Đức Phật dạy La-hầu-la như thế nào?
Cậu bé La-hầu-la làm theo lời mẹ, đến đảnh lễ ra mắt Đức Phật. Nhưng khi đến gần Đức Phật, chiêm ngưỡng thân tướng trang nghiêm và dung mạo uy nghi của Ngài, La-hầu-la quên bẵng lời mẹ dặn. Cậu chắp tay cung kính và bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Sa-môn, chỉ cái bóng của Ngài thôi cũng làm cho con mát mẻ an vui”. Thế rồi cậu bé cứ quấn quýt bên chân Đức Phật cho đến khi Ngài thọ trai xong và rời khỏi hoàng cung trở về nơi lưu trú trong ngự uyển.
La-hầu-la cũng đi theo Đức Phật về ngự uyển. Trên đường về, bất chợt La-hầu-la nhớ lạy lời mẹ dặn, cậu bèn bạch với Đức Phật: “Bạch Sa-môn, xin cho con phần tài sản của con ”. Về đến nơi, Đức Phật thầm nghĩ: “Tài sản trong thế gian chất chứa đầy phiền não. Như Lai sẽ ban cho con gia tài cao thượng gồm bảy phần mà Như Lai đã đạt được dưới cội bồ-đề. Con sẽ trở thành chủ sở hữu của một gia tài siêu thế”. Ngài gọi Tôn giả Xá-lợi-phất làm lễ xuất gia cho La-hầu-la và lãnh trách nhiệm làm thầy giáo thọ dạy dỗ cậu.
Sa-di La-hầu-la thông minh lại chuyên cần tu học, biết vâng lời và tôn trọng giới luật. Mỗi sáng cậu dậy học sớm, lấy tay vốc một nắm cát và tung lên rồi nguyện: “Mong rằng ngày hôm nay ta học được nhiều như số cát này”.
Mặc dù giao việc dạy dỗ La-hầu-la cho Tôn giả Xá-lợi-phất nhưng Đức Phật vẫn thường xuyên quan tâm giáo huấn cậu. Một trong những bài kinh nổi tiếng mà Đức Phật dạy La-hầu-la là kinhAmbalatthikàràhulovàda (Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-ba-la, thuộc Trung bộ kinh II). Bài kinh nói về tầm quan trọng của lòng trung thực, của sự chân thật, và tầm quan trọng của sự phản tỉnh để diệt trừ mọi ý niệm, lời nói và hành động bất thiện. Về tính trung thực, Đức Phật dạy La-hầu-la: “Đời Sa-di quả thật không có nghĩa lý gì nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Đời Sa-di quả thật như bỏ đi nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Đời Sa-di quả thật bị đảo lộn nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Đời Sa-di quả thật trống không và vô vị nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Với người nói dối mà không biết hổ thẹn, Như Lai tuyên bố không có điều tội lỗi, xấu xa nào mà người đó không làm. Do đó, La-hầu-la, con phải cố gắng lập tâm quyết định: Dù trong lúc chơi đùa, con cũng không nói dối”. Về tầm quan trọng của sự phản tỉnh để diệt trừ những ý niệm, lời nói và hành vi bất thiện, Đức Phật hỏi La-hầu-la:
- Này La-hầu-la, cái gương dùng để làm gì?
- Bạch Đức Thế Tôn, để phản chiếu lại hình ảnh.
- Cũng như vậy, này La-hầu-la, trước khi hành động điều gì, con phải quán xét, suy gẫm tận tường. Trước khi nói điều gì con phải quán xét và suy gẫm tận tường. Trước khi nghĩ điều gì, con phải quán xét và suy gẫm tận tường. Này La-hầu-la, bất cứ điều gì con muốn làm bằng thân, phải quán xét, suy gẫm, nếu biết rõ: “Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai (mình và người), thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến phiền não khổ đau”. Một thân nghiệp như vậy, này La-hầu-la, con nhất định chớ có làm. Này La-hầu-la, nếu sau khi quán xét, suy gẫm, con thấy rõ: “Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Một thân nghiệp như vậy là thiện, này La-hầu-la, con nên làm. Này La-hầu-la, trong khi đang làm điều gì bằng thân, con phải quán xét, suy gẫm tận tường, nếu con biết rõ: “Thân nghiệp này ta đang làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đưa đến quả báo đau khổ”. Này La-hầu-la, thân nghiệp như vậy là bất thiện, con hãy từ bỏ thân nghiệp ấy. Nhưng nếu trong khi quán xét, suy gẫm, con biết như sau: “Thân nghiệp này ta đang làm, không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Thân nghiệp như vậy, này La-hầu-la, con cần phải tiếp tục làm.
Này La-hầu-la, sau khi con làm xong một thân nghiệp, con cũng cần phải quán xét, suy gẫm về thân nghiệp ấy như sau: “Thân nghiệp này ta đã làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người khác, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”. Một thân nghiệp như vậy, này La-hầu-la, con cần phải thưa lên thầy mình, cần phải trình bày trước thầy mình, các bậc đạo sư, hay trước các vị đồng phạm hạnh, các bậc thiện tri thức. Sau khi đã phát lồ sám hối, con phải chừa bỏ, không nên tái phạm. Này La-hầu-la, như thế ấy con phải cố gắng luyện tập, trau giồi, luôn luôn quán xét, suy gẫm tận tường để giữ cho mọi hành động bằng thân, khẩu, ý được trong sạch.
Đức Phật dạy La-hầu-la trước khi làm việc gì, trong khi làm việc gì và sau khi làm việc gì, trong ba thời gian tạo tác đó đều cần phải tư duy quán xét để tránh những lầm lỗi, bất thiện nghiệp tạo ra từ thân, khẩu, ý. Những lời dạy này sâu sát với tôn chỉ: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý” (Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch) và “Nguyện đoạn nhất thiết ác, nguyện tu nhất thiết thiện, nguyện độ nhất thiết chúng sinh” (Nguyện dứt trừ tất cả điều ác, nguyện thực hành tất cả điều lành, nguyện độ tất cả chúng sinh).
Năm 18 tuổi, La-hầu-la trở thành một thanh niên có phong độ uy nghiêm khả kính, thân tướng đẹp đẽ, dung mạo phi phàm. Một lần trên đường trì bình khất thực cùng Đức Phật, La-hầu-la khởi lên ý nghĩ: “Ta cũng đẹp như Đức Thế Tôn. Thân tướng của Đức Thế Tôn vô cùng đẹp đẽ và thân tướng của ta cũng vậy”. Đức Phật đọc được tư tưởng ấy, Ngài dạy La-hầu-la như sau: “Bất luận thân tướng như thế nào, hình dáng đẹp đẽ hay xấu xí cũng phải được quán sát: Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”. Đức Phật dạy La-hầu-la phải quán chiếu như thế để không luyến ái, chấp trước tấm thân ngũ uẩn giả tạm, không sinh tâm kiêu mạn khi thấy thân tướng mình trang nghiêm, đẹp đẽ.
Nhờ nghiêm trì giới luật và tinh tấn tu tập thiền định theo sự hướng dẫn của Đức Phật và Tôn giả Xá-lợi-phất, không bao lâu, khi nghe giảng bài kinh Cùla Ràhulovàda, La-hầu-la chứng Thánh quả A-la-hán. Trong Trưởng lão Tăng kệ có ghi lại bài kệ của Tôn giả La-hầu-la sau khi Ngài chứng Thánh quả như sau:
Nhờ ta được diễm phúc
Có phước báo tốt đẹp
Làm con đấng Như Lai
Lại được trao Pháp nhãn
Nên được bạn trí gọi:
“La-hầu-la may mắn”.
Các lậu hoặc đoạn tận,
Không còn có tái sinh
Tam minh ta đạt được
Thấy được cõi bất tử.
Khác với thế gian thường tình, cha mẹ thường trao cho con cái gia tài là của cải bạc vàng, Đức Phật đã không làm thế, Ngài để lại gia tài cho con mình là phước đức, trí tuệ, là sự nghiệp giác ngộ, giải thoát. Thế gian thường dạy con cái nghề nghiệp mưu sinh, cách làm sao để kiếm được nhiều tiền, làm sao để giàu sang, có quyền thế danh vọng. Nhưng Đức Phật thì ngược lại, Ngài dạy con mình rằng, tất cả mọi thứ trên thế gian này là phù du tạm bợ, “không phải là ta, không phải của ta, không phải là tự ngã của ta”, không có gì vững bền và tồn tại mãi mãi. Của cải, bạc vàng, danh vọng, địa vị là đầu mối của phiền não khổ đau, chỉ có Niết-bàn an lạc mới là chân hạnh phúc, chỉ có sự nghiệp hoằng pháp độ sinh, làm lợi ích cho đời mới là sự nghiệp cao quý bậc nhất ở thế gian.
Mã an toàn:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa) Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta) Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...
Ý kiến bạn đọc