Hàng ngày có hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan quần thể hang động Ellora, trong số đó có nhiều người đến để cầu nguyện là dân bản xứ, số khách đến thăm quan chủ yếu là khách quốc tế...
Khác với Ajanta, Ellora không chỉ là một quần thể của riêng Phật giáo, mà cũng còn là một địa danh nổi tiếng đối với cả Ấn Độ giáo và Kỳ-na giáo, bởi cũng có nhiều đền thờ của hai tôn giáo này ở đây. Và sự có mặt chùa chiền, đền thờ của cả ba tôn giáo ở trong cùng một quần thế, phần nào cho thấy có một thời điểm trong quá khứ, cả ba tôn giáo này đã từng chung sống hòa bình với nhau. Và với một số người Ấn, họ tự hào cho rằng đây là một chứng cứ về lòng bao dung tôn giáo của người Ấn.
Quần thể này có đến gần 100 chùa, đền động, nhưng trong số này có 34 ngôi chùa và đền được nhiều người biết đến và thăm viếng, được khắc đục vào vách núi và có niên đại từ thế kỷ thứ V đến X Tây lịch. Ở đây Phật giáo có 12 ngôi chùa, và được xác định là nhóm chùa động có niên đại sớm nhất, được đục tạc từ thế kỷ V đến thế kỷ VII Tây lịch, thời kỳ Phật giáo Đại thừa hưng thịnh ở vùng đất này. Ấn Độ giáo có 17 ngôi đền (từ động số 13 đến 29), có niên đại từ giữa thế kỷ VI đến cuối thế kỷ VII. Kỳ-na giáo có 5 (từ động 30 đến động 34), có niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ X. Những ngôi đền của Kỳ-na đều thuộc về phái Digambara, là phái chủ trương lõa thể tuyệt đối (trong khi phái khác là Śvētāmbara cho phép tu sĩ sử dụng y phục màu trắng). Như vậy những đền thờ của Kỳ-na giáo được khắc đục muộn nhất, vào thời điểm mà Phật giáo ở xứ sở này đã suy yếu.
Những động thuộc Phật giáo hầu hết là các tịnh xá (vihara), mà trong đó có ngôi được làm thành hai, ba tầng, bao gồm trai đường, khách đường, nhà bếp và phòng ngủ. Như vậy nó được xem là một tịnh xá hoàn chỉnh với đầy đủ những khu vực sinh hoạt. Chỉ có riêng động số 10 là một điện thờ (chaityagriha), gọi theo cách Việt Namlà một chánh điện.
Cũng như tình trạng ở Ajanta, những chùa động của Phật giáo ở Ellora đã không có Tăng nhân cư trú trong nhiều thế kỷ, khi Phật giáo bị suy tàn ở vùng đất này cũng như trên toàn cõi lục địa Ấn. Tuy nhiên, dù không có Tăng nhân cư trú và cũng không còn giới cư sĩ tại gia ở vùng đất này sau thời kỳ Phật giáo suy tàn, nhưng Ellora vẫn không bị phá hoại.
Về sau, suốt thế kỷ thứ XIX, địa danh này nằm dưới sự kiểm soát của những người Holkar của Indore khi họ thắng trong cuộc đấu giá dành quyền thờ phụng và cũng để thu phí vào cổng. Sau những người Holkar, địa danh này thuộc về quyền kiểm soát của những người Nizam của Hyderabad, và những người Nizam đã thực hiện sự tu sửa lại di tích này với sự hướng dẫn của Hội Khảo cổ học Ấn Độ. Quần thế này sau đó thuộc về quyền kiểm soát của Hội Khảo cổ học Ấn Độ khi Ấn Độ cơ cấu lại các tiểu bang và những người Nizam được sáp nhập vào bang Maharashtra. Quần thể Ellora được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1983.
Cách đến Ellora
Viếng thăm Ellora cũng như Ajanta là để xem những công trình kiến trúc và điêu khắc vĩ đại mà người xưa đã để lại, và với những người yêu thích kiến trúc và mỹ thuật, thì những địa điểm như thế này thật sự lý tưởng. Ellora không chỉ thể hiện mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, mà cũng bao gồm kiến trúc và mỹ thuật Ấn giáo và Kỳ-na giáo.
Để đến Ellora, đối với những du khách đến từ những nước khác, thông thường sẽ đi bằng tàu lửa hoặc máy bay đến Aurangabad và sau đó thuê xe đến địa danh này. Ga tàu (Aurangabad Railway Station) và sân bay (Chikkalthana Airport) ở Aurangabad đều nối tuyến đường với những thành phố lớn của Ấn Độ như Delhi, Mumbai, Hyderabad… Như vậy ta có thể đi tàu hay máy bay từ Delhi hay Mumbai đến Aurangabad và sau đó thuê xe đến Ellora.
Mã an toàn:
LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...
Ý kiến bạn đọc