Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Uyển Lăng Lục - Đoạn 6

Đăng lúc: Thứ năm - 16/02/2012 18:39 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
ĐOẠN 6
CHÁNH VĂN:  

Chỉ như hiện nay biết nhận tâm mình, thấy bản tánh mình, chớ cầu cái gì khác. Thế nào biết tâm mình? Chính hiện nay nói năng đó tức là tâm ông.
GIẢNG: 
Câu này đúng là chỗ Mã Tổ đáp ngài Huệ Hải. Hỏi: Thế nào là kho báu nhà mình? Đáp: Cái ông biết hỏi ta đó. Cái biết nói biết hỏi là gì? Nếu không có tánh biết làm sao biết nói, biết nghe. Biết nói, biết nghe không phải lỗi mà lỗi tại khi nói khi nghe mình suy gẫm, luận bàn, khen chê phải quấy, tốt xấu… đó mới là lỗi.

CHÁNH VĂN:  
Nếu không nói năng cũng không có tác dụng của tâm thể thì giống hệt như hư không, không có tướng mạo, cũng không chỗ nơi, cũng không một bề là không hay có, cũng không thể thấy.
GIẢNG: 
Tuy chúng ta có cái biết nói, biết nghe nhưng khi không có chuyện để nói, để nghe thì cái biết ấy trở về thể tánh không tướng mạo, không hình dáng của nó, vì vậy nói đồng với hư không, trong đó không có cái có hay cái không.

CHÁNH VĂN:  
Tổ sư nói: “Chân tánh tâm địa tàng, không đầu cũng không đuôi, ứng duyên mà hóa vật, phương tiện gọi là trí. Nếu khi chẳng ứng duyên, không thể nói là có là không, chính khi ứng duyên cũng không dấu vết”.
GIẢNG: 
Chư Tổ nói cái chân tánh tâm địa không đầu, không đuôi. Chữ tàng này là cái kho. Tâm địa tàng là kho tâm địa.
“Chân tánh tâm địa tàng, không đầu cũng không đuôi, ứng duyên mà hóa vật, phương tiện gọi là trí”. Ví dụ tâm chúng ta là thanh tịnh, là thường hằng. Bây giờ có các cảnh hoặc sang hoặc hèn, nó đến mình biết tất cả cảnh đều tánh không, duyên hợp giả có, ứng duyên hóa vật phương tiện gọi là trí. Tuy thấy sang thấy hèn nhưng đều biết tánh không duyên hợp huyễn hóa, đó là trí. Trí tùy duyên mà dấy động, dấy động trong trí tuệ chớ không phải trong mê lầm.
“Nếu khi chẳng ứng duyên, không thể nói là có là không, chính khi ứng duyên cũng không dấu vết”. Khi không ứng duyên thì tánh giác tri của chúng ta không tướng mạo. Không tướng thì không thể nói có, không gì không biết nên không thể nói không. Không thể có, không thể không vì không hình tướng mà hằng tri, hằng giác cho nên không thể không được.“Chính khi ứng duyên cũng không dấu vết”, khi tùy duyên ứng hiện cũng không thấy dấu vết. Tại sao? Vì biết tất cả pháp đều là duyên hợp, hư ảo có gì thật mà dính mắc.

CHÁNH VĂN:  
Đã biết như thế, hiện nay chỉ nhằm không trong chỗ nương tựa, tức là đi con đường chư Phật. Kinh nói: “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”.
GIẢNG: 
Đã biết như thế, hiện nay chỉ nhằm không trong chỗ nương tựa tức không chỗ nào thật để mình nương tựa, tức là đi con đường chư Phật. Không có một cái thật để dính mắc là đi đường của chư Phật. Kinh Kim Cang nói: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia, không dính mắc sáu trần mà sanh tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

CHÁNH VĂN:  
Tất cả chúng sanh luân hồi sanh tử do ý duyên tâm chạy rong ra ngoài, nơi sáu đạo không dừng đến phải chịu các thứ khổ. Kinh Tịnh Danh nói: “Người khó giáo hóa tâm như khỉ vượn, cho nên dùng bao nhiêu thứ pháp chế ngự tâm kia, nhiên hậu mới điều phục”.
GIẢNG: 
Chúng sanh luân hồi trong sanh tử là do ý duyên tâm chạy, nơi sáu đạo không đến phải chịu các thứ khổ. Sở dĩ chúng ta chịu khổ là do ý duyên tâm chạy theo cảnh, không dừng luân hồi trong lục đạo. Ở đây dẫn kinh Tịnh Danh là kinh Duy Ma Cật nói “Người khó giáo hóa tâm như khỉ vượn”, sở dĩ người ta khó bảo, khó dạy vì tâm chạy nhảy như khỉ như vượn.“Cho nên dùng bao nhiêu thứ pháp chế ngự tâm kia, nhiên hậu mới điều phục”, bởi tâm chạy như khỉ vượn nên Phật Tổ mới dùng các thứ phương tiện chế ngự nó. Nếu tâm ấy dừng thì tất cả pháp cũng theo đó mà lặng.

CHÁNH VĂN:  
Nên nói: “tâm sanh các thứ pháp sanh, tâm diệt các thứ pháp diệt”.
GIẢNG: 
Bởi vì tâm sanh nên dùng các pháp điều trị nó, tâm diệt rồi thì các pháp cũng phải bỏ luôn.

CHÁNH VĂN:  
Cho nên biết, tất cả pháp đều do tâm tạo, cho đến trời, người, a tu la, địa ngục… sáu đạo, trọn do tâm tạo.
GIẢNG: 
Tất cả pháp thế gian, lục đạo luân hồi đều do tâm mà ra. Tâm nghĩ đường nào liền đi đường đó, tâm tạo lập ra mọi thứ.

CHÁNH VĂN:  
Hiện nay chỉ học không tâm, chóng dứt các duyên, chớ sanh vọng tưởng phân biệt, không người không ta, không tham không sân, không yêu không ghét, không hơn không thua. 
GIẢNG: 
Bây giờ chúng ta khéo tu là phải dứt các duyên, đừng sanh vọng tưởng phân biệt. Không phân biệt thì không thấy có người thật, có ta thật, không thấy tham sân, không yêu không ghét, không hơn không thua… biết tất cả những thứ ấy như huyễn, không thật thì tâm sẽ dừng, không còn chạy theo nó nữa.

CHÁNH VĂN:  
Trừ hết những thứ vọng tưởng này tánh tự xưa nay thanh tịnh, tức là tu hành pháp Bồ-đề, Phật…
GIẢNG: 
Nếu người trừ hết vọng tưởng hơn thua, phải quấy, hư thực v.v… thì tánh thanh tịnh xưa nay hiện tiền. Tánh hiện hiền là tu hành pháp Bồ-đề, tu hành pháp Phật.

CHÁNH VĂN:  
Nếu không hội ý này, dù ông học rộng, siêng năng khổ hạnh tu hành, ăn cây mặc cỏ mà không biết tâm đều gọi là hạnh tà, sau này sẽ thành thiên ma ngoại đạo và các vị thần trong nước, trên đất, tu hành như thế sẽ có lợi ích gì?
GIẢNG: 
Ngài chỉ thẳng nếu chúng ta không nhận được ý chỉ tu hành ngay nơi tâm mình thì dù học nhiều, siêng năng tu khổ hạnh như ăn lá cây, kết cỏ làm y phục… đều là hạnh tà. Những người này sau khi chết sẽ thành thiên ma, ngoại đạo và các vị thần trong nước, trên đất. Tu hành như thế sẽ có lợi ích gì? Tu để rồi thành thiên ma, ngoại đạo, thần núi, thần sông v.v… thì tu để làm gì?

CHÁNH VĂN:  
Ngài Chí Công nói: “Bản thể là tâm mình nhận, đâu thể trong văn tự tìm”.
GIẢNG: 
Bản thể chân thật ngay nơi tâm khéo nhận, nó đâu có trong văn tự, chữ nghĩa.

CHÁNH VĂN:  
Nay chỉ nhận tâm mình, dừng bặt nghĩ tính, vọng tưởng trần lao tự nhiên không sanh. Kinh Tịnh Danh nói: “Chỉ để một giường bệnh mà nằm" tức là tâm không khởi vậy.
GIẢNG: 
Chỉ nhận được tâm mình, dừng bặt những suy nghĩ tính toán, vọng tưởng trần lao tự nhiên không sanh. Như trong kinh Tịnh Danh nói “chỉ để một giường bệnh mà nằm”. Cư sĩ Duy Ma Cật khi bệnh, trong nhà ông chỉ để một giường bệnh chính giữa mà thôi. Khi các vị Bồ-tát, La-hán đến thăm thấy ông nằm một mình trên giường bệnh, để biểu trưng tất cả đều dứt hết, chỉ còn tâm chân thật thôi. Nằm một mình là chỉ tâm không dấy động.

CHÁNH VĂN:  
Nay nằm bệnh, các phan duyên đều dứt, vọng tưởng diệt sạch tức là Bồ-đề.
GIẢNG: 
Bây giờ chỉ còn một tâm yên lặng, mọi phan duyên dứt, vọng tưởng sạch, gọi là Bồ-đề.

CHÁNH VĂN:  
Nếu trong tâm lăng xăng chẳng định, dù ông học đến các vị tam thừa, tứ quả, thập địa, chỉ là đến trong chỗ phàm thánh mà ngồi, các hạnh hết trở lại vô thường, thế lực đều có khi hết. Ví như bắn tên trong không, sức đẩy hết lại rơi xuống đất, trở lại vào trong sanh tử luân hồi. Người tu hành như thế không hiểu ý Phật luống chịu khổ nhọc, đâu không phải lầm to!
GIẢNG: 
Nếu chúng ta không dứt hết vọng tưởng, không nhận được Bồ-đề, trong tâm lăng xăng không định, dù cho học tới tam thừa, tứ quả, thập địa… chỉ ở trong chỗ phàm thánh mà ngồi, tức là ngồi trong chỗ sanh diệt đối đãi, vô thường. Cho nên tu mà có quả vị là còn ở trong vô thường. Quả được rồi phải bỏ, như vậy đi mãi cho tới cứu kính là chỗ chân thật bất sanh bất diệt. Bây giờ ngay cái bất sanh bất diệt chúng ta nhận lấy, sống với nó thì khỏi qua tất cả cấp bậc. Như vậy đường nào gần hơn? Đi từng cấp bậc thì quanh co, đi thẳng thì dễ đến thẳng. Bao giờ đường thẳng cũng gần hơn. Cho nên ở đây gọi là đốn ngộ, đi thẳng chớ không theo cấp bậc.

CHÁNH VĂN:  
Ngài Chí Công nói: “chưa gặp thầy sáng ra đời, uổng uống thuốc pháp Đại thừa”.
GIẢNG: 
Nếu chúng ta tu mà không gặp những bậc thầy sáng chỉ thẳng thì uổng uống thuốc pháp Đại thừa. Dù tu pháp Đại thừa cũng không được tâm Đại thừa.

CHÁNH VĂN:  
Hiện nay chỉ trong tất cả thời đi đứng ngồi nằm chuyên học không tâm, không phân biệt, không nương tựa, không trụ trước, trọn ngày mặc tình lặng lẽ, giống hệt người ngu. Người đời hoàn toàn không biết ông, ông cũng chẳng cần dạy cho người biết hay chẳng biết, tâm như hòn đá nhẵn không tỳ vết, tất cả pháp vượt qua tâm ông không phủng, cao vót không dính mắc, như thế mới có ít phần tương ưng.
GIẢNG: 
Hiện nay chỉ trong tất cả thời đi đứng ngồi nằm chuyên học không tâm. Không tâm học làm sao? Không tâm mà phải học, học đây là tập buông cho tới không tâm. Buông bỏ là học không tâm. Không phân biệt, không nương tựa, không trụ trước, tức không dính mắc gì hết. Trọn ngày mặc tình lặng lẽ, nếu suốt ngày không dính, không kẹt, không suy nghĩ, không tính toán thì ngày đó mình khổ hay vui? Thảnh thơi tuyệt vời.
Có người nào không muốn thảnh thơi không? Ai cũng muốn thảnh thơi tại sao lại không làm việc đó. Cứ ngồi lại nói chuyện bên này bên kia, anh này phải, chị kia quấy lung tung. Nhớ lung tung thì cái đầu không thể thảnh thơi được. Muốn thảnh thơi thì phải để cho tâm thảnh thơi. Ai thích phiền lụy thì làm việc phiền lụy, còn muốn thảnh thơi mà đeo đuổi việc phiền lụy là sai lầm.
Mặc tình lặng lẽ, giống hệt người ngu. Người đời hoàn toàn không biết ông, ông cũng không cần dạy cho người biết hay không biết, khi tâm rỗng lặng, không dính kẹt gì hết, người ta thấy mình như khờ như ngu. Họ nói mình khờ ngu cũng không cần cải chánh. Nếu ta không khờ ngu thì cứ bình thản, lúc đó tâm như hòn đá cụi láng lừ, không có gì dính được.
Tất cả pháp vượt qua tâm ông không phủng, không có gì soi phủng được tâm ông. Cao vót không dính mắc, như thế mới có ít phần tương ưng, tu như vậy mới thích hợp với pháp thân, bản tánh của mình. Còn tu mà lăng xăng lộn xộn, không hợp chút nào hết. Chúng ta ngồi tu, có ai đi ngang nói ông đó ngu si không biết gì, mà trong tâm không cục cựa nhúc nhích là khá rồi đó. Ngồi mà nghe khen trong bụng thấy thích thích, nghe chê thấy đau đau một chút, đó là bị tì vết rồi, bị soi phủng rồi. Làm sao khen chê tới  chúng ta vẫn thản nhiên tự tại, đó là hòn đá mình đã nhẵn, không ai soi thủng được mới có ít phần tương ưng.

CHÁNH VĂN:  
Vượt qua được cảnh tam giới gọi là Phật ra đời. Tâm tướng không chảy gọi là trí vô lậu.
GIẢNG: 
Hỏi thế nào là Phật ra đời? Là khi tâm không còn khởi niệm đi trong tam giới. Hỏi tu thế nào được trí vô lậu? Là tâm tướng không chảy. Không chảy là không dính mắc, gọi là trí vô lậu.

CHÁNH VĂN:  
Không tạo nghiệp người, trời, không tạo nghiệp địa ngục, không khởi tất cả tâm, các duyên hết chẳng sanh, tức thân tâm này là người tự tại.
GIẢNG: 
Tất cả nghiệp chúng ta không tạo thì được gọi là người tự tại.

CHÁNH VĂN:  
Không phải một bề không sanh, chỉ là tùy ý mà sanh. Kinh nói: “Bồ-tát có ý sanh thân” ấy vậy.
GIẢNG: 
Khi không còn dấy khởi niệm, đừng cho rằng không còn gì hết. Nếu nói không còn gì hết là sai lầm, lúc đó vẫn còn có ý sanh thân. Ý sanh thân là sao? Tức là chúng ta nghĩ độ chúng sanh ở cõi nào liền hiện thân đến cõi ấy để độ, cho nên nói Bồ-tát có ý sanh thân. Khi tâm ý thanh tịnh trọn vẹn, tùy duyên thấy chúng sanh ở nơi nào đáng độ, liền dấy niệm đến độ thì có thân ở cõi đó. Đây gọi là ý sanh thân.

CHÁNH VĂN:  
Nếu như chưa lãnh hội “không tâm”, chấp tướng mà tạo tác đều thuộc về nghiệp quỷ, cho đến làm Phật sự Tịnh độ thảy đều thành nghiệp, gọi là Phật chướng.
GIẢNG: 
Ngài Hoàng Bá nói nếu người chưa lãnh hội được ý “không tâm”, chấp tướng tạo tác đều thuộc về nghiệp quỷ. Cho đến làm Phật sự Tịnh độ thảy đều thành nghiệp, gọi là Phật chướng, vì Tịnh độ là tu để tịnh nghiệp của mình, sau đó sanh về cõi tịnh tu nữa, mới chứng vô sanh pháp nhẫn. Nhiều người bảo tu Tịnh độ chết được Phật đón về Cực Lạc, còn tu Thiền chết không biết đi đâu, chắc làm ma lang thang không có chỗ nương tựa. Đó là hiểu lầm. Bởi vì Niết-bàn là vô sanh, tâm không còn dính kẹt mới giải thoát sanh tử. Bấy giờ Phật tánh hiện ra gọi là Niết-bàn. Nếu còn có niệm cầu sanh nơi này, nơi kia dù là sanh về Tịnh Độ, cũng chưa phải cứu kính. Còn kẹt trong cõi Phật là còn chướng ngại, nên nói Phật chướng.

CHÁNH VĂN:   
Vì chướng tâm nên ông bị nhân quả quản thúc, đứng đi đều không có phần tự do…
GIẢNG: 
Vì trong tâm còn chướng, còn dính mắc nên bị nhân quả quản thúc, đứng đi đều không có phần tự do. Như chúng ta không bằng lòng người nào, mình đang đi mà thấy họ đứng đàng kia thì không muốn đi về hướng đó nữa. Vì trong tâm không vừa ý nên có chướng. Ngược lại nếu mình thích người nào, dù chưa muốn đi con đường đó nhưng thấy họ đứng đàng kia cũng bước tới. Như vậy cả hai đều do nhân quả quản thúc, nên ta mất tự do. Có khởi niệm thì nó dẫn mình đi đường này đường nọ, nếu không tâm thì người ta là người ta, mình là mình, cần đi thì đi, không cần thì thôi, không có gì vướng bận hết.

CHÁNH VĂN:  
Vì thế pháp Bồ-đề… vốn không phải có, Như Lai nói ra đều vì giáo hóa người, ví như cầm lá vàng nói là vàng để vỗ trẻ con khóc. Cho nên thật không có pháp gọi là A-nậu Bồ-đề.
GIẢNG: 
Pháp Bồ-đề không có thực, song Đức Phật vì giáo hóa chúng sanh nên ngài nói đây là pháp Bồ-đề tâm, kia là cầu Bồ-đề quả. Đó là phương tiện thôi.
Ví như cầm lá vàng nói là vàng để vỗ trẻ con khóc. Trong kinh thường hay ví dụ như bà mẹ sửa soạn đi chợ, đứa nhỏ ở trong nhà thấy vậy đòi đi, không cho đi nó khóc. Bà mẹ mới lượm lá vàng ở ngoài đưa nói “mẹ cho con vàng đây”. Nghe vàng nó mừng quá hết khóc, nhưng thật ra trong tay chỉ là lá vàng chớ không có vàng. Cũng vậy, Phật nói tất cả pháp là phương tiện để độ chúng sanh, giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay không phải là mặt trăng, nương ngón tay để thấy mặt trăng, bởi vì mặt trăng mới là chỗ cứu kính, chân thật. Chúng ta thường lầm cho ngón tay là mặt trăng nên không nhận ra được chỗ chân thật.
Nói tới tu thì phải tụng kinh, ngồi thiền. Tụng kinh ngồi thiền là ngón tay, nhưng người tu cứ lấy đó làm sở trường, không biết Phật muốn chỉ cái gì. Nếu biết nương lời Phật dạy nhận ra bản tâm, thấy được Phật tánh của mình, đó mới gọi là biết dùng phương tiện để đạt được cứu kính. Đằng này Phật nói ra chúng ta đọc lại cho Phật nghe. Thầy dạy trò học thuộc lòng, đọc lại cho thầy nghe. Cứ thế làm hoài không biết đi tới đâu?
Gốc của đạo không phải ở chỗ ngôn ngữ, kinh điển, mà từ ngôn ngữ kinh điển chúng ta nhận ra cái gốc nơi tự tâm. Tự tâm mình là tánh Bồ-đề nhưng chúng ta lại không biết, cứ chạy theo bên ngoài, đó là sai lầm. Cho nên ở đây nói không có pháp gọi là A-nậu Bồ-đề.

CHÁNH VĂN:  
Nếu đã lãnh hội được ý này,  đâu cần phải ở chỗ riêng rẽ, chỉ tùy duyên tiêu nghiệp cũ, lại chớ tạo nghiệp mới, trong tâm sáng rỡ, nên nói “khi xưa thấy biết cần phải dẹp sạch”.
GIẢNG: 
Khi lãnh hội được ý này rồi, không cần ở riêng một mình chỗ vắng, chỉ tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc y xiêm. Như vậy ở một mình trong thất cũng tốt, ra thất tùy chúng sanh tùy huynh đệ cũng tốt. Ở đâu cũng tùy duyên thôi. Nếu đòi ở trong thất mới tu, ra ngoài tu không được hoặc có người bảo bên ngoài lăng xăng thấy khỏe, vô thất bó buộc quá không tu được. Cả hai hạng người này có tùy duyên không? Không. Thành ra chúng ta sống tùy duyên ở chỗ vắng một mình cũng tốt, xông xáo hợp tác với huynh đệ cũng tốt. Đó là tùy duyên tiêu nghiệp cũ, hồn nhiên mặc áo xiêm.
Chúng ta cần hiểu rõ về câu “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ”. Ví dụ lúc trước mình có làm mích lòng một huynh đệ khiến vị ấy buồn. Bây giờ mỗi khi thấy mặt mình, vị ấy không nói chuyện chỉ ngó ngang thôi, mình làm sao đây? Thấy mình vị ấy không vui, nhưng mình cứ vui chào lại, chào riết người ta cũng sẽ hết giận. Còn thấy người ta không nhìn, mình cũng ngó ngang chỗ khác thì biết chừng nào hết nghiệp cũ? Đó là tu “tùy duyên tiêu nghiệp cũ”. Đã có nghiệp cũ rồi, gặp duyên không thuận chúng ta phải khéo xử sự để nghiệp cũ mòn mất đi. Đó là hiểu rõ “tùy duyên tiêu nghiệp cũ”. Hồn nhiên mặc áo xiêm tức là mặc áo ăn cơm một cách thanh tịnh, yên lặng không dính niệm nào, nghĩ suy nào.
Nếu ai tùy duyên tiêu nghiệp cũ rồi, lại chớ tạo nghiệp mới, trong tâm sáng rỡ nên nói “khi xưa thấy biết cần phải dẹp sạch”. Tất cả thấy biết trước kia ngày nay phải dẹp sạch. Chớ tạo nghiệp mới, là người khôn ngoan. Nghiệp cũ tùy duyên cho tiêu, nghiệp mới đừng tạo nữa. Nếu người ta giận, mình khỏa lấp lần lần bớt giận, mai mốt chọc nữa thì chừng nào hết nghiệp? Cho nên bớt nghiệp cũ rồi thì thôi đừng tạo thêm nữa. Như vậy trong tâm mới sáng rỡ. Cho nên nói “khi xưa thấy biết cần phải dẹp sạch”, tất cả niệm buồn thương giận ghét trước đó bây giờ dẹp sạch hết.

CHÁNH VĂN:  
Kinh Tịnh Danh nói: “Trừ bỏ những gì đã có”.
GIẢNG: 
Tức là trừ bỏ tất cả những gì đã có trước kia cho sạch hết.

CHÁNH VĂN:  
Kinh Pháp Hoa nói: “Trong mười hai năm thường dạy trừ phẩn”.
GIẢNG: 
Đó là hình ảnh chàng cùng tử trở về quê, gặp cha rồi nhưng chưa dám nhìn cha. Ông cha biết nhưng không trực tiếp gọi lại, bảo người quản gia dạy chàng cùng tử mười hai năm dẹp phân cho sạch. Ý này để chỉ tất cả nghiệp cũ đều phải bỏ sạch hết.



Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 62
  • Hôm nay: 1697
  • Tháng hiện tại: 202028
  • Tổng lượt truy cập: 59642045

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile