Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đường Mây Trong Cõi Mộng 26 - 30

Đăng lúc: Chủ nhật - 04/12/2011 21:47
Đường Mây Trong Cõi Mộng 26 - 30

Đường Mây Trong Cõi Mộng 26 - 30

Người xuất gia phải rõ đại sự. Thứ nhất, tâm phải chân thật tha thiết vì sự sanh tử. Thứ hai, phải quyết định phát khởi ý chí xuất ra khỏi sanh tử. Thứ ba, phải xả mạng cho đến chết, quyết không thay đổi. Thứ tư, phải chân chánh biết rõ thế gian là đau khổ, nên cực lực sanh tâm nhàm chán xa rời. Thứ năm, phải thân cận thiện tri thức tuyệt thắng, và đầy đủ chánh tri chánh kiến.

Tiếp........

Đường Mây Trong Cõi Mộng
 

(Bài 26 - 30)

 

Bài 26 : KHAI THỊ CHO THIỀN SƯ NHƯ THƯỜNG.
 

Phật dạy :

- Từ bỏ cha mẹ, xuất gia tu đạo ; liễu ngộ chân tâm, đạt đến bổn tánh, giải pháp vô vi, gọi là Sa Môn, thường hành hai trăm năm mươi giới.

Lại bảo :

- Đoạn tham dục tẩy trừ ái chấp, nhận thức nguồn tự tâm ; đạt được lý thâm sâu của Phật, mà ngộ pháp vô vi.

Lại bảo :

- Cạo bỏ râu tóc, mà làm Sa Môn, lãnh thọ Phật Pháp ; bỏ tiền tài riêng tư ở thế gian, chỉ cầu biết đủ ; ngày ăn một buổi, mỗi đêm ngủ dưới một gốc cây ; cẩn thận chớ xoay trở lại. Khiến người bị ngu si che mờ, đều do ái dục. Những pháp như thế, Phật dặn dò rõ ràng ; chẳng ngoài việc nhắc nhở chư Sa Môn, lúc vừa xuất gia, hạnh đầu tiên phải hành là xa rời dục lạc. Hậu thế tử tôn, thân tuy xuất gia, mà tâm lại say sưa nơi năm món dục ; không biết sao phải hành pháp viễn ly, và đạo nào là đạo xuất khổ não, chỉ miên man hôn mê, mà không tự giác ; lại giả bộ phục sức oai nghi, dối trá hiện tướng oai đức ; ngoài dối người, trong khi tâm mình ; che đậy lỗi lầm mà chẳng biết tự giác. Người muốn cầu chân tâm chánh niệm, thật hiếm có. Kinh Tịnh Danh nói rằng trực tâm là đạo tràng.

Như Thường có chí cầu pháp xuất ly, phải lấy trực tâm làm đệ nhất nghĩa. Trân trọng
 

Bài 27 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN KHÁNH VÂN.
 

Người xuất gia phải rõ đại sự. Thứ nhất, tâm phải chân thật tha thiết vì sự sanh tử. Thứ hai, phải quyết định phát khởi ý chí xuất ra khỏi sanh tử. Thứ ba, phải xả mạng cho đến chết, quyết không thay đổi. Thứ tư, phải chân chánh biết rõ thế gian là đau khổ, nên cực lực sanh tâm nhàm chán xa rời. Thứ năm, phải thân cận thiện tri thức tuyệt thắng, và đầy đủ chánh tri chánh kiến. Thời thời thưa thỉnh, thừa sự theo lời giáo huấn, rồi y như lời dạy mà hành, tinh cần không giải đãi ; không để năm món dục phiền não làm che chướng ; không để tập khí xấu xa sai sử ; không bị giao động vì bạn xấu ; không bôn ba chạy theo duyên ác ; không cho rằng vì độn căn mà tự thối thất. Như thế mà phát tâm và tiến bước, rồi lâu ngày thuần thục, thì tự nhiên sẽ tương dung hợp với sở cầu nguyện xưa. Hiện đời, tuy chưa có thể liễu ngộ, thấy rõ tự tâm, nhưng trăm kiếp ngàn đời, cũng dựa theo ngày nay mà làm nhân địa sơ khởi tu hành. Nếu không như thế, chỉ dùng tri kiến thấp kém hẹp hòi, tập khí sôi nổi mỏng manh, tâm đua đòi theo thói cũ, tâm cuồng vọng, khẩu đầu thiền, khí trọc uế, căn tà kiến, để làm chánh nghiệp xuất gia, rồi lấy đó mà vọng cầu xuất ra khỏi biển khổ ; đó là thích chí siêu việt mà lại an nghỉ, và không chịu đi mà cầu tiến bước.

Hy vọng người chánh tín trong đời mạt pháp, và những thiền nhân đã biết chỗ hướng tới, phải thẩm xét nhận biết bản tâm, dùng đó làm đệ nhất nghĩa chân thật. 
 

Bài 28 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN VÔ SANH.
 

Cổ nhân vừa mới phát tâm, chân chánh vì đại sự sanh tử, quyết chí xuất ly, nên cắt ái từ thân, tham phương tầm cầu thiện tri thức ; trải qua bao gian nan khổ cực, tâm tâm niệm niệm, chỉ vì nhắm thẳng vào việc chưa sáng ; ưu bi thống thiết, như khóc mẹ đã già chết. Gặp được thiện tri thức như con thấy mẹ. Được nghe một lời hay nửa câu, liền khai mở tâm địa, như bệnh được thuốc. Một niệm tương ưng, liễu ngộ nơi tâm, như kẻ nghèo được châu báu. Quăng thân bỏ mạng, nổi trôi bị bao khinh rẻ, mà chưa từng than van nản lòng.

Nhị tổ Huệ Khả vì muốn an tâm mà chặt cánh tay. Lục tổ Huệ Năng đeo đá giã gạo. Bá Trượng làm chấp sự bao lao nhọc. Dương Kỳ làm công quả cúng dường đại chúng. Phàm danh tiết được truyền đăng chiếu soi thiên cổ, chẳng ngoài sự khắc khổ mà nên. Chư Phật trong đời quá khứ, cầu vô thượng Bồ Đề, xả thân mạng như số cát vi trần ; không loài nào mà chẳng thọ thân ; không thân nào mà chẳng tu khổ hạnh. Trăm kiếp tu nhân, nên cảm thiên thượng nhơn gian cúng dường vô lượng. Mạt pháp tử tôn, vì lãng phí thọ dụng nên mất phần công đức bất tận. Sao lại có trời sanh Di Lặc, và có tự nhiên Thích Ca ! Đau đớn thay ! Đời mạt pháp, đã xa quá thời thánh giáo ; phép tắc pháp môn để dùng quét đất. Hậu bối xuất gia, không biết vì việc gì. Sanh ra chỉ biết sợ đói lạnh, nên mãi lo việc ấm no.

Vừa bước vào cửa không, bèn trở lại theo tập quán thế tục ; đàm luận suông cả ngày, phủng phệ túng tình, để sáu căn chạy rong ; chuẩn bị tạo các việc ác ; không làm lụng cực nhọc mà hưởng thức ăn ngon ; không chăn tằm mà mặc y đẹp ; hư tiêu của tín thí, lãng phí thời giờ ; chẳng biết sanh từ đâu đến, chết sẽ đi về đâu ! Sao lại không biết nhân quả khó trốn thoát, và tội phước không sai chạy ! Đại hạn lâm chung đến, như đá chìm thẳng xuống nước ; ba đường ác khổ cùng cực ; một quả báo phải chịu cả năm ngàn năm, biết ngày nào mới được thoát khỏi !

Nhắc những lời này, lão nhân đau xót chua cay ! Mục kích thời lưu hiện tại, đều buông lung như thế. Hy vọng người tu phải như đãi cát lấy vàng, chẳng nên bảo là không có, vì vàng vẫn còn nguyên. Lao tù ba cõi, gông cùng trong bốn loài, lửa lớn cháy phừng phựt, nhà sanh tử hiểm hoạ, làm thế nào để dũng mãnh thoát các khổ, đến nơi vô uý ?

Chẳng phải là đấng trượng phu đầy đủ linh căn, hàm chứa bao cốt cách, thì không thể phấn tấn dũng mãnh, vừa siêu vượt liền nhập vào. Các thầy sanh ra may mắn được gặp Phật Pháp ; sáu căn đầy đủ, hình vóc nương nhờ y ca sa, sớm gặp minh sư. Nếu không thống niệm vô thường, nghĩ ngợi thâm sâu về đại sự, tư duy khổ nơi địa ngục, mà phát tâm Bồ Đề, sửa đổi tâm tánh, để ngày đêm tinh cần, sớm cầu xuất ly, mà cứ dần dà sống qua ngày, phóng túng thân tâm, thì lúc đại hạn đến, hối hận sao kịp ! Hãy nên cố gắng mà hành. Nếu quên lời khuyên răng nhắc nhở của tôi thì phụ lòng tôi và cũng chính là tự phụ mình ! 
 

Bài 29 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN TỰ TÔNG.
 

Phật dạy đệ tử tu pháp xuất thế, chỉ có hai loại diệu hạnh là tự lợi và lợi tha. Lợi tha gọi là tu phước. Tự lợi gọi là tu huệ. Bồ Tát phát tâm, cần cầu đạo Bồ Đề vô thượng. Bồ Tát tuy biết pháp tánh là lặng lẽ không tịch, mà chẳng xả bỏ các hạnh hữu vi. Biết các pháp vốn không tịch tức là tự lợi. Không xả bỏ các hạnh hữu vi gọi là lợi tha. Từ trên chư Phật Tổ, chưa có ai chẳng từ hai hạnh này mà được xuất ra khỏi sanh tử. Đức Thế Tôn muôn kiếp tinh cần tu bao khổ hạnh khó hành. Chúng ta từ bao kiếp dài lâu, lặn hụp trong biển sanh tử, đầu xuất đầu mất, xả thân thọ thân, không thể nghĩ bàn, đều là sống hư chết phí, thì làm sao có một chút gì là hạnh môn chân thật ! Nếu có hạnh chân thật thì quyết sẽ không như mặt mũi đời nay. Sao không thống niệm, mà hồi quang phản chiếu, dũng mãnh tự suy gẫm !

Đời nay thiền nhân do túc duyên may mắn, sớm đã thoát tục, mãi rời biển khổ, lại được an cư tại danh sơn, nơi đạo tràng thù thắng vi diệu mà chư tổ thường thuyết pháp. Đây là duyên lành muôn kiếp khó gặp. Chính là đói gặp tiệc vua. Bệnh được gặp vương. Tự phải biết mình may mắn vô ngần, rồi tận suốt cả đời, xả bỏ thân mạng, làm các việc công đức, thì vượt trội trăm kiếp ngàn đời thường sống vô tích sự. Thiền nhân hãy tin lời của lão nhân ; từ rày về sau, phát tâm kiên cố bất thối, trì chí dũng mãnh can cường, tận hết sức lực, lượng hết tài năng, biện một mảnh tâm khăng khít, nhậm duyên tuỳ nguyện, nhịn tâm nhịn phiền, nhẫn khổ nhẫn lao, thì sẽ có một ngày thành tựu công đức, tức sống đời hữu ích. Thiền nhân tự bảo thân yếu thần suy, không thể lãnh nhận công tác. Cổ nhân quý tại tâm lực cường, nguyện lực lớn, chứ không kể tại sắc thân khoẻ hay không khoẻ. Nay tuy có ít bệnh, không quá khổ đau. Nếu tạo nghiệp ác, đoạ nơi ba đường dữ, thì có cầu như hôm nay bịnh ít, thân tâm phiền não ít, hay muốn gieo lợi ích trong ruộng phước, cũng chẳng được.

Phật bảo chúng sanh, phải nhớ các nỗi khổ nơi địa ngục, mà phát tâm Bồ Đề, tức là bây giờ phải nên tự thúc đẩy, phát khởi tinh tấn. Cổ đức bảo rằng thà chết mà có pháp, còn hơn sống mà chẳng có pháp. Xả bỏ thân mạng này, làm những diệu hạnh đó ; ví như chiếc thuyền Bát Nhã, có thể đạt đến bờ giác. Câu nệ chi mà không cố gắng cưỡng ý chí, để phụ bạc bỏ phí cuộc đời này ! Đã đến núi báu, lại trở về tay không. Sao không tiếc thay !

Nếu thường an tâm nơi vô sự, tức là tâm không. Tâm không tức thần chẳng suy. Thần chẳng suy tức thần không lao nhọc. Đó là diệu hạnh vô tác. Gặp duyên tức là tông thú tu hành ; quyết không để công việc thường ngày xoay chuyển. Nơi nơi đều thành tựu môn đại giải thoát. Xin hãy suy gẫm cho kỹ ! 
 

Bài 30 : KHAI THỊ CHO THIỀN NHÂN TỰ GIÁC.
 

Phật bảo chư tỳ kheo rằng mỗi sáng sớm phải tự lấy tay xoa đầu. Lời này thật thâm thuý. Lão nhân mỗi mỗi suy gẫm, đức Phật từ bi thống thiết triệt xương tuỷ. Ngài hằng bảo rằng mạt pháp tỳ kheo, đa số thường thích thọ dụng, an nhiên hưởng thụ tứ sự cúng dương. Mỗi mỗi tự bảo đó là điều ưng phải được, mà không xét coi mình là người gì, cùng vật cúng dường từ đâu đến, và làm thế nào mà thọ nhận ! Người biết ân thì hiếm, và người báo ân thì ít, chỉ vì chưa chịu rờ đầu. Nếu chịu xoay lại rờ đầu, thì bất giác tự hoảng sợ, thốt lời rằng tại sao mình cắt bỏ râu tóc, không mặc y phục người thế tục ! Biết hình dạng khác tục, nên không dám cư trú gần người thế tục ; thân không dám vào chốn thế tục ; tâm không dám niệm nhớ thế tục. Như thế tức là an lạc nơi hạnh viễn ly. Không đợi thiện tri thức dạy bảo, mà tự phát tâm dõng mãnh ; vào núi chỉ sợ núi không sâu.

Song, có những hạng thầy tu lại an nhiên trú ngụ trong phồn hoa đô thị hỗn tạp ; phóng túng thân tâm, để làm người vô loại, và hành bao hạnh vô ích. Thiền nhân Tự Giác vốn trụ ở nhân gian, nay đến Khuông Sơn lễ bái lão nhân, nguyện khô tâm trụ núi, tu hạnh xuất thế. Lão nhân vì đó chỉ dạy hạnh phước huệ song tu. Tu hụê tức tại quán tâm. Tu phước tức hành nơi vạn hạnh. Quán tâm dùng niệm Phật làm phương pháp tối thắng. Vạn hạnh dùng sự cúng dường làm đầu. Hai việc này, chính là hạnh tổng trì.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, đều là vọng tưởng, (tức cội gốc của sanh tử), nên phải chiêu lấy quả khổ. Ngày nay dùng tâm vọng tưởng đó, chuyển làm tâm niệm Phật, tức niệm niệm thành nhân Tịnh Độ, đó là quả an lạc. Nếu niệm Phật mà tâm tâm không gián đoạn, thì vọng tưởng sẽ tự tiêu diệt. Ánh sáng của tự tâm phát lộ, và trí huệ hiện tiền, tức trở thành pháp thân Phật. Chúng sanh bần cùng không phước huệ, do sanh sanh thế thế, chưa từng có một niệm cúng dường Tam Bảo, để cầu phước đức. Sanh tử làm khổ thân ; niệm niệm tham cầu sự vui của năm món dục lạc, mà đó chính là tư lương của gốc khổ. Bây giờ, dùng tâm tham cầu, chuyển thành tâm cúng dường Tam Bảo. Đem thân mạng hữu hạn, tuỳ tâm lượng lực, mà cúng dường mười phương. Dùng một cây hương, một nhánh hoa, một hạt gạo, một cọng rau, để cúng dường Tam Bảo như nhỏ một giọt nước vào biển cả, và như một hạt bụi vi trần rơi xuống đất. Biển có lúc khô, và đất có lúc cùng tận, mà phước báo kia chẳng cùng tận, nên cảm Phật quả, trang nghiêm cõi Hoa Tạng, để làm nơi tự thọ dụng trong tương lai. Bỏ hạnh này thì không có diệu hạnh thành Phật khác.

Thiền nhân nếu sanh mỏi mệt chán chường, hãy lấy tay xoa đầu, tức sẽ tự phát tâm dũng mãnh vô lượng.

 
Còn Tiếp....
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 192
  • Khách viếng thăm: 190
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 12822
  • Tháng hiện tại: 474988
  • Tổng lượt truy cập: 59915005

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile