Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Hòn ngọc quý trong núi lửa

Đăng lúc: Thứ năm - 12/09/2013 22:41 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Là người học đạo chúng ta không nên buồn, không nên lo thân này già chết, chúng ta chỉ buồn lo: Tại sao chúng ta cứ dung dưỡng vô minh? Tại sao chúng ta cứ chứa chấp phiền não? Vô minh phiền não còn dầy thì không bao giờ chúng ta thấy được hòn ngọc quí. Thế nên chúng ta phải phá dẹp vô minh để cho hòn ngọc quí hiện tiền, như vậy mới là một đời tu xứng đáng. Không làm được việc đó thì đừng mong chúng ta được an vui.

Ngày đầu Xuân tất cả Tăng Ni và Phật tử về đây để chúc mừng năm mới, nhân đây chúng tôi nhắc nhở đôi lời để quí vị có đủ tư lương tiến tu trên đường giải thoát. 
 
Đầu Xuân trong đạo cũng như ngoài đời, chúng ta đều đến chúc mừng những vị lớn tuổi được thêm một tuổi thọ. Quí vị đến mừng tuổi, song tôi lại có cái buồn, mừng thêm một tuổi, nhưng buồn giảm mạng sống hết một năm. Mỗi năm tuổi thọ tăng thêm, nhưng mạng sống chúng ta lại giảm, cứ như thế mà giảm dần cho đến một ngày nào hết chúc thọ nữa, thì chừng đó tới ngày húy kỵ, nhắc đến ngày ấy là sợ, là buồn. Như thế tất cả người đi trước, người theo sau, và những người sau này ai ai cũng đều lũ lượt đi trên con đường mỗi ngày mỗi giảm mạng sống. Vì thế người học đạo phải nhận thức đúng ý nghĩa thời gian, thì chúng ta sống mới có giá trị. 
 
 Ý nghĩa thời gian là thế nào? 
 
Thời gian trôi qua không dừng một chỗ. Thời gian trôi, vô thường đuổi gấp, vô thường tức là hoại diệt. Vì vậy mỗi một năm qua vô thường hoại diệt đang hoành hành tàn phá thân chúng ta làm cho thân phải mòn mỏi hư hao rồi hủy diệt. Chính vì thế đức Phật dùng chữ “Con Quỉ Vô Thường”. Vô thường là con quỉ, nó phá hoại, không để chúng ta được an ổn. Song thời gian cũng rất quí giá, nó cho chúng ta làm được những việc lợi ích cho mình và cho người. 
 
 Tóm lại khi nói tới thời gian, chúng ta phải nhớ hai đặc điểm: 
 
 -Đặc điểm thứ nhất: 
 
Thời gian qua rồi không trở lại. Thế nên ngày nào còn được khỏe mạnh, ngày nào còn khả năng làm được nhiều điều lợi ích, thì chúng ta phải tận dụng hết khả năng của mình, đừng để thời gian trôi qua rồi tìm lại không được; cũng đừng để chúng ta trở thành một con người vô ích tuy có mặt trong xã hội mà chỉ là một vật thừa, thật uổng cho thời gian quí báu của một đời người. 
 
 -Đặc điểm thứ hai: 
 
Thời gian là những nhát búa, là những ngọn lửa thiêu đốt, phá hoại thân thể chúng ta. Nó thật là đáng sợ, không cho chúng ta an ổn. Chúng ta phải ráng làm sao đừng để thời gian chi phối đời chúng ta, rồi chúng ta trở thành cát bụi vô ích. Nhất là tuổi già từ năm mươi sáu mươi về sau, chúng ta cảm thấy đã yếu mòn đi rất nhiều, nên mỗi ngày qua là mỗi ngày khổ thôi, chớ có vui gì! 
 
Biết rõ được ý nghĩa thời gian chúng ta phải làm sao? Chẳng lẽ để thời gian thiêu đốt mình đến bại hoại không còn gì nữa. Nếu chỉ biết thân bị vô thường thiêu đốt là chủ yếu, là thật thì rất uổng cho một đời. Có mặt rồi trở về không, thật là giá trị không ra gì. Vì vậy người tu khi biết thời gian làm tiêu mòn con người, chúng ta phải làm sao tìm ra trong cái tiêu mòn đó một cái gì mãi mãi không tiêu mòn. Dù thời gian có hủy hoại thân này, chúng ta cũng cảm thấy không buồn, không sợ. Vì sao? Vì trong cái bại hoại, có cái không bại hoại, trong cái tiêu tan mất mát có cái không tiêu tan mất mát. Nói một cách khác là còn có cái trường cửu, bất sanh bất diệt. Được vậy đối với thời gian chúng ta không còn sợ nữa. Con quỉ vô thường chỉ có thể phá hoại được thân xác giả tạm thôi, chớ không thể nào sờ mó đến cái chân thật của chúng ta. Người biết tu là tìm tới cái chân thật đó, rồi mới thấy cuộc đời mấy mươi năm chỉ là tạm bợ giả dối. Thấy được cái thật rồi, chúng ta không còn lo âu sợ hãi trước những biến hoại của luật vô thường. 
 
Một Thiền sư Việt Nam đời Lý, ngài Ngộ Ấn có diễn tả điều đó qua hai câu thơ: 
 
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị càn. 
 
Dịch: 

Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy 
Lò lửa hoa sen nở thật xinh. 
 
Hòn ngọc trên ngọn núi cháy sắc vẫn tươi nhuần. Đóa hoa sen nở trong lò lửa vẫn thắm tươi. 
 
Qua hai câu thơ, Ngài muốn diễn tả điều gì? 
 
Hình ảnh thứ nhất: Trong cái vô thường hoại diệt, có cái chưa từng bị hoại diệt, giống như hòn ngọc quí trong ngọn núi cháy hừng hực mà vẫn tươi nhuần. Lửa cháy trên ngọn núi là dụ cho lửa vô thường thiêu đốt ngọn núi ngũ uẩn. Trên thân ngũ uẩn bị vô thường thiêu đốt, chúng ta có một hòn ngọc quí đẹp đẽ không đổi thay màu sắc. Chúng ta không mắc kẹt trong ngọn núi ngũ uẩn và không chịu thua ngọn lửa vô thường là vì chúng ta có được hòn ngọc quí. 
 
Hình ảnh thứ hai: Trong lò lửa cháy rực, có một đóa hoa sen mọc lên, nở tròn, sắc hương thanh khiết. Trong lò lửa làm gì có hoa sen mọc? Đây để diễn tả: Chính trong thân bị lửa vô thường thiêu đốt từng giây từng phút, lại có cái chân thường nằm sẵn trong đó, không bị tất cả cái vô thường động đến được. Một đóa sen nở trong lò lửa là chuyện phi thường mà thế gian không bao giờ tưởng tượng được. Thế nhưng tất cả chúng ta ai ai cũng có đóa hoa sen đó. Biết sống với nó, thì chúng ta hết sợ lò lửa vô thường. Cũng như khi nắm được hòn ngọc quí trong núi cháy rực, thì chúng ta hết sợ ngọn lửa cháy rực đó, chúng ta vẫn tươi cười vì nó không làm gì được hòn ngọc quí của chúng ta. 

Điều chúng tôi muốn nói với tất cả quí vị: Tuy thời gian là vô thường, biến đổi, thân này cũng bại hoại theo cái vô thường biến đổi của thời gian, nhưng trong thân bại hoại này vẫn còn có cái không bại hoại, trong thân vô thường này vẫn còn có cái Chân Thường Vĩnh Cửu. Cho nên chúng ta phải khéo, phải sáng suốt tìm cho ra, thấy cho được cái chân thường vĩnh cửu ấy. Được vậy chúng ta mới an nhiên tự tại, mới hằng được vui tươi không bao giờ có những niệm buồn khổ khi thấy thân bệnh hoạn, chết chóc. Chúng ta vẫn cười mãi, vì tất cả vô thường là trò ảo mộng, không đáng để chúng ta bận tâm. 
 
Chúng ta còn có cái chân thật đang hiện hữu và mãi mãi hiện hữu, đó mới thật là Mùa Xuân Miên Viễn. Ngày nào cũng là xuân, tám mươi tuổi cũng thấy xuân, ngày mai thân hoại cũng vẫn thấy xuân. Nếu chỉ biết xuân là lúc hoa nở, khí trời ấm áp, gió phương đông thổi về, mọi người vui vẻ, thì khi hết xuân, qua hạ nóng bức, đến đông lạnh lẽo, chúng ta sẽ buồn khổ chớ không an ổn. Nếu tìm được cái chân thật, không đổi dời, thì chúng ta không bao giờ còn có gì đáng buồn đáng sợ trên cuộc đời này nữa. 
 
Tuy chưa hoàn toàn sống được mùa xuân ấy, nhưng tôi tự hứa: Tôi sẽ là người sống được mùa xuân miên viễn đó. Tôi hy vọng rằng ngày mai thân tôi có hoại đi tôi vẫn cười, vì tôi còn có mùa xuân mãi mãi không hoại. Nếu không thì khi thân hoại chúng ta sẽ khổ đau, vì không biết chúng ta sẽ mang thân nào khác! Nếu biết thân này chỉ là giả tướng tạm bợ hợp rồi tan, còn cái chân thật kia chưa bao giờ hợp cũng chưa bao giờ tan, thì chúng ta sẽ yên lòng sống trong mọi hoàn cảnh, yên lòng trong tất cả thời gian tuổi thọ ngắn dài của chúng ta. 

Được diễm phúc bước vào con đường đạo, chúng ta phải đi tìm mùa xuân miên viễn ấy, chớ không phải vào đạo để được những tạm bợ thế gian. Nào là chùa to, Phật lớn, chúng đông, tất cả đều bị lửa vô thường đốt hết. Chỉ có một cái không bị đốt đó là cái chân thật của mình. Sự thành công của người tu không phải là cất được một trăm ngôi chùa, không phải là giáo hóa mấy ngàn đệ tử, mà sự thành công của chúng ta là tìm được mùa xuân miên viễn. Đời người tu chúng ta là một đời tự tại, an vui trong cái khổ đau vô thường. Được như thế mới gọi là phi thường, mới gọi là giải thoát. 
 
Chúng ta giải thoát cái gì? 
 
Giải thoát được vô thường sanh tử. Nếu không được cái chân thường vĩnh cửu thì chúng ta không bao giờ được giải thoát. Vì hiểu được điều này nên tôi mong rằng: Tăng Ni và Phật tử, quí vị ráng nhìn cho kỹ, thấy cho sâu chỗ chân thật này mà tôi đã qua bao nhiêu năm cố gắng chỉ cho quí vị. Thật ra tôi đã đem hết tâm can để nói lên lẽ thật đó. Quí vị chịu khó đọc tới đọc lui, nghe đi nghe lại những lời nhắc nhở của chúng tôi, thì quí vị thấy được cái miên viễn đó, và sẽ được tự tại trong cuộc đời vô thường biến hoại này. Bằng không thì quí vị tu chỉ được cái nhân lành rồi cũng bị vô thường, nhưng vô thường trong cái tốt một chút vậy thôi. Thí dụ như một khúc gỗ mục mỗi ngày qua mỗi rã nát và một cái nhà sang trọng mỗi ngày qua mỗi cũ dần. Hai cái đó tuy giá trị khác nhau nhưng rốt cuộc rồi cũng đi tới bại hoại, chỉ có hoại trước, hoại sau mà thôi. Cái nhà đẹp rồi cũng bị cũ hư từ từ, chớ không phải là cái đẹp miên viễn. Thế nên chúng ta làm sao đừng kẹt trong cái vô thường, dù nó đẹp đến đâu, chúng ta cũng không thích, không vui. Chúng ta chỉ vui thật sự khi thoát khỏi luật vô thường.  

Song tâm con người lại thích cái vô thường đẹp. Cho nên năm cũ gần tàn lại mong năm mới, rồi năm này hơi chán lại mong năm tới, chỉ mong cái mới tốt hơn cái cũ, mà không ngờ mong mãi rồi đến cái bại hoại. Vì thế người học đạo phải sáng suốt, không mong năm mới tốt hơn năm cũ mà chỉ mong thoát khỏi vô thường. Chính khi đó thì tất cả ngày, tháng, năm đều là một mùa xuân. Bằng không thì thiếu gì người ngày xuân vẫn khóc, đâu phải ngày xuân là đẹp là vui hết đâu. Thiếu gì người ngay mùa đông ảm đạm mà vẫn cười. Đây không phải là luật chung mà là việc riêng của mỗi người chúng ta. Nhưng dù khóc dù cười ở mùa xuân hay mùa đông cũng đều không có giá trị gì. Ở tất cả mùa chúng ta vẫn cười luôn, đó mới là chân giá trị. 
 
Chúng ta cố gắng làm sao, trong một kiếp này, đào cho được hòn ngọc quí đang chôn sâu dưới lòng đất vô minh. Bới nó lên, nắm nó trong tay rồi chúng ta mới vui cười. Có người hỏi: “Không biết Bồ-tát Địa Tạng cầm hòn ngọc trong tay để làm chi?” Tu thành Bồ-tát rồi, phải xả hết, chớ còn cầm hòn ngọc để làm gì? Nhưng đó là một ý nghĩa hết sức thâm trầm. Địa là đất, Tạng là chôn giấu. Hòn ngọc quí đó đang chôn giấu ở dưới đất vô minh phiền não. Chúng ta chịu khó bươi móc những vô minh phiền não ra rồi chúng ta sẽ có hòn ngọc quí, giống như ngài Địa Tạng đang nắm nó ở trong tay vậy. 
 
Là người học đạo chúng ta không nên buồn, không nên lo thân này già chết, chúng ta chỉ buồn lo: Tại sao chúng ta cứ dung dưỡng vô minh? Tại sao chúng ta cứ chứa chấp phiền não? Vô minh phiền não còn dầy thì không bao giờ chúng ta thấy được hòn ngọc quí. Thế nên chúng ta phải phá dẹp vô minh để cho hòn ngọc quí hiện tiền, như vậy mới là một đời tu xứng đáng. Không làm được việc đó thì đừng mong chúng ta được an vui. 
 
Bao nhiêu năm rồi chúng tôi giảng đông giảng tây, giải Kinh giải Luận chỉ cốt làm sao cho quí vị nhận ra mình có hòn ngọc quí. Ngang đây khi tôi nghỉ giảng dạy rồi, quí vị ráng dùng cây kiếm trí tuệ bươi xới miếng đất phiền não vô minh cho nó nát ra để lấy cho được hòn ngọc quí, đây là thời gian quí vị phải làm. Khi trước quí vị chưa tin mình có hòn ngọc quí nên tôi cố gắng nói cho quí vị tin. Ngày nay quí vị tin rồi, không phải ngang đây là đủ mà quí vị phải ra công đào xới mảnh đất vô minh cho tan nát để thấy hòn ngọc quí của mình. Như vậy mới khỏi uổng công chúng tôi giảng dạy bao nhiêu năm. Nếu quí vị cứ hài lòng biết mình có hòn ngọc quí rồi lo gì, cứ để đó, đi lo chuyện phải quấy hơn thua, thì hòn ngọc cứ bị chôn vùi, tuy quí vị có nó mà không sử dụng được, rồi vẫn chịu khổ đau mãi. 
 
Nỗ lực dẹp hết những chướng ngại để thấy được hòn ngọc là quí vị thành công trên đường tu. Khi ấy quanh năm suốt tháng đều là mùa xuân, tất cả đều là mùa xuân, mùa xuân chân thật. Không còn nữa mùa xuân tạm bợ, xuân trong cái bị thiêu đốt cháy mòn cho đến ngày bại hoại. Chỉ một mùa xuân miên viễn bất sanh bất diệt, xuân đó là thoát khỏi vô thường, xuân đó là vô minh phiền não không còn có mặt nữa.  

Mong rằng sang năm mới qua lời nhắc nhở của chúng tôi, tất cả Tăng Ni và Phật tử cố gắng thực hiện sống được mùa xuân miên viễn. Tất cả chúng ta sẽ cười mãi, đến phút tắt thở vẫn còn cười. Đó mới thật là người nhận được hòn ngọc quí nơi mình, đó mới thật là người tu đạo giải thoát.
TẾT NHÂM THÂN (1992)
Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ
Nguồn tin: Thiền Tông Việt Nam
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 51
  • Khách viếng thăm: 50
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3087
  • Tháng hiện tại: 1716671
  • Tổng lượt truy cập: 59369604

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile