Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập2-Thỉnh Nguyện Ni-Đoạn 2

Đăng lúc: Thứ hai - 24/03/2014 16:38 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập2-Thỉnh Nguyện Ni-Đoạn 2

Phụng Hoàng Cảnh Sách-Tập2-Thỉnh Nguyện Ni-Đoạn 2

MỤC LỤC
Lời Đầu
Thỉnh Nguyện Tăng:
Đoạn 1
Đoạn 2
Thỉnh Nguyện Ni:
Đoạn 1
Đoạn 2
Đoạn 3
Câu chuyện buổi chiều

=======================================================
THỈNH NGUYỆN NI
ĐOẠN 2

Ngày 14-12 Giáp Tuất (14-1-1995)
Thầy nhiều lần nhắc nhở, chúng ta chưa là Thánh nên ai cũng có lỗi lầm, nhưng lỗi lầm mà biết sửa thì từ từ trở thành hay, tốt. Biết lỗi sám hối là điều đáng khen, đáng mừng chớ không phải xấu dở. Vì vậy tụi con khi có lỗi, biết sám hối, chừa bỏ là tốt. Mong rằng tất cả trong chúng, mỗi người đều cố gắng tu hành và gìn giữ, lỗi lầm ngày càng giảm bớt, để thân tâm được an lạc.

Tất cả tụi con đều quyết chí tu cầu giải thoát, nhưng trong khi tu cũng có nhiều trở ngại hay lúc làm việc có những cái chướng. Nay Thầy nhắc nhở cho tụi con hiểu rõ ràng về sự tu hành. Trong đạo Phật, muốn được giải thoát phải nhìn tường tận lại mình, từ chuyên môn gọi là “phản quan tự kỷ”. Nhìn tường tận nơi mình, biết rõ cái gì là thật, cái gì là giả. Trước hết phải biết cái giả thì mới nhận chân được cái thật nơi mình. Tụi con kiểm điểm lại thấy tâm và thân mình cả hai cái đều không thật mà hiện nay chúng ta đang mắc kẹt hai cái đó.

Đạo Phật lấy vô ngã làm nền tảng giải thoát. Sở dĩ chúng ta chấp ngã là vì thấy thân này hoặc tâm suy nghĩ phân biệt là thật, là tâm mình. Cả thân tâm đều không thật mà chúng ta luôn luôn chấp thật. Đó là nền tảng si mê, là vô minh. Còn thấy tâm thật, thân thật thì sanh tử muôn đời không bao giờ dứt. Muốn dứt sanh tử phải dứt tạo nghiệp, còn thấy thân tâm thật là còn tạo nghiệp. Vì vậy Phật nói vô ngã, không thấy thân thật, cũng không thấy tâm thật. Vậy mà lâu nay chúng ta chấp cái hư giả cho là mình. Do chấp như vậy nên luôn tạo nghiệp, đi trong luân hồi.

Chúng ta quyết tâm tu giải thoát sanh tử, trước hết phải thấy rõ thân, tâm sanh diệt hư dối không thật. Đây là nền tảng sự tu. Thân tâm không thật nên không còn chỗ để chấp trước và ái nhiễm. Chúng sanh mất thân này liền chụp thân khác, đều do vì chấp thân, mất nó tưởng như mất mình. Hoặc chúng ta chấp tâm phân biệt suy tính cho là tâm mình, nên theo niệm dấy khởi tạo nghiệp, làm nhân luân hồi sanh tử. Thân và vọng tâm là gốc sanh tử, vì vậy phải luôn nhớ thân tâm này không thật. Học trong kinh Kim Cang Phật dạy hai cái đều hư dối giả tạm, vậy mà mình vẫn thấy thật như thường. Đó là học mà không thấm.

Hồi xưa, trong khi Thầy học và tu ở Chân Không, Phật dạy giả mà mình thấy không giả; đọc Bát-nhã: “chiếu kiến ngũ uẩn giai không” làu làu mà thấy “có” chớ không phải “không”. Bệnh chúng ta là chỉ thuộc danh từ mà không thấm ý nghĩa. Ý nghĩa đó phải đem hết tâm tư quán chiếu mới thấy được. Cho nên sau này lúc chuyên tu, Thầy phát hiện ra được cái giả của thân, đối với thân này không còn lầm nữa. Còn tụi con nói giả là nói theo lời Phật, quán theo lời giảng của Thầy chớ không thật thấy.

Thầy phát minh ra sao tụi con nhớ không? Thường mình phân tích thân năm uẩn hay tứ đại này là giả, lối phân tích đó dùng lý trí chớ không thấy lẽ thật. Nhưng rồi một hôm Thầy nhận ra lẽ thật đó, mới thấy thân này là giả không chối cãi được. Thân do tứ đại hòa hợp thành nhưng phải mượn tứ đại bên ngoài để tồn tại. Mượn bằng cách nào? Lỗ mũi chúng ta hiện đang thở nghĩa là đang mượn không khí bên ngoài đem vô. Hít là mượn, thở ra là trả. Chúng ta sống đây chỉ là sự mượn trả đều đặn, nếu ngưng lại chết liền. Như vậy là thật hay giả?

Nếu thân thật thì không phải mượn, tự nó tồn tại. Còn cái này mượn rồi trả, mượn không trả là chết, trả không mượn cũng chết, trả mượn gọi là sống. Vay mượn tức không phải thật là mình. Một lát mượn tách nước rồi trả. Một lát mượn chén cơm cũng trả. Một ngày kiểm lại, toàn là tìm đủ điều kiện để mượn đất, nước, gió, lửa đem vô rồi trả ra. Mượn trả, mượn trả, chỉ có cái mau cái chậm thôi. Gió thì mượn trả liền, nước vài tiếng đồng hồ trả, đất ngày sau trả. Cứ như vậy, sự sống mình là cái gì? Sự sống chỉ là sự vay mượn đều đặn. Sống bằng vay mượn làm sao thật được! Nếu mượn trả đều đặn, suôn sẻ là sống mạnh khỏe, hạnh phúc, còn trục trặc thì chở đi bệnh viện!

Như vậy cuộc sống mình là gì? Thử định nghĩa lại “sống” là gì? Tụi con kiểm xem tất cả mọi người đang sống chỉ là mượn trả mà không ý thức được điều đó, lại hiểu lầm về các công dụng phụ. Như ăn là mượn đất mà không ngon thì nuốt trọng nên phải có chút gì đó cho ngon, nuốt vô đầy bao tử rồi trả. Nhờ có chút vị ngon để mượn trả hăng hái một chút. Khi ăn ngon phải nhớ mình ăn là mượn vô tạm rồi trả chớ không phải còn hoài.

Tụi con nhớ từ hồi nhỏ đến lớn, đến già cũng mượn trả, tới lúc trả không mượn là chết. Như vậy suốt cuộc đời giá trị ở chỗ nào? Vay mượn mà giá trị gì! Chỉ có mượn trả đều đều, ở đâu có đủ điều kiện mượn trả là chỗ văn minh. Mượn mà trả không được là khổ sở, hoặc trả không có mượn cũng khổ. Cả hai đều khổ. Nếu mình bám vào thân hư dối này thì cuộc sống không có nghĩa lý gì hết. Cái thân tạm bợ chấp là thật mình, đó là si mê đáo để! Cơm nước, không khí ở ngoài, hễ mượn đem vô liền nói của mình. Hiểu vậy rất là lầm!

Trong kinh thường nói, sống trong thế gian này do duyên hợp mà còn, duyên ly tán thì mất. Khi Thầy ngồi lại nghiệm thấy rõ sự sống trong vay trả, biết rõ ràng như vậy thấy cuộc sống mình bớt quan trọng đi, không còn nghĩ mình ăn, mình uống, mình làm này làm kia, chỉ là mượn và trả. Đồ mượn thì dở dở cũng được không cần tốt, đâu có gì quan trọng. Chỉ là chút cảm giác ở lưỡi, vậy mà đồ ngon thì thích, đồ dở không ưa. Chưa chắc đồ ngon bồi bổ tốt. Thí dụ thuốc uống không ngon nhưng giúp ích cơ thể, ăn chiên xào thấy ngon chưa chắc gì không gây bệnh.

Như vậy, hiểu rõ cuộc sống là vay mượn tạm, không có gì quan trọng. Đừng lệ thuộc vào lưỡi, vào mùi vị, là thắng được cảm giác, làm chủ lấy mình. Người đời thích ăn ngon nên phải làm lụng cực khổ. Các cảm giác đó chẳng có gì bền lâu, đều là mượn trả. Nhớ như vậy tụi con giảm bớt sự lệ thuộc vào cảm giác, không bị nó lôi đi.

Đó là Thầy chỉ cho tụi con thấy thân này không thật. Rõ ràng là như vậy. Nếu mình nhận chân được lẽ đó, nhìn lại thấy cuộc đời thật tức cười. Mấy chục năm mượn trả rồi lần hồi hoại luôn, đất lại về đất... Hiểu được lẽ đó rồi thấy cuộc sống không có gì quan trọng, vậy mà người ta suốt đời chạy theo cảm giác, ăn, mặc, ngủ... không thể có tinh thần siêu xuất, chỉ lăng xăng với những cái rất tầm thường tạm bợ của thân.

Thầy thấm thía câu chuyện Phá Táo Đọa.

Ở làng nọ, dân chúng thờ ông Táo trong đền rất linh, cầu xin cái gì cũng được, nên người ta làm gà vịt liên miên để cúng. Khi ngài Phá Táo Đọa đi qua đó, thấy dân chúng giết hại chúng sanh nhiều quá, Ngài hỏi, dân làng nói:

- Ông Táo ở đây linh lắm, cầu gì cũng được nên chúng tôi tin tưởng.

Ngài cầm cây gậy gõ lên bếp ba cái, bảo:

- Dốt! Bếp này chỉ do đất nung thành. Thánh từ đâu đến, linh từ đâu lại mà giết hại sinh vật như thế?

Sư lại gõ ba cái, ngay lúc đó bếp vỡ vụn rơi xuống. Dân chúng sợ hãi:

- Thế nào Hòa thượng cũng bị vật chết!

Nhưng rồi Ngài không sao cả. Đi một đoạn đường, Ngài thấy một người mặc áo xanh quì ở giữa đường trước mặt, bèn hỏi:
- Ông là ai?

Trả lời:

- Tôi là thần Táo. Nhờ ơn Hòa thượng nhắc nhở mà tôi được tỉnh, sanh lên cõi trời. Nay đến đây xin tạ ơn Hòa thượng.

Ngài nhắc nhở cái gì? Ông Táo nhờ đất nước gió lửa hợp thành. Khối đất đó linh thiêng là do thần thức của người nương dựa vào, gọi là quỉ thần hay thần Táo, rồi tác oai tác quái. Ngài chỉ nhắc do đất nước gió lửa hợp thành, vậy linh từ đâu mà đến. Vị thần giật mình hiểu rõ, chỉ là gá với đất nước gió lửa chớ không có gì thật nên bếp tự vỡ vụn. Biết rõ, buông nó là thoát kiếp thần Táo.

Tụi con nhớ mình đang gá cái gì đây? Cũng từ đất nước gió lửa mà thành, vậy mà tưởng là thật mình. Như tụi con thấy người ta giết heo xẻ bụng ra để trên thớt. Nếu nhìn bằng con mắt sáng suốt thì da thịt con heo đó là hôi tanh, nhưng tại thèm ăn nên thấy ngon, không thấy sự thật ghê gớm, máu tanh hôi hám. Đối với thịt súc vật, thịt của mình có khác không? Nhìn thấy tường tận da thịt của mình cũng như da thịt con heo, con bò vậy thôi. Đem tất cả bộ phận của con người để ra ngoài, tụi con ưa không? Khi nó tạm ổn trong thân lại lầm mê ưa thích nó!

Chúng ta đang gá tứ đại mà cho là mình rồi chấp chặt, mất thân này, chụp thân khác nên bị luân hồi sanh tử. Biết rõ tứ đại này không thật, không phải mình, là thức tỉnh, thoát khỏi trầm luân. Ông Táo khi thức tỉnh, rõ cục đất không phải mình liền sanh về cõi trời.

Biết thân không thật là một bước tiến, không còn đọa trong ba đường khổ, không đi trong lục đạo luân hồi, nhưng chưa phải là cứu kính. Phải thấy tâm này không thật nữa. Ngày nay nghĩ vầy, mai nghĩ khác, lăng xăng lộn xộn, chợt thế này, chợt thế kia. Nó là bóng, chạy theo sáu trần, duyên theo bóng sáu trần, không thật. Lâu nay chúng ta chấp nó là thật rồi hơn thua phải quấy đủ chuyện, lẩn quẩn trong đó hoài, thật là khổ sở.

Tuy vọng tâm là cái bóng không thật nhưng chúng ta chấp nó nên nó có khả năng tạo nghiệp. Ví dụ như mình khởi nghĩ đi cuốc một vồng khoai, đào đường mương, nghĩ vậy rồi đứng dậy đi lấy cuốc, lên vồng khoai, đào đường mương. Cái nghĩ không có hình dáng thật thể nhưng làm theo nó thì có luống khoai, đường mương thành hình, ai cũng thấy cụ thể. Bởi vậy, mọi việc chúng ta làm, thiện ác, tốt xấu đều gốc từ ý nghĩ mà ra.

Ý nghĩ là nhân, làm ác làm thiện là quả, quả đó là nghiệp nên nói nghiệp quả. Nghiệp lành, nghiệp dữ đều từ ý nghĩ mà ra. Khi tụi con còn ôm ấp những ý niệm tốt xấu, phải quấy, hơn thua thì có thể bình an được không? Khen chê, giận ghét đều do nghĩ tốt, nghĩ xấu mà ra. Có khen chê giận ghét thì tâm lăng xăng thật là bất an. Tâm bất an là điên đảo vọng tưởng, mà mình chấp thật.
Người đời chấp phải quấy hơn thua nên khổ nhiều, tạo nghiệp đi trong luân hồi, tụi con buông hết các thứ tâm đó tự nhiên được an ổn. Nếu một phút ngồi chơi không nghĩ gì hết, lúc đó có mình không? Những thứ tâm hư dối tạo nghiệp hư dối là chướng, là sanh tử luân hồi, không thật. Tu là sống với cái không hư dối, an ổn, thanh tịnh. Trong lúc ngồi chơi hay ngồi thiền, không nghĩ tốt xấu, phải quấy gì hết, trong lặng bình thản. Tụi con có một hai phút nào vậy không?

Như thế, khi không suy nghĩ mình vẫn hiện tiền. Cái suy nghĩ làm sao nói là mình được. Nếu lúc suy nghĩ là mình thì khi không suy nghĩ sẽ không có mình, nhưng thực tế, không suy nghĩ tụi con ngồi thảnh thơi tự tại. Suy nghĩ dấy lên thì có thương buồn giận ghét đổi mặt hoài hoài làm mình mệt. Khi chúng ta không nghĩ suy, tính toán gì, tai vẫn nghe mắt vẫn thấy như thường, đó là lúc mình tự tại an nhiên.

Như vậy, nơi mình cái thân tạm bợ giả dối, biết là giả dối, cái suy nghĩ duyên theo bóng dáng sáu trần cũng tạm bợ giả dối. Biết giả dối không theo là tụi con đã tỉnh. Lúc ấy mình vẫn nghe thấy, vẫn hiểu biết, đó là sống với cái thật. Cái thật hiện tiền hằng tri hằng giác đó có động không? Cái gì động là tướng sanh diệt, cái không động thì không sanh diệt. Giữa cuộc sống này, mượn trả là động, tâm duyên theo bóng dáng sáu trần, nắm bắt cái này, bỏ chụp cái kia lăng xăng là động. Còn cái hằng thấy hằng nghe, biết, không lấy, không bỏ, làm sao nói động được.

Như vậy ngay nơi chúng ta có cái không sanh tử mà mình cứ bám vào sanh tử rồi đeo đẳng khổ sở. Thân này là bại hoại sanh tử, suy nghĩ là sanh tử, hai cái đó chúng ta cứ đuổi theo bám chặt, còn cái không sanh tử lại bỏ lơ. Tụi con nếu biết rõ cái không sanh tử hiện tiền, sống với cái đó ắt không có chuyện gì cãi vã với huynh đệ, ngồi thản nhiên ngắm mây trời chơi. Nếu tụi con không mắc kẹt nơi thân tâm thì ngồi chơi hay quét nhà, quét sân một cách tự nhiên, không có gì phiền muộn để phải nói, phải nghĩ. Vậy tụi con cả ngày có phút nào là không tu? Còn hiện nay tụi con chạy theo cái này cái nọ, dù nói là tu nhưng thật tu rất ít.
Bây giờ biết rõ, không bị cái giả lôi kéo, không lệ thuộc nó thì cái thật hiện tiền, không cần phải nói sống với cái thật.

Như vậy, ngay nơi thân tâm này biết cái gì giả cái gì thật tự nhiên tụi con đã có đường đi, không uổng một đời vô nghĩa. Bao nhiêu người ở thế gian sống lo cung cấp nuôi dưỡng thân tứ đại này, rốt cuộc nó cũng bại hoại. Nuôi dưỡng cái bại hoại thì có ý nghĩa gì? Bây giờ, biết đó là bại hoại nhưng mình vẫn nương nó, tạo điều kiện để trở lại cái không bại hoại, đó là biết tu, là sáng suốt, cuộc sống có lối đi.

Tu phản quan có nghĩa xoay lại tìm ra chính mình chớ không phải bắt bóng. Người đời tự cho mình sống thực tế, lo giữ thân này cho tốt đẹp, nhưng thân này ít chục năm rồi hoại, kiếm thân khác lại cũng hoại, đó là bắt bóng. Chúng ta ngay nơi thân bại hoại khéo nhận ra cái không bại hoại, sống an nhiên tự tại, đó là con đường sáng suốt bất sanh bất diệt người tu đang hướng về.

Nếu tụi con nghĩ mai kia mình cất chùa to, thâu đồ đệ nhiều, làm được việc này việc nọ thì dường như rất tốt, nhưng cũng là đi trong sanh diệt. Tu là vượt ngoài hai cái sanh diệt của thân tâm, sống một cách tự tại trong cái bất sanh bất diệt. Từ đó, hướng dẫn cho người khác cùng đi con đường bất tử này. Đó là cứu kính tột cùng của người tu, còn hình thức chùa chiền bổn đạo... chỉ là phương tiện. Quan trọng là sống với cái chân thật. Tụi con hiểu rồi sống đúng không lầm lẫn, đường tu của mình mới có giá trị chân thật, nếu không chỉ đua nhau tạo những hình thức đẹp. Ví dụ như Thầy cất chùa cao lắm trăm năm cũng hoại, còn cái chân thật nơi mình không bao giờ hoại.

Vậy nên tụi con ráng tu ráng tỉnh, phải nhớ thân này đang sống bằng vay mượn, nhớ tâm suy nghĩ hơn thua là bóng không thật. Luôn luôn nhớ như vậy, lần lần thắng nó, gọi là tỉnh, còn quên là mê. Khi quên, nói “ăn món này ngon bổ lắm nè, ăn món kia thì mình sống dai…”, vậy là giống như người thế gian không hơn không kém. Như vậy mê và giác ở đâu? Ở gần một bên, nhớ đúng là tỉnh giác, nhớ sai là mê. Đâu phải giờ lạy Phật, tụng kinh, ngồi thiền mới tu. Trong khi làm bếp, quét sân tụi con hằng nhớ, đó là tu. Tu như vậy thường xuyên, còn những giờ kia giúp mình tỉnh giác mạnh hơn thôi.

Thật ra giờ nào cũng là giờ tu. Trong chúng nếu tất cả đều thực hành như vậy thì không có gì lộn xộn, không hề bị rầy, không ai phiền não với ai. Sở dĩ tụi con còn phiền não chút chút là vì mình nhớ hơn thua phải quấy. Thấy người làm quấy tức liền sanh phiền não, chớ không biết rõ niệm hơn thua phải quấy là giả dối không thật. Tâm thản nhiên tự tại thì tụi con thảnh thơi suốt ngày, trên đường tu không bị trở ngại.

Hôm nay Thầy nói rõ để tụi con gỡ những điều chấp trước. Lâu nay tuy hiểu mà chưa tường tận, hoặc hiểu rồi nhưng chưa sống được, bây giờ phải sống đúng như thật. Được vậy, đời tu tụi con sẽ có giá trị.

Ngày 27-12 Giáp Tuất (27-1-1995)
Ngày thỉnh nguyện cuối năm, mỗi người thấy được lỗi lầm của mình đều ra thành tâm sám hối, đó là điều rất tốt. Tất cả đều tự ý thức những khuyết điểm của mình, cố gắng sửa đổi tu hành thì điều khuyết dở đó từ từ sẽ thành hay và tốt. Một khi tụi con biết đó là lỗi, ráng gìn giữ đừng cho tái phạm. Là con người ai cũng có lỗi, khi biết mình quấy nên gắng sửa, đừng để một lỗi nhỏ cứ tái phạm hoài, vô tình mình hứa suông, không tiến được. Cho nên, thấy lỗi là tốt, nhưng sửa lỗi lại cần thiết hơn. Thấy lỗi không sửa thì lỗi đó không bao giờ hết. Vì vậy thấy lỗi tụi con ráng sửa, đừng coi thường lỗi nhỏ, cứ phạm hoài không tốt. Đó là điều Thầy nhắc chung cho tụi con.

Qua một năm tu hành, tụi con kiểm nghiệm lại bản thân chắc có những bước tiến, dù không nhanh nhưng vẫn có. Bởi vì trên phương diện tu hành, nếu được thúc liễm một nơi và tu hành đều đặn thì ít nhiều cũng có tiến không nghi ngờ. Nhưng tiến vượt bậc hay chậm chạp là tùy theo khả năng, phước duyên của mỗi người. Thầy tin rằng tụi con bền bỉ nỗ lực tinh tấn tu hành tất sẽ có kết quả, không hổ thẹn mình đã làm một tu sĩ Phật giáo mà không tròn bổn phận. Tụi con ở trong khuôn khổ hơi bó buộc một chút, nhưng chính đó là phương tiện giúp cho mình tránh duyên bớt cảnh, có đủ thời giờ để nỗ lực tu. Nếu không có hoàn cảnh tốt đó, tụi con va chạm, xúc sự nhiều sẽ có những điều phiền hà, điên đảo.

Do đó ở đây cố gắng tối đa để giúp tụi con có thời giờ thúc liễm thân tâm, nghiền ngẫm đạo lý, xoay nhìn lại mình. Đó là gốc của sự tu hành, cũng chính là nền tảng giải thoát. Thầy mong tụi con qua một năm mỗi đứa kiểm lại có chút ít tiến bộ, đây là niềm vui để năm tới tụi con hay hơn. Tu càng lâu càng thấm, càng thuần thục. Vậy Thầy mong rằng tất cả tụi con đều cố gắng để có những bước tiến tốt và vượt bậc hơn những năm đầu.

Bây giờ Thầy có ít lời nhắc nhở toàn chúng. Trước hết là nhắc nhở về hình thức. Ở đây ngồi thiền có khi chúng đông, hơi nồng, nếu không mở cửa sổ, ấm quá dễ bị ngủ gục, nên ban đêm chúng ta vẫn mở cửa sổ chừa cửa lưới, ban ngày cũng vậy, khi nào nắng mới treo màn. Tụi con nhớ các vị Tỳ-kheo ngày xưa ngồi dưới gốc cây tu đâu có sợ gió. Chính nhờ ở ngoài trống khoảng khoát nên ít buồn ngủ. Thường ngồi trong mùng dễ buồn ngủ lắm vì ấm chừng nào buồn ngủ chừng ấy, có gió mát lành lạnh, ngồi tỉnh táo hơn. Nhiều đứa dè dặt quá, sợ gió, đi đóng cửa lại làm cho trong chúng bị ngủ gục, trở ngại sự tu.

Tu là phải làm sao tạo cái duyên để mỗi ngày sức mạnh tinh thần càng tăng. Nếu tu ban đầu mạnh lần lần yếu đi, rồi trở thành người bạc nhược, không còn sức gượng vươn lên được, đó là uổng một đời tu. Tất cả chúng ta có phước lớn, có duyên lành nên mới ở trong đạo làm người xuất gia tu hạnh giải thoát. Nay được đến nội viện sống yên ổn tu, đó là điều kiện quá tốt để tụi con vươn lên. Trong hoàn cảnh này không vươn lên nổi thì làm sao đời tu tụi con đến nơi đến chốn?

Tụi con quyết tâm tu luôn luôn phải nhớ những điều thiết yếu này:

- Điều thứ nhất là ngày tháng qua, tuổi đời chồng chất, từ nhỏ trở thành người lớn rồi già, vô thường đuổi gấp từng giờ, cho nên mỗi khi nhớ chuyện gì bâng quơ, tụi con nên nghĩ vô thường nay mai không lường được, đâu rảnh nghĩ quanh quẩn. Nhớ vô thường, tụi con cố gắng vươn lên.

- Điều thứ hai là tụi con nhớ tới bản nguyện của mình. Mỗi người đi tu đều có ý chí và phát nguyện mạnh nên mới xuất gia. Đã có ý chí và bản nguyện thì luôn luôn phải nhớ tới nguyện của mình, tu hạnh giải thoát để độ cha mẹ, thân nhân và chúng sanh. Nguyện vọng đó vô cùng to lớn, không thể nào chần chờ, không thể nào để mất thời giờ vô ích được. Nhớ như vậy để cố gắng không quên, không lùi.

- Điều thứ ba, mình đi tu một ngày là sống nhờ một ngày. Tỳ-kheo có nghĩa là khất sĩ, hay nói cách khác là ăn mày của thí chủ để nuôi thân, ăn mày chánh pháp của Phật để nuôi giới thân tuệ mạng. Như vậy chúng ta luôn luôn là kẻ nợ của thí chủ, kẻ nợ của Phật pháp. Nợ của thí chủ là mỗi ngày chúng ta nhận thức ăn của họ giúp, nợ chánh pháp là từ Phật Tổ đến Thầy luôn luôn khuyến khích dạy dỗ tụi con tu hành. Như vậy tụi con có bổn phận đền ơn Phật, Thầy Tổ, đền ơn đàn-na thí chủ, không thể nào chần chờ. Phải thấy mình có trách nhiệm rất nặng, cố gắng vươn lên chớ không thể nào thả trôi.

Tụi con nhớ, người tu là người chèo thuyền vào biển khổ. Trách nhiệm của chúng ta là làm sao cho chúng sanh hết khổ. Muốn chúng sanh hết khổ thì tụi con phải ráng tu, tự mình giải hết các phiền não nghiệp chướng bản thân, rồi mới cứu khổ cho người. Nếu trong thời gian này được yên ổn tu, tự tâm tụi con không giải tỏa được những buồn phiền u uẩn chứa chất ở trong thì mai kia tụi con ra Viện, phải đương đầu với mọi việc phức tạp, làm sao tụi con yên ổn, làm sao có sức mạnh vươn lên được? Vì vậy trong thời gian yên ổn tu hành, mọi việc đều không bận tâm, tụi con nên nỗ lực tiến tu, đừng phí thời giờ vô ích. Đó là bổn phận tụi con phải làm, không lôi thôi được.

Thật tình nếu đi sâu trong đạo pháp, tụi con sẽ thấy Phật pháp cao siêu không thể lường biết được. Những gì thế gian cho là quí thật ra là tạm bợ, một thời gian sẽ bị bại hoại rồi mất. Chỉ có chánh pháp của Phật mới thật cao quí, siêu thoát, đưa chúng ta từ mê lầm tới giác ngộ, từ con người sanh tử tới giải thoát.

Tụi con có được phước duyên sống trong Phật pháp. Có phước duyên như vậy thì không được buông tâm chểnh mảng, để tâm chạy quẩn quanh mà phải dồn hết nghị lực, đem hết tâm vào sự tu hành. Phải làm sao trong đời này nếu không giác ngộ hoàn toàn, ít ra cũng phải giải thoát phần nào, như vậy mới tròn bản nguyện của mình, xứng đáng giá trị người tu. Nếu mình tu sơ sài, lơ là chỉ uổng một đời không đi đến đâu.

Tất cả tụi con từ lớn tới nhỏ phải luôn ý thức những điều Thầy nhắc. Một là nhớ vô thường đuổi gấp, không thể chần chờ được. Hai là nhớ chí nguyện của mình từ ban đầu, vì lý do gì đi tu, đã đi tu phải làm tròn bản nguyện. Ba là nhớ ơn Phật Tổ, ơn thí chủ, làm sao đền được ơn đó xứng đáng bổn phận người xuất gia, đừng nghĩ mình đi tu để được yên thân, ai khổ mặc ai. Điều thứ tư, thấy Phật pháp là cao quí, cứu mình hết mê lầm, hết sanh tử, được cái cao quí đó rồi, mình nhận, sống trọn vẹn rồi đem cái quí đó chỉ dạy cho mọi người.

Đó là bốn điều Thầy nhắc tất cả tụi con, phải ý thức và nhận rõ, đừng bỏ quên uổng mất thời giờ.

Ngày 13-2 Ất Hợi (13-3-1995)
Hôm nay Thầy nhắc cho tụi con các chứng bệnh và chỉ những thứ thuốc để người nào có bệnh thì dùng thuốc mà trị.

Bệnh thứ nhất Thầy gọi là bạn bè. Bệnh này kiểm tra lại Thầy thấy các nơi chỗ nào cũng có. Đặc biệt Thiền viện Trúc Lâm này Thầy chủ trương phải dứt bệnh đó. Tụi con thử nghĩ, nếu thân với người khác phái bị trói buộc một trăm phần trăm thì đối với bạn bè cùng phái mà thân, ít nhất cũng bị trói buộc bảy mươi phần trăm.

Tụi con phát nguyện tu hành, trong buổi lễ xuất gia và khi cạo tóc quí Thầy thường nhắc: Ở thế gian gia duyên bận bịu nên không tinh tấn tu hành được, xuất gia mọi duyên được sạch, tu hành mau giải thoát. Chúng ta tránh duyên trói buộc thế gian nên đi tu, khi vào chùa rồi vô tình hay cố ý lại tạo duyên trói buộc mới, như vậy là không làm đúng mục đích và sở nguyện của mình. Tụi con nên biết, khi bị trói buộc rồi phiền não cũng theo đó sanh, không bao giờ an ổn.

Thầy từng nói, thời gian Thầy ở đây với tụi con không dài lắm, cho nên ngày nào còn có mặt Thầy nên cố gắng tu, đừng để những trói buộc cản trở sự tu tập của mình. Đến chừng Thầy trăm tuổi, chỉ mong tụi con đủ khả năng đủ điều kiện để làm Phật sự, làm lợi ích cho người, nhất là truyền bá Thiền tông Việt Nam. Vì sở nguyện đó Thầy không muốn một ai ở trong đây còn những trói buộc phàm tình, nên Thầy dứt khoát chủ trương không có bạn bè thân thiết. Nếu có bạn bè trói buộc sẽ trở ngại đường tu. Giả sử ở đây mười, hai mươi năm cũng không có kết quả gì, uổng mất một chỗ dành cho người tạo duyên trói buộc vô ích, trong khi những người khác chờ chực xin vào tu không được.

Trói buộc đâu phải một mình mình, thêm một người thứ hai cũng bị trói buộc. Nếu không gỡ cho dứt, không sắp xếp thì sẽ thêm những cặp khác. Đó là bệnh thâm căn cố đế của con người. Bởi vậy tụi con phải biết cái khó của Thầy, dứt khoát không dung dưỡng những thứ phàm tình này. Đối với tụi con là người có chí xuất trần, phải gỡ không để bị trói buộc. Nếu bị trói buộc thì chúng ta chỉ có tu cái đầu chiếc áo còn tâm niệm không tu.

Do đó phải dứt khoát. Ai có những ý niệm trói buộc phải cởi, phải cắt. Nếu để đó tụi con sẽ phạm lỗi lớn là trái với sở nguyện xuất gia ban đầu. Lỗi lớn thứ hai là phiền Thầy tốn công tốn của mà không có kết quả trên đường tu. Đó là hai điều tụi con phải tránh.

Bây giờ muốn dứt được bệnh thâm căn cố đế đó phải làm sao? lấy thuốc gì để trị? Tụi con nhớ ngài Huyền Giác có nói câu: “Thường độc hành, thường độc bộ, đạt giả đồng du Niết-bàn lộ.” Mình tu hạnh giải thoát phải đi một mình, bước một mình. Những người như vậy là “đạt giả”, là thấu suốt, cùng tiến lên đường Niết-bàn. Không thể trên đường giải thoát mà hai ba người nắm tay nhau đi.

Tụi con muốn tu tiến phải dứt khoát không để bị trói buộc vì bạn bè, vì tâm luyến ái. Như vậy mới giải thoát sanh tử, làm lợi ích cho chính mình và cho mọi người. Muốn trị được bệnh đó thì vừa có niệm thương mến người này, trói buộc người kia, liền nhớ mục đích mình tu là giải thoát sanh tử, nếu có trói buộc là ngược với giải thoát. Lấy giải thoát trị bệnh trói buộc. Vì muốn giải thoát nên phải dứt mọi dung dưỡng trói buộc. Đó là thuốc trị bệnh trói buộc về bạn bè luyến ái.

Thứ hai là trên đời này ai cũng có bệnh tư hữu. Tư hữu là có của riêng, ai cũng muốn mình có của riêng. Người Phật tử cũng ưa như vậy, nên cúng gì cũng muốn cúng riêng. Bệnh này xảy ra rất nhiều, chùa nào cũng thế, có thầy có cô được cúng dường rất sung túc, còn có thầy, cô khác lại khô rang. Quen bệnh tư hữu tức là muốn có của riêng, ai cũng có Phật tử riêng, tài sản riêng.
Tụi con thử nghĩ, ở trong chúng bốn mươi, năm mươi người, người này có của nhiều hơn người kia, người kia thấy so bì, rồi tìm cách làm sao cho có như người ta. Bằng cách này cách nọ chiều chuộng Phật tử để họ giúp cho. Người này sắm đồng hồ, người kia cũng sắm, người này có máy cassette, người kia cũng muốn có; đua nhau sắm mà không làm ra tiền tự nhiên phải chiều chuộng Phật tử để họ mua cúng. Như vậy làm cho sự tu hành của mình trở thành yếu đuối và kẹt trong lợi dưỡng. Đó là điều không tốt.

Bây giờ ở Thiền viện Trúc Lâm Thầy chủ trương lục hòa. Trong lục hòa, cái cuối cùng là lợi hòa đồng quân, đó là phá tan tư hữu, cái gì cũng chia đồng nhau, không được hơn kém. Ví dụ ở đây mỗi người được ba đôi vớ, đứa nào có người cho thêm một đôi hoặc tự đan một đôi là vô tình phá vỡ tinh thần lục hòa. Có một người khác hơn thì mọi người sẽ đua theo, cứ như vậy mà so bì. Đó là bệnh tư hữu, đua nhau về hình thức vật chất. Khi hình thức vật chất nặng, tinh thần đạo đức theo đó mà giảm kém.

Bởi vậy, Thầy ra lệnh Quản chúng phải nghiêm nhặt đừng để phá lục hòa. Nếu lục hòa mất, sự tu hành sẽ suy giảm, yếu đuối., vì ai cũng nặng về vật chất, có của tư phải gìn giữ. Người không có thì đòi hỏi, nhiều khi đòi hỏi không được lại móng tâm trộm cắp, sanh ra những hư dở trong chúng. Vì vậy Thầy quyết tâm thực hiện cho được lục hòa.

Đây là bệnh lâu đời của nhiều người, bây giờ muốn sửa trị hết sức khó. Nên tụi con thấy ở đây dường như những cái hơi chi li, nhỏ nhặt cũng bị rầy bị nhắc, vì Thầy muốn thực hiện cho được lục hòa. Tụi con ở đây đói có cơm ăn, rách có áo mặc, tất cả mọi thứ không thiếu không dư. Dư mất công giữ, thiếu mất công tìm cực khổ; không thiếu không dư khỏe biết mấy! Chỉ có một việc yên ổn tu, đừng mong muốn gì khác thì tụi con thật nhẹ nhàng, không bận tâm, không lo lắng.

Tụi con nên dồn hết sức, hết tâm lực trong một việc tu, đừng nghĩ phải sắm cái này mua cái kia. Nếu áo rách đến Tri sự xin cái khác, vớ rách đem đến Tri sự xin đôi vớ khác, khỏe biết chừng nào, không có gì là xấu xa. Như thế tốt cho tụi con, cho tập thể mình. Không vậy, có ai đó tự ý xin gia đình hoặc xin bạn bè gởi tới, rồi có dư, sanh tâm nhìn ngó nhau, đây là điều không thể chấp nhận. Thế nên Thầy ra lệnh, ai cho cái gì đều trình Quản chúng nhập kho, người đó thiếu thì xuất trong kho cho, chớ không được nhận riêng tư. Nhận riêng tư thành thói quen cũng như các nơi khác, không hơn không kém.

Sở dĩ chư Tăng chư Ni ở các nơi không hòa hợp với nhau là tại sao? Vì thiếu lục hòa, người này đố kỵ người kia, người kia tranh giành người nọ, do đó tinh thần lục hòa bị mất đi. Khi tụi con sống ở ngoài chị này giàu, chị kia nghèo, nhưng vào đây rồi Thầy muốn ai cũng như nhau, không giàu, không nghèo, không dư, không thiếu, để tụi con an ổn tu hành. Mỗi mỗi đều nghĩ đến sự tu thôi, không bận bịu, không lo lắng gì cả. Thầy muốn tụi con dồn hết tâm lực vào sự tu, muốn tụi con sống trong tình huynh đệ bình đẳng.

Về mặt vật chất, chúng ta không bị trở ngại, sống chung không có ghét bỏ nhau vì tranh hơn tranh thua. Đó là điều Thầy muốn tất cả tụi con phải làm được. Dù một vật nhỏ mà không đồng nhau, có hơn có khác cũng không nên. Ai thiếu hoặc hư cái gì đem trình Tri sự xin cái khác. Nếu Tri sự không đáp ứng được, cho Thầy hay hoặc thưa trong những buổi thỉnh nguyện, chẳng hạn như: “con rách đôi vớ, xin nửa tháng Tri sự không cho”, Thầy sẽ rầy hoặc nhắc. Nếu tụi con không chịu xin, âm thầm gởi thư chỗ này chỗ nọ xin là không tốt, làm trái nội qui ở đây. Đó là điều Thầy nhắc tất cả tụi con phải nhớ.

Bệnh này cũng trầm trọng, thâm căn chớ không phải bệnh thường. Muốn trị bệnh này tụi con phải nhớ đây là bệnh tư hữu, muốn hết tư hữu là phải xả. Ngày xưa Phật tu trước hết làm hạnh Bồ-tát, xả thân, xả của cải... sau mới thành tựu đạo quả. Tụi con nếu còn có ý riêng tư, phải tập tánh hỉ xả, buông bỏ tất cả, không có gì quan trọng. Có cơm ăn, áo mặc, sống như vậy quá đủ, chỉ lo gìn giữ sự tu hành không để bị thối chuyển.

Bệnh thứ ba là thị phi. Nghĩa là ngoài giờ tụng kinh ngồi thiền ra, hai ba người ngồi lại nói người này phải, người kia quấy, chỉ trích linh tinh, đó là bệnh. Bệnh này rất nặng. Ngày xưa chư Cổ đức có nói: “điểm thiết hóa thành kim ngọc dị, khuyến nhân trừ khước thị phi nan”, chỉ khối sắt biến thành vàng ngọc dễ hơn khuyên người ta đừng nói thị phi. Như vậy, thị phi là bệnh hết sức khó chữa, nhất là bên phái nữ tụi con.

Khi chúng ta nói lỗi người này, chỉ trích người kia, chê người nọ, tâm mình an không? Hay là nó đang chạy lui về quá khứ, chạy góc này, góc kia? Bởi thế, người hay nói thị phi tâm thường dao động, chao đảo, bất an. Vậy phải ráng bỏ tâm thị phi, ngôn ngữ thị phi. Chỉ nên nghĩ hiện giờ tu hành ra sao, có bệnh gì để chừa bỏ. Biết được khuyết điểm của mình để tu sửa, đừng lo chuyện của người.

Ở đây ai có lỗi thì Ban lãnh chúng có bổn phận nhắc. Nếu Thầy thấy, Thầy nhắc và dạy, còn tụi con chỉ có một chuyện ráng nỗ lực tu. Bao nhiêu thời giờ là để tụi con tu, không phải để bàn tán vô ích. Bởi vì những chuyện đó càng bàn tán càng tăng phiền não chớ không có lợi gì. Muốn tu có kết quả, mọi cái chướng đó tụi con phải bỏ, đừng nên giữ. Đó là điều hết sức khó, tụi con ráng tập, ráng tu.

Muốn bỏ bệnh thị phi phải dùng thuốc gì? Dễ lắm, chỉ dùng tâm hiện tại thôi. Mọi cái quá khứ vị lai của ai không màng tới, sống với hiện tại thôi. Ngay nơi đây, mình thấy, nghe, sống; còn cái gì qua rồi thôi, không chứa chấp, không lưu giữ. Kéo lôi quá khứ lại chỉ thêm phiền hà loạn động, bây giờ tụi con sống ngay niệm hiện tại này là đủ. Nếu sống tâm hiện tại, tụi con không còn phiền não, tự nhiên hết thị phi. Nên muốn trị bệnh thị phi thì phải sống với niệm hiện tại. Chỉ niệm hiện tại này là “nhất niệm vạn niên”, tất cả thứ khác đều buông bỏ, như vậy tụi con mới tiến.

Bệnh thứ tư là tật đố, nghĩa là thấy ai có gì hơn mình thì ganh ghét, châm biếm, nói nặng nói nhẹ để cho người ta bực bội. Đó là bệnh tật đố, người nào cũng có. Ai thua mình thì khinh khi, sanh ngã mạn, ai hơn mình liền ganh ghét sanh tật đố. Bệnh này rất khó trị.

Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Khi thấy người bố thí, mình vui vẻ trợ giúp sẽ được phước rất lớn.” Có thầy Sa-môn hỏi rằng: “Phước ấy có hết không?” Phật dạy: “Thí như lửa của một cây đuốc, vài trăm ngàn người đều đem đuốc đến mồi lửa để nấu ăn hay thắp sáng, cây đuốc kia vẫn như cũ. Phước người bố thí cũng như thế.” Như vậy mới thấy công đức tùy hỉ ngang bằng công đức người bố thí, mà phước người bố thí không bị chia sớt.

Tại sao tùy hỉ nhẹ quá mà phước lớn như vậy? Người làm lành phải ra công ra của, còn người tùy hỉ chỉ có một niệm, đâu ra công của gì mà được phước bằng người kia? Bởi vì người bố thí bỏ đi lòng tham, người phát tâm tùy hỉ dứt được tâm tật đố. Tật đố là cố tật rất khó chừa. Người có bệnh tật đố khi mình dở không làm được việc, bị chê, thấy người khác làm được việc bèn gièm pha, nói này nói nọ, khiến cho họ buồn chán không làm nữa.

Tâm tật đố không tốt, tụi con phải biết dè dặt. Khi nào có niệm chê trách, gièm siểm người hơn mình, đó là tâm tật đố đang hiện ra, phải dừng lại, phát khởi tâm tùy hỉ. Nếu có ai làm việc tốt cho chúng, mình vui tùy hỉ thì cũng được phước như vậy. Tật đố làm gì cho người ta phiền não, mà mình lại tổn phước! Như vậy, muốn trừ tâm tật đố phải lấy pháp tùy hỉ để trị.

Tóm lại, bốn bệnh trên sẵn có nơi con người từ lâu đời lâu kiếp, gọi là thâm căn cố đế. Nay muốn trừ bỏ để tu hành cho được trong sạch phải y bốn pháp:

- Nếu là bệnh cặp bè bạn, tụi con dùng mục đích giải thoát để tự nhắc nhở mình.

- Nếu bị bệnh tư hữu phải dùng tâm buông xả trị. Thái tử Tất-đạt-đa hồi xưa bao nhiêu của cải còn bỏ, ngày nay mình chưa có đòi cho có, giữ làm gì, phải xả.

- Nếu bị bệnh thị phi phải dùng ngay một niệm hiện tại, mọi việc trong quá khứ hay ở đâu đó đừng lôi kéo trở lại, sanh phiền não.

- Nếu sanh bệnh tật đố nhớ dùng pháp tùy hỉ để trị.

Tụi con nhớ dùng thuốc trị bệnh, lần lần bệnh sẽ dứt. Nhưng phải uống cho đúng mức, đừng uống cầm chừng không hết bệnh. Nếu tụi con hằng dùng thuốc, hằng tu như vậy, Thầy hi vọng sẽ tiến và đạt kết quả trên đường tu. Tất cả chớ có chần chờ! Mong tụi con cố gắng!
Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ
Nguồn tin: Thường Chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 789
  • Hôm nay: 43644
  • Tháng hiện tại: 892313
  • Tổng lượt truy cập: 79761177

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile