Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Sadi SAMKICCA

Đăng lúc: Thứ ba - 14/05/2013 21:57 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
(110) Dầu sống một trăm năm, Ác giới, không thiền định, Tốt hơn sống một ngày, Trì giới, tu thiền định.

Dầu sống một trăm năm…

Do chuyện Sa-di Saṁkicca, Thế Tôn đã dạy câu trên khi ngụ tại Kỳ Viên.

Có ba mươi vị vọng tộc sống ở Xá-vệ nghe Phật thuyết pháp, quy phục và đi tu. Sau năm năm làm tròn bổn phận, họ đến gặp Phật nghe dạy về pháp học và pháp thiền. Vì lớn tuổi mới xuất gia, họ không thể theo nổi pháp học, mà muốn tu tập thiền quán, và được Phật giao đề mục thiền quán hướng đến quả vị A-la-hán, họ xin vào rừng ẩn tu. Phật biết trước họ sẽ bị nguy hiểm vì một người ăn thịt vụn, nhưng nếu có Sa-di Saṁkicca đi theo thì sẽ được an ổn, và đạt đến cứu cánh của đời tu.

Saṁkicca là Sa-di của Trưởng lão Xá-lợi-phất chỉ mới bảy tuổi. Mẹ chú thuộc gia đình giàu có ở Xá-vệ. Khi mang thai chú, bà lâm bệnh chết đột ngột. Từ giàn hỏa toàn thân bà cháy hết, còn đứa bé chưa sinh không cháy. Nhưng khi dùng cây khiêng đứa bé ra khỏi giàn hỏa, chú bé bị các cây đó đâm vào thịt hai ba chỗ, một mũi đâm trúng vào con ngươi chú, rồi chú lại bị ném vào đống than, thịt chú cháy hết. Nhưng trên đống than đó lại xuất hiện một chú bé như một tượng vàng đang ngồi trên đài sen. Đây là kiếp cuối của chú trước khi chứng Niết-bàn, và vì chưa thành tựu quả vị A-la-hán nên không gì có thể hoại diệt chú, ngay cả núi Tu-di rơi xuống.

Ngày kế, họ đến dập tắt lửa, ngạc nhiên thấy chú còn sống. Họ đem chú về làng thỉnh ý thầy bói; và biết được nếu chú sống đời gia chủ, thân quyến sẽ không nghèo suốt bảy đời, nếu đi tu sẽ có năm trăm người tùy tùng. Vì mắt bị gậy (Saṁku) đâm, họ đặt tên chú là Saṁkicca.

Lên bảy tuổi, chú nghe bè bạn nói về thân thế của mình, hỏi lại bà con quả đúng như thế, chú quyết định đi tu. Bà con cũng đã có ý đó khi nghe lời thầy bói, nên hoan hỷ dẫn chú đến giao cho Trưởng lão Xá-lợi-phất xin nhận chú vào Tăng đoàn. Trưởng lão ưng thuận và dạy chú thiền quán trên năm yếu tố đầu tiên của thân. Ngay lúc dao cạo vừa chạm tóc, chú chứng A-la-hán. Đó là chuyện Sa-di Saṁkicca.

Do đó khi ba mươi vị vọng tộc xin vào rừng, Phật bảo hãy đến gặp Trưởng lão Xá-lợi-phất. Suy xét sự việc, Ngài hiểu ý Phật nên bảo họ để Sa-di Saṁkicca đi theo. Ban đầu họ từ chối vì nghĩ rằng không cần đến đứa bé bảy tuổi, nhưng được Trưởng lão giải thích chính họ mới là chướng ngại của Sa-di và đó là ý của Phật, họ bằng lòng.

Ba mươi mốt người từ giã Trưởng lão rời tinh xá. Họ du hành từ nơi này đến nơi khác và sau một trăm hai mươi dặm đường họ đến một làng có ngàn gia đình cư trú. Dân cư thấy họ hoan hỷ, hết lòng phục vụ những thứ cần dùng. Được biết họ đi tìm nơi thích hợp để tu, dân chúng quỳ lạy dưới chân xin họ ở lại đây hết mùa mưa, họ sẽ giữ năm giới và làm tròn bổn phận ngày chay. Được nhận lời, dân chúng sửa soạn chỗ ở ban ngày và ban đêm, lối đi có mái che và lều cỏ. Họ chia bổn phận hàng ngày cho nhiều nhóm. Ai cũng làm phần mình không quá sức, tận tình phục vụ những thứ cần dùng.

Đầu mùa mưa các Trưởng lão thỏa thuận như sau:

- Chư huynh đệ! Chúng ta đã nhận đề mục thiền quán từ Đức Phật và muốn nhận được ân huệ của chư Phật không làm gì khác hơn là tinh tấn tu tập. Cửa khổ não vẫn đang mở rộng trước mặt; do đó chỉ trừ sáng sớm đi khất thực, buổi tối hầu hạ Đại Trưởng lão, các giờ khác không được tụ họp từ hai người trở lên. Ai có đau ốm, hãy đánh chuông, chúng ta sẽ đến lo thuốc men. Từ bây giờ trở đi bất luận ngày đêm, chúng ta hãy chú tâm chuyên cần vào đề mục thiền quán.

Rồi mọi người trở về chỗ của mình.

Lúc đó có một người nghèo sống nhờ vào đứa cháu gái, nhưng nó hất hủi nên ông phải đi tìm đứa cháu khác nương náu. Ông đến chỗ các Tỳ-kheo đang ngồi trên bãi cát thọ thực sau khi khất thực trong làng về và kính cẩn đứng một bên. Các Tỳ-kheo hỏi thăm, thương hại ông và chia phần cơm trộn với xúp và cà ri trên một chiếc lá. (Đúng theo luật là khi có người đến vào giờ cơm, nếu không có món ngon nhất thì chia món đang ăn dù ít nhiều cũng được). Ăn xong ông hỏi thăm và khi biết các Tỳ-kheo không nhận lời mời ăn của ai cả mà đi khất thực hàng ngày, trong khi ông phải làm quần quật cả ngày mà chưa bao giờ được ăn như thế, do đó ông có ý định đi theo các Tỳ-kheo hầu hạ.

Hai tháng trôi qua, vì tận tụy làm việc, ông được cảm tình của các Tỳ-kheo. Muốn thăm cháu, nhưng sợ các Tỳ-kheo không cho, ông bỏ trốn.

Ông đến một khu rừng có năm trăm tên cướp đã sống ở đó. Chúng cầu nguyện với thần sống ở đó, nếu có ai vào trong rừng sẽ giết để tế thần. Và chúng gặp ngay ông lão, vây bắt, trói lại thật chặt rồi chất củi, đốt lửa, vót cọc gỗ nhọn. Ông lão ngạc nhiên hỏi, hóa ra chúng chuẩn bị làm thịt ông để tế thần. Sợ chết khủng khiếp, ông quên hết lòng tốt của các Tỳ-kheo đối với ông mà chỉ làm mọi cách để cứu mạng mình. Do đó ông chỉ cho bọn cướp chỗ ở của ba mươi mốt Tỳ-kheo để chúng bắt làm vật tế thần, chắc chắn thần sẽ vui mừng hơn. Còn ông thì già cả, chỉ ăn đồ thừa. Bọn cướp nghe ông nói có lý, bèn bảo ông dẫn đường đến tinh xá. Đến nơi chẳng thấy ai, ông lão bảo thủ lãnh đánh chuông, thế là các Tỳ-kheo tụ đến và ngồi xuống ghế đá thẳng hàng đặt sẵn ở đó. Đại Trưởng lão của hội chúng thấy bọn cướp liền hỏi ai đánh chuông và lý do gì. Chúng bảo cần một Tỳ-kheo để tế thần. Đại Trưởng lão lấy quyền huynh trưởng quyết định rằng ông sẽ đi nạp mạng, đừng để số phận của tất cả phải chết, hãy ở lại tu tập. Nhưng Đệ nhị Trưởng lão cũng lên tiếng. Bổn phận của huynh trưởng người thứ hai phải gánh lấy, tức là tôi sẽ ra đi, những người ở lại phải chuyên tâm chánh niệm.

Cứ thế cả ba mươi Tỳ-kheo xếp hàng đòi đi, dù không cùng cha cùng mẹ nhưng đã thoát khỏi mọi trói buộc nên ai cũng muốn hy sinh mình vì người khác.

Sa-di Saṁkicca nghe các Tỳ-kheo nói như thế cũng quyết định xin đi, nhưng các Tỳ-kheo không cho vì sợ Trưởng lão Xá-lợi-phất trách cứ sao nỡ giao đệ tử của Ngài cho bọn cướp. Tuy thế Sa-di vẫn nhất quyết bảo rằng chính vì lý do này mà Trưởng lão thầy mình bảo đi theo các Tỳ-kheo, và chú còn xin được tha thứ nếu có lầm lỗi điều chi. Rồi chú Sa-di ra đi, các Tỳ-kheo mắt đẫm lệ, lòng xốn xang. Đại Trưởng lão bảo bọn cướp khi sửa sọan lửa, cọc nhọn, trải lá, đừng để cho chú thấy kẻo sợ. Bọn chúng mang chú Sa-di đi, đến chỗ hành lễ. Khi mọi việc đã xong chú ngồi xuống, nhập định. Tên thủ lãnh vung kiếm chém xuống vai chú. Nhưng lưỡi kiếm cong làm hai, lưỡi chạm lưỡi. Tên cướp uốn thẳng lưỡi kiếm chém nhát nữa. Lần này lưỡi kiếm bị mẻ nứt từ cán đến mũi như một lá cỏ.

Tên thủ lãnh giật mình thấy sự kỳ diệu. “Thanh kiếm này trước đây chém trụ đá hay gốc keo như chém chồi non, nay bị cong và nứt. Một vật vô hình như thanh kiếm mà còn biết đức hạnh của thiếu niên này, huống hồ một người có lý trí là ta”. Nghĩ thế nên hắn quăng kiếm, phủ phục xuống chân Sa-di thưa:

- Tôn giả! Chúng tôi đã ở trong rừng này, dù cả ngàn người mà thấy chúng tôi từ xa, ai cũng đều run rẩy, còn hai hay ba người thì chẳng dám thốt một lời.

Nhưng Ngài chẳng mảy may run sợ. Khuôn mặt Ngài rạng ngời như vàng ròng trong lò hay đóa hoa Kaṇikāra nở to, vì sao thế?

Và hắn lặp lại câu hỏi bằng bài kệ:

                    Ngài không run, không sợ.
                    Hơn nữa, thật an tĩnh.
                    Tại sao Ngài không khóc,
                    Lúc khủng khiếp như vậy?

Sa-di xuất định, thuyết pháp cho bọn cướp :

- Này thủ lãnh! Người nào thoát khỏi dục lậu thì xem cuộc đời như gánh nặng trên đầu, và nếu bị hoại diệt, chỉ có vui chứ không sợ.

Và chú nói kệ tiếp:

                Này thủ lãnh!
                Người thoát khỏi tham dục
                Sẽ không còn khổ nữa.
                Này, người chứng kiến!
                Kẻ đã thoát buộc ràng,
                Sẽ chẳng còn sợ chi.
                Nhân luân hồi tử sanh,
                Nếu đời này diệt được,
                Chết không còn đáng sợ,
                Như gánh nặng quẳng đi.

Tên thủ lãnh lắng nghe Sa-di xong, nhìn năm trăm tên cướp hỏi chúng có ý định gì. Chúng hỏi lại hắn, hắn đáp:

- Ta quá ngạc nhiên về sự kỳ diệu này, và giờ đây không còn muốn sống đời gia đình nữa. Ta sẽ đi tu với Sa-di.

Cả bọn nhao nhao lên đòi đi tu theo, và chúng cúi mình trước Sa-di xin gia nhập Tăng đoàn. Dùng gươm, tên, chúng cạo đầu, cắt vạt áo, và nhuộm với đất nâu. Sa-di bảo chúng khoác y vàng và truyền mười giới cho. Rồi thầy trò ra đi đến các Trưởng lão để các Ngài yên tâm hành thiền. Quả thế, trông thấy chú, các Ngài nhẹ nhõm chào mừng. Chú xin phép dẫn các tân tu sĩ đến gặp Phật và thầy của chú. Trưởng lão Xá-lợi-phất và cả Phật đều hỏi thăm năm trăm đệ tử của Sa-di. Và Phật bảo họ:

- Này các Tỳ-kheo, dù chỉ sống một ngày an trụ trong đức hạnh như các ông đang sống, còn hơn sống trăm năm đắm sâu trong tội ác cướp bóc.

Xong, Ngài đọc Pháp Cú:

                    (110)   Dầu sống một trăm năm,
                                Ác giới, không thiền định,
                                Tốt hơn sống một ngày,
                                Trì giới, tu thiền định.

Sau thời gian làm tròn bổn phận, Sa-di Saṁkicca thành Tỳ-kheo. Được mười năm, chú độ con của người chị làm Sa-di tên Atimuttaka. Đến đúng tuổi chú Sa-di được Trưởng lão Saṁkicca gởi về nhà hỏi lại cha mẹ tuổi chính xác. Trên đường đi chú bị năm trăm tên cướp bắt định tế thần. Chú thuyết pháp cải hóa chúng, và được chúng thả ra với điều kiện không được nói với ai về sự có mặt của chúng. Sa-di giữ lời hứa, nên khi thấy cha mẹ đi ngược chiều về phía bọn cướp chú vẫn nín thinh. Cha mẹ chú bị ngược đãi trong tay bọn cướp, khóc lóc trách móc chú đã thông đồng với bọn cướùp, nên không thông tin cho biết trước. Bọn cướp nghe được lời trách móc, biết chú bé đã giữ lời hứa, nên phát lòng tin, xin được gia nhập Tăng đoàn. Giống như thầy của chú trước kia, chú thu nhận hết và dẫn đến Trưởng lão SaÚkicca rồi đến gặp Thế Tôn. Phật nghe chuyện bèn dạy câu Pháp Cú như trên (110).

 

Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 233
  • Khách viếng thăm: 228
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 68970
  • Tháng hiện tại: 243478
  • Tổng lượt truy cập: 79112342

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile