cố chấp toa, mà phải tùy nghi sử dụng, nghĩa là tùy theo trường hợp, tùy theo bệnh trạng mà dùng thuốc cho đúng.

Hòa thượng Tuệ Đăng hiển bày tâm tông của Phật, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Đây là Ngài tự xưng, Ngài muốn hiển bày Tâm tông tức là Thiền tông. Tại sao gọi Thiền tông là Tâm tông? Vì thiền luôn luôn chỉ thẳng bản tâm. Tông hay chủ đề, hay mục đích nhắm thẳng tâm, nên nói là Tâm tông. Đó là chỉ thẳng tâm người. Hiển bày Tâm tông của Phật tức là hiển bày đường hướng

Phật chỉ dạy về tâm. Thiền sư Chân Nguyên cũng chỉ thẳng cho mỗi người thấy được tâm của mình. Thấy tâm mình gọi là kiến tánh hay thấy tánh. Thấy tánh như thấy được cái nhân thì sẽ được thành Phật, nên gọi là “kiến tánh thành Phật”. Câu này nhiều người rất nghi. Kiến tánh là thấy được hay nhận ra bản tánh của mình hì thành Phật. Trong nhà thiền có nhiều thiền sư kiến tánh, sao chưa ai thành Phật mà chỉ gọi là Tổ? Tỉ dụ như ngài Ca Diếp cũng kiến tánh mà gọi là Tổ Ca Diếp, ngài Huệ Năng cũng kiến tánh, mà gọi là Tổ Huệ Năng, chớ không gọi là Phật.

Như vậy kiến tánh thành Phật là thế nào? Tôi thường ví dụ kiến tánh là nhận ra Phật nhân, còn thành Phật là Phật quả. Cũng như chúng ta muốn có cơm ăn, nếu được giống lúa tốt thì tin chắc rằng mình gieo trồng sẽ có lúa có gạo, có cơm ăn không nghi. Như vậy có giống lúa tốt nhất định sẽ có cơm. Tuy nhiên nhất định không phải là cố định. Nếu khéo sử dụng đúng nguyên tắc, gieo trồng hợp pháp thì giống lúa sẽ trở thành cây lúa, có bông lúa có hạt lúa rồi sẽ có gạo có cơm. Nếu không phải từ giống lúa thì không bao giờ có cơm. Vì vậy chữ kiến tánh này dụ như chúng ta được giống lúa tốt và có sẵn đất tốt. Không phải nhận được giống lúa chúng ta có cơm ăn liền. Nhưng nếu chúng ta không có giống lúa mà muốn có cơm thì khó. Kiến tánh cũng như vậy. Người tu phải qua nhiều giai đoạn, nếu nhận ra bản tánh cho là xong thì ngài Trần Tôn Túc không nhắc: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng cũng như đưa ma mẹ”. Chưa sáng tức là chưa kiến tánh, chưa ngộ đạo thì phải nỗ lực, phải chuyên cần giống như đưa ma mẹ.

Khi nhận ra bản tánh rồi cũng phải cần mẫn siêng năng mới có kết quả. Cũng như chưa có hạt giống phải ráng tìm cho ra giống, nhưng có hạt giống trong tay rồi cũng phải siêng năng cần mẫn mới có cơm ăn. Nếu khi tìm được giống rồi hài lòng không làm gì nữa, hoặc không biết gieo trồng, không cần mẫn săn sóc... thì không có cơm ăn. Vì vậy giai đoạn thứ hai cũng gian nan không kém giai đoạn thứ nhất. Nhưng trong giai đoạn thứ hai, chúng ta được an lòng là nếu chịu khó gieo trồng chắc chắn sẽ có cơm ăn không nghi. Như vậy có giống là một chặng rất quan trọng trong công việc của người nông phu. Nhưng từ khi có giống đến khi có gạo, có cơm ăn cũng là quan trọng không kém. Hiểu như vậy người tu mới không lầm.

Tôi đã thấy có một số người tu lầm lẫn điều này, khi chưa tỉnh chưa giác thì buồn, rán tu cho tỉnh giác. Khi được tỉnh giác rồi hài lòng, vui quá nên đi “nói dóc” hoài, rốt cuộc cũng không ra gì. Thế nên trong nhà thiền có nhắc: Ngộ đạo rồi chưa phải là đã thuần thục. Khi gặp duyên gặp cảnh, tức là tám gió thổi mà không lung lay, đó mới là thật, nghĩa là cái ngộ đã thấm nhuần từ da thịt vào tới xương tủy. Nếu mới ngộ ngoài da, tuy nói ngộ nhưng gặp cảnh thì động, không được thủy chung thích hợp nhau. Khi ngộ thấy mình và người không khác, mình với người là một tâm thể trùm khắp... Nhưng khi người động đến bản ngã, mình nổi sân liền, có sân tức là có khác, đó là điểm hết sức tế nhị. Trong nhà thiền thường nói: Muốn biết người thật đến hay chưa, chỉ dùng tám gió thử. Quí vị nhớ khi nào tám gió thổi mà vẫn cười, đó mới là thứ thật. Còn nếu một ngọn gió thổi mà rung rinh thì chỉ mới phớt ngoài da, chớ chưa thấm đến xương tủy. Nói cho thật kỹ để nhiều khi quí vị hiểu lầm, vì chúng ta tu thì tự nhiên có những bước tiến, nhưng những bước tiến đó phải vào sâu đến xương tủy, nếu chưa được như vậy thì chưa tốt.

Bởi vì pháp giới vốn không chúng sanh, chúng sanh duyên nơi vọng kiến.

Đạo Phật vốn không ngôn thuyết, ngôn thuyết là vì hữu tình.

“Bởi vì pháp giới vốn không chúng sanh”. Pháp là từng sự vật, giới là giới hạn. Pháp giới, trong nhà Phật thường gọi là pháp giới tánh, tức là thể tánh của tất cả pháp trong vũ trụ. Thể tánh đó vốn không có chúng sanh, nhưng tại sao có chúng sanh hiện nay? Vì do vọng kiến, duyên nơi vọng kiến mà có chúng sanh, chớ đứng về mặt pháp giới tánh thì không có chúng sanh.

“Đạo Phật vốn không ngôn thuyết, ngôn thuyết là vì hữu tình”. Đạo Phật chỉ thẳng tâm thể bất sanh bất diệt của chúng ta, tâm thể đó không có khởi nghĩ, không có dấy niệm. Sở dĩ có nói năng là vì có khởi nghĩ, mà tâm thể đó không động làm gì có khởi? Không khởi nghĩ, không dấy niệm làm sao có ngôn thuyết?

Nhưng vì chúng hữu tình mê muội, nên từ chỗ vô ngôn mà dấy lên ngôn thuyết để giáo hóa chúng hữu tình. Như thế chúng ta mới hiểu tại sao các Thiền sư khi có người đến hỏi đạo, các Ngài ngồi im không nói. Không nói là có nói chưa? Vì đạo vốn là vô ngôn, không nói tức là chỉ thẳng thể Phật bất động, bất sanh bất diệt.

Nhưng hỏi mà không được trả lời là điều chúng ta không vui, không chấp nhận.

Cho nên các Ngài buộc lòng phải nói, nhưng nói thì mất cái gốc rồi.

Đến như chân như là bình đẳng, vốn không chư Phật và chúng sanh, há có văn tự và ngôn thuyết? Thể chân như bình đẳng không có đối đãi nên không có Phật và chúng sanh. Trong chỗ không đối đãi thì làm gì có văn tự ngôn thuyết, bởi văn tự ngôn thuyết lập cước trên pháp đối đãi.

Cho nên ngôn thuyết đều là đối với vọng tưởng của chúng sanh, việc bất đắc dĩ mà có ngôn thuyết. Như vậy tất cả ngôn thuyết là việc bất đắc dĩ, vì chúng ta vọng tưởng nhiều, buộc lòng Phật phải nói pháp này, pháp kia để đối trị. Nếu chúng ta không điên đảo vọng tưởng thì Phật không nói pháp gì cả.

Do chúng sanh có các thứ vọng tưởng, nếu chẳng tùy cơ đặt giáo pháp thì không có giáo pháp. Vì vọng tưởng của chúng ta có nhiều loại, nên đức Phật tùy theo đó mà đặt ra giáo pháp thích hợp, gọi là tùy cơ đặt giáo pháp. Thí dụ chúng ta nóng giận nhiều thì Phật giảng từ bi nhẫn nhục để chúng ta bớt nóng giận. Nếu chúng ta tham lam nhiều, Phật dạy phải quán pháp vô thường hoặc phải tập hạnh bố thí v.v... Như vậy mỗi một bệnh của chúng sanh, Phật chỉ ra nhiều pháp để đối trị, ai thích hợp pháp nào thì dùng pháp đó, nên nói do các thứ vọng tưởng đức Phật mới tùy cơ, nếu không tùy cơ đặt giáo pháp thì không có pháp của Phật. Như vậy có pháp thì có Phật, nếu không pháp thì không Phật. Cho nên đây mới nói:

Không Pháp thì không Phật, không Phật thì không Tăng. Tam Bảo đều không thì ai vì nói pháp, nói pháp cho ai? Như vậy pháp của Phật nói ra là tùy theo căn cơ, tùy theo chứng bệnh của mỗi chúng sanh. Pháp đó xuất phát từ đức Phật, như vậy có pháp là có Phật. Có Phật nên Phật mới dạy đệ tử xuất gia tu hành, tức có tăng, đó gọi là Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Nếu không có Tam Bảo thì không có người nói pháp và cũng không có ai nghe pháp. Nhưng điểm này có người nghi, nói rằng pháp là do Phật nói, như các kinh điển chúng ta học, vậy tại sao trong kinh có câu: Pháp tam thế chư Phật chi mẫu, nghĩa là Pháp là mẹ của ba đời chư Phật. Như vậy là pháp sanh ra Phật, tại sao đây nói Phật nói ra pháp? Vậy Phật có trước hay pháp có trước? Trả lời câu hỏi này chúng ta phải chia ra làm hai phần.

Pháp này là chỉ cho pháp tánh. Thí dụ như nhà cửa núi sông, người vật trên thếgian, mỗi cái riêng biệt, đó gọi là pháp. Nhưng mỗi cái đó đều do nhân duyên tụ hội mà thành, do duyên hợp thành thì không có cái thể chân thật. Đức Phật ngộ được lý nhân duyên, tức là Ngài thấy được pháp tánh, thấy được pháp tánh thì thành Phật. Như vậy pháp tánh có trước Phật hay Phật có trước pháp tánh? Pháp tánh là thể đương nhiên của muôn sự muôn vật, có sự vật là có nó. Pháp tánh là cái muôn đời, mà tất cả chúng ta không hiểu không thấy, đến khi Phật tu, tâm Ngài trong sáng, Ngài nhận ra, Ngài thấy rõ tánh đó thì gọi là ngộ đạo. Từ pháp tánh 

Ngài ngộ đạo thành Phật, vậy pháp tánh là trước, pháp tánh đó là mẹ chư Phật. Đó là pháp có trước, Phật có sau. Còn pháp mà chúng ta nghe, chúng ta học từ kinh điển hiện nay là pháp sau khi Phật ngộ, Ngài thấy biết đúng lẽ thật, đem điều đó trình bày cho người sau hiểu biết thì gọi là pháp do Phật nói, đó là pháp sau Phật, Phật trước pháp sau. Như vậy chúng ta không nghi ngờ có chỗ nói pháp có trước Phật có sau, có chỗ nói Phật có trước pháp có sau. Đó là tùy theo mỗi phương diện mà nhìn. Đứng về pháp tánh thì pháp có trước Phật có sau, đứng về Phật thuyết tức nhiên Phật có trước pháp có sau. Như vậy mới hiểu được ý nghĩa trong kinh không lầm.

Thế là không có người nói pháp, không có chúng nghe pháp, tức là nếu không có Tam Bảo thì không có người nói pháp và cũng không có chúng sanh nghe pháp.

Song sau nầy có pháp để nói, tức là giáo pháp từ duyên mà dựng lập, đều là nắm lá vàng dỗ con nít khóc, thì có thật sao? “Sau này có pháp để nói” tức là đức Phật có pháp giảng dạy chúng ta, pháp đó là pháp từ duyên mà dựng lập nên giống như nắm lá vàng dỗ con nít khóc. Tại sao? Trong kinh kể: Một bà mẹ xách giỏ đi chợ, đứa con nhỏ thấy liền khóc lên đòi theo. Người mẹ thấy có mấy chiếc lá vàng rơi dưới đất, bà lượm nắm trong tay dụ: Nín đi con, má cho bánh đây. Nghe nói bánh nó mừng quá nín khóc ngay, bà mẹ mở tay ra, chỉ có lá vàng không có bánh.

Như vậy muốn cho con nít nín khóc, nắm lá vàng gọi là bánh, đánh lừa cho nó mừng không còn khóc nữa. Cũng vậy, tất cả giáo pháp Phật là phương tiện giúp chúng sanh bớt khổ, chớ không có lẽ thật. Pháp nói ra là tương đối, không phải cứu kính, nên nói "từ duyên mà dựng lập đều là nắm lá vàng dỗ con nít khóc, thì có thật sao?" Như trong kinh Phật dạy người nóng giận nhiều phải tu quán từ bi.

Vì có tâm thương người thì mình không bực bội, không giận tức khi họ làm những điều sai trái. Thương thì ít giận, giận thì ít thương. Thế nên Phật dùng pháp quán từ bi để dạy những người nóng giận nhiều, quán như vậy mãi tâm nguội dần không còn nóng giận nữa. Nhưng với người ái dục nhiều, bảo họ quán từ bi thì không được vì sẽ thêm bệnh. Chúng ta thấy không phải pháp của Phật ai cũng ứng dụng được, nghĩa là tùy theo bệnh mà dùng thuốc, có thuốc dùng cho bệnh này thì đúng, còn bệnh khác thì sai. Như vậy pháp của Phật là phương tiện trị bệnh cho chúng sanh chớ không phải là cứu kính.

Tôi cũng đã nhắc nhiều lần câu chuyện: Khi xưa Phật dạy các Thầy Tỳ kheo quán thân bất tịnh, quán mãi rồi các Ngài thấy thân nhớp quá chịu không nổi, thấy như đi đâu cũng mang theo một đãy da hôi thúi nên năn nỉ nhờ người cắt cổgiùm rồi tặng hết y bát, trong một lúc chết đến mấy mươi Tỳ kheo. Đến ngày bố tát, Phật kiểm lại thấy chư tăng vắng nhiều, Phật hỏi, các Tỳ kheo thuật lại việc trên nên Phật quở: Ta dạy các ông quán bất tịnh là trị bệnh ái dục, nếu bệnh ái dục hết thì phải quán tịnh lại. Các ông không quán tịnh lại đi tự tử, đó là chấp thuốc thành bệnh. Như vậy chúng ta thấy pháp của Phật không cố định, tùy trường hợp bệnh nặng thì phải dùng pháp mạnh để trị, đến khi bệnh hết phải đổi pháp khác...

Cũng như tôi đã nói khi bệnh sốt quá phải dùng thuốc trị cho hạ nhiệt, nhưng khi sốt hạ rồi phải đổi thuốc khác, không thể uống mãi thuốc đó. Vì vậy giáo pháp Phật chúng ta xem như khuôn vàng thước ngọc, nhưng thật ra Phật thấy giáo pháp Ngài là phương tiện trị bệnh cho chúng sanh như các thứ thuốc trị bệnh cho người."Tùy bệnh dữ dược" là theo bệnh mà cho thuốc, không phải có cái cố định, nên mới dùng hình ảnh nắm lá vàng dỗ con nít khóc. Lại trong kinh khác ví dụ pháp Phật giống như ngón tay chỉ mặt trăng hoặc như chiếc bè đưa người qua sông.

Nghĩa là nó chỉ là phương tiện dùng một lúc để giải quyết sự khó khăn khổ sở của chúng ta, khi qua rồi phải bỏ chớ không giữ mãi đời đời. Người tu cũng vậy, khi mới tu tôi dạy sổ tức nghĩa là đếm hơi thở. Nếu nói đếm hơi thở mãi đến thành

Phật có được không? Đếm hơi thở một lúc được yên thì bỏ để qua theo hơi thở.

Theo hơi thở được yên thì bỏ để qua biết vọng không theo... mình phải chuyển từ thô lần đến tế, tu Phật là như vậy. Không phải chỉ một bề nghe nói pháp gì đó rồi đeo đẳng suốt kiếp mà không biết tùy lúc từ cái thô của vọng tưởng đến cái tế của vọng tưởng, đến khi hết vọng tưởng cũng không biết thì điều đó không được. Cho nên trong nhà thiền nói rằng nếu không khéo thì đầu lại thêm đầu, tức là tới chỗ thật rồi mà cứ tìm thêm cái thật. Vì vậy đến chỗ thật rồi không cần tìm cái thật nữa.

Đó là tôi nói cho quí vị hiểu rộng một chút chớ không thì dễ nghi ngờ. Người ngu còn có thể nhiều kinh nhiều thuyết, người trí thì chưa dứt tiếng hét, tiếng cười đã chóng ngộ tự tánh. Như vậy chắc chúng ta đều trong bọn người ngu nên mới cần nhiều kinh nhiều thuyết, chớ người trí nghe một tiếng hét hoặc một tiếng cười là ngộ tự tánh của mình. Nói đến tiếng hét tiếng cười tôi dẫn thí dụ, như có người đến hỏi ngài Lâm Tế: Thế nào là Phật? Ngài hét lên một tiếng. Nếu là người sáng nghe tiếng hét liền ngộ, liền thấy Phật, còn người ngu thì giật mình, bỏ đi. Đó là chỗ ngu với trí. Một tiếng cười ngộ đạo, như câu chuyện Thiền sư Thủ Đoan ở Bạch Vân. Sư là đệ tử Úc Sơn Chủ ở Trà Lăng. Úc Sơn Chủ cưỡi ngựa qua cầu ván, con ngựa sụp chân, ông té, nhơn đây ngộ đạo làm một bài kệ khá hay, Sư thuộc lòng. Khi Sư đến tham vấn Dương Kỳ, Dương Kỳ hỏi: Ta nghe thầy ông qua cầu bị té có tỉnh, làm một bài kệ kỳ đặc, ông có nhớ chăng? Sư liền đọc thuộc lòng bài kệ, đọc xong Thiền sư Dương Kỳ cười lên một tiếng. Sư thắc mắc tại sao bài kệ của thầy mình hay như vậy mà Hòa thượng lại cười, cười có nghĩa là chế nhạo, thành suốt đêm Sư không ngủ được. Sáng hôm sau Sư đến bạch: Hôm qua con đọc bài kệ có chỗ nào sai lầm mà Hòa thượng cười?

Dương Kỳ bảo: Ngươi có thấy mấy người hát sơn đông ngoài đường không?

Sư thưa: Thấy. Dương Kỳ bảo: Ngươi còn thua y một bậc.

Sư lấy làm lạ thưa: Ý chỉ thế nào?

- Y thích người cười, ngươi sợ người cười.

Nghe câu đó Sư liền đại ngộ. Như vậy chỉ một tiếng cười mà ngộ được đạo.

Còn chúng ta hiện nay, cười cũng không ngộ, hét cũng không ngộ. Vậy mới thấy chúng ta thuộc hạng tối quá.

Ngài nói kệ:

Hữu thuyết giai thành báng,

Vô ngôn diệc bất dung.

Vị quân thông nhất tuyến,

Nhật xuất lãnh đông hồng.

Tôi nhắc lại, Nhân duyên ngộ đạo là nói thẳng tắt chỗ ngộ đạo của các Thiền sư, nên có thể rất khó so với những bài học trước. Bài kệ này chỉ thẳng chỗ để chúng ta ngộ. Tôi dịch:

Có thuyết thành nhạo báng,

Không lời cũng chẳng xong.

Vì anh vạch một lối,

Trời lên núi đông hồng.

“Có thuyết thành nhạo báng”, phàm có nói năng là nhạo báng, không phải chân lý, không phải chỗ cứu kính.

“Không lời cũng chẳng xong”, tức là làm thinh cũng không được. Như vậy nói là chê bai nhạo báng, làm thinh cũng không được. Cả hai nói và nín đều không được, vậy phải làm sao?

“Vì anh vạch một lối,

Trời lên núi đông hồng.”

Buổi sáng mặt trời lên, nhìn trên những núi ở phương đông thấy ánh sáng dường như có màu hồng, màu vàng. Như vậy là vạch một lối cho chúng ta đi. 

Không phải nói, không phải nín, nói trật nín sai, chỉ có thấy mặt trời lên, núi phía đông sáng hồng. Đó là một lối, lối gì? Có phải là cửa mà ngài Chân Nguyên vào không? Nhìn thấy núi phía đông khi mặt trời lên chiếu sáng hồng, đó là một lối chỉ cho chúng ta ngoài nói và nín. Ai lanh lợi thì thấy, còn không lanh lợi thì để dành, chớ tôi không còn ngôn thuyết nào nói được.

Trong kinh Lăng Già quyển hai - thật ra là cuối quyển ba - Phật bảo Bồ tát Đại Huệ: “Chẳng phải tất cả cõi nước có ngôn thuyết. Ngôn thuyết là tạo tác. Hoặc có cõi Phật nhìn xem mà hiển bày pháp, hoặc có cõi tạo hình tướng, hoặc có cõi chớp mắt, hoặc cười, hoặc ngáp, hoặc tằng hắng, hoặc nghĩ cõi nước, hoặc dao động”. Ngài dẫn kinh Lăng Già để chứng minh không phải tất cả cõi nước chưPhật đều dùng ngôn thuyết để giảng dạy như đức Phật Thích Ca ở cõi Ta bà. Vì sao? Vì ngôn thuyết thuộc về tạo tác, cho nên “hoặc có cõi Phật nhìn xem mà hiển bày pháp”, nghĩa là chỉ nhìn liền thấy được pháp. “Hoặc có cõi tạo hình tướng”, nghĩa là làm ra hình tướng thì liền hiểu được giáo pháp. “Hoặc có cõi chớp mắt”, trong cái chớp mắt liền hiểu được pháp. “Hoặc cười, hoặc ngáp, hoặc tằng hắng”, có cõi gặp nhau cười hoặc ngáp thì hiểu được pháp, có cõi nghe tiếng tằng hắng liền hiểu được pháp. “Hoặc nghĩ cõi nước, hoặc dao động”, là tưởng ra cõi nước như hiện nay có nhiều vị tu quán cõi Cực Lạc có hồ sen hoa sen v.v... hoặc thấy một cái dao động như giơ tay... thì liền biết được pháp. Chỗ này thấy khó hiểu, vì ở cõi chúng ta do nghe nói mà hiểu đạo chớ không thể nào do những cái khác.

Nhưng thật ra trong nhà thiền đều có những hiện tượng đó, nghĩa là không phải tất cả đều do ngôn thuyết. Như trường hợp ngài Chân Nguyên chỉ do nhìn liền ngộ đạo chớ không phải do ngôn thuyết. Cũng như trong hội Linh Sơn, đức Phật Thích Ca đưa cành hoa sen lên, nhìn ngài Ca Diếp, ngài Ca Diếp nhìn Phật, ngay đó Ngài ngộ. Thế nên nói hoặc có cõi Phật nhìn xem mà hiển bày pháp, đây là trường hợp thứ nhất. Hoặc cười liền ngộ đạo như trường hợp Thiền sư Thủ Đoan ở Bạch Vân v.v... Vậy chúng ta đừng đem ngôn thuyết của đức Phật Thích Ca ở cõi này làm tiêu chuẩn cho tất cả cõi khác, vì các cõi Phật có sự sai biệt nhau. Hiện nay chúng ta đừng nghĩ có dạy mới ngộ, có giải mới hiểu. Có người chỉ nhìn là hiểu rồi ngộ, có người nghe cười là hiểu rồi ngộ, có người nhìn thấy hoa đào nở liền ngộ, có người chợt nghe tiếng sỏi chạm cây trúc liền ngộ v.v... Như vậy ngay trong cõi này không biết bao nhiêu sai biệt trong sự ngộ đạo. Ngộ đạo tức là thấy pháp.

“Đại Huệ! Như thế giới Chiêm Thị và Hương Tích, cõi nước Phổ Hiền Như Lai chỉ do nhìn xem khiến các Bồ tát được vô sanh pháp nhẫn và các tam muội thù thắng. Thế nên chẳng phải ngôn thuyết có tánh, có tất cả tánh”. Đức Phật dẫn chứng: “Như ở thế giới Chiêm Thị”, Chiêm Thị là nhìn xem, nhìn xem liền ngộ đạo. Còn cõi nước Hương Tích thì ăn cơm liền ngộ đạo. Nếu chúng ta được lên cõi Hương Tích chắc là khỏe lắm, nghĩa là khi nào muốn ngộ đạo thì ăn cơm, ngay mùi cơm thơm liền ngộ đạo, không cần tu hành gì cả.

“Cõi nước Phổ Hiền” cũng vậy, nhìn thấy cõi nước Ngài sáng rỡ bằng lưu ly pha lê liền ngộ đạo, chứng được vô sanh pháp nhẫn và các tam muội thù thắng. 

Cho nên đừng bảo rằng ngôn thuyết là cố định. Có tánh là có cố định, có tất cả tánh, tức là không có cố định gì cả. Ngôn thuyết chỉ là phương tiện, không phải cố định. Hiện nay chúng ta tu về ngôn thuyết hay về cái gì? Như khi quí vị ngồi thiền yên tịnh lặng lẽ, thấy niệm khởi. Khi niệm lặng bất thần quí vị sáng ra, thì sáng ra là từ ngôn thuyết hay từ cái gì? Đâu phải từ ngôn thuyết, nếu từ ngôn thuyết là sáng tụng kinh, chiều tụng kinh. Còn tâm thanh tịnh lặng lẽ rồi được sáng đạo, đó không phải là ngôn thuyết. Thế nên đừng nghĩ phải là ngôn thuyết mới ngộ đạo.

Phật lại bảo Bồ tát Đại Huệ: “Thấy thế giới này có các loài ruồi, lằng (nhặng), trùng, kiến, chúng nó không có ngôn thuyết mà mỗi loài đều làm xong việc.” Phật dẫn như thế giới chúng ta hiện đang sống, loài kiến có nói gì đâu mà chúng tổ chức có kiến chúa, kiến thợ làm tổ, kiến đi kiếm mồi v.v... Tuy chúng không nói mà vẫn biết tổ chức làm xong việc. Các loài côn trùng khác như ong, ruồi, lằng v.v... cũng không ngôn thuyết mà cũng có tổ chức, biết làm những việc cần thiết trong cuộc sống của chúng.

Cho nên Thế Tôn dùng những căn cơ này mà thay cho thuyết pháp. Thế là sáu căn đều có thể thuyết pháp, đâu hẳn mượn miệng lưỡi thốt ra âm thinh mới là thuyết pháp. Ngài kết luận là sáu căn đều thuyết pháp, không phải dùng miệng lưỡi nói ra lời mới gọi là thuyết pháp. Quí vị nghĩ sáu căn có thể thuyết pháp không? Thí dụ có người hỏi thế nào là đạo, quí vị đưa tay lên, hoặc tỏ một hành động, nếu ai nhân hành động đó mà ngộ đạo thì đó là thuyết pháp bằng thân căn.

Hoặc như có người hỏi đạo, chúng ta nhướng mày lên, người đó ngộ, đó là thuyết pháp bằng căn gì? Như vậy đến chỗ ngộ không phải chỉ do nói. Tôi nói đây không phải tưởng tượng, trên thực tế quí vị thấy đâu phải tất cả đều do miệng nói. Thí dụ như chúng ta nói lời dữ thì người giận, nhưng nếu ai đi ngang, chúng ta liếc mắt hoặc nhìn có vẻ không dễ thương thì người cũng giận. Cũng không phải chúng ta nói lời hiền hòa người mới thương, mà có khi nhìn với đôi mắt hiền hòa người ta cũng thương. Như vậy đâu phải có lời nói ra người mới biết, mà chỉ ánh mắt nhìn người cũng biết rồi. Có khi hành động hoặc dáng đi của chúng ta cũng làm người ghét hoặc người thương. Đâu phải chỉ có lời nói, mà các căn của chúng ta cũng có đủ điều kiện để tạo sự thương ghét nơi mọi người, nhưng những điều chúng ta tạo ra thì tầm thường, khác với các thế giới kia.

Vì thế hằng ngày nơi cửa sáu căn của chúng sanh đều là nơi nhập lý. Nơi sáu căn đều là nơi nhập lý, nên có vị chỉ cần một luồng gió thổi mát cũng ngộ đạo, có vị thấy hoa đào liền ngộ đạo, có vị nghe tiếng động cũng ngộ đạo, có vị nghe tiếng hét cũng ngộ đạo, có vị thấy làm thinh cũng ngộ đạo... hoặc bạo một chút như Mã Tổ đạp cho một cái cũng ngộ đạo. Như vậy đâu chỉ một việc nói pháp mới ngộ đạo, nơi sáu căn đều có thể là cửa nhập lý, nghĩa là chúng ta tu đến lúc chín muồi rồi thì cái gì cũng có thể làm cơ hội cho chúng ta ngộ.

Do đó ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau liền ngộ đạo. Sáu đời Tổ sư thối thân có phần, nghĩa là bước lùi lại một cái là ngộ đạo.

Tuy nhiên như thế, Niết Bàn không hai đường, phương tiện có nhiều cửa. Niết Bàn thật ra không có hai lối, nhưng phương tiện thì có nhiều cửa, hoặc đi cửa này hoặc đi cửa kia. Bước vào nhà Niết Bàn không có hai, mà có hai ba bốn... đó là từ cửa. Tôi thường ví dụ như ở trong nhà có thắp một ngọn đèn điện sáng. Nếu nhà đó có sáu cửa thì người đứng ngoài nhìn vào sáu cửa đều thấy có ánh sáng phát ra. Như vậy nhân ánh sáng nơi sáu cửa, chúng ta biết trong nhà có ngọn đèn.

Từ sáu cửa, người thích đi cửa này, người thích đi cửa kia để bước vào nhà, nhưng khi vào trong nhà thì ngọn đèn chỉ là một. Ánh sáng từ sáu cửa thấy dường như sáu, nhưng thực là từ một ngọn đèn. Đó là để nói chúng ta đạt được lý đạo không phải chỉ có ngôn thuyết mà có thể do nhiều phương tiện. Vì vậy Phật nói Đại thừa Tiểu thừa, kinh có Đốn giáo Tiệm giáo”. Phật nói có pháp Đại thừa, Tiểu thừa, còn kinh thì có Đốn giáo, Tiệm giáo. Đại thừa, Tiểu thừa là những từ ngữ khi xưa dùng, hiện nay không còn thích hợp nữa. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay dùng từ ngữ Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Phát triển hay Bắc tông. Những kinh ngày xưa gọi là kinh Đại thừa nay nói là kinh Bắc tông hay kinh Phát triển. Cùng tu theo đạo Phật nhưng pháp tu có sai biệt, chúng ta đừng vì sự giản trạch sai biệt mà cho bên kém bên hơn. Chúng ta nhiều khi có bệnh gặp ai cũng hỏi thầy tu theo phái nào của Phật giáo? Hoặc nói tôi tu theo Đại thừa, vị kia tu theo Tiểu thừa v.v... Nói Đại thừa nhưng nếu tu lôi thôi không ra gì thì cũng không có giá trị. Còn tu theo Tiểu thừa mà tu đến nơi đến chốn vẫn có giá trị. Như vậy ai hơn? Từ ngữ Đại thừa, Tiểu thừa không phải cố định, mà nhiều khi chúng ta chấp thành cố định. Nghĩa là người nào tu hay, có tâm hồn cao thượng thì tốt, người nào tu dở, tâm hồn ích kỷ thì không tốt.

“Kinh có Đốn giáo, Tiệm giáo”, đốn là nhanh chóng, tiệm là thứ lớp, từ từ. Giáo lý dạy tu nhanh chóng gọi là đốn giáo, giáo lý dạy tu từ từ gọi là tiệm giáo.

Những bộ kinh chỉ thẳng chúng ta có tánh giác, cho chúng ta thấy rõ nơi mình sẵn có ông Phật, tu hành thành Phật như những kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Lăng Già thuộc đốn giáo. Tiệm giáo là những kinh chỉ chúng ta diệt hết phiền não, từ từ sẽ ngộ đạo như các bộ kinh A Hàm.

Chẳng nhờ ngón tay chỉ thì đâu thể thấy mặt trăng, chỉ được cá mới có thể quên nôm. Lời nói này đặc biệt vì kẻ sơ cơ. Ngài dùng những hình ảnh để thí dụ.

Trong kinh Viên Giác, Phật bảo lời Phật dạy như ngón tay chỉ mặt trăng. Muốn thấy mặt trăng chúng ta phải nương theo ngón tay, nếu không thì không thể thấy mặt trăng. Đêm rằm trăng sáng vằng vặc, chúng ta không cần ngón tay chỉ. Nhưng trong bài là nói trường hợp đêm mùng ba đến mùng sáu, những đêm đó mặt trăng lưỡi liềm nhỏ, ở xa, có người không thấy. Chúng ta thấy mới chỉ cho người. Nhìn theo hướng ngón tay chỉ, người thấy được mặt trăng. Như thế không phải mặt trăng ở tại đầu ngón tay mà nương ngón tay để thấy mặt trăng. Cũng vậy chúng ta nương kinh Phật để thấy chân lý. Thế nên lời nói, chữ viết trong kinh chỉ là phương tiện giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Mặt trăng dụ cho chân lý. Chúng ta không chấp ngón tay là mặt trăng vì đó là sai lầm, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ ngón tay mà thấy được mặt trăng. Thế nên nương ngón tay để thấy mặt trăng là người khôn.

“Chỉ được cá mới có thể quên nôm”, thí dụ này rất cổ. Thưở xưa người ta đi nôm cốt bắt cá, khi được cá mới có thể bỏ nôm xách cá về. Được cá là dụ cho ngộ đạo, nôm là dụ cho phương tiện. Nghĩa là khi ngộ đạo rồi chúng ta mới bỏ phương tiện. Còn chưa ngộ đạo mà bỏ phương tiện là sai, không được kết quả.

Cho nên nói: “Lời nói này đặc biệt vì kẻ sơ cơ”. Tóm lại nói được cá quên nôm hay nương ngón tay để thấy mặt trăng là vì kẻ sơ cơ.

Nếu bậc mắt sáng nào ngại một tiếng cười, không truyền mà truyền, không được mà được, lấy cái không chỗ được, ấn chứng Bồ đề. Mắt sáng là ngộ đạo. Người ngộ đạo rồi thì chỉ một tiếng cười, không truyền pháp gì cả mà đó là đã truyền, không được pháp gì cả mà đó là đã được.

“Lấy cái không chỗ được ấn chứng Bồ đề”. Được mà không chỗ được, lấy cái đó ấn chứng Bồ đề. Tại sao được mà không chỗ được? Những từ ngữ này nghe thật khó hiểu. Tôi thường ví dụ tôi đi đường thấy ai rớt cây viết tôi lượm và nói tôi được cây viết. Cây viết là một vật ở ngoài, tôi nắm được nó thì nói tôi lượm. Còn tính giác Phật Tổ truyền cho chúng ta nó ở đâu? Nó là vật ngoài chúng ta hay ở ngay nơi chúng ta? Ngay nơi chúng ta tức là của mình mà mình quên, nên Phật Tổ mới chỉ, mình nhận ra nên nói mình được. Được của mình thì được mà không được. Nói “vô sở đắc”, không có chỗ được vì nó là của mình. Cây viết là cái sở đắc vì nó ở ngoài. Như thế chúng ta hiểu rõ câu: “Dĩ vô sở đắc cố” trong kinh Bát Nhã. Vì không có sở đắc nên Bồ tát chứng được đạo quả. Tu Phật là nương theo lời dạy của Phật để ứng dụng dẹp phiền não vọng tưởng. Phiền não vọng tưởng dứt thì tánh giác hiện ra. Thấy tánh giác thì gọi là được chớ thật ra không được cái gì hết, được của mình thì được mà không được. "Không truyền" vì đâu có cái gì mà truyền trao. Thường nói truyền là Phật hay Tổ truyền y bát. Y bát ở ngoài trao cho đệ tử, đó là truyền, còn thầy nhận mình có tánh giác, chỉ cho đệ tử nhận được tánh giác thì đâu có cái gì truyền trao nên nói không truyền mà truyền. Lấy cái không chỗ được ấn chứng Bồ đề, chính chỗ không chỗ được đó mà mình ngộ được Bồ đề.

Thế Tôn đưa cành hoa, Tổ Ca Diếp mỉm cười, học giả cần phải biết đồng một tánh vậy. Phật đưa cành hoa, Tổ Ca Diếp nhìn rồi mỉm cười, như vậy Phật truyền tâm ấn cho Tổ Ca Diếp là truyền cái gì? Chỉ là sự cảm thông nhau. Phật muốn chỉ cái đó nơi ngài Ca Diếp nên đưa cành hoa, Ca Diếp nhìn biết Phật muốn chỉ cái sẵn của mình liền mỉm cười, đó là cảm thông, đó là được ruyền tâm ấn nên nói không truyền mà truyền là vậy.

Mục lục
Phần : I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IX XI - XII

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 152
  • Hôm nay: 13950
  • Tháng hiện tại: 1727534
  • Tổng lượt truy cập: 59380467

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile