Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Giảng cho sinh viên Boston

Đăng lúc: Thứ tư - 18/12/2013 20:30 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Đối với cuộc đời, người Phật tử hiểu đạo sẽ không sống trái với đời, mà luôn luôn sống hòa nhịp. Người đời không hiểu đạo, họ chỉ nghĩ tới lợi danh tài sắc, làm sao thỏa mãn những gì họ mong muốn. Còn Phật tử cũng có lợi danh tài sắc nhưng hạn chế, vừa phải chớ không đi quá đà.
Giảng cho sinh viên Boston

Giảng cho sinh viên Boston

Giảng tại Thiền tự Bồ-đề, Boston, Hoa Kỳ - 2002
Hỏi: Bạch Thầy, đạo và đời phải đi đôi với nhau. Con nghĩ trong thế giới hiện đại này nếu chúng ta chỉ tu thôi mà không hành đạo trong đời thì sự tu tập ấy chưa đầy đủ. Vậy Thầy có thể cho chúng con biết làm thế nào người cư sĩ đi vào đời mà không nhiễm bụi trần và hành đạo được?

Đáp: Cư sĩ mà không nhiễm bụi trần hơi khó. Mấy thầy đây mà muốn không nhiễm còn khó, huống chi quí vị. Bởi vì tuổi trẻ mọi suy nghĩ còn bồng bột, đi trong bụi trần không dính nhiều cũng dính ít, chớ không thế nào không dính được. Muốn không dính thì phải cạo tóc như quí thầy mới khả dĩ.

Nhưng đối với cuộc đời, người Phật tử hiểu đạo sẽ không sống trái với đời, mà luôn luôn sống hòa nhịp. Người đời không hiểu đạo, họ chỉ nghĩ tới lợi danh tài sắc, làm sao thỏa mãn những gì họ mong muốn. Còn Phật tử cũng có lợi danh tài sắc nhưng hạn chế, vừa phải chớ không đi quá đà. Như vậy Phật tử cũng có nhiễm nhưng nhiễm ít ít thôi. Cuộc sống giữa người Phật tử và người thế gian khác ở chỗ, một bên sa đà trong nhiễm ô, một bên có giới hạn, có chừng mực. Như vậy sống đời là cuộc sống bình thường của thế nhân, còn Phật tử biết chút ít đạo nên sống trong chỗ hạn chế, không sa đà như người đời. Đó là khá rồi.

Hỏi: Bạch Thầy, sống như vậy có khác gì thuyết Trung dung của đạo Nho và đạo Lão không?

Đáp: Thật ra thì khác hẳn. Vì đạo Nho nhìn khác, đạo Phật nhìn khác. Thời đức Khổng Tử là thời phong kiến, trên lãnh đạo nói ra điều gì ở dưới phải tuân theo, thêm nữa là nam nữ cách biệt. Còn đạo Phật lúc nào cũng công bằng, trên dưới nam nữ đều bình đẳng trong sự giác ngộ và giải thoát.

Nói tới đạo Phật chúng ta phải truy nguyên từ nhân ban đầu. Tại sao đức Phật đi tu? Đây là vấn đề chánh yếu, để từ đó chúng ta thấy rõ đức Phật tìm hiểu, giải quyết và thành tựu đạo quả Bồ-đề như thế nào. Lúc dạo bốn cửa thành Ngài thấy cảnh người già, người bệnh, người chết. Thấy thế rồi, Ngài nảy sanh ra ba câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất, con người từ đâu đến? Câu hỏi thứ hai, sau khi chết còn hay hết? Câu hỏi thứ ba, nếu muốn không còn tiếp tục sanh tử phải làm sao? Đó là những vấn đề then chốt khi đức Phật dạo bốn cửa thành, đã đặt ra như vậy. Ngài thao thức bất an, không thể nào ở trong cung điện thụ hưởng khoái lạc được, nên mới trốn đi tu.

Như vậy mục tiêu Ngài đi tu là để giải quyết vấn đề con người. Chúng ta từ đâu tới đây, chết rồi còn hay mất, nếu còn thì đi đâu, làm sao dừng được sự sanh tử liên tục đó. Trên đường tìm đạo gặp mấy tiên nhân, Ngài tu theo họ, chứng được Tứ thiền rồi Tứ không, nhưng chẳng giải quyết được vấn đề then chốt Ngài thắc mắc. Cuối cùng Ngài đến tọa thiền dưới cội bồ-đề, thệ nguyện nếu không thành đạo thì xương tan thịt nát cũng không rời chỗ này. Với ý chí cương quyết, tới đêm thứ bốn mươi chín, tâm Ngài hoàn toàn phẳng lặng, bỗng dưng sáng lên, thấy rõ từ vô số đời trước của mình cho tới hiện đời, tức chứng được Túc mạng minh. Túc là đời trước, mạng là sanh mạng. Túc mạng minh là thấy rõ ràng sanh mạng đời trước.

Do thấy rõ vô số đời trước, nên Ngài tuyên bố con người không phải bỗng dưng có mặt ở đây, cũng không phải mới tới lần đầu, mà đã tiếp nối từ vô số đời rồi. Ngài nói: “Ta nhớ những chuyện trải qua trong vô số kiếp như chuyện mới hôm qua.” Vì vậy sau này những bài giảng của Ngài nói về đời trước của mình kết tập lại thành kinh Bản Sanh, của các đệ tử thành kinh Bản Sự. Như vậy câu hỏi thứ nhất được giải quyết. Ngài biết rõ đã vô số đời từng ở đâu, làm gì, cha mẹ là ai, tên gì, có gia đình ra sao… Ngài nhớ hết. Vậy mới biết rằng chúng sanh không phải chỉ mới có mặt lần này.

Tới canh ba Ngài sáng lên một vấn đề nữa, chứng được Thiên nhãn minh, tức con mắt nhìn được những nơi thật xa thật nhỏ. Do đó Ngài tuyên bố con người chết rồi không phải là hết, mà theo nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Trong kinh kể khi Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy chúng sanh luân hồi lục đạo như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua, người lại rõ ràng. Đó là điều chúng ta ngày nay cũng chưa dám tin, nhưng sự thật tin được. Bởi vì Ngài nhìn thấy nghiệp dẫn chúng sanh đi, con mắt đó khác hơn con mắt phàm tục của chúng ta nên gọi là Thiên nhãn.

Đức Phật nhìn ra bầu trời thấy vô số thiên thể, bây giờ khoa học mới lần theo nhưng vẫn chưa thấy được hết. Phật nói số thiên thể hiện có trong hư không này không thể nào đếm hết được, nhiều vô số nên trong kinh thường dùng từ hằng hà sa số thế giới, tức thế giới nhiều như cát sông Hằng ở Ấn Độ. Ngày nay các nhà Thiên văn học cũng tìm ra phần nào thôi, chớ không nhiều. Nên biết cái thấy của Phật là cái thấy thật, không phải Ngài suy lý hay nhờ phương tiện bên ngoài, do chứng được Thiên nhãn minh mà thấy. Đó là nhìn xa.

Nhìn gần Ngài thấy trong một bát nước có vô số vi trùng. Cho nên hồi xưa những đệ tử của Phật đi khất thực, đi giáo hóa, dọc đường không có nước lọc để uống. Nếu uống nước dưới hồ dưới giếng, Ngài bảo phải đọc câu kệ: Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng. Đức Phật nhìn trong bát nước thấy có tám muôn bốn ngàn vi trùng. Những lời Phật nói ngày xưa cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, lúc đó có ai biết không? Không ai biết được, đâu có phương tiện gì để biết. Bây giờ các nhà khoa học nhờ kính hiển vi thấy được vi trùng, sau Phật cả hai mươi ba, hai mươi bốn thế kỷ. Như vậy cái thấy của đức Phật vượt quá cái thấy của người phàm tục. Khi Phật thấy chúng sanh theo nghiệp đi chỗ này chỗ khác rồi, Ngài mới nói lý luân hồi. Chết không phải là hết mà theo nghiệp thọ sanh trong sáu đường. Rõ ràng cái thấy biết của Phật không qua phương tiện khoa học, mà là tự tâm thấy biết, không nhờ phương tiện bên ngoài.

Từ canh ba tới canh năm lúc sao Mai vừa mọc, Ngài chứng được Lậu tận minh. Lậu là rơi rớt, tận là sạch. Lậu tận minh là biết phương pháp tu dứt sạch sự rơi rớt trong Tam giới và biết con người tạo những nghiệp gì để nối tiếp sanh tử trong ba cõi. Sau đó Phật giảng bài pháp đầu tiên, đó là pháp Tứ đế nói thẳng nếu chúng sanh cứ chạy theo nhân trầm luân sanh tử thì phải chịu quả khổ. Nhân trầm luân sanh tử là gì? Là Tập đế. Tập đế là nhân, Khổ đế là quả. Ai tạo nhân khổ nào thì phải chịu quả khổ nấy. Nhân đó là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Đức Phật nhìn từ nhân mà thấy được quả rõ ràng. Dứt được sanh tử khổ là Diệt đế. Nói rõ hơn Diệt đế là tiêu diệt nhân sanh tử khổ được quả vô sanh vĩnh viễn an vui. Muốn tiêu diệt nhân khổ phải có phương pháp, phương pháp đó là Đạo đế. Có phương pháp cụ thể mới tiêu diệt được mầm sanh tử.

Đức Phật do định tâm thấy rõ nhân quả khổ sanh tử trong ba cõi và con đường chấm dứt nhân quả khổ ấy. Ngài thấy mà nói, chớ không học hỏi của ai. Những gì Ngài thấy Ngài nói, ngày nay chúng ta nhờ khoa học mà tin được, có những điều chưa ai phát minh tới. Ví dụ chuyện luân hồi khoa học bó tay, chuyện dứt mầm sanh tử khoa học cũng bó tay, không tìm được, không thấy được. Những gì Phật thấy, Phật biết khoa học ngày nay còn cách quá xa, không theo kịp. Như cùng cha mẹ, cùng gen mà năm bảy anh em không ai giống ai từ thể xác cho đến tâm hồn. Nếu không phải là nghiệp mang từ quá khứ lại thì làm sao giải thích nổi điều này.

Gần đây chúng ta nghe xuất hiện những vị thần đồng, năm bảy tuổi đã thạo về âm nhạc hoặc toán số v.v… Mỗi người có một điểm đặc biệt, đó là nhân từ quá khứ còn lại. Cho nên khi ra đời chúng ta đã đem theo nhân quá khứ, nhân đó lần lần lớn mạnh lên, khi đủ duyên nó phát ra trong ý nghĩ và hành động của mình. Như đi học tại trường thì mỗi sinh viên hay học sinh đều học qua những lớp giống nhau. Tới khi bắt đầu vào Đại học mỗi người thích mỗi khoa, mỗi ngành khác nhau, không phải ai cũng thích cùng một môn. Như vậy mới thấy sở trường của mỗi người từ quá khứ còn tồn đọng lại, chớ chưa phải hết. Bởi nó tồn đọng nên đời này chúng ta vẫn tiếp tục. Cho nên thuyết luân hồi nói chết rồi không phải hết mà sẽ đi nơi này, nơi nọ tùy theo nghiệp duyên của mỗi chúng sanh.

Nói nghiệp duyên, nhưng nghiệp là gì? Nghiệp theo tiếng Phạn là Karma, Trung Hoa dịch là nghiệp, nghĩa là thói quen. Ví dụ những vị từng làm thầy giáo, từng làm thầy thuốc, từng buôn bán… thì gọi là bạn đồng nghiệp. Đồng nghiệp là cùng một việc làm mà việc làm đó lặp đi lặp lại mỗi ngày thành thói quen. Vậy nghiệp do ai tạo cho chúng ta? - Ta tự tạo. Như mấy cháu nhỏ, mười tuổi trở xuống có cháu nào ghiền thuốc đâu, lớn lên học theo chúng bạn, tập hút thuốc từ từ mới thành ghiền. Rượu cũng vậy, có ai chừng năm mười tuổi ghiền rượu không? - Không. Rượu có ngon không? Người chưa từng uống thì rượu vừa chát, vừa cay đâu có ngon lành gì, nhưng tập riết thành quen. Ban đầu ta làm chủ tập, nhưng khi thành thói quen rồi thì thói quen đó làm chủ lại mình. Tới bữa cơm phải có một ly rượu, quen rồi nên hôm nào không có ly rượu thì ăn không được, bắt con cái chạy mua rượu đem về mới chịu ăn. Như vậy mình chỉ huy thói quen hay nó chỉ huy mình? Rõ ràng nó chỉ huy mình.

Qua đó chúng ta thấy rằng tất cả những thói quen, ban đầu do mình tạo ra về sau nó có sức mạnh dẫn mình đi. Người nào tập thói quen tốt thì đi chỗ tốt, thói quen xấu thì đi chỗ xấu. Ví dụ chiều nào Phật tử cũng tới chùa tụng kinh, hôm nào không tới thì buồn. Còn người chiều nào cũng đi coi hát, bữa nào không đi cũng buồn. Đó là thói quen, thói quen thì thành nghiệp. Nghiệp là vậy, chớ không phải ai đặt để cho chúng ta, tự mình tạo rồi tự mình lãnh, ta hoàn toàn có đủ thẩm quyền trong việc tạo nghiệp.

Đạo Phật không nói số mệnh mà nói nghiệp. Trước kia ta tạo nghiệp thế nào thì đời này tới chỗ thế ấy. Đạo Phật tôn trọng tự do của con người, con người có quyền tạo nghiệp tốt, cũng có quyền tạo nghiệp xấu, không lệ thuộc vào số mệnh cũng không lệ thuộc vào một đấng thần linh nào. Phật tử gặp tai nạn cứ kêu “trời ơi, khổ quá, trời hại tôi”. Trời hại hay mình hại? Người sanh ra gặp hoàn cảnh tốt, nói trời ban cho tôi hoàn cảnh tốt, người sanh ra gặp hoàn cảnh xấu nói trời đặt để cho tôi v.v… Tin trời, tin mệnh, tin số mà không tin mình, tự đặt mình ở thế bị động. Trời, mệnh ở thế chủ động mà hỏi trời đâu không biết, mệnh từ đâu mà ra cũng không biết.

Con người có bệnh hay đổ thừa. Đi chơi ghiền rượu, ghiền thuốc nói tại trời khiến tôi hư hỏng như thế, chớ không dám nhận trách nhiệm thuộc về mình. Đã không nhận trách nhiệm thì đâu có chịu sửa. Người hiểu đạo Phật biết rõ tất cả những gì tốt hoặc xấu đều do mình gây tạo trước kia và hiện nay. Như vậy nhìn kỹ chúng ta thấy đạo Phật chỉ thẳng lẽ thật nơi con người. Khổ vui gốc từ mình chớ không phải từ đâu đến. Đã từ mình thì không kêu trời trách đất, không đổ thừa cái này cái nọ. Cho nên người hiểu đạo Phật là người can đảm, mình làm mình chịu, khổ tới chấp nhận vì biết chuyện này gốc từ mình ra. Có can đảm như vậy mới vươn lên được.

Ví dụ người sanh ra đời tật nguyền thì trách ai? Trách trời đất hay trách cha mẹ? Thật ra do mình thiếu phước mới chịu thân không tốt, chớ có cha mẹ nào muốn sanh con xấu đâu. Cha mẹ ai cũng muốn con đẹp, con toàn vẹn, khi sanh ra con xấu cha mẹ cũng đau buồn lắm chứ! Còn nếu nói trời khiến thì không biết trời ở đâu, chuyện ấy không có bằng cứ rõ ràng. Cho nên Phật dạy đời trước chúng ta tạo những nghiệp nhân không hay nên bây giờ phải chịu quả tật nguyền. Hiểu vậy rồi người ấy vui chịu, không than thở, không trách cứ ai hết. Đó là sức mạnh của người tu Phật. Nên người hiểu đạo Phật không yếu đuối, can đảm nhận trách nhiệm hết, không chạy trốn, không đổ thừa. Ở thế gian người ta cứ đổ thừa tại cái này, tại cái nọ. Việc gì hư là tại ai kia, chớ không phải mình dở, mình làm hư. Cứ “tại” không hà, cho nên suốt đời không sửa mình, không vươn lên được.

Chúng ta tu theo đạo Phật cũng không tiêu cực, vì thấy rõ mình có quyền quyết định mọi trường hợp. Đạo Phật rất tích cực hoạt động, chớ không tiêu cực lơ mơ qua ngày. Phật tử phải ráng tu, ráng sống cho tốt, mặc dù biết các pháp duyên hợp không thật, nhưng theo luật nhân quả nên không ai dám nghĩ bậy, làm bậy. Đức Phật cũng không dạy chúng ta cầu xin. Phật tử bây giờ thường hay cầu xin, đó là điều sai lầm khiến cho những người bàng quan nhìn qua, tưởng đạo Phật dạy người ta yếu đuối. Chúng ta tụng kinh cầu nguyện là nguyện cho mọi người phát tâm Bồ-đề, nguyện cho tất cả chúng sanh được bình an, hưởng thái bình v.v… chớ không nguyện cho con làm ăn khá, buôn bán lời nhiều. Phật tử chưa hay làm cho người ta đánh giá đạo Phật không hay. Chúng ta tu lơ mơ, trái với lẽ thật nên người không hiểu đánh giá đạo Phật yếm thế bi quan. Đó là lỗi tại chúng ta tu không đúng lời Phật dạy.

Lại nữa, Phật nói gốc của đau khổ từ tham, sân, si mà ra. Bây giờ muốn hết đau khổ phải làm sao? Phải tiêu diệt nó. Nhưng khổ nỗi có ai chịu tiêu diệt nó đâu, cứ nuôi hoài, vì vậy mới đau khổ tiếp nối. Nếu tiêu diệt được tham, sân, si thì ta thành Thánh chưa? Thánh rồi. Như vậy cuộc đời cao siêu, đáng quí trọng không phải ai làm cho mình mà ta phải tự tu tập. Ai làm cho mình hết tham lam, hết nóng giận, hết si mê? Không ai chen vô được hết, chính mình là chủ nhân tạo ra nó thì cũng chính mình là chủ nhân tiêu diệt nó. Chúng ta tu là giành quyền quyết định cả một cuộc đời, quyết định sự tiến lên cho mình.

Hiện tại, ai cũng có tham, sân, si. Ba thứ này tốt hay xấu? - Xấu. Vậy mà nhiều người khi tức lên nói “cái này đáng giận lắm”. Đáng giận là tại cái đó đáng giận hay tại mình làm chủ không được nên giận. Rõ ràng do mình thiếu sức làm chủ nên tức giận, thế mà ta còn biện hộ để che chở tật xấu của mình nữa. Sự thật không có gì bên ngoài tạo cho mình thói xấu, mà gốc ở mình. Có nhiều Phật tử lại nghĩ không la không hét, thiên hạ nói mình thua hoặc ngu. Cho nên phải la hét để tỏ ra mình khôn ngoan, mạnh mẽ chớ không phải yếu đuối. Như vậy hay không? Tôi nhắc lại câu chuyện ngày xưa của đức Phật để quí vị thấy rõ về việc này.

Ngày xưa đức Phật đi khất thực trong vùng đạo Bà-la-môn. Nhiều tín đồ Bà-la-môn được Phật cảm hóa, họ bỏ đạo qui y theo Ngài. Ông thầy Bà-la-môn tức quá, hôm sau Phật đi ngang, ông theo sau chửi Ngài. Mặc ông chửi, Phật vẫn cứ ung dung tự tại đi. Tức quá ông chặn đường hỏi Phật:

- Cồ-đàm, ông có điếc không?

- Không.

- Tại sao tôi chửi ông không trả lời?

- Ví như nhà ông có lễ mời bạn bè tới dự. Khi về ông còn đem quà tặng họ. Nếu họ không nhận thì quà ấy về ai?

- Tôi tặng mà họ không nhận thì quà ấy về tôi chớ về ai.

- Cũng vậy, ông chửi mà ta không nhận thì đâu có dính dáng gì.

Chúng ta thấy đâu phải không ai động tới Phật mà mình kính ngưỡng Ngài, chính vì người ta chửi Phật không giận, không cự lại nên chúng ta mới lạy Phật mãi không chán. Nếu lúc đó Phật cự lại thì ngày nay chúng ta không lạy Ngài đâu. Như vậy đức Phật nhịn là thua hay hơn? - Hơn. Sao bây giờ chúng ta nói nhịn là thua. Đó là sự lầm lẫn của đa số người ngày nay. Càng nhịn được chừng nào người ta càng kính nể chừng ấy, vì sức làm chủ mạnh mới nhịn nổi. Đức Phật nhịn thầy Bà-la-môn mà có ai nói Phật ngu đâu. Hiểu như vậy mới thấy sức làm chủ của mình còn yếu, nên khi có sự kích động chúng ta không chịu nổi la lối om sòm. Nếu sức làm chủ mạnh nghe người ta chửi ngoài tai chỉ cười thôi. Họ chửi ta nghe qua bay mất tiêu. Đằng này nghe qua mình ghi lại đậm hơn, rồi nổi nóng la hét đủ thứ. Như vậy chỗ cao cả của người tu là làm chủ được mình trọn vẹn. Muốn làm chủ mình trọn vẹn phải làm chủ được tham, làm chủ được nóng giận, làm chủ được si mê, đó là người tu tiến.

Nói tham sân si, nhưng thật ra si đi đầu rồi mới tới tham, sân. Từ gốc si mê hiểu lầm, chúng ta mới tham. Tham không được thì nổi sân. Con người si mê cái gì nhất? Có nhiều thứ si mê, nhưng gốc là thấy thân này thật. Chúng ta đặt câu hỏi lại, nếu thân này thật thì nó phải còn hoài. Nếu nó có một thời gian rồi hoại mất thì không thật được. Cái không thật mà chúng ta cứ ngỡ thật, đó là si mê. Như hiện giờ ta nói mình sống, nhưng thật ra có sống thật đâu, mà phải vay mượn bên ngoài. Thân này do bốn chất đất, nước, gió, lửa họp lại thành. Nó tụ họp lại là đủ chưa? Chưa đủ, muốn cho nó tồn tại phải vay mượn bốn chất ở ngoài đắp vô.

Mũi thở liên tục, mượn không khí đem vô rồi trả ra, đem vô trả ra cả ngày lẫn đêm. Khi nào mượn mà làm biếng trả thì chết. Như vậy thật được sao? Một lát mượn tách nước, đem vô rồi cũng phải trả ra. Sáng ăn chút gì đó, đến trưa phải mượn cơm rau, chiều xế lại tiếp tục mượn nữa, đem vô rồi trả ra. Cứ như vậy mượn trả đều đặn suôn sẻ gọi là khỏe mạnh. Nếu mượn trả trục trặc thì phải đi Bác sĩ. Mượn trả, mượn trả liên miên. Từ khi chúng ta có mặt tới lúc nhắm mắt cứ làm việc mượn trả không lúc nào ngơi nghỉ. Nhiều người tưởng mình rảnh rỗi không làm việc gì, nhưng thật ra đâu có rảnh mà phải mượn trả hoài.

Nếu cuộc sống là sự mượn trả liên tục như vậy thì thế nào là cuộc sống hạnh phúc? Mượn trả suôn sẻ thuận tiện là hạnh phúc. Nếu mượn trả trục trặc là bất hạnh. Như vậy giá trị thật của con người ở chỗ nào? Không có giá trị thật. Thế nhưng chúng sanh si mê cứ ngỡ thân này thật, thân này quí, nên cái mượn mà cũng đòi mượn cho tốt. Ví dụ mượn nước thì nước lã cũng được, nhưng không, phải là nước cam nước mía mới chịu. Đất cũng thế, cơm nào cũng được nhưng phải là cơm gạo lúa thơm kìa. Còn nhiều thứ nữa, bày tùm lum hết, bày quá rồi cực khổ tốn hao sanh phiền não. Con người cứ ngỡ được tất cả nhu cầu vừa ý là hạnh phúc. Vừa ý là sao? Chẳng qua mượn vô trả ra thôi chớ có gì hơn, cả cuộc đời chỉ là mượn trả, đâu có giá trị chân thật để gọi là hạnh phúc.

Thấy thân thật thì tham bao nhiêu thứ khác, để thỏa mãn nhu cầu của thân. Tham không được thì nổi tức là sân. Ai cũng muốn hơn người chớ ít muốn bằng lắm. Như vậy cả ngày muốn mà không được thì buồn. Đó là gốc từ si mà ra. Phật tử biết thân không thật, giả tạm, sống vay mượn không có gì quan trọng, thì đừng đòi hỏi quá sức mình. Một tách nước thường uống cũng được thì đâu có tốn tiền. Mượn cơm canh thường đủ cho mình sống rồi, đâu phải thêm cái gì nữa mới thích. Trong cái vay mượn mà bày biện riết thành khổ. Nghĩ kỹ như vậy, tất cả những gì chung quanh mình đều giải quyết được hết. Có món ngon ăn cũng vui, không có món ngon cũng vui. Mượn mà, mượn rồi trả chớ có giữ hoài đâu mà đòi. Nên biết từ mê lầm về thân chúng ta đi tới tham, sân bên ngoài.

Đức Phật chỉ cho chúng ta những lẽ thật. Thấy được lẽ thật thì việc tu không khó. Như thấy thân không thật nên biết lời nói cũng không thật, nghe ai nói chói tai mình bỏ qua hết. Như vậy rất dễ tu. Còn thấy thân thật thì tu hết sức khó. Nếu chúng ta cứ tụng kinh cầu phước mà không thấy rõ lẽ thật, thì đời sau sanh ra tốt hơn đời này nhưng không được giác ngộ. Còn tu bằng trí tuệ, thân giả biết giả là giác. Giác thì hết mê. Đạo Phật là đạo giác ngộ, chỉ rõ lẽ thật cho chúng ta thấy. Muốn giác ngộ chỉ cần thay đổi cái nhìn là giác ngộ liền. Hiểu rõ như vậy mới thấy giá trị của đạo Phật.

Nhiều người nhất là giới trẻ nghe kinh Bát-nhã nói sắc sắc, không không, không hiểu nổi. Nhưng đó là lẽ thật. Trong nhà Phật nói cái gì do nhân duyên hợp thì cái đó từ không do duyên hợp thành có. Như chúng ta muốn cất nhà, trước hết phải có chỗ đất trống. Cũng như trước khi cắm hoa vào bình thì bình phải trống. Nếu bình đã có hoa thì không cắm thêm được nữa, nếu nhà đã có thì không cất được nữa. Như vậy gốc từ không duyên hợp thành có, đó là “không tức thị sắc”. Duyên hợp thành có rồi một lúc nó hoại đi thành không, đó là “sắc tức thị không”. Từ không duyên hợp thành sắc, từ sắc duyên tan thành không. Nên sắc tức là không, không tức là sắc.

Người học Phật là đi tới chỗ giác ngộ, thấy đúng như thật. Đức Phật xoay quanh con người nên thấy con người trước. Thấy con người đúng như thật rồi, thì các cái khác không còn lầm nữa. Phật đâu cần tìm hiểu thế giới bên ngoài làm chi, chỉ xoay trở lại mình, chứng được Thiên nhãn rồi thì con mắt khoa học còn kém xa. Phật cũng không định thấy vi trùng làm gì, nhưng có Thiên nhãn tự nhiên thấy thôi. Những diệu dụng đó từ ánh sáng nội tâm soi chiếu ra.

Cũng sẽ có người cho rằng chỉ đức Phật mới làm được việc đó, chúng ta khó làm được. Nhưng không phải khó, đức Phật nói ai cũng có Tánh giác, vì có sẵn Tánh giác nên chỉ cần phủi sạch bụi mờ si mê thì Tánh giác hiện tiền, sáng suốt chiếu soi. Chúng ta có khả năng thành Phật, chỉ cần biết xoay lại là được. Như vậy từ giành quyền tạo khổ vui cho mình, đạo Phật còn đưa chúng ta từ một con người tầm thường tới chỗ giác ngộ giải thoát, chỉ cho chúng ta cái phi thường sẵn có ngay nơi cái tầm thường. Phật gọi chúng sanh có bệnh quên mình theo vật, tức cái sẵn có không nhớ, chỉ nhớ cái bên ngoài. Xét kỹ trong cuộc sống, chúng ta thường hay quên mình theo vật, nên mất mình hoài.

Khi ta nhìn mọi người thấy mọi người, nhìn hư không thấy trống rỗng. Thấy người, thấy trống rỗng cũng là thấy. Nhưng khi thấy trống rỗng ta lại cho là không thấy gì hết. Đợi có cái gì đó mới thấy, không có cái gì thì không thấy, Phật gọi ấy là quên mình theo vật. Thấy là gì? Tức là Biết. Nghe cũng là Biết. Mình đã có cái thấy cái nghe sẵn tức cái biết sẵn mà quên đi, chỉ chạy theo cảnh duyên bên ngoài. Vì vậy Phật nói chúng sanh quên mình theo vật. Bây giờ muốn trở lại mình phải làm sao? Thấy cảnh đừng dính với cảnh, nghe tiếng đừng dính với tiếng thì mình hiện tiền chớ gì.

Lục tổ Huệ Năng nghe kinh Kim Cang tới câu: “bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài bừng ngộ thốt lên: “Đâu ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình xưa nay vốn không sanh diệt v.v…” Vậy thế nào là an trụ tâm? Trong kinh Phật dạy rõ, muốn tâm an trụ thì đối với sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đừng dính đừng kẹt. Tâm an thì tánh chân thật hiện ra. Dễ hay khó? -Dễ. Nhưng chúng ta thấy liền dính sắc, nghe liền dính tiếng thành ra khó. Nhiều khi thiên hạ muốn nói lén mình một chút, ta nghe rù rì cũng ráng lắng tai coi họ nói cái gì. Đã người ta không cho mình dính mà cũng ráng dính! Vì vậy cả ngày mắc kẹt hoài, không làm chủ được, không an ổn được. Rồi trách tại cái này, tại cái kia mà không ngờ tại mình. Cho nên muốn tâm an thì đừng dính mắc với sáu trần, không dính mắc với sáu trần thì tâm an. Tâm đó là tâm gì? Là tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là tâm Phật.

Tất cả chúng ta đều có khả năng làm Phật mà tại sao không chịu làm? Cứ lạy Phật cầu xin Ngài hoài. Ta có cái chân thật quí báu mà quên, chạy theo những cái tạm bợ, để rồi chịu trầm luân từ đời này sang đời khác. Người quyết tu theo Phật phải thức tỉnh, cái gì thật của mình phải quay trở lại, cái gì tạm bợ giả dối thì đừng dính mắc. Đó là tu.

Hỏi: Bạch Thầy, sau Tam Tổ Trúc Lâm thì gần như trong lịch sử Phật giáo Việt Nam không còn thiền phái này nữa. Bây giờ Thầy muốn tìm lại nguồn gốc và hoằng dương Thiền phái này. Khi người ta nói đến thiền Việt Nam thì Thiền phái Trúc Lâm là một trong những dòng thiền xuất phát từ Việt Nam, được sản sanh trong lòng Việt Nam và là niềm tự hào lớn của dân tộc. Vậy Thầy có thể cho chúng con biết sự truyền thừa của dòng thiền Trúc Lâm ở Việt Nam như thế nào?

Đáp: Sau Tam Tổ Trúc Lâm còn những vị khác nữa, dài lắm. Nhưng đời Trần mất, nhà Minh bên Trung Hoa qua, lúc đó thời loạn lạc, kinh sách bị thiêu đốt hết. Cho nên những sử liệu trước chúng ta bị mất rất nhiều. Tới nhà Lê lên, nhà Lê sợ cái nếp Thiền của nhà Trần nên nghiêng nặng về Khổng tức đạo Nho. Khi nhà Minh qua, các Thiền sư đều ở ẩn hết, vì Phật giáo đời Trần ảnh hưởng đến nền chánh trị thời đó. Người ta muốn cai trị mình thì những gì ảnh hưởng đến chánh trị người ta phải loại, vì vậy các Thiền sư ẩn tích mai danh hết. Đến đời Lê cũng không chuộng đạo Phật. Vì vậy một mạch dài mấy trăm năm đạo Phật như chìm mất. Cho nên nhiều vị ẩn tu trước đó không thấy lịch sử ghi lại, chớ không phải không có các ngài. Do có nên tới thế kỷ 16, 17 mới có các Thiền sư như Chân Nguyên, Hương Hải nối tiếp.

Đến đời chúng tôi thật ra Thiền tông Việt Nam mất hẳn. Vì qua thời Pháp thuộc Thiền viện không còn. Tôi nghĩ mình là người Việt Nam cái gì hay của Tổ tiên, con cháu có bổn phận phải làm sống lại. Cứ chạy tìm cái hay ở nơi khác mà quên mất cái hay của Tổ tiên mình thì thật đáng buồn, nên tôi đã quyết tâm nghiên cứu lại lịch sử Thiền tông Việt Nam và bằng tất cả sức lực của mình, tôi cố gắng phục hưng trở lại, được bao nhiêu mừng bấy nhiêu. Phần còn lại, người sau sẽ tiếp nối.

Thời gian nghiên cứu lại sử Phật giáo Việt Nam có hai, ba sự việc làm tôi rất xúc động. Một lần trong Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh, có buổi họp về Phật giáo, các giáo sư trường ngoài được mời về họp. Khi tan họp ngồi nghỉ uống trà, có một giáo sư ngồi cạnh tôi than: “Thưa Thầy, tôi gặp một vấn đề nan giải.” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Giáo sư gặp việc gì khó lắm vậy?” Giáo sư nói: “Thưa Thầy, tôi là giáo sư dạy trường Đại học Tổng hợp thành phố, hiện là Trưởng khoa Văn. Gần đây bên Đức mời tôi qua hội thảo về Phật giáo đời Trần. Thưa thật với Thầy, tôi chưa nghiên cứu về phần này.” Có tủi không? Tổ tiên mình mà mình không biết, trong khi ở ngoài người ta muốn biết. Ðó là việc thứ nhất.

Việc thứ hai, một số quí thầy cũng như những người nước ngoài muốn học thiền trong khoảng ba mươi mấy, bốn mươi năm về trước phải qua Nhật học. Khi qua Nhật, tra cứu lịch sử Thiền tông mới biết thiền truyền sang Nhật Bản sau Việt Nam năm trăm năm. Như vậy người đi sau mình mà mình lại qua học với họ, còn ta đi trước mà không biết gì hết, vì đã mất gốc. Tôi thấy tủi là vậy. Do đó khi nghiên cứu tu thiền, tôi nghĩ phải làm sống dậy dòng thiền của tổ tiên mình mới được.

Lúc trước ra Bắc, Viện Hán Nôm có mời tôi nói chuyện. Họ đặt câu hỏi: “Thiền tông ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam giống nhau chỗ nào, khác nhau chỗ nào?” Tôi nói thẳng ở Ấn Độ các ngài hay dùng lý luận khúc chiết. Sang Trung Hoa các ngài nghĩ nước Trung Hoa là trung tâm số một thế giới, có văn hóa cổ truyền nên không muốn lệ thuộc chỗ khác, vì vậy thiền Trung Hoa không lý luận mà dùng thủ thuật kỳ đặc như đánh, đập, hét. Đó là sự chuyển biến do tinh thần dân tộc mỗi nơi. Qua Nhật Bản thì thiền mang nặng sắc thái văn hóa, thiền được đưa vào phổ cập trong quần chúng. Như uống trà cũng thiền, đánh võ cũng thiền, gọi là trà đạo, võ đạo v.v… cái gì cũng thiền hết. Thiền đi trong quần chúng nên việc tu hành gần gũi đời sống mọi người, tuy nhiên cũng chính vì thế tinh ba nhà thiền có phần bị giảm sút.

Qua Việt Nam thì khác. Việt Nam là nước bé nhỏ, em út người ta nên làm gì cũng dè dặt, cẩn thận. Thiền gốc từ đức Phật, nên chúng ta học thiền mà không dám bỏ kinh. Vì vậy vua Trần Nhân Tông khi tu thiền rồi Ngài cũng giảng kinh. Như vậy để thấy người Việt Nam rất cẩn thận, lấy gốc từ kinh dạy thiền. Tinh thần thiền Việt Nam vì thế cũng cẩn trọng, nhẹ nhàng, khi nào hứng thú quá các ngài làm thơ, chớ không đánh đập la hét gì hết. Khi thiền sang Việt Nam có hòa lẫn tinh thần dân tộc trong đó, nên màu sắc Thiền tông Việt Nam khác hơn Thiền tông các nước bạn.

Tôi thấy tinh thần thiền Việt Nam rất thích hợp với người Việt Nam. Bởi vì nếu dùng lối thiền thoại đầu như Trung Hoa bí hiểm quá. Nói một câu rồi nghiền ngẫm tới chừng nào nổ tung ra thì bừng ngộ. Nhưng lớp trẻ bây giờ cái gì hiểu mới làm, không hiểu không bao giờ làm, như vậy tu thiền thoại đầu không hợp thời. Cho nên chúng tôi theo tinh thần thiền đời Trần, trước học kinh rồi đem kinh chứng hội với thiền. Phật tử nghe hiểu rồi thực hành thì nhẹ hơn, dễ hơn. Chúng ta thật không tủi hổ chư Tổ sư thiền Việt Nam đã để lại cho mình một dòng thiền thuần túy Việt Nam mà vẫn giữ được tinh ba từ Phật Tổ dạy.

Đó là sơ lược những nét sai biệt của Thiền tông Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam.

Hỏi: Con có một người bạn ngoại quốc đang muốn tìm hiểu về đạo Phật. Bạn hỏi con làm thế nào để bước vào đạo Phật? Thường thường con vẫn học hỏi đạo Phật với quí thầy dễ dàng, nhưng với người ngoại quốc con không biết cách nào giúp họ gần quí thầy hoặc gần chùa. Xin Thầy chỉ dạy cho con phải nói với họ thế nào?

Đáp: Muốn nói với những người xa lạ chưa quen kinh sách và nếp sống đạo của người Việt Nam, thì nên nói rõ cho họ biết đạo Phật là tôn trọng lẽ thật. Bởi tôn trọng lẽ thật nên muốn bước vào đạo Phật phải hiểu đúng lẽ thật, lấy nhân quả chứng minh cho họ thấy. Từ nhân quả mới nói tới lý nhân duyên. Như vậy vừa thực tế, vừa hợp khoa học, người Tây phương dễ chấp nhận hơn. Hiểu nhân duyên rồi tùy trình độ của họ, chúng ta hướng dẫn thêm lên. Bước đầu là như thế.

Hỏi: Bạn con đề cập tới vấn đề ăn chay, tụng niệm và ngồi thiền. Con không biết có nên nói với bạn đó là phần thực tập của mình hay không?

Đáp: Thật ra ăn chay, ngồi thiền… là bước thứ hai rồi. Bước thứ nhất là phải có nhận định chắc chắn rằng đạo Phật dạy nhân quả là lẽ thật, nói lý nhân duyên là lẽ thật. Muốn thực tập nó phải bước qua giai đoạn thứ hai. Thật ra ăn chay hay không ăn chay không phải là điều quyết định, mà quyết định là biết ứng dụng tu. Người Tây phương bây giờ thích ngồi thiền, phải làm sao cho họ hiểu mục đích của việc ngồi thiền. Đa số người thường đặt câu hỏi, thời này người ta rất tiết kiệm thời gian, một ngày một giờ làm ra bao nhiêu tiền, trong khi đó quí thầy ngồi ngó xuống một hai tiếng đồng hồ thì phí quá. Nên họ cho rằng việc ngồi thiền là thiếu thực tế.

Thật ra không phải vậy. Ngài Thần Hội có dùng ví dụ như gương sáng, khi nhìn vào gương thấy bóng người bóng vật, lúc đó ta có nhớ gương không? Thấy người thấy vật là quên gương. Người vật hiện trong gương nên gương là chỗ tựa của cái bóng. Gương là chủ, bóng là khách, nhưng người ta thấy bóng lại quên gương. Cũng vậy, chúng ta có tánh Phật tròn đủ, nhưng những nghĩ tưởng lăng xăng cứ phủ vây che đậy, nếu đuổi theo những nghĩ suy của mình thì không bao giờ thấy được tánh Phật. Cho nên ngồi thiền là cốt dừng lặng cái nghĩ suy. Suy nghĩ lặng xuống rồi thì cái chân thật hiện ra. Cũng như gương không có bóng thì dễ thấy gương tròn đủ.

Ngồi thiền cốt phăng tìm cho ra cái chân thật đầy đủ nơi chính mình. Phật nói cái chân thật ấy quí giá như hòn ngọc báu. Có hòn ngọc rồi ta muốn gì đều được như ý. Người thế gian làm ăn cho ra tiền bạc, đó là lấy thời gian để tìm tiền bạc. Còn người tu ngồi ngó xuống để tìm ngọc, nhưng người đời không hiểu. Tiền bạc chỉ nuôi thân tạm bợ này, còn hòn ngọc quí của mình mới giúp chúng ta giải thoát sanh tử. Nó quí giá vô cùng, siêu việt hơn tất cả mọi thứ trên đời nhưng người đời lại không biết. Khi hiểu thế rồi mới thấy ngồi tu là quí. Chúng ta ngồi lại từ từ vọng tưởng lặng hết, nét mặt vui tươi, an lành, thản nhiên tự tại. Còn người đuổi theo tâm lăng xăng thì khi cười khi khóc đủ thứ chộn rộn. Cho nên thiền là con đường đi thẳng để được giác ngộ. Giác ngộ ở đây là giác ngộ viên mãn chớ không phải giác ngộ thường.

Đó là giá trị chân thật của việc tu thiền.

MỤC LỤC
  1. Lời đầu sách
  2. Phật pháp rất chân thật
  3. Giác ngộ và giải thoát
  4. Hai ông vua xem ngai vàng như dép rách
  5. Nói chuyện với Phật tử đạo tràng Chân Như
  6. Đạo Phật trao chủ quyền cho con người
  7. Ý nghĩa Thiền tự Bồ-đề
  8. Nghiệp báo
  9. Cội nguồn sanh tử và giải thoát
  10. Người giành khôn là kẻ dại
  11. Giảng cho sinh viên Boston
Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ
Nguồn tin: Thường Chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 361
  • Khách viếng thăm: 355
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 95031
  • Tháng hiện tại: 2081184
  • Tổng lượt truy cập: 77023779

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile