Thực nghĩa sự hy sinh của Bồ-tát Thích Quảng Đức
I
Đạo Phật là đạo của từ bi, hòa bình nhưng lịch sử của đạo Phật lại trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thịnh suy… Hồi giáo từng xâm hại, tưởng như đạo Phật không còn… Dù thế nào, biện pháp đấu tranh chính vẫn là hình thức bất bạo động. Dường như lịch sử Phật giáo thế giới lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, lễ Phật đản năm 1963. Do bất khả kháng, chẳng đặng đừng, biện pháp bất bạo động bỗng phát sinh ra một việc mới, đó là dùng cái chết của mình để thức tỉnh lòng người.
Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu hóa thành ngọn đuốc soi sáng thế giới vô minh với tâm nguyện, lương tâm nhân loại, lương tâm những lãnh đạo lúc đó đang đi lạc nhờ ngọn đuốc kia soi sáng quay đường trở về. Cả thế giới chấn động bàng hoàng, sau Bồ-tát còn có thêm bảy ngọn lửa nữa tiếp nối, vô úy tự đốt thân mình cầu nguyện đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình. Đó là ĐĐ.Thích Quảng Hương, ĐĐ.Thích Thiện Mỹ - Sài Gòn. ĐĐ.Thích Thanh Tuệ ở Huế, ĐĐ.Thích Nguyên Hương ở Phan Thiết, Sư cô Diệu Quang ở Ninh Hòa, TT.Thích Tiêu Diêu ở Huế, cư sĩ Hồng Thể Nguyễn Thìn - Sài Gòn.
Với năng lượng tâm linh kết tinh tâm Đại từ, Đại bi, Đại dũng, ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức trở thành dấu ấn không phai mờ trong lòng người. Như vậy chúng ta có một vị Bồ-tát và bảy vị Tôn giả cần tưởng niệm trong buổi lễ Kỷ niệm 50 năm Bồ-tát vị pháp thiêu thân này.
II
Báo chí nước ngoài và báo chí trong nước xem việc Bồ-tát Thích Quảng Đức và các vị Tôn giả tự thiêu là hành vi tử vì đạo. Đã đành điều đó là như vậy nhưng nó đúng không, thật nghĩa không. Nếu đem đối chiếu ý nghĩa tử đạo của các tôn giáo khác, chúng ta thấy một sự khác biệt rất rõ ràng. Đạo Phật không chủ trương tín đồ lấy cái chết của mình để vinh danh cho một ai đó, hay để đổi lấy sự bất tử.
Đạo Phật tôn trọng mạng sống muôn loài, con người cũng như con vật. Một trong những giới căn bản của người Phật tử là cấm sát sinh. Việc tự sát hủy hoại thân thể - tự sát cũng đồng nghĩa với phạm trọng tội sát sinh.
III
Được làm người là một việc khó, hành vi tự sát là bỏ mất cơ hội, ngăn trở bước tiến hóa hướng thượng. Phật cấm là vậy. Tuy nhiên, có trường hợp - nếu vị Tỳ-kheo lấy công phu thiền hạnh tinh tấn, hiểu rõ nhiếp phục tham, sân, si, biết rõ sau khi xả bỏ thân này không tiếp tục sinh thân khác thì không phạm lỗi. Theo kinh điển, trong thời Đức Phật chỉ có ba trường hợp duy nhất. Đó là những trường hợp của Tỳ-kheo Channa, Tỳ-kheo Vak Kali, và Tỳ-kheo Godhika.
Trường hợp của ba vị này là do thân bệnh đau đớn, khổ sở nên muốn dùng dao để tự sát. Có lẽ đây là lần đầu tiên Đức Phật bị rơi vào trường hợp bất ngờ nên mới sai Tôn giả Xá Lợi Phất đến thăm hỏi và tra xét Phật pháp. Mặc dù thân bệnh đau đớn, các vị Tỳ-kheo vẫn trả lời thông suốt những câu hỏi về căn trần thức biến dịch, vô thường, câu hỏi về luân hồi sinh tử. Sau khi các vị qua đời, Đức Phật nghe Tôn giả Xá Lợi Phất kể lại mới đưa ra lời dạy. Nếu có người chưa rõ nhân quả mà vội bỏ thân này để rồi tiếp tục thân khác, người đó có lỗi lớn. Nếu có người nào hiểu về nhân quả bỏ thân này rồi không tiếp tục thân khác, ta không nói người đó có lỗi lớn.
Như vậy, nếu đối chiếu việc “tử vì đạo” trong đạo Phật và các tôn giáo khác, ta thấy rất rõ mục đích động cơ không giống nhau.
Ta nhớ lại Đức Phật trong nhiều tiền kiếp. Phật đã nhiều lần xả thân cúng dường, hy sinh mạng sống để cứu độ chúng sinh. Thí dụ như có một lần, Đức Phật trong kiếp làm thái tử của một nước. Thái tử đi vào rừng thấy con cọp mẹ sắp chết mà bầy cọp con đang thiếu thức ăn. Thái tử động lòng từ tâm nghĩ “tâm từ phải rải đến tất cả chúng sanh. Chẳng lẽ ta đứng nhìn bầy cọp sắp chết. Ta phải hy sinh tấm thân này để cứu chúng, mong rằng ta sẽ bước lần tới mức giác ngộ hoàn toàn, hầu cứu độ chúng sanh ra khỏi luân hồi. Ước mong tất cả chúng sanh đều an vui hạnh phúc”.
Sẽ có người cho câu chuyện Đức Phật trong tiền kiếp hy sinh tấm thân cho lũ cọp sắp chết ăn cần được hiểu theo kiểu được ý phải quên lời. Đó là những câu chuyện bất khả tư nghị, nếu nối kết nó với hình ảnh Bồ-tát Quảng Đức an nhiên thiền định trong lửa hồng. Những ai chứng kiến hình ảnh này đều phải rúng động tâm can không tin vào đôi mắt của mình. Đấy là hình ảnh của một vị Bồ-tát mang tâm từ bi lớn lao, vì muốn phá vô minh của người mà quên mạng sống của mình. Tâm Đại từ đưa tới Đại dũng, Đại trí, ngọn lửa từ bi của Bồ-tát thật là vô tiền khoáng hậu. Đại từ, Đại dũng của Bồ-tát có được từ đâu. Thì ra đạo Phật không nói đến việc tử đạo. Nhưng trong mười pháp Ba-la-mật có pháp bố thí Ba-la-mật, tức là sẵn sàng hy sinh mạng sống cho chúng sinh. Hy sinh mạng sống hay hy sinh một phần thân thể để làm thực phẩm hoặc làm gì đó để cứu chúng sinh là hình thức bố thí vĩ đại, cao quý nhất.
Trở lại với bầu không khí miền Nam 1963. Phật giáo gặp anh em Ngô Đình Diệm cũng như gặp phải nghiệp chướng cộng tất cả các nghiệp mới thấy miền Nam sống trong cộng nghiệp nặng nề, làm sao giải nó ra đây, trừ ai đó, trừ phép lạ nhiệm mầu. Miền Nam lúc đó giống như con cọp mẹ sắp chết ,bầy cọp con sắp chết đói theo, tình cờ gặp được tiền thân của Đức Phật hy sinh mạng sống cho. Trường hợp lửa từ bi của Bồ-tát cũng vậy thôi, hy sinh mạng sống thắp ngọn đuốc lên để phá vô minh, đánh thức lương tâm mọi người để giải oan nghiệp.
Như vậy, Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu không phải là hành vi “tử vì đạo”, bởi Ngài vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh, muốn Phật tử Việt Nam được bình đẳng, tự do, cũng như muốn những người lãnh đạo thức tỉnh. Ngài không một niềm sân hận hay oán trách mà với lòng từ ái viết sẵn tâm thư trước để lại với lời lẽ hết sức từ bi: “Tôi xin trân trọng kính gởi lời đến Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng từ bi bác ái mà đối với quốc dân”.
Như thế, việc vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức và các vị Tôn giả là sự hy sinh ý nghĩa vô cùng lớn lao, cao thượng, bất khả tư nghì.
Mã an toàn:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa) Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta) Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...
Ý kiến bạn đọc