Giảng cho khóa Giảng sư tại TP. Hồ Chí Minh - 2000
Đề tài tôi nói hôm nay:
Thiền là cội gốc của đạo Phật. Qua đây quí vị tự nghiệm xét, để thấy rõ đường lối tu đức Phật đã dạy từ thuở ban đầu. Nhiều vị vào chùa thấy quí thầy làm gì, tu thế nào thì cứ như thế làm theo, rập khuôn “xưa bày nay làm”. Người trước làm thế nào thì người sau cũng y như thế đó thôi. Chúng tôi không có quan niệm như vậy.
Khi vào đạo chúng tôi có những thắc mắc, ưu tư, phải làm sao tìm cho ra manh mối tu hành của đức Phật và ứng dụng được đường lối ấy vào sự tu thì tôi mới hài lòng. Muốn thế chúng ta cần phải nghiên cứu thật rõ ràng đường lối tu của Phật như thế nào và đồ đệ Ngài tu ra sao? Tìm cho tận nguồn gốc đó, chúng ta mới thấy rõ manh mối để ứng dụng tu cho mình.
Chúng ta ai cũng biết, đức Phật Thích-ca ngồi dưới cội bồ-đề bốn mươi chín ngày đêm tọa thiền, sau đó được giác ngộ. Như vậy đức Phật do thiền định mà được giác ngộ. Sau khi giác ngộ viên mãn đức Phật tuyên bố Ngài thành Phật. Rõ ràng đức Phật Thích-ca do tu Thiền định được thành Phật, không còn ai nghi ngờ nữa.
Đến các đồ đệ của Ngài, bấy giờ bên Tăng có một ngàn hai trăm năm mươi vị cũng đều tu Thiền mà chứng quả A-la-hán, bên Ni cũng như vậy. Sử ghi lại sau khi Phật tuyên bố ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn thì bà Kiều-đàm-di Mẫu, tức Ma-ha Ba-xà-ba-đề lãnh đạo Ni chúng, hướng dẫn năm trăm vị đến thưa với Phật rằng: “Nghe Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, chúng con không cam tâm nhìn thấy Thế Tôn nhập Niết-bàn, xin Thế Tôn cho chúng con nhập Niết-bàn trước.” Phật đồng ý. Trở về trụ xứ, năm trăm vị nhập định rồi an nhiên thị tịch.
Như vậy, do tu Thiền mà chư Tăng, chư Ni chứng A-la-hán và được sanh tử tự tại. Khi cần ra đi không có gì trở ngại. Kiểm lại từ đức Phật cho tới các môn đồ của Ngài đều tu Thiền mà chứng ngộ giải thoát. Đây là điều căn bản, chắc chắn không nghi.
Nói xa hơn trên đường truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa và từ Ấn Độ sang Việt Nam, Phật giáo được truyền bá những gì chúng ta cần phải hiểu, phải nắm cho vững. Ở Trung Hoa, kể từ đời vua Hán Minh Đế, các vị Sư từ Ấn Độ sang dạy tu Thiền, mãi đến thế kỷ thứ VI ngài Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa truyền bá Thiền. Từ đó Thiền tông Trung Hoa ngày càng phát triển mạnh mẽ và truyền lần sang những nước khác như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên v.v… Vậy gốc của Phật giáo truyền vào Trung Hoa là Thiền.
Ở Việt Nam, từ các vị ban đầu như Khương Tăng Hội, cũng dạy tu Thiền. Một số sách sau này tìm thấy được do Ngài viết bài tựa dạy tu đếm hơi thở như là Anàpànasmrti (An-ban Thủ Ý). Đường lối các ngài dạy đều là Thiền, nhưng tu Thiền theo tinh thần A-hàm. Hoặc có ngài dạy tu Thiền theo tinh thần Đại thừa, trong đó có Lục độ vạn hạnh.
Mãi cho tới thế kỷ thứ VII, ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi sang, Thiền tông mới bắt đầu có mặt ở Việt Nam. Đến thế kỷ thứ IX ngài Vô Ngôn Thông truyền Thiền sang Việt Nam v.v… Tóm lại, hệ thống tu thiền đã có từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VIII, thứ IX. Và thế kỷ thứ X, XI thì có thêm dòng Thảo Đường truyền vào đời Lý. Đến thế kỷ thứ XII, XIII thì có phái thiền Trúc Lâm Yên Tử dung hợp ba hệ Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành một phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông hiệu Trúc Lâm Đầu-đà khởi lập.
Qua đời Lê, Phật giáo suy vi một lúc cho tới cuối đời Lê, Phật giáo chia ra Đàng trong Đàng ngoài. Đàng ngoài thì có Hòa thượng Chuyết Công thuộc dòng Lâm Tế, Đàng trong có những vị Hòa thượng cũng thuộc hệ phái Lâm Tế hay Tào Động. Có Thiền sư Việt Nam được kế thừa các Thiền sư Trung Hoa như ngài Liễu Quán. Ngài được Thiền sư Nguyên Thiều người Trung Hoa sang truyền Thiền. Thiền sư Liễu Quán có vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Tóm lại, hệ thống tu thiền Phật giáo Việt Nam có từ thế kỷ thứ II thứ III, mãi đến thế kỷ thứ XVIII. Trải qua một thời gian dài như vậy, nhưng bây giờ các chùa Việt Nam chúng ta có mấy người biết tu thiền? Tôi muốn đặt ra vấn đề này để quí vị xem xét đường lối tu của người xưa và hiện tại khác biệt nhau như thế nào. Đó là tôi lược dẫn chứng hệ thống truyền bá thiền từ đức Phật Thích-ca cho tới mãi sau này, nhất là ở Việt Nam.
Thông qua giáo lý của Phật dạy, chỉ cần xét về Tứ đế thôi, riêng phần Đạo đế chúng ta thấy có bao nhiêu pháp? Có ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Bốn phẩm đầu là Tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ là gì? Quán thân bất tịnh, Quán thọ thị khổ, Quán tâm vô thường, Quán pháp vô ngã. Bốn pháp quán đó là thiền hay là gì? Chính là Thiền quán mà các sư Nguyên thủy đã ứng dụng tu từ trước đến giờ. Rồi tới Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực v.v… Trong Ngũ căn có Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Căn là gốc, năm gốc để tăng trưởng sức mạnh. Tăng trưởng sức mạnh gọi là Ngũ lực: Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ lực. Trong năm thứ đó, một là tin, hai là tinh tấn, ba là chuyên niệm, bốn là định, năm là trí tuệ. Như vậy tu năm căn cũng là phương pháp tu Thiền. Kế đến Thất giác chi cũng tu thiền. Và Bát chánh đạo mà hai chi cuối cùng là Chánh niệm và Chánh định, cũng không ngoài thiền. Đó là giáo lý Nguyên thủy.
Đến giáo lý Đại thừa có pháp Lục độ là gốc của Đại thừa: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Hai độ cuối cùng là Thiền định, Trí tuệ cũng là tu thiền chớ không có pháp nào khác hơn. Như vậy pháp tu của đức Phật cho đến các vị Thánh đệ tử, từ thời Ngài còn tại thế cho tới ngày nay, giáo pháp truyền sang các nước Đông Nam Á, gốc đều tu Thiền. Hiện nay các nước lân cận với chúng ta như Thái Lan, Miến Điện, Campuchia v.v… đều tu Thiền.
Riêng ở Việt Nam chúng ta, Thiền tông được truyền bá như thế nào? Đó là điều tôi muốn nói với tất cả quí vị. Ngày xưa, khi vào đạo học lớp sơ đẳng, Tăng Ni thường được học những bộ kinh Tứ Thập Nhị Chương, Di Giáo và bài Cảnh Sách của Tổ Qui Sơn, gọi chung là Phật Tổ tam kinh. Ai có học qua cũng biết trong đó dạy tu Thiền. Lúc xưa do học qua những bản kinh nên tôi có thắc mắc, tại sao Tổ dạy tu Thiền mà ngày nay chúng ta không biết tu Thiền? Đến khi lên Trung đẳng học qua kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác v.v… tôi cũng thấy dạy tu Thiền, nhưng sao thầy mình không dạy tu Thiền? Vì vậy nên tôi bất an.
Tôi tự đặt câu hỏi tại sao kinh Phật dạy tu Thiền mà mình không biết tu Thiền. Thậm chí có khi nói đến tu Thiền, nhiều vị răn đe coi chừng tu Thiền bị tẩu hỏa nhập ma, bị điên, khiến tôi lại càng thắc mắc hơn nữa. Nếu tu Thiền điên thì đức Phật tu Thiền lẽ ra Ngài phải điên trước. Rồi đệ tử mấy ngàn người cũng tu Thiền nhưng sao không thấy vị nào điên hết. Tới phiên mình tu Thiền lại điên. Lạ quá tôi không hiểu nổi. Thật tâm tôi không bao giờ hài lòng với điều gì mình chưa biết, nên sanh thắc mắc hoài.
Bởi thắc mắc nên lúc tôi còn ở chùa Phước Hậu, mỗi tối thấy Sư ông của tôi tức Hòa thượng Pháp chủ, đốt cây đèn leo lét ngồi thiền trong mùng. Một hôm tôi đắp y lên đảnh lễ: “Bạch Sư ông, con thích tu Thiền, xin Sư ông dạy con pháp tu Thiền.” Sư ông tôi trả lời: “Thôi! Đời mạt pháp tu Tịnh độ đi.”
- Thưa con thấy Sư ông để đèn leo lét ngồi trong mùng, không phải Sư ông tu Thiền sao?
- Không, tôi ngồi niệm Phật.
Lúc ấy tôi thất vọng không biết tìm học Thiền ở đâu. Hòa thượng Viện trưởng là thầy của tôi thì bảo ráng học kinh cho hiểu, chớ Ngài không dạy tu Thiền. Khi lên Ấn Quang, Hòa thượng Giám đốc có đóng chiếc lồng lưới để ngoài sân thượng, tối nào tôi cũng thấy Ngài vào đó ngồi. Tôi thầm nghĩ chắc Hòa thượng tu Thiền nên đắp y lên: “Bạch Hòa thượng, con thích tu Thiền, xin Hòa thượng dạy con phương pháp tu Thiền.”
Hòa thượng nói:
- Tôi đâu có tu Thiền mà dạy tu Thiền.
Tôi thưa:
- Tối nào con cũng thấy Hòa thượng vào trong lồng lưới ngồi thiền.
Ngài nói:
- Không phải! Tôi ngồi niệm Phật.
Thế là tôi lại thất vọng thêm một lần nữa. Tuy nhiên lòng tha thiết tu Thiền vẫn thôi thúc tôi mãi. Phật tu Thiền, Tổ tu Thiền mà mình không biết tu Thiền, như vậy là sao? Một hôm Thầy tôi là Hòa thượng Viện trưởng, gọi lại nói: “Thanh Từ muốn tu Thiền, tôi cho quyển sách này về đọc rồi theo đó tu.”
Tôi nhận quyển sách do Thầy tôi viết tay khi Người còn học ngoài chùa Báo Quốc - Huế. Đó là quyển Lục Diệu Pháp Môn của ngài Trí Giả đại sư, tông Thiên Thai. Tôi mừng lắm đem về đọc tới, đọc lui. Thích quá tôi bắt đầu dịch ra. Khi dịch quyển sách đó, tôi thấy được đường lối tu Thiền nhưng mà chưa vững.
Đến khi hội Phật học Lưỡng Xuyên thỉnh Đại tạng kinh bên Nhật đem về để tại Lưỡng Xuyên. Sau này Hội nghỉ không hoạt động, quí Hòa thượng gởi lên cho Ấn Quang để vào thư viện. Tôi nghĩ rằng mình có Đại tạng kinh là duyên tốt, bây giờ làm sao nghiên cứu? Tôi liền xin quí Hòa thượng cho tôi làm Tri tạng để trông coi Đại tạng kinh. Được quí ngài chấp thuận, tôi bèn tham khảo hết những sách dạy về tu Thiền. Lúc đó, tôi đọc sách Thiền như là muỗi cắn đá, đọc tới đọc lui không hiểu gì cả. Tôi thắc mắc tại sao các ngài dạy tu Thiền mà mình không hiểu.
Song nhờ duyên phúc lành, năm 1962 tôi bị bệnh phổi, không thể giảng dạy, phải nằm bệnh viện ba tháng. Sau đó tôi về thất đem Tạng kinh theo nghiên cứu và thực tập tu Thiền theo cuốn Lục Diệu Pháp Môn dạy: Sổ tức, Tùy tức, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Lấy đó làm căn bản tu Thiền. Nhưng khi đọc về Thiền tông Trung Hoa, tôi vẫn không hiểu gì cả. Tôi buồn lắm.
Sau đó tôi vâng lời quí Hòa thượng, trở về Phật học viện Huệ Nghiêm dạy và đồng thời mở một lớp Trung đẳng chuyên khoa tại Dược Sư, chúng tôi dạy ba năm. Trong thời gian này tôi vừa dạy vừa tu thiền Sổ tức và Tùy tức. Dạy được ba năm tôi nhớ lại: Có một lần đi giảng ở Rạch Giá với thầy Huyền Vi, Phật tử nghe pháp đông lắm. Chúng tôi giảng sách Phật Học Phổ Thông, giảng khóa thứ nhất thì êm xuôi. Đến khóa thứ hai nói về sự tu chứng Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền v.v…. Giảng xong có một Phật tử đến quì thưa:
- Bạch Thầy, quí Thầy dạy tu sẽ chứng được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền cho tới Tu-đà-hoàn v.v… Thưa, như vậy quí Thầy đã chứng được quả gì rồi?
Lúc đó tôi lúng túng không biết trả lời làm sao? Dạy người ta rõ quá, Sơ thiền là Ly sanh hỉ lạc v.v… nhưng hỏi thầy chứng được quả gì thì câm miệng! Khi ấy thầy Huyền Vi nhanh trí cứu bồ tôi, Thầy nói: “Đạo hữu nên biết người tu chứng như uống nước nóng lạnh tự biết, làm sao nói được.” Vị Phật tử đó mới không hỏi nữa. Nhưng kể từ đó tôi rất khắc khoải trong lòng, mình dạy người ta tu mà thật tình mình đã tu được gì chưa?
Cho nên khi dạy đủ ba năm ở Huệ Nghiêm cũng như ở Dược Sư, tôi liền xin Hòa thượng Viện trưởng và thầy Minh Châu ở Vạn Hạnh (vì lúc đó tôi cũng có dạy ở Vạn Hạnh) được nghỉ. Thầy Minh Châu đồng ý nhưng Hòa thượng Viện trưởng thì không vui, tuy nhiên Ngài cũng không ngăn cản. Bấy giờ tôi dứt khoát tu Thiền, vì nghĩ rằng đã tạm trả nợ áo cơm xong, nên có thể lên núi tu.
Sau đó tôi ra Vũng Tàu cất thất để tên là Pháp Lạc Thất, tức là thất vui với chánh pháp. Tôi đem Tạng kinh theo nghiên cứu tu tập. Trong khi tu Thiền tôi không được ai chỉ dạy. Vì không thể tin những người không học Phật mà dạy tu Thiền nên tôi chẳng tìm người ngoài, chỉ nghiền ngẫm theo kinh điển để tu. Trong thời gian đó, có thể nói nhờ túc duyên lâu đời đã gieo sẵn hạt giống lành, nên tôi cố gắng hết sức mình, dù việc tu có nhọc nhằn cực khổ. Nếu tu Thiền điên, có lẽ tôi điên trước tiên, vì không có thầy mà tự tu thì dễ bị điên lắm.
Tôi nghĩ đời tu của mình chưa chắc có phước lành được kết quả tốt. Bởi vậy năm 1968 tôi tuyên bố nhập thất, nếu thấy biết điều gì mới lạ tôi sẽ mở cửa thất để giảng dạy cho Tăng Ni. Còn nếu mù tịt không biết gì hết thì đóng cửa chết luôn trong đó. Nên tôi tuyên bố nhập thất vô thời hạn. Tôi nghĩ cứ tu như vậy chết cũng không hổ thẹn. Tuy nhiên chỉ trong vòng tám tháng, từ ngày mùng tám tháng tư đến mùng tám tháng chạp, tôi mở cửa thất.
Khi về thăm lại huynh đệ, có một số vị nói tôi tuyên bố nhập thất vô thời hạn mà mới có một thời gian đã mở cửa, chắc ngán rồi! Hay là buồn chịu không nổi, nhưng tôi tự biết. Tôi trình với Hòa thượng Viện trưởng và nói chuyện với thầy Bửu Huệ. Thầy Bửu Huệ hơi tiếc, thầy nói như vậy còn ngắn, phải đóng cửa lâu thêm chút nữa. Nhưng vì tôi quá nhiệt tình, thấy biết được điều gì hay, điều gì mới thì phải nói cho mọi người cùng tu chớ làm thinh không được, nên tôi ra thất lập Thiền viện năm 1969.
Năm 1970 mở khóa đầu dạy Thiền cho chư Tăng, Ni. Tôi còn ngờ tuy mình tu không bị điên nhưng không biết dạy người tu có sao chăng? Vì vậy tôi chọn các huynh đệ đã học Phật khá, tu hành tương đối nghiêm túc, nhận vào khóa đầu chỉ có mười người, tu thử trong vòng ba năm.
Qua ba năm không thấy ai điên hết, tôi mở khóa thứ hai, chư Tăng hơn hai mươi vị, cộng với Linh Quang nữa là bốn mươi mấy. Chư Ni cũng được hai ba chục. Nhưng đến năm 75 - 76 hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Thiền viện hết gạo, thầy trò phải chạy, thành ra khóa thứ hai dở dang.
Sau khi tu Thiền được rồi, tôi đọc lại Tạng kinh tìm Ngữ lục của các Tổ ở Trung Hoa. Đọc đến sử ba mươi ba vị Tổ, nhất là Tổ Bồ-đề-đạt-ma, với giai thoại Thần Quang đến hỏi đạo, Tổ ngồi xây mặt vào vách ở chùa Thiếu Lâm. Vào mùa đông ở miền Bắc Trung Quốc tuyết rơi dày mịt, Ngài Thần Quang đứng ngoài sân chấp tay nhìn Tổ từ đầu hôm tới khuya, tuyết rơi đến đầu gối mà Ngài vẫn thản nhiên chấp tay hướng về Tổ. Tổ Đạt-ma mới xoay lại hỏi:
- Ông đến đây cầu việc gì mà lại chịu khổ hạnh như vậy?
Ngài Thần Quang thưa:
- Con đến đây cầu pháp môn cam lồ, xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
Tổ quở:
- Từ trước các vị Bồ-tát muốn cầu đạo phải xả thân: chặt tay, nhịn đói… khổ hạnh trăm bề mới cầu được pháp, chỉ chút khổ hạnh này mà cầu pháp được sao?
Nghe vậy Ngài xá lui. Xuống nhà bếp Ngài mượn dao chặt cánh tay dâng lên để cầu pháp. Tổ Đạt-ma khen “Được” và nhận làm đệ tử. Một hôm ngài Thần Quang thưa: “Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin Ngài dạy con pháp an tâm.” Hợp lý quá, Ngài ngồi tu mà tâm cứ chạy tứ tung không an, cho nên cầu xin pháp an tâm, lời thưa rất là thật thà. Tổ bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Trường hợp bảo như vậy chúng ta phải làm sao? Nhưng ngài Thần Quang không dám xem thường lời của Tổ nên xoay lại tìm xem tâm lăng xăng của mình hiện ở đâu. Tìm một hồi không ra, Ngài thưa: “Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.” Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Ngay câu nói đó ngài Thần Quang liền lãnh hội, biết được đường vào.
Hồi xưa tôi đọc tới đó như người mù, không biết gì hết. Sao Tổ dạy nghe như nói đùa, không có gì gọi là tha thiết hết, làm sao học thiền được, nên tôi hơi buồn. Nhưng sau này khi đọc tới đây tôi thấy hay quá là hay, hay đáo để. Ngài quán chiếu tìm lại tâm thì nó ẩn mất, không còn bóng dáng. Khi ta nghĩ điều này, điều nọ, tức là duyên theo bóng dáng của sáu trần, lúc tìm lại thì nó ẩn mất. Vậy lúc ẩn mất đó là an hay chưa an? Là an rồi!
Nên Thiền là gì? Là xoay lại nơi nội tâm của mình, nếu nội tâm lặng yên là định. Đây là gốc của sự tu Thiền. Chúng ta cứ muốn tìm cái gì lạ, cái gì phi thường, sự thật không phải vậy. Xưa nay mọi người cứ cho rằng tâm là cái suy nghĩ, tính toán hơn thiệt. Đối với người tu, đó là những vọng tưởng hư dối, không phải tâm mình. Nếu là tâm mình, khi khởi nghĩ dữ nó là tâm mình thì lúc nghĩ lành nó là tâm ai?
Vậy nghĩ lành, nghĩ dữ chẳng qua là những niệm vọng tưởng sanh diệt, dấy lên rồi mất, mà chúng ta lầm tưởng nó thật. Từ lầm tưởng cho là thật rồi cứ theo nó. Theo nó thì tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử không cùng. Bây giờ biết nó là giả, là hư ảo không thật thì ngay đó chúng ta dừng, không tạo nghiệp nữa. Mỗi niệm dấy lên biết nó hư dối không theo, tức là phản quan. Người biết phản quan là biết tu Thiền. Đơn giản như vậy. Nhưng có nhiều người than, biết nó vọng tưởng mà sao cứ nổi lên hoài, cứ hết nghĩ việc này đến nghĩ việc kia, nghĩ đủ thứ. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần phải hiểu cho thật kỹ.
Trong kinh Lăng Nghiêm có đoạn đức Phật trả lời ngài A-nan về phần lầm nhận vọng tưởng là tâm mình, cho “cái hay suy nghĩ là tâm của con”, Phật quở: “Đó không phải là tâm của ngươi.” Khi bị quở Ngài giật mình nói: “Nếu không phải tâm con vậy thì con không có tâm sao?” Do đó Phật mới dùng ví dụ: Như có anh chàng tên Diễn-nhã-đạt-đa, mỗi sáng đến trước gương soi chải đầu. Khi đứng trước gương anh thấy đầu mặt rõ ràng trong gương. Sau đó úp gương xuống, anh không thấy đầu mặt nữa nên anh ôm đầu chạy la: “Tôi mất đầu rồi! Tôi mất đầu rồi!” Người ta nói anh đã điên. Quí vị nghĩ phải không? Tại vì anh nhìn đầu mặt trong gương cho là thật, mà đầu mặt trong gương chỉ là bóng. Mất bóng rồi ôm cái thật, chạy kêu mất đầu. Không phải điên là gì?
Cũng như vậy, chúng ta hiện giờ nhận tâm suy nghĩ tính toán, bóng dáng hư vọng cho là tâm mình thật. Đã lầm tưởng cái giả cho là thật rồi thì có còn thấy cái thật không? Diễn-nhã-đạt-đa lầm nhận bóng cho là đầu mặt thật của mình thành điên. Còn chúng ta nhận lầm vọng tưởng cho là mình thì chúng ta có điên không? Nên Phật gọi là si mê, không biết được gì là thật, gì là giả!
Khi nào chúng ta nhận ra những khởi nghĩ lăng xăng là vọng tưởng, thì lúc đó hết mê, là trí, là mình đã sáng rồi, nên không còn lầm nữa. Vì vậy Lục Tổ dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Niệm khởi thì mặc nó, chỉ sợ nó khởi mà chúng ta không biết nó hư dối. Nếu nó khởi lên chúng ta biết là hư dối là đã giác rồi. Niệm khởi là mê, mê là chúng sanh. Biết nó là vọng là dối, đó là giác. Giác tức là Phật. Một chúng sanh dấy lên, có một vị Phật hiện ra, như vậy có thua thiệt gì đâu. Niệm khởi cứ cho khởi, miễn chúng ta giác là được. Lối tu này rất cụ thể, rất thiết thực. Nếu chúng ta tu hiểu và ứng dụng như vậy thì trên đường tu sẽ rất lợi ích.
Lâu nay chúng ta mê lầm nhận giả làm thật, cho nên tất cả chúng ta phải chịu sống trong mê lầm. Ví dụ chúng ta giận ai, vừa khởi nghĩ giận thì nói tôi đang giận. Nói tôi đang giận tức là thừa nhận cái giận là tôi. Rồi đang buồn, đang tủi, đang lo, đang tức v.v… cũng tôi. Nếu giận là tôi thì khi hết giận lẽ ra tôi cũng tan. Vì nó là tôi, mà nó mất thì tôi cũng mất luôn. Nhưng chúng ta có mất không? Không mất. Rõ ràng, nếu nhận cái vọng làm tôi thì chẳng khác nào chàng Diễn-nhã-đạt-đa nhận bóng làm thật. Như vậy giận không phải thật tôi, giận một chút rồi hết, chớ đâu phải năm này tháng kia còn hoài. Lúc không giận nữa tôi vẫn có, thì làm sao nói giận là tôi được. Cũng như thế, buồn, thương, yêu, ghét không phải là tôi, chỉ là một hiện tượng của Tâm sở thôi. Do chúng ta nhận nó là mình nên không thấy được mặt thật của mình. Người tu Thiền phải nhận cho ra cái chân thật, không chạy theo các tướng tạm giả bên ngoài, gọi là nhận ra Ông chủ.
Hiểu được điều đó, khi nổi giận lên chúng ta tự hỏi cái gì giận, ai giận? Hỏi cái gì giận, là Sân tâm sở chớ không phải tôi. Khi hết giận thì nó lặng xuống. Biết như vậy trên đường tu chúng ta mới nhận được cái thật, cái hư. Chúng ta có cái chân thật mà lâu nay mình quên, cứ nhận cái hư giả là mình nên cái thật nó ẩn khuất.
Cho nên chúng tôi rất tâm đắc câu trả lời của ngài Triệu Châu. Có người đến hỏi Ngài:
- Bạch Hòa thượng, con chó có Phật tánh không?
Ngài trả lời:
- Không.
Vị Tăng ấy hỏi:
- Tại sao Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, riêng con chó không có Phật tánh?
Ngài trả lời:
- Vì nghiệp thức che đậy.
Một người khác đến hỏi:
- Bạch Hòa thượng, con chó có Phật tánh không?
Ngài trả lời:
- Có.
Hỏi:
- Phật tánh là sáng suốt, tại sao lại chui trong đãy da lông lá lù xù vậy?
Ngài trả lời:
- Vì biết mà cố phạm.
Những câu này rất là thâm trầm, nhưng mới nghe thật khó hiểu.
Hỏi con chó có Phật tánh không, Ngài nói không. Tại sao không? Vì nghiệp thức che đậy. Nghiệp thức là gì? Chữ thức là phân biệt, chính cái hiểu biết phân biệt che khuất nên không thấy Phật tánh.
Tôi ví dụ như đêm rằm trăng sáng, nhưng khoảng mười một, mười hai giờ có người nhìn lên trời không thấy trăng, liền nói sao đêm rằm không thấy trăng? Chúng ta trả lời thế nào, vì mây che khuất, chớ không phải đêm rằm không có trăng. Mây dày bịt đó là dụ cho nghiệp thức của chúng ta quen hơn thua, đẹp xấu, phải quấy, được mất v.v… lăng xăng hoài nên tâm thể bị ẩn khuất.
Chúng ta ngồi thiền để lặng tâm lăng xăng đó. Khi nào nó lặng xuống thì Tâm thể hiện tiền, như mây tan hết thì mặt trăng hiện đủ. Ý này hết sức rõ. Lâu nay chúng ta quen nhận nghiệp thức là tâm mình cho nên Chân tâm chìm ẩn. Khi nào chúng ta biết nghiệp thức không phải là mình, chỉ là bóng dáng tạm bợ, cũng như mây không phải là mặt trăng, chúng ta làm cho nghiệp thức lặng sạch thì Chân tâm hiện tiền. Đó là gốc của sự tu.
Khi tâm chân thật hiện tiền là chúng ta giác, còn nhận nghiệp thức làm tâm là mê. Sống trong mê nhưng ai nói mê thì nổi giận liền, không chịu mình mê. Tưởng rằng nghĩ nhiều, tính nhiều là khôn, không ngờ đó là đã quên cái thật của chính mình. Vì vậy chúng ta tu là để trở về cái thật của chính mình. Muốn trở về cái thật thì phải dẹp hết các thứ hư dối.
Cho nên khi Tổ Huệ Khả cầu pháp an tâm, Tổ Bồ-đề-đạt-ma bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Ngài xoay lại tìm thì lăng xăng mất nên Ngài thưa “con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Như vậy an mới thật là tâm. Không còn lăng xăng mà vẫn nghe, vẫn biết rõ ràng, đó là tâm chân thật.
Do lầm nên chúng ta tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo không cùng. Muốn giải thoát sanh tử thì phải dừng nghiệp. Nghiệp quan trọng từ ý lăng xăng tạo nên, bây giờ phải để cho nó lặng xuống. Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì thân và khẩu do ý chỉ huy. Ý nghĩ tốt, thân làm tốt, miệng nói tốt. Ý nghĩ xấu, thân làm xấu, miệng nói xấu. Như vậy gốc tất cả từ ý mà ra. Ý lặng thì ba nghiệp đồng thanh tịnh. Cho nên tu phải biết nắm ngay từ gốc. Gốc đó, Phật dạy chúng ta phải khéo nhìn đừng để lầm lẫn, phải thấy cho tường tận, để rồi cố gắng dẹp cái giả cho cái thật hiện bày.
Câu trả lời của ngài Triệu Châu rất hay, rất rõ ràng. Đến câu sau vị Tăng hỏi con chó có Phật tánh không, Ngài nói có. Hỏi Phật tánh thì sáng suốt tại sao lại chui vào đãy da lông lá lù xù, Ngài trả lời: “Biết mà cố phạm!” Bởi vì chúng ta không làm chủ được nghiệp, nên bị nghiệp lôi dẫn. Như Tăng Ni, Phật tử thì ai cũng biết nóng giận là xấu. Nhưng có ai chọc tức liền nổi giận đùng đùng. Biết xấu mà vẫn làm, đó gọi là biết mà cố phạm. Chúng ta biết điều đó dở, xấu nhưng bị nghiệp chi phối nên gặp cảnh liền khởi tội ác, rồi bị tội ác dẫn đi. Người tu biết điều đó phạm mà vẫn bị nghiệp kéo lôi là vì đạo lực yếu, nghiệp lực mạnh. Chết không làm chủ được thì khi tái sanh làm sao được chỗ như ý?
Câu trả lời thứ hai nhắc nhở người cư sĩ hay xuất gia, nếu không làm chủ được nghiệp lực của mình thì chừng mất phải đọa vào những đường khổ, vì bị nghiệp dẫn. Người xuất gia nếu không cố gắng tu tập vẫn bị nghiệp lôi như thường. Đó là điều thiết yếu chúng ta phải hiểu.
Chúng ta tu phải làm chủ được mình, tức là làm chủ nghiệp. Có nhiều vị tu sĩ, tu một thời gian rồi hoàn tục. Gặp bạn bè hỏi sao thầy không tu nữa, vị ấy nói tại nghiệp. Nói tại nghiệp là nói gọn, chớ nói đủ là: Tại nghiệp nó dẫn tôi, tôi thua nó nên tôi không tu nữa. Như vậy tất cả việc thua trận đều do nghiệp làm chủ mình. Nếu chúng ta thắng được nó thì chúng ta làm chủ, tự do tự tại. Tự do tự tại là giải thoát sanh tử rồi.
Việc tu rất tế nhị, phải nhìn sâu vào trong nội tâm mình để gạn bỏ những thứ nhơ nhiễm, nuôi dưỡng tâm thanh tịnh. Cho nên trong nhà thiền thường dùng từ “trưởng dưỡng thánh thai”, tức nuôi dưỡng thai thánh càng ngày càng thanh tịnh, đó là chỗ tiến bộ của người tu.
Đến đây tôi nói về Thiền tông của Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Ngài truyền Thiền cho Tổ Huệ Khả. Khi Tổ Huệ Khả đã nắm vững đường lối, biết rõ phương pháp tu. Tìm tâm tức phải xoay vào, tìm nó nhưng không thấy dấu vết là được an. Như vậy an tâm là định, còn chạy là còn loạn động. Do đó đường lối tu Thiền cốt phải an tâm.
Tôi kể một vị nữa là ngài Đạo Tín. Lúc còn Sa-di mới mười bốn tuổi, Ngài gặp Tổ Tăng Xán liền đảnh lễ:
- Hòa thượng dạy cho con phương pháp giải thoát.
Khi đó Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt hỏi:
- Ai trói buộc ngươi?
- Dạ không có ai trói buộc hết.
Tổ bảo:
- Không ai trói buộc thì cầu giải thoát làm gì?
Ngay đó ngài Đạo Tín liền ngộ.
Ngộ đạo dễ quá! Ngộ cái gì? Đó là những nét rất chí lý, chúng ta cần phải thấy.
Chúng ta tu có ai không cầu giải thoát đâu, ai cũng khao khát cầu giải thoát. Vậy giải thoát là gì? Chữ giải là cởi mở, thoát là vượt ra. Như người bị trói cột ở một nơi nào đó, được mở trói thì nói đã giải thoát cho người ấy rồi. Tóm lại giải thoát tức là mở trói, đi đứng tự tại. Ngài Đạo Tín vì khao khát giải thoát nên cầu Tổ chỉ dạy. Nhưng muốn giải thoát thì phải biết cái gì trói cột. Nếu không biết cái gì trói cột thì làm sao giải thoát. Tất cả người tu chúng ta đa số đều nói nghiệp trói cột. Vì nó trói cột nên không được giải thoát.
Vậy cái gì tạo thành nghiệp? Thân, khẩu, ý nhưng trọng tâm là ý. Ý là nhân tạo nghiệp, nhưng nếu ý thật thì cột chúng ta mới được. Trái lại cả ngày ý sanh diệt không biết bao nhiêu lần thì làm sao thật được. Ý đã không thật thì nghiệp thật không? Cho nên khi ngài Đạo Tín yêu cầu Tổ dạy phương pháp giải thoát thì Tổ bảo:
- Ai trói buộc ngươi?
Ngài sửng sốt tìm lại xem cái gì trói buộc. Đó cũng là phản quan, xem cái gì trói buộc mình, phăng tìm khắp nơi không thấy nên Ngài thưa:
- Con không thấy có gì trói buộc hết.
Tổ bảo:
- Cầu giải thoát làm gì?
Nhìn lại không thấy có gì trói buộc tức là giải thoát rồi. Như vậy muốn được giải thoát chúng ta đừng ảo tưởng, đừng mê lầm, chúng ta thường nghĩ rằng bị cột trói là cục cựa nhúc nhích không được. Bây giờ phải mở trói mới cục cựa nhúc nhích được. Nhưng sự thật không phải. Chúng ta đang bị mê lầm chấp giả làm thật. Từ mê lầm rồi tạo nghiệp trầm luân. Nếu bây giờ chúng ta tỉnh táo, biết giả dối là giả dối thì mọi sự trói buộc cũng hết theo, chớ không có gì lạ. Như vậy người biết tu phải quay lại tìm cho ra cái gì là nhân trói buộc, cái gì là quả giải thoát. Thấy tường tận như vậy thì tự nhiên chúng ta giải thoát, chớ đừng cầu ai hết.
Qua câu chuyện của vị Thiền sư, chúng ta thấy ý nghĩa rất rõ ràng. Muốn giải thoát không phải tìm kiếm ở đâu xa, mà phải phản quan lại mình, thấy cho tường tận, thấy cho rõ ràng thì chúng ta sẽ đi tới giải thoát, không nghi ngờ. Đó là tôi nói hai vị Tổ ở Trung Hoa.
Hiện giờ tôi có một Thiền viện ở Đà Lạt, tôi đặt tên là Thiền viện Trúc Lâm. Nói đúng là phải gọi Trúc Lâm Yên Tử, nhưng muốn gọi gọn tôi chỉ đặt Thiền viện Trúc Lâm. Tại sao tôi gọi Thiền viện Trúc Lâm? Vì tôi thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, người truyền Thiền tông đầu tiên ở đất nước ta là Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi, người Ấn. Kế đó là Tổ Vô Ngôn Thông, người Hoa. Sau nữa là ngài Thảo Đường cũng người Hoa.
Đến khi ngài Trần Thái Tông là ông vua đầu tiên của nhà Trần tu Thiền, khi rảnh rỗi Ngài trì kinh Kim Cang. Một hôm nhân khi đọc đến câu
Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Ngài để kinh xuống nghiền ngẫm giây lâu, bỗng dưng giác ngộ thấy được lý Thiền. Khi ngộ được câu đó, về sau Ngài có viết cuốn Thiền Tông Chỉ Nam, nhưng đã thất lạc mất, chúng ta chỉ còn tìm được bài tựa thôi, bản chánh đã bị mất.
Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa là Tổ Huệ Năng. Khi nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang trong lúc giữa đêm, tới câu
bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Ngài liền bừng ngộ và lớn tiếng nói: “Đâu ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt…” Ngũ Tổ vui mừng bảo: “Ông đã ngộ được bản tánh”, liền trao y bát cho Ngài.
Chúng ta thấy rõ ràng muốn được an tâm, phải làm sao? Là khi phát tâm Vô thượng Bồ-đề không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức là không dính mắc với sáu trần. Mà không dính mắc với sáu trần thì an tâm. An tâm tức là dừng tâm lăng xăng. Nhưng Lục Tổ, Ngài còn thấy ngay nơi mình có cái thể chưa từng sanh diệt, nên nói nào ngờ tánh mình xưa nay không sanh không diệt. Ngài thấy được thể tánh ấy trùm khắp, nên nói nào ngờ tánh mình trùm khắp muôn vật… Thấy rõ ràng như vậy nên được Tổ truyền tâm ấn và trao y bát cho.
Ở Việt Nam, vua Trần Thái Tông đọc kinh Kim Cang tới chỗ đó cũng ngộ được lý Thiền, nên sau này Ngài có viết quyển Khóa Hư Lục. Trong Khóa Hư Lục, Ngài cũng diễn tả chỗ thấy biết của mình trên phương diện tu hành.
Đến vua thứ hai là Trần Thánh Tông cũng ngộ được lý Thiền và vua thứ ba là Trần Nhân Tông còn đặc biệt hơn nữa. Trần Nhân Tông khi còn là Đông cung Thái tử, vua cha đã cho học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi học xong, sắp từ giã trở về lãnh trách nhiệm của quốc gia, Ngài mới hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:
- Việc chủ yếu của Thiền tông là gì?
Tuệ Trung Thượng Sĩ liền đọc nguyên một câu chữ Hán:
- Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.
Phản quan là soi sáng lại, tự kỷ là chính mình. Soi sáng lại chính mình là việc bổn phận chánh, không từ bên ngoài mà được. Nghe câu nói đó Ngài liền lãnh hội được yếu chỉ Thiền. Vì vậy sau khi trở về làm vua, dẹp giặc v.v… cuối cùng Ngài xuất gia. Sau khi xuất gia, Ngài thành lập một hệ phái gọi là Trúc Lâm Yên Tử và Ngài là Sơ Tổ. Như vậy tại sao tôi chọn phái Trúc Lâm Yên Tử làm chỗ qui hướng của mình để khôi phục lại hệ phái đó?
Ở Ấn Độ, Thái tử Tất-đạt-đa khi thức tỉnh đi tu, Ngài thành Phật. Còn ở Việt Nam chúng ta, ông vua ngộ đạo từ lúc nhỏ. Khi rảnh việc triều chính, liền giao ngai vàng lại cho con rồi tu hành thành Tổ. Nếu nói theo tinh thần dân tộc Việt Nam, vị Tổ thiền của Phật giáo Việt Nam chính là Sơ tổ Trúc Lâm. Cho nên với tinh thần Phật giáo Việt Nam, tôi chủ trương khôi phục Thiền tông đời Trần là vì thế.
Hơn nữa một ông vua đi tu cũng như một ông hoàng đi tu. Một ông Hoàng thái tử là do muốn tìm cái gì vượt ngoài cả ngai vàng điện ngọc, chớ nếu tầm thường thì không bao giờ đi tu. Vì lý tưởng cao đẹp đó mà Thái tử Tất-đạt-đa đi tu. Do đó Ngài tìm được đạo giải thoát.
Còn ở Việt Nam chúng ta, một ông vua đi tu; nếu vàng bạc của báu là quí thì Ngài không đi tu. Vì Ngài thấy có một cái gì cao siêu hơn tất cả những thứ đó nên Ngài mới bỏ ngai vàng đi tu. Do đó giáo lý Ngài hấp thụ được, đem ra giảng dạy phải là siêu việt chớ không thể tầm thường.
Vậy mà hiện nay chúng ta có lắm người đi tu nhưng lâu lâu cũng nhiễm danh kẹt lợi, rồi thối Bồ-đề tâm. Đó là do họ chưa tìm được sự cao siêu, sự giải thoát cho nên không thấy được điểm hay của đạo. Một ông vua khi đã nếm vị giải thoát rồi thì cả thế gian đều không quan trọng, chỉ có đạo giải thoát là trên hết. Đó là giá trị chân thật, vì vậy chúng tôi muốn khôi phục lại chân tinh thần đó để Tăng Ni Việt Nam không tủi nhục rằng chúng ta đi tu chỉ vì miếng cơm manh áo, ẩn dương nương Phật qua ngày. Chúng ta đi tu là vì một lý tưởng siêu phàm, một lý tưởng vượt hơn tất cả thế tục, chớ không phải tầm thường.
Trở lại câu “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, ý nghĩa như thế nào? Tôi xin nêu lên cho tất cả biết, tông chỉ từ Tổ Bồ-đề-đạt-ma dạy cho Tổ Huệ Khả, đến Việt Nam chúng ta gần cả ngàn năm mà tông chỉ đó không thay đổi. Tại sao? Bởi vì Tổ Đạt-ma bắt Tổ Huệ Khả phải nhìn lại chỗ tâm bất an của mình. Quay lại tìm tâm bất an, tìm chừng nào nó lặng, đó là an tâm. Ở đây, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ bảo “phản quan tự kỷ” tức là soi sáng lại chính mình. Đó là phận sự chánh, không phải từ ngoài mà vào.
Như vậy, xoay lại chính mình là việc gốc của người tu Thiền. Người tu Thiền không tìm kiếm những phép lạ thần thông huyền bí, mà phải quay lại soi sáng mình, tìm cho ra cái gì hư cái gì thật. Hư là giả dối, thật là chân thật. Cái giả dối không lầm, nhận ra cái chân thật chính là kiến tánh.
Trọng tâm của người tu là muốn được giải thoát, nhưng giải thoát cái gì? Thân này sẽ bại hoại không thể giải thoát được, chỉ có tâm. Mà tâm do phân biệt hay suy ngẫm là tâm hư ảo, không thật có thì đâu cần giải thoát. Chỉ tâm chân thật không sanh diệt mới không bị sanh tử, nhưng chúng ta vì vô minh mê lầm che đậy nên nó không hiện bày. Quay tìm lại cái siêu thoát trên tất cả là phận sự chánh của người tu Thiền, còn tìm cái gì khác là sai.
Như vậy từ Tổ Đạt-ma truyền thiền sang Tổ Huệ Khả, sau này đến Việt Nam ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ trao tông chỉ cho ngài Điều Ngự Giác Hoàng tức Sơ tổ Trúc Lâm vẫn nguyên vẹn trên tinh thần như vậy, không sai chạy. Tinh thần ấy muôn đời vẫn thế, không thể nào khác hơn được.
Thế thì Thiền tông có phải là cội gốc của đạo Phật hay không? Trở lại đức Phật, Ngài ngồi dưới cội bồ-đề để làm gì? Ngài cũng phản quan lại chính mình, dẹp tan các thứ hư vọng. Khi hư vọng lặng rồi Ngài được chánh định. Từ định phát tuệ, Ngài bừng sáng nên gọi ngộ đạo thành Phật. Do đó Ngài dạy lại hàng đồ đệ pháp Tứ niệm xứ cũng là phản quan.
Như quán thân bất tịnh là xoay lại thân mình, quán thọ thị khổ là xoay lại cảm giác của mình. Bởi vì tất cả cảm giác mà thế gian mê đắm đều là những cảm giác vô thường, tạm bợ nên khổ. Quán tâm vô thường là soi lại nội tâm mình, gồm có tâm thiện tâm ác v.v… đó là tướng vô thường sanh diệt không thật. Quán pháp vô ngã, những gì do nhân duyên tụ hợp đều không có chủ thể, không thật. Đó là soi thấu chính con người mình, không lầm lẫn. Nhận chân được lẽ thật là chúng ta giác ngộ, chúng ta thấy đạo.
Vì vậy tất cả những người tu Phật, nhất là trong thời đại hôm nay, đặc biệt một số người Tây phương, khi nghiên cứu đạo Phật họ chỉ thích tu Thiền, chớ không tu pháp nào khác.
Như vậy Thiền là cội gốc của đạo Phật, bắt nguồn từ Ấn Độ chảy mãi sang đến Trung Hoa, Việt Nam, duy có một gốc không hai không khác. Chỉ vì lâu ngày, do chúng ta yếu đuối rồi châm chước, chế biến thấy hơi khác, hơi lạ. Khi tôi nghiên cứu kỹ lưỡng lối tu của Phật của Tổ, rồi nhìn lại lối tu hiện tại của đa số tu sĩ chúng ta, tôi thấy có những nỗi buồn.
Như bây giờ Tăng Ni chúng ta ở chùa, đa số lấy gì làm thời khóa tu chính? Lấy hai thời khóa tụng. Tối tu Tịnh độ, khuya tụng chú Lăng Nghiêm, cho đó là gốc của sự tu. Nhưng hỏi hai thời khóa tụng đó xuất phát từ đâu, lúc nào, quí vị có biết không? Đó là một vấn đề. Nhiều khi chúng ta làm mà không biết mình làm theo ai. Đó là điều đáng buồn.
Nếu nghiên cứu kỹ, chúng ta sẽ thấy hai thời khóa tụng xuất phát từ đời nhà Thanh ở Trung Hoa. Tại sao ở Trung Hoa lại có hai thời khóa tụng đó? Bởi vì từ đời nhà Nguyên, quân Mông Cổ vào xâm chiếm nước Trung Hoa. Mà người Mông Cổ ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng, rất trọng Mật tông. Vì vậy, Trung Hoa khi bị nhà Nguyên cai trị thì Mật tông bắt đầu phát triển.
Đến đời nhà Thanh cũng thế, chuyên về Mật tông. Do đó kiểm lại trong hai thời khóa tụng, thần chú chiếm hết hai phần. Như tối tu Tịnh độ, trong nghi thức cầu siêu thì phải tụng chú Đại bi trước, sau khi niệm Phật tụng chú Vãng sanh. Chú Đại bi và chú Vãng sanh là Mật. Còn buổi khuya thì tụng năm đệ chú Lăng Nghiêm rồi Thập chú, toàn là Mật.
Gần đây chúng ta lấy hai thời khóa tụng làm tiêu chuẩn tu hành, mà hai thời khóa tụng chỉ có vào đời nhà Thanh, khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Còn tổ tiên chúng ta từ thế kỷ thứ III mãi cho đến thế kỷ XVIII đều tu Thiền. Như vậy ngót một ngàn năm trăm năm, tổ tiên tu Thiền mà bây giờ con cháu không biết gì hết!
Đức Phật Thích-ca tu Thiền mà được thành đạo, đệ tử Ngài cũng vậy. Đó là gốc mà bây giờ chúng ta không biết Thiền, tức chúng ta mất gốc số một rồi. Gốc thứ hai là trên đất nước Việt Nam mình, tổ tiên trong nhà Phật ngày xưa cũng tu Thiền, mà bây giờ chúng ta cũng không biết luôn. Đức Phật chủ trương tu Thiền, chư Tổ cũng chủ trương tu Thiền, mà con cháu nói tu Thiền điên. Như vậy con cháu có trung thành với Phật, Tổ không? Đó là điều chúng ta phải nghiên cứu tận gốc rễ. Không nên xưa bày nay làm, mà phải tìm tận cội gốc để khỏi lầm lẫn.
Từ chỗ không lầm lẫn chúng ta mới đi tới chỗ tu hành chín chắn như sở nguyện. Tu cầu giải thoát giác ngộ, chớ không phải tu cầu được ấm no, được nhiều vật chất. Hiểu cho tường tận như vậy thì trên đường tu được kết quả tốt. Xả thân cầu đạo như vậy mới xứng đáng, bằng không thì thật uổng phí đời tu của mình.
Mong tất cả hiểu được Thiền là cội gốc của đạo Phật, để từ đó chúng ta cố gắng tu tập và đạt được kết quả như lời của Phật dạy. Chúc tất cả đều được sở nguyện viên thành.
An-ban tiếng Phạn là Anàpàna, có nghĩa là thở vào thở ra. Thủ ý có nghĩa nắm giữ tâm, nghĩa chánh niệm. Thành ra Anàpànasmrti dịch là An-ban Thủ Ý.
Ý kiến bạn đọc