Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Sư HIỆN QUANG

Đăng lúc: Thứ ba - 11/10/2016 06:00 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Sư HIỆN QUANG

Thiền Sư HIỆN QUANG

Pháp huyễn đều là huyễn, Tu huyễn đều là huyễn, Hai huyễn đều chẳng nhận, Tức là trừ các huyễn.
(? - 1221)-(Đời thứ 14, dòng Vô Ngôn Thông)

Sư tên Lê Thuần, quê ở thành Thăng Long, tiếng nói êm ái, dung mạo xinh đẹp, mồ côi từ thuở nhỏ, nếm đủ mùi gian nan. Năm mười một tuổi được Thiền sư Thường Chiếu đem về nuôi và nhận làm học trò. Sư tư chất rất thông minh, mỗi ngày đọc hàng vạn chữ. Không đầy mười năm, Sư thông suốt Tam học. Nhưng về tông chỉ của Thiền môn, Sư chưa kịp suy cứu thì Thiền sư Thường Chiếu đã qui tịch. Về sau, mỗi khi biện luận với ai đến chỗ thâm yếu, bị bắt bẻ, Sư trả lời không được, Sư hối hận tự than:

- Ta cũng như con nhà giàu to, lúc cha mẹ còn sống, chỉ biết ăn chơi lơ đễnh, đến khi cha mẹ mất đi, thành ra mờ mờ mịt mịt, chẳng biết của cải nhà mình để đâu, rốt cuộc chỉ là kẻ nghèo thiếu.

Từ đó Sư dạo khắp tùng lâm, tham tầm thiện tri thức. Đến chùa Thánh Quả gặp Thiền sư Trí Thông nói cho một câu, Sư liền phát minh tâm địa, bèn ở lại đây hầu hạ.

Sau vì nhận món đồ của bà Công chúa Hoa Dương, mà tiếng ong ve nổi lên vang dậy. Sư nghe rồi tự nghĩ:

- Phàm cùng người thế tục tới lui, ắt chẳng khỏi bị hủy nhục. Xét lại ta phải chịu như thế sao? Bồ-tát đối với Phật pháp hoặc rộng hoặc lược, là kẻ sĩ trung dung vô lượng, mà vẫn còn buồn khóc thay! Nếu không tỉnh giác mạnh mẽ, lấy nhẫn nhục làm áo giáp, lấy tinh tấn làm binh khí, thì lấy gì để đánh ma quân, dẹp phiền não, cầu được Vô thượng bồ- đề ?

Rồi Sư vào thẳng trong núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An theo Thiền sư Pháp Giới thọ cụ túc.

Một hôm, Sư thấy thị giả bưng cơm, sẩy tay làm rơi xuống đất, sợ quá thị giả lấy tay hốt cơm vẫn còn lộn đất. Sư tự hối nói:

- Ta sống không làm lợi ích gì cho ai, luống nhọc người cung cấp, đến phải như thế.

Từ đây Sư mặc bằng lá cây, ăn các thứ trái lượm được, không dùng cơm nữa. Trải qua mười năm như thế.

Sau vì muốn tìm chỗ riêng để an dưỡng tuổi già, Sư vào sâu trong núi Từ Sơn kết cỏ làm am mà ở. Mỗi khi đi kinh hành dưới rừng, Sư dùng gậy quảy một túi vải, ngồi nằm chỗ nào các loài dã thú trông thấy đều nép phục.

Vua Lý Huệ Tông kính trọng đạo đức của Sư sắp bày đủ lễ đón tiếp. Sư ẩn tránh, sai thị giả đáp lời sứ rằng:

- Bần đạo sống nhờ đất vua, ăn lộc của vua, được xuất gia thờ Phật, đã trải nhiều năm, công đức chưa thuần thục, thật lấy làm hổ thẹn. Nếu bảo ra yết kiến vua, chẳng những không bổ ích về việc trị dân, lại chuốc lấy sự chê bai của chúng sanh. Huống là, hiện nay Phật pháp thạnh hành, những bậc thầy mẫu mực trong đạo đã tụ họp về cấm túc uy nghi trong điện các. Xét lại phận hèn quê mùa này, một lá y nương trong núi hành đạo, đâu dám đến nơi ấy.

Từ đó, Sư quyết định không xuống núi.

Có vị tăng hỏi:- Hòa thượng từ ngày ở núi này đến giờ làm việc gì ?

Sư đáp bài kệ:

          Hứa Do tập theo đức,

          Nào biết đời mấy xuân,

          Vô vi sống đồng rộng,

          Người tự tại thong dong.

          (Na dĩ Hứa Do đức,

          Hà tri thế kỷ xuân.  

          Vô vi cư khoáng dã,

          Tiêu diêu tự tại nhân.)      

Đến mùa xuân năm Tân Tỵ, niên hiệu Kiến Gia thứ mười một (1221) đời Lý Huệ Tông, trước khi thị tịch, Sư ngồi ngay thẳng trên gộp đá nói kệ:

          Pháp huyễn đều là huyễn,

          Tu huyễn đều là huyễn,

          Hai huyễn đều chẳng nhận,

          Tức là trừ các huyễn.

          (Huyễn pháp giai thị huyễn,

          Huyễn tu giai thị huyễn,

          Nhị huyễn giai bất tức,

          Tức thị trừ chư huyễn.)     

Nói kệ xong, Sư an nhiên mà hóa. Môn nhân là Đạo Viên sắm đủ lễ táng Sư trong hang núi.


Nguồn tin: thuongchieu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 79
  • Khách viếng thăm: 77
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 40115
  • Tháng hiện tại: 418933
  • Tổng lượt truy cập: 79287797

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile