Tâm từ, vị an lạc và giải thoát
Hãy thử mơ tưởng môt điều không tưởng, là bỗng nhiên, tất cả những người đang nắm quyền sinh sát trên thế giới đều đồng loạt DỪNG LẠI tâm sân hận, nhìn rõ mặt nhau, nhìn rõ những sự thể điêu linh đang xảy ra. Chỉ cần dừng lại như thế giây lát thôi, rồi tất cả bỗng đồng loạt KHỞI ĐI bằng TÂM TỪ để giải quyết những tranh chấp bằng TÌNH THƯƠNG thì điều gì sẽ xảy ra ?
Trong kinh Trung A Hàm có đoạn nói về một buổi sáng vua Pasenadi đến thăm Đức Thế Tôn ở tu viện Kỳ-Viên-Tự. Vua bảo đoàn tùy tùng xênh xang người, ngựa ở hết bên ngoài, chỉ mình nhà vua lững thững vào am thất đảnh lễ Đức Thế Tôn. Hôm đó, vua Pasenadi băn khoăn thưa rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn, nhờ hưởng ân đức giáo pháp, con đã tuân lời, cố gắng chăm lo thần dân, thương yêu hoàng tộc nhưng con vẫn có cảm tưởng là họ chưa được hạnh phúc. Bạch Đức Thế Tôn, con phải làm gì hơn nữa ?
Đức Phật ôn tồn bảo:
- Thương yêu chưa đủ đâu, thương yêu còn phải đi đôi với hiểu biết mới có thể mang hạnh phúc cho đối tượng mình thương. Chẳng hạn như đại vương tỏ lòng yêu hoàng-hậu, công chúa bằng cách tuyển chọn nhiều đoàn ca múa xuất sắc vào cung, ngày đêm múa hát cống hiến những màn giải trí lộng lẫy, vui tươi rồi bắt hoàng hậu, công chúa thưởng thức; trong khi, đại vương có biết rằng hoàng hậu và công chúa chỉ muốn phục sức đơn giản, cùng đoàn tùy tùng mang lương thực, vải vóc tới thăm những xóm nghèo ? Đại vương cũng muốn hoàng tử ngày đêm học kinh Vệ Đà trong khi chàng chỉ muốn lắng tâm thiền định ? Hãy chỉ nói trong phạm vi rất nhỏ là gia đình cũng có thể cho ta thấy rằng, nhiều khi ta tưởng ta yêu thương người khác mà lại không hề tìm biết đến nhu cầu của đối tượng thì rốt ráo chỉ là ta thương ta, ta thỏa mãn những điều chính ta muốn mà thôi. Thương như thế, làm sao mang được hạnh phúc cho người mình thương ?
Vua Pasenadi bàng hoàng khi nghe những lời chỉ dạy như vậy. Sự việc bỗng dưng quá giản dị mà trước đây nhà vua không hề thấy. Sức mạnh của lòng kính ngưỡng đã khiến vua Pasenadi sụp lạy dưới chân Phật. Đức Thế Tôn đỡ vua ngồi lên rồi chậm rãi nói tiếp:
- Cũng thế, người cai trị quốc gia bằng tình thương, tức là bằng tâm từ và tinh thần bất bạo động thì dân chúng sẽ luôn được an lạc, thái bình. Đại vương có muốn nhìn thấy những người trai trẻ của vương quốc bị chết chóc, thương vong khi giao chiến với các nước lân bang không ?
Bị hỏi bất ngờ, vua Pasenadi trả lời ngay:
- Bạch Đức Thế Tôn, trẫm thương dân chúng trẫm như con cái. Trẫm rất đau lòng khi các con trẫm phải xông pha ngoài trận mạc.
Đức Thế Tôn nâng tách trà lên, nhưng rồi lại từ tốn đặt xuống và nói tiếp:
- Cũng thế, vua của các nước lân bang cũng không muốn thấy con cái họ bị thảm sát ngoài chiến trường. Nhưng vì đâu, không ai muốn mà tranh chấp tàn khốc vẫn xảy ra ? Đó là vì những người nắm vận mạng người khác đã không bắt đầu mỗi sự việc bằng TÂM TỪ. Tâm từ ở đây là lòng thương người như thương chính ta. Nếu đại vương nhìn những chàng trai trẻ của lân bang bằng cái nhìn yêu thương như nhìn trai trẻ trong vương quốc thì đại vương cũng sẽ bảo vệ họ như bảo vệ con cái của đại vương. Ngược lại, nếu những quốc gia lân bang cũng yêu thương thần dân của đại vương như thần dân của họ thì làm sao có cảnh cha mẹ đẩy con cái vào chốn máu đổ, thịt rơi ?! Tất cả chỉ vì chúng ta không cùng khởi đầu bằng tâm từ mà lại bằng tâm sân hận. Điểm tới của tâm từ là nối kết yêu thương và tăng trưởng hạnh phúc. Điểm tới của tâm sân hận là tàn phá và hủy diệt an lạc. Mùa Xuân năm trước, khi về thăm hoàng gia, tôi cũng thưa với phụ hoàng tôi như thế và Người đã mời các quốc vương lân bang tới, cùng hội ý. Từ đó tới nay, dân chúng những quốc gia lân bang đều được an lạc, thái bình vì gặp bất cứ vấn đề gì, các quốc vương đều giải quyết bằng tâm từ.
Nghe tới đây, vua Pasenadi cực kỳ rúng động. Như lời Phật dạy thì hòa bình và hạnh phúc của nhân loại ở ngay trong tầm tay. Chỉ cần những người nắm quyền sinh sát đều khởi Tâm Từ. Tất nhiên, trong đời sống luôn có nhiều va chạm, bất đồng, từ đơn vị nhỏ là gia đình, xã hội, rồi tới quốc gia, thế giới. Nhưng dù bất cứ là những tranh chấp gì, nếu chúng ta khởi đi bằng Tâm Từ để giải quyết với nhau thì chắc chắn bạo động và chết chóc phải giảm thiểu được rất nhiều, nếu không muốn nói là sẽ tránh được.
Trong lịch sử nhân loại, hãy thử đi vào những lý do của từng phía tranh chấp sẽ dễ dàng thấy rõ những “Cái Ta” chứ không mấy khi thấy cái “Chúng Ta”. Khi chỉ có “Cái Ta” thì tất nhiên, ngay sau đó là phải bảo vệ “Cái Của Ta”. Mà khi cần bảo vệ “Cái Của Ta’ thì phải tiêu diệt “Cái Của Nó”... v...v.... Suốt giòng chảy hung hãn đó, không ai dừng lại để hỏi “ Có làm gì khác được không ? Tiêu diệt nhau rồi tới đâu ?” Tệ hại hơn nữa, nếu họ có dừng lại đôi phút chỉ là để họp bàn nhau làm sao tiêu diệt đối phương mau hơn, mạnh hơn. Họ thường quên cái giá phải trả khi đối phương phản công.
Lịch sử nhân loại đã có không biết bao nhiêu câu trả lời bi thảm khi con người tranh chấp nhau bằng bạo lực, nhưng sóng lớp sau vẫn vỗ lên lớp trước. Bao hình ảnh phi lý khi những toán cứu thương liều thân vào vòng lửa đạn cõng người bị thương, chở vội đến những bệnh viện dã chiến gần khu giao tranh để tận tâm tận lực cứu sống từng nhân mạng thì cách đó không xa, bom đạn do người tung ra vẫn nhắm vào người. Rồi người lại can đảm vào cõi chết cứu người !!! ... Nơi này chủ tâm tàn phá cả đô thị, nơi kia vẫn chắt chiu dựng từng mái ấm cho người trú thân. Thiện và ác đều nhân danh những ý thức hệ đặc thù vị kỷ để thỏa mãn nhân sinh quan của mình, dù rằng, khi diệt người thì ta cũng chẳng toàn thân !
Ai trách Phật là giáo lý của Ngài toàn năng, sao đã gần 2600 năm mà nhân loại ngày càng thêm vô minh, thống khổ ? Họ quên một lời điềm đạm Phật từng nói: “Đường ta đã chỉ. Cất bước lên mà đi hay không là do các con”.
Hãy thử mơ tưởng môt điều không tưởng, là bỗng nhiên, tất cả những người đang nắm quyền sinh sát trên thế giới đều đồng loạt DỪNG LẠI tâm sân hận, nhìn rõ mặt nhau, nhìn rõ những sự thể điêu linh đang xảy ra. Chỉ cần dừng lại như thế giây lát thôi, rồi tất cả bỗng đồng loạt KHỞI ĐI bằng TÂM TỪ để giải quyết những tranh chấp bằng TÌNH THƯƠNG thì điều gì sẽ xảy ra ?
Đó là vị an lạc và giải thoát.
Tác giả bài viết: Phong Đông
Ý kiến bạn đọc