Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần VIII

Đăng lúc: Thứ ba - 09/10/2012 16:29 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Tông Bản Hạnh - Phần VIII

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần VIII

5.8 VUA MẤT ĐỂ ẢNH HƯỞNG LỚN LẠI, 6. DÒNG THIỀN TRÚC LÂM

5.8 VUA MẤT ĐỂ ẢNH HƯỞNG LỚN LẠI

Thập nhất nguyệt mồng một nay,

Tý thì Phật Tổ quy Tây Nát Bàn.

Bảo Sát phụng phó chúc ngôn,

Trà tỳ phần hóa hỏa quang ngút trời.

Pháp Loa, Bảo Sát mọi người,

Thu thập ngọc cốt thương ôi những là:

“Tổ đã một ngày một xa,

Ai hầu giáo hóa chúng ta sau này?”

Dòng dòng nước mắt chảy ngay,

Rước về Yên Tử tháp xây làm tằng.

Một phần xây tháp Phổ Minh. Ấy là Phật cốt uy linh nước này.

Đời đời vua chúa kính thay,

Để dân tảo lệ xưa nay phụng thờ.

Thật dân Tam Bảo hoằng nô,

Trung Lương, Nam Mậu tích xưa Trần triều.

Quan sang thiên hạ dấu yêu,

Vì chưng thuở trước đã nhiều nhân duyên.

Cúng Tăng sự Phật lòng tin,

Coi sóc chùa chiền kỵ lạp hương hoa.

Muôn đời khiên tộ quốc gia,

Nước có Phật cốt sinh ra Thánh Hiền.

Nước Nam dẹp được bốn bên,

Vì có Phật Báu Hoàng Thiên hộ trì.

Đời đời Phật Đạo quang huy,

Quốc gia đỉnh thịnh càng thì tăng long.

* * *

Thập nhất nguyệt mồng một nay,

Tý thì Phật Tổ quy Tây Nát Bàn.

“Thập nhất nguyệt” tức là tháng 11, “mồng một nay” là ngày mồng 1, “Tý thì” là giờ Tý. “Phật Tổ quy Tây Nát Bàn” là Sơ Tổ Trúc Lâm tịch, Ngài nhập Nát bàn. Nói cho dễ hiểu là ngày mồng 1 tháng 11, vào giờ Tý tức là 11 giờ đêm, niên hiệu Hưng Long thứ 16, năm 1308, đêm ấy Điều Ngự Giác Hoàng tịch, thọ 51 tuổi.

Ngài đi hơi sớm.

Bảo Sát phụng phó chúc ngôn,

Trà tỳ phần hóa hỏa quang ngút trời.

Pháp Loa, Bảo Sát mọi người,

Thu thập ngọc cốt thương ôi những là:

“Tổ đã một ngày một xa,

Ai hầu giáo hóa chúng ta sau này?”

Sau khi Ngài tịch, theo lời di chúc của Ngài, Bảo Sát cùng Pháp Loa, hai huynh đệ thỉnh nhục thân của Ngài làm lễ trà tỳ và lượm được rất nhiều ngọc xá lợi. Ngọc cốt tức là ngọc xá lợi. Các vị mới than:

“Tổ đã một ngày một xa,

Ai hầu giáo hóa chúng ta sau này.”

Nay Tổ đã tịch rồi, mỗi ngày mỗi xa, ai dạy ai chỉ bảo chúng ta sau này?

Than rồi các Ngài khóc: Dòng dòng nước mắt chảy ngay, 

Rước về Yên Tử tháp xây làm tằng.

Một phần xây tháp Phổ Minh,

Ấy là Phật cốt uy linh nước này.

Các Ngài rước một phần ngọc cốt xây tháp thờ trên núi Yên Tử còn một phần xây tháp thờ tại chùa Phổ Minh. Ngọc cốt của Tổ được xem như Phật cốt uy linh của đất nước.

Đời đời vua chúa kính thay,

Để dân tảo lệ xưa nay phụng thờ.

Thật dân Tam Bảo hoằng nô,

Trung Lương, Nam Mậu tích xưa Trần triều.

Như vậy sau khi ngài Điều Ngự Giác Hoàng tịch, thiêu được nhiều xá lợi, xây tháp thờ ở hai nơi núi Yên Tử và chùa Phổ Minh. Từ đó về sau hình ảnh xá lợi coi như là uy linh của đất nước, của nhà Phật, đời đời vua chúa đều kính trọng.

“Để dân tảo lệ” là để dân thay nhau cắt người chăm sóc phụng thờ xá lợi. “Tảo lệ” là cắt người ra để chăm sóc.

“Thật dân Tam Bảo hoằng nô”. Xưa nói “Tam Bảo nô” tức là người tôi tớ trong Tam Bảo, nay gọi là làm công quả. Trung Lương, Nam Mậu là tên của hai làng có trách nhiệm phụng thờ ngôi Tam Bảo, chăm sóc những ngôi tháp và giữ phần hương hỏa cho lăng miếu nhà Trần.

Quan sang thiên hạ dấu yêu,

Vì chưng thưở trước đã nhiều nhân duyên.

Cúng Tăng sự Phật lòng tin,

Coi sóc chùa chiền kỵ lạp hương hoa.

Muôn đời khiên tộ quốc gia,

Nước có Phật cốt sinh ra Thánh Hiền.

Đây là ngài Chân Nguyên tán thán: Cả thiên hạ trong đất nước đều quí mến các vua đời Trần vì những vị nầy thuở trước có nhiều nhân duyên, cho nên:

“Cúng Tăng sự Phật lòng tin,

Coi sóc chùa chiền ky lạp hương hoa.”

Mọi người đều đầy đủ lòng tin cúng dường chư Tăng, thờ phụng đức Phật, coi sóc chùa chiền, dâng hương hoa cúng dường.

“Muôn đời khiên tộ quốc gia”. Bản nầy là chữ “khiên”, bản 1932 là chữ “diễn”. Diễn tộ thì dễ hiểu hơn, diễn là kéo dài, tộ là tốt lành. “Muôn đời diễn tộ quốc gia”, nghĩa là trong nước có được những điều tốt lành kéo dài muôn đời. Tại sao? Vì nước có Phật cốt tức là ngọc cốt của Tổ, cho nên có những bậc Thánh Hiền ra đời. Nước nam dẹp được bốn bên,

Vì có Phật Báu Hoàng Thiên hộ trì.

Đời đời Phật Đạo quang huy,

Quốc gia đỉnh thịnh càng thì tăng long.

Nước Nam dẹp được giặc giã, bốn phương yên ổn, vì có Phật báu ở trong nhà, cho nên “Hoàng Thiên hộ trì”. Đời đời đạo Phật được sáng sủa, quốc gia được hưng thịnh và “tăng long” tức là thêm sự tốt đẹp mãi mãi.

Kết thúc đoạn nầy nói về đời của Điều Ngự Giác Hoàng, sau khi tịch thiêu được ngọc xá lợi, xây tháp thờ để cho dân chúng hương lửa hằng ngày. Nhờ tinh thần kính tin Tam Bảo mà đất nước được thịnh vượng và tăng long."

6. DÒNG THIỀN TRÚC LÂM

Nhân Tông gặp thầy Tuệ Trung,

Làm đệ nhất Tổ Nam cung nước này.

Đệ nhị Pháp Loa bằng nay,

Rập đời Anh Tông đêm ngày yêu đương.

Đệ tam Tổ sư Huyền Quang,

Truyền cho Minh Tông lòng càng từ bi.

Dầu ai xem đấy xá nghì,

Năm Vua ba Tổ đều thì chứng nên.

Truyền cho thiên hạ bốn bên,

Người ta đắc đạo thiên thiên vàn vàn.

Nhờ ơn Hoàng Giác vua quan,

Phát lòng tu trước, dân gian học cùng.

Đời đời nối đạo Thiền Tông,

Chính pháp truyền lòng ai được thì hay.

Tổ đã đắp nấm trồng cây,

Mộng Bồ Đề nở sau này càng cao.

Khai hoa kết quả xao xao,

Dõi truyền đất Việt thấp cao trùng trùng.

Ai khôn có trí có công,

Tu hành ngộ được Tâm Tông mới mầu.

Nhân duyên có trước có sau,

Ai ai cũng có tính châu Bồ Đề.

Kiến văn tri giác khác gì,

Mày ngang mũi dọc xem thì bằng nhau. Phật tiền Phật hậu trước sau,

Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu Ma Ha.

Mênh mông bể Thích tuy xa,

Biết đường vượt tắt đến nhà một giây.

Lòng Bụt thương chúng sinh thay!

Bách ban phương tiện mở nay để chờ.

Bằng người cao sĩ quán cơ,

Thông sao một hớp cạn bờ sông Tây.

Bảo thật cứu cánh cho hay,

Tứ Mục Tương Cố đã thì ấn tâm.

Bụt truyền từ cổ đến câm (kim),

Ai tin thì được ấn tâm thật thà.

Xem Thánh Đăng Lục giảng ra,

Kéo đèn Phật Tổ sáng hòa Tam Thiên.

Việt Nam thắng cảnh Hoa Yên,

Sát tiêu cực lạc Tây Thiên những là.

Vĩnh trấn cửu phẩm Di Đà,

Phần hương chúc Thánh quốc gia thọ trường.

Đời đời tượng pháp hiển dương,

Thiệu long Tam Bảo Tây Phương Phật đường.

Điều Ngự, Pháp Loa, Huyền Quang,

Tam vị Phật Tổ Nam bang Trần triều.

Hoa Yên, Long Động, Vân Tiêu,

Quỳnh Lâm tượng pháp độ siêu vô cùng.

Kính khuyên Nam Bắc Tây Đông,

Muốn được nên Bụt, phát lòng xuất gia.

Trước là độ lấy thân ta,

Sau là cứu được mẹ cha Tổ Huyền.

Vua Trần tước lộc binh quyền,

Người còn thoát để tu Thiền lọ ta.

Cửu liên đài thượng khai hoa,

Những người niệm Bụt Di Đà Phật danh.

Cùng về Cực Lạc hóa sinh,

Mình vàng vóc ngọc quang minh làu làu.

Tiêu dao khoái lạc chẳng âu,

Bất sinh bất diệt ngồi lầu Tòa Sen.

* * *

Đoạn này ngài Chân Nguyên nói về sự truyền thừa của hệ phái Trúc Lâm. Nhân Tông gặp thầy Tuệ Trung,

Làm đệ nhất Tổ Nam cung nước này.

Ngài Trần Nhân Tông gặp được Thầy là Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ dạy, cho nên sau nầy Ngài làm Tổ thứ nhất của hệ phái Trúc Lâm ở Việt Nam.

Đệ nhị Pháp Loa bằng nay,

Rập đời Anh Tông đêm ngày yêu đương.

Tổ thứ hai là Tổ Pháp Loa. Chữ “rập” là tiếp nối. Tiếp đời Anh Tông đêm ngày đều kính mến ngài Pháp Loa.

Đệ tam Tổ sư Huyền Quang,

Truyền cho Minh Tông lòng càng từ bi.

Tổ thứ ba là Tổ Huyền Quang, truyền cho vua Minh Tông lòng càng thương xót.

Dầu ai xem đấy xá nghì

Năm Vua ba Tổ đều thì chứng nên.

Truyền cho thiên hạ bốn bên,

Người ta đắc đạo thiên thiên vàn vàn.

“Dầu ai xem đấy xá nghì”. “Xá nghì”, chữ xá là hãy, chữ nghì là nghĩ suy.

Dầu ai đấy hãy nghĩ suy. “Năm Vua ba Tổ đều thì chứng nên”. Năm Vua là: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Ba Tổ là: Sơ Tổ Trúc Lâm, Tổ Pháp Loa và Tổ Huyền Quang. Những vị nầy đều ngộ đạo.

“Truyền cho thiên hạ bốn bên”, nghĩa là bốn phía thiên hạ đều được truyền dạy giáo hóa. “Người ta đắc đạo thiên thiên vàn vàn”, người ta ngộ được lý thiền rất nhiều có đến ngàn muôn người.

Nhờ ơn Hoàng Giác vua quan,

Phát lòng tu trước, dân gian học cùng.

Đời đời nối đạo Thiền Tông,

Chính pháp truyền lòng ai được thì hay.

Đây là lời tán thán của ngài Chân Nguyên.

“Nhờ ơn Hoàng Giác vua quan” là nhờ ơn các vua giác, và quan như ngài Huyền Quang là Trạng nguyên đi tu. “Phát lòng tu trước dân gian học cùng”.

Những ông vua và những ông quan phát tâm tu trước cho nên nhân dân bắt chước tu theo. “Đời đời nối đạo Thiền Tông”, nghĩa là đời đời nối đạo Phật tu theo Thiền.

“Chính pháp truyền lòng ai được thì hay”, chánh pháp truyền trong tâm mình, ai được thì người đó thấm, người đó hiểu.

Tổ đã đắp nấm trồng cây,

Mộng Bồ Đề nở sau này càng cao. Khai hoa kết quả xao xao,

Dõi truyền đất Việt thấp cao trùng trùng.

Sơ tổ Trúc Lâm, Ngài đã đắp nền để ương hột trồng cây, cho nên sau này mộng của hạt Bồ đề nở càng ngày càng cao, khai hoa kết quả rất là nhiều.

“Dõi truyền đất Việt thấp cao trùng trùng”, bản nầy là “thấp cao trùng trùng”, bản 1932 là “tháp cao trùng trùng”. Chữ “tháp cao trùng trùng” tức là tháp cao lớp lớp, tằng tằng. Còn “thấp cao trùng trùng” tức là lớp cao lớp thấp, từng cấp từng bậc rất nhiều. Nghĩa là những người nối theo hệ thống Thiền này, người tu cao người tu thấp từng lớp từng lớp rất là đông.

Ai khôn có trí có công,

Tu hành ngộ được Tâm Tông mới mầu.

Nhân duyên có trước có sau,

Ai ai cũng có tính châu Bồ Đề.

Người nào khôn ngoan có trí, có công phu tu hành ngộ được Tâm tông tức là Thiền tông, đó mới là đạo mầu.

“Nhân duyên có trước có sau”, tùy nhân duyên có người tu trước có người tu sau. Nhưng “Ai ai cũng có tính châu Bồ Đề”, dù tu trước hay tu sau, ai ai cũng sẵn có hạt châu giác ngộ, không phải tu trước mới có, còn tu sau thì không. Vì thế Tăng Ni cũng như Phật tử đừng có tủi mình tu muộn, chỉ có điều là nếu người tu trước tu từ từ chậm chậm, còn người tu sau nỗ lực tu nhanh, rốt cuộc rồi lại tới trước. Cũng như người đi đường, cùng đi một đoạn đường, mà người đi trước thả bộ từ từ, còn người đi sau thấy mình đã trễ nên hấp tấp đi nhanh, có khi cũng tới trước. Thế nên chúng ta đừng có mặc cảm rằng tôi tu sau, mà chỉ có mặc cảm là tôi tu lừng chừng, tu cho lấy có. Còn tuy tu sau mà hăng hái quyết liệt thì cũng có kết quả như thường. Ở đây nói rất rõ: Tuy nhân duyên có trước có sau, nhưng ai ai cũng sẵn có tính châu Bồ đề, tức là sẵn có tánh giác sáng suốt.

Kiến văn tri giác khác gì,

Mày ngang mũi dọc xem thì bằng nhau.

Tánh giác sẵn có nơi mọi người, tánh giác ấy hiện ra ở đâu? Theo bản nầy là: “Kiến văn tri giác khác gì. Mày ngang mũi dọc xem thì bằng nhau”. Còn bản 1932 là: “Hay ăn hay nói khác chi. Mày ngang mũi dọc xem thì bằng nhau”. Tuy câu văn hai bản khác nhau, nhưng ý không khác.

“Kiến văn tri giác khác gì”, nghĩa là thấy, nghe, biết, và cảm nhận, đâu khác gì nhau. Tất cả chúng ta ai cũng thấy, cũng nghe, cũng biết, cũng có cảm giác, không có khác nhau. Đó là tánh giác chớ gì. Người nào cũng mày ngang là chân mày nằm ngang, mũi dọc là mũi xuôi xuống, xem giống hệt nhau. Đâu có ai chân mày ngược đứng lên hay dọc xuôi xuống... Như vậy tất cả chúng ta đều sẵn có cái thấy, cái nghe, cái cảm giác như nhau, và ai cũng có mày ngang mũi dọc như nhau, không có ai khác ai cả. Chỉ khác nhau là chỗ huân tập, huân tập nghiệp nào thì có khả năng trong nghiệp đó. Nghiệp có sai biệt mà tánh giác không sai biệt. Thế thì chúng ta sống đừng vì những huân tập sai biệt mà tự cho mình là hay, chê người là dở. Trái lại chúng ta phải thấy rõ rằng ai cũng có tánh giác, ai cũng có mày ngang mũi dọc như nhau, đừng có khinh ai. Chúng ta phải học hạnh của Bồ tát Thường

Bất Khinh, Ngài không khinh ai cả. Song trong giới người tu chúng ta thường có hai bệnh, nếu không bị mặc cảm tự ti thì bị bệnh tự tôn. Mặc cảm tự ti là khi nghe nói tới giác ngộ thì nghĩ rằng mình làm không nổi, chuyện đó của Phật, của Bồ tát, chớ làm sao mình giác ngộ được. Còn bệnh tự tôn là khi nghe nói mình có tánh giác rồi không lo tu, thấy ai cũng ngẩng đầu, tôi có sẵn tánh giác, tôi có thua các người đâu! Tuy mình có tánh giác nhưng người tu trước dẹp phiền não nhiều hơn mình, mình có tánh giác mà không dẹp phiền não thì cũng như có viên ngọc còn nằm trong đống rác, biết có ngọc mà không dùng được việc gì! Còn người dẹp được rác, lấy ngọc bỏ túi thì người ta hơn mình. Hiểu như vậy chúng ta phải khéo tránh hai bệnh, bệnh tự ti mặc cảm và bệnh tự tôn ngạo mạn.

Phật tiền Phật hậu trước sau,

Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu Ma Ha.

Phật tiền là Phật trước, Phật hậu là Phật sau, tuy có Phật trước Phật sau, nhưng huyền chỉ của Bát Nhã thì đạo mầu rộng lớn thênh thang. Chữ Ma ha là rộng lớn thênh thang.

Mênh mông bể Thích tuy xa,

Biết đường vượt tắt đến nhà một giây.

Biển Thích rộng mênh mông, tuy xa xôi nhưng biết đường đi tắt thì một giây là đến nhà. Hiện giờ chúng ta cũng thấy rõ điều nầy: Ngày xưa từ đây qua Trung Quốc hay qua Ấn Độ thì xa ngàn trùng. Nhưng ngày nay nhờ có phi cơ phản lực chỉ cần vài tiếng đồng hồ là đến nơi. Thế nên nếu đi đường rừng hay đường biển thì rất lâu, nếu đi đường chim thì rất nhanh chóng. Cũng như vậy, nếu người tu biết đi thẳng đừng có quanh co thì cũng rất nhanh. Sao gọi là đi đường rừng, đi đường biển, đi đường chim? Như hiện giờ có nhiều vị tu cứ nói: Mình căn cơ trì độn, rán lạy Phật, cúng Phật, cầu nguyện đời sau gặp Phật tu nữa, bây giờ tu được tới đâu hay tới đó. Tu như vậy thì chừng bao nhiêu đời? Tu cách nầy thì đến ba vô số kiếp. Đó là đi đường rừng, đường biển, đường quanh co. Còn nếu biết rằng chúng ta sẵn có tánh Phật, sở dĩ không thấy được là tại vô minh phiền não phủ che, ngay đây phải cố gắng dẹp tan vô minh phiền não thì tánh Phật hiện ra, chỉ trong gang tấc chớ không phải xa. Đó gọi là đi thẳng đường chim. Thế nên biết tu thì mau, không biết thì lâu là như vậy.

Lòng Bụt thương chúng sinh thay!

Bách ban phương tiện mở nay để chờ.

Lòng Phật thương chúng sanh rất nhiều, rất thắm thiết, cho nên Ngài mở bày cả trăm phương tiện để chỉ dạy tùy theo căn cơ của mỗi người.

Bằng người cao sĩ quán cơ, Thông sao một hớp cạn bờ sông Tây. Đến đây ngài Chân Nguyên nói thẳng về Thiền. Tuy Phật có chia cả trăm phương tiện để hướng dẫn chỉ dạy người, nhưng nếu là người cao sĩ quán triệt được căn cơ của mình, thấu suốt được ý nghĩa thâm trầm của Thiền, thì chỉ cần hớp một hớp cạn nước sông Tây là được ngộ. Đây là dẫn câu chuyện ông Bàng Long Uẩn đến tham vấn Mã Tổ, hỏi: “Người chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?” Mã Tổ bảo: “Ông hớp một hớp cạn nước Tây giang, ta sẽ nói cho ông nghe”. Ngay đó ông Bàng Long Uẩn liền ngộ, biết được con người không cùng muôn pháp làm bạn.

Câu hỏi của ông Bàng cũng khó hiểu: Người không cùng muôn pháp làm bạn là người nào? Có phải là người phàm phu chúng ta không? Chúng ta thích hoa kiểng, thích núi sông..., tức là chúng ta đang làm bạn cùng muôn pháp. Còn người không cùng muôn pháp làm bạn là người mà Lục Tổ đã nói: “Bản lai vô nhất vật”, tức là “xưa nay không một vật” thì làm bạn với ai? Còn cái gì để làm bạn? Vậy người đó là người nào? Câu hỏi thật là sâu, cho nên Mã Tổ chỉ nói: “Ông hớp một hớp cạn giòng Tây giang, ta sẽ vì ông mà nói”. Ngay đó ông Bàng Long Uẩn ngộ, ngộ được “người không cùng muôn pháp làm bạn”. Như vậy đó là hàng cao sĩ.

Bảo thật cứu cánh cho hay,

Tứ Mục Tương Cổ đã thì ấn tâm.

Nói thật đến chỗ cứu cánh là: “Tứ mục tương cố đã thì ấn tâm”. Tứ mục tương cố là bốn mắt nhìn nhau, đó là ấn tâm rồi. Chúng tôi nói lại một lần nữa để quí vị khỏi hiểu lầm chữ Tứ mục tương cố. Bởi vì Thánh với Thánh tứ mục tương cố hiểu nhau liền, còn phàm với phàm tứ mục tương cố cũng hiểu nhau. Nhưng hiểu theo cách nào? Phàm thì hiểu theo phàm, Thánh thì hiểu theo Thánh, chớ đừng nghĩ tứ mục tương cố là thánh hết, hiểu như vậy là lầm. Trong nhà đạo người hỏi người đáp bốn mắt nhìn nhau là cảm thông, cảm thông là ngộ đạo. Còn người thế gian bốn mắt nhìn nhau cảm thông theo thế tình, chớ không có ngộ đạo. Đó là chỗ đặc biệt.

Bụt truyền từ cổ đến câm (kim),

Ai tin thì được ấn tâm thật thà.

Đức Phật truyền từ khi xưa cho đến ngày nay ai tin nhận được điều đó thì được ấn tâm không có nghi ngờ, thật thà tức là đúng như vậy.

Xem Thánh Đăng Lục giảng ra,

Kéo đèn Phật Tổ sáng hòa Tam Thiên.

Bản nầy là “Kéo đèn”, bản 1932 là “khêu đèn”, chữ khêu đèn thì hợp lý hơn. Vì ngày xưa đốt đèn dầu, ngọn đèn cháy mòn bị mờ đi, nên mình khêu lên nó liền sáng. Cho nên nói: “Khêu đèn Phật Tổ sáng hòa Tam Thiên”. Hiện nay người nào muốn hiểu rõ chỗ đạo lý chân thật thì nên xem quyển Thánh Đăng Lục, đó là khêu ngọn đèn Phật Tổ sáng khắp cả Tam Thiên. Việt Nam thắng cảnh Hoa Yên, Sát tiêu Cực lạc Tây Thiên những là. Cảnh chùa Hoa Yên ở Việt Nam rất đặc biệt rất thù thắng, gần với cảnh Cực lạc ở Tây phương, chớ không phải tầm thường. Chúng tôi có lên đến Hoa Yên nhưng vì chưa thấy cảnh Cực lạc nên không so sánh được. Chỉ thấy Hoa Yên đơn độc quá. Còn đối với ngài Chân Nguyên thì cảnh chùa Hoa Yên với cảnh Cực lạc không khác nhau bao nhiêu.

Vĩnh trấn cửu phẩm Di Đà,

Phần hương chúc Thánh quốc gia thọ trường.

Đây là lời Ngài tán thán muốn ở mãi nơi Cửu Phẩm Liên Hoa của đức Phật Di Đà, đốt hương cầu nguyện cho quốc gia được an lành mãi mãi.

Đời đời tượng pháp hiển dương,

Thiệu long Tam Bảo Tây Phương Phật đường.

Nguyện cho thời tượng pháp nầy đời đời được hiển bày sáng tỏ, nối tiếp hạt giống Tam Bảo như là cõi Phật ở Tây phương.

Điều Ngự, Pháp Loa, Huyền Quang.

Tam vị Phật Tổ Nam bang Trần triều.

Theo cái nhìn của ngài Chân Nguyên, thì Sơ Tổ Trúc Lâm, Tổ Pháp Loa và Tổ Huyền Quang là ba vị Phật Tổ đời Trần ở nước Việt Nam.

Hoa Yên, Long Động, Vân Tiêu,

Quỳnh Lâm tượng pháp độ siêu vô cùng.

Hệ phái Trúc Lâm có những ngôi chùa, như trên núi Yên Tử có chùa Hoa Yên, trên Hoa Yên có am Vân Tiêu, dưới chân núi có chùa Long Động; và còn có chùa Quỳnh Lâm v.v... Đó là thời tượng pháp để độ siêu cho chúng sanh.

Kính khuyên Nam Bắc Tây Đông,

Muốn được nên Bụt, phát lòng xuất gia.

Vậy nên khuyên những người ở Nam Bắc Tây Đông muốn được thành Phật phải phát lòng xuất gia tu hành.

Trước là độ lấy thân ta,

Sau là cứu được mẹ cha Tổ Huyền.

Ngài khuyên người xuất gia để làm gì? Trước là độ lấy thân mình, sau là cứu độ cha mẹ, cửu huyền thất tổ. Như vậy người đi tu không phải chỉ lo cho mình, mà còn lo độ cha mẹ và cửu huyền thất tổ.

Vua Trần tước lộc binh quyền,

Người còn thoát để tu Thiền lọ ta.

Các vua đời Trần như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông ... là các vị vua binh quyền mạnh mẽ mà các Ngài còn bỏ ngôi báu đi tu, huống nữa là chúng ta.

Chúng ta chưa phải là quan, còn là dân dã, tại sao lại tiếc không chịu tu? Đó là lời nhắc nhở rất thiết yếu của ngài Chân Nguyên.

Cửu liên đài thượng khai hoa,

Những người niệm Bụt Di Đà Phật danh.

Trong Cửu Liên Đài hay Đường lối tu về Cực lạc tức là tu Tịnh Độ, có chia làm Cửu phẩm hay chín phẩm từ thấp lên cao. Những người muốn được về Cực lạc thì phải niệm danh hiệu đức Phật Di Đà.

Cùng về Cực Lạc hóa sinh,

Mình vàng vóc ngọc quang minh làu làu.

Tiêu dao khoái lạc chẳng âu,

Bất sinh bất diệt ngồi lầu Tòa Sen.

Nếu niệm danh hiệu Phật Di Đà thì được về cõi Cực lạc hóa sinh, chớ không phải cha mẹ sinh, được mình vàng vóc ngọc hào quang sáng ngời, tiêu dao khoái lạc không có gì lo âu, không sanh không diệt, ngồi trên lầu tòa sen.

Như vậy chúng ta thấy ngài Chân Nguyên vừa dạy tu Thiền vừa khuyên tu Tịnh Độ. Tại sao đường lối tu của Ngài lại hỗn hợp như vậy? Chúng tôi xin dẫn sử cho quí vị hiểu. Thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1726) sống giữa thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, nhằm thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước Việt Nam chia đôi ra

Đàng Trong Đàng Ngoài, lấy sông Linh Giang làm ranh giới. Từ năm 1600 thời vua Lê Kính Tông, ở ngoài Bắc có vua Lê chúa Trịnh, trong Nam có chúa Nguyễn.

Chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều nói là tôn thờ nhà Lê, nhưng hai chúa không bằng lòng nhau nên có chiến tranh liên tục. Nhưng đến khi vua Lê Hi Tông lên ngôi năm 1678 thì nội chiến bớt căng thẳng.

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, có 7 lần chiến tranh trong vòng 45 năm, lần thứ nhất năm Đinh Mão 1627 đến lần thứ bảy năm Nhâm Tí 1672, hai bên đánh nhau chết chóc rất nhiều nơi ranh giới sông Linh Giang, còn gọi là sông Gianh.

Thời nầy không còn quân Minh qua xâm chiếm, nhưng nội bộ đất nước chia đôi chém giết lẫn nhau, không có thống nhất. Vì thế mà lòng dân bất an, chán nản, không biết nương tựa vào đâu.

Lại nữa sau khi nhà Trần mất, đến nhà Hồ rồi quân Minh qua xâm lăng và đến nhà Lê. Nhà Lê khi ấy trọng Nho khinh Phật, không còn dùng Phật giáo để giúp đỡ về văn hóa trong triều chính, mà lấy Nho làm căn bản trong việc giữ nước trị dân. Thế nên Phật giáo trong đời Lê lui về thôn dã sống với dân quê. Với dân quê nói Thiền họ không hiểu, nói Tịnh độ dạy niệm Phật người dân dễ hiểu dễ tu hơn. Vì vậy qua đời Lê, Phật giáo nghiêng về Tịnh độ.

Phần thì nhà Lê trọng Nho khinh Phật, phần thì đất nước phân tranh, lòng dân ly tán, không còn ý chí tin tưởng vững chắc nơi mình nữa, hai điều nầy làm cho người dân không còn sức mạnh để nhận được lý thiền, do đó vừa nói Thiền vừa nói Tịnh cho nó hợp. Thế nên tinh thần Phật giáo đời vua Lê Hy Tông, tuy các vị lãnh đạo tu hành ngộ lý thiền như ngài Chân Nguyên, nhưng trong Thiền đã có Tịnh để gần với quần chúng dân quê... Vì vậy Thiền Tịnh thời nầy hòa quyện với nhau, nói Thiền rồi nói Tịnh chớ không có tách rời như thời Trần. Chúng ta phải thấy cho thật rõ ý nghĩa nầy.

Nói đến đây chắc nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao hiện nay chúng tôi không dạy Thiền Tịnh hòa quyện nhau, tức là Thiền Tịnh song tu? Chúng ta không bao giờ có quan niệm chống Tịnh độ vì Tịnh độ là một pháp tu trong nhà Phật, cũng như đoạn trước đã nói là Phật có cả trăm phương tiện để giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên chúng ta phải có cái nhìn cho thuận hợp với thời cơ. Nếu nói tu Tịnh độ thì chúng ta xét kỹ Tịnh độ là thế nào? Tu Tịnh Độ phải có hai phần: Sự Tịnh độ và lý Tịnh độ. Sự Tịnh độ là niệm danh hiệu Phật Di Đà cầu vãng sanh về Cực lạc. Còn lý Tịnh độ thì niệm Phật tức là niệm tâm, hễ tâm tịnh thì độ tịnh. Cho nên nói “tự tánh là Di Đà, duy tâm là tịnh độ”. Tự tánh là tánh giác, vì tự tánh là tánh mình mà tánh mình là tánh giác, cho nên nói là Phật Di Đà vô lượng quang. “Duy tâm là tịnh độ”, tâm tịnh thì độ tịnh. Tâm mình nếu dứt hết phiền não, sạch hết vọng tưởng thì tâm tịnh, đó là tịnh độ. Như vậy về “lý Tịnh độ” thì Thiền với Tịnh không hai, song về “sự Tịnh độ” thì có khác.

Sự Tịnh độ là niệm Phật cầu sanh về Cực lạc, đây là một vấn đề mà lâu nay chúng tôi hơi thắc mắc. Nếu nói về Cực lạc thì hiện giờ chúng ta có cái gì làm bằng chứng cõi Cực lạc chắc trăm phần trăm không? Cũng như là Mộc tinh Hỏa tinh đang được thám hiểm, sau nầy có thể dùng phi thuyền phóng tới Cực lạc được không? Không có gì làm chứng được. Chỉ nghe Kinh nói cách đây mười muôn ức cõi có cõi Cực lạc, nơi đó có đức Phật A Di Đà đang giáo hóa. Vì kinh nói nên chúng ta tin vậy thôi, chớ chưa có ai biết chắc cõi đó ở chỗ nào. Kinh nói cõi Cực lạc ở phương tây, mà phương tây là phương nào? Nếu nói đông tây nam bắc thì phương tây là phương mặt trời lặn. Nhưng trái đất quay tròn, không biết đứng chỗ nào mà chỉ phương tây. Mới nói đông lần lần nó qua tây, nói tây lần lần nó qua đông. Trái đất cứ lăn tròn mãi không dừng một chỗ, nên không cố định đây là đông, kia là tây! Như vậy đi phương nào để đến phương tây?

Lại nữa, nói rằng niệm Phật được về Cực lạc, có nhiều người đặt câu hỏi: 

Nếu ông bà mình niệm Phật được về Cực lạc hưởng sự sung sướng, ông bà vì thương con cháu tất nhiên phải báo tin cho hay để chúng nó lo được về bên ấy với ông bà. Nhưng tại sao bao nhiêu người ra đi từ trước đến nay mà không bao giờ có tin tức nhắn về cho con cháu? Không có chỗ nơi, không có tin tức mà nói có cõi ấy thì nghĩ làm sao? Đó là một vấn đề nan giải. Nếu chúng ta nói để mà tin thì dễ, nếu nói để chứng thực thì rất khó!

Thời nầy là thời đại văn minh, khi nói ra điều gì thì phải có bằng chứng, nếu không biết chứng cứ thì làm sao nói? Nói niệm Phật tâm tịnh thì độ tịnh, điều nầy dễ nói. Tâm mình không còn phiền não, không còn loạn tưởng, đó là tâm tịnh.

Tâm tịnh thì sanh chỗ nào cũng tịnh, ở ngay đây cũng tịnh. Giả sử trong những người xuất gia hay tại gia, người nào trong lòng không còn gợn một chút phiền não không còn gợn một chút lo âu, thì ở chỗ nào cũng không buồn, mà chỗ nào cũng tịnh cả. Còn nếu người nào trong lòng đầy phiền não lo âu thì ở chỗ nào cũng không vui, nếu có vui chỉ là vui gượng mà thôi. Như vậy rõ ràng là nếu tâm mình chưa tịnh thì ở đâu cũng không tịnh, nếu tâm mình tịnh rồi thì ở chỗ nào cũng tịnh.

Cũng như thế, những người được vui trong lòng thì họ thấy cái gì cũng muốn cười với họ, còn người có chuyện âu sầu thì họ thấy cái gì cũng muốn khóc với họ, đó là vì lòng mình chưa có tịnh. Cho nên ý nghĩa về lý Tịnh độ "tâm tịnh độ tịnh "thì rất dễ nói, rất gần với Thiền, còn về sự Tịnh độ thì thật khó nói, điều khó nói mà gượng nói thì không ổn.

Thế nên chúng tôi chủ trương tu thiền, vì khi ngồi thiền những tâm niệm xấu dở hiện ra, chúng ta biết mình còn xấu dở, chúng hiện ra nhiều thì biết mình còn xấu dở nhiều, chúng hiện ra ít thì biết chúng đã giảm. Như vậy chúng ta tự chứng nghiệm mình, biết từng bước tiến của mình trên đường tu. Đến một lúc nào tất cả niệm tham sân si đều dứt sạch, thấy ai mình cũng vui cười không có chút gì phiền hà, đó là đã tự tại, là giải thoát ngay cõi trần gian, khỏi về Cực lạc hay Thiên đường, mà ở ngay đây cũng được giải thoát. Đó là một lẽ thật, tu đi tới lẽ thật đó là cụ thể, chớ không phải tưởng tượng. Nếu còn tưởng tượng một nơi nào, làm sao gọi là chân lý được? Phật Pháp là chân lý, tưởng tượng không phải là chân lý.

Chúng ta nên nhớ rõ chân lý là trí tuệ thấy đúng như thật, xét đúng như thật. Còn tưởng tượng là ảo tưởng, tưởng tượng ra cảnh nầy cảnh kia, thì không phải là chân lý. Vì vậy mà chúng tôi chỉ truyền Thiền trong thời nầy mà không nói thêm Tịnh độ. Người tu Tịnh độ thích niệm Phật để về Cực lạc, mà cõi ấy có hay không chúng tôi không bảo đảm. Vì không bảo đảm mà dạy người làm thì lòng chúng tôi không an. Thế nên làm việc gì chúng tôi phải cẩn mật và dè dặt, cái gì bảo đảm, chúng tôi mới dám dạy, đó là lẽ thật vậy.

Mục lục
Phần : I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IX XI - XII

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 318
  • Khách viếng thăm: 317
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 14488
  • Tháng hiện tại: 672240
  • Tổng lượt truy cập: 60112257

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile