Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiên thủ Quán Âm

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/08/2012 17:10 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiên thủ Quán Âm

Thiên thủ Quán Âm

Hình tượng Thiên thủ Quán Âm bắt nguồn từ các kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, Đại Phật đảnh, Như Lai mật nhơn, Tu chứng liễu nghĩa, Chư Bồ-tát vạn hạnh, Thủ lăng nghiêm, và một số kinh khác.

Thiên thủ Quán Âm là một trong nhiều danh xưng của Bồ-tát Quán Thế Âm, tiếng Phạn là Avalokitesvara, cũng gọi là Quán Tự Tại, vị Bồ-tát có đến ngàn cánh tay, ngàn con mắt. Trong mỗi lòng bàn tay của Bồ-tát có một con mắt, Bồ-tát có thể hóa hiện ra vô số cánh tay với vô số con mắt. Ngàn tay ngàn mắt (thiên thủ thiên nhãn) thiết nghĩ là một cách nói dùng để chỉ số lượng rất nhiều chứ không có ý xác định con số là một ngàn (1.000). 

Quán Thế Âm là vị Bồ-tát quen thuộc trong truyền thống Phật giáo Phát triển. Nhưng tại sao Bồ-tát lại có đến ngàn con mắt, ngàn cánh tay? Theo kinh diễn tả thì chẳng những Ngài có ngàn cánh tay và trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt, mà Ngài còn có đến ba đầu, bốn đầu, thậm chí rất nhiều đầu, tùy theo sự hóa hiện của Ngài. 

b PHAT HOC.jpg

Thiên thủ Quán Âm tại khu du lịch Suối Tiên, TP.HCM

Theo kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, giữa chúng hội trong đạo tràng Bửu Trang Nghiêm ở núi Bổ Đà Lạc Ca (Potalaka), Bồ-tát Quán Thế Âm đối trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuật lại rằng: Trong vô lượng ức kiếp về trước có Phật ra đời hiệu là Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai. Đức Phật ấy vì thương nghĩ đến Ngài và tất cả chúng sinh, nên thuyết thần chú Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni. Đức Phật lại dùng tay báu sắc vàng xoa đầu Ngài mà nói: “Thiện nam tử, ông nên thọ trì thần chú này và vì khắp tất cả chúng sinh trong đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích an vui lớn”.  Lúc đó Bồ-tát mới chứng bậc Sơ địa, vừa nghe thần chú ấy xong liền chứng vượt lên Bát địa. Bấy giờ Ngài rất mừng, liền phát đại nguyện rằng: “Nếu trong đời vị lai, tôi có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh với thần chú này thì khiến cho ngay lập tức thân con hiện ra ngàn tay ngàn mắt”. Khi Bồ-tát phát nguyện rồi thì ngàn tay ngàn mắt đều hiện đủ nơi thân. Lúc ấy cõi đất chấn động sáu cách, chư Phật trong mười phương đều phóng ánh quang minh soi đến thân Ngài và chiếu sáng khắp mười phương vô biên thế giới”.

Cũng trong pháp hội này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho Tôn giả A Nan và chúng hội biết thêm về Bồ-tát Quán Thế Âm: “Này thiện nam tử, Bồ-tát Quán Thế Âm thần thông oai lực không thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp về trước đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Vì tâm đại bi và nguyện lực rộng lớn, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ-tát, vì muốn mang lại an vui cho chúng sinh nên Ngài mới hiện làm Bồ-tát. Vậy nên ông và đại chúng, các hàng Bồ-tát ma-ha-tát, Phạm vương, Đế Thích, Long thần đều nên cung kính, chớ sinh lòng khinh mạn xem thường. Cho nên tất cả hàng trời, người thường xuyên niệm danh hiệu, cúng dường Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ được vô lượng phước, diệt được vô lượng tội, khi mạng chung sinh về cõi nước của Phật A Di Đà”. 

Trong kinh Thủ lăng nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm có nói, Ngài nhờ tu pháp Quán âm: “phản văn, văn tự tánh” (xoay cái nghe trở vào chơn tánh) mà thành tựu Nhĩ căn viên thông. Bồ-tát bạch với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như sau: “Bạch Thế Tôn, do con tu như thế mà vượt ra khỏi thế gian và xuất thế gian. Vì đã được chơn tâm thanh tịnh sáng suốt viên mãn khắp cả mười phương cùng với chư Phật và chúng sinh đồng một thể tánh ấy, nên con được hai điều thù thắng là hiệp với đức từ độ sinh của chư Phật và hiệp với lòng bi ngưỡng, hướng thượng của tất cả chúng sinh, đồng thời được các món diệu dụng.

Bạch Thế Tôn, con nhờ chứng được chỗ đồng thể đó, nên cùng với chư Phật hiệp đức từ, hiện ra 32 ứng thân để tùy thuận theo các chúng sinh mà hóa độ, hoặc hiện thân Phật, hoặc hiện thân Độc giác, Duyên giác, hoặc hiện thân Thinh văn, hoặc hiện thân Phạm vương, Đế thích, Tự tại thiên, Đại Tự tại thiên, Đại tướng quân, Tứ thiên vương, hoặc vua, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà-la-môn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, quỉ thần, người...

Bạch Thế Tôn, con nhờ tu pháp này chứng được chỗ đồng thể với chúng sinh, nên cùng với chúng sinh đồng một lòng bi ngưỡng, hướng thượng. Vì thế, nên con khiến cho các chúng sinh đặng 14 đức vô úy: chúng sinh khổ não được thoát khổ, vào lửa không cháy, vào nước không chìm, lìa tâm sân hận, lìa tâm si mê, lìa tâm dâm dục…

Bạch Thế Tôn, con nhờ tu pháp môn này mà đặng bốn đức thần diệu không thể nghĩ bàn: Một là, hiện nhiều đầu nhiều tay và nhiều mắt. Hai là, hiện hình nói thần chú. Ba là, chúng sinh hy sinh tài sản cầu con thương xót. Bốn là, chúng sinh cầu chi được nấy.

Bạch Thế Tôn, con có thể hiện ra nhiều hình tướng và nói vô số chân ngôn bí mật. Từ một thân tướng, con có thể hiện ra từ 1 đầu, 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu, …108 đầu, 1.000 đầu, 10.000 đầu, cho đến 84.000 đầu. Con có thể hiện ra 2 tay, 4 tay, 6 tay, 12 tay, 14 tay, 16 tay, 18 tay, 24 tay, 108 tay, rồi 1.000 tay, 10.000 tay, cho đến 84.000 tay. Con có thể hiện ra 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, 108 mắt, 1.000 mắt, 10.000 mắt, cho đến 84.000 mắt thanh tịnh, hoặc từ, hoặc uy, hoặc định, hoặc tuệ để cứu độ chúng sinh được đại tự tại”.

Dù hình ảnh ngàn mắt ngàn tay là ngôn ngữ biểu tượng trong kinh điển Đại thừa hay là thật tướng và diệu dụng của Pháp thân, thì ý kinh cũng không ngoài việc nói đến trí tuệ và đại oai thần lực của Bồ-tát Quán Thế Âm là bất khả tư nghì. Hình ảnh ngàn mắt ngàn tay muốn nói về công hạnh của Bồ-tát, nói về thần thông diệu dụng của Bồ-tát, khả năng tự tại vô ngại, tùy duyên thị hiện nhiều loại thân tướng, có vô lượng biện tài, có khả năng sử dụng nhiều phương tiện để cứu khổ, hóa độ chúng sinh. Nếu nói theo ngôn ngữ biểu tượng, con mắt tượng trưng cho trí tuệ, cánh tay tượng trưng cho năng lực cứu độ, hạnh nguyện từ bi. Trí tuệ luôn soi đường, dẫn lối cho hành động từ bi lợi mình và lợi người. Đó là ý nghĩa của biểu tượng ngàn mắt ngàn tay. Thiển nghĩ, nên hiểu hình ảnh ngàn mắt ngàn tay theo ý nghĩa biểu tượng, bởi một vị Đại Bồ-tát như Quán Thế Âm thì lục căn có thể thay thế cho nhau, tai cũng có thể thấy chứ không chỉ để nghe, mắt cũng có thể nghe chứ không chỉ để thấy (điều này Bồ-tát Quán Thế Âm cũng có nói rõ trong kinh Thủ lăng nghiêm).

Bồ-tát Quán Thế Âm có con mắt bình thường của phàm phu (nhục nhãn), hay nói đúng hơn là Ngài cũng có cái thấy, cái biết, cái nhận thức như chúng ta, biết rõ tâm niệm của chúng sinh phàm phu. Ngài lại có con mắt của chư thiên cõi Trời (thiên nhãn), tức năng lực nhìn thấy khắp nơi không chướng ngại. Ngài có con mắt trí tuệ của các bậc Thánh Duyên giác, Thinh văn A-la-hán (huệ nhãn) và con mắt siêu phàm của hàng Bồ-tát (pháp nhãn). Trong kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng cho biết trong đời quá khứ Bồ-tát Quán Âm đã là một vị Phật, thành tựu Phật nhãn. Với Phật nhãn, Ngài thấy biết tất cả sự vật hiện tượng trong hằng hà sa thế giới với vô lượng chúng sinh, thấy biết tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian, cho nên Bồ-tát Quán Thế Âm cũng không cần phải có đến ngàn con mắt. Vậy nên hình ảnh ngàn con mắt chính là trí tuệ siêu việt của Bồ-tát Quán Thế Âm, hình ảnh ngàn tay là năng lực độ sinh rộng lớn, thần thông diệu dụng vô biên của Bồ-tát.

Trong đời có những người tâm chí cao thượng luôn vì an vui hạnh phúc của cộng đồng, của xã hội mà quên cả bản thân mình. Chẳng hạn như những người hy sinh tài sản, sự nghiệp, hy sinh cả cuộc đời mình để nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật; những người dấn thân nơi vùng cao, vùng sâu vùng xa để làm việc phụng sự cho cộng đồng nghèo, những nơi thiếu điều kiện vật chất, thiếu ánh sáng văn hóa, thiếu nếp sống tâm linh…. Đó là hiện thân của các vị Bồ-tát: Bồ-tát mới phát tâm, hoặc Bồ-tát đã phát tâm và cũng có thể là hóa thân của các vị Đại Bồ-tát tùy duyên ứng hiện hóa độ chúng sinh. Có những người vừa là nhà tâm linh, vừa là nhà văn hóa, vừa là nhà giáo dục; có những người có thể đảm nhiệm nhiều trọng trách, nhiều công việc, tài đức vẹn toàn có khả năng làm lợi lạc cho nhiều người v.v… Đó có thể là những hóa thân, là diệu dụng “thiên thủ, thiên nhãn” của Bồ-tát Quán Thế Âm.     

Người đệ tử Phật tu theo hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm phải luôn trau giồi phạm hạnh giới đức, thiền định, trí tuệ, phát triển tâm đại bi, thực hành pháp Quán âm (phản văn, văn tự tánh) mà Bồ-tát đã dạy trong kinh Thủ lăng nghiêm để thành tựu trí tuệ Bát nhã, phát bi nguyện rộng lớn làm lợi ích chúng sinh. Phải có tuệ giác mới có được năng lực quán chiếu, mới có cái thấy sâu sắc, có khả năng nhìn xa trông rộng, tức là có được năng lực “thiên nhãn”(ngàn mắt); phải có bi nguyện mới tùy duyên hóa độ chúng sinh, tức là có được năng lực “thiên thủ” (ngàn tay). Có “thiên nhãn” mới nhìn thấy được chỗ nào cần, ở đâu chúng sinh khổ; có được “thiên thủ” mới có cách cứu khổ ban vui, làm lợi lạc cho họ, khi chúng sinh cần liền kịp thời có mặt. 

Tác giả bài viết: Phan Minh Đức
Nguồn tin: Giác ngộ Online
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 107
  • Khách viếng thăm: 106
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 5029
  • Tháng hiện tại: 1718613
  • Tổng lượt truy cập: 59371546

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile