Xuân Quê
Sãi già tu hành trăm điều vụng quê. Ngày ngày chỉ biết khêu sáng ngọn đèn tâm của mình dâng lên cúng dường mười phương hiền thánh, lịch đại Tổ sư. Chính ngọn đèn tâm này là mạng mạch của Phật pháp, là chỗ chân truyền xưa nay. Do đó bậc thức giả trong Tông môn phải nên gánh vác việc này. Một việc này nếu chưa hoàn tất, mà chỉ Đông chỉ Tây chạy lăng xăng bên ngoài, đó chỉ là ta tự dối ta mà thôi, hoặc ta là kẻ đếm của báu cho người, cam phận nghèo thiếu suốt kiếp. Đáng thương thay!
Có một hành giả đến than với tôi “con bị bận rộn công kia việc nọ quá nhiều, không tu hành gì được hết”. Nghe qua câu nói của người khách, tôi ôn tồn đóng góp như sau:
Thật ra trong đời sống này nói đến công việc thì không lúc nào dứt, cho nên chúng ta không thể nói nhiều hay ít được. Tùy mình liệu lấy, nhiều ít do mình. Vả lại tu cũng là một công việc. Công việc thường không mắc mớ gì đến công việc tu của chúng ta. Tu, việc cả hai hỗ trợ cho nhau, thì việc gì lại không tu được ? Công việc nào làm bận rộn chúng ta ? Và lúc nào chẳng phải là lúc chúng ta tu ?
Hơn nữa cứ như người xưa, trong tất cả cảnh, với tất cả thời, các Ngài đều áp dụng công phu tu hành đắc lực. Tùy thời các Ngài đều thụ dụng an ổn. Như : Giả gạo, ngắm hoa, hái rau, nấu cơm, nấu nước… Các Ngài rất bình thường. Thế ấy tại sao chúng ta lại không bình thường ? Không tu được trong những việc bình thường như người xưa. Lý do chúng ta không tu được ở chỗ nào ? Chúng ta phải tìm cho ra manh mối, xem tại làm sao chúng ta không tu được trong công việc bình thường. Phải chăng tại chúng ta chưa chịu buông, thật sự buông. Chúng ta chưa quyết liệt, đem toàn thân mạng của mình hạ thủ công phu tu hành.
Một khi chúng ta chịu buông và buông hết rồi thì, cuốc đất cũng tu, làm bất cứ công tác xã hội nào cũng tu. Đã vậy còn than van nỗi gì? Tuy nhiên, cũng không phải là giản dị đâu. Người xưa tu được trong mọi hoàn cảnh là vì các Ngài nhìn thẳng và uy dũng tiến bước. Một khi nắm được đầu dây thì, phăng miết đến cùng, bao giờ đụng vỡ màng tang mới chịu thôi. Còn chúng ta thì trái lại, chẳng những không quyết liệt liều mạng mà còn lăng xăng liếc ngó. Tình trạng một nắng mười mưa còn tác động đầy trong sinh hoạt bình thường. Cho nên nói cho cùng là, đối với chúng ta hình ảnh cam phận tầm thường thất bại, bỏ cuộc hiện rõ trước mắt, cũng là một sự kiện dĩ nhiên. Để bổ sung cho những khuyết điểm vừa nêu, chúng ta phải làm sao đây ?
Theo thiển ý của tôi, hành giả muốn cho công phu tu hành của mình được đắc lực trong mọi hoàn cảnh thì không gì hơn “Ngang đây hãy coi như mình đã chết và, người chết rồi không bao giờ ngốc dậy lý sự gì nữa”. Kẻ ghi câu này với ý hướng khuyến gắng các bạn còn ngỡ ngàng trong Tông môn, cũng để tự răn mình, phải phấn đấu kỳ cùng, dù phải tan thân mất mạng.
Sơn cư lực học ngộ Thiền tông,
Nhật dụng tiên tu đạt khổ không,
Bất thức bổn lai chân diện mục,
Niêm hoa vi tiếu táng gia phong.
Nghĩa:
Ở núi dùi mài tỏ Thiền tông,
Vào cửa công phu rõ khổ không,
Chẳng biết xưa nay mày mặt thật,
Niêm hoa vi tiếu mất gia phong.
Vào cửa trình nhau phải đầy đủ mặt mắt thật xưa nay của chính mình. Bước đầu công phu phải gắng gổ để thấu rõ giả chân, kế lại quyết liệt dọn mình, một nhảy vào thẳng thế giới uyên nguyên. Nói thế e rằng trái phạm chăng ? Thôi hãy buông, một chữ buông là vừa phải.
Người học Đạo quan thiết chỉ cốt tìm tâm. Phải sống thật với tâm. Tâm là bảo sở, ngoài tâm không gì khác có thể thay tâm được. Do đó dù trải qua bao nhiêu gian lao nguy khốn, mục đích của hàng đạo nhân là sống thật với tâm mình, buông bỏ tất cả vọng tưởng lăng xăng bên ngoài. Việc làm đấy gọi là công phu, gọi là trở về. Ngoài việc làm đấy cũng chưa khỏi có chút dính dáng.
Chớ chạy quàng xiên tìm kiếm vụn vặt bên ngoài. Định thần nhìn lại, gì là mặt mắt thật xưa nay của chính mình ?
Khéo, khéo. Một nụ cười vô biên nở rộp…
Thử nhìn lại xem!
***
Sơn cư nhất vị thái căn hương,
Vật ngoại nhàn nhân tuế nguyệt trường,
Trục nhật ai lai khiên bổ quá,
Minh triêu hà tất dự tư lương.
Nghĩa:
Ở núi rau củ sống qua ngày,
Làm kẻ nhàn tăng vui thú hoài,
Bữa bữa xét suy chừa lỗi cũ,
Cần gì lo lắng việc ngày mai.
Làm tăng vô sự, thân tạm rau khoai, tháng ngày tự tại, chẳng cần lo lắng việc gì cũng không có việc gì lo lắng. Chỉ hằng tỉnh xét lầm lỗi nơi mình, nếu có liền buông, phải buông thật hết. Một chữ buông này ngời ngời trước mắt, không chút lãng xao. Mảy may máy động, phải hạ thủ mau. Chúng ma tác hại, không khéo len vào…
Gì nữa ? Nói xàm mãi sao ?
Vui ta vui chừ Bố Đại vui sướng
Điên ta điên chừ Phổ Hóa điên gàn.
Sơn cư khô đạm quả nhiên cùng,
Hân đảo thiền sàng lại hạ công,
Thánh giải phàm tình câu bất lập,
Nhứt luân minh nguyệt chiếu hư không.
Nghĩa:
Ở núi khô lạt rõ ràng nghèo,
Xiêu ngã giường thiền biếng sửa theo,
Ý thánh tình phàm đều ném hết,
Một vầng trăng sáng giữa trời treo.
Ngàn trúc thay cửa, mây bay nước chảy tự muôn đời. Giữ nết yên nghèo, tùy phần an ổn. Vả như gặp người hỏi đến chỉ nghiêng đầu tạ lễ mà thôi.
Ấy thế, yên phận là một đức hạnh đáng quý và đấy cũng là một pháp tu, là cái then chốt của hạnh tri túc. Bao lâu còn chưa yên phận thì hạnh tri túc còn chưa thực hiện được, chỉ khi nào yên phận, chăm lo việc mình an ổn giữ đạo, mới thực hiện hoàn toàn pháp tri túc của Phật dạy.
Thương hải tang điền, đổi thay trước mắt, lạ gì ? Chừ ta dấu dẹp mọi khôn hay, bày ra những vụng dỡ quê mùa để sống cho hết năm tàn mà tiến tu đạo nghiệp.
Vinh với nhục mà chi. Vinh đó nhục đó, trò đời dâu bể có ra gì ! Đã thế dấn thân vào chốn bụi hồng, đâu không là dại dột.
Tuy nhiên.
Trong lòng ví không xiêu không lệch,
Mặc tình nghe kẻ mắng người khi,
Châm lửa đốt trời thêm nhọc sức,
Đáy mắt đà buông rủ bóng từ bi.
Trí tuệ như vầng trăng chiếu ngự giữa trời. Buông tất cả sống đời đạm bạc tiêu dao, không còn việc gì để quan tâm, chỉ chăm hẩm một việc như mèo rình chuột, chỉ đớp được chuột mới thôi. Lại lấy “Trí tuệ là sự nghiệp” là câu châm ngôn của người tu. Bao lâu trí tuệ hiện tiền, chừng đó mới an nhiên giải thoát.
- Giải thoát cái gì ?
- Rạng đông mặt trời lên, mọi tăm tối đều dứt sạch.
Thế thôi !
***
“Đạo bổn vô ngôn, ngôn năng tải đạo”. Đạo vốn không lời, song mượn lời để chuyển tải đạo là một trong những phương tiện của lịch đại Tổ sư mà thôi. Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Tây sang Đông độ, là vì muốn chỉ thẳng tâm người, thẳng đó thấy tánh thành Phật, cho nên chẳng chịu lập bày ngôn ngữ. Thế nhưng trước khi trở về cõi Phật, Ngài đã truyền bốn quyển kinh Lăng Già cho Nhị Tổ Huệ Khả làm pháp biểu tín. Thật là một trường bối rối cho người sau mù mờ đứng ngoài cửa trông đợi.
Tuy nhiên, ở chỗ thâm mật sâu kín thì không có gì khuất lấp, cũng chẳng có chi lỗi lầm. Người đã thông sáng, dù nói trọn một đời cũng chẳng chạm môi răng, không lời lẽ để lại. Nói xong liền phá. Phá xong liền thoát. Chẳng còn một dấu tích lưu tình.
Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy.
Nhạn vô lưu ảnh chi tâm,
Thủy vô di tích chi ý.
Ấy mới thật là chân ngữ vậy. Người còn vướng vật bận lòng thì dù có câm lặng ngàn năm cũng chỉ nuôi lớn một tòa nhân ngã bỉ thử, chất ngất bất an trong lòng. Đâu thể gọi là vì mình vì người được.
Chính vì thế thiền sư trong nhà thiền đã chẳng ngại khô môi đắng lưỡi, vì chúng sanh mê muội mở lòng từ khai thị. Ngày nay, theo chân người xưa, Hòa thượng Ân sư cũng chỉ một con đường duy nhất ấy mà đi. Ngài đã chẳng đi một mình, mà nắm tay tứ chúng đồng đi. Từ đó có giáo môn phương tiện, lời lẽ hiện bày, nhắc nhở chúng đệ tử hữu duyên hữu hạnh tinh tấn nỗ lực tu hành. Thời giờ chẳng cho hẹn.
Cho nên nếu là người thật tâm học đạo, phải trên lời mà nhận ra ý chỉ, y nghĩa bất y ngữ, không kẹt câu chữ, không lý luận sáo ngữ. Thẳng đó bảo nhậm công phu, như vậy mới là không cô phụ cổ đức cũng như ân sư, và nhất là không cô phụ bản hoài của chính mình. Được thế những lời pháp vi diệu từ đức Phật dần xuống các bậc Thánh tăng, cho đến chư tôn đức hiện đời đều là diệu dược, cứu người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo trong tích tắc. Bằng không như thế, e rằng diệu dược sẽ trở thành độc dược, giết chết kẻ mê trong biến chứng trầm kha. Cốt chỉ một tâm mà ra.
Là một hành nhân trong Tông môn, tuy còn sinh hoạt trong cộng đồng xã hội, nhưng trí tuệ siêu việt hơn đời. Mọi chủ lực đều tập trung vào một việc là, cốt nuôi sống tuệ mạng, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Bao nhiêu buộc ràng toan tính vất xa ngoài vạn dặm, cố tạo một cuộc sống an ổn lành mạnh, đồng thời gan dạ chịu đựng mọi trở lực một cách anh dũng và sáng suốt. Ta tin chắc dù hành trình vạn lý, nhưng mỗi bước đi là mỗi bước về gần hơn.
tu hành, ngày ngày, lịch đại, tổ sư, phật pháp, thức giả, gánh vác, hoàn tất, lăng xăng, mà thôi, cam phận, tôi con, ôn tồn, như sau, đời sống, không thể, vả lại, mắc mớ, hỗ trợ, hơn nữa, tất cả
Mã an toàn:
Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...
Ý kiến bạn đọc