"Bí quyết của một đời sống thành công và hạnh phúc là luôn luôn làm những việc cần làm trong hiện tại, không thắc mắc tương lai, không hối tiếc quá khứ".
Khía cạnh thực tế của Đạo Phật
Nhiều người khi tìm hiểu Phật giáo đã đặt ra những câu hỏi xa vời như: Niết bàn là gì? Làm sao biết có kiếp sau? Vũ trụ do đâu mà hiện hữu? Con người từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? v.v. nhưng ít khi họ nghĩ đến những vấn đề thiết thực như: Đạo Phật có đáp ứng được những nguyện vọng của chúng ta trong hiện tại không? Đối với Đạo Phật có chủ trương xây dựng một xã hội lành mạnh hay không?
Thực tế hơn, câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra nhất là: Nhân loại đang căng thẳng bất an vì tranh giành ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quyền lợi v.v. Vậy Đạo Phật có giải pháp nào giúp con người thoát khỏi những lo âu sợ hãi ấy không?
Không phải vấn đề Niết-bàn hay kiếp sau... hoàn toàn không nên đặt ra để tìm hiểu, nhưng có những vấn đề thiết thực và cấp bách hơn cần được giải quyết ngay trong chính đời sống hằng ngày của chúng ta.
Một hôm có người đến nói với Đức Phật rằng ông ta không tin có kiếp sau. Đức Phật dạy rằng: "Nếu có kiếp sau thì người hành thiện chắc chắn sẽ được an lạc. Nếu không có kiếp sau thì ngừơi hành thiện vẫn được an lạc ngay trong kiếp hiện tại nầy".
Vì vậy trong một cuốn sách viết về Phật giáo, Đại sư Ānanda nhấn mạnh: "Bí quyết của một đời sống thành công và hạnh phúc là luôn luôn làm những việc cần làm trong hiện tại, không thắc mắc tương lai, không hối tiếc quá khứ".
Nguyện vọng của con người là làm sao để sống một đời sống hạnh phúc, mà bí quyết để tạo nên hạnh phúc phải được thực hiện ngay trong hiện tại.
Đức Phật dạy rằng hạnh phúc là vấn đề thiết thực hiện tại, không phải là những ước mơ đẹp đẽ cho tương lai, hay những kỷ niệm êm đềm trong quá khứ. Chính cách sống trong giây phút hiện tại quyết định phẩm chất hạnh phúc của mỗi người. Ngài dạy trong kinh Samyutta Nikāya rằng: "Không nên phiền muộn hối tiếc những gì đã qua, không nên tò mò tìm hiểu những gì chưa đến. Hãy sống trong hiện tại".
Nhiều lần Đức Phật từ chối trả lời những vấn đề về nguồn gốc vũ trụ và con người. Ngài dạy rằng, một người đi rừng bị trúng tên độc, từ chối không cho thầy thuốc nhổ tên để băng bó, cứu chữa, ông ta khư khư đòi trước tiên phải biết cho bằng được kẻ nào bắn tên, thân thế y ra sao, anh ta sinh trưởng ở đâu v.v. Nhưng đợi cho đến khi được trả lời thỏa mãn thì anh ta đã mất mạng từ lâu rồi, làm sao cứu chữa được.
Đó là chúng ta chưa nói, nếu Niết-bàn là tuyệt đối, siêu việt thì làm sao dùng những lời lẽ, những ngôn từ tương đối, thường tục để diễn đạt được. Nhiều vị luận sư đã viết về Niết bàn, Phật tánh, bản thể chân như, tánh không v.v. đã cho chúng ta thấy càng suy luận, bàn cãi vấn đề càng rắc rối hơn trong rừng ý niệm và ngôn ngữ ước định. Những bộ luận ấy có thể rất hay về lý nhưng chỉ để thỏa mãn kiến giải triết học chứ không giải quyết được những vấn đề thiết thực hiện tại. Có khi còn làm cho vấn đề lệch lạc, đưa đến những hiểu lầm tai hại.
Vì vậy chúng ta không nên đặt những vấn đề quá cao siêu, huyền bí mang tính triết học hay siêu hình, vượt khỏi trình độ hiểu biết của mình, hay vượt khỏi thực tế của đời sống, mà thực ra đó chỉ là những giả định của lý trí giàu tưởng tượng không thực.
Mục đích của đạo Phật không phải nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng của con người, mà chỉ nhằm "chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc" cho nhân loại. Và người muốn được chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc không thể chỉ cả tin, chấp nhận hay tìm hiểu suông giáo lý của Đức Phật mà phải tư duy chín chắn rồi thể nghiệm xem có đúng là con đường chuyển hóa thật sự đem lại giác ngộ giải thoát, an lạc hạnh phúc hay không?
Đức Phật dạy nguyên nhân của mọi đau khổ là vô minh và ái dục, hay nói một cách khác chính tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc của mọi tranh chấp, oan trái để rồi đem lại những lo âu, sầu muộn, bất mãn. Đó chính là những yếu tố làm cho đời sống thoái hóa và khổ đau.
Ngày nọ, có một vị tỷ kheo đang thực hành đời sống xuất gia phạm hạnh trong rừng bỗng tự thốt lên lời hoan hỉ rằng: "Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!" Vô ý nói lớn quá làm cho những người bạn cùng tu nghe được và đem thuật lại với Đức Phật. Đức Thế Tôn muốn nhân cơ hội này thuyết pháp cho các vị tỷ kheo, nên cho gọi vị ấy đến hỏi nguyên nhân. Vị ấy trả lời rằng: Quả thật con có thốt ra những lời như thế, vì trước kia con là một vị vua có giang sơn xã tắc, có cung điện nguy nga, ngọc ngà châu báu, cung phi mỹ nữ, binh hùng tướng mạnh... nhưng không ngày nào con cảm thấy yên tâm, con luôn sợ ngoại xâm, nội loạn, âm mưu thoán đoạt v.v. nên luôn phải đề phòng thù trong giặc ngoài, không bao giờ thật sự được yên bình thoải mái. Trái lại, từ khi xuất gia, tuy chỉ có ba mảnh y, một bình bát nhưng không có điều gì làm con phải lo âu sợ hãi, tâm con luôn được an vui tự tại, do vậy con đã thốt lên những lời cảm thán ấy. Nhân đó Đức Phật dạy các vị tỷ kheo rằng nếu các thầy sống đúng theo đời sống phạm hạnh, không chấp thủ điều gì, không bị dục vọng chi phối thì đời sống sẽ được an lạc hạnh phúc.
Kinh Sāmannaphala trong Dīgha Nikāya thuật lại rằng: Một hôm Đức Thế Tôn ngự tại Ràjàgaha, vua Ajātasattu đến hỏi Đức Phật về những lợi ích hiện tại của đời sống tu hành. Đức Phật dẫn chứng những quả báu thiết thực từ vật chất đến tinh thần và dạy rằng các vị sa-môn đã xuất gia chân chánh, nếu biết sống trong Giới, Định, Tuệ, diệt trừ tham, sân, si thì đời sống tự tại, giải thoát sẽ đến với họ ngay trong kiếp hiện tại chứ không cần tìm ở đâu xa.
Mặc dù mục đích tối hậu của đạo Phật là chứng ngộ Niết bàn, nhưng như chúng ta đã thấy mục đích thực tế nhất vẫn là "thoát khỏi khổ đau, đạt đến an lạc". Bởi vì nếu ngay bây giờ chúng ta được an vui tự tại thì kiếp sống vị lai dĩ nhiên cũng được an vui tự tại. Nếu hiện tại chúng ta được thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau thì đó chính là cứu cánh Niết bàn vậy.
Chúng ta đồng ý với một số người cho rằng, điều kiện của một đời sống hạnh phúc là có sức khỏe, có tiền tài và có địa vị trong xã hội. Nhưng đời sống hạnh phúc thực ra không hoàn toàn tùy thuộc vào những điều kiện vật chất như thế, đó có thể là điều kiện tốt chứ không phải là cần và đủ. Nếu một người khỏe mạnh mà sống tội lỗi thì chỉ làm hại mình hại người. Người giàu sang mà sống ích kỷ bỏn xẻn, tham lam vô độ, không biết tri túc... thì không chắc đã hạnh phúc hơn những người nghèo khó. Người có địa vị cao nhưng lại lạm dụng quyền hành thì chỉ rước thêm oan trái oán thù.
Như thế, tiền tài danh vọng chưa phải là yếu tố tiên quyết cho một đời sống hạnh phúc. Trái lại điều kiện đem lại an vui là có tinh thần lành mạnh. Và một tinh thần chỉ có thể gọi là lành mạnh khi không bị tham lam dục vọng, sân hận oán thù hay si mê lầm lỗi chi phối.
Trong kinh Dhammapada Đức Phật dạy:
Lành thay thân được trong sạch, Lành thay khẩu được trong sạch, Lành thay ý được trong sạch, Lành thay tất cả đều trong sạch
Qua lời dạy trên của Đức Phật chúng ta thấy bí quyết hạnh phúc là một đời sống trong lành, thanh tịnh nghĩa là không bị ô nhiễm bởi tham, sân, si trong mọi hành động, nói năng, và suy nghĩ . Cho nên Ngài dạy tiếp:
Hạnh phúc thay, ta sống không tham giữa cuộc đời đầy tham ái! Hạnh phúc thay, ta sống không sân giữa cuộc đời đầy sân hận! Hạnh phúc thay, ta sống không mê giữa cuộc đời đầy mê muội!
Đức Khổng Tử cũng dạy trong Tứ Thư rằng mọi người phải biết: "Tu kỳ thân, chánh kỳ tâm, thành kỳ ý" thì mới mong gia đình êm ấm, đất nước thịnh trị và thiên hạ thái bình.
Tác giả bài viết: Phong Đông
tìm hiểu, phật giáo, câu hỏi, niết bàn, làm sao, vũ trụ, vấn đề, thiết thực, nguyện vọng, hiện tại, chủ trương, xây dựng, xã hội, lành mạnh, nhất là, nhân loại, căng thẳng, tranh giành, ảnh hưởng, kinh tế, quyền lợi
Ý kiến bạn đọc