“Giữa sát na sinh diệt Giữa vạn biến sóng đời Huynh đệ ơi gặp lại Uống say mèm nhân duyên”
Tình Bạn Nơi Phổ Môn
“Giữa sát na sinh diệt Giữa vạn biến sóng đời Huynh đệ ơi gặp lại Uống say mèm nhân duyên” Tây Phương được Phật giới thiệu là một cõi nước rất thanh tịnh, tráng lệ và an ninh. Nơi ấy có những thiện hữu tri thức, có những người thương quây quần lại bên nhau do duyên lành vì có cùng lòng khao khát một quốc độ đủ bình an xa cách mọi uế trược mà chuyên chú tu tập.
Những vị ấy chia sẽ với nhau niềm tin và khát vọng, những thiện nhân ấy tôn vinh, ôm ấp, giúp đỡ và xách tấn nhau trên con đường dẫn đến giác ngộ. Nhưng có lẽ, không cần phải đến cõi Tây Phương, những thiện hữu tri thức có duyên với nhau vì một lý tưởng, một đức tin đều có thể quy tụ lại và thiết lập sự bình an cho nhau. Đó là nhờ phép màu của vị bồ tát có tên là Anh Em Bằng Hữu. Khả năng nắm lấy tay nhau và nói với nhau rằng: tôi mang lại bình an cho anh, tôi mang lại an vui cho em, tôi lấy an lạc trong hơi thở chia sẻ với huynh đệ là điều hoàn toàn có thể.
Chúng ta có thể thử nắm lấy tay huynh đệ mình, ngồi lại thành một vòng tròn và cùng nhau chính niệm, hay quán hơi ấm giữa những bàn tay đan vào nhau, chúng ta sẽ cảm nhận được năng lượng lành rất lớn ngay trong hiện tại. Giống như những con chim nhỏ biết tụ lại thành đàn để bay về phương xa tránh rét. Giữa đời ô trược, bị bao phiền não kéo lê, nhờ sự sách tấn của người thương mà ta còn duy trì được những bước chân sen nở. Và hơn thế nữa, một người bạn lành có thể hiểu được những tâm tư nguyện vọng của ta và chỉ có người bạn lành ấy mới nhận ra được những giá trị chân thật của ta mà thôi. Và tình bạn giữa hai vị Bồ tát Lắng Nghe và Vô Tận Ý được xây dựng trên những cơ sở ấy. Trong chúng hội Pháp hoa, Ngài Vô Tận Ý vì hiểu những hạnh nguyện cao đẹp của bạn mình và lợi ích từ nguyện lực ấy cho muôn vạn chúng sanh nên Ngài đã thưa hỏi với Phật: “Thưa Phật, tại sao người Phật Tử ấy duyên gì mà hiệu là Quán Thế Âm?”. Thực sự ngài Vô Tận Ý đã hoàn toàn hiểu hết về công hạnh của bạn mình, bởi vì chính bản thân Ngài cũng có hạnh nguyện là mang lại an lạc và hạnh phúc cho chúng sanh. Bởi vì thế gian này có 4 thứ vô tận đó là hư không, chúng sanh, phiền não và nghiệp báo, nhờ quán chiếu thâm sâu về điều đó, Ngài phát ra vô số những ý tưởng, hạnh nguyện để xây dựng và kiến thiết lại Ta Bà.
Chư Bồ tát đều mang nghiệp là chúng sanh, đều chia sẻ nghiệp ấy với nhau cho nên ta có thể chắc chắn rằng, họ là những huynh đệ rất tốt rất lành và rất yêu thương tương kính nhau. Nhưng đôi khi, đó cũng là một chướng ngại vì giống như khi tình cảm đã đến mức sâu sắc quá thì nó trở thành vô ngôn. Nếu lần nào đó, chúng ta đến chùa, chỉ để ngắm Phật thôi mà không cầu xin gì cả, chỉ mỉm cười và tự nói khẽ: Phật ơi Ngài bình an quá. Người khác nghe được, hỏi lý do. Chắc ta sẽ ấp úng vì nó đến từ rất sâu trong tim mà nơi đó thì vươt qua hết những giới hạn của ngôn từ. Ngài Vô Tận Ý hiểu điều đó, nhưng vì chúng sanh, Ngài bèn nhờ Phật. Trong những danh từ để xưng tán Phật có một từ rất hay đó là “Thế gian giải”, tức Phật có thể giảng giải hết tất cả pháp thế gian này và đem hết tất cả những điều bất khả thuyết mà gói gọn lại trong ngôn ngữ. Điểm này, giống như Ngài Duy Ma Cật đã từng đem cõi nước Diệu Hỷ đặt ở cõi Ta Bà, để hiện rằng Phật pháp bất ly thế gian giải, tức là dù vi diệu đến đâu thì đối với trí tuệ của bậc Đại Giác cũng có thể ví dụ từ những hiện tượng cụ thể và bình dị của cõi thế gian này.
Ta hay đi lang thang giữa hành tinh này để tìm tri kỷ và sự thiếu thốn bạn lành cũng có thể làm cho con đường về nội tại trở nên xa ngai ngái. Tuy nhiên, khi ta có niềm tin vào tình bạn giữa Bồ tát nơi đầu phẩm Phổ Môn này, ta sẽ thấy rất ấm áp. Bởi vì chỉ cần nguyện lực và từ lực của ta đủ rộng thì sợ gì không gặp được bạn hiền? Bởi vì chỉ cần thân tâm ta đủ an tịnh thì ta sẽ dễ dàng nhận thấy được người thương giữa muôn vạn triệu tha nhân.
Ta cũng có thể học ở hai vị Bồ tát, cách chọn ra lý tưởng trong cuộc sống. Lý tưởng phải mạnh, phải cao đẹp và chân thành thì mới có thể mời gọi được những thiện hữu tri thức về an trú. Giống như Phật Di Đà, phải phát nên những đại nguyện vô cùng to lớn thì mới đủ sức làm nơi nương tựa cho vô lượng Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác và muôn vạn chúng sanh. Ngày nay, chúng ta có xu hướng bình thường hóa lý tưởng của bản thân và rồi lý tưởng ấy trở thành cá nhân, vị kỷ vì chỉ quanh quẩn bên những vật chất tự lợi. Tuy là vậy, nó cũng gọi được một số người quay quần bên ta. Nhưng tất cả đều lo cho chính mình thì ai sẽ lo xây dựng tình bạn đây?
Ở một phương diện khác, Bồ tát Lắng Nghe tượng trưng cho tư tưởng đạo Phật xuất thế, tức là người tu phải thực hành Bồ Đề Tâm Hạnh để lợi lạc cho hữu tình. Còn Bồ tát Vô Tận Ý lại là Bồ Đề Tâm Nguyện, nên đoạn thưa hỏi này, có thể được xem như một sự phát triển và chuyển hóa của đạo Phật từ giai đoạn tâm tha thiết muốn cứu độ và hành động thiết thực, cụ thể để thực hiện việc cứu độ ấy.
Tác giả bài viết: Nguyễn Huệ
Nguồn tin: sưu tầm
sinh diệt, huynh đệ, nhân duyên, tây phương, giới thiệu, thanh tịnh, tráng lệ, an ninh, tri thức, quây quần, khao khát, bình an, xa cách, niềm tin, khát vọng, thiện nhân, ôm ấp, giúp đỡ, giác ngộ, có lẽ, lý tưởng
Ý kiến bạn đọc